TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
BẢN ÁN 03/2023/KDTM-PT NGÀY 25/04/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong ngày 25 tháng 4 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 01/2023/TLPT-KDTM ngày 13 tháng 01 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Tuy Hòa bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2023/QĐPT- KDTM ngày 21 tháng 3 năm 2023 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Lê Thị T, sinh năm 1947; Địa chỉ: đường T, phường S, thành phố T, tỉnh Phú Yên. Có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tâm H – Luật sư; Địa chỉ:
đường T, Phường B, thành phố T, Phú Yên. Có mặt.
Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần BM, địa chỉ: đường T, phường N, Quận M, thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Công ty BM). Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Anh T, chức vụ Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Đình D và ông Đinh Duy A, địa chỉ: đường L, Phường M, thành phố T, tỉnh Phú Yên; Bà Nguyễn Lê Nam P, địa chỉ: đường T, phường N, Quận M, thành phố Hồ Chí Minh. Ông A và bà P có mặt, ông D vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Bà Phạm Thị N – sinh năm 1970, trú tại: đường T, Phường S, thành phố T, Phú Yên. Có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tâm H – Luật sư; Địa chỉ:
đường T, Phường B, thành phố T, Phú Yên. Có mặt.
2/ Anh Ngô Tấn H – sinh năm 1991. Có mặt.
3/ Chị Ngô Thị Mỹ H – sinh năm 1999. Vắng mặt.
4/ Anh Ngô Hoàng P – sinh năm 2001. Vắng mặt.
Đồng trú tại: đường T, Phường S, thành phố T, Phú Yên.
5/ Chị Ngô Thị H – sinh năm 1993; trú tại: thôn M, xã A, huyện T, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.
(Chị H, anh P và chị H có đơn xin xét xử vắng mặt) Do có kháng cáo của bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, đại diện ủy quyền của nguyên đơn trình bày: Bà Lê Thị T là mẹ của ông Ngô Ngọc N, chủ sở hữu chiếc tàu cá PY92492TS, ông N chết ngày 18/11/2021, bà T là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông N; ngày 22/12/2020, ông N mua bảo hiểm cho tàu cá nêu trên tại Công ty BM theo giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số MHS/01982597, số tiền được bảo hiểm 432.000.000đ. Ông N đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người mua bảo hiểm. Vào ngày 03/01/2021, tàu cá PY92492TS xuất bến tại Cảng cá D, thành phố T đến vùng biển thuộc tỉnh Khánh Hòa để khai thác hải sản, đi trên tàu cá có ông Nguyễn Cư (thuyền trưởng), Ngô Ngọc N (máy trưởng), Phan Văn D (thuyền viên), Ngô Hoàng P (thợ máy), Lê Đức H (thuyền viên). Trong lúc phương tiện đang di chuyển, đến khoảng 02 giờ ngày 06/01/2021, do thời tiết xấu, sóng to, gió lớn khi điều khiển tàu cá tại vị trí 11°25’N - 113°22’E thì thuyền trưởng phát hiện sóng biển quá lớn phá nước tràn vào tàu cá. Ngay lúc đó, thuyền trưởng gọi tất cả thuyền viên đang ngủ trong khoang dậy tát nước ra khỏi tàu và dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài. Tuy nhiên, sóng biển quá lớn làm nước tràn vào nhiều, biết không thể cứu tàu nên thuyền trưởng phát tín hiệu bằng bộ đàm cho các tàu ở gần đến cứu, các thuyền viên mặc áo phao bám trụ ở ca bin chờ tàu khác đến cứu. Hậu quả: tàu cá chìm hoàn toàn ngoài biển. Sau khi tai nạn xảy ra ông N có gửi đơn đến Công ty BM để yêu cầu bồi thường. Nhưng tại Công văn số 2134/2021/BM/HH ngày 19/11/2021 của Tổng Công ty cổ phần BM đã từ chối bồi thường vụ chìm tàu vì cho rằng không thuộc trường hợp được bảo hiểm (không phải do bão, sóng thần, mưa đá).
Vào ngày 03/01/2021 tàu cá PY-92492-TS chở nguyên vật liệu, đủ điều kiện xuất bến đánh bắt cá, trên đường chạy ra nơi khai thác đến ngày 06/01/2021 tàu cá gặp tai nạn. Căn cứ quy định tại mục 3.1.1.8 Điều kiện bảo hiểm A của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá, thì tàu cá gặp tai nạn trong lúc đang di chuyển nhiên liệu, điều khoản này chưa rõ ràng thì nên xem xét có lợi cho người mua bảo hiểm.
