TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 710/2021/LĐ-PT NGÀY 20/12/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TIỀN LƯƠNG
Ngày 20 tháng 12 năm 2021 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 34/2021/TLPT - LĐ ngày 30 tháng 9 năm 2021 về việc: “Tranh chấp đòi tiền lương”.Do bản án lao động sơ thẩm số 1280/2021/LĐ-ST ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân Thành phố TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 4009/2021/QĐ – PT ngày 29 tháng 10 năm 2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà L, sinh năm 1967 Địa chỉ: 75 Đường số T, Khu phố N, phường TNPB, Thành phố TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp: Ông T1, sinh năm 1965.
Địa chỉ: 75 Đường số T, Khu phố N, phường TNPB, Thành phố TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.
(Theo Văn bản ủy quyền ngày 09/9/2017)
- Bị đơn: Ông Q, sinh năm 1972.
Địa chỉ: 254/20 DĐH, Khu phố B, phường TNPB, Thành phố TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông T1, sinh năm 1965.
Địa chỉ: 75 Đường số T, Khu phố N, phường TNPB, Thành phố TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người kháng cáo: Bà L là nguyên đơn
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 12/9/2017, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Ông T1 trình bày:
Vào năm 2012, Ông T1 có góp vốn với Ông Q mở quán ăn Thiên Long tại địa chỉ 15 đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, Quận 9 theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 4118000473 do Phòng kinh tế Ủy ban nhân dân Quận 9 cấp với ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ông Q đứng tên Trong thời gian quán Thiên Long kinh doanh, Ông Q có thuê Bà L (là vợ của Ông T1) làm công việc nấu ăn cho quán, thời gian làm từ 07 giờ sáng đến 22 giờ, 23 giờ khuya, không có ngày nghỉ với mức lương thỏa thuận miệng là 8.000.000 đồng/tháng, hai bên không làm hợp đồng lao động, chỉ thỏa thuận bằng lời nói và không có ai chứng kiến việc thỏa thuận này. Bà L nấu ăn cho quán bắt đầu từ tháng 4/2012 cho đến tháng 12/2013 (không nhớ cụ thể ngày nào), từ tháng 4/2012 cho đến tháng 12/2013 Ông Q chưa trả tiền lương cho Bà L vì chỗ tình cảm chị em nên Bà L không đòi thỉnh thoảng có hỏi tiền lương nhưng Ông Q không trả cho đến tháng 12/2013 Ông Q cho Bà L nghỉ việc vì Ông Q sang quán cho người khác, từ tháng 12/2013 Bà L nhiều lần yêu cầu trả tiền lương nhưng Ông Q không trả. Quá trình giải quyết vụ án phía nguyên đơn không có tài liệu, chứng cứ cung cấp cho Tòa án.
Vào năm 2016, Bà L có ý kiến trình bày về 20 tháng tiền lương là 160.000.000 đồng (từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013) tại biên bản hoà giải ngày 22/11/2016 trong cùng vụ án “Tranh chấp hợp đồng góp vốn” thụ lý số 38/2014/TLST- DS ngày 11/02/2014 giữa nguyên đơn Ông T1 (chồng Bà L) và bị đơn là Ông Q, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bà L đến ngày 17/01/2017, Bà L nộp đơn yêu cầu độc lập yêu cầu Ông Q trả 20 tháng tiền lương là 160.000.000 đồng (từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013), nhưng Tòa án nhân dân Quận 9 cho rằng đây là quan hệ lao động nên không xem xét giải quyết trong cùng vụ án “Tranh chấp hợp đồng góp vốn" thụ lý số 38/2014/TLST- DS ngày 11/02/2014 mà hướng dẫn Bà L khởi kiện vụ án khác (thể hiện tại bản án dân sự sơ thẩm số 67/2017/DS-ST ngày 17/3/2017 của Tòa án nhân dân Quận 9 và Bản án dân sự phúc thẩm số 708/2017/DS-PT ngày 08/8/2017 của Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh ).
