Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 219/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 219/2021/DS-PT NGÀY 26/04/2021 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 26 tháng 4 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 640/2020/TLPT- DS ngày 15 tháng 12 năm 2020 về việc “Tranh chấp di sản thừa kế”.Do bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2018/DS-ST ngày 04 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 390/2021/QĐ - PT ngày 15 tháng 3 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Lê Thị H, sinh năm 1956 (có mặt) Cư trú tại: Số 8, Hẻm 5, đường Đ, khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

2. Bà Lê Thị B, sinh năm 1940 (có mặt) Cư trú tại: Số 123, Tổ x10, khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

Chỗ ở hiện nay: Ấp V, xã A, huyện C, tỉnh Tây Ninh.

3. Ông Lê Thanh H, sinh năm 1970 (vắng mặt)

4. Bà Lê Thị Thảo H1, sinh năm 1975 (vắng mặt)

5.Ông Lê Quốc H2, sinh năm 1977 (vắng mặt)

6. Ông Lê Bảo H3, sinh năm 1979 (vắng mặt) Cùng trú tại: Số 166, khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

7. Bà Lê Thị Thảo L, sinh năm 1973 (có mặt) Cư trú tại: Số 115, đường N, Khu phố x6, Phường x4, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Thanh H, bà Lê Thị Thảo H1, ông Lê Quốc H2, ông Lê Bảo H3: Bà Lê Thị Thảo L.

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bà Lê Thị B, bà Lê Thị Thảo L: Luật sư Nguyễn Hữu L2 – Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh (có mặt).

- Bị đơn: Bà Lê Thị Q, sinh năm 1952 (có mặt) Cư trú tại: Số 123, Tổ x10, khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Q: Ông Nguyễn Nhật T3, sinh năm 1988 (có mặt) Cư trú tại: đường xD3, phường x25, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lê Thanh B5, sinh năm 1984 (có mặt) Bà Lê Kim H6, sinh năm 1985 (có mặt) Cùng cư trú tại: Số 123, Tổ x10, khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

2. Ông Lê Văn R, sinh năm 1943 (vắng mặt) Cư trú tại: USA.

3. Ông Lê Thành A3, sinh năm 1951 (vắng mặt) Cư trú tại: Số 123, Tổ x10, khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

- Người kháng cáo: Các nguyên đơn bà Lê Thị H, bà Lê Thị B, bà Lê Thị Thảo L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 26-10-2015 và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn – bà Lê Thị H, bà Lê Thị B trình bày:

Cha mẹ bà là cụ Lê Văn B4 (chết năm 2003) và cụ Nguyễn Thị T7 (chết năm 1998), có 6 người con chung, không có con riêng, con nuôi, gồm: Ông Lê Văn R1 (bị tàn tật từ nhỏ, không vợ con, chết năm 2004), bà Lê Thị B, ông Lê Văn R, ông Lê Bảo T8 (chết năm 1982, có 5 người con gồm: Anh Lê Thanh H, anh Lê Bảo H3, anh Lê Quốc H2, chị Lê Thị Thảo L và chị Lê Thị Thảo H1); bà Lê Thị H và bà Lê Thị Q. Ông bà nội, ông bà ngoại chết trước cha mẹ.

Cụ B4, cụ T7 chết không để lại di chúc, di sản để lại gồm: Một phần đất thổ cư chiều ngang 25 m x chiều dài 30 m, tọa lạc khu phố H, phường H1, thành phố T cùng căn nhà ngói, vách ván trên đất và một phần đất ruộng ở xã T, huyện G, tỉnh Tây Ninh, diện tích 1,1 ha. Cả hai phần đất đều do cụ Lê Văn B4 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Năm 2014, các anh chị em thỏa thuận bán đất ruộng để chia nhưng chia không đồng đều nên nay các bà khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung là phần đất thổ cư.

