TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 280/2022/LĐ-PT NGÀY 30/05/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Trong các ngày 20, ngày 25 và ngày 30 tháng 5 năm 2022, tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã mở phiên tòa xét xử công khai đối với vụ án lao động phúc thẩm thụ lý số 08/2022/TLPT-LĐ ngày 14 tháng 3 năm 2022 về việc: “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.
Do bản án lao động sơ thẩm số 03/2022/LĐ-ST ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo và kháng nghị.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1630/2022/QĐ-PT ngày 26 tháng 4 năm 2022 các Quyết định của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Nguyễn Thanh B, sinh năm 1975;
Địa chỉ: Số 276A đường số 11, Khu phố 5, phường P, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Anh T, sinh năm 1985; (Theo Hợp đồng ủy quyền số 007977 ngày 11/9/2020 tại Văn phòng Công chứng N);
Địa chỉ: Số 116 đường T, Phường B, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị đơn: Công ty TNHH E (Tên hiện nay: Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh bất động sản Thương mại T) Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Bá D, chức vụ: Chủ tịch Trụ sở: Số 366 đường P, Phường 5, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Phạm Đình Qvà bà Huỳnh Kim D (Giấy ủy quyền ngày 15/4/2022) Địa chỉ: Số 10 đường M, phường T, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 09/11/2020, các bản tự khai và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:
Ngày 14 tháng 11 năm 2015, nguyên đơn đã vào làm việc và ký kết Hợp đồng lao động số 0011/2015/HĐLĐ-GV tại Công ty TNHH E(sau đây gọi tắt là Công ty), với vị trí Trưởng quầy hàng hải sản. Sau một thời gian làm việc theo các Hợp đồng lao động có thời hạn, ngày 16 tháng 11 năm 2018, nguyên đơn ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 0044/2018/HDLDKXD với Công ty.
Trong quá trình làm việc nguyên đơn luôn cố gắng làm việc và tuân thủ theo nội quy, quy định và chấp hành sự sắp xếp phân công nhiệm vụ của Ban lãnh đạo Công ty. Tuy nhiên, ngày 20 tháng 8 năm 2020, sau khi nguyên đơn tham gia cuộc họp của Ban chấp hành Công đoàn Công ty với Ban lãnh đạo Công ty thì vào chiều cùng ngày lúc 13 giờ 30 phút, khi vào ăn cơm như mọi ngày thì an ninh của Công ty không cho với lý do lệnh của cấp trên. Bức xúc khi chưa nhận được thông tin cho nghỉ việc, địa chỉ thư điện tử nội bộ thì bị khóa, gọi cho các anh chị em đồng nghiệp thì họ không trả lời do theo thông báo nội bộ thì nguyên đơn không còn là người của Công ty. Việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn là Chủ tịch công đoàn cơ sở, được bầu trong Đại hội là do sự tín nhiệm của người lao động.
Nay, nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:
1. Hủy bỏ Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 0207/2020/QĐNV ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Công ty, với lý do trái pháp luật.
2. Thanh toán đầy đủ tiền lương từ ngày 08 tháng 10 năm 2020 cho Ông B đến ngày Công ty đạt được thỏa thuận với nguyên đơn hoặc theo phán quyết của Tòa án nhân dân có thẩm quyền (theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động).
3. Thanh toán bồi thường tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho Ông B và 02 tháng lương là: 21.936.752 đ/tháng x 02 tháng = 43.873.504 đồng (theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động 2012).
4. Thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho nguyên đơn trong thời gian 05 năm làm việc (từ tháng 11/2015 đến nay), mỗi năm làm việc được cấp nửa tháng tiền lương với số tiền là 21.936.752 đ/tháng x 2.5 tháng là 54.841.880 đồng (theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động 2012).
5. Thanh toán tiền bồi thường danh dự do đơn phương trái pháp luật là 45 tháng tiền lương thỏa thuận. Mức lương và phụ cấp thỏa thuận là: 21.936.752 đồng mỗi tháng.
6. Xin lỗi nguyên đơn trên phương tiện truyền thông, công chúng.
7. Thông báo trên hệ thống nội bộ Công ty về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và thông báo này được gửi cho riêng cho nguyên đơn.
