Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 04/2023/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 04/2023/LĐ-PT NGÀY 19/05/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 19 tháng 05 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 03/2023/TLPT-KDTM ngày 28/03/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2022/KDTM-ST ngày 12 - 12- 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 03/2023/QĐ-PT ngày 13/04/2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Hồng C, sinh năm: 1955 Chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản T - Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Mai Anh V, sinh năm: 1974 (có mặt tại phiên tòa).

Cùng địa chỉ: Phường V, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

(Theo văn bản ủy quyền ngày 28/02/2022 và văn bản ủy quyền ngày 25/8/2022).

2. Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần B Địa chỉ: phường N, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Sau đây gọi là Tổng công ty) Người đại diện theo pháp luật: Ông V Anh T - Tổng Giám đốc - Người đại diện theo ủy quyền:

+ Bà Nguyễn Phương T - Trưởng Phòng bồi thường – Tổng Công ty cổ phần B Kiên Giang (có mặt tại phiên tòa).

+ Ông Nguyễn Huy T - Chuyên viên Ban bảo hiểm hàng hải (vắng mặt).

+ Ông Nguyễn Hoàng A - Chuyên viên pháp lý (có mặt tại phiên tòa).

(Theo văn bản ủy quyền số 0114/2022-BM/VP ngày 19/01/2022 của Tổng giám đốc Công ty cổ phần B) 3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Mai Anh V, sinh năm: 1974 (có mặt tại phiên tòa). Địa chỉ: phường V, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

3.2. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt nam Địa chỉ trụ sở: phường T, quận Ba Đình, Hà Nội.

Tên chi nhánh: Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh K.

Địa chỉ trụ sở chi nhánh: khu phố M, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo ủy quyền lại: Ông Đặng Thanh H - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh K.

(Theo Quyết định số 2965/QĐ-NHNo-PC ngày 27/12/2019 của Tổng giám đốc Agribank về việc ủy quyền, nghĩa vụ tố tụng và thi hành án).

[4] Người kháng cáo:

Bị đơn - Tổng Công ty cổ phần B Người đại diện theo pháp luật: Ông V Anh T - Tổng Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Phương T, ông Nguyễn Hoàng A

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1]. Theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hồng C và lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm của đại diện ủy quyền nguyên đơn là ông Mai Anh V trình bày:

Bà Nguyễn Thị Hồng C là chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản T, đồng thời là chủ tàu cá KG 94622 TS. Theo Giấy chứng nhận đăng kiểm số 34-3046/ĐKTC tại Chi cục KT& BVNL thủy sản tỉnh Kiên Giang. Tàu cà KG 94622 TS của bà C có mua bảo hiểm của Tổng công ty cổ phần B tại Công ty B Kiên Giang địa chỉ đường Nguyễn Trung Trực, phường An Bình, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Hợp đồng số MHS/01820710, Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu, thuyền cá số: 0015/20. Vào khoảng 20 giờ 00 phút, ngày 27/3/2020 khi tàu cá KG 94622 TS đang khai thác, đánh bắt trên biển thì xảy ra sự cố tàu bị phá nước (nước bên ngoài tràn vào tàu). Lúc này trên tàu gồm có: ông Mai Anh V- quản lý tàu cá, ông Trần Văn C - Thuyền trưởng, ông Thái Duy H- máy trưởng, ông Cao Văn T (thuyền viên), ông G (thuyền viên), ông Tuấn (thuyền viên). Mọi người trên tàu tập trung bơm điện khoảng 06 giờ đồng hồ nhưng tàu vẫn không cạn nước. Đến khoảng 03 giờ sáng ngày 28/3/2020 thì tàu bị chìm và mọi người trên tàu được các tàu gần đó đến cứu vớt ông V, ông H, ông Chiêu, ông Cao Văn T, ông H lên một tàu, còn ông Tuấn, ông G lên một tàu. Sau khi được thuyền bạn cứu giúp, ông V đã được trình báo với Đồn biên phòng Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang và được Đồn biên phòng Tây Yên lập bản tiếp nhận tin báo.

