TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 02/2022/DS-PT NGÀY 06/01/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐƯỜNG THOÁT NƯỚC THẢI, KHOẢNG KHÔNG VÀ YÊU CẦU CHẤM DỨT HÀNH VI CẢN TRỞ VIỆC SỬ DỤNG ĐẤT HỢP PHÁP
Ngày 06 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 51/2021/TLPT-DS, ngày 22 tháng 4 năm 2021, về tranh chấp đường thoát nước thải; khoảng không và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở việc sử dụng đất hợp pháp.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 40/2020/DS-ST, ngày 09-3-2021 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 112/2021/QĐ-PT ngày 29 tháng 06 năm 2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Trần Thị M, năm sinh 1977, địa chỉ: Số 316, ấp A, thị trấn K, huyện K, tỉnh Sóc Trăng (có mặt).
- Bị đơn: Bà Lý Ngọc H, sinh năm 1965 và ông Trần Quốc T, sinh năm 1962.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Trần Hải T, sinh năm 1983, theo Giấy ủy quyền ngày 23/7/2020 (vắng mặt).
Cùng địa chỉ: Số 314, ấp A, thị trấn K, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.
NỘI DUNG VỤ ÁN
*. Theo đơn khởi kiện ngày 17/6/2020, biên bản hòa giải ngày 13/8/2020 và các tài liệu, chứng cứ khác trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Trần Thị M trình bày:
Bà M sử dụng thửa đất số 36, tờ bản đồ số 53, diện tích 601,9m2, mục đích sử dụng: Đất ở nông thôn và trồng cây lâu năm, tọa lạc tại ấp A, thị trấn K, huyện K, tỉnh Sóc Trăng, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 241760, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, cấp cho bà ngày 21/8/2017. Trên thửa đất này gia đình của Bà M cất nhà ở và trồng một số cây lâu năm. Hộ liền kề với gia đình của Bà M là vợ chồng bà Lý Ngọc H, ông Trần Quốc T, sử dụng thửa đất số 235, tờ bản đồ số 53, diện tích 1.073m2 và thửa đất số 239, tờ bản đồ số 53, diện tích 941,9m2, tọa lạc tại ấp A, thị trấn K, huyện K, tỉnh Sóc Trăng.
Trong quá trình sử dụng đất phần liền kề với gia đình của bà M thì vợ chồng bà H, ông T đã có những hành vi xâm hại đến quyền sử dụng đất của bà, cụ thể như sau:
- Phần đất cặp bờ ranh thì bà H, ông T đã trồng những cây như: Dừa, cau, hoàng hậu, lộc vừng, trầu bà, gừa và 01 số cây trồng khác, những cây do bà H, ông T trồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà như: cây dừa, cây cau rụng trái và lá lên mái nhà, đường đi phía gia đình của bà, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của con người khi dừa rụng trái, những cây trồng khác thì che chắn phần không gian trên phần đất giáp ranh của bà và rụng lá xuống phần đất của bà.
- Mái nhà của chòi bán quán và nhà vệ sinh đổ nước xuống tường nhà bà khi trời mưa, làm thấm và mục tường, nước chảy xuống phần đất nhà bà, gây ngập úng cây trái mà bà đã trồng.
- Nước thải nhà vệ sinh chảy qua phần đất của bà, gây ô nhiễm môi trường. Nay bà yêu cầu giải quyết như sau:
1. Buộc bà Lý Ngọc H, ông Trần Quốc T phải khắc phục việc đã trồng cây lấn chiếm qua phần đất của bà, chặt, đốn những cây đã lấn chiếm phần không gian trên đất của bà, khắc phục việc trái dừa, tàu dừa, tàu cau, cây lá rớt xuống phần đất của bà.
2. Bà H, ông T phải khắc phục việc mái nhà của chòi bán quán và nhà vệ sinh đổ nước xuống tường nhà bà khi trời mưa, làm thấm và mục tường, nước chảy xuống phần đất nhà bà, gây ngập úng cây trái mà bà đã trồng.
3. Bà H và ông T phải khắc phục việc nước thải nhà vệ sinh chảy qua phần đất của bà, để tránh gây ô nhiễm môi trường.
*. Theo Đơn trình bày ý kiến ngày 11/8/2020, biên bản hòa giải ngày 13/8/2020, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Trần Hải T trình bày:
Giáp ranh đất của bà M thì gia đình cha mẹ của ông có làm hàng rào và gia đình của ông có trồng các loại cây như: cây dừa, cây cau, cây hoàng hậu, cây lộc vừng, dây trầu bà, các cây trồng có cành nhánh phát triển tự nhiên và đôi lúc có chồm qua đất người khác là ngoài ý muốn của chủ đất. Tuy nhiên, gia đình ông có chú ý việc này và thường xuyên mé nhánh để không ảnh hưởng đất bên cạnh. Trong quá trình phát triển, cây có vươn tàn sang đất khác là điều hoàn toàn tự nhiên và ông cho rằng không phải là việc quá lớn để thưa kiện. Nếu thực tế có như vậy, gia đình ông sẵn sàng khắc phục vì đây là việc quá nhỏ.
