Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 300/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HN

BẢN ÁN 300/2023/DS-PT NGÀY 26/06/2023 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 26 tháng 6 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại HN, Tòa án nhân dân cấp cao tại HN mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 405/2022/TLPT-DS ngày 13 tháng 12 năm 2022 về “Tranh chấp di sản thừa kế” do có kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh PT đối với Bản dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh PT.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 6603/2023/QĐ-PT ngày 12 tháng 6 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn H sinh năm 1962, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT; có mặt.

- Bị đơn:

1. Bà Nguyễn Thị H (tức B) sinh năm 1968, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT; có mặt.

2. Bà Nguyễn Thị Đ sinh năm 1954, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT; có mặt.

3. Bà Nguyễn Thị A sinh năm 1958, địa chỉ: xã SH, huyện BT, tỉnh LC; có mặt.

4. Bà Nguyễn Thị T sinh năm 1964, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT; có mặt.

5. Bà Nguyễn Thị S sinh năm 1968; địa chỉ: phường ĐC, thành phố TQ, tỉnh TQ; vắng mặt.

Đại diện ủy quyền của bà H: Ông Nguyễn Đ H, bà Nguyễn Thị G; ông Nguyễn Mạnh N, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư thành phố HN; địa chỉ: phường YH, CG, HN; ông N có mặt tại phiên tòa.

Người bảo vệ quyền lợi cho bà H: Luật sư HHS; Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư thành phố HN; địa chỉ: phường YH, CG, HN; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Văn N sinh năm 1964, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT;

có mặt.

2. Bà Nguyễn Văn L sinh năm 1964, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT; có mặt.

3. Chị Nguyễn Thị H sinh năm 1988, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT; vắng mặt.

4. Anh Nguyễn Văn C sinh năm 1986, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT; vắng mặt.

5. Chị Nguyễn Thị L (tức H) sinh năm 1991, địa chỉ: xã HC, huyện TB, tỉnh PT. Người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Văn N (Văn bản ủy quyền ngày 19/8/2022); có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 23/12/2021 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn H trình bày:

Cụ Nguyễn Văn B (chết ngày 21/7/2013) và cụ Đặng Thị X (chết ngày 10/11/2012) có 07 người con chung gồm các ông, bà; Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Thị A, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T; Nguyễn Văn N, Nguyễn Thị S, Nguyễn Thị H (tức H). Hai cụ chết không để lại di chúc, di sản của các cụ để lại gồm:

+ 01 ngôi nhà gỗ 5 gian (đã cũ nát không còn giá trị sử dụng), 01 ngôi nhà mái bằng (hiện ông N đang sử dụng) trên thửa đất số 189, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.725 m2 (400 m2 đất ở, còn lại là đất vườn) tại xã HC, (trước đây là Khu 5, xã YK), huyện TB, tỉnh PT) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số HO 2052 do UBND huyện TB cấp ngày 29/12/2000 mang tên chủ sử dụng là hộ Nguyễn Văn B. Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Hộ gia đình cụ B gồm có: Cụ B, cụ X, bà Nguyễn Văn L (vợ ông N) và các anh, chị: Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị L (là các con của ông N, bà L).

+ Về đất lúa: Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số HO1058 cấp ngày 19/02/2000 có 10 thửa đất, hiện còn 09 thửa, một thửa Nhà nước thu hồi và bồi thường cho gia đình do bà Nguyễn Văn L nhận. Các thửa đất lúa được cấp cho hộ gia đình, mỗi thành viên được hưởng theo định suất.

+ Về đất trồng cây lâu năm (LNK): Khoảng năm 1986 – 1987, cụ B và cụ X nhận khoán 6.756 m2 đất để trồng cây, được Nhà nước giao có thời hạn theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số HO2421 ngày 29/12/2000 số thửa 39-5, tờ bản đồ số 4 tại xã HC (trước đây là Khu 5, xã YK), huyện TB, tỉnh PT), do ông H được bố mẹ giao quản lý khai thác, sử dụng và có một phần diện tích bà Nguyễn Thị H sử dụng từ khoảng năm 1988 đến nay.

Về việc thực hiện quyền chia tài sản cho các anh chị em trong gia đình: Trước khi mất bố mẹ của ông có lập “Biên bản họp gia đình” ngày 24/3/2011 về chia đất thổ cư. Theo “Biên bản họp gia đình” ngày 24/3/2011, ông không có mặt và một số người được dự buổi họp có cách hiểu khác nhau nên ông đề nghị Tòa án hủy toàn bộ Văn bản nêu trên để chia thừa kế theo quy định pháp luật và chia cho ông nhận hiện vật là quyền sử dụng đất.

Bị đơn là bà Nguyễn Thị A trình bày:

Bà H xác nhận quan hệ huyết thống và di sản thừa kế bố mẹ để lại như ông Nguyễn Văn H trình bày.

Ngày 24/3/2011, cụ B, cụ X minh mẫn, khỏe mạnh đã cùng các con gồm: Bà Đ và ông Đặng Minh C (chồng của bà Đ); vợ chồng ông N, bà L; bà T; ông Nguyễn X T (chồng bà H); bà Trần Thị X (vợ ông H), (vắng mặt bà S, bà H và ông H) lập “Biên bản họp gia đình” về việc chia tài sản cho các con, có sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Đ, ông Nguyễn Văn K, ông Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Văn T1, ông Nguyễn Văn L, ông Nguyễn Văn H, ông Nguyễn Văn C.

