TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 04/2023/LĐ-PT NGÀY 13/03/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, TRỢ CẤP
Trong các ngày 06 và 13 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Long An tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2023/TLPT- LĐ ngày 01 tháng 02 năm 2023 về “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện T bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2023/QĐ-PT ngày 22 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Phạm Thị Kim T, sinh năm 1984. Địa chỉ cư trú: khu phố C, thị trấn T, huyện T, tỉnh Long An.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Văn Tr, sinh năm 1991. Địa chỉ liên lạc: Số 115 Quốc lộ 1A, thị trấn B, huyện B, tỉnh Long An (theo Văn bản ủy quyền ngày 28/12/2021).
- Bị đơn: Trung tâm Y tế huyện T. Địa chỉ trụ sở: Khu phố 3 N, thị trấn T, huyện T, tỉnh Long An.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn L - Giám đốc.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Sở Y tế tỉnh Long An. Địa chỉ trụ sở: Số 70 đường N, Phường 1, thành phố T, tỉnh Long An.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Thanh T - Trưởng phòng Tổ chức hành chính.
- Người kháng cáo: Trung tâm Y tế huyện T, nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Đơn khởi kiện và lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án của nguyên đơn bà Phạm Thị Kim T và người đại diện theo uỷ quyền của bà T là ông Hoàng Văn Tr có nội dung như sau:
Ngày 18/01/2006, bà T được nhận làm việc tại Trung tâm Y tế huyện T (gọi tắt là TTYT huyện T) theo Hợp đồng làm việc lần đầu, thời gian hợp đồng từ ngày 01/01/2006 đến ngày 30/6/2006, chức danh Y sỹ. Sau khi chấm dứt thời gian tập sự, ngày 24/7/2006 bà T được bổ nhiệm ngạch viên chức và làm việc chính thức tại TTYT huyện T theo Quyết định số 220/QĐ.SYT ngày 24/7/2006 của Sở Y tế tỉnh Long An.
Trong quá trình công tác, bà T được cử đi học liên thông Bác sĩ đa khoa 04 năm từ năm 2008 đến năm 2012. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà T được phân công làm việc tại Khoa Khám bệnh từ ngày 01/12/2012. Ngoài ra, bà T còn được đào tạo 06 tháng học chuyên khoa mắt (từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2016).
Ngày 21/02/2020, bà T làm đơn xin thôi việc gửi đến Ban giám đốc TTYT huyện T do hoàn cảnh gia đình khó khăn, có con nhỏ. Sau khi nộp đơn xin nghỉ, TTYT huyện T đã họp nhiều lần động viên bà T tiếp tục làm việc nhưng bà T vẫn kiên quyết nghỉ do không sắp xếp được công việc gia đình. Bà T có gửi đơn đến nhiều nơi nhưng không được giải quyết theo nguyện vọng. Ngày 09/4/2020, bà T chính thức nghỉ việc.
Bà T đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng không được TTYT huyện T giải quyết cho nghỉ việc. Ngày 28/8/2021, TTYT huyện T ra Văn bản số 1888/TTYT-TCHC “Về việc trả lời đơn khiếu nại giải quyết nghỉ việc” và ngày 03/9/2021 ban hành Thông báo số 1929/TTYT-TCHC “Về việc thông báo viên chức tự ý bỏ việc”. Việc TTYT huyện T không ban hành quyết định cho bà T nghỉ việc và giải quyết các chế độ cho bà T mà lại gửi 02 văn bản nêu trên đến các cơ quan ban ngành làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà T, nên bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:
- Buộc TTYT huyện T thu hồi Văn bản số 1888/TTYT-TCHC ngày 28/8/2021 “Về việc trả lời đơn khiếu nại giải quyết nghỉ việc”, thu hồi Thông báo số 1929/TTYT-TCHC ngày 03/9/2021 “Về việc thông báo viên chức tự ý bỏ việc”.
- Buộc TTYT huyện T giải quyết cho bà Phạm Thị Kim T được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bà Phạm Thị Kim T được đến Bảo hiểm xã hội huyện T để làm các thủ tục cần thiết theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
- Buộc TTYT huyện T trả cho bà Phạm Thị Kim T:
+ 29 tháng tiền lương (từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2022): 29 tháng x 6.425.402đ = 186.336.658đ.
