TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 360/2023/DS-PT NGÀY 28/08/2023 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ
Ngày 28 tháng 8 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 467/2022/TLPT-DS ngày 29 tháng 12 năm 2022 về “Tranh chấp di sản thừa kế”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 102/2022/DS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 638/2023/QĐ – PT ngày 03 tháng 3 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Lư Văn D, sinh năm 1958 (có mặt).
Địa chỉ: số nhà A, ấp A, xã M, thành phố B, tỉnh Bến Tre.
Người bảo vệ quyền và lợi ích của nguyên đơn: Ông Đào Công H – Trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh B (có mặt).
2. Bị đơn: Bà Lư Thị N, sinh năm 1955 (có mặt).
Địa chỉ: số nhà I ấp M, xã M, thành phố B, tỉnh Bến Tre. Chỗ ở hiện nay: ấp C, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ông La Văn T, sinh năm 1958 (có mặt);
Địa chỉ: ấp C, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Lư Thị N và ông La Văn T: bà Nguyễn Thị B – Luật sư làm việc tại Trung tâm tư vấn pháp luật Hội luật gia tỉnh B (có mặt).
3.2. Ủy ban nhân dân thành phố B Địa chỉ: số G đại lộ Đ, Phường D, thành phố B, tỉnh Bến Tre Người đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Nam H1 (xin vắng mặt)
4. Người kháng cáo: nguyên đơn Lư Văn D.
5. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Tre.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, quá trình tố tụng nguyên đơn ông Lư Văn D và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Ông là con ruột của ông Lư Văn B1 và bà Lê Thị B2. Ông B1 và bà B2 có tạo lập được tài sản là thửa đất số 75, diện tích 731,9m2 và thửa 76, diện tích 154.4m2, cùng tờ bản đồ số 2, toạ lạc tại xã M, thành phố B. Ông B1 chết năm 1999, bà B2 chết năm 2014 không để lại di chúc. Ngày 14/8/2012, bà B2 và bà Lư Thị N đến Ủy ban nhân dân xã M xác nhận bà N là con duy nhất của ông B1 và bà B2, đồng thời lập văn bản phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật ngày 04/9/2012 mà không có mặt ông. Ngày 08/10/2012, bà N được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 02 thửa đất trên. Sau khi bà B2 chết, bà N chuyển nhượng phần đất có diện tích 87m2 cho người khác.
Khi ông phát hiện có làm đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân xã M giải quyết. Ngày 13/4/2016, tại Ủy ban nhân dân xã M, bà N đồng ý chia cho ông phần đất có diện tích 130m2 trong đó có 30m2 đất thổ cư, nhưng phải chờ bà N lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp tại Ngân hàng mới làm thủ tục tách thửa, sau đó bà N không thực hiện. Ông khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của ông Lư Văn B1 và bà Lê Thị B2, ông nhận phần đất có diện tích 365,95m2 và kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố B thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà N.
Về Tờ di chúc lập năm 1995 bà N cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án, ông không đồng ý vì: di chúc được lập ngày 22/6/1995 phía dưới di chúc có chữ ký tên và ghi họ tên Lư Văn B1 và Lê Thị B2, đến ngày 25/6/1995 trưởng ấp xác nhận. Ngày 28/6/1995, Ủy ban nhân dân xã M xác nhận “Tờ di chúc này do Lư Thị N viết đã đọc lại cho người lập di chúc nghe và ký tên trước U”. Cùng ngày 28/6/1995, Phòng C chứng nhận việc lập di chúc của ông B1 và bà B2. Ủy ban nhân dân xã M và Phòng C không chứng kiến ông B1, bà B2 ký tên nhưng vẫn xác nhận nên việc công chứng không đúng quy định.
