Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 02/2021/KDTM–PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 02/2021/KDTM–PT NGÀY 30/11/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Ngày 30 tháng 11 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 14/2021/TLPT-KDTM ngày 28 tháng 6 năm 2021 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm.

Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 42/2021/KDTM-ST ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 189/2021/QĐ-PT ngày 01 tháng 9 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty TNHH sản xuất thương mại T.

Trụ sở: Lô A1 MR khu công ngHi P, phường B, thành phố Q, tỉnh Bình Định.

 Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đình D - Giám đốc

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đình H; cư trú tại: 77/19E S, phường 15, Quận 10, thành phố H; Ông Cao Văn Ng; cư trú tại: Phú Vang, K, thành phố T, tỉnh Y (theo văn bản ủy quyền số: 51 ngày 10/9/2021).

- Bị đơn: Tổng công ty cổ phần M.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Anh Tu – Tổng Giám đốc.

Địa chỉ: Số 26 đường Tôn Thất Đạm, phường N, quận 1, Thành phố H.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Đức Hi; Ông Nguyễn S; ông Vũ Hoàng Lưu; cùng cư trú tại: Số 26 đường Tôn Thất Đạm, phường N, quận 1, Thành phố H; ông Lê Xuân Hu; cư trú tại: Lô C 1B Lê Đình Lý, P. Nhơn Bình, thành phố Q, tỉnh Bình Định (theo văn bản ủy quyền ngày 15/01/2021).

- Người tham gia tố tụng khác: Giám định viên: Ông Lê Minh Thiện, Công ty cổ phần giám định Đ.

- Người kháng cáo: Công ty TNHH sản xuất thương mại T là nguyên đơn và Tổng công ty cổ phần M là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn Công ty TNHH sản xuất thương mại T trình bày:

Công ty TNHH sản xuất thương mại T (Công ty T) và Tổng công ty cổ phần M (Tổng công ty M) ký kết Hợp đồng bảo hiểm số: PFF/01383555 ngày 19/10/2017 và Hợp đồng bảo hiểm số: PFF/01412657 ngày 14/12/2017 để bảo hiểm cho tòa nhà, máy móc thiết bị, hàng hóa vật tư tại địa điểm: khu vực T, phường Nh, thị xã A, tỉnh Bình Định. Phạm vi bảo hiểm: Tổn thất vật chất; bảo hiểm cho các tổn thất, phá hủy hoặc thiệt hại cho các tài sản được bảo hiểm gây ra bởi các rủi ro: hỏa hoạn + các rủi ro đặc biệt. Số tiền bảo hiểm: Hạng mục hàng hóa vật tư là: 15.000.000.000đ (trong đó gồm có: Nguyên liệu: 5.000.000.000đ; Sản phẩm dở dang: 4.000.000.000đ; sản phẩm thành phẩm: 6.000.000.000đ. Phí bảo hiểm là 40.989.390đ. Điều kiện và điều khoản bảo hiểm: Theo Quy tắc bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt ban hành kèm theo Quyết định số: 1740/2004/BM/BHTS ngày 15/12/2004 của Tổng Giám đốc Công ty M. Công ty T đã thực hiện thanh toán phí bảo hiểm như sau: Thanh toán phí bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm số: PFF/01383555 ngày 19/10/2017 theo Ủy nhiệm chi ngày 25/10/2017 với số tiền 33.054.7509đ và thanh toán phí bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm số: PFF/01412657 ngày 14/12/2017 theo Ủy nhiệm chi ngày 19/12/2017 với số tiền 7.934.640đ.

