Bản án về tranh chấp đòi tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản số 241/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

BẢN ÁN 241/2023/DS-PT NGÀY 07/07/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN, YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Trong các ngày 27 tháng 6 và ngày 07 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 128/2023/TLPT-DS ngày 17 tháng 5 năm 2023 về việc “Tranh chấp đòi tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2023/DS-ST ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 161/2023/QĐ-PT ngày 01 tháng 6 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: bà Nguyễn Thị Tuyết H, sinh năm 1985; địa chỉ: ấp N1, xã L, thành phố T, tỉnh Long An.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: ông Trần Vĩnh P, sinh năm 1965;

địa chỉ: số A, quốc lộ A1, ấp B1, xã B2, huyện T2, tỉnh Long An.

(Được uỷ quyền theo hợp đồng uỷ quyền ngày 04/5/2023)

- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn P1; địa chỉ trụ sở chính: số B, Ấp B, xã H, thành phố T, Long An; địa chỉ chi nhánh: số V, Tổ B2, Ấp G, xã H, thành phố T, tỉnh Long An.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: bà Lê Thị P2, Giám đốc; địa chỉ: số N, khu phố C, Phường N, thành phố T, tỉnh Long An.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trần Thị Mai H1, Văn phòng luật sư Trần Thị Mai H1, Đoàn luật sư tỉnh Long An.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Võ Thị Thúy D, sinh năm 1985; địa chỉ: Số M, Đường T3, Phường N, thành phố T, tỉnh Long An.

2. Bà Phan Thị Thủy N, sinh năm 1984; địa chỉ: ấp B1, xã B2, huyện T2, tỉnh Long An.

- Người kháng cáo: nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 10/3/2022 và các lời khai trong quá trình tham gia tố tụng tại Toà án cấp sơ thẩm, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H cũng như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Trần Vĩnh P trình bày:

Bà Nguyễn Thị Tuyết H nhiều lần gia công xay xát lúa gạo tại Chi nhánh Công ty TNHH P1 (gọi tắt là Công ty P1) số 01 do bà Lê Thị P2 làm giám đốc; địa chỉ số N, Tổ B2, Ấp G, xã H, thành phố T, tỉnh Long An. Cụ thể như sau:

- Ngày 09/3/2021, bà H xay vừa lúa và nếp tổng cộng là 84.808kg thành 699 bao gạo thì bà H đã lấy rồi, còn gửi lại tại kho nhà máy là 139 bao nếp, mỗi bao là 50kg. Như vậy là nhà máy còn giữ của bà H 6.950kg, giá mỗi 01kg gạo là 9.200đồng, quy ra tiền là 63.940.000đồng.

- Ngày 28/3/2021, bà H xay nếp là 73 tấn thành 491 bao. Bà H đã bán 243 bao, còn gửi lại tại kho nhà máy là 248 bao, mỗi bao là 50kg, như vậy là nhà máy còn giữ của bà H 12.400kg, giá mỗi 01kg nếp là 9.200đồng, nếu quy ra tiền là 114.080.000đồng.

- Ngày 29/5/2021, bà H xay 33.773kg ra 311 bao gạo và 64.227kg lúa ra 574bao gạo. Bà H đã lấy 574 bao gạo, còn gửi lại nhà máy 311 bao, mỗi bao là 50kg, mỗi 01kg gạo là 11.000đồng, nếu quy ra tiền là 171.050.000đồng.

- Ngày 26/12/2021, bà H lau 445 bao gạo, sau đó đem về 225 bao, còn để lại tại nhà máy 220 bao, mỗi bao là 50kg, giá mỗi 01kg là 11.000đồng, quy ra tiền là 121.000.000đồng.

Như vậy, tổng cộng Công ty P1 đã giữ của bà 918 bao gạo và nếp, mỗi bao 50kg tương đương là 45.900kg gạo và nếp, quy ra thành tiền là 470.070.000đồng. Bà H đã nhiều lần yêu cầu nhà máy cho xuất gạo, nếp đang lưu giữ tại nhà máy nhưng bà P2 là giám đốc nhà máy không cho xuất nên bà H khởi kiện yêu cầu Công ty P1 trả cho bà 45.900kg gạo và nếp. Nếu Công ty P1 không trả số gạo và nếp trên thì phải trả cho bà H số tiền là 470.070.000đồng.

Đồng thời bà H cũng yêu cầu Công ty P1 bồi thường thiệt hại với lý do bà P2 chiếm giữ trái phép, không cho bà H lấy ra 45.900kg gạo và nếp từ ngày 24/11/2021 cho đến nay dẫn đến thiệt hại cụ thể là:

- Tiền công lau gạo lại là 45.900kg x 500.000đ/tấn = 22.950.000đồng.

- Khi lau gạo, nếp lại thì hao hụt 2.300kg x 11.000đ/kg = 25.300.000đồng.

- Nếu số gạo, nếp trên khi lau sẽ bị mất giá là 1.000đ/kg, như vậy 45.900kg gạo và nếp giá thành sau khi lau lại giảm 45.900.000đồng - Đối với số gạo, nếp là 45.900kg bên Công ty P1 đang giữ của bà H tương đương số tiền là 470.070.000đồng. Bà H đề nghị Công ty P1 trả cho bà số tiền lãi phát sinh tương ứng trên số tiền 470.070.000đồng theo lãi suất cho vay là 12%/năm, cụ thể: 470.070.000đ x 12%/năm x 05 tháng.

Tổng cộng, bà H yêu cầu Công ty P1 bồi thường cho bà số tiền là 96.650.000đồng do việc chiếm giữ trái pháp luật 45.900kg gạo và nếp thuộc quyền sở hữu của bà H.

Tại phiên tòa, ông Trần Vĩnh P đại diện bà H xác định, bên phía bà H có sự thay đổi yêu cầu khởi kiện, cụ thể như sau:

- Bà H rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với 311 bao gạo được xay vào ngày 29/5/2021 với lý do trong quá trình tố tụng tại Tòa án, bên phía Công ty P1 đã giao trả lại cho bà H số gạo trên nên bà H không yêu cầu Công ty P1 trả lại số gạo này.

- Theo đơn khởi kiện, bà H cho rằng ngày 26/12/2021, bà H có lau lại 445 bao gạo, sau đó đem về 225 bao, còn để lại tại nhà máy 220 bao, mỗi bao là 50kg, giá mỗi 01kg là 11.000đ, quy ra tiền là 121.000.000đồng. Nay ông xác định ngày bà H lau lại gạo tại nhà máy Công ty P1 là ngày 26/12/2020, do lỗi đánh máy nên trong đơn khởi kiện đã đánh nhầm thành ngày 26/12/2021. Còn nội dung yêu cầu đối với ngày lau lại gạo này thì ông xác định vẫn giữ nguyên yêu cầu như trong đơn khởi kiện.

Như vậy, bà H xác định Công ty P1 chỉ còn giữ của bà 387 bao nếp và 220 bao gạo, mỗi bao 50kg tương đương là 30.350kg, quy ra thành tiền là 299.020.000đồng. Nay bà H khởi kiện yêu cầu Công ty P1 trả cho bà H 387 bao nếp và 220 bao gạo, tương đương là 30.350kg, nếu Công ty P1 không trả số gạo và nếp trên thì phải trả cho bà H số tiền là 299.020.000đồng.

