Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 06/2022/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 06/2022/KDTM-PT NGÀY 26/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 26 tháng 9 năm 2022, tại Hội trường xét xử Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 04/2022/TLPT-KDTM ngày 19 tháng 8 năm 2022 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 04/2022/KDTM-ST ngày 26 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố X, tỉnh Bến Tre bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 212/2022/QĐ-PT ngày 29 tháng 8 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa số 238/2022/QĐ-PT ngày 15 tháng 9 năm 2022, giữa:

1. Nguyên đơn: Doanh nghiệp T;

Địa chỉ: Số B, xã Đ, huyện B, tỉnh Bến Tre.

Chủ Doanh nghiệp: Ông Trần N, sinh năm: 1967; Địa chỉ: Ấp B, xã Đ, huyện B, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Ông Lê H, sinh năm: 1992; ĐKHKTT: Xã I, huyện I, tỉnh Nghệ An.

Địa chỉ liên hệ: Số 3E1 C, khu phố M, phường B, thành phố X, tỉnh Bến Tre. (theo Giấy ủy quyền ngày 16/5/2022).

2. Bị đơn: Tổng Công ty M;

Địa chỉ: Số 26 Đ, phường O, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật : Ông Vũ U. Chức vụ : Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng:

2.1. Ông Trần Q. Chức vụ: Trường phòng Nghiệp vụ Công ty R.

Địa chỉ: Số 109 Đ, phường P, thành phố X, tỉnh Bến Tre. (theo Giấy ủy quyền ngày 22/10/2021).

2.2. Ông Nguyễn Y. Chức vụ: Chuyên viên Ban bảo hiểm Hàng Hải.

Địa chỉ: Ấp S, xã L, thị xã G, tỉnh Tiền Giang. (theo Giấy ủy quyền ngày 22/10/2021).

2.3. Ông Nguyễn A. Chức vụ: Chuyên viên pháp lý Tổng Công ty M. Địa chỉ: Số 214 S, khu phố N, phường M, thành phố Đ, tỉnh Quảng Trị. (theo Giấy ủy quyền ngày 22/10/2021).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ngân hàng V.

Địa chỉ: Số 21 K, phường A, thành phố X, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện theo pháp luật : Ông Phan E. Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Ông Nguyễn G. Chức vụ:

Giám đốc Phòng Giao dịch B, trực thuộc Ngân hàng V - Chi nhánh Bến Tre.

Địa chỉ: Ấp B, thị trấn B, huyện B, tỉnh Bến Tre.

(theo Giấy ủy quyền ngày 01/9/2021, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3.2. Công ty R;

Địa chỉ: Số 109A Đ, phường P, thành phố X, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Y. Chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng: Ông Trần Q. Chức vụ:

Trưởng phòng nghiệp vụ.

(theo văn bản ủy quyền ngày 15/9/2021).

3.3. Ông Trần T, sinh năm 1986;

Địa chỉ: Số T, ấp 3, xã Đ, huyện B, tỉnh Bến Tre.

4. Người kháng cáo: Bị đơn Tổng Công ty M.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm;

Theo đơn khởi kiện, các đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung; lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 20/01/2020, Doanh ngiệp T do ông Trần N làm chủ doanh nghiệp có đơn yêu bảo hiểm tàu cá khai thác hải sản xa bờ đối với chiếc tàu BT-99498- TS với Tổng Công ty M do Công ty R phát hành số MCF/014131165; thời hạn bảo hiểm từ ngày 17/01/2020 đến 24 giờ ngày 16/01/2021; đối tượng bảo hiểm thân tàu, tai nạn thuyền viên; số tiền bảo hiểm là 5.926.000.000 đồng nhưng chiếc tàu nêu trên chỉ mua bảo hiểm 50% của số tiền 5.926.000.000 đồng là 2.963.000.000 đồng; phí bảo hiểm hàng tháng phải đóng là 18.578.000 đồng nhưng chủ tàu ông N chỉ đóng 9.289.005 đồng, số tiền còn lại Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng là 9.289.005 đồng. Khi xảy ra sự cố cháy tàu thì ông N đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm cho Công ty R vào ngày 16/01/2020.