Tại các bản tự khai và phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty TNHH E(Tên hiện nay: Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh bất động sản Thương mại T) trình bày:
Công ty không đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, với lý do:
1. Đối với yêu cầu hủy bỏ Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 0207/2020/QĐNV ngày 06/10/2020 của Công ty đối với nguyên đơn. Ngày 16/11/2018, Công ty ký Hợp đồng không xác định thời hạn và sắp xếp làm Trưởng ngành hàng thực phẩm tươi sống thuộc Cửa hàng siêu thị số 2. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid và tình hình hoạt động không hiệu quả của Bộ phận thực phẩm tươi sống (hoạt động mở rộng siêu thị số 2 bị trì hoãn và Công ty chưa thể triển khai được các hoạt động kinh doanh thực tế), do đó Tổng Giám đốc Công ty đã ban hành quyết định về việc chấm dứt hoạt động của Bộ phận thực phẩm tươi sống, Cửa hàng số 2 vào ngày 01/07/2020). Tổng Giám đốc giao cho Giám đốc hành chính nhân sự chịu trách nhiệm sắp xếp, bố trí nhân sự thuộc bộ phận này. Đến thời điểm chấm dứt hoạt động Bộ phận thực phẩm tươi sống thuộc cửa hàng siêu thị số 2, bộ phận này có 01 nhân viên là nguyên đơn, được bổ nhiệm làm Trưởng ngành hàng thực phẩm tươi sống. Trước khi chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn, Công ty đã thực hiện:
+ Tổ chức cuộc họp bố trí sắp xếp công việc mới cho nguyên đơn: tại Biên bản thoả thuận số 01/BB-CĐCS ngày 17/07/2020 và Quyết định số 01- 07/QĐĐCE-2020 ngày 03/08/2020. Kết quả tổ chức cuộc họp Ông B không chấp nhận việc bố trí sắp xếp công việc mới của Công ty (chi tiết tại các Biên bản họp ngày 24/07/2020 và ngày 06/08/2020), do đó Công ty thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ theo đúng quy định pháp luật hiện hành cho nguyên đơn.
+ Công ty đã gửi thông báo đến Liên đoàn lao động Quận G về việc chấm dứt hợp đồng lao động (chi tiết tại thông báo số 02/2020/CV E kèm ký nhận của Liên đoàn lao động Quận G);
+ Công ty đã thông báo cho Sở lao động Thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh về việc chấm dứt hợp đồng lao động (chi tiết tại thông báo số 003/2020/E ngày 24/7/2020 kèm xác nhận đến ngày 28/07/2020).
+ Công ty đã tổ chức cuộc họp thoả thuận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở công ty trước khi chấm dứt Hợp đồng lao động vì người lao động là Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn công ty (chi tiết tại Biên bản họp ngày 20/08/2020 và Biên bản thoả thuận ngày 20/08/2020); Ngày 20/08/2020, Công ty đã gửi thông báo không tiếp tục Hợp đồng lao động và ngày 07/10/2020 là ngày làm việc cuối cùng của nguyên đơn.
Như vậy, Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 0207/2020/QĐNV ngày 06/10/2020 chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 08/10/2020 của Công ty đối với nguyên đơn được thực hiện theo đúng quy định pháp luật đối với trường hợp thay đổi cơ cấu mà người lao động không chấp nhận công việc mới theo quy định tại Bộ luật lao động 2012.
2. Đối với yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương từ ngày 08/10/2020 đến ngày Công ty đạt được thoả thuận hoặc phán quyết của Toà án nhân dân có thẩm quyền. Do Công ty không đơn phương tái pháp luật nên không đồng ý yêu cầu này; đồng thời, đã thực hiện thanh toán đầy đủ các chế độ cho nguyên đơn và không còn phát sinh bất kỳ khoản nợ tiền lương nào đến thời điểm này.
3. Đối với yêu cầu thanh toán bồi thường tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và 02 tháng lương là: 21.936.752 đ/tháng x 02 tháng = 43.873.504đồng. Khi chấm dứt Hợp đồng, Công ty đã thanh toán toàn bộ các khoản tiền lương và chế độ cho người lao động. Các khoản đã thanh toán được chi tiết tại Quyết định số 0207/2020/QĐNV về chấm dứt Hợp đồng lao động (đính kèm Quyết định số 0207/2020/QĐNV, Chi tiết thu nhập tháng 10/2020 và Phiếu hoạch toán ngân hàng ngày 27/10/2020). Công ty không chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Do đó, yêu cầu đòi bồi thường tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nêu trên là không có cơ sở.
