Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất số 47/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

BẢN ÁN 47/2023/DS-PT NGÀY 14/06/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 14 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 14/2023/TLPT-DS ngày 22 tháng 02 năm 2023 về tranh chấp “Đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 12 tháng 01 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Thanh Hóa bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 18/2023/QĐXXPT-DS ngày 23/3/2023, Quyết định tạm ngừng phiên tòa dân sự phúc thẩm số 05/2023/QĐPT-DS ngày 13/4/2023, Thông báo thời gian mở lại phiên tòa số 07/2023/TB-TA ngày 26/5/2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Anh Bùi Văn C, sinh năm 1970; địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt.

1.2. Chị Trương Thị L, sinh năm 1971; địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

2. Bị đơn: Anh Hà Văn C1, sinh năm 1971; địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Chị Bùi Thị L1, sinh năm 1959; địa chỉ: phố Đ, xã Đ1, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3.2. Anh Bùi Văn L2, sinh năm 1960; địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3.3. Anh Bùi Văn S, sinh năm 1965; địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3.4. Anh Bùi Văn H, sinh năm 1966; địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; có mặt.

3.5. Chị Bùi Thị N, sinh năm 1980; địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3.6. Chị Bùi Thị C2, sinh năm 1967; địa chỉ: thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Thanh Hóa; vắng mặt (có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn Trương Thị L, bị đơn Hà Văn C1, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bùi Văn H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện ngày 06/5/2022, bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L đều trình bày:

Ông Bùi Văn X và bà Nguyễn Thị Y lấy nhau sinh được các con gồm: chị Bùi Thị L1, sinh năm 1959; anh Bùi Văn L2, sinh năm 1960; anh Bùi Văn S, sinh năm 1965; anh Bùi Văn H, sinh năm 1966; anh Bùi Văn C, sinh năm 1970 và chị Bùi Thị N, sinh năm 1980.

Năm 1994 thì chị L1, anh L2, anh S, anh H đều đã có gia đình ở riêng. Ông Bùi Văn X và bà Nguyễn Thị Y ở cùng vợ chồng anh Bùi Văn C và chị Bùi Thị N (còn nhỏ). Do ông Bùi Văn X là chủ hộ khẩu nên khi gia đình được cấp đất rừng sản xuất, tại lô 01 khoảnh 07 tiểu khu 307 tại địa chỉ khu đồi Đ, thôn T, xã Đ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên ông Bùi Văn X. Sau khi được cấp GCNQSDĐ thì cuối năm 1995 ông Bùi Văn X chết. Bà Y ở cùng vợ chồng anh Bùi Văn C, chị Trương Thị L và con gái nhỏ là Bùi Thị N.

Gia đình anh C và chị L có cho anh Bùi Văn H và vợ là Bùi Thị C2 mượn một phần đất rừng sản xuất khoảng 02ha để tạo điều kiện cho anh H phát triển kinh tế. Năm 2011 nghe nói anh H bán đất rừng anh H mượn của anh C và chị L cho anh Hà Văn C1. Chị L và anh C đã đến nhà anh C1 yêu cầu chuộc lại nhưng anh C1 không cho chuộc lại đất.

Năm 2021 có Quyết định thu hồi một phần đất để làm cụm công nghiệp trên một phần đất anh H bán cho anh C1. Ban quản lý mặt bằng đã bồi thường cho gia đình anh C, chị L số tiền là 117.770.450đ gồm: đất rừng sản xuất 5.193,70m2, trị giá 25.986.500 đồng, tiền đào mương bằng máy trị 3.590.400 đồng, luồng trị giá 41.370.000 đồng, mía tím trị giá 7.888.800 đồng, hỗ trợ chuyển đổi nghề là 38.952.450 đồng.

Phần đất còn lại anh C1 vẫn quản lý sử dụng, hiện nay đang trồng keo và luồng. Ngày 30/5/2022 bà Nguyễn Thị Y nộp đơn khởi kiện và ủy quyền cho chị Trương Thị L yêu cầu anh Hà Văn C1 trả lại quyền sử dụng đất hiện nay anh C1 còn đang quản lý cho gia đình. Kèm theo đơn khởi kiện là biên bản họp gia đình ủy quyền cho chị Trương Thị L khởi kiện.