Ngày 30/3/2020 bà C đã làm đơn yêu cầu Tổng công ty cổ phần B bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã mua của tàu cá KG 94622 TS và nộp đầy đủ các thủ tục, xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định để yêu cầu được thanh toán bảo hiểm. Đến tháng 01/2021 bà C nhận được văn bản từ chối bồi thường của Tổng công ty cổ phần B. Bà C cho rằng việc từ chối bồi thường bảo hiểm của Tổng công ty cổ phần B là ảnh hưởng đến quyền lợi của bà nên làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Tổng công ty cổ phần B và Công ty B Kiên Giang có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm tàu cá KG-94622 số tiền là 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) theo hợp đồng bảo hiểm và đồng ý khấu trừ 2,5% sơ tiền bảo hiểm theo thỏa thuận và lãi suất chậm trả tiền bảo hiểm theo quy định pháp luật.

[2]. Theo văn bản trình bày ý kiến và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đại diện ủy quyền bị đơn là bà Nguyễn Phương T và ông Nguyễn Hoàng A trình bày:

- Ngày 25/02/2020 Công ty B Kiên Giang chấp nhận đơn bảo hiểm số MSH/01820710 cho bà Nguyễn Thị Hồng C, đối tượng bảo hiểm là tàu cá có công suất 405CV, người thụ hưởng Nguyễn Thị Hồng C, mức trách nhiệm bảo hiểm 1.000.000.000 đồng. Điều kiện bảo hiểm, điều kiện A theo Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá (ban hành kèm theo Quyết định số 0001/2017-BM/HH ngày 01/01/2017). Thời hạn bảo hiểm, ngày 25/02/2020 đến ngày 24/02/2021. Vào khoảng 20 giờ 00 phút, ngày 27/3/2020 tàu cá KG-94622 đang trong quá trình đánh bắt thủy sản thì máy trưởng phát hiện tàu bị phá nước và sau đó tàu bị chìm. B đã chỉ định Công ty TNHH giám định Liên Châu Lục thực hiện việc giám định để xác định nguyên nhân và định giá mức độ thiệt hại để làm cơ sở giải quyết bồi thường. Theo đó, nguyên nhân tổn thất là do “căn cứ vào các yếu tố ghi nhận, đánh giá như đã nêu trên, giám định viên cho rằng tàu cá KG-94622 bị đắm, chìm nhưng không có bằng chứng để xác định chính xác nguyên nhân” Tổng Công ty B đã có công văn số 0143/2021- BM/HH ngày 25/01/2021 thông báo từ chối bồi thường sự cố liên quan đến tàu cá KG-94622-TS của bà C.

Tổng Công ty B từ chối bồi thường với các lý do như sau: Tổn thất tàu cá KG- 94622 –TS, thuộc điều khoản loại trừ nguyên nhân không rõ ràng theo căn cứ khoản 1 Điều 48 LKDBH. Tàu vi phạm quy định lắp đặt thiết bị giám sát, khai thác thủy sản không có giấy phép, tổn thất thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm. Hoạt động khai thác của tàu là khai thác thủy sản không có giấy phép, là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp vi phạm khoản 1 điểm a và I Điều 60 Luật thủy sản. Tại thời điểm xảy ra tổn thất tàu KG-94622 –TS vi phạm về văn bằng chứng chỉ thiếu 01 người có bằng thợ máy theo quy định Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT.

Tổng công ty B đề nghị Tòa án giải quyết không chấp nhận toàn bộ khởi kiện của nguyên đơn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của B-Doanh nghiệp bảo hiểm có phần vốn góp của nhà nước.

[3]. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

[3.1]Theo văn bản trình bày ý kiến và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông Mai Anh V:

Ông V thống nhất ý kiến theo đơn khởi kiện của bà C và trình bày như ý kiến đã trình bày của đại diện ủy quyền nguyên đơn.