4. Đối với yêu cầu thanh toán tiền trợ cấp thôi việc trong thời gian 05 năm làm việc tại Công ty từ tháng 11/2015 cho đến nay, mỗi năm làm việc được cấp nửa tháng tiền lương với số tiền là 21.936.752 x 2.5 tháng = 54.841.880 đồng. Theo quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động thì trong trường hợp Công ty tái cơ cấu, Công ty chỉ có nghĩa vụ chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động. Do đó, yêu cầu Công ty phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc là không có cơ sở. Với lý do tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/2015/NĐ CP chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động 2012 đã hướng dẫn rõ cách tính thời gian làm việc để được tính trợ cấp mất việc, đáng lẽ ra Công ty không phải thanh toán khoản tiền trợ cấp mất việc, bởi vì từ ngày 14/11/2015 Công ty đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trên tinh thần hỗ trợ người lao động Công ty cũng đã thanh toán trợ cấp mất việc làm tương đương 05 tháng lương (bảng Chi tiết thu nhập tháng 10/2020 và Phiếu hoạch toán ngân hàng ngày 27/10/2020).
5. Đối với yêu cầu thanh toán tiền bồi thường danh dự là 45 tháng tiền lương thoả thuận với tổng số tiền là 987.153.840 triệu đồng. Công ty thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng quy định pháp luật hiện hành và không gây bất kỳ thiệt hại nào về danh dự và đã thanh toán đầy đủ các khoản thanh toán, các chế độ theo quy định.
6. Đối với yêu cầu xin lỗi trên phương tiện truyền thông, công chúng. Yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ, Công ty không đồng ý.
7. Đối với yêu cầu thông báo trên hệ thống nội bộ của Công ty về việc sa thải sai quy định pháp luật và thông báo này được gửi riêng cho nguyên đơn Công ty không đồng ý vì yêu cầu này không có căn cứ.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 03/2022/LĐ-ST ngày 25 tháng 01 năm 2022, Tòa án nhân dân Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn: Hủy Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 0207/2020/QĐNV ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Công ty TNHH E Việt Nam; tên hiện nay là: Công ty TNHH đầu tư kinh doanh bất động sản T (sau đây gọi tắt là Công ty) đối với Ông Nguyễn Thanh B. Ghi nhận việc nguyên đơn không muốn tiếp tục làm việc tại Công ty và Công ty cũng không muốn nhận lại nguyên đơn để tiếp tục làm việc tại Công ty.
Buộc Công ty thanh toán cho nguyên đơn đầy đủ tiền lương từ ngày 08/10/2020 tới ngày 25/01/2022 với số tiền là 340,019,656. đồng, tiền bảo hiểm xã hội là 59.503.440 đồng, tiền bảo hiểm y tế là 10,200,590. đồng và trả 02 tháng lương là 43,873,504. đồng.
Tổng cộng các khoản tiền bồi thường nêu trên là 453,597,190. đồng (bốn trăm năm mươi ba triệu năm trăm chín mươi bảy ngàn một trăm chín mươi đồng).
Công ty phải trả cho nguyên đơn khoản tiền trên ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Kể từ khi nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty chưa trả số tiền nêu trên thì hàng tháng Công ty còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Về án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn không phải chịu án phí. Công ty phải chịu án phí là 13,071,944 đồng (mười ba triệu không trăm bảy mươi mốt ngàn chín trăm bốn mươi bốn đồng).
Ngày 27/01/2022 , Công ty TNHH E(Tên hiện nay: Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh bất động sản Thương mại T) có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 25/02/2022, tại Quyết định số 04/QĐKNPT-VKS-LĐ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận G kháng nghị một phần bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa ph c thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người kháng cáo không đồng ý đối với bản án sơ thẩm các vấn đề như sau:
1. Bản án sơ thẩm tuyên sai với bản chất, tình tiết của vụ án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, cụ thể như sau:
- Công ty gặp khó khăn trong việc việc mở rộng hoạt động kinh doanh đồng thời với việc phải tuyển dụng và đào tạo nhiều lao động. Tuy nhiên thục tiễn khách quan cho đến nay chỉ mở được 1(một) cửa hàng vì lý do dịch bệnh và không xin được giấy phép. Thực tiễn thì tập đoàn E Hàn Quốc đã bán và ngừng hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ tại thị trường Việt Nam.
