Bản án về tranh chấp đòi lại di sản thừa kế số 143/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

BẢN ÁN 143/2023/DS-PT NGÀY 05/12/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 05 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Trà Vinh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 95/2023/TLPT-DS, ngày 14 tháng 8 năm 2023 về việc “Tranh chấp đòi lại di sản thừa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 22/2023/DS-ST, ngày 30-6-2023 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Trà Vinh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 129/2023/QĐ-PT, ngày 13 tháng 9 năm 2023, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 144/2023/QĐ-PT, ngày 19 tháng 10 năm 2023 và Thông báo mở lại phiên tòa số 58/TB-TA, ngày 13 tháng 11 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1963; cư trú tại ấp K, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh (có mặt).

2. Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1957; cư trú tại ấp C, xã Đ, huyện D, tỉnh Trà Vinh (vắng mặt).

3. Ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1960; cư trú tại ấp B, xã Đ, huyện D, tỉnh Trà Vinh (vắng mặt).

4. Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1965; cư trú tại ấp C, xã Đ, huyện D, tỉnh Trà Vinh (vắng mặt).

5. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1967; cư trú tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh (vắng mặt).

6. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1969; cư trú tại ấp K, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh (vắng mặt).

Người đại diện hợp pháp của ông T, ông T1, ông N, bà H và bà L: Ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1963; cư trú tại ấp K, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh “Theo văn bản ủy quyền ngày 28/10/2020” (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Nguyễn Văn B: Ông Lâm Khắc S, là Luật sự của Văn phòng luật sư Lâm Khắc S thuộc Đoàn luật sư tỉnh T (có mặt).

- Bị đơn:

1. Anh Dương Văn T2, sinh năm 1970 (có mặt) 2. Ông Dương Hoàng P, sinh năm 1964 (vắng mặt) Cùng cư trú tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh.

Người đại diện hợp pháp của ông Dương Hoàng P: Anh Dương Văn N1, sinh năm 1970; cư trú tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh “Theo văn bản ủy quyền ngày 01/12/2023” (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Dương Văn D, sinh năm 1966 (vắng mặt)

2. Anh Dương Văn N1, sinh năm 1970 (có mặt)

3. Bà Dương Thị H1, sinh năm 1950 (vắng mặt)

4. Bà Phan Thị Bé T3, sinh năm 1963 (vắng mặt)

5. Anh Dương Minh P1, sinh năm 1987 (vắng mặt)

6. Anh Dương Minh K, sinh năm 1989 (vắng mặt)

7. Chị Nguyễn Thị P2, sinh năm 1974 (vắng mặt)

8. Chị Dương Nguyễn Yến V, sinh năm 1998 (vắng mặt)

9. Chị Dương Nguyễn Ngọc T4, sinh năm 2001 (vắng mặt)

10. Chị Dương Nguyễn Sơn C, sinh năm 2004 (vắng mặt)

11. Bà Dương Thị B1, sinh năm 1930 (vắng mặt)

12. Bà Dương Thị N2, sinh năm 1950 (vắng mặt)

Cùng cư trú tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh.

- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn B là nguyên đơn; anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 21/01/2019 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, các nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L trình bày: Ông ngoại của các nguyên đơn tên Dương Văn S1 (Đã chết) có tạo lập được diện tích đất 8.857m2 (Theo tư liệu đo đạc năm 1996), tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh. Trước khi chết, cụ S1 đã phân chia diện tích đất 8.857m2 làm 08 phần, cho 07 người con, mỗi người 01 phần gồm: Ông Dương Văn M, bà Dương Thị X, ông Dương Văn T5, bà Dương Thị H2, ông Dương Văn S2, bà Dương Thị S3 và bà Dương Thị B1. Còn lại 01 phần đất thì sử dụng làm nơi chôn ông bà (Đất hương quả). Đến năm 1996, các con của cụ S1 thực hiện việc phân chia đất theo di nguyện của cụ S1 lúc còn sống, trong đó bà Dương Thị H2 là mẹ ruột của các nguyên đơn được phân chia ngay vị trí đất thửa số 673, diện tích 936m2, nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với phần đất sử dụng làm nơi chôn ông bà (Đất hương quả), diện tích đất 1.124m2, thửa số 674 thì không có ai chịu đứng tên kê khai, đăng ký nên bà H2 đứng kê khai, đăng ký. Do bà H2 đang sinh sống ở nơi khác, nên anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P, là con ruột của ông Dương Văn S2 đến sử dụng phần đất của bà H2 được chia và quản lý luôn cả phần hương quả. Khi bà H2 biết được anh T2 và ông P sử dụng phần đất của bà H2 được chia thì bà H2 có tranh chấp yêu cầu anh T2 và ông P giao trả đất, nhưng anh T2 và ông P không đồng ý, vụ việc đã được Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân huyện D giải quyết nhiều lần nhưng không thành. Đến năm 2011, bà H2 chết. Nay các ông bà là con ruột của bà H2 làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh T2 và ông P di dời nhà giao trả diện tích đất 936m2, thửa số 673 và diện tích 1.124m2, thửa số 674, cùng tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh cho các ông bà sử dụng.

