Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 02/2021/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KT

BẢN ÁN 02/2021/KDTM-PT NGÀY 12/11/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Trong ngày 12 tháng 11 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh KT, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 01/2021/TLPT-KDTM ngày 16 tháng 4 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.

Do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 01/2021/KDTM-ST ngày 11/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố KT, tỉnh KT bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 11/2021/QĐPT-DS ngày 01 tháng 06 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần TP.

Địa chỉ: Lô T2, KCN HB, phường LL, Tp KT, tỉnh KT.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn Q; chức vụ: Tổng Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Chí H1 và ông Lê Văn K.

Địa chỉ: Lô T2, KCN HB, phường LL, Tp KT, tỉnh KT (có mặt).

- Bị đơn: Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN .

Địa chỉ: Tầng 6 – 29T1, HĐT, phường TH, quận CG, thành phố HN.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Tiến H2; chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Văn L1; chức vụ: Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL; Ông Trần Ngọc H3, chức vụ: Phó phòng phụ trách phòng giám định bồi thường Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL; Ông Nguyễn T, chức vụ: Phó Giám đốc kiêm trưởng phòng KDKV KT Bảo hiểm Ngân hàng NN Chi nhánh ĐL(có mặt)..

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL.

Địa chỉ: Số 06 THD, thành phố BMT, tỉnh ĐL.

Người đại diện: Ông Đặng Văn L1; chức vụ: Giám đốc (có mặt).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL: Ông Nguyễn Văn L2– Chuyên viên tư vấn pháp luật thuộc Công ty Luật TNHH TC; Địa chỉ: Tổ dân phố Đ 6, phường CN 2, quận BTL, thành phố HN (có mặt).

2/ Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT.

Địa chỉ: Số 88 TP, thành phố KT, tỉnh KT.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Bá C; chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lương Anh T1; chức vụ: Trưởng phòng phòng khách hàng (Có mặt) .

3/ Công ty Cổ phần tư vấn XDNLTT.

Địa chỉ: Số 02 TTT, phường PĐH, quận HBT, thành phố HN.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Ngọc S; chức vụ: Tổng giám đốc (Vắng mặt).

4/ Công ty Cổ phần ĐCV.

Địa chỉ: Số 328 VVK, phường CG, quận 1, thành phố HCM.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Hữu D; chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Thanh T2; chức vụ: Trưởng phòng giám định (có mặt).

Ngưi kháng cáo: Bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN .

NỘI DUNG VỤ ÁN

1.Tại đơn khởi kiện đề ngày 20/4/2020 và trong quá trình xét xử, nguyên đơn Công ty Cổ phần TP trình bày:

Công ty Cổ phần TP là chủ đầu tư dự án công trình thủy điện PLK tại xã ĐN, thi trấn PK, huyện NH, tỉnh KT. Dự án được Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện M tư vấn và thiết kế theo đúng quy chuẩn kỹ thuật và được Ủy ban nhân dân tỉnh KT chấp thuận đầu tư dự án theo Quyết định số 1225/QĐ-UBND ngày 17/10/2016. Để nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình thi công dự án, ngày 26/4/2018, Công ty Cổ phần TP, Ngân hàngNN và PTNT VN – Chi nhánh tỉnh KT và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL đã thỏa thuận ký Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng và lắp đặt đối với công trình xây dựng nhà máy thủy điện PLK. Điều 10 của Hợp đồng bảo hiểm có quy định về tỷ lệ % và thời hạn thanh toán phí của Hợp đồng bảo hiểm. Công ty Cổ phần TP đã đóng đúng và đủ số tiền phí theo quy định vào số tài khoản của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL, cụ thể như sau:

- Lần 1: Ngày 26/4/2018, chuyển số tiền 652.397.680 đồng, theo hoá đơn giá trị gia tăng số 0036928.

- Lần 2: Ngày 02/8/2018, chuyển số tiền 326.198.840 đồng, theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0070161.

- Lần 3: Ngày 20/9/2018, chuyển số tiền 326.198.840 đồng, theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0070872.

- Lần 4: Ngày 14/11/2018, chuyển số tiền 326.198.840 đồng, theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0070979.

Ngày 11/10/2017, Công ty Cổ phần TP khởi công xây dựng dự án và dự kiến sẽ hoàn thành sau 24 tháng. Mọi công tác chuẩn bị và thi công đúng theo thiết kế đã được phê duyệt, công tác phòng chống bão lụt được đề cao và sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống. Trong khoảng thời gian từ ngày 01/07/2019 đến ngày 02/07/2019, trên địa bàn công trình có mưa lớn kéo dài, phía Công ty đã triển khai công tác phòng chống ĐH huy động lực lượng nhân công để di chuyển trang thiết bị, vật tư đến nơi an toàn và gia cố những vị trí cần thiết để bảo vệ công trình. Do lượng mưa lớn nên nước lũ trên thượng nguồn đột ngột đổ về công trình, chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ công trình đã ngập sâu trong nước và bị cuốn trôi những hạng mục công trình. Ngay trong sáng ngày 02/07/2019, Công ty Cổ phần TP đã thông báo cho phía Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN - Chi nhánh ĐL. Phía Công ty Bảo hiểm đã xuống công trình ghi nhận tình hình và tình trạng tổn thất của công trình. Sau khi ghi nhận tổn thất tại hiện trường, ngày 04/7/2019, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN - Chi nhánh ĐL đã gửi văn bản số 2755/2019/CV-ABIC-TSKT yêu cầu Công ty Cổ phần ĐCV trực tiếp giám định nguyên nhân và giá trị tổn thất của dự án. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần TP cũng yêu cầu Công ty Cổ phần tư vấn XDNLTT lập hồ sơ thuyết trình xử lý sự cố thủy điện PLK, tính toán chi tiết chi phí xử lý sự cố.

