Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 89/2024/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 89/2024/DS-PT NGÀY 26/08/2024 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 26 tháng 8 năm 2024 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 19/2024/TLPT-DS ngày 38/3/2024 về "tranh chấp chia di sản thừa kế".

Do có kháng cáo của bị đơn ông Võ Đình K, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị L, ông Võ Trọng P đối với bản án dân sự sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 141/2024/QĐPT-DS ngày 16 tháng 8 năm 2024 và Quyết định hoãn phiên tòa số 172 ngày 01 tháng 8 năm 2024 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Võ Thị T, sinh năm 1949, địa chỉ: Xóm B, xã L, huyện H, tỉnh Nghệ An. (có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà T: Ông Phạm Thế K1; trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh N. (có mặt)

2. Bị đơn: Ông VõĐìnhK (Tên gọi khác: VõTrọngK2), sinh năm 1945, địa chỉ: xóm T (xóm bệnh viện cũ), xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An. (có mặt)

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Bà Vũ Thị Q, sinh năm 1941; địa chỉ: số nhà A, ngõ E, tổ G, phường T, K, Đ, Hà Nội. Nơi ở hiện tại: Phòng 1802, chung cư CT2A khu đô thị N, ngõ A, đường H, quận B, thành phố Hà Nội. (vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền của bà Q: Ông Võ Trọng P (tên gọi khác: Võ Hồng P1) sinh năm 1947, địa chỉ: nhà số H, ngõ A, đường N, tổ A, phường H, thành phố V, Nghệ An. (có mặt)

- Bà Võ Thị K3 (đã mất)

Người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Võ Thị K3:

+ Ông Nguyễn Thanh H, sinh năm 1961, địa chỉ: số nhà G, đường T, thôn T, xã N, huyện Đ, Hà Nội. (vắng mặt)

+ Ông Nguyễn Phúc H1, sinh năm 1974, địa chỉ: số nhà A, tập thể trường T6, phường T, quận T, thành phố Hà Nội. (vắng mặt) - Bà Võ Thị L, sinh năm 1941, địa chỉ: xóm C, xã H, huyện H, tỉnh Nghệ An. (vắng mặt)

- Bà Võ Thị X, sinh năm 1948, địa chỉ: xóm T (xóm bệnh viện cũ), xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An. (vắng mặt)

- Ông Võ Trọng P, (tên gọi khác: Võ Hồng P1) sinh năm 1947, địa chỉ: nhà số H, ngõ A, đường N, tổ A, phường H, thành phố V, Nghệ An. (có mặt)

- Bà Võ Thị H2, sinh năm 1960, địa chỉ: nhà số C, hẻm A, ngõ A, 2A2- Phố C, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương. (vắng mặt) - Bà Võ Thị H3, sinh năm 1959, địa chỉ: nhà số E, dãy B, ngách G, ngõ A, phố T, phường N, quận C, thành phố Hà Nội. (vắng mặt)

- Người kháng cáo: bị đơn ông Võ Đình K, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị L, ông Võ Trọng P

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện, đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn thống nhất trình bày: Bố mẹ nguyên đơn là cụ Võ Trọng N, sinh năm 1901, chết năm 1985 và cụ Lê Thị Đ, sinh năm:

1913, chết năm 2014. Cụ N và cụ Đ có 09 người con chung là bà Vũ Thị Q, sinh năm 1941; bà Võ Thị K3, sinh năm 1943 (đã chết vào ngày 14/02/2022); bà Võ Thị L, sinh năm 1941; ông Võ Đình K, sinh năm 1945; ông Võ Trọng P, sinh năm 1947; bà Võ Thị X, sinh năm 1948; bà Võ Thị T, sinh năm 1949; bà Võ Thị H3, sinh năm 1959; bà Võ Thị H2, sinh năm 1960. Ngoài 09 người con trên cụ N, cụ Đ không có con nuôi, con riêng nào khác. Bà K3 có chồng là ông NguyễnĐứcL1 (đã chết vào ngày 09/6/2013), có con là Nguyễn Thanh H, sinh năm 1961 và Nguyễn Phúc H1, sinh năm 1974. Ngoài 02 người con trên bà K3 không có con nuôi và con riêng nào khác.

Di sản cụ N, cụ Đại để lại là thửa đất số 372, tờ bản đồ số 2 tại xóm D, xã H, huyện H, nay thuộc thửa số 155, tờ bản đồ số 10, tại xóm Đ (trước đây là xóm B), xã L, huyện H, tỉnh Nghệ An. Đất được Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng. Diện tích sử dụng đất hiện tại là 441,8m2 và tài sản trên đất là 01 ngôi nhà cột gỗ.