Theo bị đơn anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp là do sụ S1 tạo lập được, nhưng cụ S1 đã tặng cho cha ruột anh T2 và ông P, cụ S1 không có tặng cho bà H2 như các nguyên đơn trình bày. Đến năm 1982, ông S2 tiếp tục tặng cho anh T2 và ông P; anh T2 và ông P trực tiếp sử dụng đất cho đến nay. Còn bà H2 thì được cụ S1 tặng cho đất ruộng khoảng 500m2 và bà H2 đã chuyển nhượng cho người khác. Vì vậy, anh T2 và ông P không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, mà yêu cầu được tiếp tục quản lý, sử dụng đất tranh chấp.

Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều ủy quyền cho anh Dương Văn T2 làm đại diện tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án sơ thẩm nên không có ý kiến trình bày khác so với ý kiến của anh T2.

Tại bản án sơ thẩm số 22/2023/DS-ST, ngày 30-6-2023 của Tòa án nhân dân huyện D đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, Điều 156, Điều 157, Điều 228 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 612, 616, 617, 618 và 688 của Bộ luật Dân sự; Điều 95 và Điều 100 của Luật Đất đai; Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L.

2. Buộc hộ ông Dương Hoàng P di dời căn nhà khung gỗ xây dựng, mái tole, vách tole, cột bê tông cốt thép, để giao trả cho các nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L, diện tích đất 936m2, thửa số 673, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh. Có tứ cận và kích thước nhu sau:

- Hướng Đông giáp thửa số 674, kích thước 106,6 mét;

- Hướng Tây giáp thửa số 1991 và thửa số 1993, kích thước 108,2 mét;

- Hướng Nam giáp thửa số 671 và thửa số 1267, kích thước 7,8 mét;

- Hướng Bắc giáp Quốc lộ E, kích thước 9,9 mét.

(Có sơ đồ kèm theo) Các nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L về việc yêu cầu hộ anh Dương Văn T2 tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình và trả diện tích đất 1.124m2, thửa số 674.

4. Giao ông Dương Hoàng P và anh Dương Văn T2 là người quản lý di sản, tiếp tục quản lý diện tích đất 1.124m2, thửa số 674, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh. Và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản theo quy định của pháp luật.

5. Buộc các nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L hoàn trả giá trị nền láng xi măng, có bó nền, diện tích 56,76m2; công sức gìn giữ đất; chi phí di dời căn nhà cho ông Dương Hoàng P số tiền bằng 56.160.000 đồng (Năm mươi sáu triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về nghĩa vụ chịu lãi suất do chậm thi hành án, về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí định giá tài sản, về án phí sơ thẩm và về quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 10 tháng 7 năm 2023, các bị đơn anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án phúc thẩm xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Vì Tòa án sơ thẩm xác định vụ án tranh chấp thừa kế là không đúng mà là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất.

Ngày 17 tháng 7 năm 2023, nguyên đơn ông Nguyễn Văn B làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án phúc thẩm xét xử giao cho các nguyên đơn được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 1.124m2, thửa số 674, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh. Không buộc các nguyên đơn hoàn trả cho ông Dương Hoàng P số tiền bằng 56.160.000 đồng (Năm mươi sáu triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng).

Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Nguyễn Văn B: Mặc dù nguồn gốc đất là của cụ S1, nhưng sau đó các con của cụ S1 đã thỏa thuận phân chia diện tích đất của cụ S1 cho từng người con, mỗi người một phần, trong đó bà H2 được chia và tiến hành kê khai đăng ký thửa số 673, diện tích đất 936m2. Cho nên, yêu cầu kháng cáo của anh T2 và ông P là không có cơ sở. Còn việc ông P tự ý xây dựng căn nhà cột cây trên diện tích đất của bà H2 được chia là xây dựng sau khi xảy ra tranh chấp, nên ông B kháng cáo không đồng ý thanh toán công sức gìn giữ, cải tạo đất cho ông P là có cơ sở. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của ông B, sửa bản án sơ thẩm.

Ý kiến của Kiểm sát viên: Về tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký đã tiến hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Xét thấy, nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ S1 để lại, nhưng qua xác minh thực tế của những người sinh sống tại địa phương và văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân huyện D, thể hiện: Thời kỳ đo đạc năm 1983, do ông S2 là người kê khai, đăng ký đất; đến năm 1996, các con của cụ S1 thỏa thuận phân chia đất cho từng người được hưởng và người được phân chia đất đã thực hiện việc kê khai, đăng ký phần đất của mình, trong đó có bà H2 được chia một phần và tiến hành kê khai, đăng ký thửa số 673, diện tích đất 936m2. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông B, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh T2 và ông P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và không rút đơn kháng cáo, các bị đơn không rút đơn kháng cáo; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Qua các chứng cứ có trong hồ sơ được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên; Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt. Đồng thời, sau khi tạm ngừng phiên tòa, anh Nguyễn Minh Đ và anh Dương Hoàng D1 làm đơn gửi Tòa án xin chấm dứt việc làm đại diện cho các bị đơn anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P và xin rút yêu cầu Luật sư Nguyễn Tấn L1 bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị đơn. Do đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án.

[2] Nguyên đơn ông Nguyễn Văn B kháng cáo yêu cầu Tòa án phúc thẩm giải quyết giao cho ông B và các anh chị em của ông B quản lý, sử dụng diện tích đất 1.124m2, thửa số 674, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, khi làm đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án sơ thẩm, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, ông B thừa nhận trước khi cụ S1 chết thì cụ S1 có di nguyện để lại phần diện tích đất này sử dụng vào mục đích đất hương quả. Do không có ai đứng kê khai đăng ký phần đất này trong sổ bộ đại chính nên bà H2 (Mẹ ruột của các nguyên đơn) mới đứng tên kê khai, đăng ký đất. Bà H2 không trực tiếp quản lý đất và trông coi mồ mã ông bà; ông B, ông T, ông T1, ông N, bà H và bà L cũng không ai trực tiếp quản lý đất và trông coi mồ mã ông bà. Thực tế, hiện trạng đất có phần mộ của cụ S1 và phần mộ của cụ D2 (Vợ cụ S1), anh T2 và ông P là người đang trực tiếp quản lý đất và trông coi mồ mã ông bà. Do đó, Tòa án sơ thẩm xét xử giao cho anh T2 và ông P tiếp tục quản lý diện tích đất 1.124m2, thửa số 674 và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản, là phù hợp với đạo đức xã hội và đúng quy định tại Điều 617 và Điều 618 của Bộ luật Dân sự.

[3] Ngoài ra, ông B còn kháng cáo yêu cầu Tòa án phúc thẩm không buộc ông B, ông T, ông T1, ông N, bà H và bà L hoàn trả cho ông Dương Hoàng P số tiền bằng 56.160.000 đồng (Năm mươi sáu triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng). Xét thấy, sau khi bà H2 được phân chia đất và kê khai, đăng ký trong sổ địa chính, thửa số 673, diện tích đất 936m2, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh, thì bà H2 chưa quản lý, sử dụng đất. Mặc dù, ông P đến xây dựng căn nhà ở và làm nền láng xi măng trên một phần diện tích đất của bà H2 được phân chia, nhưng ông P có công sức quản lý, cải tạo đất. Cho nên, khi buộc ông P giao trả đất cho ông B và anh chị em của ông B thì buộc ông B và anh chị em của ông B có nghĩa vụ thanh toán tiền công sức gìn giữ, cải tạo đất cho ông P là hợp lý. Đối với căn nhà của ông P là loại tài sản di dời được, nhưng khi ông P di dời căn nhà sẽ phát sinh một khoảng chi phí cho việc di dời nên buộc ông B và anh chị em của ông B thanh toán một phần chi phí di dời nhà cho ông P là hợp lý. Riêng nền láng xi măng là loại tài sản không di dời được hoặc khi di dời sẽ bị hư hỏng hoàn toàn, nên giao cho ông B và anh chị em của ông B được quyền sử dụng nền láng xi măng, buộc ông B và anh chị em ông B hoàn trả giá trị nền làng xi măng cho ông P là hợp lý và đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, yêu cầu kháng cáo của ông B không có cơ sở chấp nhận.