[3.2]. Theo văn bản trình bày và ý kiến trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa đại diện ủy quyền lại của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi hánh K ông Đặng Thanh H trình bày:

Ngày 10/7/2015 Agribank chi nhánh K có ký kết hợp đồng tín dụng với bà Nguyễn Thị Hồng C, tài sản thế chấp là tàu cá KG-94622 –TS, theo hợp thế chấp tài sản số 607/2015/HĐTC ngày 10/7/2015 để đảm bảo nghĩa vụ cho khoản vay vốn tại ngân hàng. Tàu cá KG-94622 –TS được nhận thế chấp tại ngân hàng có tham gia bảo hiểm tàu cá là 1.000.000.00 đồng (một tỷ đồng) và bà C có ủy nhiệm thừa hưởng bảo hiểm cho Agribank chi nhánh K khi xảy ra rủi ro tổn thất. Nhằm đảm bảo quyền lợi của Agribank chi nhánh K, nếu bà C được bảo hiểm chi trả bồi thường thì yêu cầu Tòa án giải quyết để Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam được thụ hưởng số tiền mà Tổng công ty cổ phần B trả cho bà Nguyễn Thị Hồng C tương ứng với số tiền mà bà C còn nợ Ngân hàng tại thời điểm thanh toán nợ.

[4] Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2022/KDTM-ST ngày 12/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

[4.1]. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn- bà Nguyễn Thị Hồng C là Chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản T về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” với bị đơn- Tổng công ty cổ phần B.

[4.2] Buộc Tổng công ty cổ phần B phải chi trả bà Nguyễn Thị Hồng C số tiền bảo hiểm đối với tàu cá KG-94622 TS là: [(số tiền bảo hiểm 975.000.000 đồng + lãi chậm trả 190.713.200 đồng)]. Tổng cộng là 1.165.713.200đ (Một tỷ một trăm sáu mươi lăm triệu bảy trăm mười ba nghìn hai trăm đồng).

[4.3]. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam được thụ hưởng số tiền mà Tổng công ty cổ phần B trả cho bà Nguyễn Thị Hồng C phạm vi tương ứng với số tiền mà bà C còn nợ Ngân hàng tại thời điểm thanh toán nợ vay (Theo cam kết chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm giữa Ngân hàng, bà C và Tổng công ty B).

Ngoài ra, án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm, quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án theo quy định pháp luật.

[5] Ngày 14 tháng 12 năm 2022, Bị đơn - Tổng công ty cổ phần B kháng cáo: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án theo hướng không chấp nhận tòa bộ yêu cầu của Nguyên đơn.

[6] Tại phiên tòa phúc thẩm [6.1] Bị đơn - Tổng Công ty cổ phần B, đại diện theo ủy quyền của là bà Nguyễn Phương T, ông Nguyễn Hoàng A giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét triệu tập ông G Tiến Dũng để làn rõ việc có hay không việc giao nhận hợp đồng bảo hiểm cho bà C, đồng thời yêu cầu giải thích rõ cụm từ “Tàu phá nước” và sửa bản án theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn.

[6.2] Đại diện ủy quyền nguyên đơn - Bà Nguyễn Thị Hồng C là ông Mai Anh V giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và cho rằng không nhận được bản hợp đồng bảo hiểm và không được biêt, giải thích về các điều khoản loại trừ trong hợp đồng và đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm buộc Tổng Công ty cổ phần B chi trả tiền Bảo hiểm và bồi thường với số tiền tổng cộng là 1.165.713.200đ (Một tỷ một trăm sáu mươi lăm triệu bảy trăm mười ba nghìn hai trăm đồng).

[6.3]. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

[6.3.2]. Ông V thống nhất ý kiến theo đơn khởi kiện và trình bày của đại diện ủy quyền nguyên đơn.

[6.3.2]. Đại diện ủy quyền lại của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi hánh K ông Đặng Thanh H trình bày:

Tàu cá KG-94622 –TS thế chấp tại Ngân hàng có tham gia bảo hiểm tàu cá là 1.000.000.00 đồng (một tỷ đồng) và Ngân hàng Agribank chi nhánh K là bên được quyền thụ hưởng bảo hiểm. Đề nghị Tòa án giải quyết để Ngân hàng được thụ hưởng số tiền trong trường hợp mà Tổng công ty cổ phần B phải trả bảo hiểm cho bà Nguyễn Thị Hồng C để đối trừ một phần nợ mà bà C vay của Ngân hàng.

Tại phiên tòa các bên đương sự không cung cấp thêm được chứng cứ mới nào khác.