Vào khoảng 12h55’ngày 21/5/2018 tại xưởng sản xuất của Công ty T xảy ra hỏa hoạn, đến 18h00 cùng ngày mới dập tắt được đám cháy. Ngay khi xảy ra vụ cháy Công ty T đã thông báo cho Tổng công ty M để tiến hành giám định về nguyên nhân và mức độ tổn thất. Tổng công ty M đã chỉ định Công ty CP V thực hiện giám định tổn thất. Ngày 25/6/2018, Công ty T lập Thư yêu cầu bồi thường để yêu cầu Tổng Công ty M bồi thường bảo hiểm số tiền là 37.399.757.084đ. Trong đó số tiền yêu cầu bồi thường bảo hiểm đối với danh mục hàng hóa gồm: Nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm. Tổng cộng là :15.017.207.508đ. Ngày 10/4/2019 Công ty T nhận được email của Tổng công ty M về việc gửi bảng tính toán giá trị tổn thất tài sản bao gồm: Nhà xưởng, máy móc thiết bị, hàng tồn kho, cụ thể như sau: Tổng giá trị đền bù cuối cùng mà Tổng công ty M đề xuất cho cả 3 hạng mục trên là: 15.678.656.057đ (trong đó có giá trị hàng tồn kho là: 1.868.240.167đ (chưa trừ mức khấu trừ 5%); giá trị đền bù cuối cùng cho 02 hạng mục nhà xưởng và máy móc thiết bị là 13.903.827.898đ). Ngày 17/4/2019 Công ty T có Thư phản hồi về việc tính toán giá trị đền bù bảo hiểm với nội dung: Công ty T chấp nhận mức đền bù cho hạng mục nhà xưởng và máy móc thiết bị là 13.903.827.898đ, không chấp nhận mức đền bù cho hàng hóa tồn kho là 1.868.240.167đ (chưa trừ mức khấu trừ 5%). Tại Thông báo bồi thường số: 1575/2019-BM/TSKT ngày 29/8/2019, Tổng công ty M bồi thường bảo hiểm số tiền 15.688.027.079đ, trong đó có tiền bồi thường cho hạng mục hàng hóa là: 1.868.240.167đ (chưa trừ mức khấu trừ 5%). Ngày 16/9/2019, Công ty T đã gửi văn bản thông báo không đồng ý việc bồi thường bảo hiểm đối với hạng mục hàng hóa theo Thông báo bồi thường của Tổng công ty M và đề nghị Tổng công ty M xem xét lại việc giải quyết bồi thường bảo hiểm. Ngày 20/9/2019, Tổng công ty M gửi Công văn số: 1762/2019-BM/TSKT về việc phúc đáp công văn ngày 16/9/2019 của Công ty T, với nội dung giữ nguyên mức bồi thường. Ngày 07/10/2019, Công ty T gửi văn bản đề nghị Tổng công ty M thanh toán trước số tiền 1.868.240.167đ theo Thông báo bồi thường số: 1575/2019-BM/TSKT ngày 29/8/2019 nhưng Tổng công ty M không thanh toán. Công ty T tính toán giá trị thiệt hại của hạng mục hàng hóa tại thời điểm xảy ra cháy ngày 21/5/2018 với tổng số tiền yêu cầu bồi thường bảo hiểm của hạng mục: Nguyên vật liệu, Sản phẩm dở dang và thành phẩm là: 14.266.347.133đ. Sau khi Tòa thụ lý vụ án, Công ty T yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định độc lập để xác định mức thiệt hại của hàng tồn kho gồm: Nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn. Tòa án nhân dân thành phố Q đã trưng cầu Công ty cổ phần giám định Đ thực hiện giám định. Công ty cổ phần giám định Đ đã tính toán, xác định giá trị tổn thất của hàng hóa tồn kho sau khi đã khấu trừ theo Hợp đồng bảo hiểm còn lại tổng cộng là: 6.404.342.425đ. Công ty T đã điều chỉnh số tiền khởi kiện, yêu cầu Tổng công ty M bồi thường 6.404.342.425đ theo kết quả giám định của Công ty Cổ phần Giám định Đ, thay vì số tiền yêu cầu bồi thường ban đầu. Công ty T yêu cầu Tổng công ty M phải trả tiền lãi do chậm bồi thường bảo hiểm, số tiền lãi được tính trên số tiền phải bồi thường 6.404.342.425đ, thời hạn tính lãi tính từ ngày 30/8/2019, mức lãi suất áp dụng theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại. Số tiền lãi là: 1.433.772.155đ.