Tại biên bản giám định tổn thất ngày 02/07/2019, đại diện của Công ty Cổ phần TP và Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NN thống nhất về việc ước tính thiệt hại khoảng 20 tỷ và có thể còn cao hơn vì tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Tại biên bản giám định hiện trường ngày 19/07/2019 của Công ty Cổ phần ĐCV cũng khẳng định có thiệt hại xảy ra và cho rằng một số bộ phận của hạng mục có thể sử dụng lại. Tuy nhiên, khi tiến hành khắc phục hậu quả thì những hạng mục đó đều không sử dụng lại được vì ảnh hưởng tới kết cấu của công trình. Mặt khác, tại biên bản có sự tham gia của Ông Nguyễn T đại diện cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN - Chi nhánh ĐL nhưng lại không ký tên trong biên bản.

Về mặt nguyên tắc, khi xảy ra thiệt hại trong thời gian hiệu lực của hợp đồng và thuộc hạng mục được bảo hiểm thì bên phía Công ty Bảo hiểm phải bồi thường nhưng Công ty Bảo hiểm đang cố tình tìm đủ mọi lý do để từ chối bồi thường cho Công ty Cổ phần TP. Cụ thể, Công ty bảo hiểm đã vận dụng các điều khoản bổ sung số 11, 23, 24 để loại trừ là không đúng với điều khoản được quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Khi xảy ra thiệt hại, Công ty bảo hiểm đã cung cấp cho các bên có liên quan (đơn vị giám định) và Tòa án một bản các điều khoản bổ sung khác với bản đã giao cho Công ty TP. Đây là hành vi cố tình lừa dối khách hàng của Công ty bảo hiểm nhằm mục đích thu phí của khách hàng mà không có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN .

Trong quá trình giải quyết, tại phiên hòa giải, phía Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN thừa nhận tại biên bản giám định là có xảy ra thiệt hại trong thực tế. Tuy nhiên, Công ty bảo hiểm đã căn cứ vào các điều khoản bổ sung số 11, 23, 24, để loại trừ nhằm trốn tránh nghĩa vụ bồi thường là không có cơ sở, không đúng với các quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Cũng tại phiên hòa giải, đại diện người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng NN và Phát triển nông thôn - Chi nhánh KT trình bày: Việc Công ty TP mua bảo hiểm rủi ro đối với công trình thủy điện PLK là có thật. Trong thời gian thực hiện hợp đồng thì có sự cố xảy ra gây thiệt hại nặng cho công trình nên việc Công ty bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại đối với hạng mục mà Công ty TP đã mua bảo hiểm là lẽ đương nhiên. Đại diện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT cũng đề nghị Tòa án xem xét và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TP.

Công ty TP xác định tổng giá trị thiệt hại đối với công trình thủy điện PLK như sau:

STT

Hạng mục thiệt hại

Giá trị trước thuế (VNĐ)

I

Công trình chính

10.994.556.566

1

Khoang tràn

2.071.450.655

2

Kênh dẫn và kênh xả

976.590.510

3

Nhà máy

4.157.309.044

4

Cải tạo lòng sông

2.820.039.313

II

Công trình tạm

8.931.338.266

1

Đê quay thượng lưu

509.481.338

2

Cầu tạm thi công

4.475.559.868

3

Ngầm thi công

1.407.242.301

4

Đường thi công

2.539.054.760

III

Chi phí thuê xà lan

411.821.552

Tổng cộng (I+II+III) chưa bao gồm VAT

19.368.549.341

Thuế VAT (10%)

1.936.854.934

Do đó, Công ty Cổ phần TP yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN bồi thường cho Công ty Cổ phần TP toàn bộ thiệt hại tại công trình thủy điện PLK tại xã ĐN, thị trấn PLK, huyện NH, tỉnh KT với số tiền là 21.305.404.275 đồng (Hai mươi mốt tỷ, ba trăm lẻ năm triệu, bốn trăm lẻ bốn nghìn, hai trăm bảy mươi lăm đồng).

2. Bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN trình bày.

Về thời gian, nội dung ký kết Hợp đồng bảo hiểm, đúng như nguyên đơn Công ty Cổ phần TP trình bày. Tại Điều 4 Hợp đồng bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm được áp dụng cho Hợp đồng này theo Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 2346/2014/QĐ-ABIC-TSKT ngày 05/09/2014 của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN . Ngoài ra, hợp đồng còn áp dụng 27 điều khoản bổ sung, chi tiết điều khoản bổ sung được đính kèm theo Hợp đồng là Điều khoản bổ sung bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 2349/2014/QĐ-ABIC-TSKT ngày 05/09/2014 của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN . Căn cứ quy định của Điều khoản bổ sung, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN cho rằng, hầu hết hạng mục tổn thất theo yêu cầu bồi thường của Công ty Cổ phần TP nằm trong điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, tức là khi xảy ra các tổn thất đó, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN sẽ không phải bồi thường. Cụ thể như sau:

- Đối với hạng mục Khoang tràn: Theo Báo cáo giám định, có 02 khoang số 3 và 4 của đập tràn vừa mới đổ bê tông xong. Do bê tông chưa đủ cường độ nên đã bị nước lũ cuốn trôi. Nguyên nhân tổn thất (nếu có) là do nước lũ dâng cao và chảy xiết qua đập tràn. Căn cứ theo điều khoản bổ sung số 23 (điều khoản loại trừ đặc biệt liên quan đến kênh dẫn dòng và xả nước qua đập tràn). Như vậy, tổn thất đối với hạng mục khoanh tràn (nếu có) thuộc điểm loại trừ của Điều khoản bổ sung số 23.

- Đối với hạng mục kênh dẫn và kênh xả:

+ Kênh dẫn: Theo kết quả giám định hiện trường, có nước lũ, bùn đất tràn vào cửa kênh dẫn.

+ Kênh xả: Theo kết quả giám định hiện trường, có nước lũ tràn vào cửa kênh xả. Người được bảo hiểm cho biết, có khoảng 3,5m tường chắn T3 bị cuốn trôi.

Nguyên nhân tổn thất là do nước lũ dâng cao tràn qua đê quây, đập dâng làm bùn đất tràn vào cửa kênh dẫn và kênh xả.