+ Tiền trợ cấp thôi việc 03 năm (từ năm 2006 đến năm 2008), mỗi năm được hưởng 0,5 tháng: 03 năm x 6.425.402đ x 0,5 = 9.638.103đ.
+ Bồi thường thêm 02 tháng trợ cấp mất việc: 02 tháng x 6.425.402đ = 12.850.804 đồng.
Tổng cộng là 208.825.565đ.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn: Phía TTYT huyện T nếu có yêu cầu bà T hoàn trả số tiền chi phí đào tạo do chưa phục vụ đủ thời gian cam kết sau khi được cử đi học thì do Tòa án quyết định. Đối với việc TTYT huyện T trình bày thời điểm bà T xin nghỉ là thời điểm dịch bệnh Covid-19, không có người thay thế thì nguyên đơn không đồng ý do thời điểm bà T xin nghỉ việc là lúc dịch bệnh chưa phức tạp. Việc tuyển dụng là trách nhiệm của TTYT huyện T chứ bà T không có chức năng và trách nhiệm làm công việc đó. Bà T đã thông báo xin nghỉ việc đủ 45 ngày để TTYT huyện T tìm người thay thế theo Luật Viên chức, Bộ luật Lao động.
Bị đơn Trung tâm Y tế huyện T do ông Phạm Văn L là người đại diện theo pháp luật trình bày trong quá trình giải quyết vụ án có nội dung như sau:
Bà Phạm Thị Kim T vào làm tại TTYT huyện T từ ngày 18/01/2006. Ngày 21/02/2020, bà T có nộp đơn xin nghỉ việc, lý do sắp xếp công việc gia đình, định hướng nghề nghiệp khác. TTYT huyện T đã họp vào các ngày 21/02/2020, 28/02/2020, 11/3/2020, 20/3/2020, 15/4/2020 và 22/4/2020 có bà T tham dự nhưng bà T vẫn kiên quyết xin nghỉ việc. Sau các cuộc họp của tháng 3/2020 thì bà T vẫn đến TTYT huyện T làm việc và chính thức nghỉ việc ngày 09/4/2020.
Bà T được nhận lương đến ngày 09/4/2020 thông qua tài khoản cá nhân. TTYT huyện T vẫn cố gắng thuyết phục bà T trở lại làm việc nên đã chuyển số tiền lương từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2020 của bà T vào tài khoản cá nhân bà Nguyễn Thành Phương Thảo (thủ quỹ của TTYT huyện T) tạm giữ, mục đích là nếu bà T tiếp tục làm việc thì cơ quan sẽ rút ra chi trả tiền mặt cho bà T. Từ tháng 11/2020, bà T không được trả lương nữa.
Việc TTYT huyện T không chuyển tiền lương tháng 4/2020 cho bà T là do bà T nghỉ thì khó thu hồi được. Trung tâm vẫn đóng các loại bảo hiểm cho bà T đến tháng 10/2020 mới ngưng không đóng nữa nhưng do bà T không chịu đi làm lại nên TTYT huyện T đã thu hồi tiền lương và nhập vào ngân sách TTYT huyện T.
TTYT huyện T đã nhiều lần làm việc và chưa đồng ý cho bà T nghỉ vì: Chưa có người thay thế, chưa thực hiện xong nghĩa vụ sau khi được đào tạo, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. TTYT huyện T đã nhiều lần gửi văn bản xin ý kiến Sở Y tế vì là cơ quan chủ quản cấp trên nhưng chưa có ý kiến chỉ đạo. Việc giải quyết thôi việc cho bà T còn phải chịu sự điều chỉnh của một số văn bản liên quan như Luật Viên chức năm 2010; điểm b, d khoản 2 Điều 38 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 (nay là điểm b, d khoản 2 Điều 57 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính Phủ).
Quá trình công tác bà T được TTYT huyện T cử đi học liên thông Bác sĩ đa khoa 04 năm từ năm 2008 - 2012 từ nguồn ngân sách Nhà nước. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà được phân công làm tại Khoa Khám bệnh từ ngày 01/12/2012. Thời điểm này lẽ ra Y sỹ sau 03 năm công tác mới được dự thi Bác sỹ chuyên tu nhưng do nhu cầu đào tạo cán bộ, đảm bảo đủ các chuyên khoa nên bà T được cơ quan cử đi dự thi sớm hơn sau 02 năm công tác. Ngoài ra, từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2016 (06 tháng) bà T được cử đi đào tạo chuyên khoa mắt.
