TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
BẢN ÁN 40/2023/DS-PT NGÀY 31/08/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 31 tháng 8 năm 2023, tại T sở Tòa án nhân dân huyện S, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 44/2023/TLPT – DS ngày 11 tháng 7 năm 2023 về việc“Tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất” Do bản án dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo:
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 79/2023/QĐPT-DS ngày 10 tháng 8 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 110/2023/QĐ-PT ngày 21 tháng 8 năm 2023 giữa các đương sự 1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm: 1966;
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Th, sinh năm 1960, theo văn bản ủy quyền ngày 25 tháng 7 năm 2023 Cùng địa chỉ: Xóm XX, thôn T, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Công T – Luật sư, Văn phòng luật sư Nguyễn Công T, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi; địa chỉ: Tổ dân phố Liên Hiệp XX, phường T, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1960 (chết ngày 13/12/2022).
Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn đồng thời cũng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án:
1/ Bà Huỳnh Thị D, sinh năm 1966;
2/ Chị Nguyễn Thị C, sinh năm: 1988;
3/ Chị Nguyễn Thị L, sinh năm: 1989;
4/ Anh Nguyễn Văn Th, sinh năm: 1995;
Cùng địa chỉ: Xóm X, thôn T, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi;
Người đại diện hợp pháp của bà Huỳnh Thị D, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, anh Nguyễn Văn Th: Ông Nguyễn T K, sinh năm: 1989 – địa chỉ: Thôn N, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi (theo văn bản ủy quyền ngày 17/12/2020, ngày 26/4/2023; ngày 26/7/2021);
5/ Chị Nguyễn Thị T, sinh năm: 1990;
6/ Anh Nguyễn Tăng N, sinh năm 1994;
Cùng địa chỉ: Xóm X, thôn T, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.
7/ Ủy ban nhân dân xã T, huyện S.
Người đại diện theo pháp luật: Chủ tịch UBND xã T.
Địa chỉ: xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.
Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L; Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn đồng thời là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Huỳnh Thị D.
Tại phiên tòa: Bà L, ông T, ông Tuân, anh K, anh N, bà D có mặt; Đại diện của UBND xã T vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt; chị Nguyễn Thị T vắng mặt không có lý do.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, biên bản hòa giải và tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Th trình bày:
Cha mẹ của nguyên đơn (bà Nguyễn Thị L) là cụ ông Nguyễn T (tên thường gọi là T), chết năm 2005, và cụ bà Nguyễn Thị L, chết năm 1992. Cha mẹ Bà L chỉ sinh được một người con là Bà L. Cha, mẹ bà có nhận nuôi một người con là anh Nguyễn Văn L (sinh năm 1984), từ năm 1991 đến nay anh Nguyễn Văn L bỏ nhà đi biệt tích không về. Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi đã có Quyết định số: 07/2019/QĐ-ST-DS ngày 12/3/2019 tuyên bố anh Nguyễn Văn L mất tích.
Thửa đất số 514, tờ bản đồ số 18, diện tích 3.400 m2 là loại đất màu, trong sổ mục kê, kê khai theo Chỉ thị 299/TTg Hợp tác xã nông nghiệp T, xã T kê khai. Theo Nghị định số 64/CP thửa đất trên biến động thành thửa đất số 209, tờ bản đồ số 36, diện tích 3.960 m2, loại đất BHK, trong Sổ Mục kê, số thứ tự số 09 thửa đất số 209, diện tích 3.960m2, ký hiệu M ghi tên người được cân đối là hộ cụ Nguyễn T (T). Tại thời điểm chốt nhân khẩu hộ cụ Nguyễn T (T) có 02 nhân khẩu là cụ Nguyễn T (T) và anh Nguyễn Văn L. Tổng diện tích đất được cấp cho hộ cụ Nguyễn T (T) 4.149 m2, trong đó theo đề án đã trừ 400m2 đất ở, hiện còn lại 3.749m2. Theo bản đồ đo đạc năm 2018 thuộc thửa đất số 279, tờ bản đồ số 39, diện tích 4.347,6 m2. Hiện nay thửa đất này chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai.
Công văn số 1033/UBND-NC ngày 23/6/2021 của UBND huyện S xác định theo hồ sơ địa chính thực hiện Nghị định 64/CP lập ngày 14/01/2000 tại Sổ mục kê ruộng đất quyển số 06, trang số 27, thửa đất 514, tờ bản đồ giải thửa số 18 xã T, biến động thành thửa đất số 209, diện tích 3.960m2, loại đất M, tờ bản đồ địa chính số 36 do Nguyễn T (T) đứng tên.
Văn bản làm việc với UBND xã T, thực hiện Nghị định 64/CP, trong Sổ mục kê ruộng đất, quyển số 06, tờ bản đồ số 27 được cấp cho cụ Nguyễn T (T) và anh Nguyễn Văn L 4.149m2. Bản đồ đo vẽ năm 2018 thửa đất biến động thành thửa 279, tờ bản đồ số 39 xã T.
Bị đơn, người làm chứng ông Nguyễn T, ông Nguyễn T K cũng công nhận thửa đất 209 của cụ Nguyễn T (T). Cụ Nguyễn T (T) đã trực tiếp quản lý, sử dụng, canh tác trồng các cây Mì, Mía, Keo. Tháng 12 năm 2005 cụ Nguyễn T (T) chết; Bà L tiếp tục quản lý, sử dụng đến khoảng năm 2009, do hoàn cảnh khó khăn nên Bà L phải vào Thành phố Hồ Chí Minh để làm ăn. Lợi dụng lúc Bà L đi làm ăn xa, không có ở nhà, ông Nguyễn Văn T ở gần, đã chặt phá 120 cây Bạch đàn và đã chiếm đoạt, sử dụng thửa đất này.
Vì ông Nguyễn Văn T là cháu trong dòng họ nên Bà L đã trực tiếp nhiều lần trao đổi cùng ông T, yêu cầu ông T trả lại thửa đất 279 cho Bà L nhưng ông T không đồng ý. Hiện nay thửa đất 279 gia đình ông Nguyễn Văn T sử dụng, trên thửa đất 279 có 02 nhà cấp 4 và một số vật kiến trúc như chuồng bò, giếng nước, cây trồng trên đất.
Bà Nguyễn Thị L yêu cầu buộc gia đình ông Nguyễn Văn T, nay là những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông T gồm vợ và các con ông T: Bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T và anh Nguyễn Văn Th trả lại thửa đất số 279, diện tích đo đạc thực tế 4.266,7m2, loại đất màu, tờ bản đồ số 39 xã T, bản đồ đo vẽ năm 2018 cho bà.
Đối với tài sản của ông Nguyễn Văn T, Bà L nhận và thối lại giá trị cho gia đình ông Nguyễn Văn T.
Tại bản trình bày, biên bản hòa giải và tại phiên tòa người đại diện những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn Ông Nguyễn T K trình bày:
Thửa đất số 279, diện tích 4.347,6m2, tờ bản đồ 39 theo bản đồ đo vẽ năm 2018: Theo Chỉ thị 299/TTg là thửa đất số 514, diện tích 3.400m2, tờ bản đồ số 18 xã T; theo Nghị định 64/CP là thửa đất số 209, diện tích 3.960m2, tờ bản đồ số 36 tại xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi trước năm 1986 do cụ Nguyễn T (T) trực tiếp canh tác trồng trọt hoa màu. Năm 1986, ông Nguyễn Văn T là cháu trai của cụ Nguyễn T (T) cần đất sản xuất canh tác nên cụ Nguyễn T (T) có viết giấy tay chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn T thửa đất số 279 nêu trên. Sau khi nhận chuyển nhượng, vợ chồng ông Nguyễn Văn T canh tác trồng mì, mía trên thửa đất này. Khoảng năm 1999, ông T cùng vợ và các con xây dựng nhà ở trên thửa đất số 279 để tiện cho việc quản lý và canh tác, trồng trọt.
