Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 284/2022/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 284/2022/LĐ-PT NGÀY 31/05/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG 

Trong các ngày 25 và 31 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 13/2022/TLPT-LĐ ngày 15 tháng 4 năm 2022 về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 10/2022/LĐ-ST ngày 24/02/2022 của Tòa án nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo và kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1659/2022/QĐ-PT ngày 28 tháng 4 năm 2022 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm số 6077/2022/QĐ-PT ngày 25 tháng 5 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông D1, sinh năm 1976 (có mặt).

Địa chỉ: 205/98B Đường Đ1, Phường P1, Quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ liên lạc: 39/15 Đường Đ2, phường P2, quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bị đơn: Công ty T1 Trụ sở: 25 Đường Đ3, Phường P3, quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông H1, sinh năm 1988, chức vụ: Giám đốc (có mặt tại phiên tòa ngày 25/5/2022, vắng mặt tại phiên tòa ngày 31/5/2022).

Người đại diện theo ủy quyền:

- Bà T1, sinh năm 1990 theo Giấy ủy quyền ngày 09/5/2022 (có mặt).

- Ông H2, sinh năm 1986 theo Giấy ủy quyền ngày 30/5/2022 (có mặt).

Người kháng cáo: Nguyên đơn - Ông D1.

Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện ngày 02/10/2020, các Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 14 và 28/10/2020, các ý kiến trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn ông D1 trình bày:

Ngày 25/8/2020, ông D1 có xin vào Công ty T1 (sau đây gọi tắt là Công ty) làm công việc lao động phổ thông chở hàng bằng xe máy. Khi đến Công ty xin việc, bà T1 giới thiệu với ông D1 là người quản lý của Công ty và trực tiếp phỏng vấn. Hai bên thỏa thuận bằng lời nói lương 8.500.000 đồng/tháng, làm việc 26 ngày/tháng, được nghỉ 4 ngày chủ nhật, nhận lương vào ngày 05 hàng tháng qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của ông D1. Ngày 26/8/2020 ông D1 là nhân viên chính thức, không thỏa thuận thời gian thử việc. Công ty T1 không ký hợp đồng lao động, không thực hiện theo Luật Lao động. Ngày 05/9/2020, ông D1 nhận được lương tháng 8 qua chuyển khoản. Ngày 30/9/2020, bà T1, quản lý của Công ty thông báo cho ông D1 nghỉ việc. Nhận thấy quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, ông D1 khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty T1 nhận ông trở lại làm việc; thanh toán tiền lương những ngày không được làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết tạm tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 28/10/2020 là 7.846.153 đồng; bồi thường 02 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 17.000.000 đồng.

Tổng số tiền ông D1 yêu cầu Công ty phải trả tạm tính đến ngày 28/10/2020 là 24.846.150 đồng.

Bị đơn Công ty T1 do bà T1 đại diện theo ủy quyền trình bày:

Phía bị đơn khẳng định không có quan hệ lao động gì với ông D1, nguyên đơn chưa từng làm việc với người đại diện theo pháp luật của Công ty, việc trả lương cho nguyên đơn không phải được chuyển từ tài khoản của Công ty. Việc trả lương cho ông D1 là do cá nhân bà T1 có nhu cầu thuê người giao hàng cho bản thân nên cá nhân bà T2 có tuyển dụng ông D1 để thực hiện việc giao hàng cho bà. Bà T2 tự chuyển tiền từ tài khoản cá nhân của bà cho ông D1, không liên quan gì đến Công ty. Toàn bộ số tiền lương ông D1 sao kê từ tài khoản của ông đều khớp với tiền lương mà bà T2 sao kê từ tài khoản của bà. Do đó, bị đơn không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 10/2022/LĐ-ST ngày 24/02/2022, Tòa án nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bao gồm: Yêu cầu buộc Công ty T1 nhận nguyên đơn trở lại làm việc; thanh toán các khoản tiền lương của người lao động không được làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết cụ thể: Tiền lương những ngày không được làm việc tạm tính từ ngày 01/10/2020 đến ngày 28/10/2020 là 7.846.153 đồng; bồi thường 02 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 17.000.000 đồng. Tổng số tiền yêu cầu tạm tính đến ngày 28/10/2020 là 24.846.150 đồng.

Ngoài ra, bản án lao động sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, kháng nghị và quy định về thi hành án.

Ngày 25/02/2022, nguyên đơn ông D1 nộp đơn kháng cáo toàn bộ Bản án lao động sơ thẩm số 10/2020/LĐ-ST ngày 24/02/2022 của Tòa án nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 08/3/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh ký Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ-VKS-LĐ đối với Bản án lao động sơ thẩm số 10/2020/LĐ-ST ngày 24/02/2022 của Tòa án nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Ngày 26/5/2022, Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 01/QĐ-VKS-LĐ về việc rút toàn bộ Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ-VKS-LĐ ngày 08/3/2022 của Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên đơn ông D1 yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, sửa bản án lao động sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty T1 nhận ông D1 trở lại làm việc, thanh toán tiền lương trong những ngày không được làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết cho đến khi nhận ông D1 trở lại làm việc, bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Bị đơn Công ty T1 do bà T1 và ông H2 đại diện theo ủy quyền không đồng ý kháng cáo của nguyên đơn ông D1, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Về tố tụng: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý vụ án đúng thẩm quyền. Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án: Có thông báo bằng văn bản cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án, quyết định xét xử cùng hồ sơ vụ án chuyển Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn quy định tại Điều 292 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án thực hiện đúng trình tự, thủ tục xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định pháp luật.

