TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 154/2022/DS-PT NGÀY 29/07/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN
Ngày 29 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 42/2022/TLPT-DS ngày 22 tháng 02 năm 2022 về việc “tranh chấp đòi tài sản Do Bản án dân sự sơ thẩm số 55/2021/DS-ST ngày 16/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố T1, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 52/2022/QĐ-PT, ngày 25 tháng 3 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 68/2022/QĐ-PT, ngày 19 tháng 4 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 101/2022/QĐ-PT, ngày 17 tháng 5 năm 2022; Thông báo mở lại phiên tòa số 24/2022/TB-TA ngày 29/6/2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn B; địa chỉ: Lô CN 8, Đường N6, KCN Q, phường P, thành phố T1, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Văn Thị Diễm T2, sinh năm 1976; địa chỉ thường trú: số 13B, đường Lê Quang S, Phường E, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh; địa chỉ liên hệ: Số 646B, đường Nguyễn T3, Phường U1, Quận O, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 16/10/2019 và ngày 19/10/2020); có mặt.
- Bị đơn: Bà Trịnh Thị G, sinh năm 1986; địa chỉ: Phòng 801, Lầu 8, Chung cư B3, đường số K, phường H2, thành phố T1, tỉnh Bình Dương; chỗ ở hiện nay: Hẻm 220, đường Huỳnh Văn L, phường P1, thành phố T1, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Lê Việt H3, sinh năm 1977; địa chỉ: Phường P2, thành phố T1, tỉnh Bình Dương; địa chỉ liên hệ: số 535, Đại lộ B1, tổ 2, khu 1, phường H2, thành phố T1, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 15/4/2022); có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Công ty Trách nhiệm hữu hạn B2; địa chỉ: số 31S/29, khu phố T2, phường D, thành phố D, tỉnh Bình Dương; vắng mặt.
2. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu M; địa chỉ: số 81, đường C1, phường B4, Quận N, Thành phố Hồ Chí Minh; vắng mặt.
- Người kháng cáo: Bị đơn bà Trịnh Thị G.
- Người kháng nghị: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T1, tỉnh Bình Dương.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn trình bày:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn (viết tắt TNHH) B (gọi tắt Công ty C2) ký hợp đồng lao động số 1238127, ngày 11/5/2013 với bà Trịnh Thị G, giữ chức vụ Trưởng phòng (tổ 2), phụ trách kinh doanh. Thời gian đầu, bà G luôn làm tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Đến khoảng đầu năm 2019, Công ty C2 phát hiện bà G lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của công ty. Sau khi làm rõ sự việc, ngày 14/5/2019, Công ty C2 tiến hành làm việc với bà G thì bà G thừa nhận hành vi của mình và cam kết thanh toán số tiền đã chiếm đoạt cho công ty. Nội dung của cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 cụ thể như sau: “Bà G xác nhận đã chiếm đoạt trái phép tài sản của Công ty C2 tổng số tiền 1.515.446.339 đồng; bà G cam kết sẽ thanh toán số tiền nợ vào ngày 17/5/2019 và sẽ dùng mọi tài sản cá nhân để thanh toán các khoản nợ cho Công ty C2 như đã thỏa thuận; nếu bà G chậm trả theo thỏa thuận thì sẽ chịu trách nhiệm đối với số tiền chậm trả tương ứng với mức lãi suất là 0.5%/ngày trên số tiền chậm thanh toán”. Chữ ký, dấu lăn tay trong bản cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 là của bà Trịnh Thị G; cùng ngày 14/5/2019, bà G nghỉ việc tại Công ty C2. Trước đó ngày 13/4/2019, bà G đã nộp đơn xin nghỉ việc. Từ ngày 17/5/2019 đến nay, bà G không thực hiện việc trả tiền lại cho Công ty C2.
Số tiền trên không liên quan đến hai khoản nợ của hai Công ty G1 và Công ty M như bà G trình bày. Số tiền trên là do quá trình làm việc, bà G đã lừa dối Công ty C2 có được, bà G tự khai với Công ty C2 và tự nộp bản cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 cho Công ty C2. Công ty C2 không soạn thảo văn bản sẵn đưa cho bà G điền thông tin vào như bà G trình bày. Số tiền trên do bà G tự tính toán và xác định đã chiếm đoạt trong khoảng thời gian làm việc tại công ty, còn Công ty C2 không thể xác định được việc bà G đã chiếm đoạt số tiền cụ thể bao nhiêu.