Khi mua bảo hiểm ông N và người nhà (người mua bảo hiểm) chưa được giải thích cụ thể các điều kiện được bảo hiểm. Sau khi nguyên đơn khởi kiện mới được nhận bảng Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá, trong điều khoản này có 10 mục điều kiện bảo hiểm, đề nghị Tòa căn cứ vào điều khoản bảo hiểm - điều kiện bảo hiểm A xem xét bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn.
Nay nguyên đơn yêu cầu Công ty BM thanh toán số tiền bảo hiểm 432.000.000đ và lãi suất chậm thanh toán theo lãi suất quy định pháp luật đối với số tiền 432.000.000đ tính từ ngày khởi kiện (23/02/2022) cho đến khi xét xử sơ thẩm.
Tại bản tự khai ngày 28 tháng 3 năm 2022 và trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Tổng Công ty cổ phần BM trình bày: Bị đơn thống nhất như nguyên đơn trình bày về nội dung, thời gian, phương thức ký kết hợp đồng bảo hiểm; Ngày 22/12/2020 ông N là chủ sở hữu tàu cá PY-92492-TS, mua bảo hiểm cho tàu cá nói trên tại Công ty BM theo giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số MHS/01982597, số tiền được bảo hiểm 432.000.000đ và đã nộp đầy đủ phí bảo hiểm theo yêu cầu. Ngày 06/01/2021 tàu cá gặp tai nạn chìm tàu hoàn hoàn, ông N có đơn yêu cầu chi trả bảo hiểm. Tuy nhiên, xét theo Báo cáo giám định của SICO số 005TT/21TD ngày 05/11/2021 và lời khai của các thuyền viên thì tổn thất xảy ra khi tàu đang hoạt động tại vị trí 11°25’N - 113°22’E ngày 06/01/2021 và chìm hoàn toàn vào lúc 07h00 cùng ngày. Theo ghi nhận của Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel) được SICO thu thập và trình bày của chủ tàu và thuyền viên trên tàu thì thời tiết trên biển ngày 06/01/2021 tại thời điểm tàu PY-92492-TS xảy ra sự cố có gió cấp 6, có lúc giật cấp 7, biển động.
Căn cứ theo quy định tại khoản 7, Điều 4 Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai: “7. Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão (Phụ lục IV Quyết định này).” Do đó, việc SICO nhận định rằng tại khu vực tàu bị sự cố không có bão, sóng thần hay mưa đá là hoàn toàn có cơ sở như các căn cứ đã nêu ở trên.
Cũng xét theo Báo cáo giám định thì nguyên nhân tổn thất được SICO xác định là: “Trên hành trình đi khai thác thủy sản, khi đến vị trí 11°25’N - 113°22’E vào lúc 02h00 ngày 06/01/2021, tàu PY-92492-TS bị sóng gió mạnh đánh liên tục vào thân tàu, làm bể kính cửa, nước tràn vào nhanh. Trong điều kiện trời tối, thời tiết xấu, tất cả thuyền viên trên tàu đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu được tàu và tàu bị sóng gió đánh chìm hoàn toàn lúc 04h00 cùng ngày.” Căn cứ theo Điều 3.1.1.7, Điều kiện bảo hiểm A – Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá (ban hành kèm theo quyết định số 1454/2020-BM/HH ngày 01/7/2020 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần BM) theo đơn bảo hiểm MHS/01982597 đã được cấp cho tàu PY-92492-TS quy định: “3.1 ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM A: 3.1.1.7 Bão, sóng thần, mưa đá;” Vì vậy, nguyên nhân tổn thất được SICO xác định như đã nêu trên không thuộc trường hợp được bảo hiểm. Đồng thời, tổn thất cũng không thuộc trường hợp nào khác được bảo hiểm theo Điều kiện bảo hiểm A (cấp theo đơn bảo hiểm MHS/01982597 cho tàu PY-92492-TS).
Nhân viên khai thác hợp đồng bảo hiểm với ông N là ông Trần Huỳnh Văn D, ông D đã giải thích đầy đủ và tại giấy yêu cầu bảo hiểm tàu cá ngày 31/12/2020 có nội dung: “sau khi được cung cấp các điều khoản và quy tắc bảo hiểm cũng như được tư vấn đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm liên quan chúng tôi cam kết những điều kê khai trên về mọi phương diện là chính xác” có chữ ký xác nhận của ông N; đồng thời tại giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá ngày 22/12/2020 tại mục ghi chú cũng có nội dung đã cấp các Qui tắc bảo hiểm cho người được bảo hiểm. Do vậy, chúng tôi không chấp nhận việc nguyên đơn cho rằng không biết đến quy tắc bảo hiểm.