Do số lượng gạo và nếp đang lưu giữ tại Công ty P1 thay đổi nên số tiền bà H yêu cầu Công ty P1 bồi thường thiệt hại cho bà H cũng thay đổi, cụ thể như sau:

- Tiền công lau gạo lại là 30.350kg x 500.000đ/tấn = 15.175.000đ.

- Khi lau gạo, nếp lại thì mỗi tấn bị hao hụt mất đi 5% trọng lượng, cụ thể:

+ Nếp 387 bao, mỗi bao 50kg sẽ là 19.350kg x 5% = 967,5kg x 9.200đ/kg = 8.901.000đ.

+ Gạo 220 bao, mỗi bao 50kg sẽ là 11.000kg x 5% = 550kg x 11.000đ = 6.050.000đ.

- Nếu số gạo, nếp trên khi lau sẽ bị mất giá là 1.000đ/kg, như vậy 30.350kg gạo và nếp giá thành sau khi lau lại giảm 30.350.000đồng.

- Đối với số gạo, nếp là 30.350kg bên Công ty P1 đang giữ của bà H tương đương số tiền là 299.020.000đồng. Bà H đề nghị Công ty P1 trả cho bà số tiền lãi phát sinh tương ứng trên số tiền 299.020.000đ theo lãi suất cho vay là 12%/năm, cụ thể: 299.020.000đ x 12%/năm x 12 tháng = 35.390.860đồng.

Tổng cộng, bà H yêu cầu Công ty P1 bồi thường cho bà số tiền là 95.866.860đồng do việc chiếm giữ trái pháp luật 30.350kg gạo, nếp thuộc quyền sở hữu của bà H.

Kèm theo yêu cầu khởi kiện, bà H có cung cấp cho Tòa án các chứng từ chứng minh rằng bà có xay lúa tại nhà máy Công ty P1; các nhân chứng gồm có bà Lê Thị Ngọc C, ông Hồ Văn C1, bà Hoàng Thị T1 (đại diện cho Công ty V) là những người trực tiếp mua hàng của bà H; bà Phan Thị Thủy N, bà Võ Thị Thúy D là những người trực tiếp xuất hàng cho bà. Ngoài ra, về phần chứng từ xuất kho thì bà xác định là do Công ty P1 quản lý sổ sách xuất kho, bà không có những chứng từ cho việc xuất kho vì sổ sách do bên Công ty P1 lưu giữ.

Bị đơn, Công ty TNHH P1 do bà Lê Thị P2 là người đại diện theo pháp luật trình bày:

Bà Lê Thị P2 là Giám đốc Công ty TNHH P1 chuyên xay xát lúa gạo có địa chỉ: Ấp G, xã H, thành phố T, tỉnh Long An. Bà xác định bà Nguyễn Thị Tuyết H là khách hàng thường xuyên xay lúa, gạo tại nhà máy Công ty P1. Căn cứ theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Tuyết H thì bà xác định bà H có xay lúa tại nhà máy của Công ty P1 vào các ngày như bà H đã nêu, cụ thể:

- Ngày 09/3/2021, bà H cho rằng còn gửi trong kho nhà máy 139 bao nếp thì bà xác định là không còn 139 bao nếp này vì số nếp này bà H đã bán cho bà Lê Thị Ngọc C. Đối với số nếp này thì vào đầu tháng 11/2021 Công ty P1 có yêu cầu bà H giải trình về hàng tồn kho nhưng bà H không đến mà gửi thông tin qua zalo của Phan Thị Thủy N (là thủ kho của Công ty P1) xác định bà H đã bán 139 bao, hàng hóa đã không còn trong kho nên Công ty không đồng ý trả lại cho bà H số nếp này.

- Ngày 28/3/2021, bà H có xay lúa tại nhà máy ra thành 491 bao nếp. Bà H cho rằng đã xuất 243 bao nhưng hoàn toàn không có chứng từ xuất lô hàng này, bà H cho rằng còn gửi lại 248 bao nhưng thông qua yêu cầu của bà H viết gửi qua zalo cho thủ kho Thủy N thì đã chứng minh bà H đã bán cho bà C hết. Số hàng hóa này đã không còn nên Công ty không đồng ý trả lại cho bà H số nếp này.

- Ngày 29/5/2021, bà H xay 33.773kg ra 311 bao gạo hiện còn gửi lại nhà máy nên bà đồng ý cho bà H nhận 311 bao gạo. Trong quá trình tố tụng tại Tòa án, Công ty P1 đã cho bà H nhận lại số hàng hóa này rồi. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra sổ sách thì Công ty P1 phát hiện ra trước đó bà H cũng đã xuất bán lô hàng này. Tuy nhiên, tại phiên tòa bà H đã rút lại yêu cầu khởi kiện đối với lô hàng này nên Công ty P1 cũng thống nhất sẽ khởi kiện yêu cầu bà H trả lại 311 bao nếp này bằng một vụ án khác.

- Ngày 26/12/2021, bà xác định là bà H không có xay lúa hay lau gạo tại Công ty P1 và vào tháng 7/2021, thủ kho Võ Thị Thúy D cũng đã nghỉ việc nên chứng cứ xay xát gạo do bà H cung cấp có chữ ký của Thúy D đưa ra là không đúng nên Công ty P1 không đồng ý.

Trong quá trình làm việc, hòa giải tại Tòa án, ông P và bà H xác định là do lỗi đánh máy nhầm từ ngày 26/12/2020 sang 26/12/2021 thì bà P2 xác định ngày 26/12/2020, bà H có lau lại 446 bao gạo có nguồn gốc được xay từ ngày 21/8/2020: cụ thể là ngày 21/8/2020, bà H xay ra đầu cây 486 bao, đến ngày 03/11/2020 bà H xuất 40 bao; còn lại 446 bao. Ngày 26/12/2020, bà H gia công lau lại còn 440 bao. Nhưng đến ngày 29/5/2021, bà H lại xuất trọn vẹn lô 486 bao; như vậy đã có xuất dư tài sản của Công ty P1 46 bao. Nay bà H đòi Công Ty P1 trả lại 220 bao gạo đối với lô hàng này thì Công Ty P1 không đồng ý.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà H, Công ty P1 có ý kiến như sau: từ cuối tháng 10/2021 và đầu tháng 11/2021, Công ty P1 tiếp tục yêu cầu bà H phải làm sáng tỏ những lô hàng không đồng nhất với số lượng gạo, nếp đã xay thông qua thủ kho Phan Thị Thủy N, yêu cầu giải trình những số lượng gạo, nếp. Phía Công ty P1 có chụp ảnh gửi qua zalo Phan Thị Thủy N nhưng bà Nguyễn Thị Tuyết H không có bất kỳ giải trình nào. Sau đó bà H cố tình lánh mặt không đến nhà máy. Công ty P1 xác định là bà H đã không còn hàng hóa được lưu giữ tại kho của nhà máy nên không đồng ý bồi thường cho bà H số tiền 95.866.860đ.