Cụ N chết không để lại di chúc, còn cụ Đ chết để lại di chúc lập ngày 16 tháng 12 năm 2011. Tại đơn khởi kiện ban đầu nguyên đơn yêu cầu: Chia di sản thừa kế đối với thửa đất nêu trên, phần di sản của cụ N chia theo quy định của pháp luật; phần di sản của cụ Đ đề nghị chia theo di chúc lập ngày 16/12/2011. Vụ án được Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm vào ngày 18/10/2021; Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm vào ngày 21/11/2022. Nay được Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên thụ lý và xét xử lại.

Do thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ N đã hết và do di chúc cụ Đ lập ngày 16/12/2011 không hợp pháp. Nên ngay sau khi vụ án được Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên thụ lý, giải quyết lại thì ngày 27/4/2023 nguyên đơn đã nộp đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện và đề nghị Tòa án phân chia di sản thừa kế của cụ Đ theo quy định của pháp luật đối với thửa đất số 155, tờ bản đồ số 10 (trước đây là thửa số 372, từ bản đồ số 2), diện tích theo đo đạc hiện trạng là 441,8 m2 tại xóm Đ, xã L, huyện H, tỉnh Nghệ An.

Đối với ngôi nhà cột gỗ của cụ N, cụ Đại để lại và phần di sản là đất của cụ N để lại nguyên đơn không yêu cầu chia thừa kế mà chỉ đề nghị Tòa án giao chung cho 08 người con hiện đang còn sống và 02 cháu con của bà K3 quản lý để các các con và cháu được tự do thắp hương cho ông bà, cha mẹ không ai được quyền ngăn cấm.

Khi phân chia di sản của bà Đ, nguyên đơn có nguyện vọng như sau: Do nguyên đơn sống với cụ N, cụ Đ trên mảnh đất thừa kế trong thời gian rất dài (từ năm 1983 cho đến năm 2013) và kể từ khi cụ Đ chết đến nay nguyên đơn thường xuyên qua lại nhà của cụ Đại để quét dọn, trông nom, hương khói, bảo quản và gìn giữ di sản. Nên có công rất lớn trong việc duy trì, bảo quản di sản thừa kế. Ngoài ra, tuổi già ốm đau bệnh tật của cụ Đ chủ yếu cậy nhờ vào sự chăm sóc của nguyên đơn. Cụ thể: Kể từ khi cụ N chết (năm 1985) đến cuối năm 2013, cụ Đ chủ yếu được nguyên đơn chăm sóc khi ốm đau, già cả. Vì vậy, nguyên đơn đề nghị Tòa án trích công sức chăm sóc bà Đ; công sức duy trì, bảo quản trông coi di sản thừa kế cho nguyên đơn bằng 02 suất thừa kế và xin được trích bằng hiện vật là đất. Khi chia di sản của cụ Đ nguyên đơn xin nhận phần đất giáp nhà ông T1, bà H4 (trên đất có ngôi nhà bếp, khu vệ sinh). Đồng ý nhận phần di sản mà bà H2, bà H3, bà X, ông H, ông H1 tặng cho lại nguyên đơn.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn ông Võ Đì nh K trình bày và xác nhận: Về quan hệ huyết thống của gia đình ông; về ngày tháng năm cụ Võ Trọng N, cụ Lê Thị Đ, bà Võ Thị K3 chết; về họ tên năm sinh của của chồng và 02 con của bà Võ Thị K3; về năm chồng bà K3 chết đúng như nguyên đơn trình bày. Ông xác nhận cụ N chết không để lại di chúc. Còn cụ Đ chết để lại di chúc lập ngày 03/6/2005.

Di sản của bố mẹ ông để lại gồm: 01 ngôi nhà cột gỗ lợp ngói nằm trên thửa đất số 372, tờ bản đồ số 02; địa chỉ: XómD,xãH,huyệnH nay là thửa số 155, tờ bản đồ số 10, địa chỉ: Xóm Đ (xóm B cũ), xã L, huyện H. Đất có diện tích là 635m2. Tuy nhiên, năm 2004 cụ Đ đã bán 196 m2 đất cho vợ chồng ông Lê Minh T2. Nên diện tích đất chỉ còn lại là 439 m2. Nay nguyên đơn yêu cầu phân chia di sản thừa kế của cụ Lê Thị Đ là đối với thửa đất nêu trên và đề nghị giao quyền quản lý phần di sản của cụ N là 1/2 thửa đất và ngôi nhà cột gỗ của cụ N, cụ Đ cho 08 người con đang còn sống và 02 cháu con bà K3 (đã chết) thì ông không đồng ý vì lý do sau đây: Cụ N chết năm 1985 nên theo quy định của pháp luật đã hết thời hiệu chia thừa kế. Còn đối với di sản của cụ Đại để lại thì vào ngày 03 tháng 6 năm 2005, cụ Đ đã lập di chúc có nội dung: Toàn bộ tài sản của cụ N, cụ Đ gồm đất và nhà thì để lại làm nơi thờ cúng. Giao cho con trai trưởng là ông, con trai thứ là Võ Trọng P và cháu đích tôn là Võ Anh Đ1 cai quản, bảo vệ để làm nơi thờ cúng không ai được quyền bán, chia, cắt, cho, tặng, chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sỡ hữu, cho thuê hay thế chấp ngôi nhà hay đất vườn. Bản di chúc này đã được 09 người con trong đó có bà T đã nhất trí ký tên. Nên ông đề nghị giao toàn bộ thửa đất và ngôi nhà cột gỗ cho ông và ông Võ Trọng P, cháu Võ Anh Đ1 cùng quản lý. Ông không đồng ý chia di sản của cụ Đ và cũng không yêu cầu chia.