Vào khoảng 03 giờ 30 phút ngày 13/10/2020, tàu cá BT-99498-TS của Doanh ngiệp T bị cháy. Khi ông Nguyễn L (nhân viên trực tàu cá) phát hiện thì chiếc tàu đã bị cháy thành ngọn lửa ở Cabin tàu. Do đám cháy quá lớn, ông Lợi đã mở dây buộc và đẩy tàu ra ngoài để tránh cháy lan sang các tàu khác. Đến khoảng 3 giờ 40 phút, khi ông N đến hiện trường đã thấy tàu bị đẩy ra ngoài xa. Khoảng 40 phút sau, tàu cá trôi đến ấp M, xã Đ. Lúc này Biên phòng điều động được 02 tàu bơm cát và 04 tàu nhỏ tiếp cận hỗ trợ chữa cháy. Khoảng 04 giờ sau, đám cháy được dập tắt và tàu cháy bị chìm. Ông N đã nhờ 02 tàu bơm cát áp mạn buộc dây để nâng tàu cháy lên và nhờ 04 ghe nhỏ hỗ trợ ủi tàu cháy về neo đậu tại rạch ông 10 E.

Đến 19 giờ 30 phút cùng ngày là lúc nước cạn, tàu bơm cát đã cho bơm nước từ bên trong tàu cháy ra bên ngoài. Khoảng 23 giờ nước đã lớn, ông N nhờ 04 ghe ủi đưa tàu cháy về Cảng cá B.

Sau đó ông N đã gọi điện báo cho Công ty R về con tàu bị cháy. Ngày hôm sau, Tổng Công ty M cử nhân viên và Công ty giám định đến để giám định thiệt hại tàu cá BT-99498-TS. Đến ngày 20/01/2021, Doanh ngiệp T mới làm đơn yêu cầu Tổng Công ty M chi trả bảo hiểm cho tàu cá bị cháy. Tổng thiệt hại theo kết quả giám định của Công ty TNHH Giám định I ngày 15/3/2021 là 1.565.479.469 đồng.

Mặc khác, Doanh ngiệp T đã mua bảo hiểm cho các con tàu từ năm 2014 đến nay. Đối với đơn yêu cầu bảo hiểm của Doanh ngiệp T ngày 20/01/2020 do ông Trần T ký tên được sự ủy quyền ông N. Khi ký hợp đồng này, ông T không được nhân viên Công ty R giải thích quyền và nghĩa vụ của người mua bảo hiểm cũng như không cung cấp cho ông T Bộ quy tắc loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có sự cố xảy ra, vì vậy, ông T không biết việc cháy tàu nêu trên thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Tàu cá BT-99498-TS bị cháy đã làm thiệt hại rất nhiều đến Doanh ngiệp T.

Nay Doanh ngiệp T xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu Tổng Công ty M chi trả bảo hiểm cho tàu cá bị cháy là 782.739.734 đồng, (đã khấu trừ 2% khấu hao của tổng thiệt hại theo thỏa thuận tại giấy chứng nhận bảo hiểm cấp cho Doanh ngiệp T vào ngày 16/01/2020) và không yêu cầu tính lãi suất đối với tiền này.

Tại bản tự khai, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Ngày 16/01/2020, Công ty R thuộc Tổng Công ty M đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số NFC/01802047 cho Doanh ngiệp T do ông Trần N làm chủ doanh nghiệp với các nội dung chủ yếu như sau: Thời hạn bảo hiểm từ 00 giờ ngày 17/01/2020 đến ngày 16/01/2021; đối tượng bảo hiểm là tàu cá BT-99498-TS; số tiền bảo hiểm là 5.926.000.000 đồng.