Khi bà T làm đơn xin nghỉ việc, Ban giám đốc chưa đồng ý cho nghỉ việc do bà T làm việc chưa đủ thời gian thực hiện nghĩa vụ sau khi được cơ quan cử đi đào tạo theo điểm b, d khoản 2 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012; theo Điều 5, Điều 7 của Nghị định 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 của Chính Phủ thì bà T phải có trách nhiệm làm việc đến ngày 01/12/2021 (kể cả học đào tạo định hướng chuyên khoa mắt) nhưng ngày 21/02/2020 bà T đã làm đơn xin nghỉ việc.
Bà T nghỉ việc từ tháng 4/2020 thì phải có trách nhiệm bồi hoàn lại tiền đào tạo khi chưa phục vụ hết thời gian thực hiện nghĩa vụ, cụ thể: Chi phí đào tạo Bác sĩ từ năm 2008 - 2012 là: 75.081.000đ và 06 tháng học chuyên khoa mắt là 15.000.000đ, tổng cộng là 90.081.000đ, bà T phải phục vụ 09 năm (tương đương 108 tháng). Như vậy, tháng 4/2020 bà T nghỉ việc thì còn nợ đến ngày 01/12/2021 là 20 tháng làm việc tương đương số kinh phí là 16.681.666đ.
Đồng thời khi bà T nghỉ việc, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra nên không giải quyết cho viên chức nghỉ việc trong khi TTYT huyện T có 01 Bác sĩ định hướng chuyên khoa mắt. Bà T nghỉ việc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám chữa bệnh do cơ quan không còn người được đạo tạo về chuyên khoa mắt (đến nay vẫn chưa có người thay thế). Nên TTYT huyện T không thể thực hiện công tác khám sức khỏe cho một số ngành nghề xin việc làm, lái xe,...
Khi xem xét giải quyết đơn nghỉ việc của bà T thì TTYT huyện T có trao đổi với Giám đốc Sở Y tế để định hướng giải quyết dứt điểm đó là TTYT huyện T không giải quyết cho nghỉ việc mà thông báo bỏ việc nhằm để giữ kỷ cương cho ngành Y tế về những trường hợp được cử đi đào tạo theo yêu cầu của cơ quan là phải phục vụ hết thời gian đã cam kết, cũng như quy định của cấp có thẩm quyền cho đến khi có người thay thế, không giải quyết trường hợp cử đi đào tạo viện lý do chưa chính đáng để xin nghỉ việc.
TTYT huyện T là đơn vị sự nghiệp công lập tự thu tự chi, có làm mới có hưởng lương, việc bà T đề nghị TTYT huyện T chi trả lương từ tháng 04/2020 đến khi xét xử sơ thẩm là không hợp lý. Do đó, TTYT huyện T không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà T. TTYT vẫn giữ quan điểm thông báo bà T tự ý bỏ việc không phải cho thôi việc.
Trường hợp yêu cầu khởi kiện của bà T được chấp nhận thì TTYT huyện T yêu cầu bà T phải hoàn trả số tiền 16.681.666đ tương đương 20 tháng làm việc mà bà T chưa phục vụ đủ cho Nhà nước. Về việc bà T muốn rút bảo hiểm xã hội thì TTYT huyện T sẽ hỗ trợ. Tiền lương thực lãnh của tháng 3/2020 trước khi bà T nghỉ việc là 6.425.402đ/tháng.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Sở Y tế tỉnh Long An trình bày tại Công văn số 7841/SYT-TCHC ngày 10/11/2021, Công văn số 5503/SYT-TCHC ngày 12/9/2022 và lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án của ông Mai Thanh T là người đại diện theo ủy quyền có nội dung như sau:
Theo khoản 2 Điều 57 của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; căn cứ khoản 3 Điều 9 của Quyết định số 43/2021/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An thì việc quyết định cho bà Phạm Thị Kim T nghỉ việc hay không và giải quyết các chế độ liên quan khi bà T nghỉ việc là thuộc thẩm quyền của TTYT huyện T. Sở Y tế tỉnh Long An là cơ quan chủ quản chỉ được báo cáo sự việc nhưng không có thẩm quyền giải quyết cho bà T nghỉ việc hay không.