Thủ đoạn bà G chiếm đoạt tiền của Công ty C2 là lợi dụng việc quản lý sơ hở của Công ty C2 và được Công ty C2 giao quyền quá lớn nên bà G đã cấu kết với nhân viên của công ty khách hàng báo cáo về Công ty C2 hàng hóa bị lỗi (thực tế hàng hóa không bị lỗi) để Công ty C2 sản xuất lượng hàng hóa khác thay thế vào, sau đó bà G lấy hàng hóa đó bán lại cho chính công ty đã mua hàng trước đó hoặc bán cho một công ty khác với giá rẻ hơn giá hàng hóa ban đầu nhưng cao hơn giá phế liệu nhằm thu lợi bất chính.
Khi yêu cầu bà G viết bản cam kết thanh toán tiền nợ, Công ty C2 yêu cầu bà G ghi rõ thủ đoạn lấy tiền của Công ty C2 nhưng bà G chỉ đồng ý ghi số tiền chiếm đoạt trái phép là 1.515.446.339 đồng, không ghi thủ đoạn chiếm đoạt. Trong tờ cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019, Công ty cẩn thận ở mục thông tin cá nhân của bà G không cho bà G đánh máy mà yêu cầu bà G phải tự viết tay điền thông tin vào để bà G không chối cãi.
Trước khi khởi kiện vụ án, Công ty C2 đã nộp đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Dương. Ngày 15/7/2019, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương có Phiếu hướng dẫn số 1067/HD-PC01 với nội dung: “Việc bà Văn Thị Diễm T2 và Công ty C2 nghi ngờ bà Trịnh Thị G và bà Phạm Thị T2 gian dối trong thời gian làm kinh doanh để chiếm đoạt tiền của Công ty nhưng không cung cấp được cơ sở để xác định. Số tiền bà G và bà T2 xác nhận với Công ty C2 là tiền khách hàng do bà G, bà T2 phụ trách đang thiếu nợ chưa đến thời hạn thanh toán nên trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì đây là tranh chấp dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương”. Vì vậy, Công ty C2 khởi kiện yêu cầu bà Trịnh Thị G hoàn trả số tiền 1.515.446.339 đồng đã chiếm đoạt của Công ty C2 và lãi suất chậm thanh toán tạm tính đến ngày 30/9/2019 là 44.508.451 đồng.
Bị đơn bà Trịnh Thị G trình bày:
Bà G bắt đầu làm việc tại Công ty C2 từ tháng 6/2012. Đến ngày 11/5/2013 giữa Công ty C2 và bà Trịnh Thị G ký kết Hợp đồng lao động số 1238127. Công việc chính của bà G tại công ty là nhân viên kinh doanh; đến năm 2017, bà G làm chủ quản kinh doanh, mức lương chính 10.000.000 đồng + phụ cấp, tổng cộng hơn 11.000.000 đồng.
Quá trình làm việc thì bà G không bị xử lý kỷ luật lao động, không vi phạm nội quy lao động. Ngày 14/5/2019, bà G đang làm việc bình thường thì bà Văn Thị Diễm T2 (nghe nói bà T2 là Luật sư của Công ty C2) đã gọi bà G lên tại phòng họp kín rồi đưa cho bà G tờ “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” và yêu cầu bà G ký tên. Tại thời điểm ký vào giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019”, bà G vẫn đang là chủ quản kinh doanh của Công ty C2, do bị phía công ty hù dọa sẽ đuổi việc nếu không ký vào tờ giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019”, vì sợ mất việc làm nên bà G đã ký vào tờ cam kết trên. Sau khi ký xong, bà Văn Thị Diễm T2 tiếp tục yêu cầu bà G ký vào “Đơn xin nghỉ việc ngày 13/4/2019” do phía Công ty C2 đã soạn sẵn và nói đây là ý muốn của cấp trên. Thời điểm ký bản “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” và Đơn xin nghỉ việc ngày 13/4/2019 thì gồm có: Bà G, bà Văn Thị Diễm T2 và 02 người Đài Loan làm việc tại công ty mẹ bên Đài Loan sang Công ty C2 công tác.
