Bản án về tranh chấp đòi tài sản số 1059/2020/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1059/2020/KDTM-PT NGÀY 25/11/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN

Vào ngày 25 tháng 11 năm 2020 tại Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 140/2020/TLPT-KDTM ngày 31 tháng 8 năm 2020 về tranh chấp đòi tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 61/2020/KDTM-ST ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5084/2020/QĐ-PT ngày 01 tháng 10 năm 2020 và Quyết định Hoãn phiên tòa số 18431/2020/QĐ-PT ngày 28 tháng 10 năm 2020, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T.

Địa chỉ: Tổ 10 khu vực 7 Trần Quang D, Thành phố Q, Tỉnh Đ.

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1965.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Phùng Thị Ngọc H, sinh năm 1977, theo giấy ủy quyền ngày 10/10/2020.

Địa chỉ: 526 Nguyễn Chí T, Phường B, Quận M, Thành phố H.

Bị đơn: Công ty TNHH giao nhận vận tải H.

Địa chỉ: 75 Ca Văn T, Phường M, quận T, Thành phố H.

Đại diện theo ủy quyền: Ông Phan Tiến V, sinh năm 1979, theo văn bản ủy quyền ngày 21/5/2018.

Địa chỉ: 251/106 Lê Quang Đ, Phường B, quận B, Thành phố H.

Người kháng cáo: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T. (Các đương sự có mặt tại tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 11 tháng 5 năm 2016 và lời trình bày tại các bản tự khai, biên bản hòa giải, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 17/5/2015, Công ty TNHH giao nhận vận tải H (gọi tắt là Công ty H) có vận chuyển 01 container hàng gỗ xuất khẩu của Công ty sản xuất thương mại và dịch vụ T (gọi tắt là Công ty T) cho khách hàng của Công ty T là Công ty K D (gọi tắt là Công ty K) tại nước Anh với số Container là TCNU 6830654 số seal là EMCHXE 9603.

Công ty T thỏa thuận với Công ty K về phí dịch vụ vận chuyển do Công ty K chịu. Quá trình thực hiện hợp đồng Công ty K đã đặt cọc cho Công ty T 2.917USD trên tổng trị giá đơn hàng là 25.045USD (giá trị bằng 559.755.750đ).

Sau khi hàng của Công ty T vận chuyển đến cảng Felixstowe của Anh thì Công ty K không trả tiền cho Công ty T mà yêu cầu Công ty H giao hàng cho Công ty K. Do đó, Công ty H yêu cầu Công ty T giao Bill gốc cho Công ty H để Công ty H giao hàng cho Công ty K, nhưng Công ty T không đồng ý vì Công ty K chưa thanh toán đủ tiền hàng.

Sau khi Công ty K không nhận hàng thì Công ty T yêu cầu Công ty H trả lại Container hàng cho Công ty T. Qua trao đổi thì Công ty H đồng ý vận chuyển hàng về cho Công ty T nhưng phía Công ty T phải chịu chi phí vận chuyển về, Công ty T chờ nhưng không thấy hàng về. Công ty T nhiều lần nhắc nhở nhưng Công ty H vẫn không thực hiện.

Sau đó, Công ty H đã bán toàn bộ số hàng mà Công ty T bán cho Công ty K.

Ngày 24/5/2018 Công ty T nộp đơn khởi kiện bổ sung, yêu cầu Công ty H phải trả tiền lãi trên số tiền hàng là 559.755.750đ được tính kể từ ngày hàng được lấy ra khỏi cảng tại Anh là ngày 22/6/2015 tạm tính đến ngày 22/5/2018 là 35 tháng, với lãi suất 8%/tháng là 130.609.675đ.

Tại phiên tòa sơ thẩm Ông Nguyễn Văn T là người đại diện theo pháp luật của Công ty T trình bày:

Ngày 17/5/2015, Công ty H có vận chuyển 01 container hàng gỗ xuất khẩu của Công ty T cho khách hàng của Công ty T là Công ty K tại nước Anh với số Container là TCNU 6830654/ số seal là EMCHXE 9603.