Ngày 09/9/2022 bà Nguyễn Thị Y chết.

Nay anh Bùi Văn C, chị Trương Thị L yêu cầu anh Hà Văn C1 trả lại toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất anh C1 đã mua của anh H cho gia đình anh C, chị L và đồng ý trả giá trị công sức, tài sản trên đất cho anh Hà Văn C1.

2. Tại bản tự khai, quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, bị đơn anh Hà Văn C1 trình bày:

Ngày 10/7/2009 anh mua đất rừng của anh H, chị C2 15.000.000 đồng tại khu đồi Đ, thôn T, xã Đ, có làm giấy chuyển nhượng viết tay, không làm hợp đồng mua bán theo quy định và không sang tên trong GCNQSDĐ, hai lần sau đưa cho anh H 100.000.000 đồng, lần thứ tư là ngày 20/3/2011 đưa cho anh H 20.000.000 đồng. Tổng số tiền mua đất của anh H bốn lần là 135.000.000đ (Một trăm ba mươi lăm triệu đồng).

Anh mua đất của anh H và biết đất đứng tên ông Bùi Văn X bố đẻ anh H nhưng anh cho rằng anh H được chia đất nên có quyền bán đất. Sau khi mua đất rừng của anh H, anh đã san lấp mặt bằng hết 105.000.000 đồng, trồng luồng hết 50.000.000 đồng, múc mương hết 16.000.000 đồng, khoan giếng hết 7.000.000 đồng, trồng keo hết 5.000.000 đồng, rào xung quanh bằng dây thép gai hết 2.000.000 đồng. Anh mua của anh H bốn lần từ năm 2009 đến năm 2011 và sử dụng ổn định đến nay.

Năm 2021, Nhà nước thu hồi một phần đất anh mua của anh H thì bồi thường cho người đứng tên trong GCNQSDĐ. Do ông Bùi Văn X đang đứng tên trong GCNQSDĐ nên các con ông X là chị L và anh C đã nhận đền bù, trong đó có công sức của anh C1 gồm: mương đào trị giá 3.590.400 đồng, luồng là 41.370.000 đồng, mía tím là 7.888.800 đồng. Nay anh C1 yêu cầu anh C và chị L có trách nhiệm trả cho anh giá trị tài sản, công sức trên phần đất anh mua của anh H đã bị thu hồi là 52.849.200đ (Năm mươi hai triệu, tám trăm bốn mươi chín nghìn, hai trăm đồng).

Nay anh C1 đồng ý trả lại toàn bộ khu đất rừng sản xuất anh đang quản lý cho anh C và chị L vì việc mua bán giữa anh và anh H là trái pháp luật. Một phần đất đã thu hồi, phần đất còn lại anh đang quản lý sử dụng. Anh đồng ý với kết quả thẩm định, định giá tài sản trên đất ngày 05/8/2022 với giá trị tài sản trên đất và công sức tu tạo đất là 159.108.000đ (Một trăm năm mươi chín triệu, một trăm linh tám nghìn đồng), nhưng anh yêu cầu anh C, chị L và anh H, chị C2 phải trả cho anh 1.500.000.000đ (Một tỉ, năm trăm triệu đồng) do từ năm 2009 đến năm 2011 anh đã trả tiền mua đất cho anh H là 135.000.000 đồng, nếu số tiền này mua vàng cùng thời điểm thì nay giá vàng hiện tại và giá trị tài sản trên đất phải tương đương 1.500.000.000đ (Một tỉ, năm trăm triệu đồng).

3. Tại bản tự khai, quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Bùi Văn H trình bày: Gia đình anh khó khăn và anh hay uống rượu nên nợ nhiều. Anh đã bán đất rừng của anh C và chị L cho anh C1 04 lần, số tiền nhận của anh C1 anh chỉ nhớ khoảng 100.000.000 đồng, không làm giấy tờ, không nhớ ngày giờ cụ thể. Tiền bán đất có trả nợ chung trong gia đình, mua trâu và chi tiêu cá nhân. Cụ thể từng khoản chi anh H không nhớ. Nay anh đồng ý có trách nhiệm hoàn trả tiền cho anh C1 và trả lãi theo lãi suất ngân hàng, lãi cụ thể như thế nào anh không biết mà nhờ Tòa án xém xét. Anh không có nhu cầu sử dụng đất, nên giao cho anh Bùi Văn C, chị Trương Thị L có toàn quyền sử dụng đất rừng sản xuất đang mang tên ông Bùi Văn X.