- Việc Công ty cho nguyên đơn nghỉ việc căn cứ vào lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, nhưng bản án sơ thẩm lại cho rằng Công ty đơn phương trái pháp luật là sai bản chất của sự việc. Vì thực tiễn thì Công ty đã phải cẩn trọng xem xét cho thôi việc các nhân viên trong bối cảnh phải dừng cửa hàng Số 2 từ tháng 4/2019 và ¾ người lao động đã đồng ý nghỉ việc, ngoại trừ nguyên đơn không đồng ý mặc dù Công ty đã cố gắng thương lượng và hỗ trợ tối đa để đảm bảo thời gian và chi phí trong thời gian nguyên đơn đi tìm công việc mới.
- Công ty đã xây dựng phương án sử dụng lao động và thống nhất với ban chấp hành công đoàn theo quy định và thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động.
Công ty đã chi trả đầy đủ các chế độ theo quy định pháp luật, đồng thời chi trả thêm 5 tháng tiền lương (gồm 02 tháng lương trợ cấp mất việc theo điều 44 BLLDd và các khoản hỗ trợ của Công ty.
2. Bản án sơ thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan trong vụ án và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
- Tuyên vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu, trong khi nguyên đơn chỉ yêu cầu bồi thường 02 tháng tiền BHXH, BHYT, và tiền lương. Nhưng bản án sơ thầm tuyên đến tháng ngày xét xử sơ thẩm.
- Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị đơn phải trả trợ cấp thôi việc cho nguyên đơn tương đương 2,5 tháng tiền lương là không phù hợp với quy định vì bị đơn đã đóng trợ cấp thất nghiệp và không xem xét đến 05 tháng tiền lương bị đơn đã chi trả hỗ trợ khi chấm dứt HDLD là không khách quan.
- Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên buộc bị đơn phải trực tiếp trả trực tiếp trả tiền BHXH, BHYT cho bị đơn là không đúng với quy định pháp luật.
3. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận G cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn không muốn tiếp tục quay lại làm việc, nhưng không ghi nhận khoản tiền bồi thường 02 tháng tiền lương là vi phạm nguyên tắc về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.
Từ những căn cứ nêu trên, đề nghị Tòa án cáp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn sửa toàn bộ bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Tại Quyết định số 19/QĐ-VKS-LĐ ngày 20/5/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Quận G đã rút toàn bộ Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04//QĐKNPT-VKS-LĐ ngày 25/02/2022 đối với Bản án lao động sơ thẩm số 03/2022/LĐ-ST ngày 25/02/2022 của Tòa án nhân dân Quận G, với lý do kháng nghị đã quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn ph c thẩm:
Về hình thức: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Về nội dung: Đề nghị sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng phải tính lại khoản tiền bị đơn đã thanh toán tương đương với 5 tháng tiền lương vào các khoản phải bồi thường theo quy định. Tiền BHXH, BHYT phải được đóng cho cơ quan BHXH có thẩm quyền. Bồi thường thêm 2 tháng tiền lương do Công ty không đồng ý nhận người lao động lại làm việc. Án phí lao động sơ thẩm phải tính lại cho phù hợp.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị đơn trong hạn luật định phù hợp với quy định tại Điều 271; Điều 272; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, được chấp nhận về hình thức.
[2] Về kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận G: Tại Quyết định số 19/QĐ-VKS-LĐ ngày 20/5/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Quận G đã rút toàn bộ Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 04//QĐKNPT- VKS-LĐ ngày 25/02/2022 đối với Bản án lao động sơ thẩm số 03/2022/LĐ-ST ngày 25/02/2022 của Tòa án nhân dân Quận G, phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 cần được chấp nhận.