Căn cứ Điều khoản bổ sung số 23, 24 (điều kiện đặc biệt liên quan tới công việc thi công liên quan đến nước. Như vậy, tổn thất của hạng mục kênh dẫn và kênh xả thuộc điểm loại trừ của Điều khoản bổ sung số 23 và 24.

- Đối với hạng mục nhà máy: Theo kết quả giám định hiện trường, gian lắp máy (trong phạm vi trục A-B/1-4) bị sụt lún nền đất làm hư hỏng phần móng và kết cấu thép bên trên của nhà máy; nước lũ tràn vào bên trong nhà máy. Nguyên nhân tổn thất là do nước lũ dâng cao tràn qua đê quây và đập dâng làm nước, bùn đất tràn vào bên trong nhà máy và gây xói lở nền móng, hư hỏng hạng mục công trình tại gian lắp máy. Như vậy, tổn thất của nhà máy thuộc điểm loại trừ của Điều khoản bổ sung số 23 và 24.

- Đối với hạng mục cải tạo lòng sông: Theo Báo cáo giám định, đất đá từ các đường thi công bị nước lũ cuốn trôi làm bồi lấp khu vực lòng sông đã nạo vét. Do đó, cần phải nạo vét lại khu vực bị bồi lấp này. Nguyên nhân tổn thất do nước lũ kéo theo bùn đất vùi lấp khu vực lòng sông đã nạo vét…. Như vậy, tổn thất này thuộc điểm loại trừ của điều khoản bổ sung số 24 và có thể lường trước được. Người được bảo hiểm đã không có các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa tổn thất xảy ra đối với hạng mục cải tạo lòng sông.

- Đối với hạng mục đê quây thượng lưu: Theo kết quả giám định hiện trường, có 01 đoạn đê quây thượng lưu bị cuốn trôi và người được bảo hiểm đã tiến hành đắp lại đoạn này. Nguyên nhân tổn thất là do nước lũ dâng cao tràn qua đê quây, chảy xiết phá hủy một đoạn đê quây.

Căn cứ điều khoản bổ sung số 11 (Điều khoản đặc biệt liên quan đến biện pháp an toàn đối với mùa mưa bão, lũ lụt): “…Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN sẽ chỉ bồi thường cho người được bảo hiểm các tổn thất hoặc trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp gây ra bởi mưa, lũ và lụt nếu như các biện pháp an toàn đã được thực hiện đầy đủ trong khi thiết kế và thi công công trình. Các biện pháp an toàn được thực hiện đầy đủ phải tính đến tình hình mưa, lũ và lụt tại khu vực được bảo hiểm trong toàn bộ thời gian bảo hiểm trên cơ sở đã được xem xét kỹ các số liệu thống kê với chu kì 20 năm do cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp”. Căn cứ theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật do người được bảo hiểm cung cấp, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN nhận thấy tần suất dẫn dòng thi công P = 10% tương đương chu kì lũ xuất hiện 10 năm/lần, nhỏ hơn so với thời gian chu kỳ được quy định trong điều khoản trên (20 năm).

Như vậy, người được bảo hiểm chưa tuân thủ quy định tại điều khoản bổ sung số 11. Tổn thất của hạng mục đê quây thượng lưu cũng thuộc điểm loại trừ của điều khoản bổ sung số 23 và 24.

- Đối với các hạng mục cầu tạm thi công và ngầm thi công: Theo kết quả giám định hiện trường, cầu tạm bị nước lũ cuốn trôi 01 mố trụ cầu và phần rọ đá bảo vệ móng. Theo Báo cáo giám định, công trình dẫn dòng còn có hạng mục ngầm qua sông bị nước lũ cuốn trôi. Theo hồ sơ nghiệm thu thanh quyết toán ban đầu của hạng mục này, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN nhận thấy cấu tạo của hạng mục này gồm: 125 rọ đá; và 206m3 đá hỗn hợp tận dụng. Nguyên nhân tổn thất là do nước lũ dâng cao, chảy xiết làm phá hủy, cuốn trôi 01 mố trụ cầu, lớp đất đá đắp và đá hộc gia cố. Căn cứ theo hồ sơ thanh quyết toán do người được bảo hiểm cung cấp, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN xác định giá trị tổn thất hợp lý của các hạng mục này là 470.699.426 đồng (chưa bao gồm VAT). Chi tiết tính toán như sau:

- Cầu tạm thi công: Số tiền 317.093.525 đồng.

- Ngầm thi công: Số tiền 153.605.901 đồng.

Các tổn thất còn lại của hạng mục cầu tạm thi công và ngầm thi công do chưa tuân thủ điều khoản bổ sung số 11 nên thuộc điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

- Đối với hạng mục đường thi công: Theo Báo cáo giám định, các hạng mục đường thi công đã bị nước lũ cuốn trôi phần nền đất đắp. Theo hợp đồng thi công khắc phục của người được bảo hiểm, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN nhận thấy biện pháp thi công là đắp lại phần nền đường bị cuốn trôi. Nguyên nhân tổn thất là do nước lũ dâng cao, chảy xiết làm phá hủy, cuốn trôi lớp đất đá đắp. Hạng mục công trình tạm đường thi công nằm ở khu vực hạ lưu (phía sau tràn van phẳng) nên sẽ chịu tác động trực tiếp từ dòng nước lũ. Hạng mục này chỉ có thể đảm bảo an toàn nếu công trình tạm cũng được thiết kế với tần suất tương tự với công trình chính (P=1,5%). Như vậy, tổn thất của hạng mục đường thi công thuộc điểm loại trừ của điều khoản bổ sung số 24 nêu trên và có thể lường trước được. Người được bảo hiểm đã không có các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa tổn thất xảy ra đối với hạng mục này.

- Đối với hạng mục chi phí thuê sà lan: Tổn thất của hạng mục này thuộc điểm loại trừ của điều khoản bổ sung số 24.