Quá trình giải quyết vụ án những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị X , bà Võ Thị H3 , bà Võ Thị H2 trình bày và xác nhận: Các bà thống nhất với lời trình bày, ý kiến, yêu cầu của nguyên đơn. Khi phân chia di sản thừa kế của cụ Đ là thửa đất số 155, tờ bản đồ số 10 tại xóm Đ, xã L, huyệnH,tỉnh NghệAn các bà xin chia bằng hiện vật. Phần được chia (được hưởng) các bà tặng cho lại nguyên đơn. Đối với ngôi nhà cấp 04 bằng gỗ (ngôi nhà cột gỗ) do cụ N, cụ Đại để lại và phần di sản là đất của cụ N để lại do hết thời hiệu chia di sản thừa kế nên các bà cũng đề nghị Tòa án giao chung cho 08 người con cụ N, cụ Đ hiện đang còn sống và 02 cháu con của bà K3 quản lý để được tự do thắp hương cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên không ai được quyền ngăn cấm.

Quá trình giải quyết vụ án ông Ng uyễn Tha nh H , ông Ng uyễn Phúc H1 thống nhất trình bày và xác nhận: Họ tên, năm sinh của cụ N, cụ Đ; năm 2 cụ N chết; họ tên, năm sinh của các con cụ N, cụ Đ; di sản cụ Đ, cụ N để lại đúng như nguyên đơn trình bày. Mẹ các ông tên là Võ Thị K3, sinh năm: 1943 chết vào ngày 14/02/2022 (chết không để lại di chúc). Bố các ông tên là Nguyễn Đức L1, sinh năm: 1941 chết vào ngày 09/6/2013. Bố mẹ các ông sinh được 02 người con là Nguyễn Thanh H và Nguyễn Phúc H1. Ngoài 02 anh em các ông, bố mẹ không có con nuôi và con riêng nào khác. Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế các ông đã bàn bạc và thống nhất như sau: Do khi còn sống mẹ các ông có nguyện vọng đối với toàn bộ phần tài sản mà mẹ các ông được chia (được hưởng) sẽ tặng cho lại nguyên đơn. Phận làm con các ông tôn trọng ý nguyện của mẹ. Vì vậy, các ông đề nghị được chia bằng hiện vật. Phần di sản được chia các ông cũng đồng ý tặng cho nguyên đơn. Đối với ngôi nhà cấp 04 bằng gỗ của cụ N, cụ Đại để lại và phần di sản của cụ N để lại là ½ thửa đất các ông cũng đồng tình với ý kiến của nguyên đơn là đề nghị Tòa án giao chung cho các ông cùng 08 người con bà Đ, cụ N đang còn sống để ai cũng được quyền quản lý, sử dụng để tự do thắp hương cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm ông Võ Tr ọ ng P trình bày và xác nhận: Ông thống nhất với lời trình bày của ông VõĐìnhK. Ông cũng không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông không đồng ý chia và cũng không yêu cầu chia di sản thừa kế của bà Đ. Di sản của bố mẹ để lại ông yêu cầu thực hiện theo đúng di chúc của cụ Đ lập vào ngày 03 tháng 6 năm 2005 là không bán, không chia mà để làm nhà thờ, thờ phụng tổ tiên. Trách nhiệm trông coi bảo quản giữ gìn đất và ngôi nhà trên đất thuộc về ông K, ông P và cháu Võ Anh Đ1.

Quá trình giải quyết vụ án bà Võ Thị L trình bày và xác nhận: Bà thống nhất với lời trình bày của ông VõĐìnhK. Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không đồng ý chia và cũng không yêu cầu chia di sản thừa kế. Di sản của bố mẹ để lại, bà yêu cầu thực hiện theo đúng di chúc của cụ Đ lập vào ngày 03 tháng 6 năm 2005 là không bán, không chia mà để làm nhà thờ, thờ phụng tổ tiên. Trách nhiệm trông coi bảo quản giữ gìn đất và ngôi nhà trên đất thuộc về ông K, ông P và cháu Võ Anh Đ1.