Công ty T đồng ý để cho Công ty H vận chuyển 01 container hàng gỗ xuất khẩu cho khách hàng của Công ty T là Công ty K tại nước Anh vì Công ty H tự giới thiệu là được Đại lý vận chuyển bên Anh nhờ đến để nhận hàng, do K thuê Đại lý vận chuyển bên Anh vận chuyển hàng vì hai bên thỏa thuận mua bán theo giá FOB tại cảng Quy Nhơn. Công ty H giao hàng sang Anh nhưng lại làm giả bưu gốc thứ 2 là không hợp lý, việc Công ty H dùng bưu gốc thứ 2 để lấy hàng ra cảng là hành vi lừa đảo.

Từ khi vận chuyển hàng sang Anh cho Công ty K, nguyên đơn không hề biết gì về quá trình vận chuyển, cũng như không biết đối tác bên Anh có nhận được hàng hay không, mà chỉ biết Công ty H đến lấy hàng nhưng không trả lại, nên Công ty H phải có trách nhệm trả lại số tiền tương ứng với lô hàng và tiền lãi chậm trả. Nguyên đơn xác định lô hàng đã được vận chuyển đến cảng nước Anh.

Nay nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc Công ty H trả tiền hàng mà Công ty T bán cho Công ty K là 559.755.750đ và tiền lãi là 130.609.675 đồng.

Ông Phan Tiến V là đại diện ủy quyền của bị đơn trình bày tại các bản tự khai và biên bản hòa giải:

Vào ngày 08/5/2015 Công ty H nhận được thông tin từ Đại lý vận chuyển bên Anh (Đại lý bên Anh là đối tác với Công ty H) đề nghị Công ty H liên lạc với khách hàng là Công ty T để vận chuyển một Container hàng của Công ty T cho bên mua là Công ty K từ cảng Quy Nhơn đến cảng Flixstowe (UK) tại Anh theo điều kiện FOB.

Theo điều khoản FOB thì cước vận chuyển sẽ được trả bởi người nhận hàng là Công ty K tại Anh. Công ty H chỉ cung cấp vận đơn và liên hệ hãng tàu để làm chứng từ, đặt chỗ theo yêu cầu của Đại lý vận chuyển bên Anh sau khi Công ty K đã đồng ý sử dụng dịch vụ với Đại lý vận chuyển tại Anh.

Ngày 13/5/2015 Công ty H đã gửi email cho Công ty T trao đổi rõ về thủ tục vận chuyển lô hàng trên, sau khi nhận được thông tin, Công ty T đã hồi đáp chấp nhận. Sau đó Container hàng trên đã được vận chuyển đến Anh theo đúng lịch trình quy định.

Sau khi hàng đến cảng Felixstowe tại Anh, Đại lý vận chuyển bên Anh đã thông báo cho người mua hàng là Công ty K đến nhận hàng, nhưng không thấy Công ty K đến nhận. Qua tìm hiểu Đại lý vận chuyển bên Anh biết được Công ty T và Công ty K đã xảy ra việc tranh chấp về hàng hóa, do đó Công ty K không đến nhận hàng.

Sau sự việc trên Đại lý vận chuyển tại Anh đã thông báo sự việc cho Công ty T và Công ty H biết về việc Công ty K không chịu nhận hàng. Cùng thời điểm đó Đại lý tại Anh cũng thông báo cho Công ty T biết về chi phí kho bãi của việc để hàng lâu ngày tại cảng để Công ty T có hướng giải quyết, nhưng Công ty T nói rằng việc giao hàng cho người nhận theo hình thức FOB và hết nhiệm vụ.

Sau đó, Đại lý bên Anh và Công ty H đã đưa ra một số phương án để giải quyết như sau:

- Người nhận hàng từ chối nhận hàng thì có thể cho hàng quay trở về Việt Nam;

- Công ty T tìm một người mua hàng khác.

Những chi phí phát sinh về những trường hợp trên thì Công ty T phải chịu. Tuy nhiên, Công ty T đã từ chối và không chịu bất cứ chi phí nào, vì lô hàng này đã giao theo điều kiện FOB. Công ty T đã làm hết nhiệm vụ là giao hàng qua lan can tàu, mọi chuyện rủi ro, Công ty T không có trách nhiệm.

Ngày 20/7/2015 Đại lý vận chuyển tại Anh gửi thông báo đến Công ty K và Công ty T để thông báo việc áp dụng theo quy định về quyền định đoạt hàng hóa được quy định ở mặt sau của vận đơn, để đảm bảo cho thiệt hại phát sinh do lỗi của bên mua và bán hàng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Đại lý vận chuyển tại Anh.

