Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 198/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 198/2022/DS-PT NGÀY 06/07/2022 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 06 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa để xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 291/2021/TLPT-DS ngày 17 tháng 11 năm 2021 về việc “Tranh chấp di sản thừa kế”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2021/DS-ST ngày 05 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ có kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 5601/2022/QĐ-PT ngày 20 tháng 6 năm 2022, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Liên A, sinh năm 1952, có mặt;

Địa chỉ: Khu 8, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

2. Ông Trần Ngọc A1, sinh năm 1952, có mặt;

Địa chỉ: Khu 3, xã C2, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

3. Ông Lương Văn A2, sinh năm 1954, có mặt;

4. Ông Lương Văn A3, sinh năm 1961, vắng mặt;

Đều cùng địa chỉ: Khu 10, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

5. Ông Nguyễn Ngọc A4, sinh năm 1939, vắng mặt;

Địa chỉ: Phố S1, phường S, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Người đại diện theo ủy quyền cho ông A4: Ông Lương Văn A2 (theo văn bản ủy quyền ngày 20/11/2019).

* Bị đơn:

1. Ông Nguyễn Ngọc B, sinh năm 1980, có mặt;

2. Bà Nguyễn Thị B1, sinh năm 1980, vắng mặt;

Cùng địa chỉ: Tổ 10, phường C3, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhan dân (sau đây gọi tắt là UBND) thành phố C, tỉnh PHú Thọ;

Ngưi đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Ngọc S2, chức vụ: Chủ tịch UBND thành phố C;

Ngưi đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Văn S3, chức vụ: Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố C (theo văn bản ủy quyền ngày 30/10/2020), có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Ủy ban nhân dân xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ;

Ngưi đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị S4, chức vụ: Chủ tịch UBND;

Ngưi đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thu S5, chức vụ: Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Bà Nguyễn Thị A5, sinh năm 1934, vắng mặt;

Địa chỉ: Khu 8, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ;

Ngưi đại diện theo ủy quyền của bà A5: Ông Nguyễn Hồng A20, sinh năm 1970, có mặt;

Địa chỉ: Phường C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

4. Ông Nguyễn Ngọc A7, sinh năm 1948, vắng mặt;

Địa chỉ: Khu 8, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ;

Ngưi đại diện theo ủy quyền cho ông A7: Ông Nguyễn Ngọc B (theo văn bản ủy quyền ngày 04/11/2020).

5. Ông Nguyễn Ngọc A8, sinh năm 1951, vắng mặt;

Địa chỉ: Tổ 3, phố C5, phường C4, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

6. Bà Nguyễn Thị A9, sinh năm 1955, vắng mặt;

Địa chỉ: Khu 9, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

7. Bà Lương Thị A11, sinh năm 1950, vắng mặt;

Địa chỉ: Khu 10, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ;

Ngưi đại diện theo ủy quyền cho bà A11: Ông Nguyễn Văn A21, sinh năm 1981; địa chỉ: Khu 10, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ, có mặt.

8. Ông Lương Văn A12, sinh năm 1960, có mặt;

Địa chỉ: Tổ 3, phố C6, phường C4, thành phố C, tỉnh Phú Thọ;

Ngưi đại diện theo ủy quyền cho ông A12: Ông Lương Văn A2 (theo văn bản ủy quyền ngày 03/8/2020).

9. Bà Trần Thị A14, sinh năm 1959, vắng mặt;

Địa chỉ: Tổ 14, khu 1, phường C2, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

10. Ông Trần Viết A15, sinh năm 1962, vắng mặt;

Địa chỉ: Tổ 23, khu 3, phường C2, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

Ngưi đại diện theo ủy quyền cho ông A15, bà A14: Ông Trần Ngọc A1 (theo văn bản ủy quyền ngày 03/8/2020).