[4] Xét kháng cáo của các bị đơn anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P yêu cầu Tòa án phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, thấy rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án sơ thẩm không vi phạm về thủ tục thu thập chứng cứ và chứng minh; thành phần Hội đồng xét xử không vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và không có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự. Cho nên, Tòa án phúc thẩm không có căn cứ hủy bản án sơ thẩm.

[5] Tại phiên tòa phúc thẩm, anh T2 và anh N1 là người đại diện hợp pháp của ông P cho rằng: Diện tích đất tranh chấp 936m2, thửa số 673, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh, là do cụ S1 tặng cho cha ruột của anh T2 và ông P; anh T2 và ông P được cha mẹ tặng cho diện tích đất này. Còn bà H2 thì được chia phần diện tích đất khác. Tuy nhiên, theo lời khai của bà L2 “Có cho bà Dương Thị H2 ở phía mặt trời lặn cùng dãy đất của tôi nhưng không biết lý do vì sao bà H2 và con bà H2 không ở. Phần đất cho bà H2 là phía sau có mồ của ông nội tôi” (BL 240). Theo lời khai của anh N1 “Ông nội tôi có chia đất cho bác hai tên Dương Văn M, hiện nay bà L2 và các con đang ở, chia cho cô út là Dương Thị B1, hiện nay cô út và các con đang ở và chia cho cha tôi là Dương Văn S2, hiện nay có Dương Thị N2, tôi Dương Văn N1, Dương Thị H1, Dương Văn T2 và Dương Hoàng P đang ở” (BL 244). Theo lời khai của bà H1 “Ông nội tôi có chia đất cho bác hai tên Dương Văn M, hiện nay bà L2 và các con đang ở, chia cho cô út là Dương Thị B1, hiện nay cô út và các con đang ở và chia cho cha tôi là Dương Văn S2, hiện nay có Dương Thị N2, Dương Văn N1, tôi Dương Thị H1, Dương Văn T2 và Dương Hoàng P đang sử dụng” (BL 246). Theo lời khai của ông Đ1 “Do ông ngoại tôi già chết lúc tôi còn nhỏ nên phần đất của ông ngoại tôi để lại được cậu 7 của tôi là ông Dương Văn S2 đứng ra phân chia đất này. Theo tôi được biết đất này được chia làm 08 phần cho 07 người con, gồm 02 Mạnh (Bà Dương Thị L3 đang hưởng), 03 Xuân (Phần này tôi được hưởng), 04 Tốt (Hiện nay bà B1 đã mua lại), 05 H, 06 Nở (Đã chết nên không chia phần), 07 Sanh (Hiện nay ông T2 và ông P đang sử dụng), 08 Sao, 09 Bắc và một phần để làm đất hương quả. Nhưng tôi nhớ việc ông S2 thực hiện phân chia đất không bao lâu thì ông S2 mất, sau đó vợ ông S2 là bà Q cùng với con ông S2 là ông P và ông T2 chiếm luôn phần đất mà dì 05 Hoa được chia và hai bên phát sinh tranh chấp cho đến nay.” (BL 248), Ngoài lời khai của những người trong dòng họ, theo lời khai của ông Đ2 “Vào năm 1996, lúc này tôi đang công tác bên Nông dân của ấp nên có trực tiếp đi xem đo đạc phân chia đất trong gia tộc của ông Nguyễn Văn S4, cụ thể: Vào năm 1996, ông S4 bị bệnh nặng nên ông S4 đồng ý cho ông Nguyễn Văn T6 (Chồng của bà Dương Thị B1) đứng ra chỉ ranh và phân chia phần đất của ông Dương Văn S1 (Cha ông S) để lại. Tôi nhớ lúc đo bắt đầu từ phía Đông xuống, tức đo cho bà Dương Thị L3 (Con ông Dương Văn M) trước, phần tiếp theo bà Dương Thị X (Phần này hiện nay bà Dương Thị L3 đang sử dụng), kế bên là bà Dương Thị B1 được chia 02 phần, tiếp theo là phần của ông Dương Văn T5 (Do bà Dương Thị P3 kê khai, sử dụng, hiện nay bà P3 đã chết), tiếp theo là phần của ông Dương Văn S2 (Để cho bà Dương Thị H1 kê khai), kế đến là phần đất hương quả và phần đất cuối cùng chia cho bà Dương Thị H2” (BL 250, 251). Theo lời khai của ông B2, là cậu của anh T2 và ông P “Bà H2 được chia phần diện tích đất giồng tra khoảng 500m2. Các anh em ruột của bà H2 và bà H2 được anh hai của tôi, tức ông Dương Văn S2 (Chồng bà Lâm Thị Q1) chia phần đất giồng giáp Quốc lộ E hiện nay. Tại thời điểm anh hai tôi chia đất, tôi được biết tất cả anh chị em ruột của anh hai tôi đều có phần, nhưng sau này tôi nghe được chỉ có bà L3, bà B1 và anh hai tôi có phần, do những người con của anh hai tôi không cho những người khác, tức những người được chia đất như 03 Xuân, 04 Tốt, 05 Hoa, 08 Sao sử dụng phần đất mà họ được chia” (BL 383, 384).