Do áp lực từ phía hãng tàu về việc thanh toán chi phí vận chuyển và chi phí lưu Container. Đến ngày 31/7/2015 Đại lý vận chuyển tại Anh vẫn không nhận được phản hồi nào từ phía bên mua và bán hàng, nên Đại lý bên Anh buộc phải thanh lý số hàng để bù đắp cho chi phí vận chuyển và lưu kho tại Anh.

Công ty H không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì Công ty H không ký bất kỳ một hợp đồng dịch vụ vận chuyển nào với Công ty T và cũng không lấy hàng của Công ty T để bán. Đại lý bên Anh là bên trực tiếp thanh lý số hàng để chi phí tiền vận chuyển và lưu kho, nên việc Công ty T yêu cầu Công ty H phải trả số hàng trên là không có cơ sở. Công ty H chỉ làm việc với Đại lý bên Anh và vận chuyển theo yêu cầu của Đại lý bên Anh.

Đại lý vận chuyển bên Anh và Công ty H có giao dịch làm việc với nhau chỉ là sự hợp tác qua lại. Đại lý vận chuyển tại Anh không phải là chi nhánh hay phòng của Công ty H. Nguyên đơn đã khởi kiện sai đối tượng.

Với nội dung trên, Tại Bản án sơ thẩm số 61/2020/KDTM-ST ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố H đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 30; Điều 35; điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 271; Điều 273; Điều 278; Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự; Căn cứ Điều 2, Điều 3 Luật thương mại;

Căn cứ Điều 116 Bộ Luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Điều 6,7,7a,7b, 9, 26, 30, 31, 32 Luật Thi hành án dân sự.

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T đối với Công ty TNHH giao nhận vận tải H về việc buộc Công ty TNHH giao nhận vân tải H phải thanh toán số tiền hàng mà Công ty T bán cho Công ty K là 559.755.750đ và tiền lãi được tính kể từ ngày hàng được lấy ra khỏi cảng tại Anh là ngày 22/6/2015 tính đến ngày 16/7/2020 là 60 tháng, 24 ngày, lãi suất 8%/tháng, với số tiền 226.890.000đ.

2. Về án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Tphải chịu án phí sơ thẩm là 35.465.830đ (ba mươi lăm triệu bốn trăm sáu mươi lăm ngàn tám trăm ba mươi đồng) được cấn trừ vào 13.195.000đ (mười ba triệu một trăm chín mươi lăm ngàn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 02613 ngày 19/02/2016 của Cục thi hành án dân sự Thành phố H và 3.265.241đ (ba triệu hai trăm sáu mươi lăm ngàn hai trăm bốn mươi mốt đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0008420 ngày 04/6/2018 của Chi cục thi hành án dân sự quận Tân Bình. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T còn phải nộp 19.005.589đ (mười chín triệu không trăm linh năm ngàn năm trăm tám mươi chín đồng).

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn thông báo quyền kháng cáo, quyền thi hành án cho các bên đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 27 tháng 7 năm 2020, nguyên đơn - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án số 61/2020/KDTM-ST ngày 23/7/2020 của Tòa án nhân dân Quận Tân Bình, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T trình bày: Công ty T bán hàng cho Công ty K theo hình thức FOB nghĩa là người mua hàng K có nghĩa vụ thuê người vận chuyển hàng và T chỉ giao hàng cho người vận chuyển theo chỉ định của K. Sau khi giao hàng Công ty H giao cho T giữ bộ vận đơn gốc do H phát hành và khi người mua hàng thanh toán tiền qua ngân hàng thì T sẽ giao bộ vận đơn gốc để người mua hàng nhận hàng. Tuy nhiên Hđã có chủ đích lấy hàng của T nên đã gửi chi tiết gửi hàng cho hãng tàu ghi người mua và người bán không phải là Công ty T và K mà ghi người nhận hàng là G (đây là đại lý vận chuyển bên Anh của Công ty H). Chính vì có vận đơn thứ 2 này mà khi hàng cập cảng tại Anh ngày 22/6/2015 thì đại lý của Hở UK là Gđã dùng vận đơn thứ 2 do hãng tàu cấp để lấy hàng của Công ty T bán mà không cần T giao vận đơn gốc, H đã liên kết với đại lý vận chuyển tại Anh để lấy hàng của T mà không cần T giao vận đơn gốc nên H phải chịu trách nhiệm trả lại hàng cho T. Tại tòa T xác định do K không nhận hàng và G là đại lý vận chuyển của Công ty H do đó nguyên đơn xác định không yêu cầu K và Gphải chịu trách nhiệm trả lại giá trị lô hàng và không đồng ý đóng tiền chi phí ủy thác tư pháp để đưa hai pháp nhân này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Glà đại lý vận chuyển bên Anh của Công ty H. Công ty T là bên bán hàng và người mua hàng là Công ty K. Vào ngày 08/05/2015, H nhận thông tin từ phía đại lý tại Anh đề nghị thông báo cho T biết là Công ty K chỉ định vận chuyển hàng hải 1 container 40” từ cảng Qui Nhơn đến Cảng Felixstowe (UK) tại Anh (theo điều khoản FOB Quy Nhơn). Đại lý bên Anh là người thuê và trả cước vận chuyển cho hãng tàu Evergreen (UK) để vận chuyển container này theo yêu cầu của K. Điều kiện giao hàng (Incoterms): FOB Qui Nhơn. Nguyên tắc Nhà vận chuyển sẽ phát hành Vận đơn của mình cho đơn vị thuê vận chuyển sau khi hai bên đã thỏa thuận và chấp nhận sử dụng dịch vụ. (Đại lý Gravitas thỏa thuận với hãng tàu Evergreen). Do đó Lô hàng này sẽ phải phát hành 2 vận đơn:

1. Vận đơn chính: do hãng tàu Evergreen phát hành cho Đại lý bên Anh để thể hiện hãng tàu đã nhận và vận chuyển container hàng hóa này cho Đại lý từ cảng Quy Nhơn đến Cảng Felixstowe (UK) Anh quốc. Là chứng từ để hãng tàu Evergreen căn cứ và thu phí cước vận chuyển và các phí liên quan khác từ Đại lý G. Việc thanh toán này sẽ thanh toán tại cảng đến Felixstowe. Trên vận đơn chính thể hiện: Người gửi hàng: TCS IMPORTS (FAR EAST) LTD và Người nhận hàng: Gravitas Worldwide Limited.

2. Khi H nhận hàng của T giao theo chỉ định của Đại lý, Hphải phát hành Vận đơn thứ cấp (HB/L) cho người gửi hàng là Công ty T. Vận đơn thứ cấp này là bằng chứng rằng Đại lý G đã nhận và vận chuyển container hàng này theo yêu cầu của người mua hàng K. Vận đơn thứ cấp này là chứng từ để Đại lý làm căn cứ thu tiền cước vận chuyển và các chi phí dịch vụ liên quan khác tới khách hàng K. Trên vận đơn thể hiện Cước vận chuyển sẽ được trả bởi Công ty K tại cảng đến cho Đại lý G. Việc T nêu H làm giả vận đơn hãng tàu để lấy hàng của T bán là không có cơ sở. Hkhông có thỏa thuận, hay hợp đồng vận chuyển nào với Tiến Thuật và cũng không có hợp đồng hay cam kết nào với người mua hàng (K) của Công ty Tiến Thuật tại Anh Quốc. Nguyên đơn cũng không chứng minh được H đang giữ hàng của T để yêu cầu đòi lại. Kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố H phát biểu: Việc Tòa án nhân dân Thành phố H thụ lý và giải quyết vụ án là đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở, nên đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; Sau khi nghe các đương sự trình bày, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

Tại phiên tòa hôm nay các bên không tự hòa giải với nhau được về việc giải quyết vụ án, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo nên Hội đồng xét xử tiến hành giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

[1] Xét nguyên đơn – Công ty T khởi kiện yêu cầu Công ty H phải trả lại giá trị lô hàng mà Công ty T đã giao cho Công ty H vận chuyển theo yêu cầu của người mua hàng là Công ty K tại Anh. Bị đơn có trụ sở tại quận Tân Bình Thành phố H do đó Tòa án nhân dân quận Tân Bình xét xử sơ thẩm là đúng quy định về thẩm quyền giải quyết theo qui định tại Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Kháng cáo của nguyên đơn – Công ty T là hợp lệ, nên Tòa kinh tế Tòa án nhân dân Thành phố H giải quyết theo trình tự phúc thẩm là phù hợp quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 38 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.

