TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 492/2020/DS-PT NGÀY 10/06/2020 VỀ TRANH CHẤP GIÁM HỘ
Ngày 10 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 142/2020/TLPT – DS ngày 05 tháng 02 năm 2020 về việc “Tranh chấp về giám hộ” Do bản án dân sự sơ thẩm số 398/2019/DSST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2694/2020/QĐPT-DS ngày 20 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị H, sinh năm 1954.
Địa chỉ: 2/1 Đường A, cư xá Đ, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Trần Văn T, sinh năm 1958. (Có mặt)
Địa chỉ: 2/1 Đường A, cư xá Đ, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh. (Văn bản ủy quyền ngày 22/3/2019)
2. Bị đơn: Bà Đỗ Thị U, sinh năm 1961. (Có mặt) Địa chỉ: 133/48/7A Đường Q, Phường M, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Nguyễn Hữu M – Trung T trợ giúp pháp lý nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Trần Thị V, sinh năm 1956. (Có đơn xin vắng mặt) Địa chỉ: 137/8D đường L, ấp T, xã P, huyện H, Thành phố Hồ Chí Minh.
3.2. Ông Trần Văn T, sinh năm 1958. (Có mặt) Địa chỉ: 21/7 Đường A, cư xá Đ, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
4.Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Trần Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1.Trong đơn khởi kiện ngày 04/10/2018, quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa, nguyên đơn là bà Trần Thị H và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Trần Văn T trình bày:
Cha mẹ bà H là ông Trần Văn O (sinh năm 1925, chết năm 2016) và bà Đỗ Thị N (sinh năm 1933, chết năm 2005). Ông O và bà N có tất cả 05 người con gồm:
1/ Bà Trần Thị H, sinh năm 1954.
2/ Bà Trần Thị V, sinh năm 1956.
3/ Ông Trần Văn T, sinh năm 1958.
4/ Bà Đỗ Thị U, sinh năm 1961.
5/ Bà Đỗ Thị Thanh L, sinh năm 1967.
Trong số các anh chị em trên có bà Đỗ Thị Thanh L bị thiểu năng từ nhỏ, không thể tự chăm sóc bản thân. Bà L không có chồng con. Năm 2016 bà H đã làm đơn và được Tòa án nhân dân Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 615/2017/QĐDS-ST ngày 28/6/2017 tuyên bố bà Đỗ Thị Thanh L mất năng lực hành vi dân sự. Trước và sau khi cha chết, bà L vẫn sống tại tại địa chỉ số 02 đường, Đường A, cư xá Đ, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh. Các anh chị em khác khi trưởng thành đều ra ở riêng. Sau khi ông O chết (năm 2016) thì bà L ở một mình, bà H và bà U là người đem cơm cho bà L ăn hằng ngày. Tiền nuôi bà L là từ tiền thuê căn nhà số 02 Đường A, cư xá Đ, Phường B, Quận C và tiền hỗ trợ của địa phương cho người tàn tật đều do bà U nhận nên sau đó bà H không chăm sóc bà L nữa.
Vào ngày 29 tết nguyên đán năm 2018, bà U tự ý đưa bà L về nhà bà U ở G sống từ đó đến nay mà không hỏi ý kiến ai trong số các anh chị em.
Nay bà Trần Thị H không có khả năng giám hộ cho bà L vì bà đã già yếu nên yêu cầu Toà án chỉ định bà Trần Thị V hoặc ông Trần Văn T là người giám hộ cho bà Đỗ Thị Thanh L vì bà V hiện đã nghỉ hưu, con đã trưởng thành, có nhà ở ổn định, có hiểu biết về y tế và chăm sóc bệnh nhân do trước kia bà V là y tá của bệnh viện 175. Còn ông Trần Văn T cũng có nhà riêng và có người phụ nữ ở chung nhà nên bà V và ông T có đủ điều kiện để chăm sóc và giám hộ cho bà L.
2. Trong đơn yêu cầu phản tố đề ngày 09 tháng 4 năm 2019 và quá trình giải quyết vụ án tại phiên tòa, bà Đỗ Thị U là bị đơn trình bày: Về quan hệ nhân thân cha, mẹ, anh chị em thì đúng như phía nguyên đơn trình bày. Trong số những anh chị em của bà có bà Nguyễn Thị Thanh L bị mất năng lực hành vi dân sự số 615/2017/QĐDS-ST ngày 28/6/2017 Tòa án nhân dân Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh, bà L không có chồng con.