11. Ông Trần Ngọc A13, sinh năm 1948, vắng mặt;

Địa chỉ: Tổ 14, khu 1, phường C2, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

12. Ông Trần Đăng A16 (đã chết năm 2017);

Người thừa kế quyền và ngĩa vụ tố tụng của ông A:

1. Bà Đỗ Thị A17, sinh năm 1968, vắng mặt;

2. Anh Trần Ngọc A18, sinh năm 1994, vắng mặt;

3. Anh Trần Thanh Tùng, sinh năm 1993, vắng mặt;

Đều cùng địa chỉ: Khu C2, phường C2, thành phố C, tỉnh Phú Thọ.

* Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị A5.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, các lời khai và Bản án sơ thẩm, các nguyên đơn trình bày:

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn H và Nguyễn Thị H1 có 05 người con là:

1. Bà Nguyễn Thị H2 (chết năm 1987) có 02 người con là ông Nguyễn Liên A và bà Nguyễn Thị A5;

2. Bà Nguyễn Thị H3 (chết năm 1983) có 05 người con là: Bà Nguyễn Thị A6 (chết năm 20 tuổi không có chồng, con), bà Nguyễn Thị B2 (chết năm 2008 không có chồng, con), ông Nguyễn Ngọc A7, ông Nguyễn Ngọc A8 và bà Nguyễn Thị A9;

3. Bà Nguyễn Thị H4 (chết năm 1949) có 01 người con là Nguyễn Ngọc A4;

4. Bà Nguyễn Thị H5 (chết năm 2006) có 05 người con là: Lương Văn A10 (hy sinh không có vợ, con), Lương Văn A3, Lương Thị A11, Lương Văn A12 và Lương Văn A2;

5. Bà Nguyễn Thị H6 (chết năm 2006) có 05 người con, Là: Ông Trần Ngọc A13, ông Trần Ngọc A1, bà Trần Thị A14, ông Trần Viết A15 và ông Trần Đăng A16 (ông A chết có vợ là bà Đỗ Thị A17 và 02 con là Trần Ngọc A18, Trần Ngọc A19).

Năm 1960 cụ H chết, năm 1962 cụ H1 chết; các cụ để lại khối di sản là diện tích đất 1,728m2 tại xóm Quế, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ; trên đất có một ngôi nhà cấp 4, một nhà thờ, một số mồ mả và cây lâu năm. Khoảng năm 1980, bà Nguyễn Thị B2 là con gái của bà Nguyễn Thị H3 đến ở nhờ trên thửa đất của hai cụ. Năm 1992 bà B2 tự ý kê khai đất thổ cư của cụ H, cụ H1 để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sau đây gọi tắt là GCNQSD) đất số B144155, thửa đất số 37 có diện tích 1.042m2 (trong đó có 300m2 đất ở và 742m2 đất vườn) và thửa số 159 có diện tích 190m2 đều thuộc tờ bản đồ số 12, tờ bản đồ địa chính xã C1 mà không có sự đồng ý của 05 người con của hai cụ. (Năm 1997 đo lại là thửa số 415 diện tích 1.797m2 và thửa số 499 diện tích 324m2 đều thuộc tờ bản đồ số 12).

Năm 2008 bà B2 chết đã để lại di chúc, giao cho ông Nguyễn Ngọc B (ông B là con bà A9, cháu ngoại của bà H3) được quyền sử dụng 02 thửa đất nêu trên; năm 2014 ông B và vợ là bà Nguyễn Thị B1 đã làm thủ tục kê khai và được cấp 02 GCNQSD đất vào ngày 23/5/2014, cụ thể: Thửa số 414 diện tích sử dụng là 1.620m2 và thửa số 499 diện tích sử dụng 200,3m2 đều thuộc tờ bản đồ số 12, tại xóm Quế, xã C1, thành phố C. Việc bà B2 di chúc lại cho ông B, cũng như ông B, bà B1 làm thủ tục để được cấp GCNQSD đất không ai biết; vợ chồng ông B, bà B1 không trực tiếp quản lý, sử dụng; trên đất hiện tại có xây dựng ngôi nhà thờ và một số ngôi mộ, kinh phí để xây dựng do các gia đình đóng góp.