Đối với điều khoản tại khoản 3.1.1.8 mục 3.1 Điều kiện bảo hiểm A là đối với các trường hợp xếp dỡ thủy hải sản, nhiên liệu từ boong tàu lên tàu cá được bảo hiểm và ngược lại hoặc từ tàu cá được bảo hiểm sang tàu cá khác và ngược lại. Tàu cá xuất bến thì phải chở nhiên liệu (đó là nhu yếu phẩm của tàu cá xuất bến) nên tàu PY-92492-TS không thuộc trường hợp bảo hiểm này.
Do đó, bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
*Tại các bản trình bày ý kiến ngày 30 tháng 5 năm 2022:
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Phạm Thị N trình bày: Bà là vợ của ông Ngô Ngọc N đã chết vào năm 2021, bà yêu cầu công ty bảo hiểm phải trả cho bà và gia đình số tiền bồi thường bảo hiểm. Bà từ chối nhận kỷ phần thừa kế từ ông N, toàn bộ nhường lại cho bà Lê Thị T có toàn quyền và thuận lợi trong việc tranh chấp với bị đơn.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Ngô Thị H, Ngô Tấn H, Ngô Thị Mỹ H, Ngô Hoàng P trình bày: chúng tôi là con ruột của ông Ngô Ngọc N đã chết vào năm 2021, chúng tôi từ chối nhận kỷ phần thừa kế từ cha chúng tôi (ông N), toàn bộ nhường lại cho bà nội là Lê Thị T và xin giải quyết vắng mặt.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Tuy Hòa đã áp dụng Điều 357, 468, 404, 405 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 21 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Điều 26, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị T đối với bị đơn Tổng Công ty cổ phần BM về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Buộc Tổng Công ty cổ phần BM phải trả cho bà Lê Thị T số tiền bồi thường đối với tàu cá PY-92492-TS của ông Ngô Ngọc N là 432.000.000đồng và tiền lãi chậm trả tính từ ngày 23/02/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm (08/12/2022) là 34.200.000 đồng; tổng cộng là 466.200.000đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bị đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự giữ nguyên quan điểm trình bày.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên tham gia phiên tòa phát biểu: Về thủ tục tố tụng: Những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định Bộ luật tố tụng dân sự. Đương sự đã thực đầy đủ các quyền của mình theo quy định pháp luật. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bác toàn bộ kháng cáo của bị đơn vì không có căn cứ pháp luật, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến trình bày của các đương sự, Kiểm sát viên. Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục kháng cáo: Đơn kháng cáo còn trong thời hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm nên đủ điều kiện để thụ lý, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Về nội dung:
[2.1] Về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm: Ngày 22/12/2020 Công ty BM đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số MHS/01982597 cho ông Ngô Ngọc N có nội dung như sau: Người được bảo hiểm: ông Ngô Ngọc N; Đối tượng bảo hiểm: Tàu cá PY-92492TS; số tiền bảo hiểm thân tàu: 432.000.000 đồng; hiệu lực bảo hiểm: từ 00h00 ngày 03/01/2021 đến 24h00 ngày 02/01/2022; Điều kiện bảo hiểm thân tàu: Điều kiện A; Quy tắc bảo hiểm: Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá số 1454/2020-BM/HH ngày 01/07/2020 của Tổng giám đốc Công ty cổ phần BM, Điều khoản bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu cá ngày 01/01/2017. Ông Ngô Ngọc N đã đóng đầy đủ phí bảo hiểm 8.462.812 đồng. Vì vậy, hợp đồng bảo hiểm được xác lập giữa ông N và bị đơn là phù hợp với quy định pháp luật nên có hiệu lực thi hành. Đến khi xảy ra sự cố chìm tàu vào ngày 06/01/2021 thì vẫn còn trong thời hạn được bảo hiểm, tàu cá có đủ điều kiện xuất bến, không vi phạm các điều khoản loại trừ bảo hiểm theo Điều 5 của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá ngày 01/07/2020. Trạng thái kỷ thuật của phương tiện đảm bảo trước khi xuất bến theo Giấy chứng nhận an toàn kỷ thuật tàu cá số 30654/ĐKTC do Trung tâm dăng kiểm tàu cá Phú Yên cấp ngày 22/9/2020 có hiệu lực đến ngày 22/9/2021.
[2.2] Nguyên nhân dẫn đến tai nạn: “Tại nơi xảy ra tai nạn có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2.0m-4.0m, Tàu cá PY- 92492TS chìm do bị sóng gió mạnh đánh liên tục vào thân tàu, làm bể kính cửa, nước tràn vào nhanh. Trong điều kiện trời tối, thời tiết xấu, tất cả thuyền viên trên tàu đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu được tàu và tàu bị sóng gió đánh chìm hoàn toàn”. Đây là nguyên nhân khách quan, không có lỗi của ông N.