Các hạng mục tổn thất nêu trên đều nằm trong điểm loại trừ trách nhiệm của điều khoản bổ sung số 11, 23 và 24. Chỉ có một phần tổn thất của hai hạng mục cầu tạm thi công và ngầm thi công có giá trị tổn thất hợp lý được xác định làm căn cứ bồi thường là 470.699.426 đồng (chưa bao gồm VAT). Tuy nhiên, theo quy định tại mục 8.1 Điều 8 Hợp đồng bảo hiểm, mức khấu trừ (là số tiền mà người được bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm) áp dụng cho phần bảo hiểm tổn thất vật chất 5% giá trị tổn thất nhưng không thấp hơn: “Đối với rủi ro thiên tai, lỗi thiết kế, rủi ro do nhà sản xuất, rủi ro trong quá trình thi công, lỗi do tay nghề kém, lỗi do nguyên vật liệu kém chất lượng, rủi ro sụt và lún, trong quá trình chạy thử và bảo hành là: 500.000.000đồng/vụ”.

Như vậy, số tiền bồi thường mà Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN xác định cho hai hạng mục cầu tạm thi công và ngầm thi công của công trình thủy điện PLK là 470.699.426 đồng, thấp hơn mức khấu trừ là 500.000.000 đồng/vụ nên thuộc trường hợp Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN không phải bồi thường. Toàn bộ yêu cầu bồi thường của Công ty Cổ phần TP đối với tổn thất của công trình thủy điện PLK là không có căn cứ.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1 Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL trình bày.

Thống nhất với toàn bộ ý kiến như trình bày của bị đơn. Toàn bộ yêu cầu bồi thường của Công ty Cổ phần TP đối với tổn thất của công trình thủy điện PLK là không có căn cứ nên không có cơ sở để chấp nhận bồi thường.

3.2 Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT trình bày.

Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT có cấp tín dụng cho Công ty Cổ phần TP để đầu tư dự án nhà máy thủy điện PLK tại thị trấn PLK, xã ĐN, huyện NH và xã ĐRN, huyện ĐT, tỉnh KT theo Hợp đồng tín dụng số 3399/HĐTD ngày 24/4/2018. Thực hiện đúng điều kiện tại Hợp đồng tín dụng, Công ty Cổ phần TP đã mua bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng và lắp đặt tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN ĐL theo Hợp đồng bảo hiểm số 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/04/2018.

Trong khoảng thời gian từ ngày 01/07/2019 đến ngày 02/07/2019, trên địa bàn công trình có mưa lớn kéo dài, lũ từ thượng lưu đột ngột đổ về làm nhiều hạng mục ngập trong nước. Công ty Cổ phần TP đã thông báo sự cố cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN ĐL để xác định tình trạng tổn thất và thực hiện nghĩa vụ của bên bảo hiểm. Tuy nhiên, đến nay hai bên vẫn chưa thống nhất được giá trị đền bù. Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Công ty Cổ phần TP được phía Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNbồi thường tiền bảo hiểm thì đề nghị Tòa án tuyên trả tiền cho Công ty Cổ phần TP, gửi vào tài khoản của Công ty Cổ phần TP, mở tại Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT (Số tài khỏan: 5100211000X; chủ tài khoản: Công ty Cổ phần TP).

3.3 Công ty Cổ phần tư vấn XDNLTT trình bày.

Vào tháng 07 năm 2019, Công ty Cổ phần tư vấn XDNLTT nhận được đề nghị từ Công ty Cổ phần TP về việc phối hợp để kiểm tra hiện trạng và lên phương án xử lý sự cố do mưa lũ tại công trình thủy điện PLK (huyện NH, tỉnh KT). Công ty đã cử kỹ sư, người có chuyên môn để khảo sát thực tế tại hiện trường. Sau khi khảo sát thực tế thì chúng tôi nhận định nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng nặng, cần phải khắc phục kịp thời để đảm bảo tiến độ thi công công trình và đảm bảo ổn định, bền vững cho công trình trong quá trình vận hành khai thác.

Được sự thống nhất và đồng ý của Công ty Cổ phần TP, Công ty Cổ phần tư vấn XDNLTT đã khảo sát thực tế và lên phương án xử lý cụ thể từng hạng mục và lập dự toán chi tiết với tổng dự toán là 23.768.190.083 đồng . Đây là chi phí cần thiết để khắc phục hậu quả do mưa lũ tại công trình thủy điện PLK do Công ty Cổ phần TP làm chủ đầu tư.

Trước yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần TP, Công ty Cổ phần tư vấn XDNLTT hoàn toàn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì đây là chi phí cần thiết mà Công ty Cổ phần TP phải chi trả cho việc xử lý sự cố do mưa lũ tại công trình thủy điện PLK, huyện NH, tỉnh KT. Yêu cầu Tòa án giải quyết: Đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần TP buộc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL bồi thường cho Công ty Cổ phần TP. ĐH, đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.

3.4 Công ty Cổ phần ĐCV trình bày.

Sau khi xảy ra sự cố tại công trình thủy điện PLK (huyện NH, tỉnh KT) vào đầu tháng 7/2019, được sự đồng ý của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL và Công ty Cổ phần TP, Công ty Cổ Phần ĐCVđến hiện trường và lập các biên bản giám định hiện trường. Công ty Cổ phần ĐCVđã khảo sát, chụp hình hiện trường, lập báo cáo về nguyên nhân, giá trị tổn thất của công trình. Toàn bộ hồ sơ báo cáo, Công ty Cổ phần ĐCVđã gửi cho Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL. Đối với hạng mục công trình rơi vào điều khoản loại trừ của Hợp đồng bảo hiểm, Công ty Cổ phần ĐCVkhông xác định giá trị tổn thất mà chỉ xác định những hạng mục là cầu tạm thi công và ngầm thi công có giá trị bồi thường là 470.699.426 đồng.

Với nội dung trên tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/ KDTM-ST ngày 11/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố KTđã quyết định như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Chấp nhận một phần đơn khởi kiện về việc “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” của Công ty Cổ phần TP, đơn đề ngày 20/4/2020.