Đến ngày 16/3/2005, cụ Nguyễn T (T) sức khỏe yếu, lo lắng sau khi ông qua đời có người tranh chấp quyền sử dụng thửa đất số 279 với vợ chồng ông T nên đề nghị lập lại Giấy chuyển nhượng thửa đất số 279 để cụ Nguyễn T (T) điểm chỉ. Đồng thời, cụ Nguyễn T (T) cũng cẩn thận lập thêm bản di chúc để lại quyền sử dụng thửa đất số 279 cho vợ chồng ông Nguyễn Văn T với sự chứng kiến của 02 người làm chứng là ông Nguyễn T (xóm trưởng) và ông Nguyễn T K để sau khi cụ Nguyễn T (T) qua đời, ông Nguyễn Văn T thuận tiện trong việc kê khai, tiếp tục quản lý, sử dụng ổn định thửa đất số 279 mà không ai tranh chấp. Vì Giấy chuyển nhượng thửa đất 279 được lập lại nên ông Nguyễn Văn T đã hủy bỏ Giấy viết tay năm 1986. Tháng 12/2005, cụ Nguyễn T (T) qua đời, ông Nguyễn Văn T cùng họ hàng đứng ra lo tang lễ, hậu sự và bà Nguyễn Thị L chỉ đến thăm viếng, tham dự lễ tang.
Từ năm 1986 vợ chồng ông Nguyễn Văn T là người trực tiếp quản lý, sử dụng thửa đất số 279, tờ bản đồ 39, diện tích 4.347,6 m2 liên tục, ổn định, không có tranh chấp cho đến khi bà Nguyễn Thị L có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp vào ngày 15/6/2020 (phù hợp với kết luận của hội đồng hòa giải UBND xã T tại Biên bản hòa giải ngày 22/7/2020). Trên thực tế, bà Nguyễn Thị L chưa từng quản lý, sử dụng thửa đất số 279 như nội dung Bà L đã trình bày trong đơn khởi kiện.
Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L về việc buộc gia đình ông Nguyễn Văn T phải trả lại cho bà Nguyễn Thị L thửa đất số 279, diện tích đo đạc thực tế 4.266,7m2, tờ bản đồ số 39 theo bản đồ đo vẽ năm 2018, tại xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.
Đại diện theo ủy quyền cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T và anh Nguyễn Văn Th là Ông Nguyễn T K trình bày: Thống nhất như lời trình bày của họ với tư cách là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn. Đề nghị Toà án xem xét, quyết định: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân xã T trình bày:
Nguồn gốc của thửa đất số 279, diện tích 4.347 m2, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 (theo bản đồ đo vẽ năm 2018), xã T, huyện S, theo Chỉ thị 299/TTg thuộc thửa đất số 514, tờ bản đồ giải thửa số 18, diện tích 3.400m2 loại đất ĐM do Hợp tác xã Nông nghiệp T, xã T quản lý. Đến khi thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ thửa đất 514 biến động thành thửa đất 209, tờ bản đồ số 36, diện tích 3.960m2 loại đất M do cụ Nguyễn T (T) đứng tên trong Sổ Mục kê ruộng đất quyển số 06 trang số 27.
Theo Biên bản họp xét đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Hội đồng xét cấp đất theo Nghị định 64/CP xã T không có cân đối thửa đất 209, tờ bản đồ số 36 xã T cho hộ gia đình nào và cũng không phải là đất công ích.
Hiện nay thửa đất 209, tờ bản đồ số 36, diện tích 3.960m2 xã T do gia đình ông Nguyễn Văn T sử dụng từ khoảng năm 1999.
Thửa đất này là đất ĐM nếu ông Nguyễn Văn T không xây dựng nhà ở, không phải là đất UBND xã quản lý, mà có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì UBND xã lập các thủ tục theo quy định trình UBND huyện xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn T. Vì ông Nguyễn Văn T là người trực tiếp sử dụng ổn định từ năm 1999 đến nay.
Tại Biên bản làm việc ngày 27/07/2023 Ủy ban nhân dân xã T xin rút lại xác nhận thời điểm sử dụng thửa đất của ông Nguyễn Văn T từ năm 1999 và rút lại ý kiến đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ ông Nguyễn Văn T.
*Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi, quyết định:
1/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L. Buộc những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, ông Nguyễn Tăng N, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn Th phải thu hoạch toàn bộ cây trồng trên đất để giao trả cho nguyên đơn bà Nguyễn Thị L đại diện nhận diện tích 1.000,3 m2 quyền sử dụng đất thuộc một phần thửa đất 279, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi, theo bản đồ đo vẽ năm 2018, (trên phần đất này có 93,7 m2 đất mồ mả, phần diện tích đất mồ mả không Tính trong 1.000,3 m2 , hình ABCD).
2/ Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th tiếp tục được quyền sử dụng phần còn lại của thửa đất 279, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi theo bản đồ đo vẽ năm 2018 với diện tích 3172,7 m2 (hình DEFGB).
(Có sơ đồ kèm theo và là bộ phận không Thể tách rời bản án).
3/ Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L phải thanh toán phần chi phí xây dựng tường rào cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th số tiền là:
16.639.380 đồng (Mười sáu triệu, sáu trăm ba mươi chín ngàn, ba trăm tám mươi đồng).
4/ Về chi phí tố tụng:
- Chi phí thẩm định giá, chi phí đo đạc và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 23.700.000đồng:
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L phải chịu số tiền: 18.019.000 đồng, số tiền này Bà L đã nộp tạm ứng đủ.
Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải chịu số tiền 5.681.000đồng. Số tiền này Bà L đã nộp tạm ứng nên những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th có trách nhiệm hoàn trả lại cho Bà L số tiền 5.681.000 đồng (Năm triệu sáu trăm tám mươi mốt nghìn đồng).
- Chi phí giám định số tiền 1.200.000đồng, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải chịu, số tiền này bà Nguyễn Thị L đã nộp tạm ứng, nên những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th có trách nhiệm hoàn trả số tiền 1.200.000 đồng(Một triệu hai trăm nghìn đồng) cho bà Nguyễn Thị L.
5. Án phí dân sự sơ thẩm:
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L phải chịu 31.793.000 đồng án phí, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí Bà L đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0006148 ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S số tiền là 300.000 đồng. Bà Nguyễn Thị L còn phải nộp 31.493.000,đồng (Ba mươi mốt triệu bốn trăm chín mươi ba nghìn đồng).
Bị đơn ông Nguyễn Văn T được miễn án phí, vì vậy những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th không phải chịu án phí.
Ngoài ra, Bản án còn tuyên các quyền khác và quyền kháng cáo cho các đương sự.
*Ngày 15/5/2023, bà Nguyễn Thị L có đơn kháng cáo, những vấn đề cụ thể trong đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị L: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05/05/2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Từ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, thành chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Thị L. Buộc người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn phải trả cho nguyên đơn Nguyễn Thị L thửa đất số 279, tờ bản đồ số 39, diện tích đo đạc thực tế 4.266,7 m2, ở xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.
* Ngày 16/5/2023, bà Huỳnh Thị D có đơn kháng cáo, những vấn đề cụ thể trong đơn kháng cáo của bà Huỳnh Thị D: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05/05/2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Từ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L thành không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L.
*Ý kiến của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L tại phiên tòa:
Nguồn gốc thửa đất số 279, diện tích 4.347,6m2, tờ bản đồ 39 theo bản đồ đo vẽ năm 2018 là của cha mẹ cụ Nguyễn T (T) để lại cho cụ, năm 1964 cụ T (T) kết hôn với cụ Nguyễn Thị L, do đó thửa đất 279 là tài sản chung của cụ T (T) và cụ L. Cụ L chết năm 1992. Theo Sổ Mục kê ngày 14/01/2000 của UBND xã T, danh sách được cấp đất ghi trong sổ mục kê đất theo số thứ tự 09 cấp cho Nguyễn T (T) 3.960m2. Tại Biên bản làm việc ngày 26/7/2023 giữa Tòa án nhân dân tỉnh và UBND huyện S, UBND xã T kết luận thửa đất số 279, tờ bản đồ số 39, xã T là của cụ Nguyễn T (T) đứng tên. Tại bản trình bày cũng như tại phiên tòa bị đơn cũng thừa nhận nguồn gốc thửa đất 279 tờ bản đồ số 39 đo vẽ năm 2018 của cụ Nguyễn T (T); Theo kết luận giám định dấu lăn tay tại Bản Di chúc và Giấy chuyển nhượng đề ngày 16/3/2005 không phải là của cụ T (T). Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên xử buộc Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Nguyễn Văn T và đồng thời là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án phải trả lại thửa đất số 279, tờ bản đồ số 39, diện tích đo đạc thực tế 4.266,7m2 tại xã T cho bà Nguyễn Thị L.