Các nguyên đơn gồm: Ông Nguyễn Liên A, ông Trần Ngọc A1, ông Lương Văn A2, ông Lương Văn A3 và ông Nguyễn Ngọc A4 khởi kiện cho rằng đây là di sản của cụ H, cụ H1 để lại nên đề nghị hủy các GCNQSD đất đã cấp cho ông B và bà B1, đồng thời chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các nguyên đơn có nguyện vọng phần diện tích đất đã xây dụng nhà thờ, xây mộ tách riêng đề làm nơi thờ cúng chung, không xem xét để chia. Đối với phần di sản mà bà H3 được hưởng tích riêng cho các con bà H3, phần còn lại để sử dụng chung và đứng tên con của các bà H2, bà H4, bà H5 và bà H6.

Bị đơn là ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Thị B1 thống nhất trình bày:

Năm 1992 bà Nguyễn Thị B2 đã được cấp GCNQSD đất số B144155; do bà B2 sống độc thân nên ngày 25/9/2008 bà Nguyễn Thị B2 (là bá ruột của ông B) đã di chúc để lại cho ông B được quyền sử dụng 02 thửa đất tại xóm Quế, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ. Trong di chúc bà B2 giao cho ông B đứng tên, trông non, quản lý và sử dụng; bà B2 có di huấn chỉ được sử dụng không được bán hay cho ai; nếu Nhà nước thu hồi phần nào đền bù được bao nhiêu tiền thì dành một phần để hương hỏa cho các cụ, phần còn lại chia đều 05 phần cho con cháu của 05 bà hương khói. Cuối năm 2008 bà B2 chết, đến ngày giỗ của cụ H1 ông B đã báo cáo với mọi người (trong đó có ông A, bà T, ông A2, ông A12, ông A3, ông A1, ông A15, ông A8) về nội dung bản di chúc bà B2 giao cho ông B đứng tên trên GCNQSD đất và có trách nhiệm trông nom, thờ cúng các cụ, được mọi người thống nhất và giao cho ông đi làm GCNQSD đất. Năm 2014 ông B, bà B1 được cấp GCNQSD đất theo Quyết định số 3715/QĐ-UBND ngày 23/5/2014. Ngày 21/10/2019 ông A, ông A2, ông A12, ông A3, ông A1, ông A15 viết đơn gửi UBND xã C1 về việc xem xét lại nguồn gốc đứng tên ông B, bà B1; UBND xã C1 đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Nay phía nguyên đơn khởi kiện ông không đồng ý việc chia tách thửa đất vì trên đất đã được xây dựng nhà thờ và quy tập các ngôi mộ. Tuy nhiên, ông B nhất trí hủy các GCNQSD đất mà UBND thành phố C đã cấp cho vợ chồng ông, nhưng không đồng ý chia tách đất mà để các con của 05 bà sử dụng chung.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là UBND thành phố C trình bày:

Hồ sơ cấp GCNQSD đất cho ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Thị B1, gồm: Biên bản họp gia đình ngày 24/9/2008 có xác nhận của UBND xã C1; đơn xin xác nhận về việc bị mối xông hết GCNQSD đất có xác nhận của UBND xã C1; Bản di chúc lập ngày 25/9/2008 có lời chứng của UBND phường Gia Cẩm, thành phố C; đối chiếu các quy định của pháp luật, ngày 23/5/2014 ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Thị B1 được UBND thành phố C cấp GCNQSD đất số BR 865697 tại thửa số 415, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.620m2 (trong đó có 300m2 đất ở và 1.3020m2 đất vườn) và GCNQSD đất số BR 865698 tại thửa số 499, tờ bản đồ số 12, tiện tích 200,3m2 đất vườn theo Quyết định số 3715/QĐ-UBND ngày 23/5/2014, nguồn gốc cấp lại GCNQSD đất năm 1992, do bị mối xông hỏng và hưởng thừa kế để lại tài sản. Việc UBND thành phố C cấp GCNQSD đất cho các hộ là đúng quy định pháp luật. Nay tranh chấp di sản thừa kế quyền sử dụng đất; đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND xã C1, thành phố C trình bày:

UBND xã C1 hiện không có lưu trữ hồ sơ cấp GCNQSD đất cho ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Thị B1, chỉ có bản đồ đo đạc địa chính năm 1997; việc diện tích hai thửa đất nêu trên có sự thay đổi là do đo đạc, vẫn sử dụng ổn định.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị A5 trình bày:

Thửa đất trên là tài sản của 05 bà con của cụ H, cụ H1. Bà không nhất trí chia thửa đất trên và giữ nguyên như hiện tại, nếu phải chia thì bà đề nghị được hưởng riêng một phần giáp với khuôn viên nhà thờ để làm nơi thờ cúng.

Ông Trần Ngọc A13 trình bày:

Ông không nhất trí chia thửa đất trên mà để sử dụng chung như hiện tại, nếu phải chia ông đề nghị được chia riêng một phần tiếp giáp với nhà thờ; ông đề nghị giữ nguyên nhà thờ và khuôn viên nhà thờ để làm nơi thờ cúng.

Ông Nguyễn Ngọc A8 và bà Nguyễn Thị A9 trình bày:

Xác định đây là tài sản của 05 bà (con của cụ H, cụ H1); không yêu cầu chia tài sản mà giữ nguyên để sử dụng chung làm nơi thờ cúng như hiện nay, nếu phải chia thì ông, bà đồng ý gộp phần tài sản của mình được hưởng cho một người con của bà H3 đại diện đứng tên; đề nghị được chia giáp với khuôn viên nhà thờ cho đến hết đất.

Bà Đỗ Thị A17, anh Trần Ngọc A19, anh Trần Ngọc A18 trình bày:

Từ chối mọi việc liên quan đến đất, không có yêu cầu gì. Tuy nhiên, tại đơn đề nghị ngày 19/2/2021 bà A17 và các con đề nghị quyền lợi của họ được hưởng giao cho ông Trần Ngọc A1 đứng tên.

Với nội dung trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2021/DS-ST ngày 05/5/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã quyết định; áp dụng các Điều 609, 610, 611, 612, 613, 616, 623, 645, 649, 650, 651, 652, 660 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 98, Điều 203 Luật đất đai năm 2013; khoản 5 Điều 16; điểm a khoản 1 Điều 27; khoản 2, khoản 5 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12; điểm a Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Liên A, ông Trần Ngọc A1, ông Lương Văn A2, ông Lương Văn A3 và ông Nguyễn Ngọc A4 đề nghị chia di sản thừa kế.

Hủy 02 GCNQSD đất số BR 856697 của UBND thành phố C cấp ngày 23/5/2014 thửa số 415, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.620m2 và GCNQSD đất số BR 865698 thửa số 499, tờ bản đồ số 12, diện tích 200,3m2 tại xóm Quế, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ mang tên ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Thị B1.

Xác định di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn H và cụ Nguyễn Thị H1 để lại, gồm: 02 diện tích tại thửa đất số 415, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.620m2 và thửa số 499, tờ bản đồ số 12 diện tích 200,3m2 tại xóm Quế, xã C1, thành phố C, tỉnh Phú Thọ tại GCNQSD đất mang tên ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Thị B1.

Xác định những người được hưởng thừa kế gồm: Bà Nguyễn Thị A5, ông Nguyễn Liên A, ông Nguyễn Ngọc A7, ông Nguyễn Ngọc A8, bà Nguyễn Thị A9, ông Nguyễn Ngọc A4, ông Lương Văn A3, bà Lương Thị A11, ông Lương Văn A12, ông Lương Văn A2, ông Trần Ngọc A13, ông Trần Ngọc A1, bà Trần Thị A14, ông Trần Viết A15, bà Đỗ Thị A17, anh Trần Ngọc A19, anh Trần Ngọc A18.