Vào khoảng 03 giờ 30 phút ngày 13/10/2020, tàu cá BT-99498-TS của Doanh ngiệp T bị cháy. Khi ông Nguyễn L (nhân viên trực tàu cá) phát hiện thì chiếc tàu đã bị cháy thành ngọn lửa ở Cabin tàu. Do đám cháy quá lớn, ông L đã mở dây buộc và đẩy tàu ra ngoài để tránh cháy lan sang các tàu khác. Đến khoảng 3 giờ 40 phút, khi ông N đến hiện trường đã thấy tàu bị đẩy ra ngoài xa. Khoảng 40 phút sau, tàu cá trôi đến ấp M, xã Đ. Lúc này Biên phòng điều động được 02 tàu bơm cát và 04 tàu nhỏ tiếp cận hỗ trợ chữa cháy. Khoảng 04 giờ sau, đám cháy được dập tắt và tàu cháy bị chìm. Ông N đã nhờ 02 tàu bơm cát áp mạn buộc dây để nâng tàu cháy lên và nhờ 04 ghe nhỏ hỗ trợ ủi tàu cháy về neo đậu tại rạch ông 10 E.

Sau khi tàu cháy, ông Trần N có thông báo cho Công ty R biết. Ngày hôm sau, Tổng Công ty M có cử nhân viên của Công ty Giám định I đến hiện trường giám định nguyên nhân cháy con tàu nên trên. Ngày 15/3/2021, Tổng Công ty M nhận được kết quả giám định.

Ngày 25/10/2020, ông N có gửi đơn yêu cầu Tổng Công ty M bồi thường thiệt hại do tàu cá bị cháy. Đến ngày 15/3/2021, Tổng Công ty M mới nhận được kết quả giám định. Công ty R đã gửi đơn đến Doanh ngiệp T về việc từ chối bồi thường thiệt hại theo quy định, vì khi tàu cháy không có người trông coi thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường theo quy định tại điểm 15.1.i của Bộ quy tắc 18759, cụ thể: “ Tổn thất xảy ra do tàu neo đậu tại Bến cảng, nhau bất kỳ vùng nước nào mà không được neo, buộc chắt chắn, không có thuyền viên trực hoặc thuyền viên trực bỏ tàu đi vắng trừ khi có lệnh rời tàu của Cơ quan có thẩm quyền”.

Căn cứ vào đơn yêu cầu bảo hiểm của Doanh ngiệp T do ông Trần T ký ngày 20/01/2020 thì Công ty R trước khi ký tái tục hợp đồng đã được ông Phạm M giải thích về quyền, nghĩa vụ và những điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường, đồng thời, giao Bộ quy tắc bảo hiểm cho ông T ký nhận. Nay Doanh nghiệp T cho rằng không biết những điều khoản loại trừ này là không đúng sự thật.

Mặt khác, hơp đồng bảo hiểm mà Doanh ngiệp T ký ngày 20/01/2020 được áp dụng và thực hiện theo quy định tại Bộ quy tắc 18759 của Bộ Tài chính qui định, nên Bộ quy tắc này được giao riêng cho Doanh ngiệp T, không ghi vào giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản và giấy chứng nhận này được xem là hợp đồng bảo hiểm theo qui định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tổng Công ty M hoạt động kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, quy định của Bộ Tài chính và chấp nhận kết quả giám định chữ ký của ông Trần N.

Nay trước yêu cầu của Doanh ngiệp T, Tổng Công ty M không đồng ý bồi thường, vì sự cháy tàu này thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường theo quy định tại 15.1.i của Bộ quy tắc 18759.

Tại bản tự khai, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty R trình bày:

Lời trình bày của Doanh ngiệp T về thời gian xảy ra sự cháy con tàu cá BT-99498-TS do ông Trần N là Chủ Doanh ngiệp T đứng tên là đúng sự thật. Sau khi xảy ra sự cháy thì ông N có thông báo cho Công ty R và Công ty R đã thông báo đến Tổng Công ty M. Ngày hôm sau, Tổng Công ty M cử cán bộ giám định thuộc Công ty TNHH Giám định I đến hiện trường để giám định thiệt hại tàu cá nêu trên.