Đối với Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10-5-1999 do bà Q cung cấp, các bà không ký tên và không hề biết về hợp đồng này, cũng không có việc cụ B4 và các anh chị em cho bà Q quyền sử dụng đất.

Tại đơn khởi kiện ngày 26-10-2015 và trong quá trình giải quyết vụ án, đồng nguyên đơn - chị Lê Thị Thảo L, cũng là người đại diện cho các đồng nguyên đơn khác gồm ông Lê Thanh H, ông Lê Quốc H2, ông Lê Bảo H3, bà Lê Thị Thảo H1 cùng thống nhất trình bày: Các ông, bà là con ruột của ông Lê Bảo T8 và bà Trầm Thu Hà. Ông T8 chết năm 1982, nay các ông bà thống nhất như lời khai của bà H, bà B, yêu cầu được hưởng thừa kế thế vị phần của cha là ông Lê Bảo T8.

Ngày 26-7-2017, bà B, bà H, bà Ly có đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, trình bày: Thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 30 năm nên các nguyên đơn thay đổi yêu cầu chia tài sản chung thành yêu cầu chia di sản thừa kế phần đất thổ cư nói trên. Đối với phần đất ruộng đã chia xong, tuy chia không đồng đều nhưng các bà không yêu cầu giải quyết chia lại.

Phần đất thổ cư yêu cầu chia đều cho 5 người thành 5 phần bằng nhau (vì ông R1 đã chết) và yêu cầu được nhận di sản bằng hiện vật, trường hợp không thể chia bằng hiện vật được thì chia bằng giá trị. Đối với căn nhà trên đất của cụ B4, cụ T7, bà Q đã tháo dỡ xây dựng lại nhà mới bằng tiền của bà Q vào năm 2008 nên các bà không tranh chấp. Khi bà Q xây nhà không có ai tranh chấp vì chị em còn hòa thuận, bà B còn đang ở chung với bà Q.

Bị đơn – bà Lê Thị Q trình bày:

Bà thống nhất như lời khai của các nguyên đơn về quan hệ huyết thống, thời gian cha mẹ chết, nguồn gốc đất tranh chấp. Đối với phần đất ruộng tại huyện G, năm 2014, các anh chị em thỏa thuận phân chia xong. Đối với phần đất thổ cư mà các nguyên đơn đang tranh chấp, cụ B4 đã giao cho bà quyền sử dụng đất để nuôi dưỡng cụ B4 và ông R1, thờ cúng mẹ, ông bà, được thể hiện qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 10/5/1999. Bà đã được cấp giấy chứng nhần quyền sử dụng đất số 04189 QSDĐ/19/QĐ-UB (H) ngày 09/7/1999. Khi làm hợp đồng này, cụ B4 còn khỏe mạnh, bản chất của hợp đồng này là cha và các anh chị em cho bà quyền sử dụng đất nhưng do thời điểm này cán bộ địa chính hướng dẫn làm theo mẫu hợp đồng chuyển nhượng vì không có mẫu hợp đồng tặng cho. Ông R1, bà H, bà B chứng kiến và có ký tên vào hợp đồng. Khi làm hợp đồng, cụ B4 khai chỉ có 04 người con vì ông R đã đi nước ngoài từ năm 1975, không liên lạc được, còn các con ông T8 thì cụ B4 không khai vì có mâu thuẫn trong gia đình, cụ B4 không nhìn nhận các cháu.

Nhà trên đất cha mẹ để lại nhưng đã cũ nên khoảng năm 2008, bà xây dựng lại nhà như hiện nay, không ai tranh chấp. Trên đất bà có cho con trai và con dâu là anh B5, chị H6 xây dựng dãy nhà trọ để kinh doanh từ năm 2011, đây là tài sản của anh B5, chị H6, chưa làm thủ tục tặng cho đất.

Nay các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần đất thổ cư bà không đồng ý vì đất này cụ B4 đã cho bà từ khi cha còn sống.