Quá trình giải quyết vụ án, người làm chứng ông Lê Tấ t T3 , ông Lê Huy T4, ông Lê Xuân T5 thống nhất trình bày: Các ông là người cùng xóm với cụ Lê Thị Đại . Nhà ông T3 cách nhà cụ Đ khoảng 150m; nhà ông T4 cách nhà cụ Đại từ 200m đến 300m; nhà ông T5 cách nhà cụ Đ khoảng 03 nhà. Vào năm 2002, các ông được chủ thầu là ông VõTrọngV (đã chết) thuê sửa nhà cho cụ LêThịĐại. Các ông cùng với anh Thanh C, anh Thành H5 và một số người khác đã xây tường nhà, nâng sân, lát gạch hoa nền nhà và xây bờ rào xung quang cho cụ Đ. Sau khi sửa nhà xong cho cụ Đ thì các ông làm bếp cho bà T luôn. Do sống gần nhà nên các ông biết sau khi cụ Đ mất, bà T là người thường xuyên qua lại quét dọn trông nom nhà cửa hương khói cho cụ Đ.

Quá trình giải quyết vụ án người làm chứng bà Võ Thị Hồ ng L2 trình bày: Bà có quan hệ họ hàng với gia đình cụ Đ. Bà sinh sống tại xóm Đ, xã L, huyện Htừ khi bà sinh ra cho đến nay. Nhà bà cách nhà cụ Đ khoảng 100m đến 150m. Do hay sang nhà cụ Đ chơi nên bà biết bà T là người sinh sống cùng cụ Đ, chăm sóc cụ Đại từ năm 1983 cho đến khi bà T sang nước ngoài cùng với con (cuối năm 2013). Sau khi cụ Đ mất, bà T là người thường xuyên qua lại quét dọn trông nom nhà cửa hương khói cho cụ Đ.

Quá trình giải quyết vụ án người làm chứng bà Ng uyễn Thị H6 trình bày: Năm 1999, bà và ông Lê Minh T2 (chồng bà) có đặt vấn đề mua 196 m2 đất của cụ Lê Thị Đ với giá 10.000.000đ (mười triệu đồng). Năm 2001, vợ chồng bà đã giao đủ số tiền 10.000.000đ cho cụ Đ. Năm 2004 vợ chồng bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gia đình bà đã sinh sống ổn định không có ai tranh chấp từ năm 2001 đến nay.

Với nội dung trên Bản án số 08/2023/DS-ST ngày 07/12/2023 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên đã quyết định: Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 227, 228, 244 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 655, 656, 658, 659 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 652, 656, 657, 658 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 611, 612, 613, 614, 623, 649, 650, 651, 660, 688 BLDS năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xử: 1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc: Phân chia di sản thừa kế của cụ Lê Thị Đ theo quy định của pháp luật đối với thửa đất số 155, tờ bản đồ số 10 tại xóm D, xã H (nay là xóm Đ, xã L), huyện H, tỉnh Nghệ An cho các đương sự như sau:

+ Chia cho bà Võ Thị T được quyền sỡ hữu 134 m2 đất ở, trị giá là 804.000.000đ (tám trăm linh tư triệu đồng), đất được ký hiệu là S1 được giới hạn từ điểm từ 2,3,4, 5, 6. Cụ thể: Cạnh phía Bắc giáp thửa số 122 chiều dài cạnh từ điểm 2-3 là 1,26m; 3-4 là 3,90m. Cạnh phía Đông giáp thửa 138 chiều dài cạnh từ điểm 4-5 là 26,21m. Cạnh phía Nam giáp đường chiều dài cạnh từ điểm 5-6 là 5,11m. Cạnh phía Tây giáp phần đất được tạm giao cho ông K quản lý và phần đất di sản của cụ N để lại được ký hiệu là S2, có chiều dài cạnh từ điểm 6-2 là 26,86m (Có sơ đồ cụ thể kèm theo).

Giao cho bà Võ Thị T được quyền sỡ hữu các tài sản trên phần đất được chia gồm: 01 ngôi nhà bếp (nhà bán mái, tường xây gạch 110, mái lợp prô ximăng, nền lát gạch liên doanh; diện tích là 13,7 m2 có giá là 3.299.615đ; 01 mái tôn tạm (không chống nóng) diện tích là 8,5 m2 có giá là 159.375đ; khu vệ sinh (gồm nhà tắm, nhà vệ sinh), mái bê tông, tường xây gạch 110, nền lát gạch liên doanh; diện tích là 5,6 m2 có giá là 4.572.522đ.

+ Tạm giao cho ông Võ Đình K quản lý phần đất còn lại của cụ Đ có diện tích là 86,9 m2 đất ở trị giá là 521.400.000đ (năm trăm hai mươi mốt triệu bốn trăm nghìn đồng).

2. Đình chỉ yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Võ Trọng N đối với thửa đất số 155, tờ bản đồ số 10 tại xóm D, xã H (nay là xóm Đ, xã L), huyện H, tỉnh Nghệ An.