* Ý kiến đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên tòa:
Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Về nội dung vụ án:
Về nguồn gốc, quá trình sử dụng, kê khai đăng ký thửa đất số 279, diện tích 4.347,6 m2, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 xã T. Tại Công văn số 1033/UBND-NC ngày 23/6/2021, Công văn số 2144/UBND-NC ngày 06/11/2021 của UBND huyện S cung cấp thông Tin cho biết: Thực hiện hồ sơ kê khai theo Chỉ thị 299/TTg tại Sổ mục kê ruộng đất do xã T lập được UBND huyện phê duyệt ngày 30/4/1987 tại quyển số 01, trang số 63, thuộc thửa đất số 514, tờ bản đồ giải thửa số 18, diện tích 3.400m2 loại đất ĐM do Hợp tác xã Nông nghiệp T, xã T kê khai, quản lý. Thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ, thửa đất 514 biến động thành thửa đất 209, tờ bản đồ số 36, diện tích 3.960m2 loại đất M do cụ Nguyễn T (T) đứng tên trong sổ mục kê ruộng đất tại quyển số 06, trang 27 do UBND xã T lập ngày 14/01/2000. Qua đối chiếu với bản đồ đo vẽ năm 2018, thì thửa đất số 209, diện tích 3.960m2, tờ bản đồ số 36, xã T thuộc thửa đất số 279, diện tích 4347,6m2, tờ bản đồ địa chính số 39, xã T.
Tại Biên bản làm việc ngày 26/7/2023 do Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi thực hiện, UBND huyện S và UBND xã T cho biết (BL 443): Nguồn gốc thửa đất số 514, tờ bản đồ giải thửa số 18, diện tích 3400m2; địa chỉ thôn T, xã T, huyện S là của cha mẹ cụ Nguyễn T (T) đến thời điểm năm 1979, cụ T (T) đưa vào Hợp tác xã nông nghiệp T. Hợp tác xã nông nghiệp T, đứng tên kê khai theo Chỉ thị 299/TTg của Chính phủ nhưng cụ Nguyễn T (T) là người trực tiếp sử dụng thửa đất. UBND xã T xác định tại Biên bản làm việc ngày 09/7/2021 (BL199) ông Nguyễn Văn T đã sử dụng thửa đất số 514, tờ bản đồ giải thửa số 18, diện tích 3.400m2 xã T từ năm 1999 là có sai sót. Nay UBND xã T xác nhận đính chính lại ông Nguyễn Văn T sử dụng thửa đất số 514 từ khoảng năm 2005. Khi thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ thì thửa đất 209 toàn bộ là đất màu, không phải đất ở, UBND xã ghi tên cụ T, ông L là người sử dụng, UBND xã không cân đối giao đất theo Nghị định 64/CP cho cụ Nguyễn T (T) và cũng không cân đối giao đất cho ông Nguyễn Văn T. Kết luận: Thửa đất số 209, tờ bản đồ số 36, xã T, huyện S được cụ Nguyễn T (T) sử dụng từ trước năm 1986 cho đến năm 2005. UBND xã T cũng không Thu hồi, hay giao đất cho người khác sử dụng.
Bị đơn cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm chứng cứ là bản gốc “Giấy chuyển nhượng” đề ngày 16/3/2005 (BL85) và bản gốc Bản Di Chúc đề ngày 16/3/2005 (BL99). Nội dung cụ thể các chứng cứ trên như sau:
“Giấy chuyển nhượng” đề ngày 16/3/2005 có nội dung:
“Ông Nguyễn T (T) sinh năm 1926. Quê quán thôn Đông Thành, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Trú quán: Xóm 4, T, T, S, Quảng Ngãi. Hôm nay ngày 16/3/2005 (Ất dậu) tôi viết giấy chuyển nhượng này chuyển nhượng lại miếng đất ở vườn vỉ xứ đồng Lò tó có diện tích là 3960m2 cho cháu Nguyễn Văn T xóm 4 T, số diện tích này thuộc đất vườn cũ do ông bà nội để lại. Miếng đất này có giá trị trong chuyển nhượng là 2.000.000đ (hai triệu đồng) tôi đã nhận đủ. Vậy hôm nay tôi viết giấy này để cháu Nguyễn Văn T làm cơ sở chứng từ sau này.” Tại mục người viết chuyển nhượng có dấu lăn tay điểm chỉ và ghi tên “Nguyễn T”.
Bản Di Chúc đề ngày 16/3/2005 có nội dung:
“Hôm nay 16/3/2005 (ất dậu) tôi viết di chúc này với 02 người làm chứng:
Ông Nguyễn T xóm trưởng Ông Nguyễn T K viết giúp Tôi năm nay đã gần 80 tuổi già yếu không nơi nương tựa - thương binh ¼ và gia đình liệt sĩ đau ốm ko đi lại được đời sống khó khăn túng thiếu. Vậy nên tôi nhờ vợ chồng cháu Nguyễn Văn T (Tý) cháu trong họ, lo cơm nước, nuôi nấn…Vì vậy hôm nay tôi viết di chúc này được đồng ý cho vợ chồng cháu Thanh một miếng đất vườn cũ có tên gọi là vườn vỉ xứ đồng Lò tó thuộc xóm 4, miếng đất có diện tích 3960m2 ở tờ bản đồ số 36, thửa 209 giới cận giáp Đông giáp thửa 4213, Tây giáp thửa 146, Nam giáp thửa 210, Bắc giáp thửa 144. Từ nay cháu Thanh trọn quyền sử dụng vĩnh viễn sau này không được ai được quyền xâm phạm” Tại mục Người viết di chúc có dấu lăn tay điểm chỉ ghi tên ông Nguyễn T. Cuối bản di chúc có ghi nhân chứng thứ I ký tên ông Nguyễn T, nhân chứng thứ II ký tên ông Nguyễn T K.
Tại Biên bản lấy lời khai ngày 27/7/2021 (BL 96), người làm chứng ông Nguyễn T K cho biết vào năm 2005 ông Nguyễn T (T) đau ốm nên có chuyển nhượng lại thửa 209 cho ông Nguyễn Văn T với giá 2.000.000 đồng. Do ông K ở gần nhà ông Nguyễn T (T) nên ông T (T) có nhờ ông viết giấy chuyển nhượng và Bản di chúc đề ngày 16/3/2005.
Tại Kết luận giám định số 761/KLGĐ-PC09 ngày 25/8/2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi (BL 219) kết luận:
Dấu vân tay điểm chỉ trên giấy chuyển nhượng lập ngày 16/3/2005 đứng tên Nguyễn T và dấu vân tay điểm chỉ ở ô ngón trỏ trái Chứng minh nhân dân, họ tên: Nguyễn T không phải do cùng một ngón tay in ra. Vì dấu vân tay điểm chỉ ở ô ngón trỏ phải Chứng minh nhân dân, họ tên: Nguyễn T vùng bên trái bị mờ nhòe, nên không giám định được với dấu vân tay điểm chỉ trên Giấy chuyển nhượng lập ngày 16/3/2005 đứng tên Nguyễn T.
Dấu vân tay điểm chỉ trên Bản di chúc, lập ngày 16/3/2005 đứng tên ông Nguyễn T không đủ yếu tố giám định.
