Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản số 187/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 187/2021/DS-PT NGÀY 28/10/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Ngày 28 tháng 10 năm 2021 tại Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử công khai phúc thẩm vụ án dân sự lý số 110/2021/TLPT-DS, ngày 03 tháng 6 năm 2021 về “Tranh chấp đòi lại tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2021/DS-ST, ngày 28 tháng 4 năm 2021 của Toà án nhân dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 158/2021/QĐ-PT, ngày 01 tháng 7 năm 2021, Quyết định hoãn phiên tòa số 98/2021/QĐ-PT ngày 23 tháng 7 năm 2021, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: bà Phạm Thị H, sinh năm 1973; nơi cư trú: số x, đường C, khu phố y, Phường z, thành phố T, tỉnh Tây Ninh. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà V: ông Nguyễn Hữu L, sinh năm 1969; nơi cư trú: nhà số n, hẻm m, đường T, ấp B, xã B, thành phố T, tỉnh Tây Ninh. Có mặt.

* Bị đơn: bà Ngô P, sinh năm 1965; nơi cư trú: Phường n, thành phố T, tỉnh Tây Ninh. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà P: ông Phạm Văn T, sinh năm 1985; nơi cư trú: phường N, thành phố T, tỉnh Tây Ninh (theo Văn bản ủy quyền ngày 07-9- 2020). Có mặt.

* Người kháng cáo:

- Bà Phạm Thị H - nguyên đơn;

- Bà Ngô P - bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo lời trình bày của bà Phạm Thị H, bà là người thuê nhà của bà Ngô P để ở và kinh doanh quán cơm từ năm 2018. Do bà P tâm sự về việc con gái của bà bị vô sinh nên cần điều trị thụ tinh nhân tạo, nhưng chồng bà P không tin nên bà có gợi ý cho bà P mượn 350.000.000 (ba trăm năm mươi triệu) đồng tiền nhàn rỗi của bà có được chưa sử dụng, bà cho bà P mượn không tính lãi, trong thời hạn 06 tháng trả lại cho bà; mục đích là để điều trị bệnh vô sinh cho con gái. Bà P thỏa thuận với bà là giấu không cho ông Lê Văn L (chồng bà P) biết việc vay mượn này, nên khi cho mượn bà viết “Giấy biên nhận (tiền mặt)”có nội dung gửi tiền cho bà P giữ dùm. Sau khi thống nhất việc mượn tiền bà P có ghi số chứng minh của bà P vào tờ giấy nhỏ đưa cho bà, bà nghi ngờ không biết có ghi đúng số chứng minh hay không, nên bà P có đưa sổ hộ khẩu phô tô và có nói với bà trong sổ hộ khẩu có số chứng minh nhân dân.

Sau khi thỏa thuận, tối ngày 24-01-2020 âm lịch bà soạn sẵn nội dung “Tờ biên nhận (tiền mặt)” ghi ngày 25-01-2020 âm lịch, đến sáng 25-01-2020 âm lịch khi ông L (chồng bà P) không có ở nhà bà đến giao tiền cho bà P cùng với “Tờ biên nhận (tiền mặt)” và bà có đọc lại cho bà P nghe, sau đó bà P đồng ý ký tên vào giấy biên nhận. Khi gần đến thời hạn 06 tháng bà có ý lấy lại số tiền này thì bà P cho rằng không có việc vay mượn tiền, bà mới khởi kiện bà P ra Tòa án yêu cầu trả số tiền 350.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 25/7/2020 (âm lịch) cho đến khi bà P trả nợ xong theo mức lãi suất 10%/năm.

Do mâu thuẫn phát sinh nên bà P không cho bà thuê nhà nữa và khi thanh lý hợp đồng bà P có trả cọc cho bà số tiền 14.000.000 đồng, bồi thường tiền cho bà số tiền 14.000.000 đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước hạn.