4. Chị Bùi Thị C2 (vợ anh H) trình bày: Chị lấy anh H về thì vợ chồng ở riêng, vợ chồng anh C ở cùng ông bà. Khi vợ chồng chị được anh C chia cho một phần đất để làm ăn thì anh H thường xuyên say rượu, bán đất không bàn bạc với chị. Việc chi tiêu trong nhà anh H thích thì làm chứ không bàn bạc với chị. Anh H lấy tiền từ anh C1 chi tiêu vào việc gì chị không được tham gia. Chị không có yêu cầu gì, anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L có toàn quyền sử dụng đất rừng sản xuất đang mang tên ông Bùi Văn X.

5. Các anh chị em ruột của anh C gồm chị Bùi Thị L1, anh Bùi Văn L2, anh Bùi Văn S, chị Bùi Thị N đều trình bày: đất rừng sản xuất đứng tên ông Bùi Văn X, nay ông Bùi Văn X và bà Nguyễn Thị Y đã chết thuộc quyền sử dụng là của anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L. Vì anh C và chị L sống cùng ông bà từ ngày chưa được cấp đất rừng sản xuất. Nay chị L1, anh L2, anh S, chị N không có nhu cầu sử dụng và không yêu cầu gì. Anh C và chị L có toàn quyền sử dụng dụng đất rừng sản xuất đang mang tên ông Bùi Văn X.

6. Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 05/8/2022:

- Cọc bê tông bao quanh là 18 cọc x 60.000đ/cọc = 1.080.000đ;

- Dây thép gai 160m tương đương với 4 cuộn trị giá 1.000.000đ;

- 01(một) giếng khoan trị giá 7.000.000đ;

- Luồng trên đất có 1974 cây, trị giá 10.857.000đ;

- Măng chưa sử dụng được 686 cây, trị giá 10.290.000đ;

- 03(ba) bụi luồng nhỏ, trị giá 180.000đ;

- Gỗ lát D35 có 03 cây, trị giá 780.000đ;

- Xoan D35 có 01 cây, đơn giá 622.000đ + công chặt 53.000đ = 675.000đ;

- 05(năm) cây gỗ (01 cây gỗ gù, 01 cây chẩu, 03 cây giổi mắt cá), công chặt 53.000đ x 5 = 265.000đ;

- Xoan D20 có 01 cây, trị giá 143.000đ;

- Keo 18 hàng x 60 cây = 1.080 cây. Tiền mua giống cây là 1.700.000đ/cây x 1.080 cây = 1.836.000đ;

- Công làm đất trồng keo là 3.000.000đ;

- Phân bón keo là 1.020.000đ;

- Công trồng keo là 900.000đ;

- Tiền san mặt bằng hạ độ cao là 105.000.000đ;

- Tiền múc mương bằng máy là 16.000.000đ;

Tổng là 159.108.000đ (Một trăm năm mươi chín triệu, một trăm linh tám nghìn đồng) giá trị tài sản trên đất và công sức tu tạo đất.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 12/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện B quyết định: Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 92, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 166; khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự; khoản 2, 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L về vụ việc “Đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất” anh Hà Văn C1 đang quản lý theo kết quả thẩm định, định giá là 14.652m2 đất rừng sản xuất (có sơ đồ kèm theo), diện tích đất này nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0118843, số vào sổ: 10/1/QSDĐ cấp ngày 30 tháng 10 năm 1995 đang mang tên ông Bùi Văn X.

2. Buộc anh Hà Văn C1 phải trả lại diện tích 14.652m2 đất rừng sản xuất (có sơ đồ kèm theo), diện tích đất này nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0118843, số vào sổ: 10/1/QSDĐ cấp ngày 30 tháng 10 năm 1995 đang mang tên ông Bùi Văn X cho anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L.

3. Nguyên đơn anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L liên đới có trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đã nhận cho anh Hà Văn C1 là 52.849.200đ (Năm mươi hai triệu, tám trăm bốn mươi chín nghìn, hai trăm đồng).