Trước và sau khi cha chết, bà L vẫn sống tại tại địa chỉ số 02 Đường A, cư xá Đ, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh. Các anh chị em khác khi trưởng thành đều ra ở riêng. Sau khi ông O chết (năm 2016) bà L ở một mình. Do không có người chăm sóc nên bà L bỏ đi lang thang. Lúc đó các anh chị em không ai chịu đưa bà L về nuôi vì cho rằng bà L ở nhà cũ đã quen. Gần tết năm 2017, do thấy cảnh bà L ở một mình không ổn nên bà đề nghị bà V đưa bà L về nhà bà V nuôi được 13 ngày thì đưa trả về nhà cũ. Từ đó, hằng ngày bà phải đi từ G lên Quận C đưa cơm cho bà L. Đến đầu năm 2018 do bị tai nạn nên bà không thể tiếp tục đi đưa cơm cho bà L được. Bà nói với bà H và được bà H đồng ý giao toàn bộ giấy tờ tùy thân, sổ khám bệnh, đơn thuốc và thuốc chữa bệnh của bà L cho bà, bà cũng đã trình báo với tổ dân phố, khu phố, Uỷ ban nhân dân Phường B, Quận C để đưa bà L về nhà bà chăm sóc từ đầu năm 2018 đến nay. Trong thời gian trên các anh chị của bà cũng không có ai đến thăm bà L. Hiện nay, do gia đình đang có tranh chấp về giám hộ cho bà L nên UBND Phường B, Quận C đã tạm thời ngưng tiền trợ cấp cho bà L.
Nay bà không đồng ý với nguyên đơn về việc yêu cầu Toà án chỉ định bà Trần Thị V hoặc ông Trần Văn T làm người giám hộ cho bà Đỗ Thị Thanh L vì bà V từng bị đột quỵ rất yếu nên không có khả năng chăm sóc, giám hộ. Trước đây bà V từng chăm sóc cho bà L được 13 ngày thì không chăm sóc nữa. Còn ông T không có trách nhiệm với em nên không thể giám hộ, chăm sóc cho bà L được.
Bà U có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án chỉ định bà là người giám hộ cho bà L vì hiện nay đúng là bà có một người con đang bị bệnh nhưng bà có khả năng chăm sóc được cả con và bà L vì việc chăm sóc người bệnh cần có sức khỏe và tấm lòng, bà không thể bỏ em bà được. Mặc dù ở nhà thuê nhưng bà vẫn đảm bảo được sức khỏe và cuộc sống ổn định cho bà L.
3. Trong đơn yêu cầu độc lập đề ngày 30 tháng 4 năm 2019, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông Trần Văn T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Ông có yêu cầu độc lập đề nghị cử ông làm người giám hộ cho bà L, đồng thời ông đồng ý với ý kiến của nguyên đơn yêu cầu Tòa án chỉ định ông hoặc bà Trần Thị V là người giám hộ cho bà L. Ông đồng thời là đại diện ủy quyền của bà H không đồng ý bà U giám hộ cho bà L vì bà U không có kiến thức về y tế, đang phải ở nhà thuê, bà U có một người con bị bệnh thận mãn tính phải thường xuyên đi lọc thận. Vì vậy một mình bà U không thể cùng chăm sóc được cho hai người bệnh. Hơn nữa bà U muốn tự mình quản lý phần di sản thừa kế của bà L nên ông và bà H không đồng ý để bà U làm người giám hộ cho bà L. Còn vợ chồng bà V là nhân viên y tế có kiến thức về y khoa, có chỗ ở ổn định, hiện chồng bà V đã nghỉ hưu còn bà V làm nội trợ nên có nhiều thời gian. Trường hợp Tòa án không chỉ định bà V làm giám hộ thì đề nghị chỉ định ông làm giám hộ cho bà L. Hiện nay ông có chỗ ở ổn định, đang sống chung nhà với một phụ nữ, nếu ông được làm giám hộ cho bà L thì người phụ nữ đó và một người cháu sẽ là người chăm sóc cho bà L hằng ngày, còn ông sẽ là người quản lý, giám sát việc chăm sóc.
