Bản án về tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 505/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 505/2023/DS-PT NGÀY 09/10/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 09 tháng 10 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 94/2023/TLPT-DS ngày 10 tháng 3 năm 2023 về việc “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do có kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 61/2022/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11057/2023/QĐ-PT ngày 25 tháng 9 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Phạm Thị C, sinh năm 1926; nơi cư trú: Thôn K, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

2. Bà Phạm Thị C1, sinh năm 1938; nơi cư trú: Xóm A, thôn Đ, xã T, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt.

3. Ông Phạm Văn Q, sinh năm 1956; nơi cư trú: Số D L, phường G, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

4. Bà Phạm Thị V, sinh năm 1958; nơi cư trú: Số F C, khu E, phường C, quận H, thành phố Hải Phòng; có mặt.

5. Ông Phạm Văn H, sinh năm 1962; nơi cư trú: Số G C, khu E, quận H, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C1, bà Phạm Thị V, ông Phạm Văn H: Ông Phạm Văn Q, sinh năm 1956; nơi cư trú: Số D L, phường G, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Bị đơn:

1. Ông Phạm Quyết T, sinh năm 1955; nơi cư trú: Khu B, thị trấn T, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt.

2. Bà Phạm Thị M, sinh năm 1960; nơi cư trú: Số D T, phường Đ, quận H, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

3. Ông Phạm Văn T1 (tên khác: T2), sinh năm 1962; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt.

4. Bà Phạm Thị H1, sinh năm 1965; nơi cư trú: Thôn K, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt.

5. Bà Phạm Thị L, sinh năm 1968; nơi cư trú: Tổ C (hiện là tổ A), cụm E, phường Đ, Quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt.

6. Ông Phạm Văn Ú, sinh năm 1971; nơi cư trú: Số B, ngõ A, tổ A phường L, quận K, thành phố Hải Phòng; có mặt.

7. Ông Phạm Văn C2, sinh năm 1973; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

8. Ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1976; nơi cư trú: Thôn Đ, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng; có mặt.

9. Ông Phạm Văn Đ1, sinh năm 1984; nơi cư trú: Thôn Đ xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Thị M, ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị H1, bà Phạm Thị L, ông Phạm Văn Ú, ông Phạm Văn C2, ông Phạm Văn Đ, ông Phạm Văn Đ1: Ông Lã Viết N, sinh năm 1987; trú tại: Tầng B số A đường B, phường T, quận H, thành phố Hải Phòng; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Phạm Thị K, sinh năm 1966; vắng mặt.

2. Anh Phạm Ngọc Q1, sinh năm 1999; vắng mặt.

3. Chị Trần Thị H2 (vợ của anh C2), sinh năm 1985; vắng mặt.

Cùng nơi cư trú: Thôn Đ, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng.

4. Anh Phạm Ngọc D, sinh năm 1993; nơi cư trú: Phường Đ, quận H, thành phố Hải Phòng; vắng mặt.

5. UBND huyện T, thành phố Hải Phòng; địa chỉ: Khu B, thị trấn T, huyện T, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện theo ủy quyền của UBND huyện T: Ông Nguyễn Văn Đ2 - Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện T; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án các nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền thống nhất trình bày:

Bố mẹ chúng tôi là cụ Phạm Văn C3 (sinh năm 1905, bố chúng tôi đã mất ngày 17 tháng 6 năm 1980) và cụ Đào Thị V1 (mất năm 2017) chung sống với nhau từ năm 1954 và sinh được 3 anh chị em chúng tôi là: Phạm Văn Q, Phạm Văn H và Phạm Thị V. Trước khi bố mẹ chúng tôi về sống chung với nhau, bố chúng tôi đã có vợ là cụ Đào Thị C4 và có 4 người con là: Phạm Thị C5, Phạm Văn T3 (đã mất ngày 30 tháng 11 năm 2008), Phạm Thị C1 và Phạm Văn T4. Tháng 4 năm 1953, cụ C4 và con trai út là T4 chết do trúng bom. Sau khi cụ C4 mất thì cụ V1 mới về sống chung với cụ C3 cùng các con riêng của cụ C3. Trong thời gian chung sống với nhau, cụ C3, cụ C4, cụ V1 quản lý, sử dụng hai thửa đất tại: Thôn Đ, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng.

Thửa đất thứ nhất: Có diện tích khoảng 1.080 m2 thuộc thửa đất số 471, tờ bản đồ số 22 theo sổ mục kê năm 1997 của xã Q. Nguồn gốc do các cụ mua lại từ năm 1949;

Thửa đất thứ hai: Có diện tích khoảng 360 m2 thuộc thửa đất số 430, tờ bản đồ số 22 theo sổ mục kê năm 1997 của xã Q, trong đó có 180 m2 do các cụ đời trước để lại và 180 m2 còn lại là do Hợp tác xã cấp cho cụ C3 và cụ V1 vào những năm 1965-1968.