4. Nguyên đơn anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L liên đới có trách nhiệm trả cho anh Hà Văn C1 giá trị tài sản và công sức tu tạo đất là 159.108.000đ (Một trăm năm mươi chín triệu, một trăm linh tám nghìn đồng).

Tổng số tiền anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L phải trả cho anh Hà Văn C1 là 211.957.200đ (Hai trăm mười một triệu, chín trăm năm mươi bảy nghìn, hai trăm đồng).

5. Có căn cứ xác định anh Bùi Văn H đã nhận tiền của anh Hà Văn C1 theo giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp ngày 10/7/2009 là 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng), 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) không làm giấy tờ giao nhận tiền anh H công nhận, 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng) ngày 30/3/2011 (có giấy biên nhận). Tính đến ngày 20/3/2011 là 135.000.000đ (Một trăm ba mươi lăm triệu đồng).

Buộc anh Bùi Văn H và chị Bùi Thị C có trách nhiệm liên đới hoàn trả khoản tiền đã nhận của anh Hà Văn C1 135.000.000đ (Một trăm ba mươi lăm triệu đồng).

Buộc anh Bùi Văn H và chị Bùi Thị C2 có trách nhiệm liên đới chịu lãi suất của số tiền 135.000.000đ (Một trăm ba mươi lăm triệu đồng) tính từ ngày 20/3/2011 đến ngày xét xử 12/01/2023 là 11 năm 09 tháng 22 ngày. Với mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự là 10%/năm, cụ thể là:

135.000.000đ x 10%/năm x 11 năm 09 tháng 22 ngày = 160.252.317đ (Một trăm sáu mươi triệu, hai trăm năm mươi hai nghìn, ba trăm mười bảy đồng).

Tổng cả gốc và lãi anh Bùi Văn H và chị Bùi Thị C2 có trách nhiệm liên đới trả cho anh Hà Văn C1 là 295.252.317đ, làm tròn 295.252.000đ (Hai trăm chín mươi lăm triệu, hai trăm năm mươi hai nghìn đồng).

6. Anh Hà Văn C1 được nhận từ anh Bùi Văn H và chị Bùi Thị C2 là 295.252.000đ (Hai trăm chín mươi lăm triệu, hai trăm năm mươi hai nghìn đồng).

Anh Hà Văn C1 được nhận từ anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L là 211.957.200đ (Hai trăm mười một triệu, chín trăm năm mươi bảy nghìn, hai trăm đồng).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về trách nhiệm chậm thực hiện nghĩa vụ, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 26 tháng 01 năm 2023, anh Hà Văn C1 kháng cáo nội dung: Yêu cầu Tòa án phúc thẩm xem xét phần đền bù chưa thỏa đáng, gồm các khoản:

- Luồng trên đất có 1.974 cây; trị giá 10.857.000đ;

- Măng chưa sử dụng được 686 cây, trị giá 10.290.000đ;

- Keo 18 hàng x 60 cây = 180 cây, tiền mua giống cây là 1.700đ/cây = 1.836.000đ;

- Tiền bồi thường tiền luồng khu vực đất thu hồi năm 2021 là 41.370.000đ;

- Mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS 10%/năm, cụ thể 135.000.000đ x 10%/năm x 11 năm 9 tháng 22 ngày = 160.252.317đ là chưa thỏa đáng.

- Tiền trồng luồng 50.000.000 đồng chưa được tính cho gia đình anh.

- Tiền chặt phá luồng chưa được tính cho gia đình anh.

- Yêu cầu gia đình anh C phải trả lãi suất cho gia đình anh số tiền đền bù giải phóng mặt bằng tính từ ngày anh C nhận tiền đền bù đến nay.

Ngày 27 tháng 01 năm 2023, chị Trương Thị L kháng cáo nội dung: Yêu cầu anh C1 phải trả lại mặt bằng đất nguyên trạng cho gia đình chị và không đồng ý bồi thường tài sản trên đất là 211.957.200 đồng, vì như vậy là quá cao.