Ngày 12/9/2017, Bà L nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận 9 cũ nay là Tòa án nhân dân Thành phố TĐ yêu cầu Ông Q trả 20 tháng tiền lương (từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013) x 8.000.000 đồng = 160.000.000 đồng.
Tại bản tự khai, biên bản đối chất và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn Ông Q trình bày:
Vào năm 2012 Ông T1 và Bà L (vợ Ông T1), bà Trần Ngọc Nga, bà Đinh Thị Hồng Thảo và bà Nguyễn Thị Kim Loan cùng góp vốn mở quán Đenrôtím bán cơm tấm và cà phê, Bà L là người nấu ăn cho quán. Ngày 14/9/2012 thì bà Nga, bà Thảo và bà Loan sang lại cổ phần cho Ông Q, khi nhận lại cổ phần quán Đenrôtím thì Ông Q biết vợ chồng Bà L đang kinh doanh nên tiếp tục cùng vợ chồng Ông T1, Bà L kinh doanh tiếp và đổi tên quán là Thiên Long Quán, quán Thiên Long Quán hoạt động cho đến ngày 30/11/2013 thì Ông Q sang quán lại cho người khác. Trong thời gian quán Thiên Long hoạt động quản lý quán do 03 người quản lý là Ông Q, Ông T1 và Bà L nhưng tiền bạc thu chi trong quán chủ yếu do Bà L. Ông Q xác định không có việc thuê Bà L làm công việc nấu ăn và trả lương một tháng 8.000.000 đồng như nguyên đơn trình bày nên việc nguyên đơn Bà L khởi kiện yêu cầu trả 20 tháng tiền lương từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013 với số tiền 160.000.000 đồng là không chấp nhận. Và vẫn giữ nguyên yêu cầu đề nghị Tòa án xem xét áp dụng thời hiệu đối với việc nguyên đơn Bà L khởi kiện theo đơn yêu cầu Tòa án xem xét thời hiệu khởi kiện ngày 05/12/2017.
Người quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ông T1 trình bày:
Trước đây vợ chồng ông có hùn vốn với bà Trần Ngọc Nga, bà Đinh Thị Hồng Thảo, bà Nguyễn Thị Kim Loan cùng góp vốn mở quán Đenrôtím bán cơm tấm – cà phê, Bà L là người nấu ăn cho quán. Năm 2012 bà Nga, bà Thảo và bà Loan sang lại cổ phần cho Ông Q thì vợ chồng Ông T1 với Ông Q tiếp tục làm quán ăn uống và đặt lại tên quán là Thiên Long Quán. Ông Q có thuê Bà L nấu ăn cho quán với tiền lương một tháng 8.000.000 đồng, việc này Ông T1 biết nhưng không có tài liệu, chứng cứ để cung cấp cho Tòa án. Ngày 12/9/2017, Bà L khởi kiện yêu cầu Ông Q trả 20 tháng tiền lương là 160.000.000 đồng Ông T1 không có ý kiến và cũng không có tài liệu, chứng cứ gì cung cấp cho Tòa án Tại bản án lao động sơ thẩm số 1280/2021/LĐ-ST ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân Thành phố TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
- Áp dụng vào khoản Điều 32, Điều 35 và Điều 184, Điều 217, Điểu 271, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
- Áp dụng Điều 202 Bộ Luật lao động
- Áp dụng khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Đình chỉ giải quyết vụ án lao động đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà L về việc yêu cầu Ông Q trả 20 tháng tiền lương (từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013) mỗi tháng 8.000.000 đồng, tổng cộng: 160.000.000 đồng.
2. Về án phí: Bà L thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thưởng vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Ngoài ra Tòa án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các bên đương sự.
Ngày 21/5/2021, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Ông T1 là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Bà L cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
Đề nghị sửa bản án sơ thẩm, buộc Ông Q phải trả cho Bà L 20 tháng tiền lương còn thiếu từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013 với tổng số tiền 160.000.000 đồng.