Thẩm quyền giải quyết nghỉ việc của viên chức trong ngành y tế do lãnh đạo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp ra quyết định cho nghỉ việc dưới sự đồng ý của Sở Y tế. Trình tự giải quyết cho viên chức nghỉ việc cụ thể như sau:
- Viên chức có đơn xin nghỉ việc.
- Đơn vị họp thống nhất cho hoặc không cho viên chức nghỉ việc trình Sở Y tế xem xét cho viên chức nghỉ việc (trong tờ trình nêu rõ ý kiến của đơn vị có cho viên chức nghỉ việc hay không).
- Nếu đơn vị đồng ý cho viên chức nghỉ việc thì Sở Y tế dựa vào tờ trình của đơn vị ra văn bản đồng ý cho giám đốc đơn vị ra quyết định cho viên chức nghỉ việc. Nếu đơn vị không đồng ý cho viên chức nghỉ việc thì phải có văn bản báo cáo cho Sở Y tế.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST ngày 28/9/2022 của Toà án nhân dân huyện T đã tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Kim T đối với Trung tâm Y tế huyện T về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
1.1. Buộc Trung tâm Y tế huyện T thu hồi Văn bản số 1888/TTYT-TCHC ngày 28/8/2021 “về việc trả lời đơn khiếu nại giải quyết nghỉ việc”, thu hồi Thông báo số 1929/TTYT-TCHC ngày 03/9/2021 “về việc thông báo viên chức tự ý bỏ việc”.
1.2. Chấm dứt quan hệ lao động giữa Trung tâm Y tế huyện T với bà Phạm Thị Kim T.
1.3. Buộc Trung tâm Y tế huyện T phải bồi thường cho bà T các khoản tiền lương, trợ cấp thôi việc với số tiền 112.979.981đ (gồm 103.819.442đ tiền lương và 9.160.539đ tiền trợ cấp thôi việc).
2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Kim T về việc buộc Trung tâm Y tế huyện T bồi thường cho bà T một phần tiền lương (12 tháng x 6.425.402đ = 77.104.824đ) và 12.850.804đ tiền trợ cấp mất việc.
3. Không chấp nhận yêu cầu của Trung tâm Y tế huyện T về việc buộc bà Phạm Thị Kim T hoàn trả kinh phí đào tạo là 16.681.666đ.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí; quyền kháng cáo; quyền yêu cầu, nghĩa vụ và thời hiệu thi hành án.
Ngày 12/10/2022, Tòa án nhân dân huyện T nhận được đơn kháng của TTYT huyện T kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm cải sửa bản án theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn không rút đơn khởi kiện; bị đơn không rút đơn yêu cầu phản tố và vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Nguyên đơn bà Phạm Thị Kim T do ông Hoàng Văn Tr là người đại diện theo uỷ quyền trình bày: Bà T nghỉ việc có đơn xin thôi việc gửi trước thời hạn 45 ngày, TTYT huyện T không giải quyết bà thôi việc mà ban hành các thông báo bà tự ý bỏ việc là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ y bản án sơ thẩm.
Bị đơn TTYT huyện T do ông Phạm Văn L là người đại diện theo pháp luật trình bày: TTYT huyện T kháng cáo yêu cầu Toà cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà T về việc buộc TTYT huyện T thu hồi Văn bản số 1888/TTYT-TCHC ngày 28/8/2021 và Thông báo số 1929/TTYT-TCHC ngày 03/9/2021, buộc TTYT huyện T trả 17 tháng tiền lương cho bà T với số tiền 103.819.442đ; buộc TTYT huyện T trả tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 9.160.539đ. Riêng đối với yêu cầu phản tố của TTYT huyện T thì TTYT huyện T xác định lại chỉ yêu cầu bà T hoàn trả chi phí đào tạo bác sĩ đa khoa (07 tháng chưa phục vụ) với số tiền 5.474.656đ.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu ý kiến:
Về tính hợp lệ của kháng cáo: Đơn kháng cáo nằm trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Về chấp hành pháp luật: Kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng những quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng pháp luật.