Tại Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 28/02/2022, ông yêu cầu chia thừa kế quyền sử dụng đất thửa 75, tờ bản đồ số 2, diện tích 726,6m2, tại xã M, ông nhận phần đất thuộc thửa tạm 75A và 75-1 có diện tích tổng cộng 363,3m2 gồm 150m2 đất ONT và 213,3m2 đất CLN. Ông không đồng ý với yêu cầu phản tố của bà N yêu cầu ông trả số tiền vay 290.475.000 đồng vì ông không vay tiền.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu được nhận phần đất có diện tích 363,3m2 trong đó có 115m2 đất ONT và 248,3m2 đất CLN. Ông không tranh chấp đối với phần đất diện tích 87m2 bà N đã chuyển nhượng cho người khác.
Quá trình tố tụng, bị đơn bà Lư Thị N trình bày:
Ông Lư Văn B1 và bà Lê Thị B2 chỉ có 01 người con ruột là bà. Ông Lư Văn D có giấy khai sinh tên Lê Tiến D1 là con của ông Lê Văn T1 (em ruột bà B2). Cha mẹ ông D1 chia tay nên bà B2 đem ông về nuôi nhưng không làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định pháp luật. Khi ông D1 cưới vợ thì xảy ra mâu thuẫn với vợ chồng ông B1 nên ông D1 ở cùng gia đình vợ, không liên lạc hay chăm sóc ông B1, bà B2.
Ngày 22/6/1995, ông B1 mắt yếu và bà B2 bệnh không viết được nên nhờ bà viết thay Tờ di chúc với nội dung xác định bà là con duy nhất của vợ chồng ông B1, để lại toàn bộ tài sản cho bà gồm 1.200m2 đất vườn (trong đó có 02 ngôi mộ, 02 kim tĩnh), 01 căn nhà, 01 tủ thờ, 01 tủ áo, 04 giường ngủ. Sau khi viết di chúc, bà có đọc lại cho ông B1, bà B2 nghe nhưng ông bà chưa ký tên vào di chúc mà tự đem di chúc đi xác nhận. Việc bà viết thay di chúc có anh họ của bà chứng kiến nhưng người này đã chết.
Năm 1999, ông B1 chết, để lại di sản là phần đất thuộc các thửa 75, 76, cùng tờ bản đồ số 02, tại xã M, thành phố B. Năm 2012, bà và bà B2 lập Văn bản phân chia tài sản thừa kế, bà B2 giao toàn bộ 02 thửa đất trên cho bà. Ngày 08/10/2012, bà được Ủy ban nhân dân thành phố B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 75, diện tích 731,9m2 và thửa đất số 76, diện tích 154,4m2, cùng tờ bản đồ số 02, tại xã M, thành phố B. Tháng 3/2014, thửa 75 được đo đạc, điều chỉnh diện tích đúng là 642,9m2 trong đó có 145,6m2 đất ONT và 497,3m2 đất CLN. Ngày 21/4/2014, thửa 75 nhập vào thửa 76 trở thành thửa 75 mới có diện tích 797,3m2 (trong đó có 300m2 đất ONT và 497,3m2 đất CLN). Ngày 24/4/2014, bà N chuyển nhượng phần đất diện tích 87m2 (70m2 đất ONT và 17m2 đất CLN) cho ông Lê Trung T2, thửa 75 còn lại diện tích là 710,3m2 (230m2 ONT và 480,3m2 CLN). Năm 2015, thửa 75 được đo đạc, sửa sai theo hiện trạng sử dụng, điều chỉnh diện tích từ 710,3m2 thành 726,6m2 trong đó diện tích đất ONT là 230m2, còn lại là đất CLN.
Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông D1 vì ông D1 không phải con ruột của bà B2 và ông B1, bà được hưởng thừa kế theo di chúc của ông B1 và sự tương phân di sản của bà B2 theo đúng quy định pháp luật.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà rút yêu cầu phản tố buộc ông D1 trả cho bà số tiền vay 15.000.000 đồng và tiền lãi với mức lãi suất 8%/tháng trong 15 năm, tổng cộng là 290.475.000 đồng.
Quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông La Văn T trình bày:
Ông là chồng của bà Lư Thị N, phần đất đang tranh chấp bà N được hưởng thừa kế trong thời kỳ hôn nhân nên là tài sản chung của ông bà. Ông thống nhất với trình bày của bà N, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân thành phố B là ông Nguyễn Nam H1 trình bày:
Căn cứ bản sao Giấy chứng tử của ông Lư Văn B1 ngày 19/9/2001,Văn bản phân chia tài sản thừa kế có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã M ngày 04/9/2012, Đơn xin xác nhận là con duy nhất ngày 14/8/2012 của bà Lư Thị N có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã M ngày 31/8/2012, Tờ trình của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố B, Ủy ban nhân dân thành phố B cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N theo trường hợp hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N là đúng trình tự thủ tục nên Ủy ban nhân dân thành phố B không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 102/2022/DS–ST ngày 27 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre đã quyết định:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lư Văn D về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Lư Văn B1 và bà Lê Thị B2 đối với phần đất thuộc thửa 75 tờ bản đồ số 02 diện tích 726,6m2 tọa lạc tại xã M, thành phố B.
2. Đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn bà Lư Thị N về việc yêu cầu ông Lư Văn D trả số tiền gốc và lãi tổng cộng 290.475.000 đồng.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 28/9/2022 và ngày 10/10/2022, bị đơn ông Lư Văn D kháng cáo, yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông.
Ngày 11/10/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Tre có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 05/QĐKNPT-VKS-DS ngày 11/10/2022, kháng nghị một phần bản án dân sự sơ thẩm. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Bến Tre sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của ông D. Ông D được nhận 1/3 di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của ông B1 (1/6 khối tài sản chung của vợ chồng ông B1) là 121,1m2 (trong đó diện tích đất ONT là 38,3m2); ghi nhận các đương sự không tranh chấp về tài sản trên đất; điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà N, cụ thể cấp quyền sử dụng đất phần đất ông D được nhận thừa kế cho ông D, giảm diện tích phần đất cấp cho bà N. Trường hợp giao cho ông D nhận diện tích có chênh lệch (nhiều hơn) so với kỷ phần được nhận thì có trách nhiệm hoàn trả giá trị cho bà N.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý với kháng cáo của nguyên đơn, kháng nghị của Viện kiểm sát và yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lư Văn D trình bày: bản di chúc lập ngày 22/6/1995 do bà N viết trong khi bà là người được hưởng thừa kế và không có người chứng kiến là trái quy định pháp luật nên vô hiệu. Đối với tờ tương phân năm 2012 thì khi phân chia di sản của ông B1 không có chữ ký của ông D là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông B1 và số chứng minh nhân dân của bà B2 ghi trong tờ tương phân cũng không đúng vì vậy tờ tương phân này không hợp pháp. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông D, chia di sản của ông B1 và bà B2 trong đó ông D được nhận phần đất diện tích 363,3m2 thuộc một phần thửa 75, tờ bản đồ số 2, toạ lạc xã M.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Lư Thị N, ông La Văn T có trình bày: ông B1 và bà B2 lập di chúc vào năm 1995 phù hợp với quy định của Pháp lệnh thừa kế. Tại phiên toà ông D xác định ông là con nuôi của vợ chồng ông B1 nhưng không có tài liệu chứng cứ chứng minh ông được nhận nuôi, có đăng ký việc nhận nuôi con nuôi theo quy định pháp luật, giữa ông D và vợ chồng ông B1 cũng không tồn tại quan hệ nuôi dưỡng vì ông D không có tên trong hộ khẩu ông B1, ông D cũng không chăm sóc ông B1, bà B2. Do đó, ông D không thuộc hàng thừa kế của ông B1, bà B2 không có tư cách yêu cầu chia thừa kế, đồng thời, bà N được hưởng thừa kế theo di chúc của ông B1 và sự tương phân di sản của bà B2 là đúng quy định pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
- Về tố tụng: những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Tre, sửa bản án dân sự sơ thẩm. Ông D được nhận 1/3 di sản của ông B1, do thửa đất số 75 sẽ bị thu hồi theo Thông báo số 5816/TB-UBND ngày 10/11/2022 của UBND thành phố B nên không thể chia hiện vật, ông D nhận bằng giá trị phần đất có diện tích 121,1m2 (trong đó có 38,3m2 đất ONT) thuộc thửa 75, tờ bản đồ số 2, tại xã M, thành phố B theo giá của Hội đồng định giá.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên; xét kháng cáo của nguyên đơn ông Lư Văn D, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Tre, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Các đương sự đều thống nhất phần đất tranh chấp thuộc thửa 75, tờ bản đồ số 2, diện tích 726,6m2 (trong đó có 230m2 đất ONT), tọa lạc tại xã M, thành phố B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Lư Thị N trước đây là thửa 75, diện tích 731,9m2 và thửa 76, diện tích 154,4m2, cùng tờ bản đồ số 02 có nguồn gốc là tài sản chung của ông Lư Văn B1 và bà Lê Thị B2 nên đây là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự.