Ngày 20/10/2022, Công ty P1 có đơn phản tố có nội dung: do bà H làm ăn không trung thực, còn thông đồng với thủ kho trong nhà máy để đưa một số lượng lớn gạo, nếp của Công ty P1 ra khỏi Công ty, cụ thể như sau:

- Ngày 24/4/2021, bà H có đầu cây xay ra là 1.996 bao x 50kg (nếp chùm) gồm 04 lô: 232 bao + 378 bao + 756 bao + 630 bao. Ngày 12/8/2021, bà H ký xác nhận bán cho Công ty V lô 1.996 bao này. Công ty V đã bốc hàng các ngày sau:

+ Ngày 03/9/2021 xuất 232 và 68 bao.

+ Ngày 05/9/2021 xuất 1.008 bao.

+ Ngày 06/9/2021 xuất 931 bao.

Tổng cộng là đã xuất 2.239 bao trong khi đầu cây chỉ có 1.996 bao. Như vậy, Công ty P1 phát hiện bà H đã yêu cầu xuất dư 243 bao nếp là tài sản của Công ty P1 được quy thành tiền là 243 bao x 50kg = 12.150kg x 9.000đ/1kg = 109.350.000đ.

- Trong khoảng thời gian từ ngày 25/01/2021 đến ngày 09/9/2021, bà H xay lúa có ra các phụ phẩm như sau: Tấm 1 là 1.803 bao, Tấm 2 là 34 bao, phế đục và phế trong (nếp chùm và gạo) là 245 bao nhưng bà H đã xuất dư, cụ thể:

+ Tấm 1 (Tấm nếp và tấm gạo): 15 bao x 50kg bao = 750kg x 8.000đ/kg = 6.000.000đ.

+ Tấm 2 (Tấm nếp và tấm gạo): 21 bao x 50kg = 1.050kg x 6.800đ/kg = 7.140.000đ.

+ Phế đục và phế trong (nếp chùm và gạo) 05 bao x 50kg = 250kg x 7.000đ/kg = 1.750.000đ.

Như vậy, Công ty P1 yêu cầu bà Nguyễn Thị Tuyết H trả cho Công ty P1 số tiền 14.890.000đ.

Ngày 02/01/2023, Công ty P1 có đơn phản tố bổ sung có nội dung:

- Ngày 14/03/2020, bà H xay lô gạo ĐT8 là 353 bao. Từ ngày 15/3/2020 đến 24/3/2020, bà H đã xuất ra khỏi Công ty P1 là 394 bao gạo ĐT8. Như vậy, bà H đã xuất dư 41 bao gạo ĐT8 là tài sản của Công ty P1 ra khỏi nhà máy.

- Ngày 23/06/2020, bà H xay lô gạo ĐT8 là 744 bao + lẻ. Từ ngày 11/7/2020 đến 29/9/2020, bà H đã xuất khỏi Công ty P1 784 bao gạo ĐT8. Như vậy, bà H đã xuất dư 40 bao gạo ĐT8 là tài sản của Công Ty P1.

Vì vậy, Công ty P1 yêu cầu bà Nguyễn Thị Tuyết H phải trả cho Công ty P1 giá trị của 81 bao gạo xuất dư là: 81 bao x 50 kg x 9.500đ/ kg = 38.475.000đ.

Như vậy, qua 02 lần phản tố, Công ty P1 đề nghị Tòa án xem xét buộc bà H hoàn trả cho Công ty P1 tổng cộng 162.715.000đ.

Kèm theo bản tường trình, đơn yêu cầu phản tố, Công ty P1 có cung cấp cho Tòa án sổ sách, chứng từ chứng minh việc xay lúa của bà H, các đề xuất xuất hàng của bà H cùng với các sổ sách quản lý việc xuất hàng của bà H được lưu giữ tại nhà máy có chữ ký tên của các thủ kho Võ Thị Thúy D, Phan Thị Thủy N khi còn làm việc tại nhà máy.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Võ Thị Thúy D trình bày:

Từ năm 2015, bà làm công nhân kho gạo trong Công ty P1. Trong quá trình làm tại kho gạo thì bà nhận nhiệm vụ kiểm gạo và xuất nhập gạo vào kho nhà máy. Trong quá trình làm việc thì bà luôn tuân thủ các quy trình làm việc của nhà máy đưa ra như muốn xuất kho thì phải báo chủ nhà máy, chủ cho xuất thì mới xuất, kiểm tra xe ra vào xuất gạo, ghi chép sổ sách khối lượng hàng hóa xuất và được nhà máy kiểm tra sổ sách mỗi ngày. Đến tháng 7/2021, bà nghỉ việc ở nhà máy do dịch Covid. Trong quá trình làm việc tại nhà máy thì do khối lượng công việc nhiều, số lượng hàng hóa cũng nhiều nên bà cũng không thể tránh khỏi có những sai sót trong quá trình ghi chép chứng từ, sổ sách. Tuy nhiên, bà P2 là chủ nhà máy mỗi ngày đều kiểm tra chứng từ phát hiện và có nhắc nhở bà khắc phục.

Đối với bà Nguyễn Thị Tuyết H là một trong những người thường xuyên đến nhà máy của Công ty P1 xay lúa gạo. Khi xay lúa và xuất gạo cho bà H thì bà xác định luôn tuân thủ quy trình nhập kho, xuất kho đối với gạo của bà H, mỗi lần bà H xuất kho thì bà đều có ghi chép sổ sách đầy đủ.

Đồng thời, bà đề nghị Tòa án xem xét cho bà được vắng mặt trong quá trình tố tụng tại Tòa án với lý do bận công việc không thể đến theo triệu tập của Tòa án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Phan Thị Thủy N trình bày:

Từ năm 2019, bà được giao làm thủ kho lúa trong Công ty P1. Đến tháng 7/2021, bà được giao kiêm nhiệm luôn thủ kho bên lúa và bên gạo. Tuy nhiên, khi làm thủ kho bên gạo thì bà chỉ làm phụ chứ không làm chính. Lúc đó do thủ kho bên gạo là Võ Thị Thúy D nghỉ nên bà được chủ nhà máy kêu qua hỗ trợ xuất kho gạo.

Vì vậy, thời gian trước tháng 7/2021 thì D là thủ kho gạo làm gì, xuất gạo như thế nào bà không biết.

Trong quá trình làm thủ kho gạo, bà đều tuân thủ quy trình xuất kho của nhà máy như kiểm tra cân xe khi ra, khi vào, báo với chủ nhà máy về việc xuất kho, số lượng xuất kho, số cây nào của lái (người xay lúa) được xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại nhà máy thì bà có để xảy ra một số sai sót như sau:

- Ngày 06/9/2021, bà có xuất hàng cho Công ty V mua hàng của bà H số xe 62C 031.51 tổng cộng 931 bao gồm 02 lô 11 bao lô 491 và 920 bao lô 1.996 trong đó 11 bao là lô 491 chứ không phải là lô 1.996 và bà cũng đã báo chủ nhà máy rồi mới xuất.

