Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 02/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 02/2022/KDTM-PT NGÀY 12/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 12 tháng 01 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai, vụ án thụ lý số: 24/2021/TLPT- KDTM ngày 29 tháng 3 năm 2021 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” Do Bản án sơ thẩm số 1652/2020/KDTM-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 986/2021/QĐ-PT ngày 02 tháng 6 năm 2021; Thông báo hoãn phiên tòa số 116/2021/TB-TA ngày 07/6/2021; Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1950/2021/QĐ-PT ngày 21 tháng 6 năm 2021; Thông báo hoãn phiên tòa số 130/2021/TB-TA ngày 08/7/2021; Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 2997/2021/QĐ-PT ngày 22 tháng 12 năm 2021 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Quốc tế T Địa chỉ: 107 đường B, Phường 9, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Đức T1(theo giấy ủy quyền 20/6/2017) (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Đình H, Luật sư của Công ty Luật TNHH MTV Hàng hải Q thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Bị đơn: Tổng Công ty Cổ phần B1 Địa chỉ: 26 đường T2, phường N, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Người đại diện hợp pháp của Bị đơn1: Ông Nguyễn Đức H1(có mặt) và bà Hoàng Thị Ngọc T3(vắng mặt) (theo giấy ủy quyền ngày 1608/2017-BM/VP ngày 06/11/2017), bà Nguyễn Lê Nam P(theo giấy ủy quyền số 0024/2022- BM/VP ngày 06/01/2022) (có mặt).

 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty X Địa chỉ: CTA2A, 280 B2r Road, Canning V, Western Australia, Australia Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Đức T1(Giấy ủy quyền của Công ty X đã được Tổng lãnh sự quan Nước CHXHCN Việt Nam tại Pớt, Ô-xtrây-Li- a hợp pháp hóa lãnh sự Số 28/CNLS/ HPHLS ngày 02/10/2019) - Người kháng cáo: Tổng Công ty Cổ phần B1 là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 11 tháng 8 năm 2017, Đơn khởi kiện bổ sung ngày 27/8/2018, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn - ông Nguyễn Đức T1trình bày:

Ngày 21/04/2017, Công ty Cổ phần Quốc tế T (Gọi tắt là T) có yêu cầu mua bảo hiểm và được Công ty B1 Chợ Lớn -là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty Cổ phần B1 ( gọi tắt là B1) cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 với nội dung cơ bản như sau:

- Người được bảo hiểm: Công ty Cổ phần Quốc tế T - Đối tượng bảo hiểm: lô hàng 1.000 thùng / 5.000 kg xoài đóng container lạnh;

- Ngày yêu cầu bảo hiểm: 21/04/2017;

- Nơi đi: cảng Cát Lái, TP.HCM ngày 22/04/2017; Nơi đến: Cảng Úc ngày 04/05/2017;

- Số tiền bảo hiểm: 32.175 AUD;

-Người gửi hàng: Công ty CP Quốc tế T, -Người nhận hàng: X.

Đến ngày 08/05/2017 khi dỡ hàng tại kho, người mua hàng là Công ty X phát hiện hàng bị hư hỏng nên từ chối nhận hàng và T thông báo đề nghị bên B1 chỉ định giám định là Công ty Giám định Hàng hải McL, Úc ( gọi tắt là McL) để đánh giá mức độ tổn thất.

Căn cứ theo biên bản giám định số MAR181821 ngày 25/05/2017 của McL thì hầu hết hàng bị mềm và thối, không còn giá trị sử dụng phải tiêu hủy toàn bộ và nguyên nhân theo McL là: “khả năng nguyên nhân tổn thất là máy làm lạnh bị hỏng tại một giai đoạn nào đó trong quá trình vận chuyển hoặc máy nén không hoạt động trong khi chờ thông quan. Việc cơ quan kiểm dịch Úc phát hiện côn trùng xâm nhập cho thấy khả năng máy làm lạnh bị hư hỏng vài ngày trước khi đến Fremantle. Tuy nhiên, điều này không thể xác nhận. Cũng không có khả năng mất lạnh chỉ có 2 ngày mà hư hỏng nhiều như vậy. Chúng tôi đang hối thúc hãng tàu K Line cung cấp bảng theo dõi nhiệt độ trong container nhưng không chắc là họ sẽ hợp tác để cung cấp các bảng ghi”.