[3] Về nội dung: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy bỏ Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 0207/2020/QĐNV ngày 06 tháng 10 năm 2020. Đồng thời, phải thanh toán đầy đủ tiền lương từ ngày 08 tháng 10 năm 2020 đến ngày Công ty đạt được thỏa thuận với nguyên đơn hoặc theo phán quyết của Tòa án nhân dân có thẩm quyền (theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động 2012). Thanh toán bồi thường tiền lương, BHXH, BHYT và 02 tháng lương là: 21.936.752 đồng/tháng x 02 tháng = 43.873.504 đồng (theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động 2012). Thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho nguyên đơn trong thời gian 05 năm làm việc tại Công ty (từ tháng 11/2015 đến nay), mỗi năm làm việc được cấp nửa tháng tiền lương với số tiền là 21.936.752 đồng/ tháng x 2.5 tháng = 54.841.880 đồng (theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động 2012). Thanh toán tiền bồi thường danh dự là 45 tháng tiền lương thỏa thuận với mức lương và phụ cấp là: 21.936.752 đồng mỗi tháng. Xin lỗi trên phương tiện truyền thông. Thông báo trên hệ thống nội bộ Công ty về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật và thông báo này được gửi riêng cho nguyên đơn. Công ty không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu đúng quy định pháp luật, đồng thời đã chi trả đầy đủ các khoản trợ cấp. Căn cứ Quyết định số 151/QĐ-TV ngày 19/9/2017 của Liên đoàn lao động Quận G, V/v công nhận kết quả bầu cử ban chấp hành, Ủy ban kiểm tra Công đoàn cơ sở (gọi tắt CĐCS) Công ty TNHH E Việt Nam, lần thứ I nhiệm kỳ 2017 – 2022. Công nhận ban chấp hành công đoàn, Ủy ban kiểm tra Công đoàn cơ sở Công ty E gồm các ông bà có tên sau: 1. Ông Nguyễn Thanh B – Chủ tịch CĐCS và 6 thành viên khác, tổng cộng là 7 người, bao gồm 2 người là Ủy viên UBKT CĐCS. Cần xác định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ nguyên đơn là Chủ tịch CĐCS và việc chấm dứt HĐLĐ với nguyên đơn phải thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều lệ Công đoàn năm 2013. Do đó, vấn đề HĐXX cần đặt ra là Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với nguyên đơn là chủ tịch CĐCS với lý do thay đổi cơ cấu có đúng quy định pháp luật lao động hay không làm căn cứ xem xét giải quyết yêu cầu kháng cáo của Công ty.
[4] Xem xét trình tự thủ tục cho thôi việc, căn cứ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và lời trình bày của đương sự, thể hiện như sau:
[4.1] Ngày 08/3/2019 Công ty ban hành QĐ số 01/2019/QĐ-TL về việc thành lập Bộ phận thực phẩm tươi sống, Cửa hàng số 2. Tại Biên bản thỏa thuận về việc thuyên chuyển nhân viên cùng ngày có nội dung Người sử dụng lao động thông báo và thỏa thuận thuyên chuyển Ông Nguyễn Thanh B trưởng ngành thực phẩm tươi sống – thuộc cửa hàng Gò Vấp đến làm trưởng ngành thực phẩm tươi sống – thuộc Cửa hàng số 2. Biên bản thỏa thuận không có sự tham gia của nguyên đơn là Chủ tịch công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, tại Đề xuất thuyên chuyển nhân sự ngày 07/3/2019 có nội dung đã trao đổi và được sự đồng thuận của nhân viên được thuyên chuyển, đồng thời có chữ ký xác nhận của nguyên đơn. Cần được xem như nguyên đơn đồng ý.
[4.2] Ngày 30/6/2019 Tổng giám đốc Công ty có Thông báo số 15/TB-E- 2019, về việc kế hoạch cắt giảm nhân sự Cửa hàng số 2 với lý do hiện tại công trình Trung tâm thương mại dịch vụ siêu thị bị đình chỉ hoạt động vô thời hạn, hiện tại công trình chưa được tiếp tục triển khai xây dựng. Giám đốc và trưởng phòng lên kế hoạch sắp xếp lại nhân sự Cửa hàng số 2 cho đến khi có thông báo khác về tình trạng pháp lý của Siêu thị số 2. Đủ cơ sở xác định sau khi thành lập thì đến thời điểm này (sau 4 tháng) Công ty đã không thể tiếp tục mở Cửa hàng số 2 như dự kiến và quyết định thay đổi cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại nhân sự tại Cửa hàng số 2.
[4.3] Do đó, ngày 01/7/2019, tại Biên bản thỏa thuận về việc thuyên chuyển nhân viên có nội dung người sử dụng lao động thỏa thuận với Ban chấp hành công đoàn thuyên chuyển nguyên đơn Trưởng ngành thực phẩm tươi sống – thuộc Cửa hàng số 2 đến làm Trưởng ngành thực phẩm tươi sống – thuộc Cửa hàng số 1. Mặc dù không có sự tham gia của nguyên đơn là Chủ tịch CĐCS, nhưng tại Quyết định số 01/QĐĐCE-2019 ngày 03/7/2019 về việc thuyên chuyển nhân viên nguyên đơn đã ký nhận bản chính và đã chấp hành theo quyết định. Do đó cần xác định nguyên đơn đồng ý thuyên chuyển và chính thức về làm việc tại Cửa hàng số 1 với chức danh trưởng ngành hàng tươi sống do không thể mở Cửa hàng số 2 như Thông báo nêu trên.
