Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (không trả lương cho người lao động) số 11/2021/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 11/2021/LĐ-PT NGÀY 22/04/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 15 và 22 tháng 04 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 24/2020/TLPT-LĐ ngày 21/12/2020 về “tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) T, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 09/2021/QĐXXPT-LĐ ngày 24/02/2021; Quyết định hoãn phiên tòa số: 09/2021/QĐ-PT ngày 24/03/2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông N.N.D, sinh năm 1973; Trú tại: Thị xã D, tỉnh Bình Dương. (Vắng mặt).

- Bị đơn: Công ty S. Trụ sở: Thành phố T, tỉnh Bình Dương. Người đại diện hợp pháp: Bà Đ.T.P.T; địa chỉ: Thành phố T, tỉnh Bình Dương (theo văn bản ủy quyền ngày 24/3/2021). (Có mặt)

- Người kháng cáo: Bị đơn Công ty S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn ông N.N.D trình bày: Ngày 25/8/2010, ông N.N.D được nhận vào làm việc cho Công ty S (gọi tắt là Công ty S) đến ngày 01/01/2011 ký hợp đồng lao động thời hạn 01 năm. Hết hạn hợp đồng Công ty S tiếp tục ký hợp đồng lao động với ông N.N.D lần 02 có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 kết thúc ngày 31/12/2012, công việc là nhân viên bảo trì cơ khí, thời gian làm việc 01 tháng 26 ngày, mỗi ngày làm việc 08 tiếng, mức lương 5.500.000 đồng, phụ cấp lương 1.000.000 đồng và tiền tăng ca theo giờ. Ông N.N.D làm việc đến ngày 29/02/2012, Công ty do bà Bà H.T.T.L - chức vụ trưởng phòng nhân sự gọi ông N.N.D đến văn phòng Công ty S thông báo cho ông N.N.D nghỉ việc với lý do không phù hợp với yêu cầu công việc và giao cho ông N.N.D Quyết định: “Chấm dứt thời gian làm việc” từ ngày 01/3/2012 do bà Bà H.T.T.L ký, viết tên H.L và đóng dấu mộc vuông của phòng nhân sự. Ông N.N.D yêu cầu bà H.T.T.L giao quyết định cho nghỉ việc do giám đốc ký và đóng dấu pháp nhân của Công ty nhưng bà H.T.T.L gọi bảo vệ đưa ông N.N.D ra ngoài Công ty. Ngày 01, 02, 03/3/2012, ông N.N.D vẫn đến Công ty làm việc nhưng bảo vệ không cho vào. Sau đó, nhân viên phòng nhân sự của Công ty gọi ông N.N.D đến và giao Quyết định số 11/2012 ngày 29/02/2012 về việc cho thôi việc đối với ông N.N.D kể từ ngày 29/02/2012 do bà Bà H.T.T.L ký thừa lệnh Tổng Giám đốc và viết tên H.L đóng dấu pháp nhân Công ty S. Công ty S đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không trả tiền lương tháng 02/2012 cho ông N.N.D là chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Vì vậy, ông N.N.D yêu cầu Công ty S bồi thường các khoản tiền sau:

1. Tiền lương tháng 2/2012 là 5.500.000 đồng;

2. Phụ cấp lương tháng 2/2012 là 1.000.000 đồng;

3. Tiền tăng ca tháng 2/2012 là 60 giờ x 27.500 đồng/giờ x 1.5 = 2.475.000 đồng;

4. Tiền lãi cho số tiền 8.975.000 đồng, lãi suất 8%/năm tính từ ngày 01/3/2012 cho đến nay (tính tròn 18 tháng) là 1.066.230 đồng;

5. Tiền trợ cấp mất việc làm (những ngày không được làm việc từ tháng 3/2012 đến nay) 18 tháng là 99.000.000 đồng;

6. Phụ cấp lương mỗi tháng 1.000.000 đồng x 18 tháng số tiền là 18.000.000 đồng;

7. Bồi thường 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 13.000.000 đồng;

8. Ba mươi ngày tiền lương do vi phạm thời gian báo trước là 6.500.000 đồng;

9. Trả tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp 18 tháng cho ông N.N.D mức 21% trên số tiền 2.500.000 đồng là 9.450.000 đồng;