[7] Đại diện Viện Kiểm Sát nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu ý kiến:

[7.1] Về tính hợp pháp của kháng cáo: Tổng Công ty B thực hiện quyền kháng cáo trong thời hạn luật định nên Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang thụ lý, giải quyết theo trình tự phúc thẩm là đúng quy định tại Điều 273, Điều 285 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[7.2 Về tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng: Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý đến khi xét xử. Các đương sự, người tham gia tố tụng khác cũng đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

[7.3].Về việc giải quyết vụ án:

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 01 điều 308, Bộ luật tố tụng dân sự tuyên : Giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2022/KDTM-ST ngày 12/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Bị đơn Tổng công ty cổ phần B và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - bà Nguyễn Thị Hồng C - Chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản T. Buộc Tổng công ty cổ phần B phải chi trả cho bà Nguyễn Thị Hồng C - Chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản T số tiền bảo hiểm đối với tàu cá KG-94622 TS là: 975.000.000 đồng và tiền lãi chậm trả 190.713.200 đồng. Tổng cộng là 1.165.713.200đ (Một tỷ một trăm sáu mươi lăm triệu bảy trăm mười ba nghìn hai trăm đồng) và chuyển quyền thụ hưởng số tiền trên cho Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi hánh K.

[7.4]Về án phí: Buộc Tổng Công ty cổ phần B phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng:

 [1.1] Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang xét xử vụ án số án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2022/KDTM-ST ngày 12/12/2022 và tuyên án cùng ngày. Ngày 14 tháng 12 năm 2022 bị đơn Tổng Công ty cổ phần B kháng cáo bản án. Do đương sự thực hiện quyền kháng cáo và nộp tạm ứng án phí trong thời hạn luật định nên Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang thụ lý, giải quyết theo trình tự phúc thẩm là đúng quy định tại Điều 273, Điều 285 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tuy nhiên trong vụ án nàycấp sơ thẩm khi thụ lý xác định Nguyễn Thị Hồng C là Chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản T có Giấy phép đăng ký kinh doanh và ký kết hợp đồng bảo hiểm tài sản là tàu cá KG-94622 TS nhưng lại xem xét miễn tạm ứng án phí cho đương sự là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về Tố tụng. Xét thấy việc miễn tạm ứng án phí là sai sót của cấp sơ thẩm song không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án nên cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[2]. Về quan hệ pháp luật: Trên cơ sở chứng cứ có trong hồ sơ, lời trình bày và yêu cầu của các bên đương sự Tòa cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật để giải quyết vụ án Kinh doanh thương mại là “Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự để thụ lý giải quyết là phù hợp với nội dung vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật.

[3] Về nội dung vụ án và yêu cầu kháng cáo.

Tại phiên tòa Tổng Công ty cổ phần B, đại diện theo ủy quyền của là bà Nguyễn Phương T, ông Nguyễn Hoàng A đề nghị giải thích cụm từ “tàu bị phá nước”. Hội đồng xét xử xét thấy đây là cụm từ thuộc thuật ngữ trong nghề đánh bắt thủy sản trên biển và trên sông nước nói chung và ở địa bàn Kiên Giang nói riêng nhằm mô tả tàu, thuyền bị nước công phá do áp lực của nước và tải trọng thân tàu lớn hơn sự bền vững của thân tàu. Thiết nghĩ là cơ quan chuyên môn làm công tác bảo hiểm thân tàu ở khu vục miền Tây Nam Bộ của Việt Nam hơn ai hết buộc Tổng Công ty cổ phần B phải hiểu biết thuật ngữ này.

