Bản án về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại tài sản số 174/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 174/2023/DS-PT NGÀY 07/04/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Trong các ngày 31 tháng 3 và 07 tháng 4 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 580/2022/TLPT-DS ngày 28 tháng 11 năm 2022 về việc: “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2021/DS-ST ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 361/2023/QĐ-PT ngày 28 tháng 2 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Tổng Công ty A Địa chỉ: Khu 6, phường Q, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Nguyễn Việt D, sinh năm 1971 – Phó Giám đốc Chi nhánh Ban QLDA nhiệt điện 3 (có mặt)

- Ông Đỗ Diễn T, sinh năm 1971– Phó Giám đốc Chi nhánh Ban QLDA nhiệt điện 3 (vắng mặt) Địa chỉ: Số 32 N, phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

- Ông Trần Anh H (có mặt) 1 Địa chỉ: Phòng 4.4-4.6 tòa nhà Kumbo Asiana Plaza Sài Gòn, số 39 đường L, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

2. Bị đơn: Công ty TNHH B Địa chỉ: Tầng 2 Tòa nhà Thành Đạt, đường L, Quận N, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp theo ủy quyền:

- Ông Lê Thanh L (vắng mặt)

- Bà Huỳnh Ngọc Y, sinh năm 1984 (có mặt) Địa chỉ: Căn hộ VP.02.44-VP.02.45 theo Everrich Infinity 290 A, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Trần Văn Q, sinh năm 1970 (vắng mặt) Địa chỉ: Xã V, huyện V, tỉnh Thái Bình

3.2. Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Q (vắng mặt) Địa chỉ: Tầng 15 Tòa nhà MIPEC số 229 Tân Sơn, Ngã Tư S, quận Đ, thành phố Hà Nội

3.3. China Communicatinons Construction Company Ltd (viết tắt công ty CCCC) (vắng mặt) Địa chỉ: No.85 Deshengmen Wai Street, Xicheng District, Beijing, China Văn phòng đại diện: Căn hộ A2-17 khu dân cư the EverRich 3, phường T, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng điều hành dự án: ấp Mù U, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) Người kháng cáo: Công ty TNHH B

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn:

Vào khoảng 07 giờ 15 phút ngày 10/5/2015 tàu Phú An 268 của Công ty TNHH B do Trần Văn Q thuyền trưởng điều khiển trong quá trình cập cảng Trung tâm điện lực Duyên Hải thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã đâm va vào cầu trục bốc dỡ than CSU2 đang đứng yên của Tổng công ty A gây hư hỏng như sau:

- Hư tang cáp - Đứt dây ống nước - Móc neo đậu CSU2 biến dạng.

- Cơ cấu chuyển động của tang cấp hư hỏng - Hộp giảm tốc tang cấp nước bị kẹt Tổng công ty A thuê China Communications Construction Company Ltd (viết tắc công ty CCCC) sửa chữa lại chi phí bằng 700.000USD tương đương 15.646.400.000đ. Tổng công ty A khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH B phải bồi thường tiền sửa chữa 15.646.400.000đ và tiền sử dụng phương án tạm thay thế cầu trục bốc dỡ than trong thời gian chờ sửa chữa cầu trục CSU2 để phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 với chi phí bằng 2.355.703.750 đ.

Theo lời khai của ông Lê Thanh L đại diện cho Công ty TNHH B trình bày:

Tổng công ty A không chứng minh được mình có quyền khởi kiện do tại thời điểm xảy ra thiệt hại việc lắp đặt Cẩu trục CSU2 chưa hoàn thành, chưa bàn giao. Cẩu trục lắp đặt không đúng tiêu chuẩn công nghệ cảng biển. Khi tàu An Phú cập cảng nguyên đơn không dời cẩu trục để đảm bảo cho tàu cập cảng dẫn đến gây va đập đây là sự việc bất khả kháng. Việc sửa cẩu trục CSU2, đơn vị sửa chữa không có giấy phép hoạt động sửa chữa cẩu trục tại Việt Nam, việc sửa chữa không được đấu thầu theo quy định của pháp luật. Bên nguyên đơn không cung cấp cụ thể sửa chữa những hạn mục gì, nguyên liệu, vật tư nhân công bằng bao nhiêu. Bên bị đơn không có lỗi trong tai nạn xảy ra, theo giám định của công ty cổ phần giám định Thái Bình Dương do Bảo hiểm Mic yêu cầu chi phí sửa chữa 66.000USD yêu cầu bồi thường của nguyên đơn vượt quá thiệt hại thực tế nên bên bị đơn không chấp nhận bồi thường.