Về nội dung vụ án: Căn cứ những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của đương sự tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét thấy kháng cáo của nguyên đơn không có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông D1, giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số 10/2022/LĐ-ST ngày 24/02/2022 của Tòa án nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và kết luận của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc chấp hành pháp luật tố tụng và nội dung của vụ án, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo của nguyên đơn ông D1 và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong thời hạn luật định nên được cấp phúc thẩm chấp nhận.

[1.2] Quan hệ pháp luật tranh chấp, thẩm quyền giải quyết vụ án: Căn cứ Đơn khởi kiện đề ngày 02/10/2020 và các Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, nguyên đơn ông D1 cho rằng Công ty T1 đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông trái pháp luật nên yêu cầu Công ty phải nhận ông trở lại làm việc, trả tiền lương những ngày không được làm việc cho đến khi nhận ông trở lại làm việc và trả 02 tháng lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Do đó, quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012; khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[1.3] Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn xác định chỉ khởi kiện Công ty T1, không khởi kiện cá nhân bà T1 và không yêu cầu Tòa án triệu tập bà T2 với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nên Tòa án không đưa bà T1 tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

[1.4] Đối với các yêu cầu của nguyên đơn đề nghị Tòa án triệu tập tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan những người sau: Chánh án Tòa án nhân dân quận Q3, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Ngân hàng N1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường P3, quận Q3, Trưởng công an Phường P3 quận Q3, Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Q3, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng phòng Lao động quận Q3, Trưởng công an quận Q3, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục Thuế quận Q3, Chi nhánh Công ty T3, Công ty V1, Nhà thuốc T4, Nhà thuốc tây T5, Nhà thuốc H3, Mỹ phẩm S1, Nhà thuốc P4, Nhà thuốc Y1, Nhà thuốc C1, Nhà thuốc L1, Văn phòng đại diện C3, Chi nhánh Công ty TNHH Quốc Trung, Chi nhánh Công ty TNHH du lịch Vinh Hoa, Chi nhánh T6, Công ty S1, Chi nhánh Đ4, Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, Chánh thanh tra Sở tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, ông T7 là nhân viên Công ty cổ phần vận tải S2, Ban kiểm soát Công ty T1…. Tuy nhiên, nguyên đơn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh những cá nhân, tổ chức trên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án này. Căn cứ Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu triệu tập người tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trên của nguyên đơn là phù hợp.

[1.5] Về yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng 24 yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời để làm sáng tỏ vụ án theo Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề ngày 25/5/2022, nộp đến Tòa án ngày 27/5/2022: Ông D1 xác nhận trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xem xét các yêu cầu này của ông D1 theo các Thông báo về việc không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 78/TB-TA và 79/TB-TA cùng ngày 06/5/2022, số 80/TB-TA ngày 09/5/2022, số 82/TB-TA ngày 10/5/2022 và số 94/TB-TA ngày 20/5/2022. Những yêu cầu ông D1 nêu trong Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề ngày 25/5/2022 không có nội dung gì khác với những nội dung đã yêu cầu trước đây. Đối với yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm lấy lời khai và đối chất Hội đồng xét xử sơ thẩm, ông D1 xác định đây là yêu cầu thu thập chứng cứ, không phải là yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Xét thấy yêu cầu này của ông D1 không có cơ sở nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

[2] Về yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn:

[2.1] Ông D1 trình bày: Từ ngày 26/8/2020, ông D1 có làm việc tại Công ty T1 nhưng không được Công ty ký hợp đồng lao động. Từ ngày 01/10/2020, Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông trái pháp luật. Sau khi bị cho nghỉ việc, ông D1 đã nhiều lần yêu cầu người đại diện theo pháp luật của Công ty cung cấp hợp đồng lao động giữa ông và Công ty nhưng không nhận được phản hồi từ Công ty. Phía bị đơn khẳng định giữa Công ty T1 và ông D1 không có quan hệ lao động, Công ty không chi trả tiền trả lương cho ông D1 từ tài khoản của Công ty. Việc trả lương và nhắn tin buộc thôi việc là tin nhắn cá nhân giữa bà T1 và ông D1, không liên quan đến Công ty.