Áp dụng Điều 274, 275, 401, 403, 404 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 15, 16, 17, 18, 21, 46, 47, 54, 55, 57 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Xử:

Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam trả cho Công ty Cổ phần TP số tiền bảo hiểm là 17.243.876.559 đồng (Mười bảy tỷ, hai trăm bốn mươi ba triệu, tám trăm bảy mươi sáu nghìn, năm trăm năm mươi chín đồng).

Ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của Công ty Cổ phần TP và Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT: Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam chuyển toàn bộ số tiền phải trả vào tài khoản của Công ty Cổ phần TP mở tại Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT (Số tài khoản: 5100211000X; chủ tài khoản: Công ty Cổ phần TP).

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án, án phí, chi phí giám định và quyền kháng cáo.

Ngày 22 /3/2021 bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam có đơn kháng cáo toàn bộ bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 11/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố KTvới nội dung: Hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam với Công ty cổ phần TP ngày 26/4/2018 và các phụ lục hợp đồng là hợp pháp, việc xảy ra thiệt hại do mưa lũ đối với công trình thủy định PLK là thường xuyên xảy ra trong quá trình thi công công trình và thuộc điều khoản loại trừ của hợp đồng bảo hiểm. Công ty Cổ phần TP kéo dài thời gian thi công để trục lợi bảo hiểm, việc xảy ra thiệt hại do mưa lũ Công ty cổ phần TP đã lường trước được nên công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng NN không chấp nhận bồi thường. Việc cấp sơ thẩm không công nhận kết quả giám định bảo hiểm độc lập của Công ty Cổ phần ĐCV mà trưng cầu Công ty Cổ phần TVTKCNXDVN là đơn vị không có chuyên môn về bảo hiểm để đánh giá bồi thường là không phù hợp.

Tại phiên tòa bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo; nguyên đơn không rút đơn khởi kiện. Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh KT phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với những người tham gia tố tụng các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố KT, tỉnh KT.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh KT. Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam trong thời hạn luật định và hợp pháp nên được thụ lý xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam thừa nhận, việc mưa lũ vào các ngày 01 và 02/7/2019 đã gây thiệt hại cho các hạng mục công trình thủy điện PLK nhưng không đến mức gây thiệt hại như cấp sơ thẩm xác định, bị đơn chỉ đồng ý bồi thường cho Công ty cổ phần TP số tiền không quá 5 tỷ đồng để khắc phục những sự cố do mưa lũ gây ra, khoảng tiền bồi thường mà bị đơn đưa ra phía Công ty Cổ phần TP không đồng ý. Do đó, giữa nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam đối với toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 01/2021/KDTM- ST ngày 11/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố KT, tỉnh KT.

[2.1]. Bị đơn cho rằng hợp đồng bảo hiểm giữa Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNViệt Nam với Công ty cổ phần TP ngày 26/4/2018 và các phụ lục hợp đồng là hợp pháp, việc xảy ra thiệt hại do mưa lũ trong các ngày 01 và 02/7/2019 đối với công trình thủy điện PLK, là thường xuyên xảy ra trong quá trình thi công công trình và thuộc điều khoản loại trừ của hợp đồng bảo hiểm thấy rằng:

Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng và lắp đặt số 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/4/2018, được ký kết giữa 03 bên, là: Công ty Cổ phần TP (bên mua bảo hiểm), Ngân hàngNN và PTNT VN – Chi nhánh tỉnh KT (người thụ hưởng đầu tiên) và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL (doanh nghiệp bảo hiểm). Đối tượng bảo hiểm là công trình thủy điện PLK, Địa điểm bảo hiểm là xã ĐN, thị trấn PLK, huyện NH, tỉnh KT (tại mục 3.1 Điều 3 Hợp đồng bảo hiểm). Tổng giá trị công trình dự toán được bảo hiểm là 423.634.796.000 đồng. Điều kiện bồi thường bảo hiểm là có sự kiện bảo hiểm xảy ra phù hợp với điều kiện và các hạng mục được bảo hiểm bị tổn thất và mang tính bất ngờ không lường trước được gồm 27 danh mục kèm theo và không thuộc các trường hợp loại trừ bảo hiểm. Ngày 10/5/2018 Công ty Cổ phần TP và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL cùng ký kết Phụ lục sửa đổi bổ sung số S1-00403/18AD/KT/005/KD5. Như vậy, Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng và lắp đặt số 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/4/2018 đã được các bên thống nhất ký tên đảm bảo về hình thức và nội dung theo các Điều 12,13,14,15,16,17 và 18 Luật kinh doanh bảo hiểm; Điều 3, 4 Điều 116 đến Điều 133 Bộ luật dân sự năm 2015 nên có hiệu lực thi hành.

Sau khi ký hợp đồng bảo hiểm, Công ty Cổ phần TP đã đóng tiền chi phí ghi trong hợp đồng vào tài khoản của Công ty Cổ phần bảo hiểmNgân hàng NN- Chi nhánh ĐL với 4 lần, tổng số tiền 1.630.994.840 đồng.

Ngày 11/10/2017, Công ty Cổ phần TP khởi công xây dựng dự án và dự kiến sẽ hoàn thành 24 tháng. Trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện, trong các ngày 01 và 02/7/2019, nước lũ đột ngột đổ về công trình, cuốn trôi một số hạng mục nhất định của công trình thủy điện PLK. Sau khi xảy ra mưa lũ, Công ty Cổ phần TP đã gia cố vị trí cần thiết để bảo vệ công trình. ĐH, thông báo cho Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNbiết để tiến hành ghi nhận tình hình, tình trạng tổn thất của công trình (có sự tham gia của Công ty ĐCV– tổ chức giám định độc lập), được thể hiện trong các Biên bản ghi nhận hiện trường. Sau khi tiến hành giám định hiện trường, trên cơ sở Báo cáo của Công ty ĐCV, Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNtừ chối bồi thường cho Công ty Cổ phần TP (vì căn cứ Điều khoản bổ sung số 11, 23 và 24 của Hợp đồng bảo hiểm).