Xét yêu cầu kháng cáo của Tổng Công ty cổ phần B Hội đồng xét xử xét thấy Tổng công ty căn cứ vào báo cáo giám định tổn thất của LCL số 179730/LCL ngày 09/12/2020 kết luận nguyên nhân “căn cứ vào các yếu tố ghi nhận, đánh giá như đã nêu trên, giám định viên cho rằng tàu cá KG-94622 bị đắm, chìm nhưng không có bằng chứng để xác định chính xác nguyên nhân” báo cáo kết luận giám định trùng với điều khoản loại trừ trong hợp đồng “không có đủ bằng chứng xác định chính xác nguyên nhân tàu cá KG 94622-TS bị đắm, chìm” và cho rằng Tàu KG-94622 - TS vi phạm quy định lắp đặt thiết bị giám sát, khai thác thủy sản không có giấy phép, tổn thất thuộc trường hợp loại trừ bảo hiểm; Trách nhiệm của chủ tàu về bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản, tàu vi phạm về văn bằng thiếu 01 người có bằng thợ máy để từ chối trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho bà Nguyễn Thị Hồng C - Chủ doanh nghiệu tư nhân T, trong khi đó Tàu cá KG-94622 -TS do bà Nguyễn Thị Hồng C là chủ tàu đã tuân thủ đúng theo sự điều hành của cơ quan chức năng nơi neo đậu, thể hiện trong quá trình tàu vận hành khi tàu qua cửa trạm kiểm soát biên phòng Kênh Dài (Đồn biên phòng Tây Yên) đã được kiểm soát và khi xảy ra sự cố chìm tàu cũng đã được lập biên bản bản về diễn biến sự việc. Đối với việc lấy lời khai những người trên tàu khi xảy ra sự cố, những người có mặt trên tàu gồm: ông Mai Anh V (quản lý tàu cá), ông Trần Văn C (thuyền trưởng), ông Thái Duy H (máy trưởng), ông Cao Văn T (thuyền viên) đã có bản tường trình và được cán bộ Đồn An Biên Tây Yên lập biên bản ghi lời khai tại trụ sở. Các đương sự đều thừa nhận tàu cá KG 94622 -TS do bà Nguyễn Thị Hồng C làm chủ được bảo hiểm bằng giấy chứng nhận bảo hiểm số 0015/20 do Công ty B Kiên Giang cấp ngày 06/01/2020. Khi tàu xảy ra sự cố phá nước đắm, chìm vào ngày 27/3/2020 thì tàu vẫn còn trong thời hạn được bảo hiểm. Xét thấy tàu KG 94622 do nước tràn vào và bị đắm chìm là sự thật và được thể hiện qua các chứng cứ trong hồ sơ đã chứng minh là tàu KG 94622 -TS đắm, chìm do bị phá nước, các lời khai của các thuyền viên có mặt trên tàu tại thời điểm xảy ra chìm, đắm cho thấy tàu cá đang hoạt động thì bị nước tràn vào hầm máy, ngập hộp số, các thuyền viên tập trung bơm nước khoảng 07 giờ nhưng nước trên tàu không cạn, dẫn đến tàu bị chìm. Đồn biên phòng Tây Yên cũng kết luận “Qua điều tra, xác minh lời khai của thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên khác xác định đây là vụ tai nạn ngoài ý muốn, không có dấu hiệu tội phạm nào liên quan đến hủy hoại tài sản”. Việc chi phí xác định chính xác nguyên nhân tàu KG 94622 -TS bị đắm, chìm không phải nghĩa vụ của người mua bảo hiểm mà là nghĩa vụ của Tổng công ty cổ phần B. Tuy văn bản chứng nhận bảo hiểm tàu cá số MSH/01820710 ghi và đơn trình bày của ông G Tiến Dũng là nhân viên tư vấn bán bảo hiểm xác định đã được B cung cấp quy tắc điều khoản và giải thích đầy đủ các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, các trường hợp loại trừ bảo hiểm có liên quan nhưng tại biên bản ghi lời khai ngày 14/11/2022 của Tòa án cấp sơ thẩm ông G Tiến Dũng khai khi tư vấn bảo hiểm cho bà C do bà C không có thắc mắc gì nên ông không có giải thích gì thêm, xét thấy ông Dũng là nhân viên của Tổng công ty cổ phần B đã có lời trình bày và lời khai trong hồ sơ, nên việc triệu tập ông G Tiến Dũng đến phiên tòa phúc thẩm là không cần thiết. Mặt khác Tổng công ty cổ phần B cũng không có chứng minh việc giao nộp hợp đồng và chứng minh việc giải thích hợp đồng, trong khi đó đại diện ủy quyền của nguyên đơn cho rằng chỉ được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, còn quy tắc bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm không được nhận và không được giải thích, hướng dẫn gì về các điều khoản bảo hiểm, điều khoản loại trừ bảo hiểm. Xét thấy Tổng công ty bảo hiểm không thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ giải thích điều kiện, điều khoản bảo hiểm và không có chứng cứ chứng minh việc giải thích khi giao kết hợp đồng bảo hiểm trong khi đó tàu KG-94622 - TS đi hoạt động đánh bắt đều có trình báo cơ quan chức năng và được phép đi đánh bắt cá trong vùng biển. Đồng thời điều khoản loại trừ ghi trong hợp đồng không có trong quy định tại điều 5 Điều khoản loại trừ của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá được ban hành theo quyết định số 0001/2017- BM/HH ngày 01/01/2017 của Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần B nên Tổng công ty từ chối chi trả bảo hiểm thân tàu cá đối với bà C là không phù hợp. Cấp sơ thẩm buộc Tổng công ty bảo hiểm B phải có nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm cho bà C và thực hiện khấu trừ 2,5% được bà C đồng ý và chấp nhận yêu cầu tính lãi của nguyên đơn là có căn cứ đúng pháp luật. Từ những nhận định trên Hội dồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng công ty cổ phần B. Xét nên buộc Tổng công ty cổ phần B phải chi trả tiền bảo hiểm và lãi suất cho cho bà Nguyễn Thị Hồng C - Chủ doanh nghiệu tư nhân T là có căn cứ, phù hợp với quy định Điều 17, Điều 19, điều 21, điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm.