Đầu năm 1953, cụ C3, cụ C4 có xây một gian nhà trên thửa đất thứ nhất, trong khi đang làm nhà thì cụ C4 và ông T4 bị trúng bom chết. Năm 1954, cụ C3 lấy cụ V1, hai cụ xây nhà và sinh sống cùng các con trên cả hai mảnh đất. Khi ông Phạm Văn T3 lấy bà Đặng Thị M1, sinh ra các con là: Phạm Quyết T, Phạm Văn T1, Phạm Thị M, Phạm Thị H1, Phạm Thị L, Phạm Văn Ú, Phạm Văn C2, Phạm Văn Đ, Phạm Văn Đ1 cùng ở với cụ C3, cụ V1 và các con của các cụ. Sau này anh, chị em chúng tôi thoát ly đi công tác và lập gia đình riêng thì cụ C3, cụ V1 cùng vợ chồng ông T3, bà M1 và các con của ông T3 vẫn ở đó quản lý, sử dụng và trông coi nhà đất. Năm 1980, cụ C3 chết. Đến năm 1994, do tuổi cao sức yếu nên anh chị em chúng tôi đã thống nhất đón cụ V1 ra ở cùng người con út là Phạm Văn H để tiện chăm sóc. Toàn bộ nhà đất này nhờ anh trưởng là Phạm Văn T3 quản lý, trông nom. Năm 2008 ông T3 chết, năm 2014 bà M1 chết. Anh chị em trong gia đình họp và thống nhất nhưng không lập thành văn bản là: Tôn trọng ý nguyện của bố mẹ là để lại hai thửa đất làm nơi sinh hoạt chung cho tất cả các con cháu ở xa về vào dịp cúng giỗ, lễ, tết và không phân chia cho ai đồng thời giao cho anh Phạm Quyết T quản lý, trông coi; thửa đất thứ hai ở bên cạnh nhà anh Phạm Văn T1 (tức Phạm Văn T5) là con anh trai thứ hai của ông Phạm Văn T3 nên ông T1 sẽ giúp ông T trông nom cho thuận tiện. Sau đó, có sự bất đồng trong các anh chị em nên các con ông T3 không cho chúng tôi về thờ cúng và khẳng định chúng tôi không có quyền gì đối với hai thửa đất do thửa đất thứ nhất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GCNQSDĐ) số AH299800 vào sổ cấp GCN số H01723, do UBND huyện T cấp cho ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 ngày 26 tháng 12 năm 2006 thửa đất số 471, tờ bản đồ số 22, với tổng diện tích khoảng 1.080 m2 đất; thửa đất thứ hai có diện tích 396 m2 hiện tại được gộp chung vào cả 3 thửa đất gồm thửa đất 396 m2 của bố mẹ chúng tôi, thửa đất của anh Phạm Quyết T và thửa đất của anh Phạm Văn T1 vào cùng thửa đất số 340, tờ bản đồ số 22, diện tích đất ở 985 m2 đã được cấp GCNQSDĐ số AH299948, vào sổ cấp GCN số H01280 với tổng diện tích là 985 m2 đứng tên anh Phạm Văn T1.

Việc ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 và anh T1 (T5) gộp chung toàn bộ diện tích thửa đất của bố mẹ và anh em chúng tôi vào diện tích đất của ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1, anh T1 (T5) và làm thủ tục cấp GCNQSDĐ không trao đổi, bàn bạc gì với cụ V1 và các anh, chị em chúng tôi và cũng không cho chúng tôi biết. Khi biết được sự việc này, toàn thể gia đình gồm mẹ chúng tôi là cụ V1 và tất cả anh chị em chúng tôi đã yêu cầu các con của ông T3, bà M1 và anh T1 (T5) làm thủ tục để trả lại toàn bộ diện tích đất cho chúng tôi nhưng đến nay gia đình anh T1 (T5) vẫn chưa thực hiện. Hai thửa đất này là tài sản chung của tất cả các anh chị em chúng tôi do bố mẹ là cụ C3, cụ C4, cụ V1 để lại.