Bị đơn Tổng công ty cổ phần M trình bày:

Tổng Công ty M thống nhất việc cháy tại nhà xưởng của Công ty T tại Cụm công Ng Nhơn Hoà, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày 21/05/2018 là sự kiện bảo hiểm, gây ra tổn thất đối với các đối tượng bảo hiểm xác định trong Hợp đồng. Do tính chất vụ việc phức tạp, khả năng xảy ra tranh chấp cao, Tổng Công ty M đã không trực tiếp thực hiện giám định theo quy định, mà thay vào đó đã thực hiện thoả thuận với Công ty T về việc chỉ định đơn vị giám định độc lập, thể hiện tại Công văn số 0928/2018 - BM/TSKT ngày 22/05/2018 của Tổng công ty M, được công ty T xác nhận với nội dung đồng ý Công ty cổ phần V (Công ty V) là đơn vị độc lập giám định vụ tổn thất. Như vậy giữa các bên đã tồn tại thoả thuận về việc lựa chọn giám định viên độc lập, mà không sử dụng quy trình giám định của doanh Ng bảo hiểm. Công ty V không nhận uỷ quyền thay mặt Tổng công ty M thực hiện quyền giám định của doanh Ng bảo hiểm mà tự mình thực hiện quyền giám định của đơn vị giám định độc lập theo yêu cầu giám định của các bên. Thoả thuận giữa Tổng công ty M và Công ty T đã được cả hai bên xác nhận, được xem là một thoả thuận bổ sung gắn liền với việc giải quyết yêu cầu bồi thường, cũng như các hợp đồng bảo hiểm. Xuyên suốt quá trình giải quyết vụ việc, Công ty T đã phối hợp, làm việc và không có bất kỳ ý kiến khiếu nại nào đối với việc lựa chọn đơn vị giám định là Công ty V là đơn vị giám định độc lập. Tổng Công ty M khẳng định Báo cáo giám định số 66/18/FSP/SG của Công ty V là kết luận giám định độc lập, đảm bảo tính khách quan, kịp thời, đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật và là kết quả thoả thuận của giữa Tổng công ty M và Công ty T. Kết luận này có hiệu lực và giá trị bắt buộc đối với các bên. Việc chỉ định Công ty cổ phần giám định Đ (Công ty Đ) giám định lại thiệt hại là không có cơ sở, trái quy định pháp luật. Tổng Công ty M khẳng định rằng, Kết luận giám định của Công ty cổ phần V là kết luận giám định độc lập, đáp ứng đầy đủ tính khách quan, trung thực về mặt chuyên môn và là kết quả thoả thuận giữa các bên trong Hợp đồng bảo hiểm. Tổng công ty M chưa nhận thấy có bất kỳ căn cứ nào để cho rằng kết luận giám định của Công ty V là không chính xác hay vi phạm pháp luật, cũng không có bất kỳ quyết định giám định lại nào của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Ngoài ra, việc giám định của Công ty Đ được trưng cầu cách gần 2 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Tính tới thời điểm này, hiện trường vụ cháy đã được xử lý, hàng tồn kho (nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang và thành phẩm) tổn thất đã thay đổi đặc tính kỹ thuật, thay đổi về giá trị và giá thị trường nên việc trưng cầu Công ty Đ thực hiện giám định, là không đáp ứng được tính kịp thời, vi phạm nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp. Công ty Đ không thuộc các đối tượng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp như luật định nên việc Toà án nhân dân thành phố Q tỉnh Bình Định chỉ định Công ty Đ giám định lại là không đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo giám định số InS/KHA/20141 được tiến hành không đúng thủ tục luật định, không thể xem là chứng cứ giải quyết vụ án. Do đó, việc nguyên đơn Công ty T căn cứ vào các số liệu trong báo cáo này để yêu cầu bảo hiểm là không có cơ sở. Báo cáo giám định số 66/18/FSP/SG ngày 08/07/2019 là kết luận giám định được hai bên thống nhất thực hiện, được tiến hành đúng với các thủ tục theo quy định pháp luật. Do đó,việc sử dụng số liệu tính toán thiệt hại tại Báo cáo giám định số 66/18/FSP/SG ngày 08/07/2019 của Công ty Cổ phần V là có cơ sở. Căn cứ theo Báo cáo nói trên, tổng thiệt hại được xác định là 15.688.027.079đ và Tổng công ty M đã thực hiện đã tạm chi bồi thường bảo hiểm với số tiền 13.800.000.000đ. Như vậy, số tiền còn lại Tổng công ty M phải trả cho công ty T chỉ là 1.888.027.079đ. Đối với yêu cầu của Công ty T về lãi, Tổng công ty M đã nhiều lần thông báo về việc chấp thuận bồi thường bảo hiểm. Trên thực tế, Tổng công ty M đã tiến hành thanh toán toàn bộ số tiền bồi thường bảo hiểm đối với các hạng mục khác được bảo hiểm. Việc Tổng công ty M chưa thể tiến hành chi trả số tiền bảo hiểm cho hạng mục hàng hóa (nguyên liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm) xuất phát từ nguyên nhân phía Công ty T không thống nhất với các số liệu được thể hiện trong Báo cáo giám định có hiệu lực nên việc Tổng công ty M trì hoãn bồi thường bảo hiểm là do lỗi của phía Công ty T, không thể xác định rằng Tổng công ty M là bên vi phạm hợp đồng. Do vậy, Tổng công ty M không đồng ý yêu cầu tính lãi của Công ty T.