Về giải quyết yêu cầu kháng cáo: Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận một phần về tiền trợ cấp thôi việc; một phần yêu cầu trả tiền lương. Về yêu cầu phản tố của TTYT buộc bà T hoàn trả kinh phí đào tạo là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của TTYT huyện T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Về thủ tục tố tụng:
[1] Tòa án cấp sơ thẩm xác định thẩm quyền Tòa án giải quyết, quan hệ pháp luật tranh chấp, người tham gia tố tụng và xét xử theo trình tự sơ thẩm là phù hợp với quy định tại các Điều 26, 32, 35, 39 và 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bản án sơ thẩm đảm bảo thủ tục tố tụng.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, những người được Tòa án triệu tập có mặt, người vắng mặt có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt nên Tòa án tiến hành xét xử theo trình tự phúc thẩm là phù hợp.
[3] TTYT huyện T thay đổi yêu cầu phản tố, chỉ yêu cầu bà T trả lại chi phí đào tạo bác sĩ đa khoa tương ứng với thời gian chưa hết thời gian phục vụ với số tiền 5.474.656đ. Do việc thay đổi yêu cầu phản tố của TTYT huyện T tại phiên toà phúc thẩm không vượt quá phạm vi yêu cầu phản tố ban đầu nên căn cứ khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
Về việc giải quyết yêu cầu kháng cáo:
[4] Bị đơn TTYT huyện T kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Hội đồng xét xử xét thấy:
[5] Đối với yêu cầu kháng cáo của TTYT huyện T không đồng ý thu hồi Văn bản số 1888/TTYT-TCHC ngày 28/8/2021 “Về việc trả lời đơn khiếu nại giải quyết nghỉ việc” và Thông báo số 1929/TTYT-TCHC ngày 03/9/2021 “Về việc thông báo viên chức tự ý bỏ việc”, thấy rằng:
[6] Bà T là viên chức làm việc tại TTYT huyện T theo Quyết định số 220/QĐ.SYT ngày 24/7/2006 của Sở Y tế tỉnh Long An. Ngày 21/02/2020, bà T có đơn xin thôi việc gửi đến Ban giám đốc TTYT huyện T với lý do “sắp xếp công việc gia đình, định hướng nghề nghiệp khác”. Sau khi nộp đơn xin nghỉ, TTYT huyện T đã họp nhiều lần để động viên bà T tiếp tục làm việc nhưng bà T vẫn kiên quyết nghỉ. Đến ngày 09/4/2020, bà T chính thức nghỉ việc.
[7] Theo khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định “Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày…”. Do đó việc bà T có đơn xin thôi việc ngày 21/02/2020 và đến ngày 09/4/2020 chính thức nghỉ việc là đã thông báo đủ 45 ngày.
[8] Theo Điều 38 Nghị định 29/2012 ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định:
“1. Viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:
… b) Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 29 Luật viên chức;
… 2. Viên chức chưa được giải quyết thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
… d) Do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế.
3. Thủ tục giải quyết thôi việc a) Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc; nếu không đồng ý cho viên chức thôi việc thì trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại Khoản 2 Điều này…”.
[9] Đối chiếu với trường hợp của bà T thì thấy rằng bà T thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thuộc khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) nên đáng lẽ bà T sẽ được giải quyết thôi việc theo điểm b khoản 1 Điều 38 Nghị định 29/2012, tuy nhiên “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế” theo điểm d khoản 2 Điều 38 Nghị định 29/2012 nên bà T vẫn chưa được TTYT huyện T giải quyết thôi việc là phù hợp. Do TTYT huyện T chưa giải quyết thôi việc mà ngày 09/4/2020 bà T lại nghỉ việc nên TTYT huyện T có văn bản không đồng ý cho bà T nghỉ việc là đúng với quy định tại điểm b khoản 3 Điều 38 Nghị định 29/2012. Vì vậy bà T khởi kiện yêu cầu Toà án buộc TTYT huyện T thu hồi Văn bản số 1888/TTYT- TCHC ngày 28/8/2021 “Về việc trả lời đơn khiếu nại giải quyết nghỉ việc” và Thông báo số 1929/TTYT-TCHC ngày 03/9/2021 “Về việc thông báo viên chức tự ý bỏ việc” là không có căn cứ. Án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu này của bà T là chưa chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của TTYT huyện T, sửa bản án sơ thẩm đối với yêu cầu này.