Tại các đơn khởi kiện ghi ngày 06 tháng 12 năm 2017, các nguyên đơn khởi kiện đối với các bị đơn đề nghị Tòa án: Buộc các con của ông T3 và bà M1 là ông Phạm Quyết T, bà Phạm Thị M, ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị H1, bà Phạm Thị L, ông Phạm Văn Ú, ông Phạm Văn Đ, ông Phạm Văn Đ1, ông Phạm Văn C2 phải trả lại 1.614 m2 đất tại thửa đất số 471 và 360 m2 trong thửa đất số 340, tờ bản đồ số 22 đều tại thôn Đ, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng cho gia đình con cháu làm nơi thờ cúng chung, giao cho cháu trưởng là Phạm Quyết T quản lý, trông nom; Yêu cầu hủy các GCNQSDĐ số AH299800 vào sổ cấp GCN số H01723, do UBND huyện T cấp cho ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 ngày 26 tháng 12 năm 2006 và GCNQSDĐ số AH299948, vào sổ cấp GCN số H01280, do UBND huyện T cấp cho ông Phạm Văn T1.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn là ông Phạm Văn Q và các nguyên đơn là bà Phạm Thị C, Phạm Thị C1, bà Phạm Thị V có mặt đã được Tòa án giải thích nhưng đều khẳng định các nguyên đơn khởi kiện các bị đơn trong đó có ông Phạm Quyết T mặc dù ông T có cùng quan điểm với các nguyên đơn nhưng ông T là con của ông T3, bà M1; các nguyên đơn không yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế mà chỉ khởi kiện yêu cầu hủy các GCNQSDĐ đã cấp và đòi tài sản chung của cụ C3, cụ C4, cụ V1 là hai thửa đất số 471 và 340 tờ bản đồ số 22 xã Q như đã nêu trên để các thừa kế của cụ C3, cụ C4, cụ V1 làm nơi sử dụng và thờ cúng chung.

* Bị đơn là các ông bà Phạm Thị M, ông Phạm Văn T1 (T5), bà Phạm Thị H1, bà Phạm Thị L, ông Phạm Văn Ú, ông Phạm Văn C2, ông Phạm Văn Đ, ông Phạm Văn Đ1 và người đại diện theo ủy quyền thống nhất trình bày quan điểm như sau:

Về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế và thời điểm mở thừa kế của cụ Phạm Văn C3 (chết năm 1980) và cụ Đào Thị C4 (chết năm 1953), cụ Đào Thị V1 (chết năm 2017) thống nhất như các nguyên đơn đã trình bày. Chúng tôi không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn và quan điểm của ông Phạm Quyết T về việc đòi quyền sử dụng hai thửa đất số 471 và 340 tờ bản đồ số 22 tại địa chỉ: Thôn Đ, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng và yêu cầu hủy các GCNQSDĐ đã cấp đối với hai thửa đất này bởi vì các thửa đất không phải là di sản thừa kế của cụ C3, cụ C4, cụ V1 để lại, cụ thể:

Đối với thửa đất số 471 thuộc quyền sử dụng của bố mẹ các bị đơn là ông T3, bà M1. Ông T3 mất năm 2008, bà M1 mất năm 2012 đều không để lại di chúc nên thửa đất này thuộc về những người thừa kế của ông T3, bà M1. Nguồn gốc thửa đất do ông T3, bà M1 quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài và không có tranh chấp từ khi ông bà kết hôn với nhau (khoảng năm 1950), thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất, kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và nộp đầy đủ thuế cho cơ quan nhà nước, được UBND huyện T đã cấp GCNQSDĐ số: AH299800, số vào sổ: H01723 ngày 26 tháng 12 năm 2006 đối với thửa đất trên cho ông T3, bà M1 theo đúng quy định của pháp luật. Các tài sản hiện có trên thửa đất đều do ông T3, bà M1 tạo lập. Hiện diện tích đất này do 03 người con của ông T3, bà M1 là các ông C2, Đ, Đ1 sử dụng, các anh chị em trong gia đình thống nhất, không có ý kiến gì. Các nguyên đơn trình bày thửa đất trên do các cụ mua lại của cụ M2 từ năm 1949 là không đúng. Các nguyên đơn yêu cầu Tòa án hủy GCNQSDĐ trên và trả lại quyền sử dụng thửa đất số 471, tờ bản đồ số 22 là không có căn cứ.

Đối với diện tích 396 m2 nguyên đơn khởi kiện đòi quyền sử dụng là một phần thuộc thửa đất số 340, tờ bản đồ số 22, hiện đứng tên và do ông Phạm Văn T1 quản lý, sử dụng có nguồn gốc là của cụ C3 và cụ C4, sau khi cụ C4 chết, cụ C3 lấy cụ V1 thì hai cụ quản lý, sử dụng. Trên đất có 01 ngôi nhà tranh vách đất. Vị trí thửa đất ở phía sau nhà ông T1 hiện nay. Tuy nhiên, sau khi cụ C3 chết, đến năm 1988, cụ V1 đã chuyển nhượng ngôi nhà và quyền sử dụng đất trên cho ông T3 và đi nơi khác sinh sống cùng với ông Hiền t đó đến khi cụ chết (năm 2017). Việc chuyển nhượng ngôi nhà trên có sự chứng kiến của nhiều người, nhưng không lập thành văn bản.