Ngày 29/5/2007 T đã gửi đơn yêu cầu bồi thường đến B1 và đã thu thập đầy đủ hồ sơ hợp lệ yêu cầu thanh toán tiền bảo hiểm gửi B1 theo hướng dẫn của B1. Đến ngày 22/6/2017 T lại gửi đơn lần 2 và ngày 23/6/2017 B1 gửi công văn cho T nại lý do hãng tàu “chưa cung cấp bản theo dõi nhiệt độ trong Container trong suốt quá trình vận chuyển nên không xác định được nguyên nhân tổn thất ” Do đã xảy ra sự kiện bảo hiểm và T đã cung cấp đầy đủ các tài liệu hồ sơ thủ tục theo yêu cầu của B1 mà B1 không bồi thường nên ngày 11/8/2017 T đã khởi kiện B1 tại Tòa án Quận 1, sau đó Tòa án Quận 1 ra Quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh theo thẩm quyền.

Sau khi Tòa án nhân dân Quận 1 yêu cầu hãng tàu K-Line cung cấp Bảng nhiệt độ của quá trình vận chuyển hàng tổn thất. Bên B1 đã chuyển bảng theo dõi nhiệt độ trong container do K-Line cung cấp cho đơn vị giám định tại Úc là McL xem xét nhằm đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân tổn thất hàng hóa. Theo báo cáo giám định số MAR181821 ngày 12/12/2017 thì :“Trong báo cáo giám định đầu tiên của chúng tôi, chúng tôi cho rằng nguyên nhân tổn thất hợp lý là do sự hỏng hóc máy làm lạnh trong 1 giai đoạn nào đó hoặc máy nén không hoạt động trong khi chờ thủ tục thông quan của cơ quan thanh tra kiểm dịch Úc.

Hiện nay chúng tôi đã nhận được bảng theo dõi nhiệt độ cho container số AKLU6701320 từ ngày 22/04/2017 đến ngày 04/05/2017.

Chúng tôi đã phân tích các dữ liệu này và không nhận thấy bất cứ chứng cứ nào cho thấy máy móc bị hư hỏng hay việc cài đặt nhiệt độ không đúng trong các ngày này.

Có một khoảng thời gian ngừng máy vào ngày 28/04/2017 khả năng do quá trình xếp hàng/rời cảng Singapore. Tuy nhiên, chúng tôi không tin rằng đây là giai đoạn đáng kể để gây nên tổn thất.

Cũng lưu ý rằng chúng tôi không được cung cấp dữ liệu về nhiệt độ từ ngày 05/05/2017 đến thời điểm dỡ hàng, mà theo chúng tôi hiểu là ngày 10/05/2017. Do vậy, chúng tôi không thể có ý kiến về giai đoạn này.

Chúng tôi cũng không thể có ý kiến nếu việc xử lý của cơ quan kiểm tra kiểm dịch Úc có làm gia tăng hư hỏng hay không. Chúng tôi vẫn chưa thấy văn bản chỉ dẫn nào của cơ quan kiểm tra kiểm dịch Úc.” Sau khi B1 đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp Bảng theo dõi nhiệt độ cho container số AKLU6701320 từ ngày 05/05/2017 đến ngày 10/05/2017 do Tòa thu thập từ hãng tàu K-line, bên B1 đã gửi tiếp cho đơn vị giám định độc lập là Công ty CP Giám Định P1(Nori).

Theo báo cáo giám định số 18120736/HCM ngày 19/09/2018 của Công ty CP Giám Định P1(Nori), nguyên nhân t3ổn thất như sau: “Sự cố tổn thất hàng xoài tươi xếp trong 01x20’ RF Container số AKLU6701320 vận chuyển / chuyển tải trên tàu “CAIYUNHE” – V.311S và tàu “MARGARET RIVER BRIDGE” – V.892S là do hàng hóa đã không được bảo quản, lưu trữ trong nhiệt độ thích hợp (từ + 190C đến + 210C) trong thời gian dài (48 giờ) làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa xếp trong container, gây nên tổn thất cho hàng hóa. Căn cứ vào các hồ sơ giấy tờ liên quan, Nori ghi nhận container sau khi được cấp nguồn điện trở lại đã hoạt động bình thường. Như vậy, máy làm lạnh không bị hư hỏng”.

Không đồng ý với kết luận trên của Nori, T đã yêu cầu B1 gửi Bản nhiệt độ cho McL và được B1 chấp nhận. Kết luận giám định của McL cũng xác định với nội dung: “Máy làm đông lạnh không hỏng hóc mà do tác động của con người dẫn đến việc ngừng máy trong một khoảng thời gian khiến hàng hóa bị tổn thất.” Dựa vào Biên bản giám định và điều khoản bảo hiểm ngày 30/11/2018, B1 đã gửi cho T Công văn số 2253/2018-BM/HH từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do tổn thất không thuộc phạm vi được bảo hiểm.