Giao cho cho bà Vũ Thị Q, bà Võ Thị L, ông Võ Đình K, bà Võ Thị X, ông Võ Trọng P, bà Võ Thị T, bà Võ Thị H2, bà Võ Thị H3, ông Nguyễn Thanh H và ông Nguyễn Phúc H1 cùng được quyền quản lý 220,9 m2 đất (1/2 diện tích thửa đất) - Phần di sản của cụ N để lại.

3. Giao cho bà Vũ Thị Q, bà Võ Thị L, ông Võ Đình K, bà Võ Thị X, ông Võ Trọng P, bà Võ Thị T, bà Võ Thị H2, bà Võ Thị H3, ông Nguyễn Thanh H và ông Nguyễn Phúc H1 được quyền quản lý phần và sử dụng chung ngôi nhà cột gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói, nền lát gạch liên doanh, diện tích là 58,1 m2.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự.

Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, ngày 21/12/2023, bị đơn ông Võ Đình K và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Võ Trọng P kháng cáo; ngày 22/12/2023 bà Võ Thị L kháng cáo. Đề nghị bác bỏ phần công sức quản lý của bà T, đề nghị ghi nhận công sức đóng góp quản lý của ông Võ Đình K4, ông Võ Trọng P và bà Vũ Thị Q mỗi người 01 suất thừa kế; Đề nghị phân chia di sản thừa kế cụ Đại để lại cho ông K, ông P, bà Q, bà L; Đề nghị giao quyền quản lý ngôi nhà và phần đất di sản của cụ N cho cho con trai Võ Đình K, Võ Đình P2 và cháu trai Võ Anh Đ1 tiếp tục quản lý.

Ngày 26/12/2023 ông Võ Đình K sửa đổi bổ sung đơn kháng cáo: Yêu cầu Tòa án xem xét nguyện vọng theo bản di chúc ngày 03/6/2005; tuyên di chúc ngày 16/12/2011 không hợp pháp; Phối hợp với cơ quan chức năng điều tra có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, làm trái quy định của pháp luật trong việc chứng thực di chúc nhằm chiếm đoạt di sản thừa kế; Yêu cầu chia lại tài sản thừa kế của bà Đ, đề nghị chia cho ông K, ông P2 và bà Q mỗi người 01 suất thừa kế; Yêu cầu tiếp tục giao quyền quản lý, bảo vệ tài sản của cụ N theo nguyện vọng của bà Đ và các đồng thừa kế tại bản di chúc ngày 03/6/2005; Tài sản của cụ N và cụ Đ nằm trên đất cụ Đ nên khi chia tài sản phải tháo dỡ để có tiền tu sửa lại đề nghị Tòa quyết định giao trách nhiệm các đồng thừa kế đóng góp xây dựng lại mỗi người 20.000.000 đồng đối với người không lấy tài sản mà để làm nhà thờ. Còn người lấy tài sản đóng góp thêm ½ giá trị tài sản đã lấy bằng tiền mặt. Ngoài ra còn tố cáo chủ tọa vi phạm thủ tục tố tụng.

Tại phiên tòa phúc thẩm những người kháng cáo giữ nguyên kháng cáo.

Nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông P2 và bà L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An: Thẩm phán đã thực hiện cơ bản đúng, đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật từ khi thụ lý giải quyết vụ việc để xét xử phúc thẩm đến trước thời điểm nghị án. Hội đồng xét xử phúc thẩm, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định Bộ luật Tố tụng dân sự về việc xét xử phúc thẩm vụ án.

Từ khi Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án cho đến thời điểm xét xử tại phiên tòa hôm nay những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự.

Bị đơn ông Võ Đình K, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Võ Trọng P, bà Võ Thị L có đơn kháng cáo đúng hạn và thuộc trường hợp không phải nộp án phí phúc thẩm nên Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An thụ lý vụ án là đúng quy định.

Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà T về việc chia di sản thừa kế của cụ Đại để lại theo quy định pháp luật là có căn cứ và đúng quy định pháp luật nên không chấp nhận kháng cáo của ông K, ông P và bà L.

Căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Võ Đình K, những  người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông VõHồng P1 và bà Võ Thị L, giữ nguyên bản án sơ thẩm, sửa cách tuyên về diện tích 86,9m2 của cụ Đ tạm giao cho ông K với tứ cận, vị trí, ranh giới cụ thể để đảm bảo cho việc thi hành án.

Đối với nội dung kháng cáo của ông P1, ông K và bà L việc xem xét thẩm định và định giá là không đúng quy định, vi phạm thủ tục tố tụng: Xét thấy, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm có tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản vào ngày 14/8/2023 các đương sự gồm ông Võ Trọng P và ông Vũ Đình K5 đều có mặt và chứng kiến việc xem xét thẩm định, định giá đồng thời ký vào biên bản định giá và xem xét thẩm định tại chỗ mà không có ý kiến gì thêm. Các ông bà không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh việc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 14/8/2023 không đúng quy định pháp luật nên không chấp nhận nội dung kháng cáo này của nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà trên cơ sở đánh giá đầy đủ toàn diện chứng cứ và những lời khai của những người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng:

Đơn kháng cáo của ông Võ Đình K, ông Võ Trọng P, bà Võ Thị L, làm trong hạn luật định, là người cao tuổi nên được miễn nộp tạm ứng án phí. Đơn kháng cáo được coi là hợp lệ về hình thức [2] Về nội dung: Xét kháng cáo của các đương sự [2.1]. Bị đơn ông Võ Đình K, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Võ Trọng P và bà Võ Thị L kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình xét xử vụ án: Vi phạm trong việc lập biên bản thẩm định, định giá tài sản; không đảm bảo tranh tụng trong xét xử vụ án; vi phạm trong việc yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ.