[2.1.1] Xét tính hợp pháp đối với điều khoản bổ sung đính kèm trong hợp đồng Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng và lắp đặt số 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/4/2018, sửa đổi bổ sung số S1- 00403/18AD/KT/005/KD5 và Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng, HĐXX phúc thẩm xét thấy:

[2.1.2] Xét Điều khoản bổ sung ( Bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng do Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN phát hành): Văn bản này không thể hiện người có thẩm quyền của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL, chưa giải thích rõ ràng điều khoản loại trừ bảo hiểm, giải thích hợp đồng bảo hiểm, sửa đổi bổ sung hợp đồng bảo hiểm cho bên Công ty Cổ phần Tất Phát, phần Bảo hiểm Ngân hàng NN ký, phát hành, có đề cập đến điều khoản bổ sung. Trong đó, chú ý đến điều khoản số 11 (điều kiện đặc biệt về các biện pháp an toàn đối với mùa mưa lũ); điều khoản số 23 (điều khoản loại trừ đặc biệt liên quan đến kênh dẫn dòng và xả nước qua đập tràn) và điều khoản số 24 (điều kiện đặc biệt liên quan tới công việc thi công liên quan đến nước). Tuy nhiên, Điều khoản bổ sung này không có chữ ký của các bên.

Ngoài ra, bản Điều khoản bổ sung (Bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng do Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN phát hành) giữa các bên có sự khác biệt. Bản Điều khoản bổ sung mà Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNphát hành, giao cho Công ty Cổ phần TP và Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh tỉnh KT có nội dung giống nhau, nhưng bản Điều khoản bổ sung mà Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN phát hành, lưu tại đơn vị và giao cho Công ty Cổ phần ĐCV lại có nội dung khác nhau (Từ điều khoản 122 đến các điều khoản loại trừ kế tiếp đã có sự khác biệt) (BL 3080 - BL3092). Trong khi bản phát hành gửi cho Công ty Cổ phần TP và Ngân hàngNN và PTNT VN – Chi nhánh tỉnh KTthì các điều khoản này chỉ thể hiện dưới dạng liệt kê tên điều khoản loại trừ. Về nội dung này tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam không giải thích được sự khác biệt này.

Như vậy, điều khoản bổ sung đều không thể hiện việc 03 bên ký kết như trong hợp đồng bảo hiểm số 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/4/2018, sửa đổi bổ sung số S1-00403/18AD/KT/005/KD5. Các văn bản này do Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN phát hành (Riêng Điều khoản bổ sung không có chữ ký, đóng dấu của người có thẩm quyền) là vi phạm quy định tại Điều 403 Bộ luật Dân sự. Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng và Điều khoản bổ sung chưa đảm bảo tính pháp lý, do chưa thể hiện việc các bên cùng nhau giao kết, ký kết, giải thích và thỏa thuận, trong khi điều khoản bổ sung loại trừ trách nhiệm bảo hiểm có 02 nội dung khác nhau đây là lỗi của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam không giải thích rõ trong hợp đồng bảo hiểm là vi phạm các Điều 274, 275, 281, 351, 364 Bộ luật dân sự năm 2015. Do đó, HĐXX thấy không có căn cứ để áp dụng điều khoản loại trừ đối với thiệt hại đã ký kết theo hợp đồng số 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/4/2018, sửa đổi bổ sung số S1-00403/18AD/KT/005/KD5. Ngoài ra, đối với Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng (Ban hành kèm theo Quyết định số: 2346/QĐ- ABIC-TSKT ngày 05/9/2014 của Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp): Văn bản này do Tổng giám đốc bà Hoàng Thị Tký tên, đóng dấu của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN có đề cập đến các điểm loại trừ chung. Tuy nhiên, không thể hiện điểm loại trừ bảo hiểm do tình hình mưa lũ gây ra. Do đó, nội dung kháng cáo này của bị đơn không có cơ sở để chấp nhận.

[2.2] Đối với nội dung kháng cáo cho rằng Công ty Cổ phần TP muốn kéo dài thời gian thi công để trục lợi bảo hiểm vì theo thiết kế kỹ thuật và tiến độ thi công, bản vẽ tổ chức thi công đã được thẩm tra thì Công trình thủy điện PLK phải thi công hoàn thành trước tháng 6 trước khi bước qua mùa mưa lũ tháng 7 và việc mưa lũ vào tháng 7 Công ty Cổ phần TP đã lường trước được nên Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN không chấp nhận bồi thường:

[2.2.1] Theo như Hồ sơ thuyết minh bản vẽ thi công của Công ty M lập tháng 10/2017 được VKHNL thẩm tra năm 2017, các tài liệu trạm quan trắc thủy văn…(BL 2959- 3036) được Công ty M lập vào năm 2017 và được VKHNL thẩm tra (BL 2884 - 2958) đã thực hiện tất cả các biện pháp quan trắc về địa lý đảm bảo điều kiện thi công công trình nên việc xảy ra mưa lũ vào tháng 7 năm 2019 làm thiệt hại các hạng mục công trình thủy điện PLK là mang tính bất ngờ, Công ty Cổ phần TP không lường trước được tình hình mưa lũ. Do đó, bị đơn cho rằng Công ty Cổ phần TP muốn kéo dài thời gian thi công để trục lợi bảo hiểm vì theo thiết kế kỹ thuật và tiến độ thi công, bản vẽ tổ chức thi công đã được thẩm tra thì công trình thủy điện PLK phải thi công hoàn thành trước tháng 6 trước khi bước qua mùa mưa lũ tháng 7 là không có căn cứ. Ngoài ra, tại Điều 7 Hợp đồng bảo hiểm 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/4/2018 quy định về thời hạn bảo hiểm như sau:

Thời hạn bảo hiểm là 24 tháng kể từ thời điểm chính thức thi công công trình hoặc sau khi tháo dở xong các hạng mục được bảo hiểm xuống công trường đến khi công trình hoàn thành, được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng (dự kiến ngày 11/10/2017 đến ngày 11/10/2019) “Đối với những bộ phận, những hạng mục công trình đã hoàn thành, được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng thì trách nhiệm của Bên C đối với những bộ phận, những hạng mục công trình này sẽ chấm dứt kể từ thời điểm bàn giao hoặc đưa các bộ phận, hạng mục công trình đó vào sử dụng” Như vậy, ngày 11/10/2017, Công ty Cổ phần TP khởi công xây dựng dự án và dự kiến sẽ hoàn thành sau 24 tháng. Tuy nhiên, trong các ngày 01 và 02/7/2019 thì xảy ra mưa lũ đang trong thời hạn thực hiện của hợp đồng bảo hiểm 24 tháng. Theo như phân tích tại mục 1, 2 thì Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNcó trách nhiệm phải bồi thường các thiệt hại xảy ra theo như nội dung hợp đồng bảo hiểm đã ký kết đối với các hạng mục công trình bị thiệt hại do mưa lũ mang tính bất ngờ không lường trước được, nên Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN phải bồi thường các hạng mục bảo hiểm đã ký kết trong hợp đồng bảo hiểm là phù hợp.