[4.4] Tuy nhiên, đến ngày 11/6/2020 sau gần 1 (một ) năm kể từ ngày sắp xếp lại nhân sự nêu trên. Thì tại Biên bản thỏa thuận về việc thuyên chuyển nhân viên cùng ngày có nội dung người sử dụng lao động thỏa thuận với Ban chấp hành công đoàn thuyên chuyển nguyên đơn trưởng ngành thực phẩm tươi sống – thuộc cửa hàng Gò Vấp đến làm trưởng ngành thực phẩm tươi sống – thuộc Cửa hàng số 2, nhưng không có sự tham gia của nguyên đơn đồng thời là chủ tịch công đoàn cơ sở, Công ty cũng không nêu được lý do không có mặt của chủ tịch công đoàn. Không phù hợp với thực tiễn khách quan, là có mâu thuẫn trong việc thay đổi cơ cấu tổ chức và sắp xếp nhân sự đã được thực hiện xong trước đó một năm, như nhận định tại Mục [4.2], [4.3].
[4.5] Căn cứ Quyết định số 01-06/QĐĐCE-2020 ngày 30/6/2020, Công ty ban hành có nội dung thuyên chuyển nguyên đơn hiện đang hỗ trợ cho trưởng ngành hàng thực phẩm tươi sống Cửa hàng Gò Vấp trở lại làm trưởng ngành thực phẩm tươi sống – thuộc Cửa hàng số 2; căn cứ Quyết định số 01/QĐ-GT ngày 01/7/2020 Công ty ban hành về việc chấm dứt hoạt động của bộ phận thực phẩm tươi sống, Cửa hàng Số 2. Lý do hoạt động không hiệu quả kéo dài và do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Đủ cơ sở xác định việc thuyên chuyển nguyên đơn về lại Cửa hàng số 2 là nhằm chấm dứt HĐLĐ, là mâu thuẫn như nhận định tại Mục [4.4] nêu trên.
[4.6] Ngày 06/7/2020, Công ty có công văn Số 01/2020/CV/CDCS E gửi Liên đoàn lao động Quận G thông báo thông tin liên quan đến vị trí làm việc của nguyên đơn đang là chủ tịch công đoàn. Cũng không phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 192 Bộ luật lao động 2013 là phải sau 30 ngày kể từ ngày 11/6/2020 không thỏa thuận được với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp này cần phải xác định Biên bản thỏa thuận với Ban chấp hành công đoàn là không thành vì chủ tịch công đoàn vắng mặt và cũng không đồng ý vì sau đó có tranh chấp.
[4.7] Ngày 17/7/2020 tại Biên bản thỏa thuận về việc thuyên chuyển nhân viên có nội dung người sử dụng lao động thỏa thuận với ban chấp hành công đoàn thuyên chuyển nguyên đơn trưởng ngành thực phẩm tươi sống – thuộc Cửa hàng số 2 chuyển sang công việc mới: Điều phối an ninh – khu vực giao hàng bên ngoài, nhưng không có sự tham gia của nguyên đơn là Chủ tịch công đoàn cơ sở, thành viên của Ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ có 3/5 người có mặt.
[4.8] Đến ngày 24/7/2020, tại cuộc họp về việc điều chuyển và sắp xếp nhân sự. Có nội dung Công ty đề nghị vị trí mới do công ty sắp xếp với mức lương 10.000.000 đồng/tháng cho đến khi hết nhiệm kỳ chủ tịch công đoàn. Nhưng không được nguyên đơn đồng ý.
[4.9] Ngày 29/7/2020 tại Biên bản thỏa thuận về việc chấm dứt HĐLĐ có nội dung người sử dụng lao động thỏa thuận với ban chấp hành công đoàn chấm dứt HĐLĐ với lý do nguyên đơn không đồng ý làm công việc mới, nhưng không có sự tham gia của nguyên đơn là Chủ tịch CĐCS, thành viên của Ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ có 3/5 người có mặt là không đảm bảo đúng theo quy định tại khoản 7 Điều 192 Bộ luật lao động 2012; khoản 1 Điều 10 Điều lệ Công đoàn Việt Nam thông qua ngày 24/9/2018.