Về ý kiến cho rằng mái chòi bán quán và nhà vệ sinh bên ông đổ nước xuống tường nhà bà M là hoàn toàn không có. Dĩ nhiên, việc cho rằng thấm nước, mục tường, gây ngập ủng cây trái của bà M là hoàn toàn không có, ông đề nghị Tòa trực tiếp xem xét tại chỗ sự việc này.
Về việc bà M cho rằng nước thải nhà vệ sinh bên ông chảy qua phần đất của bà gây ô nhiễm môi trường là do bà bịa đặt và tưởng tượng ra, ông phủ nhận và phản đối yêu cầu này. Ngoài ra, về phía gia đình ông thấy rằng thời gian gần đây bà M đã đặt camera hướng ống kính trực tiếp sang nhà ông là việc làm trái pháp luật, xâm phạm quyền và cuộc sống riêng tư của gia đình ông.
Bên cạnh đó, hiện nay mái nhà bên bà M vẫn đổ nước qua bên nhà ông nhưng từ trước đến nay ông vẫn im lặng, vì nghĩ là chuyện không lớn, đồng thời phía đất bà M có một bụi tre và cành lá của nó đã chồm sang đất gia đình ông. Từ trước đến nay ông và gia đình không lên tiếng vì nghĩ tình lối xóm. Nay ông yêu cầu phía bà M phải khắc phục toàn bộ sự việc vừa nêu. Sau buổi làm việc này, ông sẽ có đơn phản tố gửi đến Tòa với yêu cầu như đã nêu trên.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 40/2020/DS-ST, ngày 09-3-2021 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng quyết định như sau:
Căn cứ khoản 9, khoản 14 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 91, Điều 93, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 165, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 26, khoản 5 và khoản 7 Điều 166, khoản 1 Điều 170 và khoản 1 Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 175, khoản 1 Điều 176 và Điều 177 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị M, buộc vợ chồng ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H chặt bỏ hai cây dừa nằm giữa hai nhà vệ sinh và một cây bồ đề, chặt bỏ thêm một cây dừa nằm liền kề về phía trước (hướng Đông); Đối với 06 cây dừa nằm tại vị trí khác và các loại cây: cau, hoàng hậu,…, buộc vợ chồng ông T, bà H chặt bỏ cành và lá lấn qua ranh đất của bà M tại thửa số 36, tờ bản đồ số 53, diện tích 601,9m2, tọa lạc tại ấp A, thị trấn K, huyện K, tỉnh Sóc Trăng, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 241760, ngày 21/8/2017 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà Trần Thị M. Chi phí chặt cây, cành và lá vợ chồng ông T, bà H phải chịu.
2. Đối với các yêu cầu khởi kiện khác của nguyên đơn bà M, Hội đồng xét xử không chấp nhận.
3. Án phí dân sự sơ thẩm:
- Buộc Bà M phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004275, ngày 10/7/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện K, tỉnh Sóc Trăng. Như vậy, Bà M đã nộp xong án phí.
- Buộc vợ chồng ông T, bà H phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), 4. Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản:
- Buộc bà M phải chịu 675.000 đồng (sáu trăm bảy mươi năm nghìn đồng) và đã nộp xong.
- Buộc vợ chồng ông T, bà H phải chịu 675.000 đồng (sáu trăm bảy mươi năm nghìn đồng), do bà M đã nộp tạm ứng trước số tiền này, cho nên vợ chồng ông T, bà H phải trả lại cho bà M 675.000 đồng (sáu trăm bảy mươi năm nghìn đồng).
Ngày 19-3-2021 nguyên đơn bà Trần Thị M kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem, xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát biểu ý kiến:
- Về tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án và quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Nhận xét trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm: Hội đồng xét xử, Thư ký đã tuân theo pháp luật tố tụng; Đối với các đương sự: người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn chưa thực hiện việc tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án.
- Về nội dung: Sau khi phân tích đơn kháng cáo của nguyên đơn, sau cùng vị đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, áp dụng khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, sửa một phần bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1] Về tính hợp lệ của đơn kháng cáo và phạm vi xét xử phúc thẩm: Đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị M lập ngày 19-3-2021 và nộp tại Tòa án nhân dân huyện K là hợp lệ, đúng quy định về người kháng cáo, thời hạn kháng cáo, hình thức, nội dung kháng cáo theo quy định của các điều 271, 272, 273 và 276 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[1.2] Về sự vắng mặt của người tham gia tố tụng: Ông Trần Hải T là người đại diện theo ủy quyền của các bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vẫn vắng mặt. Căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt ông Trần Hải T.