[2.2] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn cùng xác định từ ngày 25/8/2020 đến ngày 30/9/2020, hai bên không ký kết hợp đồng lao động; ông D1 làm việc tại Công ty nhưng chưa từng gặp và không biết được người đại diện theo pháp luật của Công ty là ai. Khi ông đến phỏng vấn tại Công ty, ông D1 gặp trực tiếp bà T1. Bà T2 xưng với ông là quản lý của Công ty nên căn cứ vào Luật Doanh nghiệp thì bà T2 là giám đốc của Công ty. Tất cả các thỏa thuận về công việc, tiền lương, thời gian làm việc là thỏa thuận bằng lời nói giữa ông D1 và bà T2, không có văn bản. Trong quá trình làm việc, ông D1 được chính bà T2 giao hàng để đi giao hàng và bà T2 tự chuyển trả tiền lương cho ông D1 từ tài khoản cá nhân của bà. Người đại diện theo pháp luật của Công ty xác nhận: Trong khoản thời gian bà T2 làm việc tại Công ty, để tạo điều kiện cho bà T2 có thêm thu nhập, ngoài công việc Kế toán, Công ty có cho bà T2 đi giao hàng, khi bà T2 bận việc hoặc vì lý do sức khỏe, bà T2 có quyền thuê người khác đi giao hàng thay. Hàng tháng, Công ty có chi trả tiền giao hàng trực tiếp cho bà T2, việc bà T2 thuê người khác giao hàng thì bà tự thanh toán, không liên quan đến Công ty. Trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020, là những tháng cuối của thai kỳ nên bà T2 được người đại diện theo pháp luật cho ở lại Công ty để đảm bảo sức khỏe nên việc bà T2 thuê và cho phép ông D1 vào Công ty nhận hàng thì Công ty không biết. Đến khi ông D1 nộp đơn khởi kiện thì Công ty mới biết.

[2.3] Tại bản tự khai ngày 01/12/2020, bà T1 trình bày: Bà T2 là Kế toán của Công ty T1, để có thêm thu nhập thì bà có xin giám đốc Công ty cho đi giao hàng. Cuối tháng 8/2020, do trong thời gian bầu sắp sinh, bác sĩ khuyên không đi lại nhiều nên bà được Công ty cho ở lại Công ty, bà tự thuê ông D1 chở hàng và trực tiếp trả tiền cho ông D1 8.500.000 đồng/tháng. Do ông D1 không phù hợp với công việc nên ngày 30/9/2020 bà có cho ông D1 nghỉ việc, không liên quan đến Công ty.

[2.4] Trong quá trình giải quyết vụ án, ông D1 xác định không khởi kiện bà T1, không yêu cầu bà T2 có nghĩa vụ gì với ông D1.

[2.5] Hội đồng xét xử xét thấy: Nguyên đơn ông D1 không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào thể hiện giữa nguyên đơn và bị đơn có quan hệ lao động ngoại trừ bảng sao kê tài khoản của nguyên đơn thể hiện được nhận lương, bản phô-tô thông tin các chành xe nguyên đơn giao hàng và bản phô-tô đoạn tin nhắn giữa nguyên đơn với bà T2 thể hiện ông D1 bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Qua đối chiếu hai bản sao kê tài khoản của nguyên đơn và bà T1 cũng thể hiện người trả lương cho ông D1 là bà T1, không phải tài khoản của Công ty. Ông D1 cho rằng bà T2 là giám đốc của Công ty nên có quyền tuyển dụng lao động cho Công ty và Công ty T1 phải cung cấp các chứng cứ do ông D1 yêu cầu là không có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định giữa nguyên đơn và bị đơn không có quan hệ lao động, xác định bị đơn không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với nguyên đơn, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phù hợp với quy định tại Điều 7 Bộ luật Lao động năm 2012, khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

[3] Ngày 26/5/2022, Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 01/QĐ-VKS-LĐ rút toàn bộ Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ-VKS-LĐ ngày 08/3/2022. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 10/2020/LĐ-ST ngày 24/02/2022 của Tòa án nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ khoản 3 Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, có cơ sở Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

[4] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn ông D1, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 10/2020/LĐ-ST ngày 24/02/2022 của Tòa án nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5] Án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm:

[5.1] Ông D1 được miễn án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm theo quy định tại a khoản 1 Điều 12, Điều 16 và Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[5.2] Công ty T1 không phải chịu án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 148, khoản 3 Điều 284, Điều 293, khoản 3 Điều 296, khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng:

Điều 7 và Điều 201 của Bộ luật lao động năm 2012;

Điểm a khoản 1 Điều 12, Điều 16 và Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn ông D1; Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh; Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 10/2022/LĐ- ST ngày 24/02/2022 của Tòa án nhân dân quận Q3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông D1 về việc buộc Công ty T1 nhận trở lại làm việc; trả tiền lương những ngày không được làm việc kể từ ngày 01/10/2020 đến khi nhận ông D1 trở lại làm việc và bồi thường 02 tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

2. Án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn ông D1 được miễn án phí lao động sơ thẩm. Bị đơn Công ty T1 không phải chịu án phí lao động sơ thẩm.

3. Án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn ông D1 được miễn án phí lao động phúc thẩm. Bị đơn Công ty T1 không phải chịu án phí lao động phúc thẩm.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

377
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 284/2022/LĐ-PT

Số hiệu:284/2022/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 31/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về