Ông Trần Văn Q là thuyền trưởng tàu Phú An 268: từ khi Tòa án thụ lý vụ án ông đã thôi làm việc tại Công ty TNHH B, ông không cung cấp địa chỉ mới nên không có lời khai Theo văn bản số 1259/2017/MIC-TGĐ ngày 08/5/2017 của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Q: Bảo hiểm quân đội có bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ tàu Phú An 268 là Công ty TNHH B thông qua Bảo hiểm Mic Hải Phòng. Bảo hiểm quân đội không có bất kỳ quan hệ bảo hiểm nào với Tổng công ty A và không có bất kỳ trách nhiệm gì đối với Tổng công ty A trong sự cố liên quan giữa tàu Phú An 268 và cẩu trục bốc dỡ than CSU2.

Theo các văn bản ngày 31/5/2017 và ngày 29/7/2017 của ông Wu Lizhu giám đốc dự án của công ty China Communications Construction Company Ltd trình bày: Ngày 8/6/2012 công ty CCCC với Chủ đầu tư (EVN/EVNGENCO1/ Ban quản lý dự án Nhiệt điện 3) có ký hợp đồng EPC cung cấp 02 cầu trục bốc dỡ than cho chủ đầu tư, tháng 4/2014 hai cầu trục bốc dỡ than được chuyển đến công trường Duyên Hải và đã được chủ đầu tư nghiệm thu, chấp nhận và thanh thanh toán theo hợp đồng, vì vậy hai cẩu trục (bao gồm CSU2) trở thành tài sản của chủ đầu tư. Công ty CCCC được phép hoạt động tại Việt Nam và có nhận sửa chữa CSU, công ty có phát hành hóa đơn thương mại như một biên nhận về giá trị công việc đã hoàn thành theo phụ lục 0005 của hợp đồng. Trong vụ án này công ty CCCC chỉ là người làm chứng đề nghị tòa án điều chỉnh lại tư cách tham gia tố tụng không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trọng vụ án.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2021/DSST ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh đã quyết định như sau:

Căn cứ khoản 6 Điều 26; khoản 3 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 584, Điều 585, Điều 589, Điều 601 Bộ Luật dân sự Căn cứ Điều 287 Bộ luật hàng hải năm 2015 Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty A Tuyên xử: Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Trung có nghĩa vụ bồi thường chi phí sửa chữa khắc phục cẩu trục CSU2 do tàu Phú An 286 của công ty gây ra cho Tổng công ty A số tiền bằng 16.609.041.371 đ (Mười sáu tỷ sáu trăm lẻ chín triệu không trăm bốn mươi mốt ngàn ba trăm bảy mươi mốt đồng). Trong đó tiền sửa chữa cầu trục CSU2 700.000USD tương đương 15.646.400.000 đ; chi phí thuê mướn bốc dỡ than từ bằng 868.095.371 độ chi phí mua dụng cụ sửa chữa phễu than bằng 53.192.000đ, chi phí lắp đặt phễu xuống than 41.354.000 đ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/01/2022 Công ty TNHH B kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do vi phạm thủ tục tố tụng: vi phạm tống đạt cho đương sự ở nước ngoài là công ty CCCC, không triệu tập công ty TNHH Vận tải biển Hà Dương, xác định công ty CCCC là người có quyền, nghĩa vụ liên quan nhưng nhận định trong bản án là nhân chứng, tòa án không thu thập đầy đủ chứng cứ như hợp đồng EPC chỉ dịch một phần của hợp đồng, biên bản cuộc họp giữa nguyên đơn và công ty CCCC lập tại Trung Quốc nhưng không được hợp thức hóa lãnh sự… Nguyên đơn không có quyền khởi kiện do cầu trục CSU2 chưa được chuyển giao cho nguyên đơn vào thời điểm xảy ra sự cố. Việc lắp đặt cầu trục không đúng tiêu chuẩn thiết kế, bến cảng Trung tâm điện lực Duyên Hải không đảm bảo an toàn cho tàu An Phú 268 cập bến an toàn. Về chi phí sửa chữa cầu trục bốc dỡ than CSU2 là 700.000 Đô la Mỹ của nhà thầu CCCC không hợp lệ về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Nguyên đơn cũng chưa thanh toán tiền cho công ty CCCC thể hiện tại thời điểm xảy ra sự cố vẫn thuộc quyền quản lý, sở hữu của nhà thầu CSU2 vì chưa bàn giap và nhà thầu CCCC có nghĩa vụ khắc phục sửa chữa hư hỏng xảy ra. Tòa án sơ thẩm thừa nhận báo giá của ZPMC là không phù hợp do công ty ZPMC là công ty Trung Quốc do vậy nhà thầu CCCC không sử dụng nhà thầu CCCC không sử dụng thầu phụ Việt Nam mà sử dụng nhà thầu phụ ZPMC tiến hành báo giá và sửa chữa không phù hợp với giấy phép hoạt động. Về xác định mức độ thiệt hại không đúng so với biên bản hiện trường khi xảy ra va chạm, chứng thư giám định đề xuất sửa chữa 4 hạng mục nhưng nguyên đơn sửa chữa 8 hạng mục là vượt quá phạm vi và mức độ thiệt hại thực tế. Bị đơn cũng đồng ý chi phí xếp dỡ than thay thế cầu trục, chi phí gia bảo dưỡng, sữa chữa phễu than.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tranh luận: Tòa án sơ thẩm không vi phạm tố tụng công ty Hà Dương không liên quan đến vụ án nên không cần triệu tập, công ty CCCC cũng đã có ý kiến và xin xét xử vắng mặt, về bản hợp đồng chỉ chứng minh quyền sở hữu cầu trục là ai nên chỉ nộp phần dịch liên quan đến vụ án vì dịch hết hợp đồng chi phí lên tới 400 triệu, về biên bản cuộc họp tại Trung Quốc bị đơn cho rằng không hợp lệ vì không có hợp thức hóa lãnh sự nhưng đấy chỉ là một chứng cứ chứng minh không phải chứng cứ quyết định. Bị đơn cho rằng cầu cảng không an toàn là không có căn cứ vì cầu cảng được phê duyệt và có giấy chứng nhận của cảnh biển, các tàu khác cũng qua lại an toàn. Về hóa đơn giá trị gia tăng của công ty CCCC đúng quy định, công ty có giấy phép hoạt động và con dấu. Việc nguyên đơn chưa thanh toán do nguyên đơn là doanh nghiệp nhà nước nên đã thương thảo với CCCC khi nào chủ tàu trả tiền thì mới thanh toán. Số tiền 66.000USD mà công ty PICO đưa ra chỉ là thiệt hại bên ngoài, khi giám định mới xác định chính xác được các thiệt hại bên trong của cầu trục vì phải sửa chữa đồng bộ mới hoạt động được. Bị đơn cho rằng nguyên đơn không có quyền khởi kiện là không đúng vì nguyên đơn đã được chuyển giao quyền sở hữu đúng quy định. Nguyên đơn đã thực hiện đúng quy trình, đã gửi văn bản nhiều lần cho bị đề nghị bị đơn cùng tham gia khắc phục nhưng bị đơn không hợp tác nên nguyên đơn đã thực hiện mời thầu và giám định xác định thiệt hại, sửa chữa đúng quy định. Đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên toà phát biểu:

Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự đều thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Ông Q là thuyền trưởng tàu An Phú 268 gây ra thiệt hại về tài sản CSU2 của Tổng công ty A. Theo quy định thì chủ tàu Phú An 268 là Công ty TNHH B phải chịu trách nhiệm trong sự cố này, nên yêu cầu bồi thường chi phí sửa chữa cầu trục CSU2 của Tổng công ty A là có căn cứ. Về mức độ bồi thường sửa chữa cầu trục: Theo giám định của công ty PICO do Tổng Công ty bảo hiểm quân đội (MIC) yêu cầu tiến hành giám định xác định chi phí sửa chữa là 66.000 USD, còn theo nhà cung cấp thiết bị CSU2 – Công ty tư vấn kiểm định và công nghệ ZPMC thì xác định chi phí là 1.635.763,80USD. Sau khi có kết luận giám định công ty B không đồng ý kết quả của ZPMC đưa ra. Khi đó BQL nhiệt điện 3 đã gửi các công văn yêu cầu công ty B hợp tác nhưng An Trung vẫn im lặng. Do công ty B không cung cấp được nhà thầu sửa chữa cầu trục nên Tổng công ty A đã đăng báo mời thầu và đã nhận được bảng báo giá của Công ty TNHH TM&XD Hà Nam thông báo sửa chữa là 1.349.700USD tương đương với chi phí sửa chữa do Nhà thầu CCCC chào giá. Vì ZPMC là nhà sản xuất thiết bị CSU2 nên Tổng công ty A chọn ZPMC là đơn vị thực hiện công tác sửa chữa, khắc phục hư hại. Trên cơ sở hợp đồng EPC số DHPORT-0862010 ngày 08/6/2012 của dự án Cảng biển TTDL Duyên Hải, Tổng công ty A đã ký Phụ lục hợp đồng với Công ty CCCC sửa chữa cầu trục CSU2 nhằm giảm thiệt hại đã xảy ra. Phía công ty CCCC đã phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho Tổng công ty A hóa đơn 210.000UDS và hóa đơn 490.000 USD. Ngoài ra, trong quá trình xảy ra sự cố do cẩu trục CSU2 không thể đưa vào hoạt động, Tổng công ty A phải dùng phương án tạm thời để thay thế cầu trục CSU2 bốc dỡ than cung cấp nhiên liệu cho hoạt động của Nhà máy bao gồm chi phí thuê mướn 868.095.371 đồng, chi phí mua dụng cụ sửa chữa phễu than 53.192.000 đồng, chi phí lắp đặt phễu xuống than 41.354.000 đồng. Do vậy, bản án sơ thẩm buộc Công ty TNHH B có nghĩa vụ bồi thường chi phí sửa chữa khắc phục cầu trục 16.609.041.371 đồng là có căn cứ. Do vậy đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà; lời trình bày của các đương sự, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa; ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát. Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về tố tụng:

Đơn kháng cáo của bị đơn nộp trong thời hạn quy định của pháp luật nên hợp lệ.

Về quan hệ tranh chấp, thẩm quyền xét xử: Nguyên đơn khởi kiện bị đơn về việc tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về tài sản theo khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh theo điểm a khoản 1 Điều 37 là đúng quy định.

[2] Về nội dung:

Theo nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đủ cơ sở xác định đây là tranh chấp: “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã gây ra thiệt hại”. Do vậy để có căn cứ tuyên buộc nghĩa vụ của bị đơn theo yêu cầu của nguyên đơn thì cơ quan tiến hành tố tụng phỉa thu thập từ phía nguyên đơn và các chứng cứ sau:

- Các chứng cứ chứng minh tài sản bị thiệt hại thuộc quyền quản lý, sở hữu, sử dụng hợp pháp của nguyên đơn - Biên bản hiện trường hoặc biên bản ghi nhận sự việc khi xảy ra sự cố dẫn đến thiệt hại (có ký nhận của các bên liên quan) - Chứng cứ chứng minh xác định lỗi gây ra thiệt hại (nếu 2 bên không thống nhất cần có xác định của cơ quan chức năng như công an, cảnh sát giao thông đường thủy) - Giám định giá trị bị thiệt hại (chỉ thiệt hại có mối quan hệ nhân quả do lỗi của bị đơn gây ra).