[2] Xét tại tòa các đương sự đồng xác định không đặt yêu cầu đối với Công ty K là người mua hàng và G là đại lý vận chuyển của Công ty H và không đồng ý đóng tiền chi phí ủy thác tư pháp để đưa hai pháp nhân này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Nguyên đơn chỉ yêu cầu Công ty H là người đã nhận lô hàng để vận chuyển phải chịu trách nhiệm trả lại giá trị lô hàng nên không cần thiết phải triệu tập K và Gvào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

[3] Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ tại hồ sơ và lời trình bày tại tòa của các đương sự có đủ cơ sở để xác định:

Công ty T có ký hợp đồng bán hàng sản phẩm gỗ xuất khẩu cho Công ty K tại Anh. Bên mua hàng là Công ty K đã đặt cọc cho Công ty T 2.917 USD trên tổng trị giá đơn hàng là 25.045 USD. Hai bên thỏa thuận điều khoản giao hàng là FOB Qui Nhơn Việt Nam, cước phí vận chuyển do người mua hàng là K có nghĩa vụ thuê vận chuyển, người mua hàng là K phải trả toàn bộ cước phí vận chuyển từ Qui Nhơn Việt Nam đi UK tại cảng đến, T tiến hành giao hàng cho người vận chuyển theo chỉ định của K là Công ty H. Người mua hàng là K thuê Công ty Glà đại lý vận chuyển và giao hàng cho K.

Theo yêu cầu của đại lý vận chuyển bên Anh, Công ty H đã thông báo cho Công ty T biết người mua hàng là Công ty K chỉ định vận chuyển hàng hải 1 container 40” từ cảng Quy Nhơn đến Cảng Felixstowe (UK) tại Anh (theo điều khoản FOB Quy Nhơn).

Ngày 17/5/2015, Công ty H đã làm thủ tục nhận container hàng gỗ xuất khẩu của Công ty T bốc lên tàu để vận chuyển đi từ cảng Qui Nhơn đến Cảng FELIXSTOWE (UK) tại Anh (theo điều khoản FOB Quy Nhơn). Sau khi hàng được vận chuyển lên tàu, Công ty H đã xuất bộ vận đơn gốc thể hiện Người gửi hàng là Công ty TI N THU T, bên nhận hàng là K, đại lý giao hàng là G. Vận chuyển 1 container 40” từ cảng Quy Nhơn đến Cảng Felixstowe (UK) tại Anh (theo điều khoản FOB Quy Nhơn cước phí thu sau tại cảng đến ) với số Container là TCNU 6830654 số seal là EMCHXE 9603. Bộ vận đơn gốc này Công ty H phát hành và giao cho Công ty T giữ.

Sau khi lô hàng được vận chuyển đến cảng Felixstowe của Anh, Đại lý giao hàng tại Anh là Công ty G đã thông báo nhưng Công ty K từ chối không nhận hàng. Đại lý tại Anh và Công ty H đã thông báo cho Công ty T và đồng ý vận chuyển hàng về cho Công ty T với điều kiện Công ty T phải chịu mọi chi phí vận chuyển đi về và các chi phí phát sinh nhưng Công ty T chỉ đồng ý chịu chi phí chở hàng chiều về chứ không đồng ý chịu toàn bộ các chi phí như yêu cầu của G nên đại lý giao hàng tại Anh đã bán lô hàng. Do vậy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty H là người đã nhận lô hàng từ Công ty T phải trả lại giá trị lô hàng trên cùng tiền lãi suất. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định do Công ty T không cung cấp được chứng cứ chứng minh Công ty T và Công ty H có ký kết hợp đồng vận chuyển, cũng không cung cấp được chứng cứ thể hiện Công ty H là người trực tiếp bán lô hàng của Công ty T và hiện đang chiếm giữ lô hàng của Công ty T không có căn cứ pháp luật nên đã không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phù hợp với qui định tại Điều 166 Bộ luật dân sự 2015.