Tại Tòa, nguyên đơn xác định yêu cầu:

1. Yêu cầu B1 phải bồi thường toàn bộ số tiền tổn thất theo đơn bảo hiểm (tính theo tỉ giá bán ra Việt Nam đồng của ngân hàng Vietcombank vào ngày 10/9/2020 ( ngày mở phiên tòa xét xử ) là 17.104 VNĐ/AUD) tính theo số tiền tương đương với số tiền 32,175AUD trên đơn bảo hiểm số MCE/01289903 là 550.321.200 đồng.

2. Yêu cầu B1 phải trả tiền lãi do chậm bồi thường bảo hiểm, số tiền lãi được tính trên số tiền phải bồi thường bảo hiểm, thời hạn tính lãi tính từ ngày 30/11/2018 (Là ngày B1 phát hành CV số 2253/2018-BM/HH từ chối bồi thường) đến ngày B1 thanh toán xong toàn bộ số tiền phải bồi thường bảo hiểm, mức lãi suất áp dụng là mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại.

- Số tiền để tính lãi là tổng số tiền 550.321.200 đồng - Mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm của 3 ngân hàng thương mại là: (Vietcombank (6%-7.5%), VietinBank(9 %-10.5%), Agribank(8.5%-10%) =>(6%+7.5%+9%+10.5%+8.5%+10%)/6 = 8,0% x 1,5 =12,00%/năm).

Số tiền lãi phát sinh tạm tính đến ngày tòa án mở phiên tòa xét xử sơ thẩm (10/09/2020) là : 1 năm 09 tháng 10 ngày =649 ngày, vậy tiền lãi được tính như sau :

(550.321.200 đồng x 12,00%/năm) x 649 ngày = 117.421.959 đồng 365 ngày Tổng số tiền yêu cầu bồi thường là: 667.743.159 đồng .

Yêu cầu B1 thanh toán tiền bồi thường và tiền lãi do chậm bồi thường bảo hiểm ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị đơn – Tổng Công ty Cổ phần B1 có ông Nguyễn Đức H1 trình bày:

B1 xác nhận sau khi nhận được yêu cầu mua bảo hiểm và được T cung cấp các thông tin thì ngày 21/4/2017 B1 đã cấp Đơn bảo hiểm số MCE/01289903 cho T là người được bảo hiểm với nội dung cơ bản đúng như lời trình bày nêu trên của T.

Tại thời điểm dỡ hàng tại kho, người nhận hàng phát hiện hàng bị hư hỏng và thông báo giám định.

Sau khi nhận được thông báo sự cố của khách hàng, B1 đã tiến hành ngay các thủ tục xử lý sự cố bao gồm chỉ định giám định độc lập để xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất và thu thập các chứng từ bồi thường theo qui định.

Theo biên bản giám định số MAR181821 ngày 25/05/2017 của McL, hầu hết hàng bị mềm và thối, không còn giá trị sử dụng;

Dựa vào Biên bản giám định và điều khoản bảo hiểm, B1 đã yêu cầu T đốc thúc hãng tàu Kline cung cấp Bảng theo dõi nhiệt độ trong container để xác định nguyên nhân tổn thất nhưng chưa được đáp ứng nên chưa có cơ sở xem xét bồi thường bảo hiểm nên T đã làm đơn khởi kiện B1.

Căn cứ Bảng nhiệt độ được Tòa án nhân dân Quận 1 và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thu thập từ hãng tàu K’Line, B1 đã có Công văn số 2253/2018-BM/HH ngày 30/11/2018 từ chối bồi thường bảo hiểm gửi T với lý do tổn thất không thuộc phạm vi được bảo hiểm.

Theo yêu cầu của T và Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh, B1 cũng đã cung cấp cho Tòa án Báo cáo giám định (Bản dịch thuật) của McL ngày 04/02/2019.

Căn cứ Đơn bảo hiểm số MCE/01289903 bảo hiểm lô hàng 1.000 thùng/5.000 kg xoài đóng container lạnh của T áp dụng: Điều khoản bảo hiểm hàng thực phẩm đông lạnh (A) 1/1/86.

Căn cứ Khoản 11.1 Mục 1 Điều khoản bảo hiểm hàng thực phẩm đông lạnh (A) 1/1/86 quy định: “11.1. Để có thể căn cứ vào bảo hiểm này mà đòi bồi thường Người được bảo hiểm phải có một quyền lợi có thể bảo hiểm trong đối tượng bảo hiểm vào thời gian xảy ra tổn thất.” Xét, Lô hàng bảo hiểm được bán theo giá CIF, nghĩa là “ Người mua chịu mọi rủi ro về mất mát và hư hại hàng kể từ khi hàng qua lan can tàu tại cảng xếp”.

