TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 21/2017/LĐ-PT NGÀY 01/12/2017 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Trong các ngày 28 tháng 11 và ngày 01 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 16/2017/TLPT-LĐ ngày 16 tháng 10 năm 2017 về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Do Bản án lao động sơ thẩm số 24/2017/LĐ-ST ngày 28 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 16/2017/QĐ-PT ngày 03 tháng 11 năm 2017, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Hoàng Thị Phương L, sinh năm 1983; địa chỉ: X/Y, khu phố H, phường V, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Văn N, sinh năm 1992. Địa chỉ: Số N đường X, phường C, Quận V, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (theo giấy ủy quyền ngày 07 tháng 9 năm 2017). Có mặt
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Dương Nữ Cẩm T – Luật sư Công ty Luật TNHH Q, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ: Số F đường H, Phường M, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.
- Bị đơn: Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa quốc tế H; địa chỉ: Số K Đại lộ Bình Dương, khu phố Đ, phường V, thị xã T, tỉnh Bình Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Hồng C – chức danh: Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Phan Hoàng N, sinh năm 1981; địa chỉ: Số K Đại lộ Bình Dương, khu phố Đ, phường V, thị xã T, tỉnh Bình Dương là người đại diện theo ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 20 tháng 4 năm 2017). Có mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Hoàng Thị Phương L.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 05 tháng 4 năm 2017, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa nguyên đơn bà Hoàng Thị Phương L trình bày:
Ngày 25/11/2010 bà L vào làm thử việc tại Công ty Cổ phần Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quốc tế H nay là Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H (gọi tắt là Công ty), thời gian thử việc là 02 tháng. Đến ngày 24/01/2011, bà L ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với chức danh chuyên viên mua hàng, mức lương là 8.000.000 đồng. Ngày 20/9/2013 bà L tiếp tục ký phụ lục hợp đồng với Công ty, mức lương là 8.800.000 đồng.
Ngày 17/02/2016, Công ty thông báo cho bà L về việc sắp xếp cơ cấu nhân sự tại công ty. Công ty yêu cầu bà L tự viết đơn xin nghỉ việc nếu không công ty sẽ tự ra quyết định thôi việc với lý do thay đổi cơ cấu, cắt giảm nhân sự. Ngày 24/02/2016, bà L nhận được Thông báo số 01 HCNS/T2-2016 về việc phòng nhân sự yêu cầu bà L ký nhận thông báo về việc giảm biên chế nhân sự do thay đổi cơ cấu và sắp xếp lại nhân sự, theo đó bà L sẽ đi làm đến hết ngày 25/4/2016. Tuy nhiên, ngày 26/02/2016 bà L nhận được Thông báo số 02/HCNS/T2-2016 của Phòng hành chính nhân sự, bà L bị yêu cầu ở nhà và vẫn hưởng lương đến ngày 25/4/2016. Ngày 01/5/2016, Công ty ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà L. Như vậy, Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 21/2016/QĐTV ngày 01/5/2016 của Công ty là trái quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà L. Do đó, bà L khởi kiện yêu cầu Công ty phải thanh toán các khoản sau:
- Tiền lương những ngày không được làm việc từ ngày 01/5/2016 đến 22/8/2017 là 140.800.000 đồng.
- 02 tháng tiền lương bồi thường chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là 17.600.000 đồng.
- 02 tháng lương do bà L không muốn tiếp tục quay lại Công ty làm việc là 17.600.000 đồng.
- Tiền trợ cấp mất việc làm cho thời gian nghỉ thai sản là 17.600.000 đồng.
- Toàn bộ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nhiệp trong 16 tháng là 45.760.000 đồng.
đồng.
Tổng cộng bà L yêu cầu Công ty phải thanh toán số tiền 239.360.000 Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, bà L yêu cầu triệu tập Công đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Bình Dương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
* Tại văn bản trình bày ý kiến ngày 19 tháng 4 năm 2017, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Phan Hoàng N trình bày:
Thống nhất với ý kiến trình bày của nguyên đơn về thời gian làm việc, thời gian ký kết hợp đồng, mức lương, công việc.