- Ông Q là bị đơn trình bày:
Ông đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của phía nguyên đơn.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, đảm bảo cho các đương sự có các quyền và nghĩa vụ theo quy định; gửi các Quyết định, Thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự đầy đủ, đúng thời hạn. Hội đồng xét xử đúng thành phần, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Về nội dung: Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Theo lời trình bày của phía nguyên đơn thì Bà L được Ông Q thuê làm công việc nấu ăn với mức lương 8.000.000 đồng/tháng, từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013. Trong suốt quá trình làm việc, Ông Q đã không trả tiền lương cho Bà L. Đến ngày 17/01/2017 Bà L có nộp đơn yêu cầu độc lập, yêu cầu Ông Q phải trả 20 tháng tiền lương còn thiếu trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng góp vốn” thụ lý số 38/2014/TLST-DS ngày 11/02/2014 giữa nguyên đơn là Ông T1 (chồng Bà L) và bị đơn là Ông Q, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Bà L. Tuy nhiên tại thời điểm này, Tòa án nhân dân Quận 9 không thụ lý mà hướng dẫn Bà L khởi kiện bằng một vụ án lao động khác. Đến ngày 03/4/2017 Bà L nộp đơn khởi kiện Ông Q để đòi tiền lương tại Tòa án nhân dân Quận 9. Do Bà L chưa thực hiện thủ tục hòa giải cơ sở nên Tòa án trả đơn khởi kiện. Sau khi tiến hành thủ tục hòa giải cơ sở, đến ngày 12/9/2017, Bà L nộp lại đơn khởi kiện và được Tòa án nhân dân Quận 9 thụ lý vào ngày 02/10/2017.
Hội đồng xét xử nhận thấy, theo như lời trình bày của Bà L thì tháng 12/2013 là thời điểm chấm dứt việc làm giữa Bà L và Ông Q, tại thời điểm này Ông Q vẫn không trả tiền lương cho Bà L. Như vậy tháng 12/2013 được xác định là thời điểm Bà L phát hiện quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên đến ngày 17/01/2017 Bà L mới có đơn yêu cầu độc lập đề nghị Ông Q phải trả tiền lương còn thiếu.
Theo quy định tại Điều 202 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì “Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 (một) năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Như vậy, thời điểm Bà L có đơn yêu cầu độc lập ngày 17/01/2017 là đã hết thời hiệu khởi kiện. Từ đó cho đến nay giữa Bà L và Ông Q cũng không có bất kỳ một văn bản nào xác nhận lại số nợ; phía Ông Q luôn khẳng định ông không thuê Bà L làm việc nên không nợ tiền lương của bà. Bà L không chứng minh được trong khoảng thời gian từ tháng 12/2013 đến ngày 17/01/2017 bà gặp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nào làm bà không thể khởi kiện đúng thời hạn.
Trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm, vào các ngày 04/12/2017, 05/12/2017 Ông Q có đơn yêu cầu Tòa án xem xét thời hiệu và tại phiên tòa sơ thẩm, Ông Q vẫn yêu cầu xem xét thời hiệu khởi kiện của Bà L.
Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 184, Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 202 của Bộ luật Lao động năm 2012 để đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của Bà L do hết thời hiệu khởi kiện là đúng quy định, có cơ sở. Do đó Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của phía nguyên đơn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm theo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa.
[2] Về án phí phúc thẩm: Bà L không phải nộp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 184, Điều 217 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 202 của Bộ luật Lao động năm 2012;
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;
Tuyên xử:
Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Bà L. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
1. Đình chỉ giải quyết vụ án lao động đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Bà L về việc yêu cầu Ông Q trả 20 (hai mươi) tháng tiền lương (từ tháng 4/2012 đến tháng 12/2013), mỗi tháng 8.000.000 đồng (Tám triệu đồng), tổng cộng 160.000.000 đồng (Một trăm sáu mươi triệu đồng).
2. Về án phí lao động: Bà L được miễn nộp án phí.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.
Bản án về tranh chấp đòi tiền lương số 710/2021/LĐ-PT
Số hiệu: | 710/2021/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 20/12/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về