- Ngày 04/9/2021, bà có xuất hàng cho Công ty V mua hàng của bà H số xe 60C 494.02 tổng cộng 1.000 bao gồm 05 lô: 73 bao lô 462; 382 bao lô 382; 245 bao lô 245; 232 bao của lô 232 và 68 bao của lô 1.996. Do bà mới tiếp quản kho gạo, chưa quen công việc và do kho chật nên các vị trí các cây gạo đã bị đảo nên bà đã có sai sót là bà đã xuất 232 bao nằm trong lô 491 nhưng lại ghi là xuất 232 bao trong lô 232 như đã ghi trong sổ xuất. Nhưng thực tế là không có lô 232 của bà H. Sau sơ xuất này, bà phát hiện và đã có gọi điện báo cho nhà máy.

Đồng thời, bà đề nghị Tòa án xem xét cho bà được vắng mặt trong quá trình tố tụng tại Tòa án với lý do bận công việc, không thể đến theo triệu tập của Tòa án.

Nguyên đơn, bà Nguyễn Thị Tuyết H do ông Trần Vĩnh P đại diện trình bày đối với yêu cầu phản tố của Công ty P1 có nội dung:

Trong khoảng thời gian từ ngày 25/01/2021 đến ngày 09/9/2021, bà H xay lúa tại nhà máy có ra các phụ phẩm như sau: Tấm 1 là 1.824 bao, Tấm 2 là 49 bao + 1 túi lẻ 27kg, phế đục và phế trong là 246 bao + 9 túi lẻ. Số lượng các phụ phẩm này đã được bà H và bà P2 quyết toán với nhau. So số liệu này với số liệu do Công ty P1 cung cấp trong đơn phản tố có sự chênh lệch nhau thì thấy rằng đối với Tấm 1 Công ty P1 còn thiếu bà H 06 bao (mỗi bao 50kg), Tấm 2 thì Công ty P1 quyết toán là 49 bao + 1 túi 27kg nhưng Công ty P1 cho rằng 55 bao là không có căn cứ. Còn phế đục, phế trong thì là 246 bao và 09 túi lẻ, do thủ kho và bốc xếp dồn các túi lại thì thành 04 bao là đủ 250 bao đúng theo số liệu của Công ty P1 đưa ra nên bà H không đồng ý yêu cầu phản tố của Công ty P1.

Ngoài ra, đối với yêu cầu phản tố có nội dung cho rằng bà H đã xuất dư của Công ty P1 là: 243 bao nếp chùm x 50kg = 12.150kg x 9.000đ/kg = 109.350.000đ; 81 bao gạo ĐT8 x 50 kg x 9.500đ/kg = 38.475.000đ là không có căn cứ nên bà H không đồng ý trả cho Công ty P1 số tiền này.

Bà H và ông P cũng xác định việc xuất kho các phụ phẩm như Tấm 1, Tấm 2, phế đục phế trong cũng có chứng từ được lưu giữ tại nhà máy Công ty P1.

Vụ án được Toà án cấp sơ thẩm kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và lập biên bản không hoà giải được do phía bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt và quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2023/DS-ST ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố T đã căn cứ các Điều 26, 35, 39, 217, 218, 228, 271 và 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 166, 170 và 357 Bộ luật dân sự; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án đã tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Tuyết H yêu cầu Công ty TNHH P1 trả cho bà 30.350kg gạo, nếp, được quy ra tiền là 299.020.000đ và 95.866.860đ tiền bồi thường thiệt hại về tài sản cho bà Nguyễn Thị Tuyết H do việc chiếm giữ trái pháp luật 30.350kg gạo, nếp thuộc quyền sở hữu của bà H.

2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Tuyết H về việc yêu cầu Công ty TNHH P1 trả cho bà 15.550kg thuộc lô số 311 bao gạo được xay vào ngày 29/5/2021.

Bà Nguyễn Thị Tuyết H không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty TNHH P1 về việc yêu cầu bà Nguyễn Thị Tuyết H trả cho Công ty TNHH P1 số tiền 162.715.000đ là giá trị của 16.200kg gồm gạo, nếp và 2.050kg tấm 1, Tấm 2, phế đục và phế trong do bà H đã xuất dư tại nhà máy của Công ty TNHH P1.

Buộc bà Nguyễn Thị Tuyết H phải hoàn trả cho Công ty TNHH P1 số tiền 162.715.000đ là giá trị của 16.200kg gồm gạo, nếp và 2.050kg Tấm 1, Tấm 2, phế đục và phế trong thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH P1.

4. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi thực hiện nghĩa vụ do chậm trả tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian còn phải thi hành.

5. Về chi phí tố tụng: bà Nguyễn Thị Tuyết H phải chịu 3.000.000đ tiền chi phí tố tụng, bà H đã nộp xong.

6. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Nguyễn Thị Tuyết H phải nộp 26.304.074đ án phí dân sự sơ thẩm. Khấu trừ số tiền tạm ứng án phí bà H đã nộp là 13.335.000đ theo biên lai thu số 0001866 ngày 03/10/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Long An, bà H phải nộp thêm 12.970.000đ.

Công ty TNHH P1 được nhận lại số tiền tạm ứng án phí là 3.106.000đ theo biên lai thu số 0001816 ngày 01/11/2022 và 962.000đ theo biên lai thu số 0002019 ngày 09/01/2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Long An.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền và nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 04 tháng 4 năm 2023, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H làm đơn kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bác yêu cầu phản tố của bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không thoả thuận được với nhau, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Trần Vĩnh P vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo, yêu cầu bị đơn trả lại số gạo nếp còn giữ lại là 387 bao nếp và 220 bao gạo, tương đương 30.350kg, quy ra thành tiền là 299.020.000đồng, đồng thời yêu cầu bồi thường số tiền lau gạo, số tiền hao hụt do lau gạo và tiền lãi với số tiền 95.866.860đồng; không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn. Ông Trần Vĩnh P và nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H thống nhất trình bày, việc bà H yêu cầu Công ty P1 do bà P2 đại diện hoàn trả 387 bao nếp là hoàn toàn có cơ sở, được chứng minh bằng lời khai của bà Thủy N, của ông C1, khi bà C xác nhận bà C không trực tiếp nhận nếp của bà H mà người trực tiếp nhận là ông C1, ông C1 cung cấp chứng cứ ông C1 nhận 3765 bao nếp trong tổng số 4152 bao, bà P2 còn giữ lại 387 bao. Một chứng khác đó là đoạn hội thoại giữa bà P2 và bà N thể hiện, bà P2 không cho xuất lô 139 và 248 bao, vì vậy bà H mới xuất lô 2118 (2911) để bù vào. Các tin nhắn zalo trao đổi giữa bà H và bà N thể hiện đề xuất để xuất hàng chứ không phải xuất hàng xong. Đối với lô gạo 486 bao, sau đó lau lại còn 440 bao, bà H đã mang về 220, còn lại 220 bao, bà H đã chụp hình ảnh còn lại cho Toà án khi khởi kiện, trong khi đó bà P2 không chứng minh đã giao cho bà H 486 bao. Đối với yêu cầu phản tố của bà P2 yêu cầu bà H 243 bao nếp và 81 bao gạo xuất dư là không có căn cứ, các hoá đơn chứng từ có liên quan bà H không còn giữ, tuy nhiên các hóa đơn, phiếu cân và phiếu nhận hàng bà P2 đưa ra không hợp lý, không thể hiện có người ký nhận, có những hoá đơn xuất vào 21 giờ không phù hợp với thời giờ làm việc, đối với yêu cầu phản tố của bà P2 yêu cầu bà H trả các phụ phẩm bà P2 rút các yêu cầu này phía bà H đồng ý.