Khi ông T1 kết hôn với bà K, ông T3, bà M1 đã cho vợ chồng ông T1 ngôi nhà trên phần diện tích đất này. Vợ chồng ông T1 đã quản lý, sử dụng mảnh đất ổn định, lâu dài, dỡ bỏ ngôi nhà cũ của cụ V1, xây dựng nhà, tường vây, lán lợp tôn, công trình trên đất. Khi còn sống, cụ V1 vẫn đi về quê cúng giỗ, qua lại thăm nom nhưng cụ không có ý kiến gì. Vợ chồng ông T1 thực hiện kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước. UBND huyện T đã cấp GCNQSDĐ số: AH299948, số vào sổ: H01280 ngày 27 tháng 11 năm 2006 cho ông Phạm Văn T1 (tức T5) và vợ là bà Phạm Thị K theo đúng quy định của pháp luật. Các tài sản trên đất do vợ chồng ông T1, bà K tạo lập. Như vậy, các thừa kế của cụ C4, cụ C3, cụ V1 đều biết việc ông T3, bà M1, ông T1, bà K được cấp GCNQSDĐ nhưng không ai có ý kiến gì, các thửa đất đều đã được UBND huyện T cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định của pháp luật nên chúng tôi đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Đối với các thửa đất có sự sai số giữa bản đồ, GCNQSDĐ và hiện trạng theo kết quả thẩm định, có thể là do vấn đề đo đạc, phần giáp ranh với đất hộ liền kề trước đây có ranh giới là hàng rào tre, bờ ao nay đã xây tường bao, bờ kè giữa đất của các hộ, không có tranh chấp về ranh giới, mốc giới với ai nên đề nghị công nhận diện tích thực tế hiện nay.

* Bị đơn ông Phạm Quyết T trình bày trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa:

Về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế và thời điểm mở thừa kế của các cụ Phạm Văn C3, Đào Thị C4, Đào Thị V1 thống nhất như các nguyên đơn đã trình bày. Ông đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc đòi quyền sử dụng hai thửa đất số 471 và 340 tờ bản đồ số 22 tại địa chỉ: Thôn Đ, xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng và yêu cầu hủy các GCNQSDĐ đã cấp đối với hai thửa đất này, bởi vì các thửa đất là di sản thừa kế của cụ C3, cụ C4, cụ V1 để lại. Ông đề nghị Tòa án xem xét lại thủ tục cấp GCNQSDĐ là sai và căn cứ vào đó để giải quyết theo quy định của pháp luật. Mảnh đất thứ nhất là của các cụ để lại thì thuộc quyền của các thừa kế của các cụ C3, cụ C4, cụ V1. Còn mảnh đất thứ hai có nguồn gốc là do Nhà nước cấp cho ông là người có công với đất nước và cụ V1, và 1 phần cho ông T1 nay tất cả lại đứng tên ông T1 là sai vì trên Sổ theo dõi năm 1983 thể hiện tại trang số 54, số thứ tự 01, diện tích 340 m2, ghi tên chủ hộ “Ph V T”; số thứ tự 04, diện tích 360 m2, ghi tên chủ hộ “Ph V Thé”; số thứ tự 22, diện tích 396 m2, ghi tên chủ hộ “H T Vơ”.

Do vậy, quan điểm của ông là đề nghị hủy các GCNQSDĐ đã cấp đứng tên ông T3, bà M1; ông T1, bà K; trả lại cho các thừa kế của cụ C3, cụ C4, cụ V1 để tất cả các con cháu của các cụ sử dụng chung. Ông đồng ý với kết quả xem xét, thẩm đinh, định giá tài sản mà Tòa án đã tiến hành thu thập.

Trước đây, ông có yêu cầu buộc ông T1 phải trả lại 340 m2 đất cho ông, nay ông xin rút yêu cầu này mà sẽ để lại nhập vào phần đất 396 m2 của cụ V1 và để làm nơi thờ cúng chung.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Phạm Thị K, anh Phạm Ngọc D, anh Phạm Ngọc Q1 (là vợ, con của ông T1) thống nhất với quan điểm, ý kiến của bị đơn là ông T1: Bà K kết hôn với ông T1 năm 1991, ông T3 và bà M1 đã giao nhà và toàn bộ thửa đất cho vợ chồng bà quản lý, sử dụng. Vợ chồng bà đã ở trên đất từ đó đến nay, phá dỡ nhà cũ xây dựng nhà 3 lần, khu vệ sinh, công trình phụ 3, 4 lần, đổ đất nâng nền, vượt lập lên trên diện tích đất thùng vũng này. Bố mẹ chồng bà là ông T3 và bà M1 nói cho vợ chồng bà bằng miệng, chứ không có văn bản gì. Các anh Phạm Ngọc D, anh Phạm Ngọc Q1 ở cùng với bố mẹ là ông T1, bà K, không có công sức tạo lập tài sản gì. Cả bà Phạm Thị K, anh Phạm Ngọc D, anh Phạm Ngọc Q1 đều không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn và đề nghị trường hợp chia đất cho các nguyên đơn, xem xét công sức tạo lập, bảo quản và xây dựng trên đất cho vợ chồng bà K, ông T1 và đề nghị giao tính cho ông T1 đại diện nhận thay phần công sức và giá trị tài sản này.