Chia di sản thừa kế theo pháp luật:

- Giao cho bà Nguyễn Thị A5, ông Nguyễn Liên A, ông Nguyễn Ngọc A7, ông Nguyễn Ngọc A8, bà Nguyễn Thị A9, ông Nguyễn Ngọc A4, ông Lương Văn A3, bà Lương Thị A11, ông Lương Văn A12, ông Lương Văn A2, ông Trần Ngọc A13, ông Trần Ngọc A1, bà Trần Thị A14, ông Trần Viết A15, bà Đỗ Thị A17, anh Trần Ngọc A19, anh Trần Ngọc A18 diện tích 244,4m2, trên đất có một số ngôi mộ và một ngôi nhà thờ để làm nơi thờ cúng chung.

- Giao cho các con của bà H2, bà H4, bà H5, bà H6, gồm: ông Nguyễn Liên A, ông Nguyễn Ngọc A4, ông Lương Văn A3, bà Lương Thị A11, ông Lương Văn A12, ông Lương Văn A2, ông Trần Ngọc A1, bà Trần Thị A14, ông Trần Viết A15, bà Đỗ Thị A17, anh Trần Ngọc A19, anh Trần Ngọc A18 diện tích (S2 +S5) 1.011,8m2 để sử dụng (trong đó có 210m2 đất ở và 801,8m2 đất trồng cây lâu năm) (có sơ đồ kèm theo).

- Giao diện tích đất cho các con bà H3, gồm: Ông Nguyễn Ngọc A7, ông Nguyễn Ngọc A8, bà Nguyễn Thị A9 diện tích S3 = 289,1m2 (trong đó có 60m2 đất ở và 229,2m2 đất trồng cây lâu năm) (có sơ đồ kèm theo).

- Giao cho bà Nguyễn Thị A5 diện tích S6 = 144,5m2 (trong đó có 30m2 đất ở và 114,5m2 đất trồng cây lâu năm) (có sơ đồ kèm theo).

- Buộc các con của bà Nguyễn Thị H6 là ông Trần Ngọc A1, bà Trần Thị A14, ông Trần Viết A15 thanh toán cho ông Trần Ngọc A13 57,81m2 đất = 11.922.600đ và ông A1, ông A15, bà A14 được quyền sử dụng diện tích 57,81m2 đất nêu trên.

Ngoài ra, Bản án còn quyết định về án phí, chi phí thẩm định, tuyên lãi suất chậm thi hành án và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 18/5/2021 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị A5 có đơn kháng cáo một phần Bản án đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm, cụ thể: Bản án sơ thẩm cắt chiều rộng 2m làm đường đi là không hợp lý, bà đề nghị cắt 3m; phần đất chia cho bà không hợp lý, bà đề nghị bốc thăm để xác định vị trí đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà A5 giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Các đương sự trình bày tại phiên tòa phúc thẩm như sau:

- Người đại diện theo ủy quyền của bà A5 trình bày: Bản án sơ thẩm chỉ cắt khoảng 2m để làm đường đi vào khu đất bà A5 được chia là không phù hợp, quá nhỏ đề nghị phải cắt 3m; chia cho bà A5 vị trí phía trong cùng của thửa đất là không công bằng, lẽ ra phải chia theo thứ tự từ trên xuống. Theo đó thì bà A5 phải được vị trí giáp với phần nhà thờ và khu mộ, nếu không phải bốc thăm để xác định vị trí. Do đó, đề nghị chấp nhận kháng cáo của bà A5.