Ngược lại, phía bị đơn (bà P và người đại diện theo ủy quyền của bà P) không thừa nhận có liên quan gì đến số tiền 350.000.000 đồng, nên khi Tòa án Thông báo thụ lý bà P phủ nhận không có ký vào biên nhận tiền nào hết và có yêu cầu giám định chữ ký. Đồng thời trình bày một số nội dung như: con gái của bà thụ tinh nhân tạo vào khoảng thời gian từ ngày 23-01-2019 đến tháng 4-2019 là kết thúc; số tiền chi phí điều trị thụ tinh nhân tạo chỉ khoảng 75.000.000 đồng cho hai lần đóng tiền; Giấy chứng minh nhân dân của bà bị mất, do bà không biết đọc chữ chỉ có khả năng ký tên và ghi họ tên, nên cuối năm 2019 bà có nhờ bà V chở đi làm giấy chứng minh nhân dân, trong khi làm thủ tục bà V có hỗ trợ ghi chép, phô tô giấy tờ hộ khẩu; bà chỉ có việc ký tên ghi họ tên theo hướng dẫn của bà V, trong lúc này có thể bà đã ký khống vào tờ giấy A4 nên bà V cất giữ để ghi nội dung bà vay tiền của bà V. Bà không có đưa cho bà V sổ hộ khẩu mà do khi đi làm giấy chứng minh nhân dân, bà có đưa sổ hộ khẩu cho bà V để ghi thông tin khi làm lại giấy chứng minh nhân dân, nên bà V mới biết số chứng minh nhân dân của bà và ghi vào giấy biên nhận tiền. Bà chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn với bà V là do bà V trả tiền thuê nhà không đúng thời hạn và nhiều vấn đề phức tạm khác nên bà không muốn cho thuê nữa, bà chấp nhận thanh lý hợp đồng trước hạn trả tiền cọc và bồi thường thêm tiền cho bà V 14.000.000 đồng; khi nhận lại tiền cọc thuê nhà bà V không có yêu cầu trả tiền gửi, tiền mượn gì hết. Sau đó, bà mới nhận được thông báo của Tòa án việc bà V kiện bà số tiền 350.000.000 đồng. Bà cho rằng không có mượn hay giữ dùm số tiền của bà V nên bà không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà V.

Tại Bản án sơ thẩm số 35/2021/DS-ST ngày 28 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, quyết định:

Căn cứ vào Điều 166, 357 của Bộ luật Dân sự 2015; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị H về việc “Tranh chấp đòi tài sản” đối với bà Ngô P.

- Buộc bà Ngô P có nghĩa vụ trả cho bà Phạm Thị H tổng số tiền 352.000.000 (ba trăm năm mươi hai triệu) đồng, trong đó bà P đã giữ giùm số tiền 350.000.000 (ba trăm năm mươi triệu) đồng và số tiền lãi chậm trả là 2.000.000 (hai triệu) đồng.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên án phí, chi phí giám định và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 10 tháng 5 năm 2021, bị đơn bà Ngô P có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 12 tháng 5 năm 2021, nguyên đơn bà Phạm Thị H có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc bà P có nghĩa vụ phải trả cho bà tiền lãi 10%/năm, kể từ ngày 25 tháng 7 năm 2020 (âm lịch) cho đến khi bà P trả nợ xong.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bà P giữ nguyên yêu cầu kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị H.

- Bà Phạm Thị H giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo, buộc bà P có nghĩa vụ phải trả lãi cho bà theo mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 25-7- 2020 (âm lịch) cho đến khi bà P trả nợ xong.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tham gia phiên tòa:

- Về tố tụng: việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà Ngô P, không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị H; sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà V, sửa lại án phí sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bà Ngô P và bà Phạm Thị H làm trong thời hạn luật định, nội dung kháng cáo thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm phù hợp với quy định tại Điều 2 71 , 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Bà V khởi kiện yêu cầu bà P phải trả cho bà số tiền 350.000.000 đồng và tiền lãi suất chậm trả trên cơ sở là “Giấy biên nhận (tiền mặt)” được lập ngày 25/01/2020 âm lịch có chữ ký xác nhận của bà P giữ dùm bà V số tiền 350.000.000 đồng mà đến hạn bà P không trả lại, nhưng khi khởi kiện bà V cho là đây là hợp đồng vay tài sản không có lãi, mục đích vay là để bà P điều trị bệnh vô sinh cho con gái của bà P, việc ghi nội dung giữ dùm tiền là nhằm mục đích không cho chồng bà P biết việc bà vay tiền, ngoài ra không có chứng cứ nào khác.

[2.2] Bà P hoàn toàn không thừa nhận có việc ký giấy nhận giữ dùm tiền của bà V và không có nhận bất kỳ khoản tiền nào của bà V; bà P chứng minh:

- Chữ ký trên tờ “Giấy biên nhận (tiền mặt)” đề ngày 25/01/2020 âm lịch là chữ ký của bà nhưng không phải ký với nội dung giữ tiền dùm cho bà V mà là ký khống vào tờ giấy A4 khi bà đi cùng với bà V để bà làm lại giấy chứng minh nhân dân đã mất.