Trong hợp đồng chuyển nhượng bà có ghi tên chồng bà là ông Lê Thành A3 nhưng ông A3 không ký tên; vợ chồng bà đã ly thân từ năm 1986 nhưng đến nay chưa ly hôn. Bà không còn liên lạc với ông A3 từ đó đến nay và không biết hiện ông A3 đang ở đâu. Tài sản tranh chấp không liên quan đến ông A3, trường hợp sau này ông A3 có tranh chấp bà sẽ tự giải quyết với ông A3.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Lê Thanh B5, bà Lê Kim H6 thống nhất trình bày:

Ông bà được bà Q cho phép xây dựng 11 phòng trọ trên đất tranh chấp để vợ chồng kinh doanh, đây là tài sản của vợ chồng ông bà xây dựng trước khi xảy ra tranh chấp, ông bà yêu cầu được giữ nguyên hiện trạng. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông bà không có ý kiến gì.

Tại bản án dân sự sơ thẩm 21/2018/DS-ST ngày 04 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định:

Căn cứ Điều 144, Điều 400 của Bộ luật Dân sự năm 1995; các Điều 623, 651, 652, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 477, khoản 2 Điều 153, khoản 2 Điều 161, khoản 2 Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 26, Điều 48 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Án lệ số: 06/2016/AL do Tòa án nhân dân tối cao công bố và được áp dụng từ ngày 01-06-2016.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị H, bà Lê Thị B;

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Quốc H2, ông Lê Thanh H, ông Lê Bảo H3, bà Lê Thị Thảo L và bà Lê Thị Thảo H1.

2. Bà Lê Thị Q được quyền sở hữu, sử dụng phần đất diện tích 702,6 m2, thuộc thửa số 319, tờ bản đồ số 01 do bà Q đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 04189 QSDĐ/49/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân huyện H9, tỉnh Tây Ninh cấp ngày 09-7-1999, đất tọa lạc tại khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

3. Bà Q có nghĩa vụ thanh toán cho:

Thanh toán cho ông Lê Quốc H2, ông Lê Thanh H, ông Lê Bảo H3, bà Lê Thị Thảo L, bà Lê Thị Thảo H1 số tiền 338.432.113 đồng (ba trăm ba mươi tám triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn một trăm mười ba đồng).

Thanh toán cho ông Lê Văn R số tiền 338.432.113 đồng (ba trăm ba mươi tám triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn một trăm mười ba đồng). Tạm giao số tiền này cho bà Q quản lý và có nghĩa vụ giao lại khi ông R có yêu cầu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng, thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 18-12-2018 các nguyên đơn bà Lê Thị H, bà Lê Thị B, bà Lê Thị Thảo L kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng phía với bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trong phần tranh luận:

Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Cụ Lê Văn B4 và cụ Nguyễn Thị T7 có tất cả 06 người con. Nguồn gốc phần đất tranh chấp là cụ B4, cụ T7 tạo lập. Ngày 10-5-1999 cụ B4 làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Q. Hợp đồng thể hiện có chữ ký của cụ B4, bà H, ông R, bà B. Nguyên đơn cho rằng chữ ký của cụ B4 trong hợp đồng không đúng. Tại cấp sơ thẩm bà H, bà B đã có yêu cầu giám định chữ ký của cụ B4. Về bên nhận chuyển nhượng thì trong hợp đồng không có chữ ký của ông A3. Về hình thức thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng nhận của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, hợp đồng ngày 10-5-1999 chỉ có chứng thực của UBND cấp xã là không đúng. Ngoài ra, ông R không có chứng minh nhân dân nên không xác nhận được nhân thân của ông R. Bà Q trình bày là các bên ký sẵn vào hợp đồng tại nhà, rồi sau đó đem ra UBND xã chứng thực là không đúng quy định pháp luật. Do hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10-5-1999 không đúng về nội dung, hình thức nên yêu cầu hủy hợp đồng của nguyên đơn là có căn cứ. Đối với việc chia thừa kế: Cụ B4 chết năm 2003, thời điểm chia thừa kế chỉ còn 05 người thừa kế nên Tòa án cấp sơ thẩm chia thành 07 phần thừa kế là không đúng. Từ những phân tích trên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Thời điểm ký và lập hồ sơ phải do chủ sở hữu quyền sử dụng đất thực hiện đúng quy định pháp luật, nên nguyên đơn cho rằng cụ B4 không ký tên vào hợp đồng là không đúng. Về hình thức hợp đồng được chứng thực đúng quy định pháp luật. Thực tế các anh chị em biết bà Q đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian dài nhưng không phản đối. Theo nội dung Án lệ thì các anh chị em đã đồng ý việc bà Q nhận chuyển nhượng phần đất tranh chấp. Bà Q, ông A3 đã ly thân rất lâu. Ông A3 không ký tên, không có yêu cầu đối với tài sản tranh chấp. Bà Q là người nuôi dưỡng, chăm sóc và đang thờ cúng ông bà, ông R. Do đó, bản án sơ thẩm đã xét xử là có căn đúng quy định pháp luật.

Quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh:

- Về tố tụng, những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10-5-1999 đảm bảo về nội dung và hình thức. Kết luân giám định đã xác định chữ ký bà H, bà B trong hợp đồng chuyển nhượng là do các nguyên đơn ký ra. Nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh chữ ký không phải của cụ B4 và trường hợp ông R nhận thức đầy đủ. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định nội dung hợp đồng bị vô hiệu đối với phần thừa kế của ông T8. Bản án sơ thẩm đã chia thừa kế là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa,

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Đơn kháng cáo của các nguyên đơn làm trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung:

Các nguyên đơn bà Lê Thị H, bà Lê Thị B, những người thừa kế của ông Lê Bá Toàn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế phần đất có diện tích 702,6m2 thuộc thửa 319, tờ bản đồ số 1 tọa lạc tại khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh. Phần đất này là di sản thừa kế do cụ Lê Văn B4 và cụ Nguyễn Thị T7 (cha mẹ nguyên đơn) để lại.

Bị đơn bà Lê Thị Q cho rằng cụ B4 đã giao cho bà quyền sử dụng phần đất này theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10-5-1999. Bà Q đã được Ủy ban nhân dân huyện H9 tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, bị đơn không đồng ý yêu cầu khởi kiện chia thừa kế đối với phần đất trên.

[3] Xét kháng cáo của các nguyên đơn:

[3.1] Các đương sự trình bày thống nhất các nội dung: Cụ Lê Văn B4 (chết năm 2003) và cụ Nguyễn Thị T7 (chết năm 1998), có 6 người con chung gồm: Ông Lê Văn R1 (bị tàn tật từ nhỏ, không vợ con, chết năm 2004), bà Lê Thị B, ông Lê Văn R, ông Lê Bảo T8 (chết năm 1982, có 5 người con gồm: Ông Lê Thanh H, ông Lê Bảo H3, ông Lê Quốc H2, bà Lê Thị Thảo L và bà Lê Thị Thảo H1); bà Lê Thị H và bà Lê Thị Q. Phần đất tranh chấp có 702,6 m2, thuộc thửa số 319, tờ bản đồ số 01 tọa lạc tại khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh là tài sản do cụ B4, cụ T7 tạo lập. Nguyên đơn cho rằng đây là di sản thừa kế của cụ B4, cụ T7 nên yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật. Bị đơn cho rằng căn cứ để bị đơn được quyền sử dụng phần đất tranh chấp là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10-5-1999.

[3.2] Xét, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10-5-1999:

- Về hình thức bên bán có cụ B4, ông R1, bà B, bà H ký tên bên bán, bên mua có bà Q ký tên. Hợp đồng có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường Hiệp Ninh, huyện H9 (nay thuộc thành phố T), tỉnh Tây Ninh.