Ngày 23/8/2020, tổ chức cuộc họp gia đình có sự tham dự của ông Đ, ông K, ông T, ông Nguyễn Văn L (Trưởng họ), ông Nguyễn Văn H và 07 người con đẻ của cụ B, cụ X và dâu, rể. Theo đó, tất cả mọi người đều thống nhất và ký đầy đủ các nội dung theo di nguyện của bố mẹ được thể hiện tại Biên bản ngày 24/3/2011.

Nội dung Di nguyện được hiểu như sau:

“Đất bố mẹ là thửa đất số 189 tờ bản đồ số 6(6) (nêu ở trên) được chia 1 phần cho ông N (phần này đã có ranh giới rõ ràng), còn lại chia cho 5 chị em gái. Riêng ông H (và vợ là bà X) đã được bố mẹ cho riêng như đã trình bày ở trên nên bố mẹ không chia cho ông H nữa. Theo di nguyện ngày 24/3/2011 thì ông H không được chia di sản thừa kế”.

Bà H khẳng định việc bố mẹ chia tài sản theo “Biên bản họp gia đình” ngày 24/3/2011 là đúng sự thật. Bà đề nghị ông H thực hiện theo di nguyện tại biên bản này, nếu không bà yêu cầu chia các tài sản còn lại là đất rừng.

Thửa đất mà ông H đang ở là do cụ B, cụ X mua, được UBND huyện TB cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 187, tờ bản đồ số 6 (6) số HO 2077 cấp ngày 29/12/2000 mang tên Hộ ông Nguyễn Văn H.

Bị đơn là bà Nguyễn Thị H trình bày:

Bà ở cùng với bố mẹ (không chuyển hộ khẩu). Năm 1991, bà xây dựng gia đình được 01 năm thì ly hôn. Năm 1997 bà lấy chồng lần hai. Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bà vẫn thuộc khẩu của Hộ cụ B, cụ X. Do vậy, bà cũng như tất cả những người có tên trong hộ khẩu gia đình cụ B đều có quyền sử dụng chung đối với thửa đất này.

Bị đơn là bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị S trình bày:

Các bà nhất trí với trình bày của bà H, đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật và xin nhận quyền thừa kế bằng tài sản. Bà T đề nghị Toà án tiến hành thẩm định, xác minh diện tích đất ông H đang ở.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn N trình bày:

Ông xác nhận toàn bộ nội dung như bà H trình bày và bổ sung như sau:

Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hộ cụ Nguyễn Văn B gồm có: Cụ B, cụ X, bà L, anh C, chị H, chị L. Năm 1984, ông H vẫn đang ở trong quân ngũ nên không có tiền để mua đất của trạm xá cũ. Năm 1985, ông H xuất ngũ. Tại thời điểm mua 976 m2 đất, ông H chưa kết hôn nên đất này không phải do ông H mua mà là cụ B, cụ X mua cho ông H, có một số người chứng kiến là ông Nguyễn Quốc L, ông Đặng Văn T, đều ở xã HC, huyện TB. Ông N đề nghị Tòa án thu thập xác minh làm rõ nội dung trên và chia thừa kế phần diện tích đất nêu trên.

Đề nghị Toà án xác minh số nhân khẩu tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất thổ cư số 189, tờ bản đồ 06 (6) tháng 12/2000 và triệu tập những người chứng kiến có mặt tại buổi họp gia đình ngày 24/3/2011 và ngày 23/8/2020, làm rõ và yêu cầu ông H chứng minh việc mua bán hợp pháp diện tích đất 976m2, chứng minh nguồn tiền để mua đất.

Tại Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011, phần cuối biên bản có ghi “Riêng anh Nguyễn Văn H và chị Trần Thị X bố mẹ đã chia phần đất trên đường bê tông nên không chia phần đất thổ cư của ông B nữa”. Biên bản họp gia đình ngày 23/8/2020, ông H và bà X ký tên nhất trí như Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011. Nếu là đất của ông H mua thì tại sao ông không có ý kiến từ đó đến nay. Ông N đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Văn L nhất trí với trình bày của ông N.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn Thị H nhất trí với trình bày của ông N, bà L.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 và tại Quyết định số 492/QĐ-SCBSBA ngày 04/10/2022 sửa chữa, bổ sung bản án, Toà án nhân dân tỉnh PT quyết định:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011.

- Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn Văn H về việc chia thừa kế đất thổ cư là di sản của cụ Nguyễn Văn B và cụ Đặng Thị X.

- Công nhận thỏa thuận của đương sự về việc chia thừa kế đối với đất LNK- LUK là di sản của cụ Nguyễn Văn B và cụ Đặng Thị X.

+ Xác nhận di sản thừa kế đất thổ cư của cụ Nguyễn Văn B và cụ Đặng Thị X là thửa đất đất số 189 tờ bản đồ số 6(6) theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số HO 2052 do UBND huyện TB cấp ngày 29/12/2000, đo đạc thực tế là 1554,1m2. Trong đó có 400m2 đất ở và 1154,1 đất CLN. Phần chia theo pháp luật là 648,4m2 (có 200m2 đất ONT còn lại là đất CLN có giá trị 116.818.000 đồng).