Khi được bà T2 đưa cho bà G bản “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” và Đơn xin nghỉ việc ngày 13/4/2019 trên thì bà G có đọc nhưng không đọc kỹ nội dung bản “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” vì bà T2 đã giải thích cho bà G rằng việc bà G ký vào bản “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” này để bà G có trách nhiệm thu hồi nợ của 02 Công ty G1 và Công ty M cho Công ty C2 do bà G quản lý phụ trách tính đến thời điểm ngày 14/5/2019. Khi nghe bà T2 nói vậy, một phần do lo sợ mất việc, một phần bà G thấy số tiền trong bản Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 gần như trùng khớp với số tiền mà Công ty G1 và Công ty M đang còn nợ của Công ty C2 nên bà G mới ký tên chứ bà G không suy nghĩ gì khác, nhưng bà G không ngờ rằng sau khi bà G ký vào bản Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 thì công ty đã buộc bà G nghỉ việc và nay lại khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu bà G thanh toán số tiền 1.515.446.339 đồng.
Bà G thừa nhận chữ viết, chữ ký và dấu vân tay trong bản “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” và Đơn xin nghỉ việc ngày 13/4/2019 (nhưng thực tế Đơn xin nghỉ việc là ký vào ngày 14/5/2019 cùng với “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019”) là chữ viết, chữ ký và dấu vân tay của bà G, còn toàn bộ nội dung của bản “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” và Đơn xin nghỉ việc ngày 13/4/2019 là do phía Công ty C2 soạn sẵn và bà Văn Thị Diễm T2 là người trực tiếp đưa cho bà G ký tên. Nội dung đã được phía Công ty C2 soạn sẵn, chỉ có phần nội dung về thông tin cá nhân của bà G thì bà Văn Thị Diễm T2 yêu cầu bà G tự ghi vào.
Sau khi ký xong bản “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” và Đơn xin nghỉ việc ghi ngày 13/4/2019, bà T2 yêu cầu bà G ra khỏi Công ty C2, không cho bà G tiếp tục làm việc. Sau đó, Công ty C2 đã thanh toán toàn bộ tiền lương, chế độ bảo hiểm và trả lại số bảo hiểm xã hội cho bà G. Sau khi ký xong bản Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 và Đơn xin nghỉ việc ghi ngày 13/4/2019 thì bà G chỉ nghĩ là mình có trách nhiệm thu hồi khoản nợ của 02 Công ty G1 và Công ty M cho Công ty C2 nên không báo chính quyền về việc bị ép buộc ký vào các văn bản nêu trên.
Tại thời điểm ký “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” và Đơn xin nghỉ việc ghi ngày 13/4/2019 thì bà G đang cư trú tại phường H2, thành phố T1, tỉnh Bình Dương, tuy nhiên hiện nay bà G đang cư trú tại Hẻm 220, đường Huỳnh Văn L, phường P1, thành phố T1, tỉnh Bình Dương.
Khi Công ty C2 yêu cầu bà G ký Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 và Đơn xin nghỉ việc ghi ngày 13/4/2019 thì cũng cùng thời gian này bà Phan Thị Thơm nhân viên kinh doanh (cấp dưới của bà G) cũng bị Công ty C2 yêu cầu ký bản Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019 và Đơn xin nghỉ việc ghi ngày 13/4/2019 giống y như của bà G, cách thức và nội dung cũng giống như của bà G, chỉ khác nhau về số tiền phải trả cho Công ty C2.
Công ty TNHH B2; địa chỉ: số 31S/29, khu phố Đông Tân, phường D, thành phố D, tỉnh Bình Dương và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu M; địa chỉ: Số 81, đường C1, phường B4, Quận N, Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh là những khách hàng mà bà G có trách nhiệm thu tiền nợ mua bán hàng hóa của Công ty C2.
Nay đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bà G không đồng ý vì bà G không lừa dối, chiếm đoạt số tiền nào của nguyên đơn. Nguyên đơn cũng không đưa được chứng cứ chứng minh bà G chiếm đoạt tiền như thế nào.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có văn bản trình bày ý kiến và không giao nộp tài liệu chứng cứ.