Bị đơn Công ty P1 do bà Lê Thị P2 đại diện rút một phần yêu cầu phản tố đối với yêu cầu bà H bồi thường 15 bao tấm 1; 21 bao tấm 2; 05 bao phế đục và phế trong, không rút đơn phản tố đối với các yêu cầu khác và không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, trình bày cho rằng do phía nguyên đơn khởi kiện nên bị đơn mới có yêu cầu phản tố, phía bị đơn còn lưu giữ toàn bộ các hoá đơn chứng từ có liên quan và đã đối chiếu trong quá trình Toà án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án, các chứng từ này được lưu trong sổ gốc của Nhà máy, thời gian hoạt động của Nhà máy vào cả ban đêm tuỳ thuộc vào lượng hàng không phải chỉ hoạt động vào giờ hành chính như trình bày của phía nguyên đơn.

Luật sư Trần Thị Mai H1 phát biểu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của phía nguyên đơn, trình bày cho rằng, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ, khi chính bà H thừa nhận đã nhận đủ số hàng là 139 bao nếp của lô 699 và 248 bao nếp của lô 243, được xác nhận của bà C là người mua hàng của bà H. Trong quá trình khởi kiện, bà H đã nhiều lần thay đổi lời khai cho đến khi Toà án tiến hành đối chất, trong khi đó bà P2 đã chứng minh được lời trình bày của mình qua các sổ sách chứng từ hiện còn đang lưu giữ tại các sổ gốc.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc chấp hành pháp luật trong giai đoạn xét xử phúc thẩm cho rằng: Toà án cấp phúc thẩm và các đương sự chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H trong thời hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Xét yêu cầu kháng cáo của bà H yêu cầu Toà án chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà H, bác yêu cầu phản tố của bị đơn thấy rằng:

Bà H và bà P2 trình bày thống nhất quy trình xuất kho tại Nhà máy Công ty TNHH P1 như sau: bà H là chủ hàng, khi muốn xuất hàng thì sẽ thông báo cho Nhà máy bằng cách viết vào Sổ đề xuất được lưu giữ tại Nhà máy trong đó có nội dung xuất bán lô hàng nào, bán cho ai, bán bao nhiêu. Từ đề xuất của bà H, thư ký hoặc thủ kho trong Nhà máy sẽ sắp xếp hàng hóa để khi có người đến nhận hàng của bà H thì sẽ cho xuất hàng. Đối với quy trình này thì do Nhà máy quản lý từ khâu cân xe, cân hàng, ghi biển số xe, ghi tên người bán, người mua, khối lượng hàng xuất đều được lưu giữ trong sổ sách của Nhà máy. Việc giao dịch nhận tiền bán hàng của bà H là do bà H tự thực hiện, Nhà máy chỉ chịu trách nhiệm xuất hàng trên đề xuất của bà H. Như vậy, cần căn cứ vào sổ sách, chứng từ xuất kho lưu giữ tại Nhà máy Công ty TNHH P1 và xác nhận của thủ kho, người mua hàng để xem xét giải quyết vụ án.

Về yêu cầu của bà H khởi kiện Công ty TNHH P1 trả cho bà H 139 bao nếp được xay ngày 09/3/2021 và 248 bao nếp được xay ngày 28/3/2021:

Theo trình bày của bà P2, vào đầu tháng 11/2021 Công ty TNHH P1 có yêu cầu bà H giải trình về hàng tồn kho nhưng bà H không đến mà gửi ảnh chụp giấy đề xuất qua zalo của Phan Thị Thủy N thể hiện bà H đã bán cho bà C 2034 bao nếp trong đó có 139 bao (xay ngày 09/3) và 248 bao (xay ngày 28/3) (bút lục 415). Vấn đề này được ông Hồ Văn C1, bà Lê Thị Ngọc C là người mua hàng hóa của bà H xác định đã mua của bà H 2034 bao nếp (bút lục số 416).

Bà H cho rằng do phía Nhà máy không cho xuất hàng nên bà H phải lấy lô hàng 2911 bao xay ngày 27/4 để thế qua cho bà C cho đủ hàng. Tuy nhiên, bà P2 cung cấp được chứng cứ chứng minh lô hàng 2911 xay ngày 27/4 của bà H đã được bà H đề xuất bán ở các lần khác và hiện lô hàng này cũng không còn trong kho (bút lục 520). Do đó, không có cơ sở xác định Công ty TNHH P1 không xuất kho 139 bao nếp được xay ngày 09/3/2021 và 248 bao nếp được xay ngày 28/3/2021, nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của bà H.

Về yêu cầu bà H khởi kiện Công ty TNHH P1 trả cho bà H 220 bao gạo được lau lại vào ngày 26/12/2020:

Bà H và bà P2 xác định ngày 26/12/2020, bà H có lau gạo lại tại nhà máy với số lượng là 446 bao gạo, sau khi lau lại, lượng gạo hao hụt nên còn lại là 440 bao gạo.

Bà H cho rằng, sau khi bà lau xong đã lấy về 220 bao, còn lại 220 bao nên đề nghị Công ty TNHH P1 giao trả cho bà 220 bao gạo này.

Phía Công ty TNHH P1 thì cho rằng bà H không hề lấy 220 bao gạo này vào thời điểm ngày 26/12/2020 mà đến ngày 29/5/2021 bà H đã xuất 486 bao gạo (bút lục 506); như vậy bà H đã xuất dư của Công ty TNHH P1 46 bao gạo. Công ty TNHH P1 cũng cung cấp chứng từ xác định việc bà H đề xuất xuất 486 bao gạo được xay từ ngày 21/8/2020. Đồng thời, bà H cũng xác định là trong khoảng thời gian từ ngày 21/8/2020 đến ngày 29/5/2021, bà H không có lần nào xay lúa ra được lô hàng 486 bao nào khác ngoài lô 486 được xay ngày 21/8/2020.

Như vậy, bà H không cung cấp được chứng từ xác định là bà đã mang về trước 220 bao gạo, còn gửi lại kho Công ty TNHH P1 220 bao, ngược lại, phía Công ty TNHH P1 lại chứng minh được việc bà H yêu cầu xuất kho 486 bao gạo trong đó có luôn cả 220 bao mà bà H đang khởi kiện. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của bà H.

Đối với nội dung bà H khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH P1 bồi thường cho bà H số tiền 95.866.860 đồng do việc chiếm giữ trái pháp luật 30.350 kg gạo, nếp thuộc quyền sở hữu của bà H thì do yêu cầu hoàn trả 30.350 kg gạo, nếp không có cơ sở chấp nhận nên yêu cầu bồi thường cũng không có căn cứ xem xét.