10. Buộc công ty phải nhận ông N.N.D trở lại làm việc;

11. Công ty phải chịu tiền giám định là 1.275.000 đồng; Tổng cộng: 157.266.230 đồng.

* Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Thống nhất với lời trình bày của ông N.N.D về thời gian làm việc, công việc làm tại Công ty. Hợp đồng lao động ký lần 02 giữa Công ty S và ông N.N.D có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 kết thúc ngày 31/12/2012. Hợp đồng lao động kèm theo phụ lục ghi rõ chi tiết, công việc là nhân viên bảo trì cơ khí, mức lương căn bản 2.500.000 đồng/tháng, phụ cấp trách nhiệm 2.300.000 đồng/tháng, phụ cấp chuyên cần 500.000 đồng/tháng, phụ cấp độc hại 100.000 đồng/tháng, tuân thủ nội quy 100.000 đồng/tháng, tổng cộng 5.500.000 đồng. Sau khi ký hợp đồng, ông N.N.D làm việc cho đến ngày 29/02/2012, quản lý bộ phận và phòng nhân sự Công ty họp khiển trách về việc ông N.N.D thường xuyên không hoàn thành công việc được giao, bỏ vị trí làm việc trong giờ làm. Sau khi họp xong thì ông N.N.D không ký biên bản họp mà tự ý bỏ về lúc 10 giờ 35 phút ngày 29/02/2012. Công ty S không ban hành quyết định cho ông N.N.D nghỉ việc.

Việc bà Bà H.T.T.L, chức vụ trưởng phòng dân sự ban hành quyết định chấm dứt thời gian làm việc từ ngày 01/3/2012 do bà H.T.T.L ký, viết tên H.L và đóng dấu mộc vuông của phòng dân sự thì giám đốc Công ty hoàn toàn không biết. Việc bà Bà H.T.T.L ban hành Quyết định số 11/2012 ngày 29/02/2012 về việc cho thôi việc đối với ông N.N.D kể từ ngày 29/02/2012 do bà H.T.T.L thừa lệnh Tổng giám đốc ký và viết tên H.L đóng dấu pháp nhân của Công ty thì Tổng giám đốc Công ty cũng không biết. Bà Bà H.T.T.L không có thẩm quyền ban hành ký tên đóng dấu vào các quyết định cho thôi việc đối với ông N.N.D mà do Tổng giám đốc mới có thẩm quyền.

Công ty S chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông N.N.D về việc trả tiền lương phụ cấp lương và tiền tăng ca tháng 2/2012 cho ông N.N.D là 5.491.750 đồng theo bảng chi tiết thanh toán tiền lương tháng 02/2012 của ông N.N.D mà Công ty nộp cho Tòa án.

Do ông N.N.D đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên Công ty S phản tố yêu cầu ông N.N.D bồi thường ½ tháng lương và phụ cấp lương là 2.700.000 đồng và bồi thường khoản tiền vi phạm thời gian báo trước là 2.500.000 đồng, tổng cộng là 5.250.000 đồng.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phô) T, tỉnh Bình Dương và thông báo sửa chữa, bổ sung bản án ngày 16/10/2013 tuyên xử:

“1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N.N.D đối với Công ty S về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Buộc Công ty S bồi thường cho ông N.N.D do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật các khoản tiền sau:

- Tiền lương và tiền làm thêm giờ tháng 2/2012 là 7.879.807 đồng;

- Tiền lãi của tiền lương và tiền làm thêm là 826.906 đồng;

- 10 tháng tiền lương những ngày không được làm việc là 55.000.000 đồng;

- 10 tháng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 5.250.000 đồng;

- 02 tháng tiền lương số tiền là 13.000.000 đồng;

- 30 ngày lương do vi phạm thời gian báo trước là 6.346.153 đồng. Tổng cộng 86.302.866 đồng.

3. Buộc Công ty S nhận ông N.N.D trở lại làm việc.

4. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty S đối với ông N.N.D về việc yêu cầu bồi thường số tiền 5.250.000 đồng.” Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi án sơ thẩm xét xử, ngày 11 tháng 10 năm 2013, bị đơn là Công ty Cổ phần Sản phần Sức Khỏe Đời Sống Mới có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại Bản án số 68/2013/LĐ-PT ngày: 25- 12- 2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty S. Sửa lại Bản án lao động sơ thẩm số 17/2013/LĐ – ST ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Tòa án nhân dân thị xã T như sau:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.N.D đối với Công ty S về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

- Chấp nhận một phần yêu cầu Công ty thanh toán tiền lương tháng 2/2012: Buộc Công ty phải thanh toán cho ông N.N.D tiền lương, phụ cấp và tiền làm thêm giờ của tháng 02/2012 là 5.491.750 đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty S đối với ông N.N.D về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

3. Án phí sơ thẩm: Công ty S phải nộp 400.000 đồng được khấu trừ 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số:07139 ngày 19/6/2013 của Chi cục Thi hành án thị xã T. Công ty còn phải nộp 200.000 đồng.