Ông D yêu cầu chia thừa kế di sản của ông B1 và bà B2, ông nhận phần đất thuộc thửa tạm 75A và 75-1 có diện tích tổng cộng 363,3m2 gồm 115m2 đất ONT và 248,3m2 đất CLN.
Bà N cho rằng ông D được ông B1 và bà B2 nuôi dưỡng nhưng không đăng ký thủ tục nhận con nuôi theo quy định pháp luật nên ông không thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông B1, bà B2, không có quyền nhận thừa kế. Đồng thời, bà đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đang tranh chấp đúng theo quy định pháp luật do được hưởng thừa kế theo di chúc của ông Lư Văn B1 và sự tương phân di sản của bà B2 nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông D.
[2] Về hàng thừa kế: ông D trình bày ông là con nuôi của ông B1 và bà B2. Căn cứ theo Điều 50 Luật nuôi con nuôi năm 2010, việc nhận nuôi con nuôi phải thực hiện thủ tục nhận con nuôi theo quy định pháp luật. Đối với các trường hợp nhận con nuôi xảy ra trước ngày Luật nuôi con nuôi có hiệu lực thì trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật nuôi con nuôi có hiệu lực phải thực hiện việc đăng ký theo đúng thủ tục của luật này. Tuy nhiên, ông B1 chết năm 1999 trước khi ban hành Luật nuôi con nuôi, bà B2 chết năm 2014 trong khoảng thời gian 05 năm pháp luật cho phép các bên hoàn thiện thủ tục nuôi con nuôi nên không đảm bảo điều kiện thực hiện thủ tục do một trong các bên liên quan đã chết.
Căn cứ theo Giấy khai sinh ngày 30/6/1996 do ông D cung cấp, Thông báo số 148/TB-CCHT ngày 07/4/2021 về việc cải chính hộ tịch của Ủy ban nhân dân thành phố B, các văn bản là Giấy chứng nhận đăng ký xây dựng đất nước năm 1976 của Thị xã Đ, Quyết định số 964/80 ngày 10/9/1980 của Ủy ban nhân dân tỉnh B, Giấy mời ông D đi khám tuyển chính thức ở TX của Ủy ban nhân dân xã M đều có nội dung xác định ông D là con của ông Lư Văn B1 và bà Lê Thị B2. Tại thời điểm ông D thực hiện đăng ký khai sinh thì ông B1 và bà B2 vẫn còn sống, việc đăng ký khai sinh đúng quy định và các văn bản của cơ quan nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của ông D đều xác định ông D là con của ông B1, bà B2 nhưng không ai có ý kiến phản đối. Bà N cũng thừa nhận ông D được ông B1 và bà B2 trực tiếp nuôi dưỡng từ khi mới được sinh ra cho đến khi trưởng thành. Như vậy, giữa ông D và ông B1, bà B2 tồn tại quan hệ nuôi con nuôi trước khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực.
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 1 mục A Phần III Thông tư 01/1981 ngày 24/7/1981 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết tranh chấp về thừa kế; Mục 6 Nghị quyết 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 và chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì coi là con nuôi thực tế, việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định.