- Các nguyên đơn trình bày: Giữ nguyên toàn bộ ý kiến đã trình bày tại cấp sơ thẩm, Bản án sơ thẩm đã giải quyết đúng quy định của pháp luật, thấu tình đạt lý, nên đề nghị cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Bị đơn trình bày: Giữ nguyên toàn bộ ý kiến như đã trình bày tại cấp sơ thẩm, bản án sơ thẩm xác định diện tích đất là di sản thừa kế của cụ H, cụ H1 là có căn cứ, nên sau khi xét xử sơ thẩm phía bị đơn không có kháng cáo. Tuy nhiên, nay bà A5 kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo của bà A5.

Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa.

Các đương sự không thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đầy đủ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nên đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn để chia di sản thừa kế của cụ H, cụ H1 là có căn cứ, phù hợp với pháp luật, tại cấp phúc thẩm không có tình tiết gì mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà A5. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự bác kháng cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy:

* Về tố tụng:

[1] Về quan hệ pháp luật có tranh chấp, thẩm quyền và thời hiệu khởi kiện: Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất tại thành phố C, tỉnh Phú Thọ. Cụ Nguyễn Văn H chết năm 1960, cụ Nguyễn Thị H1 chết năm 1962, do cụ H, cụ H1 chết trước ngày 19/10/1990 nên căn cứ áp dụng để tính thời hiệu khởi kiện là Pháp Lệnh thừa kế năm 1990, Bộ luật dân sự năm 2015. Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự để giải quyết. Theo đó, thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, đối với trường hợp thừa kế di sản của cụ H, cụ H1 do thời điểm mở thừa kế trước ngày 19/10/1990 (ngày công bố Pháp lệnh về thừa kế) nên thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế là bất động sản là 30 năm được tính từ ngày 19/10/1990. Ngày 01/3/2020 các nguyên đơn có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, đây là vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đang trong thời hiệu khởi kiện. Ngoài yêu cầu chia di sản thừa kế đương sự còn đề nghị xem xét đến GCNQSD đất mà UBND thành phố C, tỉnh Phú Thọ đã cấp cho cho ông Nguyễn Ngọc B và bà Nguyễn Thị B1; đây là quyết định hành chính cá biệt của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý đất đai nên thuộc thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ thụ lý, giải quyết theo trình tự sơ thẩm là đúng quy định tại Điều 32 Luật tố tụng hành chính và khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 37, Điều 38 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ H, cụ H1 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định bà Nguyễn Thị H5 chết năm 2006, bà Nguyễn Thị H6 chết năm 2006 nên đang còn thời hiệu khởi kiện là không đúng quy định của pháp luật.

[2] Về xác định tư cách đương sự tham gia tố tụng: Cụ H chết năm 1960, cụ H1 chết năm 1962; hai cụ có 05 người con, gồm: Bà Nguyễn Thị H2 (chết năm 1987), bà Nguyễn Thị H3 (chết năm 1983), bà Nguyễn Thị H4 (chết năm 1949), bà Nguyễn Thị H5 (chết năm 2006), bà Nguyễn Thị H6 (chết năm 2006). Các con của cụ H, cụ H1 chết sau thời điểm các cụ chết, nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự thì những người con của hai cụ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, đến thời điểm khởi kiện (năm 2020) thì các bà Bà Nguyễn Thị H2, bà Nguyễn Thị H3, bà Nguyễn Thị H4, bà Nguyễn Thị H5, bà Nguyễn Thị H6 đã chết, nên cần xác định những người con của 05 bà này là những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật; Tòa án cấp sơ thẩm lại xác định do 05 người con của hai cụ đã chết nên những người con của 05 bà là hàng thứa kế thứ hai của cụ H, cụ H1 là không đúng quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, mặc dù xác định sai hàng thừa kế, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã đưa tất cả những người con của 05 bà (con của hai cụ), cũng như những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của những người con của 05 bà vào tham gia tố tụng là đã đảm bảo được quyền lợi của các đương sự, nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại. Nhưng cấp sơ thẩm cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm; tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm một số đương sự vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt, hoặc đã có người đại diện, hoặc đã được tống đạt văn bản tố tụng. Do đó, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ là đúng quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự.