[2.3] Đối với nội dung kháng cáo của Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNcho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm không công nhận kết quả giám định bảo hiểm độc lập của Công ty Cổ phần ĐCV mà trưng cầu Công ty Cổ phần TVTKCNXDVN là đơn vị không có chuyên môn về bảo hiểm để đánh giá bồi thường là không phù hợp, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[2.3.1] Tại mục 11.2 Điều 11 Hợp đồng bảo hiểm thể hiện: “Trường hợp tổn thất có tính chất phức tạp về mặt kỹ thuật hoặc có giá trị tổn thất ước tính lớn, hai bên sẽ bàn bạc để quyết định lựa chọn một Công ty giám định độc lập khi có sự cố về tổn thất. Báo cáo giám định cuối cùng của Công ty giám định độc lập được lựa chọn sẽ là cơ sở làm căn cứ bồi thường thiệt hại”. Hợp đồng bảo hiểm không chỉ định cụ thể tên của Công ty giám định độc lập và hồ sơ vụ án thể hiện việc sau khi xảy ra sự kiện lũ lụt bất khả kháng tại thủy điện PLK, giữa Công ty Cổ phần TP và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL không có sự bàn bạc thống nhất để lựa chọn Công ty Cổ phần ĐCV để giám định độc lập (BL 3300) và báo cáo của Công ty này sẽ là căn cứ bồi thường thiệt hại.

[2.3.2] Tại Giấy yêu cầu giám định số 2755/2019/CV-ABIC-TSKT ngày 04/7/2019 của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN chỉ có chữ ký của đại diện Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNViệt Nam – Chi nhánh ĐL và Công ty Cổ phần ĐCV, không thể hiện ý kiến và sự thống nhất của Công ty Cổ phần TP về nội dung lựa chọn Công ty giám định ĐCVđể xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Giấy yêu cầu giám định đều thể hiện các nội dung yêu cầu Công ty Cổ phần ĐCVgiám định gồm: Xác định nguyên nhân tổn thất; Xác định giá trị thiệt hại; Tính toán điều chỉnh theo đơn bảo hiểm; Khuyến cáo đề phòng hạn chế tổn thất; Yêu cầu khác là báo cáo tổn thất và các vấn đề khác.

Tại Báo cáo đầu tiên và cuối cùng (không số, đề ngày 19/9/2019 của Công ty Cổ phần ĐCV) không đề cập đến nội dung xác định giá trị thiệt hại của tất cả các hạng mục thuộc công trình thủy điện PLK, huyện NH, tỉnh KTcó trong danh mục bảo hiểm bị tổn thất trong các ngày 01 và 02/7/2019. Công ty Cổ phần ĐCVchỉ xác định giá trị thiệt hại một số hạng mục (trên cơ sở yêu cầu bồi thường của Công ty cổ phần TP). Công ty Cổ phần ĐCVcho rằng, các hạng mục (cụm đầu mối; kênh dẫn và kênh xả; gia cố mái thượng lưu; gia cố mái hạ lưu; nhà máy; cải tạo lòng sông; đê quây thượng lưu và đường thi công) rơi vào điều khoản loại trừ của Hợp đồng bảo hiểm nên xác định bằng không đồng; chỉ xác định hạng mục đê quây thượng lưu và cầu tạm thi công có giá trị là 470.699.426 đồng, mà lẽ ra Công ty Cổ phần ĐCVphải giám định đầy đủ các hạng mục bị thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với công trình thủy điện PLK mà không có thẩm quyền tự xác định điều khoản loại trừ để không giám định giá trị thiệt hại. Việc xác định loại trừ và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như thế nào là do Công ty Cổ phần TP (bên mua bảo hiểm) và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN – Chi nhánh ĐL (doanh nghiệp bảo hiểm). Như vậy, Công ty Cổ phần ĐCVchưa thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu giám định đối với hạng mục thiệt hại xảy ra tại công trình thủy điện PLK, huyện NH, tỉnh KT.

Do các bên không thống nhất được về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, theo khoản 2 Điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm: “Trong trường hợp các bên không thoả thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập thì một trong các bên được yêu cầu Toà án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên”.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty Cổ phần TP yêu cầu Tòa án chỉ định giám định viên độc lập. Tuy nhiên, tại thời điểm Tòa án thụ lý và giải quyết vụ án, công trình thủy điện PLK đã được khắc phục sự cố toàn bộ và xây dựng các hạng mục tiếp theo. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra Quyết định trưng cầu Công ty Cổ phần TVTKCNXDVN tiến hành thẩm tra đối với toàn bộ hồ sơ xác định thiệt hại do mưa lũ tại công trình thủy điện PLK, tại xã ĐN, thị trấn PLK, huyện NH, tỉnh KT(đã được Công ty Cổ phần TP thống nhất). Kết quả thẩm định này thể hiện Tại Báo cáo thẩm tra của Công ty cổ phần tư vấn thiêt kế công nghiệp xây dựng Việt Nam (đề tháng 8/2020) là cơ sở để yêu cầu bồi thường. Việc Công ty cổ phần TVTKCNXDVN tiến hành thẩm tra hồ sơ xác định thiệt hại do mưa lũ tại công trình thủy điện PLK là hoàn toàn đúng chuyên môn, các hạng mục thiệt hại đều được công ty mô tả và xác định thiệt hại trên cơ sở thực tế xảy ra. Do đó, việc bị đơn kháng cáo cho rằng Công ty Cổ phần TVTKCNXDVN là đơn vị không có chuyên môn về bảo hiểm để đánh giá bồi thường là không có cơ sở.