* UBND huyện T có ý kiến, quan điểm như sau:

Về nguồn gốc đất tranh chấp: Theo báo cáo của UBND xã Q: Các thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ số AH299948 ngày 27 tháng 11 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K và GCNQSDĐ số AH299800 ngày 26 tháng 12 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 là đất trong khu dân cư đã được sử dụng từ trước năm 1980. Hiện nay, UBND xã Q không còn lưu trữ tài liệu, hồ sơ về việc quản lý đất đai từ trước năm 1983. Tài liệu, hồ sơ hiện có của UBND xã thể hiện như sau:

- Đối với thửa đất đã cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Phạm Văn T1:

+ Sổ theo dõi năm 1983 thể hiện tại trang số 54, số thứ tự 01, diện tích 340 m2, ghi tên chủ hộ Ph v T; số thứ tự 04, diện tích 360 m2, ghi tên chủ hộ Ph V Thé; số thứ tự 22, diện tích 396 m2, ghi tên chủ hộ H T Vơ;

+ Sổ đăng ký ruộng đất năm 1995 thể hiện: tại trang 66, số thứ tự 26, diện tích đất ở 192 m2, đất ao 148 m2 ghi tên chủ hộ: T; tại trang 68, số thứ tự 18, diện tích 396 m2, ghi tên chủ hộ: Vơ.

+ Sổ mục kê năm 1997 kèm theo tờ bản đồ số 22 xã Q thể hiện: Thửa số 340, diện tích đất ở là 985 m2, ghi tên chủ sử dụng đất Phạm Văn T1.

- Đối với thửa đất đã cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Phạm Văn T3:

+ Sổ theo dõi năm 1983 thể hiện tại trang số 53: số thứ tự 13, diện tích 936 m2, ghi tên chủ hộ Đặng T M.

+ Sổ đăng ký ruộng đất năm 1995 thể hiện: tại trang 66, số thứ tự 23, diện tích đất ở 336 m2, đất ao 400 m2 ghi tên chủ hộ: Man; số thứ tự 24, diện tích 200 m2, ghi tên chủ hộ: Úy.

- Sổ mục kê năm 1997 kèm theo tờ bản đồ số 22 xã Q thể hiện: thửa số 471, diện tích đất ở là 1.614 m2, ghi tên chủ sử dụng đất Phạm Văn T3.

Quan điểm của UBND huyện T về yêu cầu hủy GCNQSDĐ:

+ Theo Tiểu mục 1, Mục IV Quyết định số 201-CP ngày 01 tháng 7 năm 1980 của Chính phủ; Điều 18 Luật Đất đai năm 1987; Điều 33 Luật Đất đai năm 1993 quy định: Đang sử dụng đất mà chưa đăng ký thì người sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước. Người đang sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nào thì phải đăng ký tại xã, phường, thị trấn đó. Trong tài liệu quản lý của U thể hiện: Trước năm 1997, UBND xã Q chỉ có sổ mục kê, năm 1997 xã đo vẽ bản đồ giải thửa thể hiện chi tiết các thửa đất về hình thể, diện tích và sổ mục kê chi tiết. Như vậy, có việc đăng ký của người sử dụng đất nên đã có thể hiện trong các tài liệu, hồ sơ quản lý của UBND xã Q.

+ Thời điểm lập hồ sơ và cấp GCNQSDĐ cho các hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K và ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 thực hiện theo quy định của Điều 50 Luật Đất đai năm 2003; Điều 48, Điều 135 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003. Trong hồ sơ được UBND xã Q xác nhận đất không có tranh chấp, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật đất đai.