* Về nội dung:

[3] Xét nguồn gốc các thửa đất đang có tranh chấp, thấy: Theo hồ sơ quản lý đất đai thể hiện năm 1992 bà Nguyễn Thị B2 đã tự kê khai, đăng ký và được cấp GCNQSD đất; đến năm 2008 bà B2 đã lập di chúc thừa kế quyền sử dụng 02 thửa đất cho ông Nguyễn Ngọc B. Tuy nhiên, tất cả các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc hai thửa đất này là của cụ Nguyễn Văn H và Nguyễn Thị H1 để lại, nên đây là sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự; mặc dù sau đó hai thửa đất được cấp GCNQSD đất cho bà Nguyễn Thị B2, nhưng không có bất kỳ tài liệu chứng cứ nào thể hiện quyền sử dụng hai thửa đất nêu trên đã được, chuyển nhượng, tặng cho hợp pháp từ cụ H, cụ H1 sang cho bà B2. Do đó, bà B2 chưa phải là người được quyền sử dụng hợp pháp đối với hai thửa đất này mà quyền sử dụng hai thửa đất nêu trên vẫn thuộc quyền sử dụng của cụ H, cụ H1; việc bà B2 lập di chúc thừa kế tài sản là quyền sử dụng hai thửa đất trên cho ông Nguyễn Ngọc B khi chưa được sự đồng ý của các thừa kế của hai cụ là trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ H, cụ H1. Những nguyên đơn là những người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ H, cụ H1, nên việc họ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là có căn cứ. Hai cụ chết không để lại di chúc để phân chia di sản thừa kế nên đây là di sản thừa kế được xác định để chia theo quy định của pháp luật. Trên đất hiện còn một nhà cấp bốn hai gian lợp ngói, một ngồi nhà thờ, một số ngôi mộ và một số cây cối; các đương sự thống nhất phần diện tích đất gắn với nhà lợp ngói, nhà thờ, một số ngôi mộ không yêu cầu chia mà dùng để làm nơi thờ cúng chung, cấp sơ thẩm chấp nhận sự thỏa thuận này là có căn cứ, đúng pháp luật, phù hợp với phong tục, truyền thống Việt Nam.

[4] Xác định hàng thừa kế: Như đã phân tích ở trên thì cụ H chết năm 1960, cụ H1 chết năm 1962; hai cụ có 05 người con, đến thời điểm hai cụ chết thì 05 người con của các cụ đều đang còn sống, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì các con của hai cụ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và theo quy định của pháp luật thì những người cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm tranh chấp thì 05 người con của hai cụ đều đã chết, nên con của 05 người này được thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của mẹ mình, cấp sơ thẩm tuy chưa xác định đúng hàng thừa kế, nhưng đã xác định con của 05 bà, là bà Nguyễn Thị H2, bà Nguyễn Thị H3, bà Nguyễn Thị H4, bà Nguyễn Thị H5, bà Nguyễn Thị H6 được quyền định đoạt đối với phần di sản mà mẹ mình được hưởng là đúng quy định của pháp luật.

[5] Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị A5 thấy:

[5.1] Do diện tích đất không giáp mặt đường giao thông, muốn chia thửa đất thành nhiều thửa thì cần phải mở lối đi chung cho những thửa đất ở phía trong đi ra đường giao thông, căn cứ vào hiện trạng thực tế hai thửa đất thì cấp sơ thẩm đã dành một phần đất rộng 02m để làm ngõ đi chung từ phần đất bà A5 được chia đi ra đường giao thông là phù hợp, đảm bảo diện tích để sử dụng chung, tất cả các đương sự khác trong vụ án đều nhất trí với phương án này; bà A5 cho rằng cần phải mở rộng thêm là không cần thiết. Vì nếu mở rộng thêm sẽ ảnh hưởng đến diện tích đất chung của các đương sự khác.