- Bà đã được cấp lại giấy chứng minh nhân dân mới vào năm 2019 nên có số mới, trong giấy nhận tiền là số Chứng minh nhân dân cũ mà bà V có được khi bà đi cùng bà V làm lại giấy chứng minh nhân dân cho bà (vì phải nộp sổ hộ khẩu photo);

- Con gái bà có đi điều trị bệnh vô sinh nhưng từ tháng 01/2019 và kết thúc tháng 4/2019 và số tiền chi phí cho hai lượt không quá 75.000.000 đồng nhưng con bà không thực hiện tiếp vì lý do sức khỏe, bà V biết việc này vì bà có nói cho bà V biết do ở gần nhau;

- Bà là người không biết chữ chỉ biết ký tên và viết được chữ “Ngô phầy”;

[2.3] Tại phiên tòa phúc thẩm bà P kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đánh giá đúng bản chất của sự việc và chưa đángh giá khách quan toàn diện các chứng cứ của vụ án nên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chưa có căn cứ. Bà đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ vụ án.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn là bà Ngô P là có căn cứ vì các lý do sau:

[3.1] Thứ nhất, căn cứ quy định tại Điều 117 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi các chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.

Hợp đồng có nội dung thể hiện bà P giữ hộ tiền của và Vân nhưng bà P là người không biết chữ; như vậy, việc bà P ký nhận vào hợp đồng này nhưng bà P không biết chữ và không thể biết được nội dung của hợp đồng do bà V soạn sẵn như lời bà V trình bày là không thể hiện được ý chí tự nguyện của bà P trong trường hợp này. Cũng theo lời trình bày của bà V thì bà đã soạn sẵn hợp đồng vào tối ngày 24/01/2020 và đưa bà P ký vào sáng ngày 25/01/2020, chứng tỏ nội dung hợp đồng hoàn toàn là ý chí của và Vân mà không phải ý chí của bà P, vì bà P không biết chữ và không có người thứ ba biết chữ đọc nội dung trong hợp đồng cho bà P biết.

Đặt trường hợp bà V có ý đưa số tiền ít hơn (VD: 35 triệu) nhưng lại ghi vào hợp đồng là 350 triệu, nhưng bà P vì không biết chữ nên không thể biết được nội dung hợp đồng thì không thể hiện được ý chí của bà P trong hợp đồng này; do đó, có căn cứ cho rằng hợp đồng vô hiệu vì vi phạm điểm b khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng;

[3.2] Thứ hai, mặc dù pháp luật hiện nay không có quy định không công nhận chữ ký của người không biết chữ trong giao dịch dân sự, nhưng có thể tham khảo tinh thần của Điều 48 của Luật Công chứng năm 2014 thì: “2. Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký. Khi điểm chỉ, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch sử dụng ngón trỏ phải; nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái; trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào”. Như vậy, pháp luật đã dự liệu trường hợp 1 người không biết chữ muốn thể hiện ý chí của mình có thể thực hiện hành động điểm chỉ vào văn bản. Điều này thể hiện đây là cách thức dành cho người không biết chữ và người khuyết tật (người không biết chữ và người khuyết tật được luật quy định chung vào trường hợp để bảo vệ ý chí tự nguyện của họ). Do đó, cần xem xét kỹ tính tự nguyện của đối tượng không biết chữ này trong giao dịch dân sự.

[3.3] Thứ ba, căn cứ quy định tại Điều 464 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay” thì: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”. Như vậy, hợp đồng vay được xác lập trên thực tế và phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên khi bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản đó, là thời điểm bên vay đã nhận tài sản đó. Như vậy, nếu bên vay chưa nhận tài sản đó trên thực tế thì bên cho vay vẫn là chủ sở hữu tài sản; do đó, những thoả thuận về quyền và nghĩa vụ giữa các bên là chưa phát sinh trên thực tế.

[3.4] Thứ tư, việc bà V có giao tiền cho bà P hay không, giao trước hay sau ngày 24 hay ngày 25 đều không có căn cứ xác định vì bà V hoàn toàn chủ động trong việc ghi ngày vào biên nhận như cách bà V đã trình bày bà viết hợp đồng vào ngày 24/01/2020 nhưng giao bà P ký vào ngày 25/01/2020.