- Về nội dung: Hai bên cùng thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 720m2 đất thổ cư, thửa số 319, tờ bản đồ số 1, tọa lạc tại ấp Hiệp Bình, xã Hiệp Ninh, huyện H9, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01526 QSDĐ/DS/4506 do UBND huyện H9 cấp ngày 29-3-1994.

Bà Q cho rằng bản chất hợp đồng là tặng cho quyền sử dụng đất. Việc thể hiện là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là do cán bộ địa chính hướng dẫn. Xét thấy, thời điểm năm 1999, Luật Đất đai năm 1993 đang có hiệu lực pháp luật, chưa công nhận việc tặng cho quyền sử dụng đất. Nội dung hợp đồng thể hiện điều kiện bà Q phải nuôi dưỡng cụ B4 và ông R1 tàn tật, cũng giỗ cúng Tiếu và ông bà. Căn cứ vào các nội dung có cơ sở thể hiện đây là việc tặng cho có điều kiện như lời trình bày của bị đơn.

Bà H, bà B không thừa nhận chữ ký trong hợp đồng, nhưng kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công A3 tỉnh Tây Ninh và Viện Khoa học hình sự Bộ công An kết luận chữ ký bà H, bà B trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10-5-1999, và chữ ký mẫu so sánh là cùng 01 người ký ra. Ngoài ra, nguyên đơn cho rằng có yêu cầu giám định chữ ký của cụ B4 nhưng hồ sơ vụ án thể hiện không có đơn yêu cầu giám định chữ ký cụ B4. Đối với ông R1, nguyên đơn cho rằng ông R1 bị bệnh tâm thần, không có chứng minh nhân dân nên không chứng minh được nhân thân.

Xét thấy, hợp đồng được lập bằng văn bản, có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, nên đây là chứng cứ không phải chứng minh theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Tố tụng dân sự, bà B. Bà H không thừa nhận giá trị pháp lý đối với chữ ký của cụ B4 và ông R1 nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh nên Hội đồng xét xử không có cơ sở xem xét. Tuy tại thời điểm ký hợp đồng, cụ B4, bà B, bà H, ông R1 không xác định được phần của mỗi người được hưởng của cụ T7 là bao nhiêu nhưng đều thể hiện ý chí là giao toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp cho bà Q được hưởng. Do đó, hợp đồng này có hiệu lực pháp luật đối với cụ B4, bà H, bà B, ông R1 và bà Q.

[3.3] Phần đất đang tranh chấp là tài sản chung của cụ B4 và cụ T7. Do đó, việc cụ B4 và các con lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10- 5-1999, định đoạt luôn phần tài sản thuộc sở hữu cụ T7 là không đúng quy định pháp luật. Do đó, căn cứ Điều 144 của Bộ luật Dân sự năm 1995 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 10-5-1999 bị vô hiệu 01 phần (thuộc sở hữu của cụ T7). Cụ T7 chết không để lại di chúc, nên phần tài sản thuộc sở hữu của cụ T7 được chia thừa kế theo pháp luật.

[3.4] Cụ T7 chết năm 1998. Tại thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế của cụ T7 gồm cụ B4 và 05 người con: Ông R1 (chết năm 2004), bà B, ông R, bà H, bà Q và những người thừa kế thế vị của ông T8 (chết năm 1982) gồm ông Lê Thanh H, ông Lê Bảo H3, ông Lê Quốc H2, bà Lê Thị Thảo L và bà Lê Thị Thảo H1. Di sản thừa kế của cụ T7 được chia thành 07 phần. Theo nội dung hợp đồng ngày 10-5-1999 thì cụ B4, bà H, bà B, ông R đã đồng ý giao phần tài sản được hưởng cho bà Q. Cụ B4 đồng ý giao ½ tài sản thuộc sở hữu cho bà Q. Như vậy, bà Q được hưởng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của cụ B4 và 05 kỷ phần thừa kế của cụ T7, ông R và những người thừa kế của ông T8 mỗi người được hưởng 1 suất thừa kế của cụ T7.