Ngày 20/01/2020, ông N có đơn yêu cầu Tổng Công ty M bồi thường chi phí sửa chữa con tàu nêu trên. Trước đó, ngày 15/01/2020, Công ty R có cử nhân viên Phạm M đến kiểm tra tàu cá của Doanh ngiệp T có còn đủ điều kiện để Công ty R bán bảo hiểm hay không. Qua kiểm tra, ông M lập biên bản kiểm định con tàu này còn đủ điều kiện để bán bảo hiểm, ông N có ký tên. Ngày 16/01/2020, ông N đóng 50% phí của hợp đồng với số tiền là 9.289.005 đồng, số tiền còn lại Nhà nước đóng hỗ trợ là 9.289.005 đồng theo Nghị định số 67/2014/NĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ sau khi được UBND xã Đ, huyện B ký xác nhận Doanh ngiệp T thuộc đối tượng đượng hưởng trợ cấp theo Nghị định 67/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Công ty R hoàn tất thủ tục. Ngày 20/01/2020, ông M đến Doanh ngiệp T để ký tái tục hợp đồng với ông N nhưng khi đến không gặp được ông N và ông N thông báo là để cho con ông N là Trần T ký thay. Trước khi ký tái tục hợp đồng, ông Thiện có giải thích về quyền và nghĩa vụ, những điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Trần T nghe, ông T đã ký tên vào đơn yêu cầu bảo hiểm là có nghe và nhận Bộ quy tắc bảo hiểm tại đơn yêu cầu Bảo hiểm ngày 20/01/2020. Việc ký hợp đồng bảo hiểm với Doanh ngiệp T là đúng theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm và quy định của Bộ Tài chính. Công ty R thống nhất với ý kiến của Tổng Công ty M, không có ý kiến gì thêm.

Tại bản tự khai, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng V - Chi nhánh Bến Tre trình bày:

Doanh ngiệp T do ông Trần N làm chủ doanh nghiệp. Khi vay vốn tại BIDV, ông N có thế chấp tàu cá BT-99498-TS. Sau khi xảy ra cháy tàu, hiện nay Doanh ngiệp T đã sữa chữa tàu cá xong. Vì vậy, Ngân hàng V không có ý kiến, không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề gì liên quan đến tranh chấp giữa Doanh ngiệp T và Tổng Công ty M, đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt Ngân hàng V trong vụ án này.

Tại bản tự khai, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần T trình bày:

Ông là con của ông Trần N. Ngày 20/01/2020, đại diện Công ty R có đến Doanh ngiệp T để ký lại hợp đồng bảo hiểm đã hết hạn, lúc này ông N đi vắng, ông T đã ký vào đơn yêu cầu bảo hiểm đề ngày 20/01/2020. Khi đó, ông M chỉ đưa giấy cho ông ký chứ không giải thích những điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khi tàu cháy. Nếu ông Thiện cho rằng có giải thích thì ông M phải đưa ra chứng cứ chứng minh là có sự giải thích cho ông biết những điều khoản này.

Doanh ngiệp T do cha ông làm chủ doanh nghiệp đã mua bảo hiểm từ năm 2014 đến nay nhưng do ông N trực tiếp mua và ký hợp đồng, ông Tín không biết cũng không ký hợp đồng nào. Mặt khác, khi ông N đi vắng thì mọi hoạt động của Doanh ngiệp T do ông T đứng ra giao dịch thay do đã được ông N ủy quyền tham gia các giao dịch này.

Ông T thống nhất với lời trình bày và yêu cầu của Doanh ngiệp T.