Hội đồng xét xử thấy rằng, Hội đồng định giá được Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên thành lập đảm bảo đúng quy định về trình tự, thủ tục. Các thành phần tham gia Hội đồng định giá, việc tiến hành định giá theo đúng quy định tại Điều 103 BLTTDS. Bản thân ông K, ông P đều có mặt tại phiên định giá, đã chứng kiến và nhất trí ký tên vào biên bản định giá lập ngày 14/8/2023. Tại phiên Tòa phúc thẩm ông K, ông P, bà L không đưa ra căn cứ để chứng minh Hội đồng định giá vi phạm quy định của pháp luật và không đề nghị định giá lại. Nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo.

Căn cứ vào biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 27 tháng 11 năm 2023, Hội đồng xét xử đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng, bảo đảm quyền tranh tụng của các đương sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn không xuất trình được căn cứ chứng minh Hội đồng xét xử không xém xét ý kiến trình bày của bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa.

Quá trình điều tra, Tòa án đã nhiều lần yêu cầu đồng thời lập biên bản giao trách nhiệm buộc ông K và ông P phải giao nộp bản di chúc gốc. Cụ thể: Ngày 20/7/2023 Tòa án lập biên bản giao trách nhiệm cho ông K; Ngày 11/9/2023, Tòa án đã lập biên bản giao trách nhiệm cho ông P đồng thời ra quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ đối với ông P. Tuy nhiên, ông K khai chỉ có duy nhất một bản di chúc gốc do ông P giữ. Còn ông P cũng thừa nhận ông là người giữ bản di chúc. Tuy nhiên, ông không đồng ý giao nộp bản di chúc gốc cho Tòa án vì ông cho rằng: Đây là bản duy nhất và vì bản di chúc này không thực hiện được thủ tục công chứng. Ông chỉ đồng ý trình bản gốc để Tòa án đối chiếu. Trường hợp cần thiết thì cho cho Tòa án mượn trong một thời hạn với điều kiện ông yêu cầu Thẩm phán phải viết cam đoan hẹn ngày trả và phải ký tên đóng dấu thì mới cho mượn. Mặc dù, ông P đã được Thẩm phán giải thích về việc giao nộp chứng cứ vừa là quyền và là nghĩa vụ của đương sự nhưng ông P vẫn không chấp hành yêu cầu của Tòa án.

[2.2]. Yêu cầu phân chia di sản của bà Lê Thị Đ:

- Đối với bản di chúc lập ngày 03/6/2005: Ông K, ông P và bà L đề nghị Tòa án căn cứ vào bản di chúc của cụ Đ lập ngày 03/6/2005 để chia di sản thừa kế: Toàn bộ tài sản của cụ N và cụ Đ gồm đất và nhà thì để lại làm nơi thờ cúng. Giao cho con trai trưởng là Võ Đình K, con trai thứ là Võ Trọng P và cháu đích tôn là Võ AnhĐ1 cai quản, bảo vệ để làm nơi thờ cúng không ai được quyền bán, chia, cắt, cho, tặng, chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sỡ hữu, cho thuê hay thế chấp ngôi nhà hay đất vườn.

Căn cứ vào lời khai của ông P, ông K đã xác định: Do cụ Đ lúc đó đã nhiều tuổi, tay run nên phải nhờ cháu ĐàoHoaM (con gái bà Q) viết lại bản di chúc. Di chúc không có người làm chứng và không được công chứng hoặc chứng thực.

Căn cứ vào lời trình bày của bà X, bà T và bà H2 đã xác định. Các bà đều không được tham gia cuộc họp ngày 03/6/2005. Chỉ sau đó một thời gian khi bà Q đưa cho các bà bản 01 bản giấy đề ngày 03/6/2005 và yêu cầu ký thì các bà ký còn nội dung bản giấy viết gì các bà không hề biết. Tại biên bản lấy lời khai ngày 25/5/2023 ông K cũng thừa nhận cuộc họp ngày 03/6/2005 không có mặt bà T.

Như vậy, đây là bản di chúc không có người làm chứng và không có công chứng hoặc chứng thực.