Tổng công ty M yêu cầu: Công nhận hiệu lực của Báo cáo giám định số 66/18/FSP/SG ngày 08/07/2019 của Công ty V; từ chối yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty T về việc yêu cầu Tổng công ty M bồi thường bảo hiểm với số tiền 6.404.324.425đ và lãi chậm trả từ ngày 30/08/2019 tới thời điểm thanh toán. Tổng công ty M chỉ chấp nhận yêu cầu bồi thường bảo hiểm đối với phần thiệt hại theo báo cáo giám định của Công ty V là 1.888.027.079đ.

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 42/2021/KDTM-ST ngày 27tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định đã quyết định:

- Buộc Tổng công ty cổ phần M bồi thường cho Công ty TNHH sản xuất thương mại T giá trị tổn thất của hàng hóa tồn kho được bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm số:PFF/01383555 ngày 19/10/2017 và Hợp đồng bảo hiểm số: PFF/01412657 ngày 14/12/2017 số tiền 6.404.342.425đ.

Thi hành ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật, tại Chi cục Thi hành án Dân sự có thẩm quyền.

Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án nếu chậm thanh toán thì Công ty TNHH sản xuất thương mại T có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

- Bác yêu cầu phải trả tiền lãi do chậm bồi thường bảo hiểm mức lãi suất áp dụng theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại số tiền 1.433.772.155đ.

- Bác lời nại của Tổng công ty cổ phần M cho rằng Công ty Cổ phần V là đơn vị thực hiện giám định độc lập nên kết quả giám định là bắt buộc cho các bên; việc Tòa chỉ định Công Ty Cổ phần giám định Đ thực hiện giám định độc lập là không đúng qui định pháp luật; kết quả Báo cáo cuối cùng số: Ins/Kha/20141 ngày 14/10/2020 của Công Ty cổ phần giám định Đ không thể xem là chứng cứ giải quyết vụ án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, chi phí tố tụng khác và quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 04/5/2021, bị đơn Tổng công ty cổ phần M kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm. Yêu cầu cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm theo hướng chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của Công ty TNHH sản xuất thương mại T với số tiền bồi thường bảo hiểm 1.888.027.079đ.

- Ngày 05/5/2021, nguyên đơn Công ty TNHH sản xuất thương mại T kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm. Yêu cầu cấp phúc chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải chịu lãi chậm bồi thường bảo hiểm với mức lãi suất theo quy định của pháp luật.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Trong quá trình tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng.

- Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH sản xuất thương mại T và kháng cáo của Tổng công ty cổ phần M. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 42/2021/KDTM-ST ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm nhận định:

[1] Xét kháng cáo của nguyên đơn Công ty T, HĐXX thấy rằng: Cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu tính lãi trên số tiền Tổng công ty cổ phần M phải bồi thường cho Công ty T là có căn cứ, bởi lẽ: Tổng công ty cổ phần M đã thanh toán trước cho Công ty T 13.903.827.898đ tiền bồi thường bảo hiểm một số hạng mục, còn số tiền bồi thường đối với các hạng mục: Nguyên vật liệu, Sản phẩm dở dang và thành phẩm thì chưa xác định được mức bồi thường, là vì các bên có tranh chấp chứ không phải do lỗi của Tổng công ty cổ phần M chậm thanh toán. Hơn nữa, theo Án lệ số: 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07/10/2016 và được công bố theo quyết định số: 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, thì nếu tính cả tiền lãi của khoản tiền bồi thường trong trường hợp này là không đúng với quy định tại Điều 302 Luật thương mại 2005. Do đó, kháng cáo của Công ty T là không có căn cứ.