4. Chi phí giám định: Công ty S có trách nhiệm thanh toán lại cho ông N.N.D số tiền 1.275.000 đồng.

Ngày 04/4/2017, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 02/2017/KN-GĐT đối với Bản án số 68/2013/LĐ-PT ngày 25/12/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Quyết định giám đốc thẩm số 03/2017/LĐ-GĐT ngày 07/7/2017, Ủy ban Thầm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, quyết định: Chấp nhận kháng nghị Giám đốc thẩm số 02/2017/KN-GĐT ngày 04/4/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hủy Bản án số: 68/2013/LĐ-PT ngày 25/12/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Giữ nguyên Bản án số: 17/2013/LĐ-ST ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Tòa án nhân dân thị xã T.

Ngày 27/5/2020, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số: 01/2020/KN-LĐ đối với Quyết định giám đốc thẩm số: 03/2017/LĐ-GĐT ngày 07/7/2017 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung: Hủy Quyết định giám đốc thẩm số: 03/2017/LĐ-GĐT ngày 07/7/2017 của Ủy ban Thầm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về nội dung: “Giữ nguyên Bản án số 17/2013/LĐ-ST ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Tòa án nhân dân thị xã T”, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm lại đối với quyết định: “Buộc Công ty S nhận ông N.N.D trở lại làm việc” của Bản án số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân thị xã T.

Quyết định giám đốc thẩm số: 01/2020/LĐ-GĐT ngày 15/9/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quyết định:

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số: 01/2020/KN-LĐ ngày 27/5/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đối với Quyết định giám đốc thẩm số 03/2017/LĐ-GĐT ngày 07/7/2017 của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Hủy Quyết định giám đốc thẩm số 03/2017/LĐ-GĐT ngày 07/7/2017 của Ủy ban Thầm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về nội dung: “Giữ nguyên Bản án số 17/2013/LĐ-ST ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Tòa án nhân dân thị xã T”; Hủy Bản án số 68/2013/LĐ-PT ngày 25/12/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

3. Giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm theo hướng sửa Bản án lao động sơ thẩm số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân thị xã T về phần nội dung: “Buộc Công ty S nhận ông N.N.D trở lại làm việc”.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện ủy quyền của Công ty S rút một phần yêu cầu kháng cáo về khoản tiền bồi thường cho ông N.N.D số tiền tổng cộng 86.302.866 đồng do bị đơn đã chấp nhận và bồi thường theo Bản án số:

17/2013/LĐST, ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân thị xã T nay là Tòa án nhân dân thành phố T kể cả trả chi phí giám định 1.275.000 đồng theo bản án số: 68/2013/LĐPT ngày 25/12/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Đại diện bị đơn chỉ còn kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm nội dung buộc Công ty S nhận ông N.N.D trở lại làm việc vì Công ty S không có nhu cầu.

Trình bày của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa: Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận việc đã thi hành xong bản án phần bồi thường của bị đơn và chấp nhận yêu cầu thay đổi của đại diện bị đơn tại phiên tòa. Sửa án sơ thẩm theo hướng không buộc bị đơn phải nhận nguyên đơn trở lại làm việc vì hợp đồng lao động giữa ông N.N.D với Công ty S đã hết hiệu lực trước thời điểm xét xử sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Công ty S làm đơn kháng cáo, đơn đề nghị kháng nghị và nộp trong hạn là phù hợp quy định.

[2] Về nội dung:

[2.1] Xét yêu cầu thay đổi kháng cáo nội dung quyết định bản án sơ thẩm của bị đơn thấy rằng: Sau khi Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử giám đốc thẩm ngày 07/7/2017 thì Công ty S thi hành Bản án sơ thẩm số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 bằng việc chuyển khoản tiền bồi thường cho ông N.N.D cho Chi cục Thi hành án thị xã T. Theo đó, Công ty S đã thi hành các khoản bồi thường cho ông N.N.D bằng việc chuyển khoản cho Chi cục Thi hành án thị xã (nay là thành phố) T theo các Ủy nhiệm chi xuất trình (Thẩm phán đã sao y bản chính ) và biên bản xác minh của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương tại Chi cục Thi hành án thành phố T ngày 12/4/2021. Cho nên, những nội dung đã được thi hành án Tòa án phúc thẩm sẽ ghi nhận trong phần quyết định của bản án.