Ngày 27 tháng 01 năm 2023, anh Bùi Văn H kháng cáo nội dung: Yêu cầu anh C1 phải trả lại mặt bằng đất nguyên trạng cho gia đình anh C và không đồng ý trả cho anh C1 số tiền 295.252.000 đồng. Anh H xuất trình sổ hộ cận nghèo và đơn đề nghị miễn tiền tạm ứng án phí, án phí.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/4/2023, bị đơn anh Hà Văn C1 yêu cầu Tòa án xem xét định giá lại một số tài sản gồm: luồng, măng và keo. HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa để tiến hành định giá lại các tài sản nêu trên.

Kết quả định giá lại tài sản ngày 19/5/2023 như sau:

- Luồng nhỏ: 03 bụi x 60.000đ/bụi = 180.000 đồng.

- Luồng khai thác được: 1.974 cây x 15.000đ/cây = 29.610.000 đồng.

- Măng (từ ngày 05/8/2022 đến ngày 19/5/2023 đã thành luồng): 686 cây x 15.000đ/cây = 10.290.000 đồng.

- Keo: Diện tích rừng keo là 4.453m2. Căn cứ Luật Lâm nghiệp 2017, Nghị định 156 năm 2018 của Chính phủ thì xác định rừng keo trên là rừng trồng tập trung. Xác định tuổi keo từ 01 đến 03 tuổi, trị giá: 42.000.000đ/hecta x 0,4453 hecta = 18.702.600 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn chị Trương Thị L rút một phần kháng cáo, chị chỉ không chấp nhận bồi thường cho anh C1 các khoản gồm: tiền trị giá luồng đền bù giải phóng mặt bằng gia đình chị đã được nhận; tiền trị giá toàn bộ các cây trồng trên phần đất anh C1 trả lại cho vợ chồng chị gồm: luồng, măng, gỗ lát, xoan, gù, chẩu, giổi mắt cá ... vì những cây này đã có từ khi vợ chồng chị cho vợ chồng anh H mượn đất; tiền san mặt bằng hạ độ cao vì giá trị không cao như vậy. Còn các khoản bồi thường khác theo bản án sơ thẩm đã tuyên chị chấp nhận bồi thường.

Bị đơn anh Hà Văn C1, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Bùi Văn H giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến:

- Việc tuân theo pháp luật: Thẩm phán, Hội đồng xét xử (HĐXX), Thư ký Tòa án và các bên đương sự đã tuân thủ, thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) tại cấp phúc thẩm.

- Về nội dung: Đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 309 BLTTDS, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn chị Trương Thị L, bị đơn anh Hà Văn C1, người có quyền lợi, nghĩa vụ anh Bùi Văn H, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: xác định giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp là hợp đồng vô hiệu, nên cần hủy hợp đồng, các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận và xem xét giá trị thiệt hại, lỗi của từng bên để bồi thường thiệt hại; xác định lại giá trị một số tài sản theo kết quả định giá lại; xem xét chia phần khoản tiền san mặt bằng hạ độ cao đất cho cả nguyên đơn và bị đơn cùng chịu trách nhiệm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm thấy rằng:

[1] Về thủ tục tố tụng: Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn chị Trương Thị L, bị đơn anh Hà Văn C1, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bùi Văn H có đơn kháng cáo trong thời hạn quy định của BLTTDS và nộp tạm ứng án phí, các tài liệu liên quan đến việc miễn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Nguyên đơn anh Bùi Văn C đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác vắng mặt nhưng đã có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nên căn cứ vào khoản 2 Điều 296 BLTTDS, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt những người này.

[2] Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn Trương Thị L:

Do có việc chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật giữa anh H cho anh C1, nên anh C1 đã sử dụng đất, bỏ công sức ra cải tạo đất, khai thác tài sản trên đất từ khi được chuyển nhượng đến nay. Bản án sơ thẩm tuyên anh C1 trả lại đất là phù hợp, không thể trả lại mặt bằng đất nguyên trạng được.

Về số tiền bồi thường: Chị L không đồng ý bồi thường tiền trị giá luồng đền bù giải phóng mặt bằng gia đình chị đã được nhận; tiền trị giá toàn bộ các cây trồng trên phần đất anh C1 trả lại cho vợ chồng chị gồm: luồng, măng, gỗ lát, xoan, gù, chẩu, giổi mắt cá ... vì chị cho rằng những cây này đã có từ khi vợ chồng chị cho vợ chồng anh H mượn đất; tuy nhiên không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện khi vợ chồng chị cho vợ chồng anh H mượn đất cũng như khi anh H chuyển nhượng đất cho anh C1 thì trên đất có những loại cây gì. Do đó, không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn về việc không đồng ý bồi thường giá trị một số cây trồng trên đất.