Như vậy với điều kiện CIF, rủi ro chuyển giao từ cảng xếp hàng. T là người bán hàng chỉ mua bảo hiểm đường biển thay cho người mua, sau đó họ gửi đơn bảo hiểm cho người mua cùng b5ộ chứng từ. Người mua là X mới là người được bảo hiểm. Vì thế, nếu tổn thất xảy ra trên đường vận chuyển, người mua chứ không phải người bán đứng ra đòi bảo hiểm. Do đó, T đã không còn quyền lợi trách nhiệm gì đối với lô hàng bị tổn thất khi vận chuyển trên tàu nên không có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện.

Mặt khác Căn cứ Điều khoản bảo hiểm hàng thực phẩm đông lạnh (A) 1/1/86 thì các rủi ro được bảo hiểm như sau:

“1.1. Mọi rủi ro về tổn thất hay tổn hại xảy ra cho đối tượng bảo hiểm, không phải tổn thất hay tổn hại là hậu quả do bất k sự thay đổi cách nào về nhiệt độ, 1.2. Tổn thất hay tổn hại xảy ra cho đối tượng bảo hiểm là hậu quả của bất k sự thay đổi nhiệt độ có thể quy hợp lý cho:

1.2.1. Sự hỏng hóc máy làm đông lạnh từ đó làm cho ngừng máy trong một khoảng thời gian không dưới 24 giờ liên tục,” Theo quy định trên thì B1 chỉ bồi thường cho trường hợp tổn thất do thay đổi nhiệt độ với điều kiện:

 Sự thay đổi nhiệt độ có nguyên nhân do sự hỏng hóc máy làm đông lạnh;

 Ngừng máy trong khoảng thời gian “không dưới 24 giờ liên tục”.

Ngay sau khi xảy ra tổn thất, B1 đã tiến hành thuê công ty giám định MacLarens là đơn vị giám định độc lập để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất.

Diễn biến quá trình giám định và kết luận giám định đúng như lời trình bày như trên của nguyên đơn.

Kết luận của Công ty CP Giám Định P1(Nori) và McL đều thống nhất thể hiện: Hàng hóa đã không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trong 48 giờ tuy nhiên không phải do nguyên nhân máy làm lạnh bị hư hỏng. Do vậy, căn cứ điều khoản bảo hiểm quy định trên đơn bảo hiểm số MCE/01289903, tổn thất lô hàng nêu trên không thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Việc Nguyên đơn đưa ra lập luận không được cung cấp giải thích đầy đủ quy tắc/điều khoản bảo hiểm là không có cơ sở vì Quy tắc/Điều khoản bảo hiểm là một phần không thể tách rời và đã quy định rõ ràng và cụ thể trên đơn/hợp đồng bảo hiểm. Trên Đơn bảo hiểm chỉ thể hiện những nội dung điều khoản cơ bản và dẫn chiếu Quy tắc/Điều khoản bảo hiểm. Nguyên đơn không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào thể hiện bị ép buộc khi giao kết hợp đồng. Do đó, việc Nguyên đơn cho rằng điều kiện, điều khoản bảo hiểm của B1 là không hợp lý nhưng lại chấp nhận mua bảo hiểm của B1 là hoàn toàn mâu thuẫn. Khi giao kết hợp đồng, B1 đã cung cấp và giải thích đầy đủ cho Nguyên đơn các điều kiện, điều khoản bảo hiểm và Nguyên đơn cũng không có bất kỳ thắc mắc hay phản đối. Đề nghị tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện cùa Công ty T.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Công ty X có ông Nguyễn Đức T1đại diện trình bày:

Ngày 31/3/2017, Công ty X (địa chỉ tại: CTA2A, 280 B2r Road, Canning V, Western Australia, Australia) và Công ty Cổ phần Quốc tế T đã thỏa thuận là Công ty X đặt mua lô hàng 5000kg xoài tươi, giá trị đơn hàng là 29,250.00 AUD với Công ty Cổ phần Quốc tế T. Tại Điều 5 của hợp đồng mua bán đã thể hiện điều khoản thanh toán là “thanh toán 100% giá trị hàng hóa bằng chuyển khoản sau khi nhận hàng”. Lô hàng này thuộc vận đơn số KLISGN275714 đã bị hư hỏng nên Công ty X không nhận hàng và cũng không thanh toán tiền hàng cho lô hàng trên. Do đó Công ty X đã có văn bản xác định không liên quan trong vụ án này và với vai trò là Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì Công ty X đã lập Giấy ủy quyền ngày 06/09/2019 (được hợp thức hóa lãnh sự tại Tổng LSQVN tại Perth, Úc ngày 02/10/2019) cho ông Nguyễn Đức T1đại diện công ty Công ty X tham gia tố tụng tại Tòa án các cấp để giải quyết vụ tranh chấp nêu trên. Đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bản án sơ thẩm số 1652/2020/KDTM - ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty Cổ phần Quốc tế T:

Buộc Tổng Công ty Cổ phần B1 phải thanh toán cho Công ty Cổ phần Quốc tế T số tiền bảo hiểm là 550.321.200 đồng và số tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là 117.421.959 đồng. Tổng cộng số tiền phải thanh toán là 667.743.000 đồng (sáu trăm sáu mươi bảy triệu bảy trăm bốn mươi ba ngàn đồng).

Kể từ ngày Công ty Cổ phần Quốc tế T có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, nếu Tổng Công ty Cổ phần B1 chậm thực hiện nghĩa vụ trả số tiền nói trên thì còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả Thi hành ngay khi bản án có hiệu lực tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 13/10/2021, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận được đơn kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Cổ phần B1 đề nghị sửa án, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì tổn thất không thuộc phạm vi bảo hiểm và T không có quyền khởi kiện.

 

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện ủy quyền của Tổng Công ty Cổ phần B1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. 

Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Quá trình tổn thất là có thật, thiệt hại xảy ra. B1 từ chối bồi thường do không thuộc phạm vi bảo hiểm. Nhưng đơn bảo hiểm số MCE/01289903 do B1 phát hành đã ghi rõ người được bảo hiểm nếu hàng bị hư hỏng là T. Khi bán bảo hiểm nhân viên tiếp nhận của B1 không đưa Điều khoản bảo hiểm thực phẩm đông lạnh đính kèm vào Đơn bảo hiểm và cũng không giải thich rõ các điều kiện, điều khoản bảo hiểm có liên quan và không đính kèm vào theo đơn bảo hiểm các điều khoản này. Đến khi hàng hóa phát sinh tổn thất thì B1 dẫn chiếu quy tắc Điều khoản bảo hiểm hàng thực phẩm đông lạnh (A) 1/1/86 để làm căn cứ từ chối bồi thường bảo hiểm gửi T với lý do tổn thất không thuộc phạm vi được bảo hiểm. Ngoài việc cấp đơn bảo hiểm với nội dung trên thì B1 không giải thích hoặc giao thêm tài liệu nào mà chỉ cam kết nếu xảy ra tổn thất sẽ bồi thường 110% giá trị lô hàng. Khi cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa cũng không có nội dung của điểm loại trừ bảo hiểm của quy tắc Điều khoản bảo hiểm hàng thực phẩm đông lạnh (A) 1/1/86, điều này coi như B1 đã vi phạm các quy định tại điểm đ khoản 1 điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định “Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây: Điều khoản loại trừ trách nhiệm” và khoản 2 điều 16 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”. Do B1 không giải thích và điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không được quy định rõ ràng trong hợp đồng, bên mua bảo hiểm cũng không được cung cấp quy tắc và giải thích rõ theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và điểm a khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 nên không nắm rõ được phạm vi bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, gây bất lợi cho người mua bảo hiểm khi tổn thất xảy ra. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét Điều 17,19,21 Luật Kinh doanh bảo hiểm vận dụng xem xét để nguyên đơn được bồi thường.

Về tư cách tố tụng đã được thẩm tra làm rõ T bán hàng, có quyền lợi liên quan đến lô hàng, chưa được bên bán thanh toán. Người bán ủy quyền hợp thức hóa lãnh sự và đề nghị chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Ông Nguyễn Đức T1trình bày: Giao kết hợp đồng, người thụ hưởng là T. Hàng hóa được bảo hiểm là xoài tươi nên rất dễ bị hư hỏng khi có sự thay đổi nhiệt độ trong quá trình vận chuyển, khi đề nghị mua bảo hiểm nguyên đơn đã đề nghị mua loại cao nhất để tránh rủi ro. Hợp đồng thể hiện điều khoản CIF là về phương thức vận chuyển hàng hóa. T không đề cập điều khoản CIF trong điều khoản nào của Incoterms. Khách hàng nhận tiền mới trả tiền, chưa nhận hàng đã xảy ra tổn thất. T có quyền khởi kiện.