- Trường hợp nguyên đơn tự khắc phục hậu quả về thiệt hại để đảm bảo sản xuất khi chưa có thỏa thuận với bị đơn thì nguyên đơn phải cung cấp chứng cứ về hợp đồng sửa chữa các hạng mục theo kết luận giám định. Trong hợp đồng phải thể hiện rõ sửa chữa hoặc thay thế nguyên vật liệu gì khi thi công, giá cả bao nhiêu. Đây cũng là căn cứ để xác định giá cả sửa chữa của nguyên đơn có hợp lý và phù hợp với thực tế hay không? Từ đó mới có đủ căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hay không? Trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập của TAND tỉnh Trà Vinh thể hiện vào lúc 7 giờ 20 phút ngày 10/5/2015 ông Trần Văn Q thuyền trưởng tàu Phú An 268 trong quá trình cập cầu cảng trong điều kiện thời tiết bình thường đã để mũi tàu va chạm vào cẩu trục CSU2 đang trong trạng thái đứng yên và đã làm hư hại một số thiết bị của cầu trục làm cầu trục không thể hoạt động. Thiệt hại và lỗi xảy ra đã được ông Q thừa nhận. Ông Q có lỗi gây thiệt hại về tài sản CSU2 của Tổng công ty A. Lỗi của ông Q gây ra là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định. Ông Trần Văn Q có ký hợp đồng lao động với Công ty TNHH B lúc xảy ra sự cố ông Q là thuyền trưởng tàu An Phú 268 do vậy trường hợp này chủ tàu An Phú 268 là Công ty TNHH B phải chịu trách nhiệm trong sự cố này.

Do vậy toà án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Sự cố va chạm là có, lỗi là có, thiệt hại là có thật. Nên bị đơn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Toà án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào hoá đơn chứng từ sửa chữa cầu trục ngày 06/9/2018 của công ty CCCC với số tiền 700.000 USD để buộc bị đơn bồi thường mà không thu thập đầy đủ chứng cứ như HĐXX đã phân tích ở trên là thiếu sót. Ngoài ra, Tòa án cũng cần phải thu thập chứng cứ để làm rõ nội dung sau:

1/ Cầu trục CSU2 được nguyên đơn lắp đặt khi nào? Đưa vào vận hành, nghiệm thu khi nào? thời gian sử dụng từ khi nghiệm thu vận hành đến khi xảy ra sự cố va chạm thì giá trị khấu hao là bao nhiêu % ? giá trị còn lại là bao nhiêu % ? Thuộc quyền quản lý, sử dụng của ai? 2/ Giám định của Vinacontrol chỉ xác định các hạn mục hư hỏng mà không giám định mỗi hạn mục hư hỏng là bao nhiêu %? Và nguyên nhân của các hư hỏng này có mối quan hệ nhân quả với sự cố va đập hay không? Làm rõ các vấn đề trên mới có căn cứ xác định cầu trục CSU2 khi xảy ra sự cố va chạm thì giá trị khấu hao còn lại so với các hạn mục bị hư hỏng là bao nhiêu % .Từ đó mới xác định được thiệt hại thực tế xảy ra.

Ngoài ra, Tòa án chỉ thu thập một phần hợp đồng sửa chữa giữa nguyên đơn với công ty CCCC không thể hiện rõ sửa chữa những hạng mục nào? Giá trị từng hạng mục sữa chữa là bao nhiêu? Tòa án sơ thẩm không làm rõ mà chỉ căn cứ vào chứng từ ngày 06/9/2019 để xác định là chưa chính xác.

Xét thấy, các vấn đề mà toà án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ toà án cấp phúc thẩm không thể bổ sung khắc phục tại phiên toà được. Do đó, hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho toà án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.

[3] Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị huỷ nên Công ty TNHH B không phải chịu án phí dân sự Án phí dân sự sơ thẩm và các chi phí tố tụng khác sẽ được xác định lại khi giải quyết lại sơ thẩm vụ án.

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn An Trung Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm số 12/2021/DS-ST ngày 24/12/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh.

Chuyển hồ sơ về cho toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

2. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Án phí dân sự và các chi phí tố tụng khác sẽ được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án.

Án phí dân sự phúc thẩm: Công ty TNHH B không phải chịu, được nhận lại tiền tạm ứng án phí kháng cáo 300.000 đồng theo biên lai thu số 0008809 ngày 21/01/2022 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Trà Vinh Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

56
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại tài sản số 174/2023/DS-PT

Số hiệu:174/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về