Theo các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người làm chứng ông Phạm M trình bày:

Ông là nhân viên của Công ty R. Ngày 15/01/2020, ông được Công ty R cử đến xác minh tàu cá BT-99498-TS của Doanh ngiệp T do ông Trần N làm chủ doanh nghiệp. Qua xác minh, con tàu này có đủ điều kiện để ký tái tục hợp đồng bảo hiểm. Sau khi xác minh ông có lập biên bản, ông N có ký tên. Ngày 16/01/2020, ông N đóng phí bảo hiểm là 2.289.005 đồng. Đến ngày 20/01/2020, ông liên hệ với ông N để ký tái tục hợp đồng bảo hiểm. Khi ông đến Doanh ngiệp T không gặp được ông N mà gặp con ông N là ông Trần T, ông N nói với ông là đã ủy quyền cho ông T ký thay, vì vậy, ông đã đưa cho ông T ký toàn bộ hồ sơ tái tục của hợp đồng bảo hiểm. Trước khi ông T ký hợp đồng, ông có giải thích những điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường cho ông T biết đồng ý ký tên vào đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 20/01/2020. Mặt khác, do ông N là khách hàng mua bảo hiểm lâu năm nên ông M tin tưởng phía ông N, nay ông T cho rằng ông không có giải thích những điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường bảo hiểm là không đúng sự thật. Ông cam đoan những lời trình bày của ông là đúng sự thật, nếu sai ông hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 04/2022/KDTM-ST ngày 26/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố X, tỉnh Bến Tre đã quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Doanh ngiệp T đối với bị đơn Tổng Công ty M, cụ thể tuyên:

Buộc Tổng Công ty M chi trả số tiền bảo hiểm đối với tàu cá BT- 99498- TS của Doanh ngiệp T do ông Trần N làm chủ doanh nghiệp là 767.084.940 đồng.

Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Doanh ngiệp T đối với bị đơn Tổng Công ty M với số tiền 782.739.940 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm thi hành án, án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, quyền kháng cáo của các đương sự, quyền yêu cầu thi hành án.

Ngày 02/6/2022, bị đơn Tổng Công ty M kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung yêu cầu cấp phúc thẩm giải quyết sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo như đã nêu trên.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần T không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bị đơn, yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty R thống nhất với nội dung kháng cáo của bị đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng V vắng mặt tại phiên tòa, không có ý kiến trình bày.

Kiểm sát viên phát biểu:

Về tố tụng: Hội đồng xét xử phúc thẩm và đương sự đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 04/2022/KDTM-ST ngày 26/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố X, tỉnh Bến Tre.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét kháng cáo của của bị đơn và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Về sự có mặt của những người tham gia tố tụng:

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Nguyễn Y đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không có lý do; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng V vắng mặt tại phiên tòa, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án vắng mặt ông Nguyễn Y và Ngân hàng V.

[1.2] Về xác định quan hệ tranh chấp giữa các bên là “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như nhận định của cấp sơ thẩm là phù hợp.

[1.3] Về thời hiệu khởi kiện:

Căn cứ quy định tại Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010 (sau đây gọi là Luật Kinh doanh bảo hiểm) thì thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp. Do đó, Doanh ngiệp T khởi kiện yêu cầu Tổng Công ty M chi trả tiền bảo hiểm là còn trong thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung:

[2.1] Xét giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận khai thác bảo hiểm số MFC/01802047 ngày 16/01/2020:

Doanh ngiệp T do ông Trần N làm Chủ doanh nghiệp có mua bảo hiểm tàu cá số BT- 99498-TS của Tổng Công ty M, được Công ty R cấp Giấy chứng nhận khai thác bảo hiểm số MFC/01802047 ngày 16/01/2020 với số tiền bảo hiểm là 5.926.000.000 đồng, trong đó, vỏ tàu là 3.706.000.000 đồng, máy chính + TTB máy là 2.220.000.000 đồng, TTB tàu không tham gia; Mức bảo hiểm bao gồm bảo hiểm tai nạn thuyền viên (12 người) là 840.000.000 đồng; Hiệu lực bảo hiểm là từ 00 giờ ngày 17/01/2020 đến 24 giờ ngày 16/01/2021; Số tiền đóng phí bảo hiểm là 18.578.010 đồng, trong đó ông N chỉ đóng phí bảo hiểm là 9.289.005 đồng, còn lại Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng phí là 9.289.005 đồng.