Vào khoảng đầu năm 2016, Công ty nhận thấy tình hình kinh doanh chưa đạt hiệu quả, cần sắp xếp lại cơ cấu nhân sự trong khi đó nhu cầu sử dụng lao động của các phòng, ban đã đầy đủ nên Công ty tính đến phương án cắt giảm nhân sự. Ngày 15/01/2016, Công ty có Công văn số 04/01-2016/CV-HPH gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cắt giảm hai người lao động trong đó có bà Hoàng Thị Phương L. Tuy nhiên, sau đó có một người lao động tự làm đơn xin nghỉ việc nên ngày 24/02/2016 Công ty có Công văn số 05/02- 2016/CV-HPH gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và Công đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc sắp xếp lại cơ cấu nhân sự và số lao động phải cắt giảm 01 người là bà Hoàng Thị Phương L.
Ngày 22/02/2016, Công ty có Thông báo số 01 HCNS/T2-2016, thông báo đến bà L về việc Công ty sẽ chính thức cắt giảm nhân sự từ ngày 25/4/2016 cũng như quyền lợi của nhân viên khi bị mất việc làm, thủ tục và thời hạn thanh toán chế độ cho nhân viên bị giảm biên chế và công ty đã gửi thông báo này cho bà L vào ngày 24/02/2016; ngày 26/02/2016 Công ty có Thông báo số 02/HCNS/T2- 2016, thông báo đến bà L không cần phải vào công ty làm việc kể từ ngày 29/02/2016 cho đến ngày 25/4/2016 nhằm tạo điều kiện cho bà L tìm kiếm công việc mới. Tuy nhiên, thời gian bà L nghỉ ở nhà vẫn được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có) theo như hợp đồng lao động mà công ty đã ký kết với bà L. Đến ngày 01/5/2016, Công ty ban hành Quyết định số 21/2016/QĐTV chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà L.
Công ty nhận thấy đã tiến hành thông báo với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đại diện Công đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Bình Dương về phương án, thủ tục và thời gian giảm biên chế trước 03 tháng tính đến thời điểm cắt giảm nhân sự ngày 25/4/2016. Ngoài ra, công ty đã chủ động trao đổi và báo trước 60 ngày thay vì thời gian theo quy định của pháp luật là 45 ngày đối với trường hợp hợp đồng lao động không xác định thời hạn của bà L. Về quyền lợi của người lao động khi mất việc làm do thay đổi cơ cấu tổ chức, công ty đã chi trả đầy đủ các khoản trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động 2012 và các văn bản pháp lý liên quan.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 12/6/2017 công ty đã chuyển vào tài khoản của bà L số tiền là 4.400.000 đồng đây là khoản tiền trợ cấp thôi việc cho thời gian mà bà L nghỉ thai sản từ ngày 17/3/2014 đến ngày 16/9/2014 và thời gian 02 tháng thử việc. Do đó, bị đơn không chấp nhận yêu cầu mà nguyên đơn đưa ra.
Bản án sơ thẩm số 24/2017/LĐ-ST ngày 28 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã T đã quyết định:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Hoàng Thị Phương L đối với bị đơn Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H về việc tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn về việc bồi thường cho bà Hoàng Thị Phương L số tiền 4.400.000 đồng (bốn triệu bốn trăm nghìn đồng), công ty đã thanh toán xong bằng hình thức chuyển khoản vào ngày 12 tháng 6 năm 2017.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 12 tháng 9 năm 2017, nguyên đơn bà Hoàng Thị Phương L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.
Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, đại diện nguyên đơn cho rằng bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn với lý do bị đơn cắt giảm lao động, tình hình kinh doanh khó khăn không phải là lý do chính đáng để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn, đây chỉ là lý do giả tạo do bị đơn đưa ra. Sau khi bà L nghỉ việc thì công ty đã nhận thêm nhân viên khác vào làm việc tại bộ phận mua hàng. Ngoài ra, còn điều chuyển nhân viên từ bộ phận khác sang bộ phận mua hàng để làm việc thay thế vị trí của bà L. Đại diện nguyên đơn có yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm thu thập chứng cứ là các báo cáo thuế, báo cáo tài chính của bị đơn từ năm 2012 đến năm 2016 để chứng minh quá trình hoạt động kinh doanh của bị đơn không có sự thua lỗ đột ngột trong hoạt động kinh doanh dẫn đến việc phải cắt giảm lao động như đại diện bị đơn trình bày. Và thu thập Công văn số 53/12-2015/CV-HPH ngày 16/12/2015 của bị đơn gửi cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp.
- Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo và cho rằng bị đơn đưa ra lý do giả tạo để chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn trái pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Bị đơn đã chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với nguyên đơn dưới lý do giả tạo. Về thủ tục cắt giảm, bị đơn đã thực hiện các thủ tục có nhiều sai sót, không đúng quy định pháp luật, chưa xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động. Về bản chất, bị đơn thực hiện việc cắt giảm lao động do không ưng ý trong cách làm việc chứ không phải do tình hình kinh doanh của công ty không hiệu quả. Khi bà L nghỉ việc, Công ty đã tuyển mới bà Nguyễn Thị Kim Th vào phụ trách nhiệm vụ mua hàng đồng thời điều chuyển nhiều lao động khác vào bộ phận mua hàng. Số lượng nhân sự của phòng mua hàng không được cắt giảm mà tăng lên. Do vậy, có căn cứ xác định bị đơn lấy lý do tình hình kinh doanh không đạt hiệu quả để cắt giảm bà L là trái pháp luật. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
- Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày: Do hoạt động của công ty chưa đạt hiệu quả nên phải cơ cấu sắp xếp lại lao động. Công ty đã thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật lao động để tái cơ cấu lao động. Việc đại diện nguyên đơn xác định Công ty nhận người khác vào thay vị trí của bà L là không đúng, sau khi cắt giảm lao động, Công ty thực hiện điều chuyển nhân viên tại bộ phận khác kiêm nhiệm thêm công việc của bộ phận mua hàng, tới thời điểm này số lượng nhân sự tại phòng cung ứng vẫn ít hơn so với trước khi cơ cấu. Do đó, đề nghị Tòa án giữ nguyên bản án sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ khi tham gia phiên tòa theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn khi tham gia phiên tòa chưa thực hiện đúng quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về trang phục, đề nghị Luật sư thực hiện nghiêm túc. Về nội dung, theo hồ sơ thể hiện, công ty chỉ cho thôi việc 01 người lao động nên không phải xây dựng phương án sử dụng lao động. Công ty đã thực hiện các quy trình cắt giảm cơ cấu lại lao động đối với bà L đúng quy định pháp luật tại các Điều: 38, 44, 47 Bộ luật Lao động. Do đó, kháng cáo của bà L là không có cơ sở. Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1, Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Ngày 28/8/2017, Tòa án nhân dân thị xã T xét xử vụ án và ban hành Bản án lao động sơ thẩm số 24/2017/LĐ-ST, ngày 12/9/2017 nguyên đơn có đơn kháng cáo bản án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, nguyên đơn kháng cáo trong thời hạn luật định.
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn về việc bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thấy rằng:
Về thủ tục cắt giảm lao động của Công ty: Ngày 15/01/2016, Công ty có Công văn số 04/01-2016/CV-HPH gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương về việc thông báo sắp xếp lại cơ cấu nhân sự tại công ty, theo đó lao động phải cắt giảm là 02 người lao động (trong đó có bà L). Ngày 26/01/2016 một người lao động tự viết đơn xin nghỉ việc nên ngày 24/02/2016, Công ty có Công văn số 05-02-2016/CV-HPH ngày 24/02/2016 gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, Công đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc sắp xếp lại cơ cấu nhân sự (lao động cần phải cắt giảm là bà L).
Ngày 22/02/2016, Công ty có thông báo số 01 HCNS/T2-2016 đối với bà L về việc giảm biên chế nhân sự do thay đổi cơ cấu và sắp xếp lại nhân sự. Ngày 26/02/2016, công ty có Thông báo số 02/HCNS/T2-2016 thông báo cho bà L được nghỉ ở nhà và vẫn hưởng nguyên lương. Đến ngày 01/5/2016, công ty có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà L (đảm bảo thời gian báo trước là 45 ngày).
Do thời điểm đầu năm 2016 Công ty chưa thành lập công đoàn cơ sở mà vẫn trực thuộc Công đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Bình Dương nên Công ty đã báo trước cho Công đoàn cơ sở Sở Y tế tỉnh Bình Dương là đúng quy định tại khoản 3 Điều 188 Bộ luật Lao động.
