Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 01/2023/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 01/2023/LĐ-PT NGÀY 16/02/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Ngày 16 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 01/TBTL-TA ngày 18 tháng 10 năm 2022 về: “Tranh chấp về bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo.

- Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 603/2023/QĐ-PT ngày 27 tháng 01 năm 2023; giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: ông J M Địa chỉ: N, tỉnh Khánh Hòa. Vắng.

Người đại diện theo ủy quyền của ông J M: Ông Võ Minh N; địa chỉ: thành phố N, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.

- Bị đơn: Công ty cổ phần giáo dục M Địa chỉ trụ sở: Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật của bị đơn: Ông Phạm Văn Q – Tổng Giám đốc. Vắng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện ngày 11/5/2021 và quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn ông J M và người đại diện của nguyên đơn trình bày:

Ngày 05/01/2021, ông J M và Công ty cổ phần giáo dục M ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 05 tháng từ ngày 10/01/2021 đến hết ngày 09/6/2021, chức danh làm việc là giáo viên được phân công giảng dạy tại trường phổ thông E địa chỉ thành phố Hải phòng. Việc phân công này được bà Hương D (nhân viên Công ty M) thông báo qua zalo cho ông J M. Vì hai bên ở cách xa nhau nên mọi nội dung công việc đa số được hai bên trao đổi qua zalo hoặc email, thậm chí hợp đồng lao động cũng được Công ty M gửi tập tin (file) để ông J M ký và sau đó, ông chuyển về cho Công ty đóng dấu; tuy nhiên, Công ty chỉ gửi lại bản scan có đóng dấu của Công ty qua zalo cho ông J M.

Trong quá trình làm việc, ông J M chưa từng vi phạm nội qui của Công ty, các cam kết trong hợp đồng lao động cũng như qui định của pháp luật lao động. Tuy nhiên, ngày 28/01/2021, bà Phạm Thủy (nhân viên hành chính nhân sự của Công ty M) đã gửi tin nhắn cho ông J M trong một nhóm trò chuyện trên zalo với nội dung: “@J M, tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng đại dịch Covid-19 đang tiếp tục tái diễn tại nhiều tỉnh thành bao gồm Hải Phòng nên trường chúng tôi phải đóng cửa vào ngày mai. Do đó, ông không cần đến trường vào tuần tới nữa. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy phong cách giảng dạy của ông không phù hợp với học sinh của chúng tôi thậm chí dù ông là một giáo viên giỏi với nhiều kiến thức, chúng tôi sẽ chấm dứt hết hợp đồng với ông”. Đến ngày 01/2/2021 (là ngày thứ Hai của tuần tiếp theo), bà Phạm Thủy gửi lại cho ông J M mail với nội dung tương tự và Công ty cứ như vậy mà chấm dứt hợp đồng lao động với ông J M.

Ông J M đã nhiều lần liên hệ với Công ty M để đề nghị giải quyết cũng như yêu cầu Công ty thanh toán tiền lương nhưng Công ty không có bất cứ phản hồi nào.Việc Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông J M vì các lý do nêu trên là vi phạm pháp luật và cam kết giữa hai bên. ông J M không thuộc các trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại Điều 6 Hợp đồng lao động được ký giữa hai bên; điểm g Điều 6 nêu rõ ràng rằng nếu Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn ngoài những lý do nêu tại Điều 6 thì phải thông báo trước 30 ngày bằng văn bản, đồng thời, phải thanh toán đầy đủ tiền lương và tiền phụ cấp tính tới ngày chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, phía Công ty gửi tin nhắn chấm dứt hợp đồng vào ngày 28/01/2021 và thông báo sẽ đóng cửa vào ngày hôm sau là không đủ thời gian báo trước 30 ngày; Công ty cũng không trả lương những ngày mà ông J M đã làm việc như cam kết.

Nhận thấy việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty M đối với ông J M là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019 và Công ty cũng không muốn nhận ông J M quay trở lại làm việc nên ông J M khởi kiện Công ty Cổ phần giáo dục M với những yêu cầu sau:

1. Thanh toán tiền lương trong những ngày ông J M làm việc nhưng chưa được trả lương từ ngày 10/01/2021 đến ngày 31/01/2021 là 1.260USD.