Ông T có yêu cầu độc lập về việc yêu cầu Tòa án quyết định hai người giám sát việc giám hộ trong số ba anh chị em gồm ông, bà V, bà U, trong ba người trên, người nào được Tòa án chỉ định làm giám hộ thì hai người còn lại sẽ làm giám sát việc giám hộ. Bà H do ông T là đại diện theo ủy quyền cũng đồng ý với yêu cầu độc lập của ông T.
Ngoài ra ông T còn yêu cầu Tòa án ghi trong bản án là sau khi chỉ định người giám hộ và giám sát việc giám hộ cho bà L thì phần tiền bà L được hưởng từ việc bán căn nhà số 02 Đường A, cư xá Đ, Phường B, Quận C là di sản thừa kế của cha mẹ để lại phải gửi vào ngân hàng, tiền lãi hằng tháng lấy ra để nuôi bà L. Căn nhà này hiện nay chưa bán và đang đứng tên các đồng sở hữu là các anh chị em gồm bà H, ông T, bà U, bà L, bà V.
4. Bà Trần Thị V là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Bà hoàn toàn đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của ông T, bà không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn. Về việc bà U chỉ cho rằng bà chỉ nuôi bà L 13 ngày rồi đem trả lại vì lúc đó gần tết bà đưa bà L về nhà chơi, do gia đình chưa thống nhất được việc nuôi dưỡng nên qua tết bà đưa bà L trở lại nhà cũ. Từ ngày bà U đưa bà L về nuôi do bà U quá hung dữ nên các anh chị em của bà không ai dám đến thăm bà L. Nay bà U đồng ý bà hoặc ông T sẽ là người giám hộ cho bà L, không đồng ý để bà U giám hộ cho bà L vì bà U có ý định muốn lấy phần thừa kế của bà L để mua nhà, bà U không có chỗ ở ổn định và còn phải chăm sóc con chạy thận nên không thể đảm bảo được chăm sóc cho bà L. Còn bà là nhân viên y tế nên có kiến thức về y khoa, bà có chỗ ở ổn định. Bà cũng đồng ý làm người giám sát việc giám hộ cho bà L nếu được Tòa án quyết định.
5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, luật sư Nguyễn Hữu M có ý kiến: bà U tuy điều kiện kinh tế khó khăn hơn các chị em khác nhưng bà có nhiều thời gian gần gũi chăm sóc bà L thể hiện bằng việc địa phương xác nhận bà U chăm sóc bà L tốt. Hiện nay Uỷ ban nhân dân Phường B, Quận C tạm ngưng chi tiền trợ cấp hằng tháng cho bà L nhưng bà U vẫn đảm bảo chăm sóc tốt cho bà L. Nên đề nghị Tòa án chỉ định bà U là người giám hộ cho bà L, đồng ý để bà V và ông T là người giám sát việc giám hộ.
Các đương sự cùng thống nhất do từ thời chế độ cũ cũng như các đương sự sinh ở Campuchia nên một số giấy tờ như chứng tử của bà N, khai sinh của bà H, bà V, ông T, bà U, bà L bị sai lỗi chính tả, sai họ tên của người mẹ là bà N cũng như trong khai sinh của bà U và bà L không có tên cha. Các đương sự cũng xác nhận họ tên của bà N là Đỗ Thị N và các ông bà Trần Thị H, Trần Thị V, Trần Văn T, Đỗ Thị U, Đỗ Thị Thanh L là con ruột của ông Trần Văn O và Đỗ Thị N.
Tại Bản án số 398/2019/DSST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:
“1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị H về việc yêu cầu Tòa án chỉ định bà Trần Thị V hoặc ông Trần Văn T làm người giám hộ cho bà Đỗ Thị Thanh L.
2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Đỗ Thị U: Chỉ định bà Đỗ Thị U làm người giám hộ cho bà Đỗ Thị Thanh L.
Bà Đỗ Thị U thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người giám hộ và quản lý tài sản của người được giám hộ theo quy định của pháp luật.
3. Chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Trần Văn T: Chỉ định bà Trần Thị V và ông Trần Văn T làm người giám sát việc giám hộ theo quy định pháp luật.
Bà Trần Thị V và ông Trần Văn T thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người giám sát việc giám hộ theo quy định pháp luật.
Người giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người giám hộ phải đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ”.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 25/9/2020, nguyên đơn bà Trần Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án Dân sự sơ thẩm số 398/2019/DSST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người kháng cáo không rút đơn kháng cáo.