[4] Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện hợp pháp của Công ty T kháng cáo cho rằng hàng của Công ty T bị mất là do lỗi của Công ty H đã phát hành 2 vận đơn gốc vào cùng ngày 17/5/2015: Vận đơn gốc số FHCMUTL- 1505011 VN ghi tên người gửi hàng là Công ty T và giao cho Công ty T giữ, mặt khác Hlại yêu cầu Công ty TNHH Đại lý vận tải Evergeen (là hãng tàu vận chuyển lô hàng) phát hành vận đơn thứ hai ghi tên người nhận hàng là đại lý của Hở Anh là G. Chính vì có vận đơn thứ 2 này mà khi hàng cập cảng tại Anh ngày 22/6/2015 thì đại lý của Hở UK là G đã dùng vận đơn thứ 2 do hãng tàu cấp để lấy hàng của Công ty T bán mà không cần T giao vận đơn gốc, H đã liên kết với đại lý vận chuyển tại Anh để lấy hàng của T mà không cần T giao vận đơn gốc nên H phải chịu trách nhiệm trả lại hàng cho T, do hàng đã bị bán nên yêu cầu H phải trả lại bằng tiền với số tiền là 559.755.750 đồng và tiền lãi được tính kể từ ngày hàng được lấy ra khỏi cảng tại Anh là ngày 22/6/2015 với số tiền 226.890.000đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy lời trình bày của nguyên đơn cho rằng H làm giả vận đơn để tạo điều kiện cho đại lý vận chuyển bên Anh nhận hàng bán là không có cơ sở chấp nhận. Nguyên đơn không chứng minh được là H đã có lỗi khi nhận vận chuyển lô hàng cũng như không xuất trình được tài liệu chứng cứ nào để chứng minh Hcó thỏa thuận hoặc có nghĩa vụ phải vận chuyển trả lại lô hàng khi người mua hàng là K từ chối không nhận hàng. Theo xác nhận của Công ty TNHH Đại lý vận tải Evergeen (là hãng tàu vận chuyển) đã xác định lô hàng tranh chấp mà Công ty H làm thủ tục gửi để giao cho người nhận hàng đến cảng đích tại nước Anh, lô hàng này đã được đại lý bên Anh là Gnhận hàng nhưng bên mua hàng là K không đến làm thủ tục nhận hàng. Lẽ ra khi người mua hàng là K không nhận hàng, vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán làm hàng bị thanh lý thì Nguyên đơn có quyền khởi kiện K do vi phạm hợp đồng. Nguyên đơn không chứng minh được H hiện đang giữ lô hàng không có căn cứ pháp luật, H không có nghĩa vụ phải vận chuyển hàng ngược lại từ Anh trả lại cho T trong trường hợp người mua hàng là K không nhận hàng. Nguyên đơn đã đồng ý vận chuyển lô hàng theo điều kiện FOB Quy Nhơn có nghĩa là sau khi hàng được đóng gói vận chuyển lên boong tàu tại cảng Quy Nhơn thì rủi ro về hàng hóa đã được chuyển sang cho người mua hàng là K.

Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo là Công ty T cũng không xuất trình thêm được chứng cứ nào để chứng minh Hđã có lỗi không thực hiện đúng thỏa thuận khi làm thủ tục nhận vận chuyển lô hàng của T hoặc đang chiếm giữ lô hàng của T không có căn cứ pháp luật do đó không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

[5] Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.

 Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn - Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T. Giữ nguyên các quyết định của Bản án sơ thẩm số 61/2020/KDTM- ST ngày 23/7/2020 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố H.

- Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 166 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại năm 2005;

- Căn cứ khoản 3 Điều 26 và Khoản 1 Điều 34 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ;

- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T đối với Công ty TNHH giao nhận vận tải H về việc buộc Công ty TNHH giao nhận vận tải H phải thanh toán số tiền hàng mà Công ty T bán cho Công ty K là 559.755.750 đồng và tiền lãi được tính kể từ ngày hàng được lấy ra khỏi cảng tại Anh là ngày 22/6/2015 tính đến ngày 16/7/2020 với số tiền 226.890.000 đồng.

2. Về án phí:

- Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm là 35.465.830 đồng (ba mươi lăm triệu bốn trăm sáu mươi lăm ngàn tám trăm ba mươi đồng) được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí 13.195.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AE/2011/02613 ngày 19/02/2016 của Cục thi hành án dân sự Thành phố H và số tiền tạm ứng án phí là 3.265.241 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2017/0008420 ngày 04/6/2018 của Chi cục thi hành án dân sự quận Tân Bình. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T còn phải nộp thêm 19.005.589 đồng (mười chín triệu không trăm linh năm ngàn năm trăm tám mươi chín đồng).

- Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ T phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng). Được cấn trừ vào số tiền 2.000.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2019/0068077 ngày 03/8/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình, Thành phố H.

Trường hợp bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

50
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi tài sản số 1059/2020/KDTM-PT

Số hiệu:1059/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 25/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về