[4]- Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn- bà Nguyễn Thị Hồng C:

Hội đồng xét xử xét thấy giữa nguyên đơn với bị đơn có ký kết hợp đồng bảo hiểm tại Công ty B Kiên Giang. Hợp đồng số MHS/01820710, Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu, thuyền cá số: 0015/20, bà C đã nộp đủ phí bảo hiểm theo thỏa thuận, thời gian bảo hiểm từ ngày 25/02/2020 đến ngày 24/02/2021. Vào ngày 30/3/2020 Đồn biên phòng Tây Yên, Bộ đội biên phòng Kiên Giang tiếp nhận tin báo về chìm tàu trên biển ngày 27/3/2020 đối với tàu cá KG-94622 -TS. Tại thời điểm xảy ra sự kiện chìm tàu 27/3/2020 thì bảo hiểm vẫn còn thời hạn và Đồn biên phòng Tây Yên, bộ đội biên phòng Kiên Giang có văn bản xác định đây là tai nạn ngoài ý muốn, không có dấu hiệu tội phạm hay vấn đề gì khác. Nguyên đơn cho rằng chỉ được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, còn quy tắc bảo hiểm không được nhận và nhân viên bảo hiểm cũng không giải thích, hướng dẫn gì về các điều khoản bảo hiểm, điều khoản loại trừ khi tham gia bảo hiểm. Khi đến phiên tòa, nghe đại diện công ty bảo hiểm trình bày mới biết được các quy định này, tại biên bản ghi lời khai ngày 14/11/2022 của Tòa án ông G Tiến Dũng khai do bà C không có thắc mắc gì nên ông không có giải thích gì thêm mặt khác điều khoản trong hợp đồng loại trừ “không có đủ bằng chứng xác định chính xác nguyên nhân tàu cá KG 94622-TS bị đắm, chìm” không phải là một trong những điều khoản loại trừ đựoc quy đinh trong Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá quy định tại quyết định số 0001/2017-BM/HH ngày 01/01/2017 của Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần B ban hành để kinh doanh Bảo hiểm. Xét nên chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Hồng C - Chủ doanh nghiệp tư nhân T xét nên buộc Tổng công ty cổ phần B phải có nghĩa vụ chi trả bảo hiểm cho bà Nguyễn Thị Hồng C sau khi khấu trừ 2,5% số tiền bồi thường như thỏa thuận là 25.000.000đ. còn lại à 975.000.000 đồng (Chín trăm bảy mươi lăm triệu đồng).