[10] Do bà T đã nghỉ việc từ tháng 4/2020 đến nay và cũng không đồng ý trở lại làm việc nên án sơ thẩm giải quyết chấm dứt quan hệ lao động giữa TTYT huyện T với bà T là có căn cứ.
[11] Đối với yêu cầu kháng cáo của TTYT huyện T không đồng ý trả 17 tháng tiền lương cho bà T với số tiền 103.819.442đ, xét thấy: Bà T đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc là đúng quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên Bộ luật Lao động năm 2019 chỉ quy định trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trái pháp luật theo Điều 39 thì người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả tiền lương cho những ngày người lao động không làm việc theo Điều 41 chứ pháp luật không quy định trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả lương những ngày người lao động không làm việc. Do đó đối với yêu cầu khởi kiện này của bà T là không có căn cứ chấp nhận. Án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu này của bà T là chưa chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của TTYT huyện T, sửa bản án sơ thẩm đối với yêu cầu này.
[12] Đối với yêu cầu kháng cáo của TTYT huyện T không đồng ý trả cho bà T tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 9.160.539đ, xét thấy: Bà T thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Do đó căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, khi bà T chấm dứt hợp đồng lao động thì TTYT huyện T phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho bà T, thời gian để tính trợ cấp thôi việc là 03 năm (từ năm 2006 đến năm 2008), tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước khi bà T thôi việc tháng 4/2020 (lương bình quân từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020). Như vậy, tiền trợ cấp thôi việc của bà T = 03 năm x 1/2 x 6.1047.026đ = 9.160.539đ. Án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của bà T là có căn cứ nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của TTYT huyện T, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với yêu cầu này.
[13] Đối với yêu cầu kháng cáo của TTYT huyện T đề nghị Toà phúc thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố về việc yêu cầu bà T hoàn trả chi phí đào tạo bác sĩ đa khoa với số tiền 5.474.656đ, xét thấy: Bà T được TTYT huyện T cử đi học liên thông bác sĩ đa khoa vào năm 2008. Tại thời điểm bà T nghỉ việc vào tháng 4/2020 thì chế độ bồi thường chi phí đào tạo được quy định tại Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017. Theo đó khoản 3 Điều 7 Nghị định 101 quy định “Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:…3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này”. Mặc dù thời điểm này pháp luật quy định khi được cử đi học thì viên chức phải có bản cam kết thời gian phục vụ, tuy nhiên thời điểm bà T được cử đi đào tạo vào năm 2008 thì chế độ bồi thường chi phí đào tạo được điều chỉnh bởi Nghị định 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ, cụ thể khoản 2 Điều 3 Nghị định 54 quy định: “Công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo (ở trong nước và nước ngoài) mà trong thời gian đang học tập hoặc khi trở về cơ quan, đơn vị tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải bồi thường chi phí đào tạo” và khoản 1 Điều 12 Nghị định 54 quy định: “Công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo mà chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này mà tự ý bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc”. Như vậy thời điểm bà T được cử đi học thì pháp luật không quy định phải có văn bản cam kết thời gian phục vụ nên TTYT huyện T không yêu cầu bà T làm văn bản cam kết là phù hợp. Nghị định 54/2005, Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Nghị định 29/2012 và Nghị định 101/2017 đều quy định viên chức phải đền bù chi phí đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc khi chưa hết thời gian yêu cầu phục vụ sau khi được cử đi học. Do đó yêu cầu đền bù về chi phí đào tạo của TTYT huyện T là có căn cứ.
[14] Điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 101/2017 quy định chi phí đào tạo phải đền bù = tổng chi phí chi trả thực tế x (thời gian yêu cầu phục vụ – thời gian đã phục vụ). Do khi bà T được cử đi đào tạo không bắt buộc phải làm bản cam kết và thời điểm bà T nghỉ việc là năm 2020 nên căn cứ điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 101/2017 quy định một trong những điều kiện để viên chức được cử đi học là “Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo”. Như vậy có thể xác định bà T phải phục vụ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo là 08 năm. TTYT huyện T xác định chỉ yêu cầu bà T phục vụ trong thời gian 08 năm (từ 01/01/2013 đến 01/01/2021) nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Tổng chi phí chi trả thực tế khi bà T được cử đi đào tạo bác sĩ đa khoa là 75.081.000đ. Thời gian bà T đã phục vụ là 07 năm 04 tháng (01/01/2013 đến tháng 4/2020). Do đó chi phí đào tạo mà bà T phải đền bù = (75.081.000đ : 08 năm) x (08 năm – 07 năm 04 tháng) = 6.256.750đ. Tại phiên toà phúc thẩm, TTYT huyện T chỉ yêu cầu bà T bồi thường 5.474.656đ (7 tháng chưa phục vụ) là có lợi cho bà T nên cần chấp nhận. Án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của TTYT huyện T là chưa chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của TTYT huyện T, sửa bản án sơ thẩm đối với yêu cầu này.