[3.5] Bà Q là người đang quản lý sử dụng, xây dựng nhà ở ổn định trên phần đất tranh chấp, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các đương sự xác định bà Quyền là người nuôi dưỡng chăm sóc cụ B4 và ông R1 cho đến khi chết, trực tiếp lo đám tang, cúng giỗ hàng năm. Phần tài sản bà Q được hưởng chiếm tỷ lệ nhiều hơn các đồng thừa kế khác. Do đó, bà Q được quản lý sử dụng tài sản đang tranh chấp, đồng thời có nghĩa vụ thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế của cụ T7 cho ông R và những người thừa kế của ông T8 là đảm bảo quyền lợi cho các đương sự.

[3.6] Phần đất tranh chấp trị giá là 4.738.049.578 đồng chia 2 phần, phần của mỗi cụ trị giá là 2.369.024.789 đồng. Khi cụ T7 chết, phần di sản của cụ T7 chia cho 07 suất thừa kế theo pháp luật (2.369.024.789 đồng : 7) mỗi suất trị giá 338.432.113 đồng. Bà Q được hưởng 05 suất. Ông R và những người thừa kế của ông T8 mỗi người được hưởng 1 suất thừa kế của T7 tương đương 338.432.113 đồng. Do ông R định kỳ ở nước ngoài từ năm 1975, không về Việt Nam nên kỷ phần thừa kế của ông R được giao cho bà Q quản lý. Khi ông R có yêu cầu, bà Q có nghĩa vụ giao trả kỷ phần thừa kế tương đương 338.432.113 đồng cho ông R theo quy định tại Án lệ 06/2016/AL của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là có căn cứ. Các nguyên đơn có kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Do kháng cáo không được chấp nhận nên bà Lê Thị Thảo L phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Bà Lê Thị H, bà Lê Thị B được miễn án phí dân sự phúc thẩm tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015,

I. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn bà Lê Thị H, bà Lê Thị B, bà Lê Thị Thảo L; Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 21/2018/DS-ST ngày 04-12-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Căn cứ Điều 144, Điều 400 của Bộ luật Dân sự năm 1995; các Điều 623, 651, 652, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 477, khoản 2 Điều 153, khoản 2 Điều 161, khoản 2 Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 6 Điều 26, Điều 48 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;Án lệ số: 06/2016 do Tòa án nhân dân tối cao công bố và được áp dụng từ ngày 01-06-2016.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn bà Lê Thị H, bà Lê Thị B;

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Lê Quốc H2, ông Lê Thanh H, ông Lê Bảo H3, bà Lê Thị Thảo L và bà Lê Thị Thảo H1.

2. Bà Lê Thị Q được quyền sở hữu, sử dụng phần đất diện tích 702,6m2, thuộc thửa số 319, tờ bản đồ số 01 do bà Q đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 04189 QSDĐ/49/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân huyện H9, tỉnh Tây Ninh cấp ngày 09-7-1999, đất tọa lạc tại khu phố H, phường H1, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.

3. Bà Q có nghĩa vụ thanh toán cho:

Thanh toán cho ông Lê Quốc H2, ông Lê Thanh H, ông Lê Bảo H3, bà Lê Thị Thảo L, bà Lê Thị Thảo H1 số tiền 338.432.113 đồng (ba trăm ba mươi tám triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn một trăm mười ba đồng).

Thanh toán cho ông Lê Văn R số tiền 338.432.113 đồng (ba trăm ba mươi tám triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn một trăm mười ba đồng). Tạm giao số tiền này cho bà Q quản lý và có nghĩa vụ giao lại khi ông R có yêu cầu.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.

4. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

II. Án phí dân sự phúc thẩm:

Bà Lê Thị H, bà Lê Thị B được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

Bà Lê Thị Thảo L phải chịu 300.000 đồng, được trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0000780 cùng ngày 19-12-2018 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

167
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 219/2021/DS-PT

Số hiệu:219/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về