Tại Biên bản làm việc ngày 27/7/2021 (BL 97) và Biên bản làm việc ngày 01/8/2023, người làm chứng ông Nguyễn T cho biết sau khi đất nước giải phóng cụ Nguyễn T (T) có tham gia học lớp bình dân nên cụ T (T) có biết chữ nhưng không biết nhiều, cụ T (T) viết được tên của cụ. Cụ T (T) là người biết chữ, Giấy chuyển nhượng và Bản Di chúc đề ngày 16/3/2005 chỉ có dấu lăn tay là không chính xác. Qua xem “Bản di chúc” đề ngày 16/3/2005 do vợ chồng ông Nguyễn Văn T nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm thì ông T xác nhận và khẳng định tại mục “Chữ nhân chứng I Nguyễn T”, chữ viết và chữ ký Nguyễn T, không phải là của ông Nguyễn T. Ông Nguyễn T không biết bản di chúc này.
Từ những tài liệu do Tòa án thu thập nêu trên, xét thấy không đủ căn cứ để khẳng định cụ Nguyễn T (T) có lăn tay điểm chỉ vào Giấy chuyển nhượng đề ngày 16/3/2005 và Bản Di Chúc đề ngày 16/3/2005. Do đó, không có cơ sở chấp nhận trình bày của bị đơn cho rằng cụ Nguyễn T (T) đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất số 279 cho ông Nguyễn Văn T vào năm 1986.
Ông Nguyễn T cho biết khoảng năm 1999, cụ Nguyễn T (T) có bán cho vợ chồng ông Nguyễn Văn T khoảng 1000m2 đất của thửa 209, giá bán khoảng 05 phân vàng, nên khoảng cuối năm 1999 vợ chồng ông T xây nhà trên diện tích đất đó. Phần diện tích đất còn lại của thửa 209 cụ T (T) vẫn trồng cây Mì. Ông T khẳng định không có việc cụ T (T) bán hết thửa đất 209 vào năm 2005 cho vợ chồng ông Nguyễn Văn T, như giấy chuyển nhượng do ông Nguyễn T K viết vào ngày 16/3/2005.
Lời khai của ông Nguyễn T nêu trên phù hợp với ý kiến của nguyên đơn Bà L tại Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai ngày 22/7/2020 tại UBND xã T (BL 43) có nội dung Bà L thừa nhận: “Đất của cha tôi bán cho anh Thanh diện tích 1000m2 ông T không có tiền nên để cho cha tôi 01 con heo để cúng. Diện tích còn lại cha tôi không bán và cha tôi trồng bạch đàn sau đó ông T khai thác bán luôn.” Do đó, có cơ sở xác định cụ Nguyễn T (T) đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn T 1000m2 đất thuộc thửa 209.
Theo bản đồ đo vẽ năm 2018, thì thửa 279, tờ bản đồ số 39, có diện tích 4347,6 m2, nhưng theo đo đạc thực tế thì thửa 279 có diện tích 4266,7m2 (giảm 80,9m2 so với bản đồ đo vẽ năm 2018), theo ý kiến của UBND xã T thì diện tích đất tranh chấp giảm là do sai số trong các lần đo đạc. Hiện nay qua xem xét thẩm định tại chỗ và theo sơ đồ bản vẽ đo đạc xác định thửa 279 có phần diện tích 93,7m2 là đất mồ mả nhưng không xác định của ai, nên không xem xét giải quyết đối với 93,7m2 đất mồ mả.
Cụ L chết năm 1992, con của hai cụ là bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Lạc. Do đó, Bà L và ông L được hưởng thừa kế đối với 1/2 diện tích đất thửa 279. Hiện nay theo tuyên bố của Tòa án thì ông Nguyễn Lạc mất tích. Theo Điều 67 BLDS 2015 thì Bà L là người đại diện nhận và quản lý phần tài sản này cho ông L.
Cụ L chết năm 1992, cụ Nguyễn T (T) chết vào năm 2005 thì Bà L là con của cụ T (T) không Tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất này, mà gia đình bị đơn đã sử dụng luôn toàn bộ thửa 279 từ năm 2005 cho đến năm 2020 là 15 năm sau Bà L mới có đơn khởi kiện đòi bị đơn trả lại đất. Thửa 279 là đất màu nên thuộc nhóm đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 13 Luật Đất đai năm 2003. Theo khoản 11 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003 quy định trong trường hợp “Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền” thì Nhà nước thu hồi đất. Từ năm 2005 nếu gia đình bị đơn không sử dụng thửa 279 thì thửa 279 đã bị Nhà nước thu hồi. Do đó, cần xem xét tính cho bị đơn 01 phần công sức giữ gìn, bảo quản thửa đất 279.
Vì vậy, có cơ sở chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của nguyên đơn Bà L, không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của bà D; sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con của ông Nguyễn Văn T (là bà Huỳnh Thị D, ông Nguyễn Tăng N, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn Th) phải trả lại ½ thửa đất cho Bà L.
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đề nghị: Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của Bà L, không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của bà D. Sửa Bản án dân sự sơ dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05/5/2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi theo hướng:
Buộc người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con của ông Nguyễn Văn T (là bà Huỳnh Thị D, ông Nguyễn Tăng N, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn Th) phải thu hoạch toàn bộ cây trồng trên đất; giao trả cho nguyên đơn Bà L đại diện nhận ½ diện tích đất màu thuộc thửa 279, tờ bản đồ số 39, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi (không Tính phần diện tích có mồ mả là 93,7m2).
Xác định bà D và các con là ông Nguyễn Tăng N, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn Th được quyền sử dụng ½ diện tích đất thửa 279.
Về án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm, chi phí tố tụng đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
Tại phiên tòa, Người đại diện theo pháp luật của UBND xã T vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt, chị T đã được Tòa án triệu tập lần thứ 2 nhưng vắng mặt không lý do, căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
[2] Xét nguồn gốc thửa đất số 279, diện tích 4.347,6 m2, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi [2.1] Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L, bị đơn ông Nguyễn Văn T, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Huỳnh Thị D và các con đều xác nhận thửa đất số 514, tờ bản đồ giải thửa số 18, diện tích 3.400m2 loại đất ĐM do Hợp tác xã nông nghiệp T, xã T kê khai theo Chỉ thị 299/TTg, đến bản đồ đo vẽ và Sổ Mục kê của xã T thực hiện Nghị định 64/CP của Chính Phủ, biến động thành thửa đất 209, tờ bản đồ số 36, diện tích 3.960m2 loại đất M ghi tên người sử dụng là cụ Nguyễn T (T), theo bản đồ đo vẽ năm 2018 biến động thành thửa đất số 279, tờ bản đồ số 39, diện tích 4.347,6 m2, loại đất ĐM (đất màu) xã T, là một thửa đất.
[2.2] Tại Biên bản làm việc ngày 19/7/2023 giữa Tòa án nhân dân tỉnh với người làm chứng ông Nguyễn T K, ông K trình bày "Ông Nguyễn T K gọi cụ T (T) là ông nội trong họ và gọi ông Nguyễn Văn T là chú trong họ. Ông K xác nhận: Thửa đất 209, diện tích 3960m2 là của cha mẹ của cụ T (T) để lại cho cụ T (T), cụ T (T) sử dụng từ trước khi đất nước được giải phóng, thống nhất 02 miền Nam, Bắc năm 1975. Sau khi có quy định dân đưa đất vào Hợp tác xã thì cụ T (T) có đưa thửa đất vào Hợp tác xã T, nhưng Hợp tác xã không giao cho hộ xã viên nào sử dụng mà cụ T (T) sử dụng cho đến khi cụ T (T) chết)".