Đề nghị Tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật dân sự, pháp luật đất đai và các quy định pháp luật liên quan để xem xét, giải quyết vụ án dân sự đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, giữ gìn tình cảm gia đình, ổn định tình hình chung ở địa phương.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 61/2022/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã áp dụng khoản 9 Điều 26, Điều 34, khoản 1 Điều 147, các Điều 164, 165, 227, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 133, 158, 160, 161, 165, 166 của Bộ luật Dân sự; các Điều 95, 166, 203 Luật Đất đai; khoản 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là các ông, bà: Phạm Thị C, Phạm Thị C1, Phạm Văn Q, Phạm Thị V, Phạm Văn H về việc:

1. Buộc các ông bà: Phạm Quyết T, Phạm Thị M, Phạm Văn T1 (tên khác: T5), Phạm Thị H1, Phạm Thị L, Phạm Văn Ú, Phạm Văn C2, Phạm Văn Đ, Phạm Văn Đ1 phải trả lại quyền sử dụng thửa đất số 471 và 396 m2 đất thuộc thửa đất số 34 tờ bản đồ số 22, tại địa chỉ: Thôn Đ, xã Q, huyện T, Hải Phòng.

2. Yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH299800 vào sổ cấp GCN số H01723 ngày 26 tháng 12 năm 2006, do UBND huyện T, thành phố Hải Phòng cấp cho chủ sử dụng đất là hộ ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AH299948 ngày 27 tháng 11 năm 2006 do UBND huyện T, thành phố Hải Phòng cấp cho chủ sử dụng đất là hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 23/09/2022, các đồng nguyên đơn là bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C1, ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị V và bị đơn là ông Phạm Quyết T có đơn kháng cáo với cùng nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các đồng nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo. Bị đơn là ông Phạm Quyết T giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của các đồng nguyên đơn và bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào kết quả tranh tụng, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, đồng nguyên đơn là bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn H vắng mặt nhưng có mặt người đại diện; đồng bị đơn là bà Phạm Thị M, ông Phạm Văn Ú, ông Phạm Văn C2, ông Phạm Văn Đ1 vắng mặt nhưng có mặt người đại diện; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có yêu cầu độc lập và đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần. Vì vậy, vụ án đủ điều kiện để xét xử phúc thẩm như ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

[1.2] Về thời hạn kháng cáo, sau khi xét xử sơ thẩm, các đồng nguyên đơn là các ông bà Phạm Thị C, Phạm Thị C1, Phạm Thị V, Phạm Văn Q, Phạm Văn H và bị đơn là ông Phạm Quyết T có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, phù hợp với quy định tại các Điều 271, 272 và 273 Bộ luật Tố tụng dân sự nên kháng cáo là hợp lệ, được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.3] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết, căn cứ vào đơn khởi kiện ngày 06/12/2017 và đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 26/10/2020 của các đồng nguyên đơn gồm có ông bà Phạm Thị C, Phạm Thị C1, Phạm Văn Q, Phạm Thị V, Phạm Văn H yêu cầu đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất của bố mẹ để lại, đồng thời yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K. Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tiến hành thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của các đương sự, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] Về quan hệ huyết thống:

Cụ Phạm Văn C3 chết năm 1980 và cụ Đào Thị C4 chết năm 1953. Hai cụ có 04 người con là: Bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn T3, bà Phạm Thị C1 và ông Phạm Văn T4. Năm 1953, cụ C4 và ông T4 chết. Trước khi chết, ông T4 không có vợ con. Sau khi cụ C4 chết, cụ C3 kết hôn với cụ Đào Thị V1 (chết năm 2017). Khi cụ V1 về chung sống với cụ C3, ba người con của cụ C3 và cụ C4, cụ V1 cũng qua lại thăm nuôi, chăm sóc, nuôi dưỡng, kính trọng, thờ phụng nhau.

Cụ C3 và cụ V1 có 03 người con là ông Phạm Văn Q, ông Phạm Văn H và bà Phạm Thị V.

Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của cụ C3, cụ C4, cụ V1 gồm có 06 người: bà Phạm Thị C, ông Phạm Văn T3, bà Phạm Thị C1, ông Phạm Văn Q, ông Phạm Văn H và bà Phạm Thị V.

Ông Phạm Văn T3 (chết năm 2008) kết hôn với bà Đặng Thị M1 (chết năm 2012) từ năm 1954 và có 09 người con chung là các ông bà: Phạm Quyết T, Phạm Văn T1, Phạm Thị M, Phạm Thị H1, Phạm Thị L, Phạm Văn Ú, Phạm Văn C2, Phạm Văn Đ, Phạm Văn Đ1. Hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của ông T3 gồm 09 người con nêu trên.

[2.2] Về nguồn gốc các thửa đất tranh chấp:

Theo cung cấp của UBND xã Q và UBND huyện T thể hiện: Các thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ số AH 299948 ngày 27 tháng 11 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K và GCNQSDĐ số AH299800 ngày 26 tháng 12 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 là đất trong khu dân cư đã được sử dụng từ trước năm 1980. Hiện nay, UBND xã Q không còn lưu trữ tài liệu, hồ sơ về việc quản lý đất đai từ trước năm 1983. Tại sổ theo dõi đất ở, đất ao và đất 5% năm 1983 chỉ là sổ ghi chép chưa được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, chỉ mang tính tham khảo, trong đó không ghi số thửa đất, vị trí thửa đất nên không xác định được tên người sử dụng đã ghi đối với thửa đất nào; UBND xã hiện theo dõi biến động đất tại địa bàn trên cơ sở Sổ mục kê năm 1997 và bản đồ giải thửa thì không có tài liệu nào thể hiện hai thửa đất tranh chấp đứng tên cụ C3 và cụ C4, cụ V1.