+ Xác nhận di sản thừa kế đất LNK của cụ Nguyễn Văn B và cụ Đặng Thị X đo đạc thực tế là 6042,3m2, số thửa 39-5 tờ bản đồ số 4, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số HO 2421 ngày 29/12/2000 do UBND huyện TB, tỉnh PT cấp, có giá trị là 112.688.000 đồng, được chia theo pháp luật và theo sự thỏa thuận của đương sự.

+ Xác nhận di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn B là 1/5 diện tích đất LUK theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số HO 1058 do UBND huyện TB cấp ngày 19/02/2000, 1/5 có giá trị bằng 25.679.544 đồng, được chia theo pháp luật và theo sự thỏa thuận của đương sự.

1. Đối với đất thổ cư:

Giao cho ông Nguyễn Văn H quyền sử dụng đối với đất thổ cư là 320,7 m2 (trong đó có 100m2 đất ONT và 220,7m2 đất CLN) có chỉ giới 1, 2, 12, 13, 14, 15, 1 có giá trị là 58.276.000 đồng (theo pháp luật).

Giao cho bà Nguyễn Thị Đ quyền sử dụng đối với đất thổ cư là 327,7m2 (trong đó có 100m2 đất ONT và 227,7 m2 đất CLN) theo chỉ giới 2, 3, 10, 11, 12, 2 có giá trị là 58.538.000 đồng (theo pháp luật).

Giao cho ông Nguyễn Văn N quyền sử dụng đối với đất thổ cư 576,0m2 (trong đó có 100m2 đất ONT và 476,0m2 đất CLN) theo chỉ giới 3, 4, 9, 10, 3 có giá trị là 67.858.000 đồng (theo di chúc).

Giao cho bà Nguyễn Thị H quyền sử dụng đối với đất thổ cư 329,7m2 (trong đó có 100 m2 đất ONT và 229,7 m2 đất CLN) theo chỉ giới 4, 5, 6, 7, 8, 9, 4 có giá trị là 58.613.750 đồng (theo di chúc và thực tế sử dụng).

Theo bản chỉnh lý kèm theo bản án trang 18.

Buộc ông Nguyễn Văn H phải thanh toán chênh lệch giá trị cho ông Nguyễn Văn N; bà Nguyễn Thị A; bà Nguyễn Thị T; bà Nguyễn Thị H; bà Nguyễn Thị S mỗi người 8.317.800 đồng.

Buộc bà Nguyễn Thị Đ phải thanh toán chênh lệch giá trị cho ông Nguyễn Văn N;

bà Nguyễn Thị A; bà Nguyễn Thị T; bà Nguyễn Thị H; bà Nguyễn Thị S mỗi người 8.370.000 đồng.

Buộc bà Nguyễn Thị H phải thanh toán cho bà Nguyễn Thị A; bà Nguyễn Thị T; bà Nguyễn Thị H; bà Nguyễn Thị S mỗi người 11.722.750 đồng.

2. Đối với đất LUK:

Giao cho ông Nguyễn Văn H quyền sử dụng đối với đất LUK: Thửa số 191 nay là thửa 256 diện tích 131m2 tờ bản đồ số 23. Giá trị bằng 6.039.100 đồng.

Theo bản chỉnh lý kèm theo bản án trang 19.

Giao cho bà Nguyễn Thị H quyền sử dụng đối với đất LUK: Thửa số 228 nay là thửa 04 diện tích 254,6m2 tờ bản đồ số 23. Giá trị bằng 11.737.060 đồng.

Theo bản chỉnh lý kèm theo bản án trang 20.

Giao cho ông Nguyễn Văn N quyền sử dụng đối với đất LUK: Thửa 360 nay là thửa 240 diện tích 372,7m2 tờ bản đồ số 31; Thửa số 450 nay là thửa 97 diện tích 413,1m2 tờ bản đồ số 31; Thửa số 143-1 nay là thửa 455 diện tích 319,7 m2 tờ bản đồ số 30; Thửa số 469 nay là thửa 94 diện tích 250,9m2 tờ bản đồ số 31; Thửa số 152 nay là thửa 456 diện tích 460,0m2 tờ bản đồ số 30; Thửa số 239 nay là thửa 254 diện tích 227,6m2 tờ bản đồ số 23; Thửa số 457 nay là thửa 286 diện tích 355,6m2 tờ bản đồ số 23; Giá trị bằng 110.621.560 đồng (bao gồm cả khoản tiền nhận đền bù).

Theo bản chỉnh lý kèm theo bản án trang 21. 22. 23. 24. 25. 26. 27. Không buộc các bên thanh toán chênh lệch giá trị.

3/ Đối với đất LNK:

Giao cho ông Nguyễn Văn H quyền sử dụng đất có diện tích là 861,3m2 theo chỉ giới 7. 8. 9…15. 16. 17. 7 thuộc tờ bản đồ số 16 loại bản đồ ĐCCQ có giá trị bằng 32.126.490 đồng.