2. Thanh toán toàn bộ tiền lương trong những ngày ông J M không được làm việc từ ngày 01/02/2021 tính đến ngày hết hạn hợp đồng 09/6/2021 là 7.740USD.

3. Trả cho ông J M một khoảng tiền ít nhất bằng 02 tháng lương theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019 là 3.600USD.

4. Thanh toán cho ông J M ít nhất bằng 02 tháng tiền lương là 3.600USD theo khoản 3 điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019.

5. Bồi thường cho ông J M 01 tháng tiền lương là 1.800USD vì Công ty vi phạm thời hạn báo trước theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019.

Tổng cộng, Công ty Cổ phần giáo dục M phải thanh toán cho ông J M 18.000USD.

- Bị đơn Công ty cổ phần giáo dục M trình bày:

Công ty cổ phần giáo dục M hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, liên kết triển khai chương trình giáo dục quốc tế của Cannada tại các trường phổ thông liên cấp tại Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, Công ty có thuê giáo viên nước ngoài để dạy các chương trình quốc tế tại Việt Nam, trong đó có thuê ông J M với mức lương 1.800USD/tháng, thời hạn hợp đồng bắt đầu từ ngày 10/01/2021 đến ngày 09/6/2021. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ đầu năm 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp và tuân theo chỉ thị về việc dạy và học trực tuyến của Bộ giáo dục đào tạo nên chương trình quốc tế do M triển khai phải tạm thời ngưng lại và gặp nhiều khó khăn vì chương trình học của M có nhiều hoạt động trực tuyến như tham gia các hoạt động ngoại khóa cần sự tương tác nhiều giữa giáo viên nước ngoài và học sinh. Công ty hoàn toàn không có doanh thu kể từ đó đến nay. Công ty gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn thu để trả lương cho cán bộ nhân viên làm việc mặc dù Công ty đã cố gắng hết sức, đi xoay xở và tính các phương án thay thế để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Do đó, Công ty đã phải thông báo đến toàn thể người lao động về tình hình tài chính khó khăn thời điểm đó và phải buộc phải đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân viên theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có ông J M. Việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông J M là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định tại điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.

Vì vậy, Công ty chỉ đồng ý thanh toán tiền lương cho ông J M trong những ngày ông làm việc từ ngày 01/12/2021 đến ngày 30/01/2021 là 1260 USD. Tất cả các yêu cầu còn lại của nguyên đơn Công ty đều không chấp nhận.

Ngoài ra, do không còn kinh phí để duy trì hoạt đông, Công ty đang hoàn tất thủ tục để chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST ngày 31-8-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã Quyết định:

Căn cứ vào Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, điểm a khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông J M. Buộc Công ty Cổ phần giáo dục M thanh toán tiền lương trong những ngày ông J M làm việc nhưng chưa được trả lương tính từ ngày 10/01/2021 đến ngày 31/01/2021 là 1.260USD, qui đổi ra tiền Việt Nam theo tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm xét xử là 29.255.940đ.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông J M đối với Công ty cổ phần giáo dục M về: (i) bồi thường 1.800USD do Công ty vi phạm thời hạn báo trước theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019; (ii) thanh toán toàn bộ tiền lương trong những ngày ông không được làm việc là 7.740USD tính từ ngày 01/02/2021 đến khi hết hạn hợp đồng ngày 09/6/2021; (iii) trả 02 tháng lương là 3.600USD theo qui định khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019 và (iv) thanh toán 02 tháng tiền lương là 3.600USD theo khoản 3 điều 41 Bộ luật lao động 2019.

Bản án sơ thẩm còn quyết định về, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 08/9/2022 nguyên đơn ông J M kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.