Người làm chứng bà Phạm Thị T2 trình bày:
Bà T2 bắt đầu làm việc tại Công ty C2 từ ngày 01/7/2010 theo Hợp đồng lao động số 100016/HĐLĐ không xác định thời hạn. Công việc chính của bà T2 tại công ty là nhân viên sales trong, phụ trách triển khai đơn hàng về bao bì thùng giấy carton và theo dõi tiến độ giao hàng của những khách hàng nhân viên sales tìm kiếm về. Từ giữa năm 2018 đến tháng 5/2019, bà T2 được cấp trên phân công làm sales ngoài để khai thác khách hàng mới có sử dụng bao bì thùng carton.
Tại thời điểm ký vào giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019”, bà T2 vẫn đang là nhân viên kinh doanh của công ty, khi bị gọi lên phòng họp kín, bị hù dọa sẽ đuổi việc nếu không ký vào tờ giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ”, trong tâm trạng lo lắng và rất hoang mang và sợ mất việc nên bà T2 đã ký vào tờ giấy “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019”. Sau khi ký xong, phía Công ty C2 tiếp tục yêu cầu bà T2 ký vào “Đơn xin nghỉ việc” và nói đây là ý muốn của cấp trên.
Mục đích khi bà T2 ký vào tờ “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” là để xác nhận số tiền nợ của hai khách hàng là Công ty G1 và Công ty M do bà T2 phụ trách tính đến thời điểm ngày 14/5/2019, vì theo quy định của Công ty, nhân viên kinh doanh có trách nhiệm thu hồi tiền công nợ của khách hàng về đúng hợp đồng nguyên tắc mà Công ty C2 đã ký với khách hàng vì hai công ty này do bà T2 tự tìm kiếm về cho Công ty C2 để giao dịch mua bán giấy carton. Việc thỏa thuận bà T2 có trách nhiệm trả hai khoản nợ trên nếu không thu được tiền nợ của khách hàng chỉ bằng lời nói không ghi trong hợp đồng lao động hay quy chế, điều lệ công ty.
Bà T2 thừa nhận chữ viết, chữ ký (bằng bút bi) và dấu vân tay trong bản “Cam kết thanh toán tiền nợ ngày 14/5/2019” và Đơn xin nghỉ việc ngày 13/4/2019 là chữ viết, chữ ký và dấu vân tay của bà T2, còn những chữ đánh bằng máy vi tính là do Công ty C2 soạn sẵn yêu cầu bà T2 điền thông tin cá nhân, ký tên và lăn tay. Tuy nhiên, ngày bà T2 viết, ký đơn nghỉ việc là ngày 14/5/2019 cùng ngày viết tờ “Cam kết thanh toán tiền nợ” không phải ngày 13/4/2019 như phía Công ty C2 trình bày. Sau khi ký đơn nghỉ việc, bà T2 bị bà T2 và 02 người khác yêu cầu bà T2 ra khỏi công ty, không cho làm việc.
Năm 2019, Công ty C2 cũng đã khởi kiện bà T2 để yêu cầu bà T2 trả số tiền 1.355.780.000 đồng. Bà T2 không đồng ý yêu cầu khởi kiện của Công ty C2 vì bà T2 không lừa dối, chiếm đoạt số tiền 1.355.780.000 đồng.
Chứng cứ chứng minh Công ty C2 ép buộc bà T2 ký tờ Cam kết thanh toán nợ là do Công ty không muốn bà T2 và bà G (bà Trịnh Thị G - người làm chứng trong vụ án của bà T2) làm việc tại công ty nữa nên ép buộc bà T2 và bà G nghỉ việc. Tuy nhiên, do bà T2 còn có trách nhiệm đòi nợ hai Công ty M và Công ty G1 nên Công ty C2 ép buộc bà T2 ký tờ Cam kết thanh toán nợ, do sơ suất không đọc kỹ, đồng thời bà T2 nghĩ chỉ là tờ Cam kết thanh toán nợ và thấy số tiền khách hàng nợ hợp lý nên bà T2 ký mà không biết trong đó có nội dung bà T2 chiếm đoạt số tiền 1.355.780.000 đồng.