[15] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của TTYT huyện T, sửa một phần bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà T về việc buộc Trung tâm Y tế huyện T thu hồi Văn bản số 1888/TTYT- TCHC ngày 28/8/2021 và Thông báo số 1929/TTYT-TCHC ngày 03/9/2021, bác yêu cầu của bà T về việc buộc TTYT huyện T trả 17 tháng lương cho bà T với số tiền 103.819.442đ, chấp nhận yêu cầu của bà T về việc buộc TTYT huyện T trả tiền trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà T với số tiền 9.160.539đ và chấp nhận yêu cầu phản tố của TTYT huyện T về việc buộc bà T hoàn trả chi phí đào tạo với số tiền 5.474.656đ.
[16] Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành.
[17] Về án phí: Theo quy định tại các Điều 12, 26 và 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Bà Phạm Thị Kim T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp lao động trên số tiền bồi thường chi phí đào tạo cho TTYT huyện T. TTYT huyện T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp lao động trên số tiền phải trả trợ cấp thôi việc cho bà T. TTYT huyện T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Trung tâm Y tế huyện T.
Sửa một phần Bản án sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST ngày 28 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Long An.
Căn cứ các Điều 32, 35, 39, 147, 148, 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Áp dụng Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 34, 35 và 46 Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Nghị định 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 của Chính phủ về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức; Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; các Điều 12, 26 và 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Kim T về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với Trung tâm Y tế huyện T.
Buộc Trung tâm Y tế huyện T phải trả trợ cấp thôi việc cho bà Phạm Thị Kim T với số tiền 9.160.539đ (chín triệu, một trăm sáu mươi nghìn, năm trăm ba mươi chín đồng).
2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Kim T về việc buộc Trung tâm Y tế huyện T thu hồi Văn bản số 1888/TTYT-TCHC ngày 28/8/2021 “về việc trả lời đơn khiếu nại giải quyết nghỉ việc”, thu hồi Thông báo số 1929/TTYT-TCHC ngày 03/9/2021 “về việc thông báo viên chức tự ý bỏ việc”, buộc Trung tâm Y tế huyện T trả cho bà Phạm Thị Kim T 29 tháng tiền lương (từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2022) với số tiền 186.336.658đ (một trăm tám mươi sáu triệu, ba trăm ba mươi sáu nghìn, sáu trăm năm mươi tám đồng) và trả 02 tháng trợ cấp mất việc với số tiền 12.850.804đ (mười hai triệu, tám trăm năm mươi nghìn, tám trăm lẻ bốn đồng).
3. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Trung tâm Y tế huyện T đối với bà Phạm Thị Kim T về yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo.
Buộc bà Phạm Thị Kim T phải bồi thường cho Trung tâm Y tế huyện T chi phí đào tạo với số tiền 5.474.656đ (năm triệu, bốn trăm bảy mươi bốn nghìn, sáu trăm năm mươi sáu đồng).
4. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
5. Chấm dứt quan hệ lao động giữa Trung tâm Y tế huyện T với bà Phạm Thị Kim T.
6. Về án phí sơ thẩm:
Bà Phạm Thị Kim T phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về lao động có giá ngạch.
Trung tâm Y tế huyện T phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về lao động có giá ngạch. Khấu trừ 420.000đ (bốn trăm hai mươi nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0002382 ngày 07/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, hoàn trả cho Trung tâm Y tế huyện T 120.000đ (một trăm hai mươi nghìn đồng) tạm ứng án phí còn thừa.
7. Về án phí phúc thẩm:
Trung tâm Y tế huyện T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho Trung tâm y tế huyện T 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0002665 ngày 12/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.
8. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
9. Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại, trợ cấp số 04/2023/LĐ-PT
Số hiệu: | 04/2023/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Long An |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 13/03/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về