[2.2] Xét kháng cáo của Công ty S yêu cầu không nhận ông N.N.D trở lại làm việc thấy rằng: Ngày 30/9/2013, Tòa án sơ thẩm xét xử nhưng trước đó vào ngày 31/12/2012 hợp đồng lao động có thời hạn giữa ông N.N.D và Công ty S đã kết thúc. Hai bên không thỏa thuận ký hợp đồng lao động mới, Công ty S cũng không có nhu cầu tiếp tục tuyển dụng ông N.N.D làm việc. Do vậy, việc án sơ thẩm buộc Công ty S nhận ông N.N.D trở lại Công ty S làm việc là không phù hợp quy định của pháp luật. Kháng cáo của Công ty S về nội dung này là có căn cứ để chấp nhận.

[2.3] Hiện tại, theo trình bày của Công ty S và qua xác minh ở Chi cục Thi hành án thành phố T thì đến nay công ty đã thi hành xong khoản tiền bồi thường thiệt hại số tiền 86.302.866 đồng và trả 1.275.000 đồng chi phí giám định cho ông N.N.D theo quyết định của bản án sơ thẩm nhưng chưa thi hành khoản án phí về bồi thường nên Công ty S phải chịu án phí sơ thẩm đối với khoản bồi thường.

[3] Trình bày của đại diện Viện Kiểm sát đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận kháng cáo và không buộc bị đơn phải nhận ông N.N.D trở lại làm việc là có căn cứ.

[4] Án phí lao động phúc thẩm: Công ty S không phải chịu. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự. Căn cứ các Điều 42, 90, 96 Bộ luật Lao động.

Căn cứ pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

I. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty S. Sửa Bản án lao động sơ thẩm số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của Tòa án nhân dân thị xã T, như sau:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông N.N.D đối với Công ty S về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Buộc Công ty S bồi thường cho ông N.N.D do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, các khoản tiền sau:

- Tiền lương và tiền làm thêm giờ tháng 2/2012 là 7.879.807 đồng;

- Tiền lãi của tiền lương và tiền làm thêm là 826.906 đồng;

- 10 tháng tiền lương những ngày không được làm việc là 55.000.000 đồng;

- 10 tháng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 5.250.000 đồng;

- 02 tháng tiền lương số tiền là 13.000.000 đồng;

- 30 ngày lương do vi phạm thời gian báo trước là 6.346.153 đồng. Tổng cộng 86.302.866 đồng.

(Số tiền này đã thi hành xong theo Quyết định thi hành án số 05/QĐ- CCTHADS ngày 25/9/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T.) 2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.N.D buộc Công ty S nhận ông N.N.D trở lại làm việc.

3. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty S đối với ông N.N.D về việc yêu cầu bồi thường số tiền 5.250.000 đồng.

4. Về án phí Lao động sơ thẩm:

Công ty S phải chịu 2.789.085 đồng đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 200.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền số 07139 ngày 19/06/2013 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã (nay là thành phố) T. Công ty S còn phải nộp số tiền 2.589.085 đồng.

5. Chi phí giám định: Công ty S trả lại cho ông N.N.D số tiền 1.275.000 đồng (đã thi hành xong theo Quyết định thi hành án số 05/QĐ-CCTHADS ngày 25/9/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T và biên bản xác minh ngày 12/4/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương).

II. Án phí lao động phúc thẩm: Công ty S không phải chịu. Hoàn trả cho Công ty S 200.000 đồng theo biên lai thu số 07508 ngày 22/10/2013 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã T.

III. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

344
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (không trả lương cho người lao động) số 11/2021/LĐ-PT

Số hiệu:11/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:22/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Ông N.N.D làm việc tại Công ty S từ tháng 8/2010 đến 29/2/2012 thì bị cho thôi việc.

Ông N.N.D khởi kiện yêu cầu Công ty S bồi thường vì cho rằng việc chấm dứt hợp đồng là trái pháp luật.

Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông N.N.D, buộc Công ty S bồi thường hơn 86 triệu đồng và nhận ông N.N.D trở lại làm việc.

Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, chỉ buộc Công ty S trả lương tháng 2/2012 cho ông N.N.D.

Sau đó, Tòa cấp cao tại TP.HCM và Tòa Tối cao lần lượt hủy án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm.

Tại phiên xét xử lại, Công ty S chỉ còn kháng cáo yêu cầu buộc nhận ông N.N.D trở lại làm việc.