Tại Biên bản làm việc ngày 01/8/2023 giữa Tòa án nhân dân tỉnh với người làm chứng ông Nguyễn T, ông T trình bày "Từ tháng 3/1982 ông Nguyễn T tham gia công Tác tại Hợp tác xã nông nghiệp T, với vị trí là Đội phó, sau đó làm Đội trưởng Đội sản xuất số 4. Năm 1994 làm Xóm trưởng xóm 4, thôn T, xã T. Từ năm 2012 đến năm 2020 làm Thôn trưởng thôn T, xã T, huyện S. Ông T xác nhận: Thửa đất 209, tờ bản đồ số 36, diện tích 3960m2 xã T hiện nay bà Nguyễn Thị L kiện tranh chấp với vợ chồng ông Nguyễn Văn T, có nguồn gốc là của cha mẹ của cụ T (T) để lại cho cụ, cụ T (T), sử dụng vào khoảng năm 1966. Sau khi đất nước giải phóng khoảng năm 1980 cụ T (T) và cụ L đưa toàn bộ thửa đất vào Hợp tác xã T, nhưng vì đất xấu nên Hợp tác xã T giao lại cho vợ chồng cụ T (T) cụ L sử dụng, không giao cho xã viên khác trong Hợp tác xã sử dụng; Vợ chồng cụ T (T) sử dụng từ khi còn sống cho đến khi cụ L, cụ T (T) chết năm 2005".
Tại Biên bản làm việc ngày 26/7/2023 UBND huyện S, UBND xã T đã ý kiến "Nguồn gốc thửa đất số 514, tờ bản đồ giải thửa số 18, diện tích 3.400m2; địa chỉ: T, xã T, huyện S là của cha mẹ cụ Nguyễn T (T) đến thời điểm năm 1979, cụ T (T) đưa vào Hợp tác xã nông nghiệp xã T. Sau đó, Hợp tác xã T, xã T đứng tên kê khai theo Chỉ thị 299/TTg của Chính Phủ nhưng cụ Nguyễn T (T) là người trực tiếp sử dụng thửa đất số 514, tờ bản đồ giải thửa số 18, diện tích 3.400m2; UBND xã T không giao thửa đất trên cho ai mà cụ T (T) là người trực tiếp sử dụng.
UBND xã T xác định Thửa đất số 209, tờ bản đồ địa chính số 36, xã T, diện tích 3.960m2 Ủy ban nhân dân xã T không cân đối giao đất theo Nghị định 64/CP cho cụ Nguyễn T (T) và cũng không cân đối giao đất cho ông Nguyễn Văn T. Cụ Nguyễn T (T) là người sử dụng thửa đất này từ trước năm 1986 cho đến năm 2005, Ủy ban nhân dân xã T cũng không Thu hồi, hay giao đất cho người khác sử dụng.
Kết luận: Thửa đất số 209, tờ bản đồ địa chính số 36, xã T, huyện S được cụ Nguyễn T (T) sử dụng từ trước năm 1986 cho đến năm 2005”.
Nguyên đơn Bà L, khai thửa đất 209 (nay là thửa 279) là của cha mẹ bà. Bị đơn ông Nguyễn Văn T; người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà D và các con đều xác nhận thửa đất 209 (nay là thửa 279) là của cụ T (T).
Căn cứ Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự và với các viện dẫn trên đủ căn cứ xác định thửa đất 514, tờ bản đồ số 18, đo vẽ theo Chỉ thị 299/TTg; bản đồ đo vẽ thực hiện Nghị định 64/CP là thửa 209; đến bản đồ đo vẽ năm 2018 biến động thành thửa đất số 279, tờ bản đồ số 39, diện tích 4.347,6 m2, loại đất ĐM (đất màu) xã T (Sau đây gọi là thửa đất 279) là của Cha, Mẹ của cụ Nguyễn T (T) để lại cho cụ T (T). Cụ T (T) đã sử dụng từ trước năm 1986 cho đến khi cụ T (T) chết vào tháng 12 năm 2005.
[2.3] Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định "Vợ chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới"; cụ Nguyễn Thị L và cụ T (T) kết hôn năm 1964, cụ L chết ngày 25/6/1992, căn cứ quy định pháp luật xác định thửa đất 279 là tài sản chung của cụ T (T) và cụ L. Sau ngày 25/6/1992 thì phần tài sản của cụ L trong khối tài sản chung với cụ T (T) trở thành di sản của cụ L theo quy định tại khoản 1 Điều 3, Điều 4 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990. Cụ thể ½ diện tích thửa đất 279 đến ngày 26/6/1992 là di sản của cụ L.
[2.4] Cụ T (T) và cụ L có 02 con là bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn L. Nên hàng thừa kế thứ nhất của cụ T (T), cụ L là Bà L, ông L. Hiện nay ông L đã bị Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi tuyên bố mất tích tại Quyết định số 07/2019/QĐ-ST-DS ngày 12/3/2019.
[3] Xét tài liệu bị đơn ông Nguyễn Văn T, bà Huỳnh Thị D nộp để chứng minh cụ T (T) đã chuyển nhượng và tặng cho thửa đất 209, tờ bản đồ số 36, xã T, cho ông bà.
[3.1] Xét Bản Di Chúc đề ngày 16/3/2005 (bút lục 99):
Tại Biên bản làm việc ngày 19/7/2023 giữa Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi với ông Nguyễn T K, ông Trình bày: "Bản Di Chúc đề ngày 16/3/2005 là chữ viết của ông K; chữ nhân chứng I Nguyễn T là chữ của ông K viết, nhưng ông K không biết có phải là chữ ký của ông T hay không, vì khi viết xong ông giao Bản Di Chúc cho vợ chồng ông Nguyễn Văn T cầm.
Còn chữ ký, viết nhân chứng thứ II, trong Bản Di Chúc là của ông Nguyễn T K…” Tại Biên bản làm việc ngày 27/7/2021 giữa Tòa án nhân dân huyện S với ông Nguyễn T, ông T xác nhận "Chữ ký trong Bản di chúc không phải là chữ ký của tôi", tại Biên bản làm việc ngày 01/8/2023 giữa Tòa án nhân dân tỉnh với ông T, ông Trình bày "sau khi được Tòa án cho xem "Bản Di Chúc" đề ngày 16/03/2005 do vợ chồng ông Nguyễn Văn T nộp cho Tòa án nhân dân huyện S để chứng minh thửa đất 209, tờ bản đồ số 36, diện tích 3.960m2 xã T cụ Nguyễn T (T) đã để lại thừa kế cho vợ chồng ông Nguyễn Văn T. Ông Nguyễn T xác nhận và khẳng định tại mục "Chữ nhân chứng I Nguyễn T", chữ viết và chữ ký Nguyễn T, không phải là của ông. Ông Nguyễn T không biết "Bản Di Chúc" này" [3.1.1] Tại Kết luận giám định số: 761/KLGĐ-PC09 ngày 25/8/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi kết luận: Dấu vân tay điểm chỉ trên Bản di chúc lập ngày 16/3/2005 đứng tên Nguyễn T (T) không đủ yếu tố giám định.
[3.1.2] Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện của bà Nguyễn Thị L "không công nhận dấu lăn tay tại Bản Di chúc này là của cha Bà L, cụ T (T), xác định cha Bà L không biết đọc, biết viết”.
[3.1.3] Tại phiên tòa phúc thẩm, Người đại diện của bà D và các ông bà Cảm, Lệ, Thắng và bà Huỳnh Thị D xác nhận cụ T (T) không biết đọc, không biết viết chữ.
[3.1.4] Điều 659 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định “Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trong trường hợp người lập di chúc không Thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”, "Bản Di Chúc" đề ngày 16/3/2005, thể hiện người viết giúp và là nhân chứng số II ông Nguyễn T K, còn tại phần người làm chứng thứ I, không có, vì ông Nguyễn T xác nhận không phải là chữ viết, chữ ký của ông Trong “Bản Di chúc”. Như vậy, "Bản Di chúc" ngày 16/3/2005 không đủ số người làm chứng theo quy định pháp luật. Đồng thời, ông K cũng không xác nhận ông đã đọc lại nội dung "Bản Di Chúc" cho cụ T (T) nghe và xác nhận dấu lăn tay là của cụ T (T). Do đó, theo quy định pháp luật "Bản di chúc" ngày 16/3/2005, không được xem là di chúc đúng pháp luật.
[3.1.5] Theo trình bày của bà Nguyễn Thị L thì cụ T (T) không biết đọc, không biết viết chữ, nhưng “Bản Di Chúc” đề ngày 16/3/2005 không được công chứng, chứng thực là không đúng quy định tại khoản 3 Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 1995 “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn" .