[6] Theo Công văn số 231/CNHDH, ngày 06/8/2021 của Văn phòng Đ3 chi nhánh huyện D thì ông S2 kê khai, đăng ký diện tích 3.550m2, thửa số 580 (Sổ mục kê ruộng đất, tư liệu năm 1983); bà L3 kê khai, đăng ký diện tích 2.027m2, thửa số 682; bà B1 kê khai, đăng ký diện tích 2.550m2, thửa số 681; bà P3 kê khai, đăng ký diện tích 1.153m2, thửa số 676; bà H1 kê khai, đăng ký diện tích 1.283m2, thửa số 675; bà H2 kê khai, đăng ký diện tích 936m2, thửa số 673 (BL 148, 149, 211, 212). Như vậy, phần diện tích đất do cụ S1 để lại đã được thỏa thuận phân chia trên thực tế cho các con của cụ S1, những người được phân chia đã nhận đất và tiến hành kê khai, đăng ký đất đai vào sổ bộ địa chính. Việc thỏa thuận phân chia đất của cụ S1 không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào, coi như các phần đất được phân chia đã chuyển thành quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân, trong đó có bà H2 (Án lệ số 24/2018/AL về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân).

[7] Xét thấy, lúc bà H2 còn sống thì bà H2 đã tranh chấp đất với bà Q1, anh T2 và ông P, vụ việc được Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân huyện D giải quyết không thành, bà H2 đã chết. Sau khi bà H2 chết, các con ruột của bà H2, gồm: ông B, ông T, ông T1, ông N, bà H và bà L làm đơn khởi kiện đòi lại đất của bà H2 được phân chia và đứng tên kê khai, đăng ký trong sổ bộ địa chính, đang do ông P chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp, nên Tòa án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp đòi lại di sản thừa kế” là đúng. Đồng thời, Tòa án sơ thẩm xét xử buộc ông P trả lại đất cho ông B, ông T, ông T1, ông N, bà H và bà L, là những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà H2, là có căn cứ. Còn việc bà H2 được chia diện tích đất 500m2, loại đất giồng tra, là không thuộc phạm vi xét xử của Tòa án trong vụ án này.

[8] Tuy nhiên, bản án sơ thẩm buộc hộ ông P di dời căn nhà khung gỗ xây dựng, mái tole, vách tole, cột bê tông cốt thép, để trả diện tích đất 936m2, thửa số 673 cho các nguyên đơn sử dụng, mà không tuyên cụ thể các thành viên trong hộ ông P gồm những ai sẽ vướng mắc, khó khăn trong giai đoạn thi hành án dân sự khi bản án có hiệu lực pháp luật. Theo lời khai của ông P ngày 20/7/2022, thì ông P cùng với vợ là bà Bé T3 và hai người con là anh P1 và anh K sử dụng căn nhà và diện tích đất tranh chấp. Cho nên, Tòa án phúc thẩm điều chỉnh bổ sung phần quyết định này của bản án sơ thẩm.