Về yêu cầu phản tố của Công ty TNHH P1 cho rằng bà H xuất dư 243 bao nếp là tài sản của Công ty TNHH P1 được quy thành tiền là 243 bao x 50kg = 12.150kg x 9.000đ/1kg = 109.350.000đồng trong những lần bà H bán hàng cho Công ty V:

Bà H cho rằng bà chỉ đề xuất, xuất hàng đúng số lượng hàng hóa của bà đang gửi giữ tại kho Công ty TNHH P1 chứ không thể nào đề xuất để lấy thêm hàng hóa của Công ty TNHH P1 được vì bà không thể tự lấy hàng mà không có sự đồng ý của Công ty.

Bà P2 cho rằng: ngày 24/4/2021, bà H có đầu cây xay ra là 1.996 bao x 50kg (nếp chùm) là tổng của 04 lô: 232 bao + 378 bao + 756 bao + 630 bao (bút lục 210). Ngày 12/8/2021, bà H ký xác nhận bán cho Công ty V 2.239 bao trong đó có lô 1.996 bao này. Công ty V đã bốc hàng các ngày sau:

+ Ngày 03/9/2021, Công ty TNHH P1 đã xuất cho Công ty V 1.000 bao trong đó gồm 73 bao của lô 462 bao, 382 bao của lô 382 bao, 232 bao của lô 232 bao, 245 bao của lô 245, 68 bao của lô 1.996 bao. Được xác nhận của tài xế xe là Nguyễn Văn H3 với số xe là 60C.49402 được lưu vào sổ khi nhận hàng (bút lục 209).

Như vậy, trong lần xuất hàng này thì lô hàng 1.996 bao (là lô hàng tổng của 04 lô gồm 232 bao + 378 bao + 756 bao + 630 bao được xay ngày 24/4/2021) đã được lấy 68 bao; còn lại 1.928 bao, đồng thời bà H lại xuất thêm lô 232 bao của lô 232, nhưng trong thời gian này bà H xác định là bà chỉ có xay được một lô 232 bao đã nằm trong lô tổng là 1.996 bao. Có nghĩa là bà H đã bán lô 232 bao lần thứ 02 tại Nhà máy Công ty TNHH P1.

Bà Phan Thị Thủy N (là thủ kho của Công ty TNHH P1) cũng xác định là do có sơ xuất bà N đã xuất dư hàng của bà H 232 bao trong lô 491 nhưng lại ghi là xuất 232 bao trong lô 232.

+ Ngày 05/9/2021, Công ty TNHH P1 xuất cho Công ty V 1.008 bao của lô 1.996 của bà H có chữ ký và viết tên tài xế là Lữ Văn B với số xe là 62H.00537 (bút lục 208). Sau lần xuất hàng này, lô 1.996 bao còn lại là 920 bao.

+ Ngày 06/9/2021, Công ty TNHH P1 xuất cho Công ty V 931 bao của lô 1.996 của bà H có chữ ký và viết tên tài xế là Huỳnh Minh H4 với số xe là 62C.03251) (bút lục 207). Lần xuất hàng này, lô 1.996 bao chỉ còn 920 bao mà xuất tới 931 bao là đã xuất dư 11 bao.

Bà Phan Thị Thủy N cũng xác định là do có sơ xuất bà N đã xuất dư hàng của bà H tổng cộng 931 bao gồm 02 lô 11 bao lô 491 và 920 bao lô 1.996 trong đó 11 bao là lô 491 chứ không phải là lô 1.996”.

Các lần xuất hàng này đều phù hợp với biển số xe và số lượng hàng hóa thực nhận do bên Công ty V cung cấp (bút lục số 206, 56).

Như vậy, qua các lần xuất bán cho Công ty V, bà H đã xuất bán cho Công ty V dư 232 bao thuộc lô 232 bao và 11 bao thuộc lô 1.996 bao, tổng cộng là 243 bao nên yêu cầu của Công ty là có cơ sở.

Đối với yêu cầu phản tố của Công ty TNHH P1 cho rằng bà H xuất dư 81 bao gạo ĐT8 là tài sản của Công ty TNHH P1 được quy thành tiền là 81 bao x 50 kg x 9.500đ/kg = 38.475.000đ. Cụ thể:

+ Ngày 14/03/2020, bà H xay lô gạo ĐT8 là 353 bao. Từ ngày 15/3/2020 đến 24/3/2020, bà H đã xuất ra khỏi Công ty TNHH P1 là 394 bao gạo ĐT8, bà H đã xuất dư 41 bao gạo ĐT8 là tài sản của Công ty TNHH P1 ra khỏi nhà máy.

+ Ngày 23/06/2020, bà H xay lô gạo ĐT8 là 744 bao + lẻ. Từ ngày 11/7/2020 đến 29/9/2020, bà H đã xuất khỏi Công ty TNHH P1 784 bao gạo ĐT8, bà H đã xuất dư 40 bao gạo ĐT8.

Công ty TNHH P1 có cung cấp các chứng từ chứng minh việc xay lúa cũng như các chứng từ đề xuất xuất hàng của bà H đối với các lô hàng trên (bút lục từ số 93 đến 149).

Bà H xác định là vào các ngày 14/3/2020 và 23/6/2020 bà có xay lúa tại Nhà máy Công ty TNHH P1 như trên. Do các lô hàng này xay đã lâu và cũng không có tranh chấp nên bà không còn lưu giữ chứng từ gì liên quan đến các lô hàng này nên bà không nhớ việc bà đã xuất bán như thế nào.

Xét thấy, bên phía Công ty TNHH P1 cung cấp đầy đủ các chứng từ của quá trình xay lúa ra thành phẩm đến quá trình xuất bán được lưu giữ tại Nhà máy của Công ty TNHH P1, do đó có căn cứ buộc bà H phải trả cho Công ty TNHH P1 số hàng xuất dư là 81 bao gạo ĐT8 là tài sản của Công ty TNHH P1 được quy thành tiền là 81 bao x 50 kg x 9.500đ/ kg = 38.475.000đ.

Từ những căn cứ nêu trên, kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H không có cơ sở chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, giữ nguyên một phần Bản án sơ thẩm.

Đối với yêu cầu phản tố của phía bị đơn về bồi thường các phụ phẩm, tấm 1 là 15 bao; tấm 2 là 21 bao; phế đục và phế trong 05 bao, được quy thành tiền là 14.890.000 đồng. Tại phiên toà, bà P2 rút yêu cầu khởi kiện, bà H đồng ý với việc rút một phần nội dung đơn phản tố của bà P2. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, hủy một phần Bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết một phần vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà H có cung cấp các đoạn ghi âm thể hiện nội dung trao đổi công việc giữa bà P2 và bà N. Tuy nhiên, các nội dung ghi âm do bà H cung cấp chưa có giám định về thời gian, địa điểm ghi âm, có sự chỉnh sửa, cắt ghép hay không. Bà P2 cũng xác định trong quá trình làm việc có trao đổi bằng lời nói với bà N nhưng việc xuất hàng đều được ghi chép trong chứng từ, sổ sách được lưu giữ tại Công ty TNHH P1. Do đó, không có cơ sở xem xét các nội dung ghi âm do bà H cung cấp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H được thực hiện đúng theo quy định tại các Điều 272, 273 và 276 Bộ luật Tố tụng dân sự, trong phạm vi uỷ quyền, nên được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về sự vắng mặt của các đương sự: những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị Thuý D, bà Phan Thị Thủy N vắng mặt, được triệu tập hợp lệ, có yêu cầu giải quyết vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Toà án xét xử vắng mặt bà D và bà N.