Người khởi kiện không rút yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không rút yêu cầu độc lập; các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Ông Trần Văn T trình bày nội dung và căn cứ kháng cáo:
Ông đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị H và yêu cầu độc lập của ông về việc chỉ định bà Trần Thị V hoặc ông làm người giám hộ cho bà Đỗ Thị Thanh L vì ông T và bà V có đầy đủ điều kiện chăm sóc tốt cho bà L về mọi mặt.
Đại diện viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:
- Về tố tụng: Toà cấp phúc thẩm đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, các đương sự được thực hiện đầy đủ về quyền và nghĩa vụ, đơn kháng cáo của các đương sự còn còn trong thời hạn luật định.
-Về nội dung: Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét các điều kiện về thực hiện quyền và nghĩa vụ của người giám hộ để chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn chỉ định bà Đỗ Thị U làm người giám hộ cho bà Đỗ Thị Thanh L và cử ông Trần Văn T và bà Trần Thị V giám sát việc giám hộ là có cơ sở. Do đó đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận và sau khi nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hình thức và thời hạn kháng cáo: Ngày 10/9/2019, Toà án nhân dân quận G xét xử và ban hành bản án số 398/2019/DS-ST. Ngày 25/9/2019 nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì kháng cáo của bị đơn còn trong hạn luật định và hợp lệ.
[2] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Hội đồng xét xử NHẬN THẤY
[2.1] Về tố tụng:
Về thẩm quyền giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm. Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp về giám hộ. Bị đơn có nơi cư trú tại quận G. Toà án nhân dân quận G thụ lý, giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 14 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự là đúng thẩm quyền.
[2.2] Về nội dung:
[2.2.1]. Xét yêu cầu của nguyên đơn bà Trần Thị H về việc yêu cầu toà án chỉ định bà Trần Thị V hoặc ông Trần Văn T làm người giám hộ cho bà L và yêu cầu phản tố của bà U về việc yêu cầu Toà chỉ định bà là người giám hộ cho bà L:
Căn cứ vào Quyết định giải quyết việc dân sự số 615/2017/QĐDS-ST ngày 28/6/2017 Tòa án nhân dân Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh xác định bà Đỗ Thị Thanh L là người mất năng lực hành vi dân sự. Cha mẹ của bà L đều đã chết và bà L không có chồng con nên không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 53 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Qua xem xét lời trình bày của các đương sự và những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án Hội đồng xét xử nhận thấy các anh chị của bà L gồm bà V, ông T, bà U đều là những người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có tư cách đạo đức, không bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác nên đều có đủ điều kiện làm người giám hộ cho bà L. Tuy nhiên, xét việc giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự đòi hỏi phải có sự ổn định, thấu hiểu, quan tâm và kiên trì. Bà V và ông T đều chưa từng có thời gian chăm sóc bà L. Bà V là người cao tuổi, đã từng bị đột quỵ nên sẽ ảnh hưởng phần nào đến việc chăm sóc sức khoẻ hàng ngày cho bà L. Về phía ông T theo lời trình bày của ông thì ông không trực tiếp chăm sóc bà L mà sẽ nhờ người phụ nữ sống cùng nhà chăm sóc còn ông sẽ giám sát. Bà U là người trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc, đưa bà L đi điều trị bệnh từ năm 2018 đến nay, theo kết quả xác minh của Uỷ ban nhân dân Phường M, quận G thì bà U là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo việc điều trị bệnh cho bà L đầy đủ, chu đáo.
Xét Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét những điều kiện về môi trường sống, việc chăm sóc sức khoẻ thể chất, tinh thần và điều trị bệnh cho bà L đồng thời đã có công văn xác minh tại nơi cư trú hiện tại của bà U và bà L để xem xét ai là người có đủ sự kiên trì, nhẫn nại, kiến thức để chăm sóc cho bà L, trên cơ sở đó chỉ định bà U là người giám hộ cho bà L là hợp lý. Bên cạnh đó, việc chỉ định bà U là người giám hộ cho bà L cũng để đảm bảo việc ổn định về môi trường sống và Tâm lý của người bị mất năng lực hành vi dân sự.