Đối với khoản tiền san mặt bằng hạ độ cao đất, nguyên đơn chị Trương Thị L không đồng ý bồi thường vì cho rằng giá trị không cao như vậy, còn đại diện Viện kiểm sát đề nghị chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của nguyên đơn, giảm một phần giá trị tiền san mặt bằng hạ độ cao đất vì bị đơn không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ hợp lệ để chứng minh cho những chi phí trong việc san mặt bằng hạ độ cao đất. Xét thấy, quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn đều thừa nhận có sự việc san mặt bằng hạ độ cao đất để trồng mía tím, tại biên bản thẩm định, định giá tài sản ngày 05/8/2022 của Tòa án cấp sơ thẩm thể hiện chi phí cho việc san mặt bằng hạ độ cao đất là 105.000.000 đồng, nguyên đơn chỉ cho rằng chi phí không cao như vậy nhưng không yêu cầu định giá lại, cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác so với biên bản định giá tài sản ngày 05/8/2022 của Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, không có căn cứ chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc giảm một phần giá trị tiền san mặt bằng hạ độ cao đất, cũng như nội dung kháng cáo của nguyên đơn về việc không đồng ý bồi thường khoản tiền san mặt bằng hạ độ cao đất.

Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào kết quả định giá lại tài sản ngày 19/5/2023 để sửa khoản tiền phải bồi thường cho phù hợp.

[3] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn Hà Văn C1:

Anh C1 đề nghị xem xét lại một số khoản tiền bồi thường chưa thỏa đáng, HĐXX phúc thẩm nhận thấy:

Đối với số tiền bồi thường luồng khu vực đất thu hồi (năm 2021) 41.370.000 đồng là do quyết định của Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng; cũng như áp dụng mức lãi suất 10%/năm là căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS, nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu.

Về yêu cầu bồi thường tiền trồng luồng 50.000.000 đồng và tiền chặt phá luồng là không có cơ sở chấp nhận, vì tiền công trồng, công chặt đã nằm trong khoản bồi thường giá trị của luồng.

Về yêu cầu gia đình anh C phải trả lãi suất cho gia đình anh số tiền đền bù giải phóng mặt bằng tính từ ngày anh C nhận tiền đền bù cho đến nay là không có cơ sở chấp nhận, vì đây là số tiền được đền bù do giải phóng mặt bằng, chứ không phải tiền vay hoặc nợ.

Đối với một số loại cây, gồm: luồng, măng, keo do có yêu cầu định giá lại, nên căn cứ vào biên bản định giá lại tài sản ngày 19/5/2023, chấp nhận một phần kháng cáo của anh Hà Văn C1, sửa bản án sơ thẩm về tổng số tiền buộc gia đình anh C, chị L phải bồi thường cho anh C1.

Cụ thể: - Khoản tiền được nhận từ tiền đền bù giải phóng mặt bằng là 52.849.200 đồng (bao gồm: tiền đào mương: 3.590.400 đồng, giá trị mía tím:

7.888.800 đồng; giá trị luồng: 41.370.000 đồng).

- Cọc bê tông bao quanh là 18 cọc x 60.000đ/cọc = 1.080.000đ;

- Dây thép gai 160m tương đương với 4 cuộn, trị giá 1.000.000đ;

- 01(một) giếng khoan, trị giá 7.000.000đ;

- Tiền san mặt bằng hạ độ cao là 105.000.000đ;

- Tiền múc mương bằng máy là 16.000.000đ;

- Gỗ lát D35 có 03 cây, trị giá 780.000đ;

- Xoan D35 có 01 cây, trị giá 622.000đ;

- 05(năm) cây gỗ (01 cây gỗ gù, 01 cây chẩu, 03 cây giổi mắt cá), trị giá 265.000đ;

- Xoan D20 có 01 cây, trị giá 130.000đ;

- Luồng trên đất có 1.974 cây, trị giá 29.610.000đ;

- 03(ba) bụi luồng nhỏ, trị giá 180.000đ;

- Măng (hiện tại đã thành luồng) có 686 cây, trị giá 10.290.000đ;

- Keo (tính giá trị theo rừng keo từ 01 đến 03 tuổi), trị giá 18.702.600đ;

Tổng cộng: 243.508.800đ (Hai trăm bốn mươi ba triệu, năm trăm linh tám nghìn, tám trăm đồng).