[2.4]. Xét căn cứ xác định yêu cầu bồi thường: Hợp đồng bảo hiểm mọi rủi ro xây dựng và lắp đặt số 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/4/2018, sửa đổi bổ sung số S1-00403/18AD/KT/005/KD5, tổng giá trị công trình dự toán được bảo hiểm là 423.634.796.000 đồng. Điều kiện bồi thường bảo hiểm là có sự kiện bảo hiểm xảy ra phù hợp với điều kiện và các hạng mục được bảo hiểm bị tổn thất và mang tính bất ngờ không lường trước được và không thuộc các trường hợp loại trừ gồm 27 danh mục kèm theo và nguyên nhân tổn thất đã được liệt kê theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án (BL 3132, 3133, 3134) và báo cáo đầu tiên và cuối cùng ngày 19/9/2019 của Công ty Cổ phần ĐCVlập với bản giá trị tổn thất được thể hiện tại bản thuyết minh sự cố thủy điện PLK do Công ty Cổ phần tư vấn XDNLTT lập giá trị thiệt hại 23.768.390.083 đồng là giá trị thiệt hại chưa loại trừ các mục không có trong danh mục bảo hiểm gồm: (Hạng mục gia cố bê tông thượng lưa: 66.191.311 đồng; Hạng mục gia cố mái Hạ lưu: 902.975.734 đồng; Hạng mục chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: 677.608.037 đồng); trừ các hạng mục vượt quá giá trị của tài sản tham gia bảo hiểm gồm: (Đê quây thượng lưu: 509.481.338 đồng; Cầu tạm thi công: 4.475.559.868 đồng; Ngầm thi công: 1.047.242.301đồng) và chưa áp dụng mức khấu trừ áp dụng cho phần bảo hiểm vật chất là 5 %, giá trị tổn thất theo thỏa thuận của các bên quy định tại khoản 8.1 Điều 8 Hợp đồng bảo hiểm số 00403/18AD/KT/005/KD5 ngày 26/4/2018, sửa đổi bổ sung số S1- 00403/18AD/KT/005/KD5. Như vậy, Sau khi trừ các hạng mục loại trừ bảo hiểm, các hạng mục vượt quá giá trị tài sản tham gia bảo hiểm số tiền thiệt hại còn lại là 18.151.449.010 đồng, khấu trừ thêm 5% giá trị tổn thất thỏa thuận giữa các bên ghi trong hợp đồng bảo hiểm. Số tiền thực tế bảo hiểm bị thiệt hại 17.243.876.559 đồng (Có bảng tính giá trị tổn thất kèm theo bản án) là hoàn toàn có cơ sở.

Như vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn là đúng quy định của pháp luật.

[3]. Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị đơn, cần giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 11/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố KT, tỉnh KTlà phù hợp.

[4] Về án phí: Bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNViệt Nam phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNViệt Nam . Giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 01/2021/KDTM-ST ngày 11/3/2021 của Tòa án nhân dân thành phố KT, tỉnh KT.

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Chấp nhận một phần đơn khởi kiện về việc “tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” của Công ty Cổ phần TP, đơn đề ngày 20/4/2020.

Áp dụng Điều 274, 275, 401, 403, 404 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 15, 16, 17, 18, 21, 46, 47, 54, 55, 57 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Xử:

Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam trả cho Công ty Cổ phần TP số tiền bảo hiểm là 17.243.876.559 đồng (Mười bảy tỷ, hai trăm bốn mươi ba triệu, tám trăm bảy mươi sáu nghìn, năm trăm năm mươi chín đồng).

Ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của Công ty Cổ phần TP và Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT: Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NNViệt Nam chuyển toàn bộ số tiền phải trả vào tài khoản của Công ty Cổ phần TP mở tại Ngân hàng NN và PTNT VN – Chi nhánh KT (Số tài khoản: 5100211000X; chủ tài khoản: Công ty Cổ phần TP).

* Về nghĩa vụ thi hành án và nghĩa vụ chậm thi hành án: Căn cứ khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015; Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án chậm trả tiền cho người được thi hành án thì còn phải chịu lãi suất phát sinh theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

* Về án phí: Áp dụng khoản 3 Điều 144, Điều 147; 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 6, 18, 19, khoản 1 Điều 24, các Điều 26, 27; 28; 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Về án phí sơ thẩm: Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng NN Việt Nam phải chịu 125.243.876 đồng (Một trăm hai lăm triệu, hai trăm bốn mươi ba nghìn, tám trăm bảy mươi sáu đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Công ty Cổ phần TP phải chịu 112.061.527 đồng (Một trăm mười hai triệu, không trăm sáu mốt nghìn, năm trăm hai bảy đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 64.652.702 đồng (Sáu mươi bốn triệu, sáu trăm năm mươi hai nghìn, bảy trăm lẻ hai đồng), theo biên lai thu tiền số 0003420 ngày 28/5/2020 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố KT. Công ty Cổ phần TP còn phải nộp tiếp 47.408.825 đồng (Bốn mươi bảy triệu, bốn trăm lẻ tám nghìn, tám trăm hai mươi năm nghìn đồng).

Về án phí phúc thẩm: Công ty Cổ phần Bảo hiểmNgân hàng NN Việt Nam phải chịu 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số 0004958 ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố KT.

* Về chi phí giám định: Căn cứ Điều 160, 161 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Công ty Cổ phần TP phải chịu 134.847.000 đồng (Một trăm ba mươi bốn triệu, tám trăm bốn mươi bảy nghìn đồng) chi phí giám định. Công ty Cổ phần TP đã nộp đủ.

Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

42
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 02/2021/KDTM-PT

Số hiệu:02/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kon Tum
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 12/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về