Bà P đại diện Bị đơn trình bày: Điều kiện CIF là “ Người mua chịu mọi rủi ro về mất mát và hư hại hàng kể từ khi hàng qua lan can tàu tại cảng xếp”.

Người mua là X mới là người được bảo hiểm. Phạm vi nội dung ủy quyền tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không phải nguyên đơn trong vụ án.

Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Hợp đồng ghi theo giá CIF, không nói theo điều kiện nào của Incoterms, chỉ là phương thức vận chuyển, thời gian thanh toán 15 ngày sau khi nhận hàng. Người bán chưa nhận hàng.

Bà P đại diện Bị đơn trình bày: Mua bảo hiểm lô hàng xoài, điều kiện là CIF, hàng chuyển lên tàu rủi ro chuyển sang người mua. X mới có quyền khởi kiện.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự tham gia tố tụng chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đến ngày 30/11/2018 B1 mới chính thức trả lời cho T về việc từ chối bảo hiểm nghĩa là đến thời điểm này quyền lợi của T mới bị xâm phạm nên Tòa án nhân dân Quận 1 thụ lý đơn khởi kiện của T từ ngày 3/10/2017 là chưa đủ điều kiện khởi kiện, mặt khác Đơn bảo hiểm thể hiện hàng hóa của T được bảo hiểm theo điều kiện CIF nên người bán hàng là T không có quyền truy đòi. Điều kiện CIF là “ Người mua chịu mọi rủi ro về mất mát và hư hại hàng kể từ khi hàng qua lan can tàu tại cảng xếp”. X ủy quyền cho ông Nguyễn Đức T1tham gia phiên tòa, yêu cầu chi trả, không ủy quyền khởi kiện tại Tòa án. Hơn nữa, phạm vi thiệt hại của nguyên đơn không thuộc phạm vi bảo hiểm. Do đó, yêu cầu kháng cáo của bị đơn có cơ sở để chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, thụ lý và giải quyết vụ án đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn là Tng Công ty Cổ phần B1, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] Ngày 21/4/2017, Tổng Công ty Cổ phần B1 Chợ Lớn đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 cho Công ty T với nội dung:

- Người được bảo hiểm: Công ty Cổ phần Quốc tế T.

- Đối tượng bảo hiểm: lô hàng 1.000 thùng / 5.000 kg xoài đóng container lạnh;

- Ngày yêu cầu bảo hiểm: 21/04/2017;

- Hải trình: Vận chuyển từ cảng Cát Lái, Tp.HCM ngày 22/04/2017 đến Cảng Úc ngày 04/05/2017;

- Số tiền bảo hiểm: 110%CIF: 32.175 AUD, -Tổng phí bảo hiểm phải thanh toán: 42,47 AUD T đã đóng đủ số tiền phí bảo hiểm và B1 đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 cho công ty T.

Đến ngày 08/05/2017 khi dỡ hàng tại kho, người nhận hàng là X phát hiện hàng bị hư hỏng hoàn toàn nên từ chối nhận hàng và thông báo cho T. Công ty T đã thực hiện mọi thủ tục và cung cấp các tài liệu theo yêu cầu của B1 và B1 đã trưng cầu đơn vị giám định tại Úc là McL và đơn vị giám định độc lập là Công ty CP Giám Định P1(Nori) giám định kết luận Hàng đã bị hư hỏng toàn bộ, nguyên nhân tổn thất là do Hàng hóa đã không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trong 48 giờ, tuy nhiên không phải do máy làm lạnh bị hư hỏng.

Sau khi có biên bản giám định ngày 25/5/2017 xác định 5.000 kg xoài thì ngày 223/6/2017 B1 đã gửi văn bản từ chối bồi thường tổn thất lô hàng lỳ do chưa đủ cơ sở để xác định tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo đơn bảo hiểm. Ngày 11/8/2017 T có đơn khởi kiện B1 tại Tòa án nhân dân Quận 1. Ngày 29/01/2018 Tòa án nhân dân Quận 1chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 30/11/2018 B1 đã có Công văn số 2253/2018-BM/HH gửi cho nguyên đơn từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do căn cứ điều khoản bảo hiểm thực phẩm đông lạnh (A) đã ghi trên đơn bảo hiểm số MCE/01289903 thì tổn thất không thuộc phạm vi được bảo hiểm.