Đối với hàng hóa nếu hàng hóa không đạt chất lượng, khách hàng trả hàng hóa thì bộ phận vận chuyển sẽ gọi cho nhóm kinh doanh của bà T2. Nhóm của bà T2 sẽ gọi cho khách hàng hỏi nguyên nhân vì sao trả hàng, hàng hóa bị những lỗi gì (in sai màu, độ nén không đạt, màu giấy không giống mẫu, sai quy cách...). Sau khi biết lỗi, nhân viên kinh doanh sẽ làm 01 phiếu nhận hàng trả về, đưa cho bộ phận vận chuyển (vận chuyển và kho chung bộ phận) để lấy hàng về. Sau khi lấy hàng về, bộ phận QC (kiểm tra chất lượng sản phẩm) sẽ xuống kiểm tra lỗi, bộ phận kho kiểm tra số lượng hàng hóa chuyển về. Bộ phận QC sẽ làm 01 báo cáo lỗi cho Xưởng trưởng, sau đó Xưởng trưởng có trách nhiệm xử lý lại hàng hóa bị lỗi để giao lại hàng hóa cho khách hàng, nếu hàng hóa bị lỗi nhiều phải hủy bỏ thì bộ phận sản xuất sẽ sản xuất lại đơn hàng để giao lại khách hàng. Hàng hóa bị lỗi, hủy bỏ do bộ phận xưởng và kho tự thực hiện, bên bộ phận kinh doanh không biết. Bà T2 chỉ nghe nói cách xử lý đối với hàng hóa bị lỗi là cắt nhỏ giấy carton nén cục đem đi tái chế lại.
Tất cả hàng hóa không đảm bảo chất lượng đều phải đem về kho để bộ phận QC để kiểm tra lại, không có hàng hóa nào cho phép bộ phận kinh doanh được bán phế liệu, bán rẻ cho khách hàng vì đó là quy định, quy trình của công ty.
Bản án dân sự sơ thẩm số 55/2021/DS-ST ngày 16/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố T1, tỉnh Bình Dương đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty C2 đối với bị đơn bà Trịnh Thị G về việc “tranh chấp đòi tài sản”.
Buộc bà Trịnh Thị G có trách nhiệm thanh toán cho Công ty C2 số tiền 1.814.837.916 đồng (một tỷ tám trăm mười bốn triệu tám trăm ba mươi bảy nghìn chín trăm mười sáu đồng); trong đó nợ gốc là 1.515.446.339 đồng (một tỷ, năm trăm mười lăm triệu, bốn trăm bốn mươi sáu nghìn, ba trăm ba mươi chín đồng) và lãi suất là 299.391.577 đồng (hai trăm chín mươi chín triệu, ba trăm chín mươi mốt nghìn, năm trăm bảy mươi bảy đồng).
Ngoài ra, bản án sơ còn tuyên về lãi suất chậm thi hành án, về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 17/11/2021, bà Trịnh Thị G kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ngày 01/12/2021, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T1 kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 55/2021/DS-ST ngày 16/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố T1 và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn Trịnh Thị G không thay đổi, bổ sung, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo ban đầu.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương giữ nguyên yêu cầu kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố T1.
Nguyên đơn Công ty C2 giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; các đương sự tham gia tố tụng chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo bà Trịnh Thị G và kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T1 làm trong thời hạn, có nội dung, hình thức phù hợp với quy định của pháp luật nên đủ điều kiện để thụ lý và xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
về việc tham gia phiên tòa của đương sự: Tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH B2 và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu M đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng người đại diện theo pháp luật của Công ty vắng mặt không có lý do để Tòa án lấy lời khai làm rõ khoản nợ do bà Trịnh Thị G tự lập một giấy viết tay cam kết còn nợ Công ty C2 số tiền 1.515.446.339 đồng, bà G có nghĩa vụ thu hồi nợ tại Công ty TNHH B2 và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu M. Vì vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 227, Điều 228 và khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm tiến hành xét xử vắng mặt đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu về yêu cầu tính lãi suất là phù hợp tại khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên chấp nhận.
[2] Về kháng cáo của bà Trịnh Thị G và kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T1, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Năm 2013, Công ty C2 có ký Hợp đồng lao động số 1238127 với bà Trịnh Thị G, giữ chức vụ Trưởng phòng (tổ 2) phụ trách chủ quản kinh doanh của Công ty C2. Bà G thừa nhận vào ngày 14/5/2019, bà G có ký tên, lăn tay vào tờ Cam kết thanh toán tiền nợ do nhân viên Công ty bà Văn Thị Diễm T2 đưa và ký tên vào đơn xin nghỉ việc ghi ngày 13/4/2019.