Giao cho bà Nguyễn Thị Đ; Bà Nguyễn Thị A; Bà Nguyễn Thị T; Ông Nguyễn Văn N; Bà Nguyễn Thị S bà Nguyễn Thị H quyền sử dụng chung đối với diện tích đất là 5.181 m2 theo chỉ giới 1.2.3…7.17.18..22.23.1 thuộc tờ bản đồ số 16 loại bản đồ ĐCCQ. Có giá trị bằng 193.251.300 đồng (kỷ phần mỗi người bằng 32.208.550 đồng).

Theo bản chỉnh lý kèm theo bản án trang 28. Không buộc các bên thanh toán chênh lệch giá trị. Tổng giá trị tài sản được giao:

- Ông Nguyễn Văn H được giao: 96.441.590 đồng, nhưng phải thanh toán 41.589.000 đồng. Còn lại được hưởng giá trị bằng 54.852.590 đồng.

- Bà Nguyễn Thị Đ được giao: 102.469.300 đồng, nhưng phải thanh toán 41.850.000 đồng. Còn lại được hưởng giá trị bằng 60.619.300 đồng.

- Bà Nguyễn Thị H được giao: 119.246.360 đồng, nhưng phải thanh toán 46.891.000 đồng. Còn lại được hưởng giá trị bằng 72.355.360 đồng.

- Ông Nguyễn Văn N được giao giá trị bằng 227.375.910 đồng.

- Bà Nguyễn Thị A được giao giá trị bằng 60.618.300 đồng.

- Bà Nguyễn Thị T được giao giá trị bằng: 60.618.300 đồng.

- Bà Nguyễn Thị S được giao giá trị bằng: 60.618.300 đồng.

(Giá trị được giao là cơ sở để tính án phí, chi phí tố tụng).

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật người được giao đất có quyền và nghĩa vụ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

(Phần đất giao cho các đương sự có bản chỉnh lý trích lục bản đồ địa chính kèm theo bản án này, gồm có 11 tờ đánh số từ trang 18 đến trang 28).

Ngày 27, 28, 29 tháng 9 năm 2022 bị đơn là bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Đ kháng cáo một phần bản án sơ thẩm với lý do Tòa án cấp sơ thẩm chia đất thổ cư không theo di chúc của bố mẹ, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm bác đơn khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn H.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn N kháng cáo toàn bộ bản án với lý do Tòa án cấp sơ thẩm đã giao đất thổ cư cho ông H trái di chúc của bố mẹ; giao đất LUK (thửa số 256= 131m2 cho ông H) không đúng. Vì ông H không thuộc định suất được giao, giao đất LUK khi gia đình ông N đã cải tạo đầu T xây dựng bao bờ kiên cố mà không xem xét công sức cho ông N bà L. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm không chia ba thửa đất lúa ông H đang sử dụng, tính giá trị đất lúa bao gồm cả tiền đền bù trong khi gia đình ông N được giao theo nhân khẩu là không đúng.

Ngày 29/9/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh PT ban hành Quyết định số 490/QQĐ-VKS-DS kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh PT; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm về chia thừa kế đối với phần di sản là đất thổ cư và đất trồng cây lâu năm, xác định lại phần di sản của các đương sự được hưởng, tính lại án phí và chi phí tố tụng. Quyết định rõ trong bản án về phần thu dọn cây cối trên phần đất được chia.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên đương sự không xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ mới và không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Bị đơn là bà H, bà Đ, bà H, bà T, bà S và người có quyền, nghĩa vụ liên quan là ông N giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, sửa bản án dân sự sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia phần đất thổ cư. Cụ thể: Đề nghị Tòa công nhận Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011. Ngày 23/8/2020 họp gia đình có mặt ông H, ông H cũng đồng ý với biên bản họp gia đình trước đây của hai cụ (tức là ông H đồng ý với Biên bản họp gia đình ngày 23/4/2011). Trường hợp nếu phải chia đất thổ cư thì các đương sự đồng ý đứng chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về phần đất ruộng luật sư đồng ý với kháng nghị của Viện kiểm sát.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại HN trình bày quan điểm về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Xét nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 nhưng lại chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn Văn H về việc chia thừa kế đất thổ cư là di sản của cụ Nguyễn Văn B và cụ Đặng Thị X là không đúng. Việc thu thập di sản đất nông nghiệp và chia đất nông nghiệp có thiếu sót, ngoài ra việc chia di sản là đất thổ cư bằng hiện vật chưa đảm bảo. Cụ thể:

Theo nội dung Biên bản họp ngày 24/3/2011 thì cụ B, cụ X đã xác lập việc chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho ông N và bà L. Tuy ông N, bà L chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng từ trước khi bố mẹ lập Biên bản họp gia đình cho đến nay, ông N, bà L đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai ổn định, có T rào ngăn cách rõ ràng, những thành viên khác trong gia đình không có ý kiến gì. Như vậy cần phải công nhận việc cụ X, cụ B tự nguyện chia đất cho ông N và công nhận quyền sở hữu tài sản cho ông N theo Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ ý chí của ông H trong việc ông H ký vào Biên bản họp gia đình ngày 23/8/2020 do vậy chưa có đủ cơ sở vững chắc để làm căn cứ giải quyết vụ án. Việc xác định phần diện tích đất ở được xác định chia thừa kế cho 07 người con theo pháp luật là 648,4m2 (có 200m2 đất ONT còn lại là đất CLN có giá trị 116.818.000 đồng) nhưng cũng không tính cụ thể mỗi người con của cụ B, cụ X trong hàng thừa kế được hưởng bao nhiêu m2 đất thổ cư Tơng ứng với giá trị để làm cơ sở tính toán việc thanh toán chênh lệch là thiếu sót tại cấp phúc thẩm không khắc phục được. Hơn nữa, việc giao đất cho H trong khi ông N đã xây T bao mà không xem xét đền bù công sức cho ông N làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của ông N và làm xáo trộn tính ổn định của người đang sử dụng đất. Ngoài ra, quyết định về án phí của Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa đúng quy định của pháp luật.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS- ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh PT, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án; căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra công khai và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Về thủ tục kháng cáo, kháng nghị:

Kháng cáo của bị đơn là bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Đ và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn N đảm bảo đúng thời hạn và thuộc trường hợp miễn tiền tạm ứng án phí phúc thẩm; kháng cáo của người có quyền, nghĩa vụ liên quan là ông N nộp trong thời hạn và có đóng tạm ứng án phí theo quy định.

Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh PT ban hành đúng thẩm quyền và trong thời hạn. Căn cứ Điều 273, Điều 276 Bộ luật Tố tụng dân sự, kháng cáo của của đương sự và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh PT được chấp nhận xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2] Về yêu cầu và thời hiệu khởi kiện:

Ông Nguyễn Văn H khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn B (chết năm 2013), cụ Đặng Thị X (chết năm 2013) đối với thửa đất số 189, tờ bản đồ số 6, diện tích 1.725 m2 tại xã HC, huyện TB, tỉnh PT với lý do “Biên bản họp gia đình” ngày 24/3/2011, ông H không có mặt và một số người được dự buổi họp có cách hiểu khác nhau nên ông H đề nghị Tòa án hủy toàn bộ văn bản nêu trên để chia thừa kế theo quy định pháp luật là còn thời hiệu theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự.

Quá trình giải quyết vụ án, tại biên bản kiểm tra và giao nộp chứng cứ bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu đề nghị Tòa án chia diện tích đất rừng và đất lúa theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 19/02/2000 mang tên Hộ cụ Nguyễn Văn B đối với 3.030m2 diện tích đất lúa và 6.756m2 diện tích đất rừng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn đương sự làm thủ tục phản tố, yêu cầu độc lập theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự mà vẫn xem xét thụ lý là có vi phạm tố tụng.

[2] Về nội dung:

[2.1] Về xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn B, cụ Đặng Thị X:

Các đương sự trình bày thống nhất cụ Nguyễn Văn B và cụ Đặng Thị X có 07 người con chung gồm các ông bà: Nguyễn Thị Đ, Nguyễn Thị A, Nguyễn Văn H, Nguyễn Thị T; Nguyễn Văn N; Nguyễn Thị S; Nguyễn Thị H (tức Bảy). Như vậy, hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ là 07 ông, bà có tên nêu trên.

[2.2] Xác định di sản của cụ Nguyễn Văn B, cụ Đặng Thị X:

[2.2.1] Đối với đất ở và đất vườn tại thửa số 189, tờ bản đồ số 6 tại xã HC, huyện TB, tỉnh PT:

Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số HO 2052 do UBND huyện TB cấp ngày 29/12/2000 mang tên chủ sử dụng là Hộ cụ Nguyễn Văn B thửa số 189, tờ bản đồ 06 diện tích 1.725 m2 (Tòa án cấp sơ thẩm xác định đo đạc thực tế là 1.554,1m2) trong đó có 400m2 đất ở, còn lại 1.154,1m2 là đất vườn (BL 237). Các đương sự thừa nhận diện tích đất nêu trên do cụ B và cụ X mua từ năm 1950. Theo kết quả thẩm định tại chỗ ngày 24/3/2022 (BL 349) thì diện tích đất nêu trên được chia thành 03 phần: Phần đất hướng Tây có một ngôi nhà cũ nát, không còn giá trị. Phần ở giữa khuôn viên xây bao bọc bằng gạch trên đất có 01 ngôi nhà 03 gian mái bằng xây kiên cố toàn bộ công trình do ông N quản lý sử dụng. Phần đất giáp phía Đông là công trình nhà kiên cố do bà Nguyễn Thị H quản lý sử dụng, xây năm 2021.

Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 (BL 198) được cụ B và cụ X lập trong trạng thái tinh thần, tỉnh táo, minh mẫn, tự nguyện. Căn cứ vào lời khai của bà H, người làm chứng (cụ Nguyễn Văn T, ông Nguyễn Kim Luyến, ông Nguyễn Văn Đ) thể hiện cụ B, cụ X muốn chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho các con của mình thông qua Biên bản dưới sự chứng kiến của các con và anh em nội tộc.

Về nội dung của Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 thể hiện như sau:

“+ Phần 1: Ông bà B + X chia đất thổ cư cho các con như sau:

1/ Anh Nguyễn Văn N và chị Nguyễn Văn L Toàn bộ nhà đất có sẵn + 4 m (hết móng nhà cũ) bổ dọc từ mặt đường bê tông xuống hết thổ cư của ông B) + Phần còn lại: Trừ một phần của ông B và bà X thì chia đều cho 5 con gái:

Gồm: Chị Nguyễn Thị Đ; Chị Nguyễn Thị A; Chị Nguyễn Thị T; Chị Nguyễn Thị S; Chị Nguyễn Thị Bảy.