[2] Về nội dung:
[2.1] Theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ do Tòa án nhân dân huyện K lập ngày 03-11-2020; biên bản xem xét thẩm định tại chỗ do Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng lập ngày 25-6-2021 và các bảng ảnh do nguyên đơn cung cấp thể hiện các cây do gia đình của các bị đơn trồng có tàn (nhánh) qua bên phần đất của nguyên đơn bà Trần Thị M gồm: 03 cây cau kiểng, 01 cây hoàng hậu, 07 cây dừa, 01 cây sanh (cây gừa), dây trầu bà. Do các cây dừa đã trồng lâu năm nên thân mọc cao, tàu dừa và trái dừa rụng qua trước sân nhà và cổng ra vào nhà của bà M có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con người, nên bản án sơ thẩm xem xét buộc các bị đơn chặt bỏ ba cây dừa và chặt bỏ cành lá các cây cau, cây hoàng hậu có cành lá lấn qua ranh đất của bà M là có cơ sở và đúng quy định tại khoản 2 Điều 175 và khoản 1 Điều 176 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ do Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng lập ngày 25-6-2021 phía trước nhà các bị đơn cây thứ nhất tính từ tường rào phía cổng trước do vào 02 mét và cách tường rào giáp ranh nhà bà M 1,2 mét; cây thứ hai đo vào 12 mét và cây thứ ba đo vào 20,5 mét thì các cây dừa này cách tường rào giáp ranh nhà bà M 0,8 mét (80cm) thân mọc cao, tàu dừa và trái dừa rụng qua trước sân nhà và cổng ra vào nhà của bà M có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của những người thường xuyên ra vào phía nhà của bà M nên cần chặt bỏ, đồng thời bức tường của các bị đơn có trồng dây trầu bà bò lên tường rào nhưng lâu năm dây lớn đã bò sang phần đất của bà M, nhưng phần quyết định của bản án sơ thẩm không tuyên buộc các bị đơn cắt tỉa dây trầu bà không cho bò sang phần đất của bà M cũng là thiếu sót, nên cấp phúc thẩm bổ sung phần này. Riêng phía ngoài cổng từ cột điện đo vào 06 mét có 02 cây cau kiểng, một cây hoàng hậu có tàn vươn qua phía trước cổng nhà của bà M thì bà M cho rằng trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm thì phía gia đình của các bị đơn đã chặt đốn các cây này và 01 cây sanh (cây gừa bản án sơ thẩm ghi cây bồ đề) ở phía trong nên không buộc các bị đơn chặt đốn các cây này.
[2.2] Xét kháng cáo của bà M về yêu cầu buộc bà H, ông T phải khắc phục việc mái nhà của chòi bán quán và mái nhà vệ sinh đổ nước mưa xuống tường nhà của bà M và khắc phục việc nước thải nhà vệ sinh chảy qua phần đất của bà M, nhận thấy:
Theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ do Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng lập ngày 25-6-2021 thể hiện từ lộ giới đo vào 40,3 mét thì gia đình của các bị đơn có xây nhà vệ sinh mái đổ dốc về tường rào giáp phần đất của bà M và từ lộ giới đo vào 56,7 mét thì các bị đơn có cất một cái chòi chiều dài khoảng 6 mét có mái nước đổ dốc về tường rào, trường hợp trời mưa thì nước mưa từ mái nhà vệ sinh và mái chòi sẽ chảy xuống phần đất của bà M. Đồng thời nhà vệ sinh của gia đình các bị đơn sử dụng có đục tường làm nước trên sàn nhà vệ sinh chảy qua bên phần đất của gia đình bà M vì đất bên gia đình của bà M thấp hơn.
Tại Điều 250 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa: “Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề”. Và Điều 251 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải: “Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng.” Các cứ vào quy định tại Điều 250, và Điều 251 của Bộ luật dân sự năm 2015 như đã nêu trên, nhận thấy bà M yêu cầu buộc các bị đơn phải khắc phục không cho nước mưa của mái nhà vệ sinh và mái chòi chảy qua đất của bà M, đồng thời không cho nước thải nhà vệ sinh chảy qua phần đất của bà M là có cơ sở được chấp nhận. Nên buộc các bị đơn phải bít lại phần tường nhà vệ sinh hoặc làm đường ống để đưa nước thải chảy vào hố ga và cống thoát nước có sẵn của gia đình bị đơn để không cho nước trong nhà vệ sinh chảy qua phần đất của bà M, đồng thời đối với phần mái nhà vệ sinh và mái chòi thì các bị đơn cũng phải làm máng xối hoặc ống dẫn nước để không cho nước mưa chảy qua đất của bà M.