[3] Bà Nguyễn Thị Tuyết H khởi kiện yêu cầu Công ty P1 do bà Lê Thị P2 đại diện hoàn trả 918 bao gạo và nếp, tương đương là 45.900kg gạo và nếp, quy ra thành tiền là 470.070.000đồng, trong quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn rút lại yêu cầu khởi kiện đối với 311 bao gạo xay vào ngày 29/5/2021, còn yêu cầu 607 bao gạo và nếp, tương đương 30.350kg, thành tiền là 299.020.000đồng, ngoài ra bà H còn yêu cầu bồi thường tiền công lau gạo, tiền hao hụt khi lau gạo nếp, tiền lãi phát sinh tổng cộng là 95.866.860đồng. Ngược lại phía bị đơn có yêu cầu phản tố, yêu cầu bà H hoàn trả lại 243 bao nếp và 81 bao gạo xuất dư, 41 bao tấm, phế đục, phế trong với tổng số tiền 162.715.000đồng. Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn nên phía nguyên đơn kháng cáo.

[4] Tại phiên toà phúc thẩm, bà P2 đại diện cho Công ty P1 rút yêu cầu khởi kiện phản tố yêu cầu bà H hoàn trả 41 bao tấm, phế đục, phế trong với tổng số tiền 14.890.000đồng, việc rút yêu cầu phản tố được phía nguyên đơn đồng ý. Căn cứ Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử huỷ một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với phần yêu cầu bị đơn đã rút.

[5] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H yêu cầu Công ty P1 hoàn trả 387 bao nếp, 220 bao gạo và yêu cầu bồi thường thiệt hại thấy rằng:

[5.1] Đối với yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của bà H yêu cầu Công ty P1 trả lại 139 bao nếp xay vào ngày 09/3/2021 và 248 bao nếp xay vào ngày 28/3/2021 thấy rằng:

Bà H không lưu giữ các hoá đơn chứng từ thể hiện một cách cụ thể rõ ràng, số lượng nếp xay vào ngày 09/3/2021 và ngày 28/3/2021, số lượng bao nếp bà H nhận xuất hàng, số lượng bao nếp còn lại làm cơ sở khởi kiện, nên Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào lời trình bày của các bên, căn cứ vào những tài liệu có liên quan làm cơ sở giải quyết vụ án.

Bà H trình bày cho rằng, bà H có đề xuất phía Công ty P1 xuất 139 bao nếp xay vào ngày 09/3/2021 và 248 bao nếp xay vào ngày 28/3/2021, tuy nhiên do phía Công ty P1 không cho xuất hàng nên bà H phải lấy hàng từ một lô hàng khác đó là lô 2911 xay vào ngày 27/4 để bán cho bà C. Tuy nhiên, theo xác nhận của bà H thì bà H có bán cho bà C 139 bao nếp vào ngày 09/3 và 248 bao nếp vào ngày 28/3, tin nhắn bà H gửi được bà H xác nhận (BL 217). Đối với lô 2911 bà H cho rằng bà H đã xuất 793 bao còn lại 2118 bao, tuy nhiên bà H không chứng minh được, tại phiên toà phúc thẩm bà H trình bày số lượng bao xuất cho lô 2911 không phù hợp với các số liệu khác và cũng không có chứng cứ chứng minh. Căn cứ vào chứng cứ do phía bà P2 đại diện cho Công ty P1 cung cấp thì lô 2911, bà H xuất 150 bao vào ngày 13/8/2021 và 2761 bao vào ngày 22/9/2021, tổng cộng là 2911 bao phù hợp với số bao mà bà H xay ra, có thể hiện chữ ký của bà H (BL 520), nên không có căn cứ cho rằng Công ty P1 còn giữ của bà H 387 bao nếp. Toà án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà H là có căn cứ.

[5.2] Đối với yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của bà H yêu cầu Công ty P1 trả lại 220 bao gạo lau vào ngày 26/12/2021 thấy rằng:

Bà H trình bày có khác nhau đối với yêu cầu này, trong đơn khởi kiện ngày 10/3/2022, bà H yêu cầu phía bị đơn hoàn trả 220 bao gạo lau vào ngày 26/12/2021, bà H cho rằng vào ngày 26/12/2021 bà H lau 445 bao gạo, đã mang về 225 bao, còn lại 220 bao, phía Công ty không cho xuất ra nên bà H yêu cầu Công ty hoàn trả. Khi Toà án tiến hành đối chất, bà H xác định thời gian lau gạo là ngày 26/12/2020. Trong biên bản phiên toà (BL2021) bà H xác định số gạo lau là 446, lau xong được 440 và đòi lại là 215 bao, sau đó xác định lại số gạo yêu cầu là 220 do bà H không nhớ chính xác số gạo lau và còn lại. Toà án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào những chứng cứ do phía bị đơn xuất trình để xác định vào ngày 26/12/2020, bà H có lau 446 bao gạo (BL 506B), sau khi lau xong lượng gạo hao hụt còn lại là 440 bao, ngày 29/5/2021 bà H xuất trọn vẹn lô 486 bao, như vậy lô gạo lau vào ngày 26/12/2020 không còn để lại Công ty nên việc bà H đòi phía Công ty hoàn trả số gạo 220 bao là không có cơ sở.

[5.3] Đối với yêu cầu khởi kiện của bà H yêu cầu Công ty P1 bồi thường số tiền công lau, tiền hao hụt do lau gạo nếp, tiền lãi chậm trả do hành vi chiếm giữ 30.350kg gạo, nếp trái pháp luật của Công ty P1 gây ra là 95.866.860đồng. Do không có căn cứ chấp nhận yêu cầu đòi số gạo nếp, nên cũng không có căn cứ để buộc Công ty P1 phải bồi thường thiệt hại cho bà H số tiền là 95.866.860đồng, vì vậy nên giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần này.

[6] Xét yêu cầu kháng cáo của bà H không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn thấy rằng:

[6.1] Công ty P1 yêu cầu bà H hoàn trả 243 bao nếp và 81 bao gạo xuất dư dựa trên các tài liệu do phía Công ty đưa ra, bà H cùng người đại diện hợp pháp của bà H trình bày cho rằng, các tài liệu liên quan đến yêu cầu phản tố của phía bị đơn thì bà H không còn giữ do thời gian đã lâu, phía bà P2 đại diện cho Công ty P1 đưa ra các phiếu xuất hàng không phù hợp về mặt thời gian làm việc, phiếu cân và phiếu xuất hàng cũng không phù hợp, bà H trình bày cho rằng, bà H chỉ đề xuất xuất hàng đúng số lượng hàng hóa của bà H đang gửi giữ tại kho Công ty P1 chứ không thể nào đề xuất để lấy thêm hàng hóa của Công ty P1 được vì bà H không thể tự lấy hàng mà không có sự đồng ý của Công ty. Tuy nhiên, Công ty P1 không đăng ký giới hạn về thời giờ làm việc, các phiếu cân hàng và xuất hàng của bà H phù hợp với các xe và tài xế nhận hàng vì vậy việc căn cứ vào các hoá đơn chứng từ do phía bà P2 xuất trình là có căn cứ.