Công ty C2 căn cứ vào tờ cam kết thanh toán nợ do bà Trịnh Thị G là nhân viên công ty thừa nhận còn nợ Công ty C2 số tiền 1.515.446.339 đồng là do bà G làm việc tại Công ty C2 đã chiếm đoạt. Ngoài tài liệu, chứng cứ là “tờ cam kết thanh toán tiền nợ ”, Công ty C2 không cung cấp được chứng cứ nào khác kể từ khi bà G được giao giữ chức vụ Trưởng phòng phụ trách chủ quản kinh doanh của Công ty C2.
Tại đơn khởi kiện và tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp cho Công ty C2 cho rằng bà G cấu kết với khách hàng để chiếm đoạt tiền của Công ty nhưng người đại diện theo pháp luật của Công ty không biết khách hàng nào, Công ty nào đã cấu kết với bà G để chiếm đoạt số tiền 1.515.446.339 đồng nhu cam kết thanh toán nợ do bà G ký tên, lăn tay ngày 14/5/2019.
Tại bản tự khai ngày 10/3/2021, bà Văn Thị Diễm T2 là người đại diện theo ủy quyền của Công ty C2 thừa nhận công nợ phát sinh của tháng 01/2019, Công ty TNHH B2 đã thanh toán đầy đủ cho Công ty C2 tổng cộng: 127.158.659 đồng.
Công nợ phát sinh của tháng 02/2019, Công ty TNHH B2 đã thanh toán đầy đủ cho Công ty C2 tổng cộng: 136.194.634 đồng.
Công nợ phát sinh của tháng 03/2019, Công ty TNHH B2 đã thanh toán đầy đủ cho Công ty C2 tổng cộng: 398.043.617 đồng.
Công nợ phát sinh của tháng 04/2019, Công ty TNHH B2 đã thanh toán đầy đủ cho Công ty C2 tổng cộng: 995.604/959 đồng.
Công nợ phát sinh của tháng 05/2019, Công ty TNHH B2 đã thanh toán đầy đủ cho Công ty C2 tổng cộng: 443.085.054 đồng.
Bà T2 là người đại theo ủy quyền của Công ty C2 xác nhận Công ty G1 không còn nợ Công ty C2 tổng số tiền: 1.515.466. 339 đồng là phù hợp với văn bản viết tay giấy cam kết thanh toán nợ do Công ty C2 và bà Trịnh Thị G lập ngày 14/5/2019 nên giấy viết tay “Cam kết thanh toán nợ lập ngày 14/5/2019” là giao dịch dân sự vô hiệu do bà G bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trước khi ký tên, lăn tay được quy định tại Điều 127 và khoản 1 Điều 131 của Bộ luật Dân sự. Do giao dịch dân sự vô hiệu nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập tờ cam kết.
Từ những phân tích và lập luận trên có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Trịnh Thị G và kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T1 và quan điểm đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Trịnh Thị G, sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C2 là phù hợp.
[3] Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Trịnh Thị G không phải chịu.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 và khoản 1 Điều 309 và Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Trịnh Thị G, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T1, tỉnh Bình Dương, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 55/2021/DS-ST ngày 16/11/2021 của Tòa án nhân dân thành phố T1, tỉnh Bình Dương.
Căn cứ khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các điều 92, 95, 147, 227, 228, 244, 266, 271 và 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 166 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn B đối với bị đơn bà Trịnh Thị G về việc “tranh chấp đòi tài sản”.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn B phải chịu 66.445.137 đồng (sáu mươi sáu triệu bốn trăm bốn mươi lăm nghìn, một trăm ba mươi bảy đồng), được khấu trừ số tiền 29.400.000 đồng (hai mươi chín triệu, bốn trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0008514 ngày 25/02/2020 của Chi cục T5 thành phố B4, tính Đồng Nai. Công ty Trách nhiệm hữu hạn B còn phải chịu 37.045.137 đồng (ba mươi bảy triệu, không trăm bốn mươi lăm nghìn, một trăm ba mươi bảy đồng).
3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Chi cục T5 thành phố T1, tỉnh Bình Dương trả lại cho bà Trịnh Thị G 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0000716 ngày 13/12/2021.
Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 482 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp đòi tài sản số 154/2022/DS-PT
Số hiệu: | 154/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/07/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về