[4] Xét nội dung kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bùi Văn H:

Do việc chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật giữa anh H cho anh C1, nên anh C1 đã sử dụng đất, bỏ công sức ra cải tạo đất, khai thác tài sản trên đất từ khi được chuyển nhượng đến nay. Bản án sơ thẩm tuyên anh C1 trả lại đất là phù hợp, không thể trả lại mặt bằng đất nguyên trạng được.

Xét về giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp ngày 12/7/2009 giữa anh Bùi Văn H và anh Hà Văn C1, thì thấy: đây là một giao dịch dân sự, nội dung là mua bán đất rừng, tuy nhiên, đối với đất rừng sản xuất thì không được tách thửa mà chỉ có thể chuyển nhượng nguyên thửa, và chỉ có chủ sử dụng hợp pháp mới có quyền chuyển nhượng, hơn nữa việc chuyển nhượng này do hai bên viết tay, không thể hiện diện tích chuyển nhượng, không được công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, do đó đây là một hợp đồng vô hiệu, do vi phạm điều cấm của luật, nên cần phải được giải quyết theo quy định tại Điều 122, 123, 407 BLDS về giao dịch dân sự vô hiệu mới phù hợp với quy định của pháp luật.

Xem xét khoản tiền anh H đã nhận của anh C1 thì thấy: Theo các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án thì chỉ có hai lần anh H nhận tiền viết bằng giấy tay, cụ thể ngày 12/7/2009 anh H nhận 15.000.000 đồng, ngày 20/3/2011 anh H nhận 20.000.000 đồng, ngoài ra không còn chứng cứ nào khác khẳng định anh H đã nhận 135.000.000 đồng. Tại bản tự khai cũng như các biên bản hòa giải, anh H đều trình bày anh nhận tiền của anh C1 nhiều lần, tổng cộng khoảng 100.000.000 đồng. Tại các biên bản hòa giải ngày 16/9/2022 và 22/9/2022 anh C1 trình bày số tiền đưa cho anh H là 125.000.000 đồng, đưa làm ba lần: lần 01 là 40.000.000 đồng, lần 02 là 40.000.000 đồng, lần 03 là 45.000.000 đồng, còn tại phiên tòa sơ thẩm anh C1 lại trình bày số tiền đưa cho anh H là 135.000.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận số tiền anh H đã nhận của anh C1 135.000.000 đồng theo lời trình bày của anh C1 là không có căn cứ, mà chỉ nên chấp nhận số tiền anh H đã nhận của anh C1 100.000.000 đồng theo lời trình bày của anh H mới phù hợp với quy định của pháp luật.

Xác định lỗi của các bên: Anh H không có quyền chuyển nhượng đất rừng vì không phải chủ sử dụng hợp pháp, anh C1 biết anh H không phải chủ sử dụng hợp pháp nhưng vẫn đồng ý nhận chuyển nhượng, hai bên chỉ viết giấy tay, không tuân thủ về hình thức, nội dung, trình tự thủ tục chuyển nhượng. Do đó cả hai bên đều có lỗi ngang nhau làm cho giao dịch dân sự bị vô hiệu.

Xác định giá trị thiệt hại: Do là đất rừng sản xuất, không có ai chuyển nhượng cho nhau, nên không xác định được giá trị đất rừng chuyển nhượng hiện tại. Do đó cần xác định giá trị thiệt hại là khoản tiền lãi suất theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS là 10%/năm, tức 0,83%/tháng. Thời gian tính lãi suất từ ngày 20/3/2011 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 12/01/2023) là 11 năm 9 tháng 22 ngày. Cụ thể: 100.000.000đ x 10%/năm x 11 năm 9 tháng 22 ngày = 118.110.000 đồng. Do cả hai bên đều có lỗi ngang nhau nên phải chịu trách nhiệm ngang nhau về bồi thường thiệt hại, mỗi bên phải chịu 50% giá trị thiệt hại là 59.055.000 đồng.