[3.5] Thứ năm, tại Tòa người đại diện theo ủy quyền của bà V không chứng minh được tờ giấy A4 bà sử dụng ghi biên nhận tiền có được ở đâu. Vì loại giấy A4 ngoài thị trường không có bán lẻ, thông thường người dân viết đơn thường mua giấy có đường kẻ ngang hoặc sử dụng giấy tập học sinh để viết những biên nhận giao dịch thông thường. Loại giấy A4 chỉ sử dụng trong việc in ấn thường được sử dụng trong cơ quan, doanh nghiệp. Bà V cũng thừa nhận có đưa bà P đi làm lại giấy chứng minh nhân dân, và lại gia đình bà V không có người làm công chức nhà nước, lại viết biên nhận vào ban đêm thì không thể có giấy A4 để viết biên nhận.

Trong khi đó lời trình bày của bà P cũng như của ông Tình là người đại diện hợp pháp của bà P cho rằng bà P không có ký nhận tiền gửi của bà V, còn chữ ký của bà P trong giấy biên nhận đó có khả năng khi bà V đưa bà P đi làm giấy chứng minh nhân dân bà P đã ký khống vào tờ giấy A4 theo yêu cầu của bà V khi làm lại thủ tục cấp giấy chứng minh nhân dân. Do đó, lời trình bày của phía bị đơn về khả năng ký khống vào giấy A4 lúc làm giấy chứng minh nhân dân là có thể chấp nhận.

[3.6] Thứ sáu, có căn cứ cho thấy con gái bà P đã ngưng việc thu tinh hiếm muộn từ tháng 4/2019 đồng thời qua nghiên cứu chi phí thụ tinh hiếm muộn trong giai đoạn năm 2018 – 2019 giao động từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cho thấy việc bà P mượn số tiền là 350.000.000 đồng (hơn 10 lần) để cho con gái chữa hiếm muộn là vô lý, vì chưa biết được con gái bà P có thể thụ thai vào lần thứ mấy chữa hiếm muộn.

[3.7] Thứ bảy, bà P chấp nhận thanh lý hợp đồng thuê nhà cho bà V trước thời hạn trả tiền cọc 14.000.000 đồng và bồi thường thêm 14.000.000 đồng cho thấy việc bà P không có tiền để chữa hiếm muộn cho con và phải mượn tiền bà V là không có căn cứ.

[3.8] Thứ tám, bà P cho bà V thuê nhà mỗi tháng là 7.000.000 đồng, bà V cho bà P mượn số tiền 350.000.000 đồng không lấy lãi vì cho rằng giúp đỡ bà P khi khó khăn, nhưng khi chưa đến hạn trả nợ bà V đã khởi kiện bà P và yêu cầu trả lãi chậm trả; khi tất toán hợp đồng thuê nhà nhận lại tiền cọc và tiền bồi thường, bà V cũng không đòi lại số tiền đã gửi cho bà P; rõ ràng rằng đây là sự giao dịch bất lợi cho bà V; cho thấy lời khai của bà V là vô lý.

[3.9] Thứ chín, Việc bà V thừa nhận khi ông L (chồng bà P) không có ở nhà bà mới giao tiền 350.000.000 đồng cho bà P. Như vậy giữa bà P với bà V thống nhất giấu ông L và chỉ làm có 01 giấy biên nhận bà V cất giữ, thì không vì lý do gì bà V phải ghi giấy giữ tiền dùm, mà không ghi thẳng là giấy vay tiền. Chỉ khi nào lúc đưa tiền có mặt ông L nhưng muốn giấu việc vay mới ghi là giấy giữ tiền hộ để qua mặt ông L. Do đó, lời khai của bà V không mang tính logic, khách quan và thuyết phục để có thể khẳng định có việc bà V cho bà P vay tiền hoặc giữ tiền dùm.