Các đương sự đều thống nhất trình bày và căn cứ vào các biên bản xác minh thu thập chứng cứ thể hiện: Khi cụ C3 lấy cụ C4, hai cụ ở thửa đất thứ nhất nay là thửa số 471 tờ bản đồ số 22 đến khi cụ C4 chết; ông T3 lấy bà M1 cũng ở tại đây; hiện do các anh C2, Đ1, Đoán quản lý, sử dụng. Cụ C3 lấy cụ V1 thì ở tại một phần diện tích thửa đất thứ hai nay là thửa số 340, tờ bản đồ số 22, hiện nay vợ chồng ông T1 đang sử dụng. Ngoài ra các cụ không còn sử dụng thửa đất ở nào khác. Cụ C3 vẫn đi lại giữa hai thửa đất; giao cho ông T3 là con trưởng quản lý, trông coi và sử dụng thửa đất thứ nhất, đến khi cụ C3 chết, làm tang tại đấy; cụ V1 ở với con ở nơi khác từ năm 1988 đến khi cụ chết thì làm tang tại nhà con trai của cụ là ông H.

[2.3] Về diễn biến quá trình sử dụng các thửa đất tranh chấp:

- Đối với thửa đất số 471 tờ bản đồ số 22 xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng đã được UBND huyện T cấp GCNQSDĐ số AH299800 ngày 26 tháng 12 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1, diện tích 1.614 m2 (hiện trạng theo kết quả xem xét thẩm định là 1.524 m2):

Căn cứ lời khai các bên, kết quả xác minh thể hiện, ngay từ khi cụ C3 còn sống và từ năm 1954, cụ C3 lấy cụ V1 thì vợ chồng ông T3, bà M1 đã cùng với cụ C3 quản lý, sử dụng thửa đất này. Mặc dù sổ theo dõi đất năm 1983 chưa được phê duyệt nhưng hiện UBND xã lưu giữ, sổ đăng ký ruộng đất năm 1995, sổ mục kê năm 1997 kèm theo tờ bản đồ số 22 xã Q đều cho thấy các thời kỳ này, cụ V1 còn sống và các con của cụ C3 với cụ C4, cụ C3 với cụ V1 là các ông bà: Phạm Thị C, Phạm Thị C1, Phạm Văn Q, Phạm Văn H, Phạm Thị V ở gần đó hoặc vẫn đi lại thăm nom, cúng giỗ đều không ai kê khai đăng ký quyền sử dụng thửa đất này. Ông T3, bà M1 sử dụng, kê khai, đăng ký và đã được cấp GCNQSDĐ, tạo dựng nhà, công trình trên đất, các đương sự biết nhưng không ai có ý kiến gì. Thửa số 471 tờ bản đồ số 22 đã được chuyển giao cho ông T3, bà M1 nên không còn là di sản thừa kế của các cụ để lại. Mặt khác, việc ông T3, bà M1 quản lý, sử dụng thửa đất từ năm 1954 đến năm 2006 được cấp GCNQSDĐ nên theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự: ông T3, bà M1 sử dụng liên tục, công khai trên 30 năm nên có căn cứ xác định thửa đất số 471 tờ bản đồ số 22 xã Q thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông T3, bà M1.

Tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa hôm nay, các nguyên đơn cam kết và khẳng định giữ nguyên yêu cầu khởi kiện ban đầu và không yêu cầu chia thừa kế di sản của các cụ để lại mà chỉ đòi lại tài sản của các cụ là quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, như đã nhận định ở trên, thửa đất số 471 tờ bản đồ số 22 nêu trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông T3, bà M1 nên yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn đòi lại quyền sử dụng đất là không có căn cứ chấp nhận.

- Đối với thửa đất số 340 tờ bản đồ số 22 xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng đã được cấp GCNQSDĐ số AH299948 ngày 27 tháng 11 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K và GCNQSDĐ, diện tích đất 977 m2 (hiện trạng theo kết quả xem xét thẩm định là 1.177 m2): Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu đòi 396 m2 trong tổng số diện tích thửa đất số 340.