Xét yêu cầu tính lãi suất chậm trả tiền bảo hiểm, Hội đồng xét xử xét thấy:. Ngày 09/12/2020 công ty bảo hiểm nhận đầy đủ kết quả định giá, hồ sơ hợp lệ lẽ ra trong thời gian 15 ngày kể từ ngày công ty bảo hiểm nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ Tổng công ty phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho bà C nhưng không trả nên nguyên đơn yêu cầu tính lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ là 10% năm, từ ngày 25/12/2020 đến ngày xét xử 12/12/2022 là: [(975.000.000 đồng x 10%/năm) x 23 tháng 17 ngày] = 190.713.200đ (Một trăm chín mươi triệu bảy trăm mười ba nghìn hai trăm đồng) là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật.

[5]- Xét yêu cầu về quyền thụ hưởng của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh K.

Hội đồng xét xử xét thấy giữa Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam -Chi nhánh K với bà Nguyễn Thị Hồng C và Tổng công ty B có thống nhất thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và ký kết cam kết chuyển quyền thụ hưởng bảo hiểm xét nên xác định Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh K được thụ hưởng số tiền Tổng công ty cổ phần B trả cho bà Nguyễn Thị Hồng C để đối trừ số tiền mà bà C còn nợ Ngân hàng tại thời điểm thanh toán nợ là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.

[6] Xét đề nghị của đại diện viện Kiểm sát tại phiên tòa Hội đồng xét xử xét thấy đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật xét nên chấp nhận.

[7] Về án phí: Xét thấy lỗi thuộc về Tổng công ty cổ phần B xét nên buộc Tổng công ty cổ phần B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định của pháp luật về án phí [36.000.000 đồng + (3% x 365.713.200 đồng)] là 46.971.300 đồng (Bốn mươi sáu triệu chín trăm bảy mươi mốt nghìn ba trăm đồng). Yêu cầu kháng cáo của nguyên không được Tòa án chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí phúc thẩm là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) được khấu trừ theo biên lai số 0005023 ngày 19/01/2023 của Chi cục thi hành án thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là có căn cứ phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 147; Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26; khoản 1 Điều 29 và Danh mục án phí, lệ phí của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án để giải quyết án phí vụ án là phù hợp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 điều 30; Điều 91; Điều 93; Điều 147, Điều 148, khoản 1 Điều 308, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ các Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 19, Điều 21, Điều 29, Điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm;

- Căn cứ Điều 357; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Điều 188 Luật doanh nghiệp.

- Khoản 2 Điều 26, khoản 1 Điều 29 và Danh mục án phí của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên bố:

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tổng công ty cổ phần B.

- Giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 11/2022/KDTM-ST ngày 12/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Xử :

- Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Hồng C - Chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản T.

- Buộc Tổng công ty cổ phần B phải chi trả tiền bảo hiểm cho bà Nguyễn Thị Hồng C Chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác hải sản T số tiền gồm: [(số tiền bảo hiểm 975.000.000 đồng + lãi chậm trả 190.713.200 đồng)]. Tổng cộng là 1.165.713.200đ (Một tỷ một trăm sáu mươi lăm triệu bảy trăm mười ba nghìn hai trăm đồng).

Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh K được thụ hưởng toàn bộ số tiền Tổng công ty cổ phần B phải chi trả cho bà Nguyễn Thị Hồng C để đối trừ một phần số tiền mà bà C nợ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh K tại thời điểm thanh toán nợ.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra Quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, nếu người phải thi hành án chậm trả số tiền nêu trên thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu lãi suất của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành án.

Về án phí:

- Về án phí sơ thẩm : Buộc Tổng công ty cổ phần B phải chịu án phí sơ thẩm là 46.971.300 đồng (Bốn mươi sáu triệu chín trăm bảy mươi mốt nghìn ba trăm đồng).

- Về án phí phúc thẩm: Buộc Tổng công ty cổ phần B phải chịu án phí phúc thẩm là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) được khấu trừ theo biên lai số 0005023 ngày 19/01/2023 của Chi cục thi hành án thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

111
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 04/2023/LĐ-PT

Số hiệu:04/2023/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:19/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về