Riêng anh Nguyễn Văn H và chị Trần Thị X bố mẹ đã chia phần đất trên đường bê tông nên không chia phần đất thổ cư của ông B nữa.

Biên bản này đã được thống nhất thông và có hiệu lực từ ngày các thành viên ký tên:…”.

Theo trình bày của ông H, ông không được tham dự cuộc họp ngày 24/3/2011 nên ông không công nhận Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 nhưng tại Biên bản lập ngày 25/8/2020 thể hiện ông H có tham gia và 07 người con của cụ B và cụ X thống nhất về việc chia di sản thừa kế. Các đương sự không thống nhất được cách hiểu của nội dung Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 (BL 198) và Biên bản họp gia đình ngày 23/8/2020 (BL 118) có sự mâu thuẫn. Cụ thể, trong Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 xác nhận phần đất mà cụ B, cụ X cho ông N là toàn bộ ngôi nhà có sẵn cộng 4m (hết móng nhà cũ) với tổng diện tích là 576 m2, phần đất trống là của 05 chị em gái, còn một của cụ B và cụ X. Biên bản họp gia đình ngày 23/8/2020 có nội dung: “Trừ phần đất chia cho ông N theo Biên bản cuộc họp gia đình ngày 24/3/2011, còn lại chia đều cho 05 người con gái. Cụ thể chia cho ông N 100 m2, còn lại thì chia đều cho 05 người con gái, mỗi người 60m2. Tài sản còn lại ngôi nhà gỗ trên đất thổ cư giao cho ông H sử dụng và giải phóng mặt bằng để giao lại cho 05 người con gái được chia để sử dụng”.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định rằng: “Theo cách hiểu của nguyên đơn thì Phần đất giữa giao cho ông N (cộng thêm 4m), phần đất trống giao cho 5 chị em gái, phần còn lại của cụ B cụ X đang ở thì chưa được định đoạt. Theo cách hiểu của những người thừa kế còn lại thì phần ông N ở giữa đã xác định, phần của cụ B cụ X sau khi chết sẽ gộp với phần đất trống để chia cho 05 chị em gái. Theo lời văn của Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 thì cách hiểu của nguyên đơn sát nghĩa hơn. Mặc dù người làm chứng giải thích theo cách hiểu thứ hai, nhưng lời làm chứng không có cơ sở tin cậy vì thiếu logic với thực tế hiện trạng. Căn cứ hiện trạng và lời viết trong Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 phải được hiểu theo nghĩa: Phần đất giữa cộng thêm 4m là của ông N. Phần đất trống của 5 chị em gái. Phần đang ở của cụ B và cụ X thì không định đoạt. ……Việc không chia đất cho ông H bà X cần được hiểu là không chia theo biên bản ngày 24/3/2011, còn phần di sản thừa kế chưa chia thì phải được chia theo pháp luật”.

Tuy nhiên, tại phần quyết định của bản án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên xử: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011. … Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn Văn H về việc chia thừa kế đất thổ cư là di sản của cụ Nguyễn Văn B và cụ Đặng Thị X” là mâu thuẫn giữa nhận định và quyết định dẫn đến sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Ông N và các đồng thừa kế khác đều xác nhận ông N đã được bố mẹ cho nhà đất từ năm 2011 và ông N xây T rào tạo khuôn viên riêng từ năm 2011. Như vậy, theo nội dung Biên bản nêu trên, cụ B, cụ X đã xác lập việc chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho ông N và bà L. Mặc dù ông N, bà L chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng từ trước khi bố mẹ lập Biên bản họp gia đình cho đến nay, ông N, bà L đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai ổn định, có T rào ngăn cách rõ ràng, những thành viên khác trong gia đình không có ý kiến gì. Vì vậy, theo tinh thần Án lệ số 03/2016/AL ngày 06/4/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cần phải xác định vợ chồng ông N, bà L đã được cụ B cụ X tặng cho quyền sử dụng có căn nhà và tài sản trên đất. Việc cụ B, cụ X nhắc lại nội dung này là ghi nhận sự tự nguyện của các cụ đã chia đất cho ông N.

Phần thứ 2: Sau khi trừ một phần diện tích của cụ B và cụ X ở lúc còn sống thì phần này được chia đều cho 05 người con gái của cụ B và cụ X, thuộc quyền sử dụng chung của các bà: Đ, Hạnh, T, S, H. Khi cụ B và cụ X còn sống và sau khi chết, 05 chị em Đ, Hạnh, T, S, H vẫn chưa làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ vào Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ (BL 349) và lời khai của các đương sự, phần đất này có diện tích là 329,7m2, các bà Đ, Hạnh, T, S không tranh chấp thì cần đánh giá ý chí của các cụ định đoạt về việc cho các con gái để công nhận phần diện tích này cho 05 chị em gái.

Phần thứ 3: Bao gồm phần đất của cụ B cụ và cụ X ở trước khi chết, có ngôi nhà cũ không có giá trị sử dụng, diện tích 648,4 m2 (gồm 200m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm).

Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải làm rõ ý chí của ông H trong việc ông H ký vào Biên bản họp gia đình ngày 23/8/2020 tức là tại thời điểm đó ông H hiểu theo cách hiểu của những người thừa kế còn lại hay ông tự nguyện đồng ý chia đất cho các em của ông theo và lập Biên bản họp gia đình ngày 23/8/2020. Khi phát sinh tranh chấp, ông H không công nhận các Biên bản họp gia đình thì cần đánh giá tính hợp pháp của các Biên bản nêu trên và phải làm rõ phần đất thổ cư đối với diện tích đất mà ông N, bà H đã và đang sử dụng đã được tặng cho ông N và 05 người con gái (do bà H đại diện xây dựng) từ khi các cụ còn sống hay là di sản của các cụ X, cụ B chết, từ đó mới có cơ sở vững chắc để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm xác định phần diện tích đất ở được xác định chia thừa kế cho 07 người con theo pháp luật là 648,4m2 (có 200m2 đất ONT còn lại là đất CLN có giá trị 116.818.000 đồng) nhưng cũng không tính cụ thể mỗi người con của cụ B, cụ X trong hàng thừa kế được hưởng bao nhiêu m2 đất thổ cư Tơng ứng với giá trị để làm cơ sở tính toán việc thanh toán chênh lệch. Theo Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 10/9/2014; Quyết định số 14/2020/QĐ- UBND ngày 03/7/2020; Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 23/8/2021 của UBND tỉnh PT về điều kiện tách đất thì điều kiện tách đất ở tối thiểu là 50 m2… và chiều rộng diện tích đất cũng không dưới 4m. Do đó, căn cứ vào điều kiện tối thiểu tách đất ở, phần diện tích 200m2 đất ở này có thể chia làm 3 phần, mỗi phần khoảng gần 70m2 có chiều rộng khoảng 4,7m kéo dài hết đất về phía sau, chia cho 03 người thừa kế. Những người nhận thừa kế bằng hiện vật thì có trách nhiệm thanh toán bằng tiền theo giá của Hội đồng định giá cho những người còn lại. Mặc dù 200m2 đất ở có đủ điều kiện để tách thửa thành 03 phần nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chỉ tách 02 phần để buộc những người nhận hiện vật thanh toán chênh lệch giá trị cho các đồng thừa kế khác là chưa đảm bảo. Vì các đương sự đều yêu cầu nhận thừa kế bằng hiện vật, nên khi đủ điều kiện để chia, Tòa án phải đảm bảo quyền lợi của đương sự được nhận hiện vật theo quy định khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 mới đúng quy định.

[2.2.2] Đối với đất trồng lúa (đất nông nghiệp):

Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số HO 1058 do UBND huyện TB cấp ngày 19/02/2000 thời hạn sử dụng đến tháng 10/2013, gồm 10 thửa, hiện nay còn 09 thửa, một thửa đã được thu hồi đền bù do bà Nguyễn Văn L nhận năm 2015 số tiền là 31.807.000 đồng. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và Biên bản họp gia đình ngày 08/11/2015 (BL 338), cụ B, cụ X đã tách một phần cho bà L, các đương sự đều thống nhất phần đất bị thu hồi là của hộ bà L, ông N.

Theo Công văn số 62/UBND-CV ngày 25/3/2021, UBND xã HC cung cấp (BL 162-165): Tại thời điểm ngày 29/12/2000 số nhân khẩu Hộ cụ B gồm có: Cụ Nguyễn Văn B; cụ Nguyễn Thị X; bà Nguyễn Văn L; ông Nguyễn Văn C; bà Nguyễn Thị H; bà Nguyễn Thị H1 (Lan). Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì theo sổ hộ khẩu nhà cụ B có bao nhiêu người mà không làm rõ diện tích đất ruộng nên trên cấp cho hộ gia đình cụ B được hình thành từ khi nào, nguồn gốc hình thành, hộ gia đình cụ B gồm những ai mà chỉ căn cứ vào sổ hộ khẩu để chia cho những người trong sổ hộ khẩu là chưa đủ căn cứ vững chắc trong khi theo lời khai của bà H thì bà H ở cùng với bố mẹ, (không chuyển khẩu): Năm 1991, bà xây dựng gia đình được 01 năm thì ly hôn. Năm 1997 bà lấy chồng lần hai không cắt khẩu, do đó việc bà H có được cấp đất nông nghiệp theo Hộ của cụ B hay không thì chưa được làm rõ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các đương sự đều thống nhất, di sản của cụ B và cụ X để lại đối với đất lúa là 2/6 trên tổng diện tích 2785m2 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại căn cứ vào khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai 1987 để không công nhận di sản của cụ X với nhận định rằng: “Đất nông nghiệp nêu trên được nhà nước giao có thời hạn đến tháng 10/2013 trước khi hết thời hạn sử dụng đất thì cụ X đã chết nên không là di sản của cụ X. Do vậy quyền sử dụng đất trên thuộc quyền của cụ Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H1 (Lan). Phần di sản thừa kế của cụ B là ⅕ trên tổng diện tích” là không đúng. Mặc dù đất nông nghiệp được giao đến tháng 10/2013 nhưng khi cụ X chết, đất nông nghiệp vẫn chưa được định đoạt cũng không bị Nhà nước thu hồi, nên vẫn phải xác định có phần di sản của cụ X trong phần đất này. Việc không xác định di sản của cụ X dẫn đến xác định không chính xác phần di sản của các cụ, ảnh hưởng đến việc chia kỷ phần thừa kế cho các đương sự.