Theo bị đơn và các đương sự khác đều trình bày, sinh thời cụ C3 cụ V1 có 01 gian nhà trên một phần thửa đất này và nằm ở phía sau căn nhà hiện nay vợ chồng ông T1 đang sử dụng, nhưng không xác định được chính xác diện tích đất là bao nhiêu. Nguyên đơn căn cứ vào sổ theo dõi năm 1983, kết quả thẩm định theo sự mô tả của các bên chỉ ranh giới để đòi quyền sử dụng 396 m2. Theo bị đơn, sau khi cụ C3 chết, năm 1988, cụ V1 đã chuyển nhượng ngôi nhà và quyền sử dụng đất trên cho ông T3 và đi ra Hải Phòng sinh sống đến khi chết (năm 2017), nhưng không lập thành văn bản. Cụ V1 không ở trên đất, căn nhà cũ của cụ, ông T3 và vợ chồng ông T1 đã phá bỏ, tạo lập, xây mới căn nhà như hiện nay, nhưng không cung cấp được văn bản, tài liệu chứng minh việc cụ V1 đã bán thửa đất.

Xét thấy, diện tích đất của cụ C3, cụ V1 để lại nay nằm trong thửa đất số 340 là di sản của cụ C3, cụ V1 song ngoài sổ theo dõi năm 1983 nêu trên thể hiện là 396 m2, không có tài liệu nào khác khẳng định chính xác diện tích di sản của các cụ để lại. Các cụ chết không để lại di chúc nên di sản được chia theo pháp luật. Các nguyên đơn là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ C3, cụ V1 có quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay, mặc dù đã được Hội đồng xét xử đề cập, làm rõ nội dung khởi kiện, giải thích về quyền yêu cầu chia thừa kế tài sản và quyền đòi lại tài sản theo quy định của pháp luật nhưng các nguyên đơn cam kết và khẳng định ngay từ khi khởi kiện và tại phiên tòa, các nguyên đơn không yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của các cụ để lại mà yêu cầu đòi các bị đơn trả lại quyền sử dụng đất nên Tòa án chỉ xem xét giải quyết trong phạm vi yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Xét thấy, để có đủ điều kiện khởi kiện đòi lại tài sản thì tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của người khởi kiện. Tuy nhiên tất cả các thừa kế của cụ C3, cụ V1 trong đó có các con của ông T3, bà M1 đều không thống nhất diện tích đất tranh chấp là tài sản chung của những người thừa kế mà chưa đươc chia. Chính vì vậy, chưa thể xác định các nguyên đơn và ông T được hưởng phần di sản như thế nào. Các nguyên đơn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Tòa án có quyết định có hiệu lực pháp luật xác định quyền sử dụng hợp pháp đối với diện tích đất tại vị trí do các cụ để lại là bao nhiêu.

[2.4] Đối với yêu cầu hủy các GCNQSDĐ đất số AH299800 ngày 26 tháng 12 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 và GCNQSD đất số AH299948 ngày 27 tháng 11 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K:

Như đã nhận định ở trên, thửa đất số 471 tờ bản đồ số 22 xã Q, huyện T, thành phố Hải Phòng thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1. UBND huyện T căn cứ vào hồ sơ quản lý của UBND xã Q, thời điểm cấp GCNQSDĐ thửa đất không có tranh chấp, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên UBND huyện T cấp GCNQSDĐ số AH299800 ngày 26 tháng 12 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Điều 50 Luật Đất đai năm 2003; Điều 48, Điều 135 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003 nên Tòa án cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc yêu cầu hủy GCNQSDĐ do UBND huyện T cấp số AH299800 ngày 26 tháng 12 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T3, bà Đặng Thị M1 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2.5] Đối với yêu cầu khởi kiện về việc hủy GCNQSD đất số AH299948 ngày 27 tháng 11 năm 2006 cho người sử dụng là hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K diện tích đất 977 m2:

Như đã nhận định ở trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc đòi quyền sử dụng 396 m2 đất là có căn cứ và phù hợp với pháp luật nên không có cơ sở xem xét yêu cầu hủy GCNQSDĐ số AH299948 ngày 27 tháng 11 năm 2006 do UBND huyện T cấp đứng tên hộ ông Phạm Văn T1, bà Phạm Thị K.

Từ những phân tích đánh giá trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm, các đương sự kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu mới bảo vệ cho quan điểm của mình nên không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo, cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa.

[3] Về án phí, bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C1, ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị V, ông Phạm Văn H và ông Phạm Quyết T là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, bác kháng cáo của bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C1, ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị V, ông Phạm Văn H và ông Phạm Quyết T; giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 61/2022/DS-ST ngày 22/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng.

2. Về án phí: Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 14 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, bà Phạm Thị C, bà Phạm Thị C1, ông Phạm Văn Q, bà Phạm Thị V, ông Phạm Văn H và ông Phạm Quyết T được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

27
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 505/2023/DS-PT

Số hiệu:505/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 09/10/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về