Ông Trần N, ông Trần T và Tổng Công ty M đều khẳng định chữ ký Trần N trong Giấy yêu cầu bảo hiểm khai thác hải sản ngày 20/01/2020 (dưới mục Người yêu cầu bảo hiểm) không phải do ông N ký mà do ông T (con của ông N) ký thay.

Đồng thời, tại Kết luận giám định số 432/2021/GĐTL ngày 31/12/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh X, kết luận chữ ký dạng chữ viết “N” và chữ viết “Trần N” dưới mục “Người yêu cầu bảo hiểm” trên “Giấy yêu cầu bảo hiểm khai thác hải sản” đề ngày 20/01/2020 so với chữ viết “Trần N” trên tài liệu mẫu so sánh không phải do cùng một người ký, viết ra.

Tuy nhiên, do các bên đều thừa nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số MFC/01802047 ngày 16/01/2020 của Tổng Công ty M do Công ty R cấp cho Doanh ngiệp T. Vì vậy, Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số MFC/01802047 ngày 16/01/2020 có giá trị pháp lý, phù hợp quy định tại Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

[2.2] Về nguyên nhân cháy tàu cá số hiệu BT-99498-TS:

Theo Báo cáo kết quả giám định tổn thất tàu cá ngày 15/3/2021 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giám định I, kết luận “...nguyên nhân dẫn đến sự cố tổn thất cháy tàu cá BT-99498-TS được phát hiện vào khoảng 03 giờ 30 phút ngày 15/10/2020 tại bến nhà thuộc ấp 3, Bình Thới, B, Bến Tre là do chập điện bên trong buồng máy tàu cá BT-99498-TS, gây ra các tổn thất cháy tàu cá BT- 99498-TS…”. Ước tính giá trị tàu cá BT-99498-TS tại thời điểm giám định đối với các sản phẩm mà Doanh ngiệp T đã mua là 1.565.479.469 đồng. Tàu cá mang số hiệu BT-99498-TS của Doanh ngiệp T bị thiệt hại là có thật. Số tiền này là toàn bộ chi phí khắc phục sự cố tổn thất sau khi tàu cá BT-99498-TS bị cháy vào ngày 15/10/2020.

Các bên đương sự đều thừa nhận sự việc cháy tàu theo kết luận giám định là do chập điện, giá trị tổn thất con tàu cá theo sản phẩm mà Doanh ngiệp T đã mua bảo hiểm như kết luận giám định của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giám định I đã nêu trên. Đây là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh quy định tại Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.3] Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn Doanh ngiệp T yêu cầu bị đơn Tổng Công ty M bồi thường số tiền bảo hiểm là 1.565.479.469 đồng. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu Tổng Công ty M chi trả số tiền bảo hiểm là 782.739.734 đồng với lý do Doanh ngiệp T chỉ tham gia bảo hiểm với tỷ lệ 50% giá trị bồi thường, thấy rằng:

1.565.479.469 đồng x 50% = 782.739.734 đồng.

Xét việc nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện là tự nguyện, Hội đồng xét xử sơ thẩm đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối số tiền 782.739.734 đồng là phù hợp với quy định tại các điều 217, 218, 219 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.4] Đối với yêu cầu của Doanh ngiệp T yêu cầu Tổng Công ty M chi trả bảo hiểm do tàu cá BT-99498-TS bị cháy với số tiền 782.739.734 đồng, không yêu cầu tính lãi suất và đồng ý trừ 2% trên tổng số tiền mà Doanh ngiệp T yêu cầu bồi thường, thấy rằng:

Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số MFC/01802047 ngày 16/01/2020 của Tổng Công ty M do Công ty R cấp cho Doanh ngiệp T được xem là “bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm” và được các bên thừa nhận như đã phân tích nêu trên.

Căn cứ Bộ Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính (sau đây gọi là Bộ Quy tắc 18759) thì trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm bắt đầu hiệu lực bảo hiểm được ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm, cụ thể trong trường hợp này là kể từ 00 giờ ngày 17/01/2020 đến 24 giờ ngày 16/01/2021.