Bản án sơ thẩm căn cứ vào biên bản xác minh ngày 08/9/2019 của Chi bộ ấp A và Biên bản xác minh ngày 04/12/2020 của Tòa án (bút lục 42 và 44) thể hiện nội dung: Nước thải từ đất nhà ông T có chảy qua vườn nhà bà M (do nền nhà của ông T cao hơn nhà của bà M ), nhưng cũng không gây ảnh hưởng môi trường lắm, vì chỉ sử dụng ít và có đường ống dẫn từ nhà vệ sinh xuống đường thoát nước ra ngoài, nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M đối với yêu cầu không cho nước thải nhà vệ sinh chảy qua phần đất của bà M là chưa phù hợp với quy định tại Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Với những phân tích nêu trên, xét thấy kháng cáo của nguyên đơn là có căn cứ được chấp nhận, do vậy cần sửa một phần bản án sơ thẩm.
Do bản án sơ thẩm bị cải sửa, nên về án phí, chi phí thẩm định, định giá cũng phải sửa cho phù hợp với quy định tại các Điều 147, 165 của Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể:
- Nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, hoàn trả cho nguyên đơn bà Trần Thị M số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004275, ngày 10-7-2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện K, tỉnh Sóc Trăng.
- Các bị đơn phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng).
- Về chi phí thẩm định, định giá tài sản: Các bị đơn phải liên đới chịu tổng cộng là 2.340.000đồng, do nguyên đơn đã nộp tạm ứng trước nên các bị đơn có nghĩa vụ trả lại cho nguyên đơn số tiền này.
[3] Đề nghị của Kiểm sát viên là có căn cứ phù hợp với qui định của pháp luật, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
- Về án dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn không phải chịu, hoàn trả cho nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009708, ngày 19-3-2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Sóc Trăng.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 2 điều 308, khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự.
Chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị M.
Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 40/2020/DS-ST, ngày 09-3-2021 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Sóc Trăng quyết định như sau:
Căn cứ khoản 2 Điều 175, khoản 1 Điều 176, Điều 177, Điều 250 và Điều 251 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 165 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị M.
- Buộc ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H chặt bỏ các cây dừa gồm: cây thứ nhất tính từ hàng rào phía cổng trước đo vào 02 mét (cách hàng rào giáp ranh nhà Bà M 1,2 mét); cây thứ hai đo vào 12 mét và cây thứ ba đo vào 20,5 mét (cách hàng rào giáp ranh nhà Bà M 0,8 mét); cây thứ tư từ cổng đo vào 37,3 mét (thân dừa mọc giữa tường gạch 10). Chặt nhánh tàu 03 cây dừa có tàn qua đất của Bà M gồm: cây thứ nhất từ cổng do vào 40,8 mét; cây thứ hai từ cổng đo vào 50,1 mét; cây thứ ba từ cổng đo vào 59,8 mét. Chặt nhánh 01 cây cau kiểng (cách hàng rào cổng đo vào 01 mét, cách hàng rào giáp với đất của Bà M 01 mét); cắt tỉa dây trầu bà trên tường bò sang phần đất của bà M tại thửa số 36, tờ bản đồ số 53, diện tích 601,9m2, tọa lạc tại ấp A, thị trấn K, huyện K, tỉnh Sóc Trăng, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CI 241760, ngày 21/8/2017 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cấp cho bà Trần Thị M. Chi phí chặt cây, cành và lá phía ông T, bà H phải chịu.
- Buộc ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H phải bít lại phần tường nhà vệ sinh hoặc làm đường ống để đưa nước thải chảy vào hố ga và cống thoát nước có sẳn của gia đình ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H để không cho nước trong nhà vệ sinh chảy qua phần đất của bà M, đồng thời đối với phần mái nhà vệ sinh và mái chòi thì ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H cũng phải làm máng xối hoặc ống dẫn nước để không cho nước mưa chảy qua đất của bà M.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí tố tụng khác:
- Nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, hoàn trả cho nguyên đơn bà Trần Thị M số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0004275, ngày 10-7-2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Sóc Trăng.
- Các bị đơn ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng).
- Về chi phí thẩm định, định giá tài sản: các bị đơn ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H phải liên đới chịu tổng cộng là 2.340.000 đồng (hai triệu ba trăm bốn chục nghìn đồng), do bà Trần Thị M đã nộp tạm ứng trước nên ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H có nghĩa vụ trả lại cho bà Trần Thị M số tiền này là 2.340.000 đồng (hai triệu ba trăm bốn chục nghìn đồng).
3. Về án dân sự phúc thẩm: nguyên đơn bà Trần Thị M không phải chịu, hoàn trả cho bà Trần Thị M số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng), theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009708, ngày 19-3-2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Sóc Trăng Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự
Bản án về tranh chấp đường thoát nước thải, khoảng không và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở việc sử dụng đất hợp pháp số 02/2022/DS-PT
Số hiệu: | 02/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 06/01/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về