[6.2] Đối với yêu cầu của Công ty P1 yêu cầu bà H hoàn trả 243 bao nếp xuất dư thấy rằng:

Căn cứ vào sổ lưu của bà H (BL 521) thì bà H có xay lô nếp chùm gồm 04 lô vào ngày 24/4/2021 gồm các cây 232, 378, 756 và 630; ngày 03/9/2021, bà H xuất 232 bao của cây 232; 68 bao của cây 1996, do tài xế Nguyễn Văn H3 nhận (BL 519); ngày 05/9/2021 xuất 1008 bao của lô 1996 (BL 518) do tài xế Lữ Văn B nhận; ngày 06/9/2021 bà H xuất 931 bao của cây 1996 do tài xế Huỳnh Minh H4 nhận (BL 517). Tổng số hàng mà bà H xuất của lô 1996 là 2239 bao là xuất dư 243 bao. Các lần xuất hàng này đều phù hợp với biển số xe và số lượng hàng hoá thực nhận do bên Công ty V cung cấp. Bà H kháng cáo không cung cấp chứng cứ mới nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà H về vấn đề này.

[6.3] Đối với yêu cầu của Công ty P1 yêu cầu bà H hoàn trả 81 bao gạo ĐT8 xuất dư thấy rằng:

Bà P2 đại diện cho Công ty P1 cho rằng, đối với lô 353 bao gạo ĐT 8 được xay vào ngày 14/3/2020 phía Công ty đã xuất dư 41 bao gạo, thì căn cứ vào các chứng cứ do bà P2 cung cấp từ bút lục 597 đến bút lục số 617, bút lục 724 đến 746 thì lô 353 đã xuất 394 bao gạo gồm 50 bao (BL 724), ngày 16/3 xuất 20 bao, 30 bao (BL 727), 30 bao + 20 bao + 48 bao (BL 732), 20 bao (BL 734), 50 bao (BL 736), 50 bao ngày 22/3, 50 bao (BL 741) và 26 bao (BL 746), trong sổ có thể hiện chữ ký xác nhận của bà H hoặc tài xế ký xác nhận.

Đối với lô 744 và bao lẻ được xay vào ngày 23/6/2020 thì căn cứ vào sổ lưu của bà P2 từ bút lục số 560 đến bút lục số 594 thể hiện, lô 744 được xuất tổng cộng là 784 bao gồm các lần xuất hàng như sau: 30 bao vào ngày 11/7; 60 bao, 20 bao ngày 22/7; 22 bao, 30 bao, 20 bao ngày 27/7; 36 bao, 50 bao ngày 01/8; 60 bao ngày 02/8; 22 bao, 27 bao, 100 bao ngày 05/8; 50 bao, 56 bao ngày 25/8; 52 bao ngày 26/8; 52 bao ngày 13/9, 50 bao, 47 bao ngày 29/9. Trong sổ có xác nhận chữ ký của bà H, phía bà P2 chứng minh được số bao xuất dư nên Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của bà P2 đại diện cho Công ty P1 là có cơ sở.

[7] Từ những nhận định trên, không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện cũng như yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, mà cần bác yêu cầu này, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[8] Tại phiên toà phúc thẩm, bà H xuất trình băng ghi âm thể hiện cuộc hội thoại giữa bà D và bà H, bà P2, tuy nhiên các đoạn ghi âm không rõ ràng, giữa bà P2 và bà H đã giao dịch trong thời gian dài, với các số lượng hàng hoá khác nhau, đoạn ghi âm là các đoạn hội thoại không thể xác định được, bà P2 đại diện cho bị đơn Công ty P1 không thừa nhận, chứng cứ này xuất trình sau khi Toà án cấp sơ thẩm kiểm tra việc giao nộp tiếp cận, công khai chứng cứ, không phù hợp quy định tại Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự, nên cũng không căn cứ vào chứng cứ này làm cơ sở giải quyết vụ án.

[9] Tại phiên toà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là có cơ sở và cũng phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[10] Các khoản khác của Bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thep quy định của pháp luật.

[11] Về án phí phúc thẩm: nguyên đơn kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 299 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết H. Chấp nhận việc rút một phần yêu cầu phản tố của bị đơn.

Huỷ một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2023/DS-ST ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố T về giải quyết đòi bồi thường đối với Tấm 1 là 15 bao; Tấm 2 là 21 bao; Phế đục và phế trong 05 bao được quy thành tiền là 14.890.000đồng.

Giữ nguyên một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2023/DS-ST ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố T.

Căn cứ vào Điều 26, Điều 37, Điều 39, Điều 147, 148, 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 166; Điều 170; Điều 357 Bộ luật dân sự; Điều 26, 27, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Tuyết H yêu cầu Công ty TNHH P1 trả cho bà H 30.350kg gạo, nếp, được quy ra tiền là 299.020.000đ và 95.866.860đ tiền bồi thường thiệt hại về tài sản cho bà Nguyễn Thị Tuyết H do việc chiếm giữ trái pháp luật 30.350kg gạo, nếp thuộc quyền sở hữu của bà H.

2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Tuyết H về việc yêu cầu Công ty TNHH P1 trả cho bà 15.550kg thuộc lô số 311 bao gạo được xay vào ngày 29/5/2021.

Bà Nguyễn Thị Tuyết H không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty TNHH P1 về việc yêu cầu bà Nguyễn Thị Tuyết H trả cho Công ty TNHH P1 số tiền 147.825.000đồng là giá trị của 16.200kg gồm gạo, nếp do bà H đã xuất dư tại nhà máy của Công ty TNHH P1.

Buộc bà Nguyễn Thị Tuyết H phải hoàn trả cho Công ty TNHH P1 số tiền 147.825.000đồng là giá trị của 16.200kg gồm gạo, nếp thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH P1.

4. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi thực hiện nghĩa vụ do chậm trả tiền theo quy định tại Khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian còn phải thi hành.

5. Về chi phí tố tụng: bà Nguyễn Thị Tuyết H phải chịu 3.000.000đồng tiền chi phí tố tụng, số tiền này bà H đã nộp xong.

6. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bà Nguyễn Thị Tuyết H phải chịu 26.304.074đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đồng án phí phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí bà H đã nộp là 13.335.000đồng theo biên lai thu số 0001866 ngày 03/10/2022 và 300.000đồng theo biên lai số 0002234 ngày 10/4/2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Long An, bà H phải nộp thêm 12.969.000đồng.

Công ty TNHH P1 được nhận lại số tiền tạm ứng án phí là 3.106.000đồng theo biên lai thu số 0001816 ngày 01/11/2022 và 962.000đồng theo biên lai thu số 0002019 ngày 09/01/2023 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Long An.

Về quyền yêu cầu thi hành án: Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Về hiệu lực của bản án: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

331
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi tài sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản số 241/2023/DS-PT

Số hiệu:241/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Long An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về