Tàu cá số hiệu BT-99498-TS của Doanh ngiệp T bị cháy vào khoảng 03 giờ 30 phút, ngày 13/10/2020 do chập điện, sự cố cháy tàu xảy ra trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Do đó, Doanh ngiệp T có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm là Tổng Công ty M bồi thường theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm được quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tổng Công ty M từ chối yêu cầu bồi thường thiệt hại của Doanh ngiệp T đối với tổn thất của tàu cá BT-99498-TS với lý do tổn thất thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm quy định tại mục i khoản 1 Điều 15 Bộ Quy tắc 18759, cụ thể:

“1. Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất đối với thân tàu, ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt thủy sản được bảo hiểm xảy ra trong những trường hợp sau:

...

i) Tổn thất xảy ra do tàu neo đậu tại bến, cảng hay bất kỳ vùng nước nào mà không được neo, buộc chắc chắn, không có thuyền viên trực hoặc thuyền viên trực bỏ tàu đi vắng trừ khi có lệnh rời tàu của cơ quan có thẩm quyền”.

Tổng Công ty M cho rằng tại thời điểm tàu cá BT-99498-TS bị cháy không có thuyền viên trực trên tàu. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự thừa nhận, Doanh ngiệp T có thuê ông Nguyễn L trông coi tàu cá BT-99498-TS. Vào thời điểm tàu cá BT-99498-TS bị cháy, ông L đang ngủ bên tàu khác cách tàu bị cháy khoảng 20-25m. Khi phát hiện tàu bị cháy, ông L đã tiến hành ngay việc dập lửa, tuy nhiên, do ngọn lửa cháy lớn nên không dập được, ông L đã mở dây buộc, đẩy tàu BT-99498-TS ra ngoài để tránh cháy lan sang các tàu khác.

Như vậy chứng tỏ, Doanh ngiệp T có cử người trực tàu cá BT-99498-TS và người trực tàu cũng ở trong phạm vi có thể quản lý được con tàu (chỉ cách khoảng 20-25m). Do đó, không thuộc trường hợp người trực tàu bỏ tàu đi vắng. Hơn nữa, nguyên nhân tàu cá BT-99498-TS bị cháy là do chập điện và vị trí cháy ban đầu là bên trong Cabin tàu (buồng máy), cho nên, trường hợp ông Lợi có ở trên tàu cá để canh giữ thì cũng không thể phát hiện được ngay cũng như không thể ngăn chặn được sự cháy khi mới bắt đầu. Khi phát hiện tàu cá bị cháy, mặc dù không thể dập tắt được lửa do cháy lớn nhưng ông L đã kịp thời tháo dây buộc, đẩy tàu cá BT-99498-TS ra ngoài nhằm tránh cháy lan sang các tàu cá khác là đã áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế tổn thất. Do đó, căn cứ mà Tổng Công ty M đưa ra để từ chối bồi thường là không có cơ sở chấp nhận.

Xét lời trình bày của Tổng Công ty M cho rằng khi tái ký hợp đồng bảo hiểm với Doanh ngiệp T, ông Nguyễn M - nhân viên Công ty R, là người trực tiếp làm thủ tục bảo hiểm đã có giải thích và giao Bộ quy tắc loại trừ trách nhiệm bồi thường cho ông Trần T, thấy rằng:

Tại khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:

“2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”.

Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số MFC/01802047 ngày 16/01/2020 của Tổng Công ty M do Công ty R cấp cho Doanh ngiệp T (được xem là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm) không có thể hiện nội dung liên quan đến các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm:

“Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản cho bên mua bảo hiểm”.

Ông Thiện cho rằng trước khi tái ký hợp đồng, ông đã có giải thích và giao Bộ quy tắc loại trừ trách nhiệm bồi thường cho ông T, tuy nhiên, ông M, Công ty R cũng như Tổng Công ty M không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc có giao bộ quy tắc cũng như có giải thích các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, đồng thời, ông T không thừa nhận. Ngoài ra, từ năm 2015 đến năm 2019, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm khai thác hải sản, mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản của Tổng Công ty M không có ghi chú các nội dung liên quan đến Bộ quy tắc bảo hiểm. Do đó, không có cơ sở chấp nhận lời trình bày này của Tổng Công ty M.