Như vậy, có căn cứ xác định ông D là con nuôi thực tế của ông B1 và bà B2. Ông D và bà N đều thống nhất cha mẹ ruột của ông B1, bà B2 đều chết trước ông B1, bà B2 nên căn cứ theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự xác định hàng thừa kế thứ nhất của ông B1 và bà B2 là ông D và bà N.
[3] Về di sản thừa kế:
Bà N trình bày khi còn sống ông B1 và bà B2 đã lập di chúc ngày 22/6/1995 để lại toàn bộ thửa 75 và 76 cho bà. Ông D không đồng ý với di chúc này vì Ủy ban nhân dân xã M và Phòng C tỉnh Bến Tre không chứng kiến việc ông B1 và bà B2 ký tên nhưng vẫn xác nhận nên việc công chứng không đúng quy định.
Xét thấy, bản di chúc ghi ngày viết là 22/6/1995, được trưởng ấp xác nhận ngày 25/6/1995, Ủy ban nhân dân xã M chứng thực, Phòng C công chứng vào ngày 28/6/1995. Như vậy, có sự mâu thuẫn, không thống nhất về thời gian, lời chứng vì cùng một chữ ký do ông B1, bà B2 ký nhưng được trưởng ấp, Ủy ban nhân dân xã M cùng xác nhận chứng kiến việc ký tên vào hai thời điểm khác nhau. Ngoài ra, cùng ngày xác nhận tại Uỷ ban nhân dân xã, di chúc còn được công chứng tại Phòng công chứng nhưng nội dung công chứng chỉ thể hiện ông B1, bà B2 đã ký tên, không thể hiện được công chứng viên có chứng kiến việc ký tên của ông bà.
Theo nội dung lời chứng của Ủy ban nhân dân xã M thể hiện bà N là người viết di chúc, đọc lại cho bà B2, ông B1 nghe. Bà N thừa nhận điều này và cho rằng khi lập di chúc có sự chứng kiến của một người anh họ nhưng người này đã chết. Theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh thừa kế năm 1990, trường hợp người lập di chúc không đọc bản di chúc được, không ký hoặc điểm chỉ được thì phải nhờ người chứng kiến. Như vậy, bà N là người viết di chúc cũng là người được hưởng di sản từ di chúc, ông B1 và bà B2 không tự đọc lại di chúc nhưng không có người chứng kiến ký tên vào di chúc trước mặt người có trách nhiệm chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Pháp lệnh thừa kế. Mặt khác, theo Kết quả giám định chữ ký số 450 ngày 20/9/2022 kết luận không đủ cơ sở xác định có phải cùng một người ký hay không.
Vì vậy, không có cơ sở xác định di chúc ngày 22/6/1995 hợp pháp để xác định ý chí của ông B1 khi còn sống bằng di chúc đã để lại phần di sản của ông cho bà N.
Do đó, ông Lư Văn B1 chết năm 1999 để lại di sản là ½ quyền sử dụng đất thửa 75 và 76 (nay là thửa 75, diện tích 726,6m2). Năm 2012, bà N và bà B2 đã lập văn bản tương phân di sản của ông B1 với tư cách là vợ và con duy nhất của ông B1, bà B2. Tuy nhiên, khi lập văn bản tương phân chỉ có chữ ký của bà N, bà B2 trong khi hàng thừa kế thứ nhất của ông B1 còn có ông D, theo quy định pháp luật ông D được hưởng một kỷ phần thừa kế của ông B1 để lại là 1/3 di sản của ông B1. Bà B2 và bà N đã tự ý định đoạt kỷ phần của ông D là không hợp pháp. Do đó, tờ tương phân này vô hiệu một phần liên quan đến kỷ phần thừa kế ông D được nhận từ ông B1. Vì vậy, ông D khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của ông B1 là có căn cứ.
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà N thể hiện bà được cấp giấy trên cơ sở nhận thừa kế di sản của ông B1 theo pháp luật và bà B2 tặng cho phần tài sản của bà trong khối tài sản chung của vợ chồng, kỷ phần thừa kế bà B2 được nhận khi chia di sản của ông B1 theo pháp luật. Như vậy, bà B2 đã định đoạt toàn bộ phần tài sản của bà cho bà N nên năm 2014 bà B2 chết không để lại di sản. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông D về việc chia thừa kế di sản của bà B2 là phù hợp.