[2.3] Theo điểm a khoản 2 Điều 17 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ: Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm”; xét thấy, Đơn yêu cầu bảo hiểm tàu cá và Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá là những văn bản theo mẫu của Công ty BM. Công ty BM không cung cấp được chứng cứ chứng minh ông N đã nhận được các quy tắc bảo hiểm, đã được giải thích cụ thể về các trường hợp tàu cá sẽ được bảo hiểm và các trường hợp loại trừ bảo hiểm theo điều khoản bảo hiểm A của Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá.
[2.4] Về việc giải thích điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm: Theo Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm”. Điều khoản không rõ ràng là những điều khoản có thể được giải thích hoặc được hiểu bằng nhiều nghĩa khác nhau. Tại mục 3.1.1.8 của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá – ban hành theo Quyết định số 1454/2020- BM/HH ngày 01/7/2020 của Tổng giám đốc Công ty BM quy định, Công ty BM bồi thường đối với “Tai nạn xảy ra trong lúc xếp dỡ di chuyển thủy hải sản, nhiên liệu hoặc trong khi tàu đang neo đậu, lên đà, sửa chữa ở xưởng”
[2.4.1] Phía bị đơn giải thích điều khoản: “Tai nạn xảy ra trong lúc xếp dỡ di chuyển thủy hải sản, nhiên liệu” được hiểu là thuộc trường hợp xếp dỡ thủy hải sản, nhiên liệu từ boong tàu lên tàu cá được bảo hiểm và ngược lại hoặc từ tàu cá được bảo hiểm sang tàu cá khác và ngược lại. Tàu cá xuất bến thì phải chở nhiên liệu (đó là nhu yếu phẩm của tàu cá xuất bến) nên tàu PY-92492-TS không thuộc trường hợp bảo hiểm này.
[2.4.2] Phía nguyên đơn cho rằng ngày 03/01/2021 tàu cá PY-92492-TS xuất bến, trên tàu chở nguyên vật liệu, ngày 06/01/2021 trong khi tàu cá di chuyển thì gặp tai nạn là thuộc trường hợp “Tai nạn xảy ra trong lúc xếp dỡ di chuyển nhiên liệu”.
[2.4.3 ] Xét thấy, tại khoản 2 Điều 405 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”; và tại khoản 2 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng”. Tính chất của Bảo hiểm là cam kết bồi thường của người bảo hiểm đối với người được bảo hiểm về những thiệt hại, mất mát của đối tượng bảo hiểm do một rủi ro đã thỏa thuận gây ra. Mục đích của bảo hiểm nhằm chia sẻ thiệt hại, tổn thất nặng nề và nghiêm trọng xảy ra với người mua bảo hiểm. Vì vậy, có cơ sở để xác định tổn thất chìm tàu cá PY-92492-TS ngày 06/01/2021 thuộc trường hợp rủi ro “Tai nạn xảy ra trong lúc di chuyển …nhiên liệu” thuộc phạm vi bảo hiểm bồi thường, quy định tại mục 3.1.1.8 của Điều khoản bảo hiểm thân tàu cá, ban hành theo Quyết định số 1454/2020-BM/HH ngày 01/7/2020 của Tổng Công ty cổ phần BM. Nên bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn không cung cấp được chứng cứ gì mới để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình, nên yêu cầu kháng cáo là không có cơ sở để chấp nhận.
[3] Về án phí: Tổng Công ty cổ phần BM phải chịu án phí phúc thẩm do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty cổ phần BM. Giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM- ST ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Tuy Hòa.
Áp dụng Điều 26, Điều 38, Điều 39, Điều 148, Điều 313 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 357, 468, 404, 405 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 21 của Luật Kinh doanh bảo hiểm; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
[1] Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị T đối với bị đơn Tổng Công ty cổ phần BM về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
[2] Buộc Tổng Công ty cổ phần BM phải trả cho bà Lê Thị T số tiền bồi thường đối với tàu cá PY-92492-TS của ông Ngô Ngọc N là 432.000.000đồng và tiền lãi chậm trả tính từ ngày 23/02/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm (08/12/2022) là 34.200.000 đồng; tổng cộng là 466.200.000đồng.
[3] Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4] Về án phí phúc thẩm: Tổng Công ty cổ phần BM phải chịu án phí phúc thẩm 2.000.000 đồng được khấu trừ vào số tiền 2.000.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm tại biên lai số 0007826 ngày 16/12/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Tuy Hòa.
[5] Quyết định khác về án phí sơ thẩm và trình tự thủ tục, trách nhiệm thi hành án được thi hành theo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 17/2022/KDTM-ST ngày 08 tháng 12 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Tuy Hòa.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm (bảo hiểm thân tàu khi tàu bị chìm) số 03/2023/KDTM-PT
Số hiệu: | 03/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Phú Yên |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 25/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về