[2.2] Căn cứ Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 ngày 21/4/2017 do B1 phát hành ghi rõ tên người được bảo hiểm là Công ty T. Các đương sự đều thừa nhận Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903 được xem là Hợp đồng bảo hiểm được xác lập giữa hai bên và tại thời điểm giao kết hợp đồng, T đã cung cấp đầy đủ chứng từ khai báo mua bảo hiểm và đã thanh toán tiền phí bảo hiểm đầy đủ và B1 đã chấp nhận bán bảo hiểm và ghi rõ người được bảo hiểm là Công ty T. Mặt khác, do người mua hàng là Công ty X chưa nhận hàng và chưa thanh toán tiền (tại Điều 5 của Hợp đồng mua bán giữa T và X thỏa thuận: thanh toán 100% giá trị hàng hóa bằng chuyển khoản sau khi nhận hàng 15 ngày) đồng thời X đã có giấy ủy quyền hợp pháp cho người đại diện hợp pháp của Công ty T (Bút lục 234 thay mặt công ty làm việc với Tổng Công ty Cổ phần B1 để yêu cầu bồi thường toàn bộ tổn thất lô hàng và nhận tiền bồi thường) (Bút lục 32) và có lời khai đề nghị tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của T, nên căn cứ Điều 305 Luật Hàng hải, nguyên đơn

 

– Công ty T là người có quyền lợi đối với lô hàng được bảo hiểm tại thời điểm phát hiện tổn thất, việc B1 và quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng do lô hàng bảo hiểm được bán theo giá CIF nên T không có quyền lợi khi hàng đã lên tàu nên không phải là người được bảo hiểm và không có quyền khởi kiện là không có cơ sở. Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh Bảo hiểm thì Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “bồi thường bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm” nên10khi phát sinh sự kiện được bảo hiểm thì B1 có nghĩa vụ bồi thường cho T là đúng chủ thể nhận tiền bồi thường bảo hiểm như thỏa thuận của các bên tại Đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển số MCE/01289903. Vụ kiện được thụ lý cũng là tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm giữa T và B1.

 

[4] Tại tòa người đại diện hợp pháp của B1 tuy xác nhận đối tượng bảo hiểm là lô hàng xoài tươi đã bị hư hỏng toàn bộ nhưng từ chối bồi thường với lý do căn cứ điều khoản bảo hiểm thực phẩm đông lạnh (A) đã ghi trên đơn bảo hiểm thì tổn thất không thuộc phạm vi được bảo hiểm. Nguyên đơn trình bày ngoài việc cấp đơn bảo hiểm với nội dung trên thì B1 không giải thích hoặc giao thêm tài liệu nào mà chỉ cam kết nếu xảy ra tổn thất sẽ bồi thường 110% giá trị lô hàng.

Xét thấy: Tại phần Điều kiện, điều khoản, đoạn kết và sửa đổi bổ sung của Đơn bảo hiểm số MCE/01289903 do B1 phát hành có ghi: “Tuân thủ theo Điều kiện, điều khoản, đoan kết và sửa đổi bổ sung đính kèm:

- Institute Frozen Food Clause (A) 1/1/86 (Bao Minh-CL.263-ILU)- By the decision No. 0629/2005-BM/BHHH dated 22/03/2005 - Cargo ISM Endorsement 1/5/98 (Bao Minh-JC.019-JCC)- By the decision No. 0630/2005-BM/BHHH dated 22/03/2005.

- Cargo ISPS Endorsement 04/11/04 (Bao Minh-JC.050-JCC)- By the decision No. 1126/2005-BM/BHHH dated 10/05/2005.

- Cargo Inland transit clause1/4/2005 1/5/98 (Bao Minh-CL.001-HHA)- By the decision No. 0627/2005-BM/BHHH dated 22/03/2005.

- Institute Classification 01/01/2001 (Bao Minh-CL.354-ILU)- By the decision No. 1644/2016-BM/BHHH dated 20/11/2016.” Có tất cả là 05 điều khoản trên Đơn bảo hiểm. Bị đơn cho rằng ngoài việc cung cấp Đơn bảo hiểm số MCE/01289903 thì B1 đã giải thích rõ cho T về 5 điều khoản trên, tuy nhiên B1 không cung cấp được chứng cứ gì để chứng minh đã cung cấp và giải thích đầy đủ cho Nguyên đơn các điều kiện, điều khoản bảo hiểm có liên quan cũng như đã đính kèm 5 điều khoản nêu trên theo đơn bảo hiểm như trong đơn bảo hiểm mà B1 phát hành đã ghi nhận.