[5.2] Đối với kháng cáo của bà A5 cho rằng vị trí phần đất cấp sơ thẩm chia cho bà không công bằng, không khách quan thấy: Những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bà Nguyễn Thị H2 (trừ bà A5), bà Nguyễn Thị H4, bà Nguyễn Thị H5, bà Nguyễn Thị H6 đều thống nhất phần di sản của 04 bà được hưởng không yêu cầu chia theo từng kỷ phần mà gộp chung thành một phần để tất cả những người con của 04 bà được quyền sử dụng chung. Xét việc thỏa thuận này của các đương sự là tự nguyện, không trái pháp luật, phù hợp với đạo đức, truyền thống, nên cấp sơ thẩm chấp nhận sự thỏa thuận này là phù hợp. Đối với yêu cầu của bà A5, quá trình giải quyết vụ án, bà A5 thống nhất gộp chung vào để cùng sử dụng chung, nhưng sau đó bà thay đổi và yêu cầu được chia một phần trong kỷ phần của mẹ bà là bà H2 để sử dụng riêng. Do bà H2 có hai người con là ông Nguyễn Liên A và bà Nguyễn Thị A5; kỷ phần thừa kế của bà H2 được cấp sơ thẩm xác định là 289,08m2, bà A5 được hưởng ½ phần diện tích đất này là 144,5m2 là có căn cứ, đúng pháp luật. Đối với vị trí thửa đất do các đương sự đều thống nhất phần đất có nhà thờ, mộ không chia và phần di sản của các bà Nguyễn Thị H2, bà Nguyễn Thị H4, bà Nguyễn Thị H5, bà Nguyễn Thị H6 được hưởng gộp vào để sử dụng chung, các đương sự đều có nguyện vọng chia phần đất giáp với nhà thờ và các ngôi mộ để tiện sử dụng, tạo khuôn viên nhà thờ có không gian rộng rãi; nguyện vọng này của hầu hết các đương sự là phù hợp, nên cấp sơ thẩm đã chấp nhận là có căn cứ. Bà A5 kháng cáo cho rằng việc phân chia không công bằng và yêu cầu được bốc thăm là không có căn cứ chấp nhận.

Tổng hợp các phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy rằng: Quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm tuy có vi phạm pháp luật, nhưng những vi phạm này không lớn, không ảnh hưởng đến nội dung vụ án, không làm thay đổi bản chất vụ án, ngược lại đã xem xét, giải quyết đảm bảo được quyền lợi và nghĩa vụ của các bên đương sự; tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị A5. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo là có căn cứ.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[7] Án phí: Tòa án cấp sơ thẩm quyết định miễn án phí dân sự sơ thẩm cho các đương sự, nhưng không xử lý tiền tạm ứng án phí mà ông Lương Văn A3 đã nộp là thiếu sót, cấp phúc thẩm cần sửa nội dung này để trả lại tiền tạm ứng án phí cho ông A3. Kháng cáo của bà A5 không được chấp nhận lẽ ra bà phải chịu án phí phúc thẩm, nhưng bà là người cao tuổi thuộc đối tượng được miễn án phí, nên miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bà A5 theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị A5; sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2021/DS-ST ngày 05/5/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ về phần xử lý tiền tạm ứng án phí, cụ thể: Trả lại cho ông Lương Văn A3 số tiền 300.000đ tiền tạm ứng án phí mà ông A3 đã nộp theo biên lai số 0004202 ngày 28/4/2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ.

Giữ nguyên các quyết định khác của Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2021/DS- ST ngày 05/5/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Về án phí phúc thẩm: Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bà Nguyễn Thị A5.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

148
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 198/2022/DS-PT

Số hiệu:198/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 06/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về