[4.10] Tuy nhiên, ngày 03/8/2020, Công ty ban hành Quyết định số 01- 07/QĐĐCE-2020 V/v sắp xếp cho nguyên đơn sang làm công việc mới điều phối an ninh – khu vực giao hàng bên ngoài vì lý do thay đổi cơ cấu, tái cấu trúc bộ phận.
[4.11] Ngày 06/8/2020, tại cuộc họp với trưởng phòng nhân sự nhắc lại nội dung tại cuộc họp ngày 24/7/2020, điều chuyển nguyên đơn sang vị trí mới từ ngày 07/8/2020, nhưng không được nguyên đơn đồng ý và yêu cầu cung cấp văn bản tái cấu trúc Cửa hàng số 2 với đầy đủ thông tin được đăng ký hợp pháp.
[4.12] Ngày 20/8/2020, tại Biên bản thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, thể hiện nội dung giám đốc hành chính nhân sự (được ủy quyền), tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn với lý do chưa thể mở cửa hàng số 2 được mặc dù đã trao đổi với nguyên đơn nhiều lần về vị trí mới nhưng nguyên đơn không đồng ý.
[5] Từ những căn cứ nêu trên cần xác định Công ty đơn phương trái pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hủy Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 0207/2020/QĐNV ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Công ty, với lý do trái pháp luật là có cơ sở, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về phần này như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
[6] Do xác định Công ty cho nguyên đơn là chủ tịch công đoàn nghỉ việc trái pháp luật như nhận định nêu trên, cần buộc Công ty phải bồi thường theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động, cụ thể như sau:
[6.1] Các vấn đề hai bên đương sự thống nhất được: Tiền lương làm căn cứ giải quyết tranh chấp hai bên xác nhận là 21.936.752 đồng/tháng. Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn thống nhất chấm dứt hợp đồng lao động và không quay lại làm việc và bị đơn cũng đồng ý không nhận nguyên đơn lại làm việc. Xét thấy việc đồng ý chấm dứt HĐLĐ của nguyên đơn là tự nguyện và không kháng cáo do đó cần ghi nhận nguyên đơn đồng ý chấm dứt HĐLĐ kể từ ngày 25/01/2022.
[6.2] Xét kháng cáo của bị đơn cho rằng nguyên đơn khởi kiện chỉ yêu cầu 2 tháng tiền lương, nhưng đến phiên toà thì yêu cầu cho đến ngày xét xử sơ thẩm là vượt quá yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, việc nguyên đơn yêu cầu là tại thời điểm khởi kiện tính từ ngày cho thôi việc là 2 tháng. Do HĐLĐ của nguyên đơn là không xác định thời hạn nên đến ngày xét xử nguyên đơn đồng ý chấm dứt Hợp đồng vẫn được xem xét. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty phải bồi thường cho nguyên đơn tiền lương từ ngày 08/10/2020 đến ngày 25/01/2022 (ngày xét xử sơ thẩm) 15,5 tháng là có cơ sở để chấp nhận, giữ nguyên quyết định sơ thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn về phần này.
[6.3]Về tiền đóng BHXH, BHYT Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty phải trả trực tiếp cho nguyên đơn là không đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, cần sửa lại phần này, buộc Công ty phải có nghĩa vụ tiếp tục đóng BHXH, BHYT tại cơ quan bảo hiểm có thẩm quyền với tỷ lệ theo quy định của Người sử dụng lao động cho nguyên đơn từ ngày 08/10/2020 đến ngày 25/01/2022 trên mức tiền lương 21.936.752 đồng/tháng. Đồng thời nguyên đơn cũng phải có nghĩa vụ đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT theo tỷ lệ thuộc nghĩa vụ theo quy định của pháp luật BHXH. Sửa bản án sơ thẩm về phần này.
[6.4] Đồng thời buộc Công ty phải bồi thường 02 tháng tiền lương theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động là 21.936.752 đồng/tháng, do không đồng ý nhận người lao động trở lại làm việc. Tổng số tiền phải bồi thường do không nhận người lao động trở lại làm việc là 21.936.752 đồng x 2 (tháng) = 43.873.504 đồng.
[6.5] Xét kháng cáo của bị đơn về số tiền trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Bộ luật lao động. HĐXXPT xét thấy theo quy định thì tiền trợ cấp thôi việc người sử dụng lao động không phải trả nếu trong quá trình lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nguyên đơn đã được Công ty đóng BHTN từ năm 2015 đến nay và đã nhận tiền BHTN sau khi nghỉ việc không thuộc trường hợp được nhận tiền trợ cấp thôi việc, cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn sửa bản án sơ thẩm như sau: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc công ty phải bồi thường tiền trợ cấp thôi việc.