[3.10] Thứ mười, bà V khai “Tối 24-01-2020 âm lịch bà P có ghi số chứng minh nhân dân của bà vào một tờ giấy nhỏ đưa cho tôi, tôi sợ số chứng minh nhân dân của bà P bị sai nên bà P cung cấp bản phô tô sổ hộ khẩu của gia đình bà P, bà P nói số chứng minh nhân dân của bà P có trong hộ khẩu” (Bút lục 25). Đây là lời khai có nhiều mâu thuẫn trong thực tế, vì bà P không biết chữ, nếu bà P có viết được chữ thì bà P viết số chứng minh nhân dân mới được cấp (12 số) vào tháng 12/2019, không thể nào nhớ được số chứng minh cũ (09 số) đã làm mất; hơn nữa nếu cần đối chiếu số chứng minh thì tại sao bà V không yêu cầu bà P cung cấp giấy chứng minh nhân dân mà lại cung cấp hộ khẩu và lại chỉ dẫn trong hộ khẩu có số chứng minh nhân dân. Do đó, không có căn cứ để khẳng định bà P cung cấp số chứng minh nhân dân cho bà V.

[4] Từ những phân tích trên cho thấy ngoài chữ ký của bà P được kết luận giám định là thật, tại phiên tòa phúc thẩm bà V xin vắng mặt và ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên tòa phúc thẩm đã không trả lời được các vấn đề có liên quan do bị đơn cũng như các vấn đề Hội đồng xét xử đưa ra để làm sáng tỏ vụ án nên hậu quả của việc không chứng minh được bà V phải chịu.

[5] Căn cứ quy định tại Điều 24 của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử” thì: “3. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai, trừ trường hợp không được công khai theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Tòa án điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định”. Đồng thời, Điều 108 của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc “Đánh giá chứng cứ” quy định: “1. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; 2. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”.

[6] Do đó, việc Toà án cấp sơ thẩm công nhận giấy biên nhận tiền giữa bà P và bà V mà không có căn cứ về việc chữ ký ký vào lúc nào, đã có việc giao, nhận tiền trên thực tế hay chưa, có người làm chứng về khoản thu nhập của bà V và bà P hay không, bà P có lý do để vay số tiền 350.000.000 đồng từ bà V (người từng thuê nhà của bà P) hay không là chưa thuyết phục, chưa có sự đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác các chứng cứ, cũng như lý lẽ của nguyên đơn trình bày không phù hợp thực tế của vụ việc, dù là chứng cứ bị đơn đưa ra là gián tiếp nhưng đã cho thấy lời trình bày của bà V là không có căn cứ thuyết phục.

[7] Từ những phân tích, đánh giá, tổng hợp các chứng cứ trực tiếp, gián tiếp, lời khai, lý lẽ của các bên đưa ra có căn cứ xác nhận lời trình bày của bà P là có thật, không có việc bà P nhận giữ dùm bà V số tiền 350.000.000 đồng theo “Giấy nhận tiền (tiền mặt)” lập ngày 25/01/2020 (âm lịch) do bà V cung cấp; do đó, có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà P, không chấp nhận kháng cáo của bà V, sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà V đối với bà P.

[8] Về án phí:

[8.1] Án phí sơ thẩm: do không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 147, 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[8.2] Án phí phúc thẩm:

Cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo, nên các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[9] Về chi phí tố tụng: bị đơn chịu chi phí giám định được quy định tại Điều 161 của Bộ luật Tố tụng dân sự (đã nộp xong).

Vì các lẽ trên ,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 147, 148, 161 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 166 của Bộ luật Dân sự; khoản 3 Điều 26; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Ngô P;

- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị H;

- Sửa bản án sơ thẩm;

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị H đối với bà Ngô P về việc “Tranh chấp đòi lại tài sản”.

2. Về chi phí giám định: bà Ngô P phải chịu số tiền 3.016.500 (ba triệu không trăm mười sáu nghìn năm trăm) đồng. Ghi nhận đã nộp xong.

3. Về án phí:

3.1. Án phí sơ thẩm:

- Bà Phạm Thị H phải chịu 17.600.000 (mười bảy triệu sáu trăm nghìn) đồng tiền án phí sơ thẩm.

- Bà Ngô P không phải chịu án phí sơ thẩm.

3.2. Án phí phúc thẩm:

- Bà Ngô P không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả lại cho bà P 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0001489 ngày 11/5/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

- Bà Phạm Thị H không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả lại cho bà V 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0001493 ngày 12/5/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

- Khấu trừ số tiền bà V đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm là 8.750.000 (tám triệu bảy trăm năm mươi nghìn) đồng tại Biên lai thu số 0000474 ngày 21/8/2020 và 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Bà V còn phải nộp số tiền còn lại là 8.550.000 (tám triệu năm trăm năm mươi nghìn) đồng.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

837
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản số 187/2021/DS-PT

Số hiệu:187/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/10/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về