Tại phiên tòa Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án:

- Về việc chấp hành pháp luật: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông J M; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh luận; Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Xét kháng cáo của ông J M; nhận thấy:

- Ngày 05/01/2021, giữa ông J M và Công ty Cổ phần giáo dục M (viết tắt là Công ty) ký hợp đồng lao động với thời hạn hợp đồng 05 tháng bắt đầu từ ngày 10/01/2021 đến ngày 09/6/2021, mức lương 1.800USD/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 do tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp và tuân theo chỉ thị về việc dạy và học trực tuyến của Bộ giáo dục đào tạo nên chương trình quốc tế do M triển khai phải tạm thời ngưng lại. Do đó ngày 28/01/2021, bà Phạm Thủy (nhân viên hành chính nhân sự của Công ty M) đã gửi tin nhắn cho ông J M trong một nhóm trò chuyện trên zalo với nội dung: “@J M, tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng đại dịch Covid-19 đang tiếp tục tái diễn tại nhiều tỉnh thành bao gồm Hải Phòng nên trường chúng tôi phải đóng cửa vào ngày mai. Do đó, ông không cần đến trường vào tuần tới nữa (tức ngày 01/02/2021). Như vậy, việc Công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động nêu trên với ông J M là thuộc trường hợp bất khả kháng, phù hợp với khoản 3 Điều 7 của Hợp đồng lao động ngày 05/01/2021 và điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.

- Hợp đồng lao động ký giữa Công ty với ông J M là loại hợp đồng lao động xác định có thời hạn dưới 12 tháng, nên ngày 28/01/2021, Công ty đã thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông J M là trước trước 04 ngày, là đúng theo qui định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019.

Từ phân tích trên, nhận thấy án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông về các yêu cầu: Bồi thường 1.800USD do Công ty vi phạm thời hạn báo trước theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019; thanh toán toàn bộ tiền lương là 7.740USD trong những ngày ông không được làm việc tính từ ngày 01/02/2021 đến ngày hết hạn hợp đồng 09/6/2021; trả một khoảng tiền ít nhất bằng 02 tháng lương là 3.600USD theo qui định khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019 và thanh toán một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương là 3.600USD theo khoản 3 Điều 41 Bộ luật lao động 2019 là có căn cứ, đúng pháp luật. ông J M kháng cáo nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào mới có thể làm thay đổi nội dung vụ án, nên không có cơ sở để chấp nhận.

[2]. Về khoản tiền Công ty chưa trả lương cho ông J M trong những ngày ông làm việc trước khi Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông J M; xét thấy:

- Tại đơn khởi kiện ngày 04/5/2021, ông J M yêu cầu Công ty phải thanh toán cho ông tiền lương trong những ngày ông làm việc tính từ ngày 10/01/2021 đến ngày 31/01/2021 là 1.260USD; đồng thời tại phiên tòa sơ thẩm ngày 31/8/2022, đại diện ủy quyền của ông J M cũng chỉ yêu cầu số tiền 1.260USD. Mặt khác tại Đơn kháng cáo ngày 08/9/2022, ông J M cũng không kháng cáo nội dung này. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu Công ty phải trả khoản tiền lương những ngày làm việc chưa thanh toán là 1.320 USD.

[3]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4]. Về án phí phúc thẩm: ông J M được miễn án phí dân sự phúc thẩm theo qui định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.

1. Không chấp nhận kháng cáo của ông J M; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

 Căn cứ vào Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông J M. Buộc Công ty Cổ phần giáo dục M thanh toán tiền lương trong những ngày ông J M làm việc nhưng chưa được trả lương tính từ ngày 10/01/2021 đến ngày 31/01/2021 là 1260USD, qui đổi ra tiền Việt Nam theo tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 29.255.940đ.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông J M đối với Công ty cổ phần giáo dục M về: (i) bồi thường 1800USD do Công ty vi phạm thời hạn báo trước theo khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019; (ii) thanh toán toàn bộ tiền lương trong những ngày ông không được làm việc là 7740USD tính từ ngày 01/02/2021 đến khi hết hạn hợp đồng ngày 09/6/2021; (iii) trả 02 tháng lương là 3600USD theo qui định khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019 và (iv) thanh toán 02 tháng tiền lương là 3600USD theo khoản 3 điều 41 Bộ luật lao động 2019.

2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị và được thi hành theo Bản án lao động sơ thẩm số 01/2022/LĐ-ST ngày 31/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

3. Về án phí phúc thẩm: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông J M.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

854
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 01/2023/LĐ-PT

Số hiệu:01/2023/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 16/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về