Di chúc nêu trên không phải do cụ Đại tự tay viết mà nhờ người khác viết nhưng không có 02 người làm chứng chứng kiến và di chúc cũng không được công chứng hoặc chứng thực là vi phạm các quy định tại Điều 658, 659 BLDS năm 1995. Mặt khác, cuộc họp ngày 03/6/2005 cũng không có mặt đầy đủ những người thừa kế của cụ N. Nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 655 BLDS năm 1995 thì bản di chúc này không hợp pháp.

- Đối với bản di chúc lập ngày 16/12/2011: Căn cứ vào lời khai của các đương sự; căn cứ vào các tài liệu đã thu thập được có tại hồ sơ vụ án thì thấy: Trước đây, vào ngày 20/10/2020 bà T có giao nộp tại Tòa án một bản di chúc được đánh máy. Theo trình bày của bà T đây là di chúc của bà Đ. Cụ Đ đã điểm chỉ dưới mục: “Người lập di chúc”. Di chúc được người làm chứng là ông Lê Tất T3 ký tên, được ông Hoàng Văn H7 lúc đó là Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H (nay là xã L), huyện H chứng thực.

Xét thấy: Mặc dù, không có ai yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Đ theo bản di chúc này (kể cả nguyên đơn) nhưng do nguyên đơn có giao nộp bản di chúc này nên Hội đồng xét xử phải xem xét tính hợp pháp của di chúc.

Căn cứ vào lời khai của nguyên đơn, căn cứ vào kết quả điều tra đã xác định: Đây là bản di chúc không phải do cụ Đại tự tay viết mà nhờ người đánh máy. Bản di chúc nêu trên chỉ có duy nhất ông T3 ký vào bản di chúc và bản di chúc này không được lập trước mặt ông T3, cũng không được Công chức tư pháp hộ tich Ủy ban nhân dân xã H, huyện H vào thời điểm đó ghi chép lại nội dung mà cụ Lê Thị Đ tuyên bố.

Như vậy: Bản di chúc nêu trên không được cụ Đại tự tay viết và ký vào bản di chúc mà nhờ người đánh máy, không được lập trước mặt người làm chứng, chỉ có một người làm chứng ký vào bản di chúc và cũng không được Công chức tư pháp hộ tich Ủy ban nhân dân xã H vào thời điểm đó ghi chép lại nội dung mà cụ Lê Thị Đ tuyên bố là vi phạm quy đinh tại các điều 656, 657, 658 của BLDS năm 2005. Nên bản di chúc này là không hợp pháp theo quy định tại Điều 652 của BLDS năm 2005.

Do các bản di chúc nêu trên đều không hợp pháp. Nên di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ Đại để lại sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 650, khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015.

* Về công sức duy trì, tôn tạo và bảo quản di sản:

Đối với công bảo quản, trông coi, duy trì di sản là đất của cụ Đ: Căn cứ vào đơn trình bày của bà T được Ban cán sự xóm D, xã H, huyện H thời kỳ 2008 đến 2013 và Ban cán sự xóm Đ, xã L và Ủy ban nhân dân xã L, huyện H xác nhận; căn cứ vào lời trình bày của đại diện Ủy ban nhân dân xã L, huyện H (ông Võ Văn C1); lời khai của những người làm chứng ông LêTấtT3, ông Lê Huy T4, ông Lê Xuân T5, bà VõThị Hồng L2 đã xác định: Bà T cùng gia đình về sinh sống trên mảnh đất của cụ Đ, cụ N trong thời gian rất dài từ năm 1983 đến tháng 12/2013. Sau khi cụ Đ chết đến nay, bà T là người thường xuyên qua lại trông coi, quyét dọn vườn tược nhà cửa của cụ Đ.

Vì vậy, khi chia thừa kế cần trích cho nguyên đơn công sức bảo quản, trông coi và duy trì di sản là quyền sử dụng đất của cụ Đ là 25,6 m2 đất (hơn 01 suất thừa kế). Phần diện tích đất còn lại là: 195,3 m2 đất (220,9 m2 đất - 25,6 m2 đất) sẽ được chia đều cho những người thừa kế của bà Đ.

Các ông K, ông P và bà L trình bày không ai có công sức gì trong việc bảo quản, duy trì, tôn tạo di sản. Sau khi xét xử sơ thẩm các ông K, P, bà L kháng cáo yêu cầu trích công sức cho các ông bà và không trích công sức cho bà T là không có căn cứ nên không chấp nhận kháng cáo này.

* Về phần từng người được hưởng khi chia di sản thừa kế (là đất) của cụ Đ: diện tích đất cụ Đại để lại là 220,9 m2 đất sau khi trích công sức bảo quản, duy trì và trông coi di sản thừa kế cho cụ Đ cho bà T thì diện tích đất còn lại là 195,3 m2 đất. Mỗi suất thừa kế sẽ được hưởng 195,3 m2 : 9 = 21,7 m2 đất, trị giá là:

130.200.000đ (một trăm ba mươi triệu hai trăm nghìn đồng).