[2.2.2]. Đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T về việc chỉ định ông là người giám hộ cho bà L, Hội đồng xét xử nhận thấy ông T đã tham gia tố tụng với bên nguyên đơn, tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn đã có yêu cầu này cho nên yêu cầu này của ông T không phải là yêu cầu độc lập. Đối với yêu cầu của ông về việc Toà án phải ghi trong bản án về trường hợp bán căn nhà là di sản của cha mẹ để lại tại số 2 Đường A, cư xá Đ, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh, số tiền bà L được hưởng từ việc bán căn nhà phải được người giám hộ gửi tiết kiệm vào ngân hàng, Hội đồng xét xử xét thấy tại Toà án cấp sơ thẩm ông T đã có đơn yêu cầu và không đủ điều kiện khởi kiện nên Toà án cấp sơ thẩm đã có thông báo trả lại đơn. Do đó, Toà án cấp phúc thẩm không xem xét yêu cầu này.
Đối với yêu cầu của ông T về việc yêu cầu Toà án quyết định hai người giám sát việc giám hộ trong số ba anh chị em gồm ông, bà H, bà V. Về yêu cầu này Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 51 Bộ luật Dân sự 2015 và ý kiến của các đương sự để xem xét chấp nhận chỉ định bà Trần Thị V, ông Trần Văn T giám sát việc giám hộ là có cơ sở.
[3] Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ khác; Xét Toà án cấp sơ thẩm đã điều tra, xác minh đầy đủ, viện dẫn các quy định của pháp luật xem xét điều kiện của người giám hộ cũng như xem xét về tính ổn định về mặt sức khoẻ và Tâm lý của người được giám hộ để chỉ định bà Đỗ Thị U là người giám hộ cho bà L là hợp tình, hợp lý.
Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với bản án sơ thẩm là không có cơ sở chấp nhận.
[4] Về án phí:
Án phí Dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí Dân sự sơ thẩm 300.000 đồng.
Ông Trần Văn T không phải chịu án phí Dân sự sơ thẩm.
Bà Đỗ Thị U thuộc diện hộ nghèo nên được miễn tiền tạm ứng án phí và án phí sơ thẩm.
Án phí Dân sự phúc thẩm: Tại phiên toà phúc thẩm ông Trần Văn T nộp đơn xin miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bà Trần Thị H và ông Trần Văn T do ông bà là người cao tuổi. Căn cứ Điều 2 Luật người cao tuổi và căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016 UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án bà Trần Thị H và ông Trần Văn T là người cao tuổi nên được miễn án phí Dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:
- Căn cứ vào các Điều 46, 47, 48, 49, 51, 54, 67,58,59 của Bộ luật Dân sự năm 2015:
- Căn cứ Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án:
Tuyên xử:
1.Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T.
2.Giữ nguyên bản án án dân sự sơ thẩm số 398/2019/DSST ngày 10/9/2019 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị H về việc yêu cầu Tòa án chỉ định bà Trần Thị V hoặc ông Trần Văn T làm người giám hộ cho bà Đỗ Thị Thanh L.
Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Đỗ Thị U: Chỉ định bà Đỗ Thị U làm người giám hộ cho bà Đỗ Thị Thanh L.
Bà Đỗ Thị U thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người giám hộ và quản lý tài sản của người được giám hộ theo quy định của pháp luật.
Chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Trần Văn T: Chỉ định bà Trần Thị V và ông Trần Văn T làm người giám sát việc giám hộ theo quy định pháp luật.
Bà Trần Thị V và ông Trần Văn T thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người giám sát việc giám hộ theo quy định pháp luật.
Người giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người giám hộ phải đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
3. Về án phí:
3.1 Án phí dân sự sơ thẩm:
Bà Trần Thị H chịu án phí Dân sự sơ thẩm 300.000 (ba trăm ngàn) đồng, được trừ vào tiềm tạm ứng án phí 300.000 (ba trăm ngàn) đồng đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001369 ngày 17/10/2018 của Chi cục thi hành án dân sự quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Đương sự đã nộp đủ án phí.
Bà Đỗ Thị U thuộc diện hộ nghèo nên được miễn tiền tạm ứng án phí và án phí sơ thẩm.
Ông Trần Văn T không phải chịu án phí Dân sự sơ thẩm, hoàn lại cho ông T 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0000882 ngày 11/6/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
3.2 Án phí Dân sự phúc thẩm: Bà Trần Thị H và ông Trần Văn T được miễn án phí Dân sự phúc thẩm. Hoàn lại cho bà H số tiền tạm ứng án phí 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001724 ngày 02/10/2019 và hoàn lại cho ông T 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0001723 ngày 02/10/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp giám hộ số 492/2020/DS-PT
Số hiệu: | 492/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 10/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về