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, Điều 666 Bộ luật dân sự năm 1995 thì cụ T (T), không có quyền lập di chúc đối với phần di sản của cụ L (chết năm 1992).
Với những viện dẫn trên, xác định "Bản Di Chúc” đề ngày 16/3/2005 không hợp pháp.
[3.2] Xét tài liệu "Giấy chuyển nhượng" đề ngày 16/3/2005 (bút lục 98): [3.2.1] Kết luận giám định số 761/KLGĐ-PC09 ngày 25/8/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi kết luận: "Dấu vân tay điểm chỉ trên giấy chuyển nhượng lập ngày 16/3/2005 đứng tên Nguyễn T và dấu vân tay điểm chỉ ở ô ngón trỏ trái chứng minh nhân dân Nguyễn T không phải do cùng một ngón tay in ra".
Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện của bà Nguyễn Thị L cho rằng, dấu lăn tay tại Giấy chuyển nhượng không phải là của cụ T (T).
Tại Biên bản làm việc ngày 27/7/2021 giữa Tòa án nhân dân huyện S với ông Nguyễn T K, ông Trình bày "người đến nhờ ông viết là ông T".
Tại Biên bản làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ngày 19/7/2023, ông K trình bày "Ngày 16/3/2005, ông Nguyễn Văn T đến nhà của ông Nguyễn T K, nhờ ông K qua viết giấy cho cụ T (T). Nên ông K đã qua nhà của cụ Nguyễn T (T). Cụ T (T) nhờ ông K viết Giấy chuyển nhượng, sau khi viết Giấy chuyển nhượng xong, cụ T (T) lại nhờ ông viết Bản Di Chúc. Ông đã viết xong rồi giao cho vợ chồng ông Nguyễn Văn T…. Dấu lăn tay trong giấy chuyển nhượng, Bản di chúc có phải là của cụ T (T) không Thì ông K không biết".
Do đó, kết luận dấu lăn tay tại Giấy chuyển nhượng của cá nhân khác không phải là của cụ T (T).
[3.2.2] Điều 707 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định "Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, phải được làm thủ tục và đăng ký tại ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai"; khoản 1 Điều 106 luật Đất đai năm 2003 quy định "Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng… khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất….". Hiện nay thửa đất 279 chưa được UBND huyện S công nhận quyền sử dụng đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nên vào ngày 16/3/2005, thửa đất 209 không được phép chuyển nhượng theo quy định pháp luật vì chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
[3.2.3] "Giấy chuyển nhượng" đề ngày 16/3/2005 có nội dung, cụ T (T) đã nhận 2.000.000 đồng của ông Nguyễn Văn T. Theo kết luận giám định thì dấu lăn tay tại giấy này không phải của cụ T (T) đồng thời, trong giấy không có người làm chứng xác nhận cụ T (T) nhận tiền, nên không có cơ sở để cho rằng cụ T (T) đã nhận 2.000.000 đồng của ông Nguyễn Văn T vào ngày 16/3/2005.
Ông T, bà D có cho rằng nhận chuyển nhượng thửa đất từ năm 1986, như vậy không xảy ra việc năm 2005 cụ T (T) nhận 2.000.000 đồng của ông T, bà D.
Ngày 16/3/2005, thửa đất 279 lúc này là tài sản chung của cụ T (T) với Bà L, ông L. Ông T, bà D không chứng minh được việc Bà L cùng tham gia chuyển nhượng thửa đất với cụ T (T).
Với những nhận định trên, xác định cụ T (T) không chuyển nhượng thửa đất 279 và không nhận 2.000.000 đồng của ông T, bà D năm 2005.
[4] Xét nội dung chung của "Bản Di chúc" và "Giấy chuyển nhượng" đều đề ngày 16/03/2005 Chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác với lập Di chúc cho tài sản là quyền sử dụng đất.
Trong giấy chuyển nhượng ghi "giá trị chuyển nhượng là 2.000.000 đồng", còn Bản di chúc ghi "Đồng ý cho vợ chồng cháu Thanh", như vậy hai nội dung này có ý nghĩa khác nhau, mâu thuẫn nhau, đã chuyển nhượng lấy tiền thì không cho, đã cho không lấy tiền thì không chuyển nhượng.
[5] Xét việc ông Nguyễn Văn T, bà D và các con khai nhận chuyển nhượng thửa đất 279 năm 1986 và sử dụng thửa đất từ năm 1986.
[5.1] Ông Nguyễn Văn T, bà D và các con cho rằng cụ T (T) chuyển nhượng thửa đất cho ông bà năm 1986, nhưng không có tài liệu chứng minh cụ T (T) chuyển nhượng thửa đất cho ông bà năm 1986 và ông bà đã sử dụng từ năm 1986. Năm 1986 cụ L còn sống, tại Điều 12, Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định cụ L có quyền ngang với cụ T (T) trong quyền sở hữu, định đoạt tài sản chung; trong suốt quá trình giải quyết vụ án, ông T, bà D và các con đều xác định chỉ có cụ T (T) chuyển nhượng đất. Như vậy, đủ cơ sở khẳng định cụ L không chuyển nhượng thửa đất số 279 cho ông T, bà D.
[5.2] Sổ Mục kê ruộng đất do xã T lập được UBND huyện S phê duyệt ngày 30/4/1987, tại quyển số 01, trang số 63, thửa đất 514, tờ bản đồ số 18, loại đất ĐM, lúc này do Hợp tác xã T kê khai đứng tên. Theo ý kiến của UBND xã T, ông K, ông T thì mặc dù thửa đất do Hợp tác xã kê khai nhưng cụ T (T), cụ L sử dụng. Ông T, bà D cho rằng đã sử dụng tự năm 1986 nhưng không giao nộp được tài liệu có đăng ký kê khai thửa đất 514 theo quy định tại Chỉ thị 299/TTg và Quyết định số 201-CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính Phủ "Quản lý chặt chẽ… đăng ký, thống kê tình hình sử dụng ruộng đất trong cả nước".
[5.4] Khi thực hiện Nghị định số 64/CP của Chính Phủ, tại Sổ Mục Kê số 06, ngày 14/01/2000 của UBND xã T tại trang số 27, cụ T (T) là người được UBND xã ghi tên đang sử dụng thửa đất số 209, diện tích 3.960m2, tờ bản đồ địa chính số 36.
[5.5] Với những nhận định trên, xác định cụ T (T) không chuyển nhượng thửa đất 514 (nay là 279) cho ông T, bà D năm 1986. Ông T, bà D cũng không sử dụng thửa đất 514 (nay là 279) từ năm 1986.
[6] Bà Huỳnh Thị D kháng cáo: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05/05/2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Từ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L thành không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L.
Với những viện dẫn trên, Hội đồng xét xử thấy rằng, những tài liệu mà ông Nguyễn Văn T và bà Huỳnh Thị D giao nộp để chứng minh cho việc toàn bộ thửa đất 279 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông bà là không có căn cứ. Nên không chấp nhận kháng cáo của bà Huỳnh Thị D.
[7] Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bà D, chị C, chị L, anh T là ông Khoa, yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét tài liệu là Bản Di Chúc và Giấy chuyển nhượng đều đề ngày 16/3/2005 mà bị đơn đã nộp tại Tòa án cấp sơ thẩm, hãy căn cứ vào thời gian sử dụng thửa đất 279 của ông T, bà D từ năm 1999, khi cụ T (T) còn sống; Bà L không có tài liệu nào chứng minh thửa đất 279 là của cụ T (T) và cụ L. Hội đồng xét xử thấy rằng: ý kiến của ông Khoa không Thống nhất với những ý kiến trước đây tại Tòa án cấp sơ thẩm của ông T, bà D và các con. Tại phiên tòa phúc thẩm bà D, anh N đều khẳng định thửa đất 279 là của cụ T (T), họ sử dụng thửa đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng của cụ T (T) và được cụ lập Di Chúc.
UBND xã T, UBND huyện S, ông T, ông K đều khẳng định thửa đất 279 có nguồn gốc của Cha mẹ cụ T (T) để lại cho cụ T (T), sau khi cha mẹ cụ T (T) chết thì cụ T (T) tiếp tục quản lý, sử dụng.
Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận ý kiến của ông Khoa nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm.
[7.1] Đối với ý kiến phải xem xét, thời gian sử dụng đất của ông T, bà D từ năm 1999 khi cụ T (T) còn sống. Hội đồng xét xử thấy, ông T, bà D không nộp được tài liệu nào để chứng minh theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ. Ngoài ra Điều 20 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ quy định phải xây dựng nhà ở trước ngày 15/10/1993 và không có tranh chấp. Đồng thời Điều 236 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với bất động sản phải là 30 năm, ông T, bà D nếu sử dụng từ năm 1999, tính đến ngày 22/7/2020 (ngày UBND xã hòa giải tranh chấp) là chưa đủ 30 năm. Do đó không chấp nhận đề nghị của ông Khoa nêu ra tại phiên tòa phúc thẩm.
[8] Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị L, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05/05/2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi. Từ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, thành chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Thị L.
[8.1] Theo quy định tại các Điều 612, 613, 614, 623, 651, 653 Bộ luật dân sự năm 2015 thì toàn bộ tài sản của cụ T (T) và cụ L sau khi chết đều trở thành di sản và giao cho người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ là Bà L và ông L hưởng. Ngày 12/3/2019, Tòa án nhân dân huyện S đã tuyên bố ông L mất tích tại Quyết định số 07/2019/QĐ-ST-DS. Căn cứ Điều 68, Điều 69 Bộ luật dân sự năm 2015 thì phần tài sản của ông L được nhận từ di sản của cụ T (T) và cụ L sẽ giao cho Bà L, quản lý theo Điều 66, Điều 67 Bộ luật dân sự năm 2015.
[8.2] Bà Nguyễn Thị L cho rằng, sau khi lo ma chay cho cụ T (T) xong thì Bà L tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất 279 nhưng đến khoảng năm 2009 do hoàn cảnh khó khăn nên Bà L phải vào thành phố Hồ Chí Minh để làm ăn, lợi dụng lúc Bà L đi làm ăn xa, không có ở nhà, ông Nguyễn Văn T ở gần, đã chặt phá 120 cây Bạch đàn và chiếm đoạt, sử dụng thửa đất 279. Nhưng Bà L cũng không nộp được tài liệu để chứng minh từ năm 2009 đến ngày 22/7/2020 (ngày UBND xã T hòa giải tranh chấp đất đai - bút lục 43) Bà L đã khiếu nại ông T và bà D chiếm đoạt sử dụng thửa đất.
[8.3] Tại Biên bản làm việc ngày 26/7/2023 giữa Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi với UBND huyện S, UBND xã T; Biên bản làm việc ngày 17/6/2023 ông Nguyễn T K xác nhận ông Nguyễn Văn T sử dụng toàn bộ thửa đất 279 sau khi cụ T (T) chết. Như vậy, tính từ sau tháng 12/2005 (thời điểm cụ T - T chết) đến khi bà Nguyễn Thị L có Đơn khởi kiện yêu cầu ông Nguyễn Văn T và bà Huỳnh Thị D trả lại thửa đất 279, thì ông T, bà D đã sử dụng toàn bộ thửa đất 279 được hơn 15 năm.
[8.4] Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, Khoản 3: “Không sử dụng đất…” Như vậy, sau khi cụ T (T) chết Bà L đã không sử dụng thửa đất này, thì thửa đất sẽ bị thu hồi theo quy định tại khoản 11 Điều 38 Luật đất đai năm 2003. Ông T, bà D là người sử dụng toàn bộ thửa đất sau năm 2005 nên có công sức giữ gìn, quản lý thửa đất 279, do đó cần xem xét công sức giữ gìn thửa đất cho ông T, bà D.
[9] Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định:
Buộc những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, ông Nguyễn Tăng N, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn Th phải thu hoạch toàn bộ cây trồng trên đất để giao trả cho nguyên đơn bà Nguyễn Thị L đại diện nhận diện tích 1.000,3 m2 quyền sử dụng đất thuộc một phần thửa đất 279, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi… Những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bị đơn là vợ và các con ông Nguyễn Văn T là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th tiếp tục được quyền sử dụng phần còn lại của thửa đất 279, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi theo bản đồ đo vẽ năm 2018 với diện tích 3172,7 m2.
[9.1] Với kết quả trên thấy, việc Bà L và ông L là người thừa kế của cụ T (T) và cụ L nhưng chỉ được Tòa án cấp sơ thẩm quyết định cho nhận lại 1.000,3 m2 đất, còn vợ con ông T được nhận 3.172,7 m2 đất, không mang tính chất công bằng cho Bà L và ông L, vì thửa đất 279 được xác định là di sản thừa kế của cụ T (T) và cụ L. Riêng phần di sản của cụ L đã là ½ diện tích thửa đất.
[9.2] Tại Biên bản làm việc ngày 01/8/2023 giữa Tòa án nhân dân tỉnh với ông Nguyễn T, ông T cho biết "…vào khoảng năm 1999, cụ Nguyễn T (T) có bán cho vợ chồng ông Nguyễn Văn T khoảng 1000m2 đất của thửa 209, giá bán khoảng 05 phân vàng…". Trình bày của ông Nguyễn T phù hợp với ý kiến của nguyên đơn Bà L tại Biên bản hòa giải tranh chấp đất đai ngày 22/7/2020 tại UBND xã T (bút lục 43) nội dung“Đất của cha tôi bán cho anh Thanh diện tích 1000m2 ông T không có tiền nên để cho cha tôi 01 con heo để cúng. Diện tích còn lại cha tôi không bán và cha tôi trồng bạch đàn sau đó ông T khai thác bán luôn”. Như vậy, đủ cơ sở khẳng định cụ T (T) có chuyển nhượng 1000m2 đất trong thửa đất 279 cho ông T, bà D, dienj tích còn lại cụ T (T) tiếp tục sử dụng và với nhận định tại mục [8.4] cần tính công sức giữ gìn thửa đất cho vợ chồng ông T, bà D.
[9.3] Kết quả đo đạc thực tế thửa đất 279 được 4.266,7 m2 đất. Trong đó có 93,7m2 đất trên đó có mộ chôn cất người chết, nên không Tính vào diện tích đất buộc trả hay được nhận. Xác định diện tích thửa đất 279 là 4.173m2. Hội đồng xét xử quyết định, tính cho ông Nguyễn Văn T, bà D công sức giữ gìn là 1.086,5m2 đất, cộng với diện tích cụ T (T) chuyển nhượng 1000m2, như vậy ông T bà D được quyền sử dụng một nửa diện tích thửa đất 279 là 2.086,5m2 đất.
[9.4] Do đó, Chấp nhận một phần kháng cáo của Bà L, sửa lại phần buộc những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn và cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, gồm: Bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải trả lại cho bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn L 1/2 diện tích thửa đất 279 là 2086,5m2 đất. Phần đất buộc trả cho Bà L đại diện nhận được ký hiệu là F1 trong sơ đồ bản vẽ đính kèm theo bản án dân sự phúc thẩm.
[9.5] Diện tích còn lại 2086,5m2 đất của thửa đất 279 (trong đó có 1000m2 nhận chuyển nhượng và 1.086,5m2đất tính công sức) xác định cho ông T, bà D, ông T chết nên giao cho bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th nhận, được ký hiệu là F2 trong sơ đồ bản vẽ đính kèm theo bản án dân sự phúc thẩm.
[9.6] Đối với 93,7m2 đất trong thửa 279, trên đó có mộ chôn cất người chết không chia và không giao cho Bà L hay bà D và các con.
[10] Do sửa phần diện tích đất giao cho Bà L đại diện nhận nên giá trị phần tường rào 93,17m2 Bà L phải trả tiền cho vợ con ông T là 16.267.482 đồng (93,17 m2 x 388.000 đồng x 45%). Bà Nguyễn Thị L được sử dụng, định đoạt phần tường rào trên diện tích đất bà được nhận lại.