Do bà T được bà X, bà H2, bà H3, ông H và ông H1 (ông H và ông H1 được hưởng 1 suất thừa kế) tặng cho phần đất mà họ được hưởng nên phần bà T được hưởng là 05 suất x 21,7 m2 đất + 25,6 m2 đất (được trích công sức) = 134,1 m2 đất. Để thuận tiện cho việc cắt đất làm bìa cần làm tròn số liệu và chia cho bà T diện tích đất là 134 m2, trị giá là 804.000.000đ (tám trăm linh tư triệu đồng).

Phần diện tích đất còn lại của cụ Đ là: 86,9 m2 đất, trị giá là 521.400.000đ (năm trăm hai mươi mốt triệu bốn trăm nghìn đồng) là phần diện tích đất mà ông K, ông P, bà L và bà Q được hưởng. Tuy nhiên, do cả 04 ông bà đều không yêu cầu chia thừa kế nên Hội đồng xét xử sẽ không chia mà chỉ tạm giao cho ông Võ Đình K quản lý. Sau này nếu các ông, bà không thỏa thuận được với nhau và có nguyện vọng chia phần diện tích đất này thì ông P, ông K, bà L và bà Q có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.

Để đảm bảo giá trị sử dụng của ngôi nhà nhà cột gỗ, tường xây gạch cần chấp nhận nguyện vọng của bà T là chia cho bà T phần đất giáp nhà bà H6 ông T2.

Do một phần các công trình gồm: 01 ngôi nhà bếp có giá là 3.299.615đ; 01 mái tôn tạm có giá là 159.375đ; khu vệ sinh (gồm nhà tắm, nhà vệ sinh) có giá là 4.572.522đ nằm trên đất được chia cho bà T và do toàn bộ các công trình này có giá trị không lớn. Nên cần chia cho bà T được sỡ hữu toàn bộ các công trình này để tạo điều kiện cho bà T được quyền tháo dỡ nếu có nhu cầu làm nhà trên phần đất được chia và tạo điều kiện cho bà T làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì khu vệ sinh và mái tôn lợp tạm là do ông K làm; tiền làm nhà bếp chủ yếu là tiền bà T bỏ ra (ông P, bà L, bà Q sau này vào năm 2005 có đóng góp mỗi người 1.500.000đ để trả lại cho bà T). Nên đáng lẽ ra bà T phải thanh toán lại tiền cho ông P, bà Q, bà L kỷ phần mà họ đóng góp vào nhà bếp; thanh toán tiền làm khu vệ sinh và mái tôn tạm cho ông K theo giá mà Hội đồng định giá đã định giá. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra ông K, ông P, bà Q, bà L không yêu cầu gì đối với bà T và tại phiên toà hôm nay ông K, ông P cũng không có yêu cầu gì đối với bà T nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Đối với một số cây cối do ông K, ông P trồng nằm trên phần đất mà bà T được chia. Nếu ông P, ông K có yêu cầu thì buộc hai ông phải di dời để bàn giao đất cho bà T. Tuy nhiên, do ông P và ông K cũng không yêu cầu gì đối với bà T nên Hội đồng xét xử không xem xét là đúng quy định của pháp luật.

* Xét phần di sản là quyền sử dụng đất của cụ N để lại: phần di sản của cụ N để lại có diện tích là 220,9 m2 đất. Do không có người thừa kế nào quản lý phần di sản của cụ N đủ 30 năm để xác lập quyền sở hữu và do ban đầu nguyên đơn yêu cầu chia nhưng nay không yêu cầu chia nên Hội đồng xét xử sơ thẩm không xem xét chia mà đình chỉ yêu cầu đồng thời giao cho các đồng thừa kế của cụ N là 08 người con còn sống và 02 người cháu (con bà K4) cùng quản lý là đúng quy định của pháp luật.

[3]. Về đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị sửa cách tuyên về diện tích 86,9m2 của cụ Đ tạm giao cho ông K với tứ cận, vị trí, ranh giới cụ thể để đảm bảo cho việc thi hành án. Hội đồng xét xử xét thấy: phần diện tích đất này là phần thừa kế của ông K, ông P, bà L, bà Q. Tuy nhiên những người này không yêu cầu chia thừa kế nên cấp sơ thẩm tạm giao cho ông K là có căn cứ việc giao cụ thể tứ cận là không cần thiết vì nếu các đồng thừa kế thửa đất trên khi có yêu cầu chia thì có thể khởi kiện bằng một vụ án khác.

[4] Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của bị đơn ông Võ Đình K, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị L, ông Võ Trọng P không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Tuy nhiên các ông bà đều là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự phúc thẩm [5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Võ Đình K, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị L, ông Võ Trọng P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

2. Về án phí phúc thẩm: ông Võ Đình K, ông Võ Trọng P, bà Võ Thị L là người cao tuổi nên được miễn án phí phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

67
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 89/2024/DS-PT

Số hiệu:89/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:26/08/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về