[9] Xét thấy ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông B đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông B, sửa bản án sơ thẩm, là không có căn cứ chấp nhận.

[10] Xét thấy ý kiến của Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng sân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông B, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh T2 và ông P, giữ nguyên bản án sơ thẩm, là có căn cứ chấp nhận.

[11] Về án phí: Theo khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định “Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm”. Ông B, anh T2 và ông P là những người kháng cáo không được Tòa án phúc thẩm chấp nhận. Ông B, anh T2 và ông P không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm nên buộc ông B, anh T2 và ông P, mỗi người phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng).

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn B.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 22/2023/DS-ST, ngày 30-6-2023 của Tòa án nhân dân huyện D, tỉnh Trà Vinh.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L.

2. Buộc ông Dương Hoàng P, bà Phan Thị Bé T3, anh Dương Minh P1 và Dương Minh K di dời căn nhà khung gỗ xây dựng, mái tole, vách tole, cột bê tông cốt thép, để giao trả cho ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L, diện tích đất 936m2, thửa số 673, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh. Có tứ cận và kích thước như sau:

- Hướng Đông giáp thửa số 674, kích thước 106,6 mét;

- Hướng Tây giáp thửa số 1991 và thửa số 1993, kích thước 108,2 mét;

- Hướng Nam giáp thửa số 671 và thửa số 1267, kích thước 7,8 mét;

- Hướng Bắc giáp Quốc lộ E, kích thước 9,9 mét.

(Có sơ đồ kèm theo) Ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L về việc yêu cầu anh Dương Văn T2 tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình và trả lại diện tích đất 1.124m2, thửa số 674, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh.

4. Giao anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P là người quản lý di sản, tiếp tục quản lý diện tích đất 1.124m2, thửa số 674, tờ bản đồ số 8, loại đất trồng cây lâu năm khác, tọa lạc tại ấp T, xã L, huyện D, tỉnh Trà Vinh. Và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người quản lý di sản theo quy định của pháp luật dân sự.

5. Buộc ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L có nghĩa vụ thanh toán giá trị nền láng xi măng, có bó nền, diện tích 56,76m2; công sức gìn giữ, cải tạo đất; chi phí di dời căn nhà cho ông Dương Hoàng P, tổng cộng số tiền bằng 56.160.000 đồng (Năm mươi sáu triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

6. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Buộc ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L phải chịu số tiền bằng 2.126.169 đồng (Hai triệu một trăm hai mươi sáu nghìn một trăm sáu mươi chín đồng).

Buộc ông Dương Hoàng P phải chịu số tiền bằng 1.770.769 đồng (Một triệu bảy trăm bảy mươi nghìn bảy trăm sáu mươi chín đồng), để hoàn trả cho ông Nguyễn Văn B.

7. Về án phí: Buộc ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L, mỗi người phải chịu án phí dân sự sơ thẩm bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp bằng 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng), theo biên lai thu số 0000152, ngày 26/3/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Trà Vinh. Hoàn trả tiền tạm ứng án phí còn lại cho ông Nguyễn Văn B, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn N, bà Nguyễn Thị H và bà Nguyễn Thị L bằng 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng).

Buộc ông Dương Hoàng P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng).

Buộc ông Nguyễn Văn B phải chịu án phí dân sự phúc thẩm bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm ông Nguyễn Văn B đã nộp bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), theo biên lai thu số 0016014, ngày 17/7/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Trà Vinh, nên không phải nộp tiếp.

Buộc anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P, mỗi người phải chịu án phí dân sự phúc thẩm bằng 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng), nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm anh Dương Văn T2 và ông Dương Hoàng P đã nộp bằng 600.000 đồng (Sáu trăm nghìn đồng), theo biên lai thu số 0016023, ngày 24/7/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện D, tỉnh Trà Vinh, nên không phải nộp tiếp.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

39
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi lại di sản thừa kế số 143/2023/DS-PT

Số hiệu:143/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Trà Vinh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 05/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về