[10.1] Trên diện tích đất được nhận lại có các cây trồng, đây cũng là tài sản của ông T, bà D nên Bà L phải trả tiền cho vợ con ông T là 2.274.000 đồng. Bà Nguyễn Thị L được sử dụng, định đoạt các cây trồng trên diện tích đất bà được nhận lại.
[10.2] Trên diện tích đất buộc trả cho Bà L (F1) đại diện nhận có tán lá của 02 cây Dừa và 01 cây Mãng Cầu. Nên buộc bà D và các con phải chặt hạ các cây này vì theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật dân sự năm 2015 "Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác. Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
[10.3] Trên diện tích 2.086,5m2 đất buộc bà D và các con phải trả cho Bà L đại diện nhận nếu có các cây Mì, cây Bắp, cây Đậu Phộng… thì buộc bà D và các con phải thu hoạch để trả lại diện tích đất cho Bà L.
[11] Phần diện tích đất buộc bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải trả lại cho bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn L nhưng giao cho Bà L đại diện nhận và diện tích đất được xác định cho bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th có sơ đồ bản vẽ kèm theo và đây là một bộ phận không Tách rời bản án phúc thẩm.
Các đương sự có quyền liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
[12] Về án phí dân sự sơ thẩm:
[11.1] Căn cứ khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/NUBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Buộc bà Trần Thị L phải chịu 23.019.399 đồng ([456.943.500 đồng giá trị đất không được chấp nhận + 16.267.482 đồng giá trị tường rào + 2.274.000 đồng giá trị cây trồng = 475.484.982 đồng] 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
[11.2] Ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với diện tích đất bị buộc trả cho Bà L là 22.277.740 đồng, nhưng ông T là người cao tuổi có đơn xin miễn tiền án phí, nên được miễn án phí. Do đó những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn là: bà Huỳnh Thị D, ông Nguyễn Tăng N, bà Nguyễn Thị C, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị T, ông Nguyễn Văn Th không phải chịu án phí phần của ông T.
[13] Về chi phí tố tụng: Căn cứ khoản 2 Điều 157 Bộ luật tố tụng dân sự
[13.1] Chi phí thẩm định giá, chi phí đo đạc và chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 23.700.000 đồng, bà Nguyễn Thị L đã nộp tạm ứng và đã chi phí xong.
[13.2] Bà Nguyễn Thị L phải chịu số tiền: 11.850.000 đồng.
[13.3] Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn và là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải chịu 11.850.000 đồng. Bà L đã nộp, chi phí xong. Buộc những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn và là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là: Bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải hoàn trả lại cho Bà L 11.850.000 đồng.
[14] Về án phí dân sự phúc thẩm: Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/NUBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm,thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[14.1] Bà Nguyễn Thị L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả cho Bà L 300.000 đồng, số tiền Bà L đã nộp tạm ứng án phí tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006005 ngày 09 tháng 06 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S.
[14.2] Bà Huỳnh Thị D phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền bà D đã nộp tạm ứng án phí tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006009 ngày 13 tháng 06 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S.
[15] Bản án sơ thẩm có tuyên buộc Bà D, anh N, chị C, chị L, chị T, anh T phải hoàn trả chi phí tố tụng và chi phí trưng cầu giám định cho bà Nguyễn Thị L và Bà L phải trả tiền giá trị tường rào, giá trị cây trồng cho bà D và các con nhưng không Tuyên buộc, trường hợp chậm nghĩa vụ thì phải chịu tiền lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 là thiếu sót, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định bổ sung quy định này.
[16] Với những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định sửa bản án dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi,
[17] Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị L được Hội đồng xét xử chấp nhận một phần.
[18] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại phiên tòa đúng quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 92, Điều 147, khoản 2 Điều 148, Điều 157, Điều 296, khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự; các Điều 116, 118, 655, 659, 707 Bộ luật dân sự 1995; các Điều 66, 67, 68, 69, 166, khoản 2 Điều 175, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 653 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 30 Luật Đất đai năm 1993 sửa đổi bổ sung năm 1998; Điều 12, Điều 203 Luật đất đai năm 2013;Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959; điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 15, Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị L; không chấp nhận một phần kháng cáo của bà Nguyễn Thị L.
- Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bà Huỳnh Thị D.
- Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 13/2023/DS-ST ngày 05 tháng 5 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị L. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L.
2. Buộc những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn, đồng thời là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm: Bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải trả cho nguyên đơn bà Nguyễn Thị L và ông Nguyễn Văn L, giao cho bà Nguyễn Thị L đại diện nhận 2.086,5 m2 đất (ký hiệu F1) thuộc một phần thửa đất 279, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 đo vẽ năm 2018, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.
2.1 Phần tường rào, cây trồng trên diện tích 2.086,5 m2 đất (ký hiệu F1), nguyên đơn bà Nguyễn Thị L được nhận, Bà L được quyền sở hữu, định đoạt.
3. Bà Nguyễn Thị L phải trả cho bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th trị giá tường rào là 16.267.482 đồng (mười sáu triệu hai trăm sáu mươi bảy nghìn bốn trăm tám mươi hai đồng) và giá trị cây trồng là 2.274.000 đồng (hai triệu hai trăm bảy mươi bốn nghìn đồng) trên diện tích 2.086,5 m2 đất (ký hiệu F1) Bà L được nhận lại.
4. Xác định những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Nguyễn Văn T và là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm: Bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th được quyền sử dụng 2.086,5 m2 đất (ký hiệu F2) của thửa đất 279, loại đất ĐM (đất màu) tờ bản đồ số 39 đo vẽ năm 2018, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.
5. Diện tích 93,7 m2 đất trên thửa đất 279 tờ bản đồ số 39 đo vẽ năm 2018, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi, có mồ mả không giao cho bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn L cũng không giao cho bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th.
Phần diện tích đất có ký hiệu F1 buộc bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải trả lại cho bà Nguyễn Thị L, ông Nguyễn Văn L nhưng giao cho bà Nguyễn Thị L đại diện nhận và xác định diện tích đất cho bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th nhận có ký hiệu F2, có sơ đồ bản vẽ kèm theo và đây là một bộ phận không Tách rời bản án phúc thẩm.
Các đương sự có quyền liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
6. Về chi phí tố tụng:
6.1 Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L phải chịu 11.850.000 đồng (Mười một triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng), bà Nguyễn Thị L đã nộp đã chi phí xong.
6.2 Buộc những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bị đơn và là những người liên quan gồm: Bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải chịu 11.850.000 đồng. Bà L đã nộp, đã chi phí xong, nên bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải hoàn trả lại cho bà Nguyễn Thị L số tiền 11.850.000 đồng (Mười một triệu tám trăm năm mươi nghìn đồng).
7. Chi phí giám định số tiền 1.200.000 đồng, những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bị đơn và là người có quyền lợi liên quan gồm: Bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải chịu, số tiền này bà Nguyễn Thị L đã nộp tạm ứng, nên bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th phải hoàn trả 1.200.000,đồng (Một triệu hai trăm nghìn đồng) cho bà Nguyễn Thị L.
8. Án phí dân sự 8.1. Án phí dân sự sơ thẩm:
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị L phải chịu 23.019.399 đồng án phí, Bà L được khấu trừ 300.000 đồng, số tiền tạm ứng án phí Bà L đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0006148 ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S. Bà Nguyễn Thị L còn phải nộp 22.719.399 đồng (hai mươi hai triệu bảy trăm mười chín nghìn ba trăm chín mươi chín đồng).
Bị đơn ông Nguyễn Văn T được miễn án phí dân sự sơ thẩm, nên những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn là: bà Huỳnh Thị D, anh Nguyễn Tăng N, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị T, anh Nguyễn Văn Th không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
8.2. Án phí dân sự phúc thẩm Bà Nguyễn Thị L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả cho Bà L số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) Bà L đã nộp tạm ứng án phí tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006005 ngày 09 tháng 06 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S.
Bà Huỳnh Thị D phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền bà D đã nộp tạm ứng án phí tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0006009 ngày 13 tháng 06 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện S.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất số 40/2023/DS-PT
Số hiệu: | 40/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Ngãi |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 31/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về