[6.6] Ngoài ra Công ty còn phải bồi thường 45 ngày tương đương 1,5 tháng tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38; khoản 2 Điều 43 Bộ Luật lao động 2012. Tuy nhiên, đã được Công ty giải quyết khi chấm dứt hợp đồng lao động, nên không xem xét.
[6.7] Từ những căn cứ nêu trên cần buộc Công ty phải bồi thường cho nguyên đơn do đơn phương chấm dứt hợ đồng trái pháp luật bao gồm: 15,5 tháng (theo Mục [6.2]) + 02 tháng (theo Mục [6.4) = 17,5 tháng.
[7] Xét kháng cáo của nguyên đơn nêu đã trả cho bị đơn 5 (năm) tháng tiền lương là tiền trợ cấp mất việc và các khoản bồi thường khác là đã giải quyết đúng và đầy đủ các khoản bồi thường theo quy định pháp luật. Nhưng như nhận định ở các phần nêu trên xác định Công ty đơn phương trái pháp luật do đó cũng cần xem xét đến khoản tiền Công ty đã thanh toán cho nguyên đơn khi chấp dứt HĐLĐ, nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét là có thiếu sót ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty, cần chấp nhận kháng cáo của Công ty là phải xem xét trừ đi số tiền 5 tháng tiền lương nguyên đơn đã nhận. Công ty còn phải tiếp tục bồi thường cho nguyên đơn 17,5 tháng - 5 tháng (tiền lương đã nhận)= 12,5 tháng. Tổng số tiền bồi thường là 21,936,752 đồng x 12,5 tháng = 274,209,400 đồng.
[8] Về án phí phúc thẩm: do sửa án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty nên không phải chịu án phí phúc thẩm. Án phí dân sự sơ thẩm được tính lại tương ứng với số tiền công ty phải chịu. Cụ thể:
274,209,400đồng x 3% = 8,226,282 đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ vào Điều 42, Điều 48, Điều 192 Bộ luật Lao động 2012; Căn cứ khoản 1 Điều 10 Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
[1] Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn: Hủy Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 0207/2020/QĐNV ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Công ty TNHH E Việt Nam; tên hiện nay là: Công ty TNHH đầu tư kinh doanh bất động sản thương mại T, đối với Ông Nguyễn Thanh B. Ghi nhận việc Ông Nguyễn Thanh B không muốn tiếp tục làm việc tại Công ty từ ngày 25/01/2022 và Công ty không đồng ý nhận nguyên đơn trở lại làm việc.
[2] Buộc Công ty TNHH đầu tư kinh doanh bất động sản thương mại T bồi thường cho Ông Nguyễn Thanh B 12.5 tháng tiền lương,tương ứng với số tiền là 274,209,400 đồng (hai trăm bảy mươi bốn triệu, hai trăm lẻ chín ngàn, bốn trăm đồng).
Thi hành tại Chi cục thi hành án dân sự Quận G hoặc tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Công ty phải trả cho Ông Nguyễn Thanh B khoản tiền trên làm một lần sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Kể từ khi nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn chưa trả số tiền nêu trên thì hàng tháng bị đơn còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
[3] Buộc Công ty TNHH đầu tư kinh doanh bất động sản thương mại T phải tiếp tục đóng BHXH, BHYT tại cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền với tỷ lệ theo quy định của Người sử dụng lao động cho Ông Nguyễn Thanh B từ ngày 08/10/2020 đến ngày 25/01/2022 trên mức tiền lương 21.936.752 đồng/tháng. Đồng thời nguyên đơn cũng phải có nghĩa vụ đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT theo tỷ lệ thuộc nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
[4] Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn phải trả trợ cấp thôi việc do đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
[5] Án phí lao động phúc thẩm: Bị đơn được nhận lại số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0047643 ngày 28/01/2022 của Chi cục thi hành án dân sự Quận G. Bị đơn phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 8,226,282 đồng (tám triệu, hai trăm hai mươi sáu nghìn, hai trăm tám mươi hai đồng). Nộp tại Chi cục thi hành án dân sự Quận G.
[6] Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. Thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 280/2022/LĐ-PT
Số hiệu: | 280/2022/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 30/05/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về