Vì vậy cần phải hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Bùi Văn H và anh Hà Văn C1, buộc anh C1 trả lại đất cho gia đình anh C, chị L, còn anh H phải trả lại số tiền 100.000.000 đồng đã nhận của anh C1 và 59.055.000 đồng giá trị thiệt hại, tổng cộng là 159.055.000 đồng cho anh C1 là phù hợp với quy định của pháp luật.

[5] Về chi phí tố tụng: Anh Hà Văn C1 đã tự nguyện nộp đủ chi phí định giá lại tài sản theo quy định và không có yêu cầu gì, nên miễn xét.

[6] Về án phí: Kháng cáo của anh Hà Văn C1, anh Bùi Văn H được chấp nhận một phần nên anh C1, anh H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm (DSPT). Kháng cáo của chị Trương Thị L không được chấp nhận nên chị L phải chịu án phí DSPT.

Về án phí dân sự sơ thẩm (DSST): Do sửa mức bồi thường nên cần phải sửa phần án phí DSST đối với anh Bùi Văn C, chị Trương Thị L. Đối với anh Bùi Văn H, trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, anh H xuất trình thêm giấy xác nhận hộ cận nghèo và đơn đề nghị miễn tiền án phí nên cần xem xét miễn tiền án phí DSST cho anh Bùi Văn H, chị Bùi Thị C2.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, HĐXX không xem xét và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, khoản 2 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1, 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Trương Thị L, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Hà Văn C1, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bùi Văn H, sửa bản án sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 12/01/2023 của Tòa án nhân dân huyện B, như sau:

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 92, Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, 122, 123, 407, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 2, 5 Điều 26, khoản 3 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L về việc “Tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất”. Hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (theo giấy chuyển nhượng đất lâm nghiệp ngày 12/7/2009 và biên bản thỏa thuận ngày 20/3/2011) giữa anh Bùi Văn H và anh Hà Văn C1. Buộc anh Hà Văn C1 phải trả lại diện tích 14.652m2 đất rừng sản xuất (có sơ đồ kèm theo), diện tích đất này nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số E 0118843, số vào sổ: 10/1/QSDĐ cấp ngày 30 tháng 10 năm 1995 mang tên ông Bùi Văn X và toàn bộ tài sản, cây cối, hoa màu trên đất cho anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L.

2. Buộc anh Bùi Văn C và chị Trương Thị L có trách nhiệm liên đới hoàn trả và bồi thường cho anh Hà Văn C1 tổng số tiền là 243.508.800đ (Hai trăm bốn mươi ba triệu, năm trăm linh tám nghìn, tám trăm đồng).

3. Buộc anh Bùi Văn H và chị Bùi Thị C2 có trách nhiệm liên đới hoàn trả số tiền đã nhận của anh Hà Văn C1 và bồi thường giá trị thiệt hại cho anh Hà Văn C1 là 159.055.000đ (Một trăm năm mươi chín triệu, không trăm năm mươi lăm nghìn đồng).

Sau khi án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án và Cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành án, mà người phải thi hành án chậm thi hành án thì phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành án tương ứng với thời gian chậm thi hành án theo mức lãi suất do bên được thi hành án và bên phải thi hành án thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS, nếu không thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 357 BLDS.

4. Về án phí:

- Án phí DSPT: Anh Hà Văn C1, anh Bùi Văn H không phải chịu án phí DSPT. Trả lại cho anh Hà Văn C1 số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí DSPT theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2022/0001989 ngày 30/01/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B.

Chị Trương Thị L phải nộp 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí DSPT, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2022/0001912 ngày 01/02/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, chị L đã nộp đủ án phí DSPT.

- Án phí DSST: Anh Hà Văn C1 phải nộp án phí DSST là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng).

Anh Bùi Văn C, chị Trương Thị L phải nộp án phí DSST là 12.175.000đ (Mười hai triệu, một trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

Miễn toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm cho anh Bùi Văn H, chị Bùi Thị C2.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

299
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất số 47/2023/DS-PT

Số hiệu:47/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thanh Hoá
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về