Nhận thấy: Căn cứ qui định tại điểm a Khoản 2 Điều 17 và Khoản 1 Điều 19 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 thì B1 (là doanh nghiệp bảo hiểm) phải có nghĩa vụ “Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm” và phải “ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; …”. Do B1

 

(là bên phát hành Đơn bảo hiểm) không ghi rõ các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm vào đơn bảo hiểm theo qui định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, B1 cũng không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh đã cung cấp và đính kèm quy tắc điều kiện, điều khoản bảo hiểm vào đơn bảo hiểm như tại Đơn bảo hiểm11đã ghi và cũng không chứng minh được là đã giải thích rõ cho người mua bảo hiểm là Công ty T theo quy định tại khoản 2 Điều 16 và điểm a khoản 2 Điều 17 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000, nên khi xảy ra sự kiện bảo hiểm là hàng hóa đã bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, người được bảo hiểm là T đã thực hiện mọi thủ tục và cung cấp bộ hồ sơ hợp lệ và đã gửi đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm gửi cho B1 vào ngày 29/5/2017 và ngày 22/6/2017 theo đúng qui định tại Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm thì B1 phải có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm như thỏa thuận. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc B1 phải có trách nhiệm bồi thường cho T giá trị số hàng hóa bị thiệt hại theo Đơn bảo hiểm với số tiền là 32.175 Đô la Úc tương đương với 550.321.200 đồng (theo tỷ giá ngoại tệ của Vietcombank ngày 10/9/2020 là ngày xét xử vụ án) và trả lãi chậm thanh toán là có căn cứ .

 

B1 đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho nguyên đơn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm và căn cứ điểm a khoản 2 Điều 17 và Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 thì B1 phải trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người được bảo hiểm khi xãy ra sự kiện bảo hiểm nhưng đến nay B1 vẫn chưa thanh toán. Do đó việc nguyên đơn yêu cầu B1 phải thanh toán tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày B1 phát hành công văn ngày 30/11/2018 gửi T từ chối bồi thường đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 10/9/2020) theo mức lãi suất quá hạn trung bình của ba ngân hàng có chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh (Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thông Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam). Theo biểu lãi suất do nguyên đơn cung cấp và do Tòa án thu thập thể hiện Bình quân lãi suất nợ quá hạn của ba ngân hàng tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 12,5%/năm nên việc nguyên đơn yêu cầu tiền lãi với số tiền là 117.421.959 đồng với mức lãi suất 12%/ năm là đã có lợi cho bị đơn và phù hợp với quy định tại Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm, Điều 306 Luật thương mại 2005 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[3] Từ những phân tích và nhận định nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đúng pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Cổ phần B1, giữ nguyên án sơ thẩm.

Ý kiến của người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị sửa án không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Tổng Công ty Cổ phần B1 phải chịu do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 30, Khoản 3 Điều 35,điểm a Khoản 1 Điều 37, điểm a Khoản 3 Điều 38, điểm a Khoản 1 Điều 39 , Điều 259, Điều 266, Điều 273 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ quy định tại Điều 12, Điều 15, Điểm a và Điểm c Khoản 2 Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 21, Điều 29 Luật kinh doanh Bảo hiểm năm 2000;

Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại;

Căn cứ Điều 11, điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ- HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Cổ phần B1. Giữ nguyên án sơ thẩm số 1652/2020/KDTM - ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh .

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty Cổ phần Quốc tế T:

Buộc Tổng Công ty Cổ phần B1 phải thanh toán cho Công ty Cổ phần Quốc tế T số tiền bảo hiểm là 550.321.200 đồng và số tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán là 117.421.959 đồng. Tổng cộng số tiền phải thanh toán là 667.743.000 đồng (sáu trăm sáu mươi bảy triệu bảy trăm bốn mươi ba ngàn đồng).

Kể từ ngày Công ty Cổ phần Quốc tế T có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, nếu Tổng Công ty Cổ phần B1 chậm thực hiện nghĩa vụ trả số tiền nói trên thì còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian và số tiền chậm trả Thi hành ngay khi bản án có hiệu lực tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

2. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Tổng Công ty Cổ phần B1 phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 30.709.720 đồng (ba mươi triệu bảy trăm lẻ chín ngàn bảy trăm hai mươi đồng).

Công ty Cổ phần Quốc tế T không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn lại cho Công ty Cổ phầ1n3 Quốc tế T số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 13.155.072 đồng (mười ba triệu một trăm năm mươi lăm ngàn không trăm bảy hai đồng) theo Biên lai thu tiền số AA/2017/0022027 ngày 03 tháng 10 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh .

3. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Tổng Công ty Cổ phần B1 phải chịu là 2.000.000 đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí là 2.000.000 đồng Tổng Công ty Cổ phần B1 đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0092963 ngày 04/11/2020 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng Công ty Cổ phần B1 đã nộp đủ án phí.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

139
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 02/2022/KDTM-PT

Số hiệu:02/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 12/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về