Do đó, Công ty đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thời gian thông báo cho người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức theo đúng quy định tại Điều 44 của Bộ luật Lao động.
Đại diện nguyên đơn cho rằng sau khi cho bà L nghỉ việc thì Công ty tuyển người khác (bà Nguyễn Thị Kim Th) vào thay thế vị trí bà L nhưng thực tế, các tài liệu, chứng cứ đại diện nguyên đơn nộp thể hiện bà Th đã vào làm việc tại Công ty trước khi bà L nghỉ việc. Đại diện nguyên đơn còn cho rằng việc bị đơn trình bày tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn là không đúng thực tế vì Công ty hoạt động có lãi. Trong khi đó đại diện bị đơn trình bày nguyên nhân của việc cơ cấu lại lao động là để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của Công ty đạt hiệu quả hơn. Do đó, lời trình bày của nguyên đơn là không có căn cứ.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động với bà L bản chất là thực hiện việc cắt giảm lao động không ưng ý trong cách làm việc chứ không phải do tình hình kinh doanh của công ty không hiệu quả và cung cấp lời khai của người lao động trong công ty để chứng minh. Tuy nhiên, tài liệu này là bản photo không có chữ ký xác nhận của người khai nên không được xác định là chứng cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 5, Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự. Mặt khác, nội dung của văn bản cũng không chứng minh được ý kiến nêu trên của Luật sư nên không có cơ sở chấp nhận.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động với bà L, Công ty đã thanh toán và hoàn tất các thủ tục, chế độ đảm bảo quyền lợi của người lao động, phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[3] Đối với yêu cầu của đại diện nguyên đơn về việc yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm thu thập chứng cứ là các báo cáo thuế, báo cáo tài chính của bị đơn từ năm 2012 đến năm 2016 để chứng minh quá trình hoạt động kinh doanh của bị đơn không có sự thua lỗ đột ngột trong hoạt động kinh doanh dẫn đến việc phải cắt giảm lao động như đại diện bị đơn trình bày.
Xét thấy, như trên đã nhận định, trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm và tại cấp phúc thẩm, đại diện bị đơn đều thống nhất trình bày: Do tình hình hoạt động của Công ty chưa đạt hiệu quả nên phải cơ cấu sắp xếp lại lao động, sắp xếp lại các phòng ban trong Công ty nên bị đơn mới thực hiện thủ tục cắt giảm một số lao động. Đại diện bị đơn không trình bày tình hình kinh doanh của bị đơn có sự thua lỗ đột ngột như đại diện nguyên đơn trình bày. Do đó, xét yêu cầu thu thập chứng cứ nêu trên không phải là cơ sở để giải quyết vụ án nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của đại diện nguyên đơn.
Ngoài ra, đối với Công văn số 53/12-2015/CV-HPH ngày 16/12/2015 của bị đơn gửi cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập theo yêu cầu của nguyên đơn. Tại cấp phúc thẩm, Tòa án cũng đã cung cấp chứng cứ này cho đại diện nguyên đơn tiếp cận.
[4] Từ những phân tích trên, xét thấy nguyên đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào khác để chứng minh nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương là phù hợp với quy định của pháp luật.
[5] Về án phí: Án phí sơ thẩm, phúc thẩm nguyên đơn được miễn theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ: Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Hoàng Thị Phương L, giữ nguyên phần quyết định của Bản án sơ thẩm số 24/2017/LĐ-ST ngày 28/08/2017 của Tòa án nhân dân thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Áp dụng:
- Khoản 10 Điều 36; các Điều: 44, 46 và 49 Bộ luật Lao động;
- Các Điều: 13, 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
- Điều 7 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất;
- Điểm a khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Hoàng Thị Phương L đối với bị đơn Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Quốc tế H về việc bồi thường cho bà Hoàng Thị Phương L số tiền 4.400.000 đồng, Công ty đã thanh toán xong bằng hình thức chuyển khoản vào ngày 12 tháng 6 năm 2017.
2. Về án phí sơ thẩm, phúc thẩm: Nguyên đơn bà Hoàng Thị Phương L không phải chịu.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 21/2017/LĐ-PT
Số hiệu: | 21/2017/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 01/12/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về