[4] Như đã nhận định nêu trên, có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế của ông D đối với di sản của ông B1. Ông D được nhận 1/3 di sản của ông B1 là 1/6 diện tích thửa 75, tờ bản đồ số 2 = 121,1 m2 trong đó có 38,3 m2 đất ONT. Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm, bà N giao nộp chứng cứ là Thông báo số 5816/TB- UBND ngày 10/11/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố B về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Đầu tư phát triển Khu đô thị M, thành phố B trong đó thu hồi toàn bộ diện tích thửa 75 nên không thể chia cho ông D hiện vật nên chia bằng giá trị theo giá của Hội đồng định giá.
Do đó, chấp nhận một phần kháng cáo của ông D, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Tre chia thừa kế di sản của ông B1, ông D được nhận giá trị phần đất diện tích 121,1 m2 trong đó có 38,3 m2 đất ONT là: 38,3m2 x 5.000.000 đồng/m2 + 82,8m2 x 3.500.000 đồng/m2 = 481.300.000 đồng. Do bà N là người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đang trực tiếp quản lý đất nên có nghĩa vụ chia cho ông D số tiền này.
[5] Về chi phí tố tụng khác là 9.032.000 đồng do yêu cầu của ông D được chấp nhận một phần nên ông D và bà N mỗi người phải chịu ½. Ông D đã nộp xong nên buộc bà N có nghĩa vụ hoàn trả cho ông D 4.516.000 đồng.
[6] Án phí dân sự sơ thẩm: ông Lư Văn D được miễn nộp do thuộc trường hợp người cao tuổi.
[7] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
[8] Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên ông Lữ Văn D2 không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Lư Văn D.
Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Tre.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 102/2022/DS – ST ngày 27 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre.
Áp dụng các Điều 12, Điều 14 Pháp lệnh thừa kế năm 1990; các Điều 609, 611, 612, 613, 623, 650, 651, 653, 660 Bộ luật Dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
[1] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lư Văn D đối với bị đơn bà Lư Thị N về việc yêu cầu chia thừa kế di sản của ông Lư Văn B1 và bà Lê Thị B2 là thửa đất 75, tờ bản đồ số 02, diện tích 726,6m2, tọa lạc tại xã M, thành phố B.
Ông Lư Văn D được chia thừa kế di sản của ông Lư Văn B1 là phần đất có diện tích 121,1 m2 (trong đó có 38,3m2 đất ONT) thuộc thửa đất 75, tờ bản đồ số 02, tọa lạc tại xã M, thành phố B nhưng được nhận giá trị bằng tiền.
Buộc bà Lư Thị N phải hoàn trả cho ông Lư Văn D giá trị quyền sử dụng đất phần đất có diện tích 121,1 m2 (trong đó có 38,3m2 đất ONT) thuộc thửa đất 75, tờ bản đồ số 02, tọa lạc tại xã M, thành phố B với số tiền là 481.300.000 đồng (bốn trăm tám mươi mốt triệu ba trăm nghìn đồng).
[2] Đình chỉ yêu cầu phản tố của bị đơn bà Lư Thị N về việc yêu cầu ông Lư Văn D trả số tiền gốc và lãi tổng cộng 290.475.000 đồng (hai trăm chín mươi triệu bốn trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).
[3] Về chi phí tố tụng khác là 9.032.000 đồng (chín triệu không trăm ba mươi hai nghìn đồng) ông D và bà N mỗi người phải chịu một nửa. Ông D đã nộp xong nên buộc bà N có nghĩa vụ hoàn trả cho ông D 4.516.000 đồng (bốn triệu năm trăm mười sáu nghìn đồng).
[4] Về án phí dân sự:
[4.1] Về án phí sơ thẩm: ông Lư Văn D được miễn nộp án phí. [4.2] Về án phí phúc thẩm: ông Lư Văn D không phải chịu án phí.
Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 360/2023/DS-PT
Số hiệu: | 360/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 28/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về