Tại phần nhận định Tòa án sơ thẩm xác định phần di sản thừa kế là đất nông nghiệp của cụ B là 616,2m2 nhưng lại xác định giá trị di sản đất nông nghiệp cụ B để lại 1/5 giá trị = 25.679.544 đồng là không đúng vì 616,2m2 x 46.100 đồng (giá hội đồng định giá xác định) = 28.406.800 đồng (chênh so với Tòa án xác định là 2.727.200 đồng). Tòa án xác định kỷ phần của ông H được hưởng là 6.039.100 đồng mà không buộc ông H phải thanh toán chênh lệch cho các đồng thừa kế là không đúng và ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác vì nếu được chia đều theo kỷ phần thì ông H theo giá trị được chia đều do Tòa án xác định thì chỉ được 3.688.500đồng (25.679.544 đồng: 7 thừa kế). Còn nếu chia theo giá 28.406.800 đồng thì kỷ phần thì mỗi người sẽ được hưởng giá trị Tơng ứng là 4.058.100 đồng. Ai được hưởng thừa kế bằng hiện vật sẽ có trách nhiệm thanh toán bằng tiền cho những đồng thừa kế khác (trừ phần bà Đ, Hạnh, S, T đã cho Năm, H).

Phần nhận định (mục 8) trang 11 Tòa án nhận định phần giá trị được hưởng của anh Cường chị Hoa, chị Lan được hưởng giao cho ông N quản lý sử dụng nhưng lại không đề cập gì đến phần của bà L giao cho ai sử dụng vì bà L có quyền đối với một phần diện tích đất nông nghiệp nêu trên. Ngoài ra, diện tích đất trên thừa so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50,1m2 nhưng Tòa án cũng không làm rõ diện tích đất này thừa do đâu để giao hoặc tạm giao cho phù hợp mà đã chia là không đúng với quy định của pháp luật đất đai.

Về việc chia đất nông nghiệp: Thửa đất số 191 (nay là thửa số 256, tờ bản đồ số 23) có diện tích 131m2 mà ông N đang sử dụng, Tòa án cấp sơ thẩm giao cho H trong khi ông N đã xây T bao mà không xem xét đền bù công sức cho ông N làm thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của ông N và làm xáo trộn tính ổn định của người đang sử dụng đất. Lẽ ra, trong trường hợp này Tòa án phải giao phần diện tích đất ông H đang sử dụng để ông H tiếp tục sử dụng và tính phần diện tích chênh lệch trả theo giá trị (nếu có).

[2.2.3] Đối với đất trồng cây lâu năm:

Mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm, việc thanh toán tiền cây bà H nhất trí sẽ tự thỏa thuận với các đương sự, ông H khai nếu phải giao đất cho ai thì ông sẽ có trách nhiệm dọn cây để trả đất cho người đó nhưng tại phần quyết định của bản án, Tòa án cấp sơ thẩm không ghi nhận sự tự thỏa thuận về việc thanh toán tiền cây giữa bà H và các đồng thừa kế khác, cũng không nêu nghĩa vụ dọn cây trả đất theo ý chí của ông H gây khó khăn cho việc thi hành án sau này nếu đương sự không tự nguyện thi hành án.

[3] Về tính án phí và các chi phí tố tụng:

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định toàn bộ nội dung Biên bản họp gia đình ngày 24/3/2011 là di chúc để yêu cầu đương sự chịu án phí sơ thẩm là không đúng. Đối với diện tích đất mà cụ B, cụ X đã chia cho ông N và các đương sự không có tranh chấp gì về phần này nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại coi đó là di sản để từ đó buộc ông N phải chịu án phí theo quy định tại điểm a khoản Điều 2 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 20/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội là không đúng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông N.

Bà Nguyễn Thị Đ, bà Nguyễn Thị A, ông Nguyễn Văn H là người cao tuổi, theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì người cao tuổi sẽ được miễn án phí nhưng phải có đơn đề nghị miễn án phí nộp cho Tòa án. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện đơn xin miễn án phí của các đương sự, tại phiên tòa Tòa án cũng không làm rõ nội dung này nhưng vẫn tuyên trong bản án là miễn án phí cho đương sự là không đúng.

Ngoài ra, do không xác định đúng phần di sản các đương sự được hưởng dẫn đến Tòa án tính sai phần chi phí tố tụng.

[4] Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh PT và kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về một số nội dung Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm là có căn cứ. Những vi phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Do ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại HN tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị hủy bản án sơ thẩm phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[5] Về án phí: Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; Xử:

1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 18/2022/DS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh PT và Quyết định số 492/QĐ-SCBSBA ngày 04/10/2022 sửa chữa, bổ sung bản án của Toà án nhân dân tỉnh PT; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh PT giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí phúc thẩm: Bà Nguyễn Thị A, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị T, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Đ, ông Nguyễn Văn N không phải chịu án phí phúc thẩm. Nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

3. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

243
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 300/2023/DS-PT

Số hiệu:300/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/06/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về