[2] Xét kháng cáo của bị đơn Tổng công ty M, HĐXX thấy rằng: Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của Công ty T, buộc Tổng công ty M phải bồi thường cho Công ty T 6.404.342.425đ là có căn cứ, bởi lẽ: Tổng công ty cổ phần M cho rằng Công ty T đã đồng ý để Tổng công ty cổ phần M chỉ định Công ty V là đơn vị độc lập giám định vụ tổn thất đối với các hạng mục: Nguyên vật liệu, Sản phẩm dở dang và thành phẩm và Báo cáo cuối cùng ngày 8/7/2019 của Công ty cổ phần V có giá trị bắt buộc với các bên. Tuy nhiên, Công ty T chỉ xác nhận nội dung thỏa thuận là đồng ý để Công ty V giám định, chứ không có nội dung thỏa thuận báo cáo cuối cùng của Công ty V, là kết luận cuối cùng về mức độ tổn thất và có giá trị bắt buộc đối với các bên và các bên cũng không có cam kết về việc một trong các bên không có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định khi các bên không thống nhất về kết quả giám định do một bên chỉ định giám dịnh viên độc lập. Mặt khác, Công ty V không gửi Báo cáo cuối cùng ngày 8/7/2019 cho Công ty T và trong nội dung Thông báo bồi thường số 1575/2019-BM/TSKT ngày 29/8/2019, Tổng công ty M cũng không tham chiếu Báo cáo giám định của Công ty cổ phần V. Do đó, Báo cáo cuối cùng ngày 8/7/2019 của Công ty V không có giá trị bắt buộc đối với các bên và các bên đều có quyền yêu cầu xác định lại giá trị của tổn thất xảy ra. Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc lựa chọn đơn vị giám định độc lập nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét và lựa chọn Công ty Cổ phần giám định Đ (Công ty Đ) giám định giá trị tổn thất trên cơ sở yêu cầu của Công ty T. Việc cấp sơ thẩm quyết định trưng cầu Công ty Đ giám định, để xác định mức độ tổn thất khi các bên không thống nhất được giá trị tổn thất là có cơ sở và đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, Công ty Đ đã áp dụng cùng một phương pháp giám định với Công ty V, phương pháp này không bị yếu tố thời gian làm ảnh hưởng đến kết quả giám định. Việc hai công ty có kết quả khác nhau, là vì trong quá trình thực hiện giám định Công ty Đ đã kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ kế toán và số liệu tính toán của Công ty V, điều chỉnh lại giá trị hàng tồn kho phát sinh tăng, giảm trong kỳ, phân bổ lại chi phí lương phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty T và cộng thêm giá trị một số hóa đơn nguyên vật liệu mua vào, mà Công ty V đã bỏ sót nên Báo cáo cuối cùng số: Ins/Kha/20141 ngày 14/10/2020 của Công ty Đ là bảo đảm cho việc xác định tổn thất và là căn cứ xác định giá trị tổn thất mà Tổng công ty M phải bồi thường cho Công ty T. Do đó, kháng cáo của Tổng công ty M là không có căn cứ.

[3] Từ những phân tích trên, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của Công ty T và Tổng công ty M. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 42/2021/KDTM-ST ngày 27tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q.

[4] Về án phí: Công ty T và Tổng công ty M phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[5] Ý kiến của Kiểm sát viên về việc tuân thủ pháp luật của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm cũng như về việc giải quyết vụ án là phù hợp với nhận định của HĐXX.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Án lệ số: 09/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07/10/2016 và được công bố theo Quyết định số: 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; khoản 1 Điều 29 Nghị Quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH sản xuất thương mại T và kháng cáo của Tổng công ty cổ phần M. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 42/2021/KDTM-ST ngày 27 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Bình Định.

2. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH sản xuất thương mại T và Tổng công ty cổ phần M mỗi bên phải chịu 2.000.000 đồng, nhưng được khấu trừ vào 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số: 0002517 và 0002516 ngày 14 tháng 5 năm 2021 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Q, tỉnh Bình Định. Công ty TNHH sản xuất thương mại T và Tổng công ty cổ phần M đã nộp đủ án phí.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1120
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm số 02/2021/KDTM–PT

Số hiệu:02/2021/KDTM–PT
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về