Từ những phân tích trên, buộc Tổng Công ty M có chịu trách nhiệm thanh toán tiền bảo hiểm do tàu cá BT-99498-TS của Doanh ngiệp T bị cháy là phù hợp, cụ thể:

- Giá trị tổn thất được các bên thống nhất theo báo cáo giám định là 1.565.479.469 đồng;

- Số tiền phải thanh toán theo hợp đồng bảo hiểm là: 50% x 1.565.479.469 đồng = 782.739.734 đồng;

- Mức khấu trừ 2% trên số tiền bồi thường (mức khấu trừ này được ghi nhận trên Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản và phù hợp với quy định tại Điều 19 Bộ Quy tắc 18759) là 15.654.794 đồng.

Số tiền Tổng Công ty M có chịu trách nhiệm thanh toán cho Doanh ngiệp T là: 782.739.734 đồng - 15.654.794 đồng = 767.084.940 đồng.

Ghi nhận Doanh ngiệp T không yêu cầu Tổng Công ty M trả lãi suất đối với số tiền này.

[3] Xét kháng cáo của của bị đơn Tổng Công ty M là không có cơ sở chấp nhận.

Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2022/KDTM- ST ngày 26/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố X, tỉnh Bến Tre.

Tuy nhiên, về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, tại Bản án sơ thẩm số 04/2022/KDTM-ST ngày 26/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố X tuyên xử trả lại cho Doanh ngiệp T số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 28.186.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005416 ngày 24/6/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố X là có sai sót, cần điều chỉnh lại cho phù hợp, cụ thể, số tiền Doanh ngiệp T được trả lại là 27.186.000 đồng.

[4] Xét đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[5] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Do kháng cáo không được chấp nhận bị đơn Tổng Công ty M phải chịu án phí với số tiền là 2.000.000 đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000 đồng theo biên lai thu số 0005430 ngày 06/6/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố X, tỉnh Bến Tre. Tổng Công ty M đã nộp đủ án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Không chấp nhận kháng cáo của của bị đơn Tổng Công ty M.

Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2022/KDTM- ST ngày 26/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố X, tỉnh Bến Tre.

Cụ thể tuyên:

Áp dụng các điều 12, 13, 14, 15, 16, 19, khoản 2 Điều 43, 46, 47 Luật Kinh doanh bảo hiểm; các Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự; Căn cứ vào Điều 26, 35, 217, 228, 273, 280 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Doanh ngiệp T về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” với bị đơn Tổng Công ty M.

Buộc Tổng Công ty M thanh toán cho Doanh ngiệp T - do ông Trần N làm Chủ doanh nghiệp số tiền bảo hiểm đối với tàu cá BT-99498-TS là 767.084.940 (Bảy trăm sáu mươi bảy triệu không trăm tám mươi bốn nghìn chín trăm bốn mươi) đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu lãi đối với số tiền còn lại phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành xong.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của của nguyên đơn Doanh ngiệp T đối với bị đơn Tổng Công ty M về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” với số tiền là 782.739.940 (Bảy trăm tám mươi hai triệu bảy trăm ba mươi chín nghìn chín trăm bốn mươi) đồng.

3. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Doanh ngiệp T không phải chịu án phí. Trả lại cho Doanh ngiệp T số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 27.186.000 (Hai mươi bảy triệu một trăm tám mươi sáu nghìn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005416 ngày 24/6/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố X.

Tổng Công ty M phải chịu 34.683.000 (Ba mươi bốn triệu sáu trăm tám mươi ba nghìn đồng) và còn phải nộp đủ số tiền này.

4. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Tổng Công ty M phải chịu 2.000.000 (Hai triệu) đồng nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000 (Hai triệu) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005430 ngày 06/6/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố X, tỉnh Bến Tre. Tổng Công ty M đã nộp đủ án phí.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

232
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 06/2022/KDTM-PT

Số hiệu:06/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:26/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về