Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 11/2018/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 11/2018/DS-PT NGÀY 11/04/2018 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 11 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 03/2018/DSPT ngày 19 tháng 01 năm 2018 về việc: “Tranh chấp di sản thửa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 20/2017/DS-ST ngày 06 tháng 12 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện Văn Giang bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2018/QĐ-PT ngày 28 tháng 02 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị L - SN 1951

Cư trú tại: Thôn A, xã B, huyện C, Hưng Yên

2. Bị đơn: Ông Trần Ngọc H - SN 1948

Cư trú tại: Thôn A, xã B, huyện C, Hưng Yên

Đại diện theo ủy quyền: anh Trần Long H (theo văn bản ủy quyền ngày 01/03/2018)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Trần Thị N, sinh năm 1959; bà Trần Thị H, sinh năm 1963; bà Trương Thị H, sinh năm 1953; ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1940; anh Nguyễn Chí M, sinh năm 1975.

Đều trú tại: Thôn A, xã B, huyện C, Hưng Yên

- Bà Trần Thị M - SN 1955, trú tại: Thôn D, xã E, huyện G, Hưng Yên 

- Anh Trần Long H - SN 1976, trú tại: Tổ H, phường I, quận K, Thành phố Hà Nội

- Anh Vũ Văn T - SN 1976, trú tại: Thôn O, xã B, huyện C, Hưng Yên

- Ông Trương Văn T - SN 1960, trú tại: Thôn P, xã B, huyện C, Hưng Yên

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Ngọc H và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Trần Long H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện cùng lời khai trong quá trình tố tụng nguyên đơn bà Trần Thị L trình bày:

Bố bà là cụ Trần Khắc Q, sinh năm 1917, chết năm 2004 và mẹ là cụ Nguyễn Thị T, sinh năm 1917, chết năm 2010, sinh được 5 người con gồm: Ông Trần Ngọc H, bà (Trần Thị L), bà Trần Thị M, Trần Thị N và bà Trần Thị H.

Ngoài ra cụ Q còn nhận ông Nguyễn Văn T làm con nuôi từ khi ông T khoảng 13 - 14 tuổi, được một thời gian ông T đã bỏ về với bố mẹ đẻ sinh sống, việc nhận ông T làm con nuôi chỉ giao kết bằng lời nói, không làm thủ tục khai nhận với chính quyền địa phương.

Khi còn sống, bố mẹ bà tạo dựng được 2 thửa đất ở gồm: Thửa đất số 222 tờ bản đồ số 07, diện tích 100m2; thửa đất số 224 tờ bản đồ số 07 diện tích 75m2 cùng ở thôn A, xã B, huyện C. Năm 1976, bố mẹ bà xây một ngôi nhà cấp 4 ba gian và bếp trên thửa đất số 222. Sau này khi nóc nhà bị dột, vợ chồng bà Trương Thị H có sửa chữa lại nhưng toàn bộ tiền sửa chữa hết 19.000.000đ đều là tiền của bố mẹ bà đưa cho bà Trương Thị H.

Khi Nhà nước chia đất ruộng nông nghiệp, theo tiêu chuẩn bố mẹ bà được chia 850m2 đất ruộng nông nghiệp tại Bãi Dâu và 180m2 đất rau. Các thửa đất đất ở, đất ruộng nông nghiệp đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ Trần Khắc Q .

Năm 2004, cụ Q chết mà không để lại di chúc. Cụ T ở một mình, ông H đón cụ T về nuôi dưỡng một thời gian ngắn thì đuổi cụ về. Sau này khi cụ T ốm yếu, ông H ép cụ phải ra ở cùng, được một thời gian thì cụ T chết, không để lại di chúc phân chia di sản cho các con.

Sau khi bố, mẹ bà chết, ông H, bà Trương Thị H đứng ra cho người khác thuê diện tích đất ruộng nông nghiệp của hai cụ với số tiền là 18.300.000đ và giữ lại chi tiêu hết.

Đối với 2 thửa đất ở, ông H cho rằng mình là con trai nên tự quản lý toàn bộ, khi các bà tới thắp hương, cúng giỗ thì ông H không cho vào nhà, còn gây gổ, đánh đuổi các bà, nên 4 chị em gái phải mang đồ lễ tới mộ phần của bố mẹ để thắp hương, cúng giỗ. Khi anh chị em xảy ra mâu thuẫn, chính quyền thôn, xã B đã nhiều lần hòa giải, khuyên bảo ông H, nhưng chỉ được một thời gian ngắn, ông H tiếp tục đánh đuổi các bà. Bố mẹ bà chết không để lại khối nợ nào cho các con. Việc ma chay, sang cát cho bố mẹ, các con cùng có trách nhiệm. Bà không có yêu cầu gì về việc này.

Nay bà khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật gồm thửa đất số 222 diện tích 100m2; Thửa đất số 224 diện tích 75m2; cùng nhà cấp 4 xây dựng trên thửa đất số 222; 850m2 đất ruộng nông nghiệp; 180m2 đất rau, 19.000.000đ tiền cụ T để lại và 18.300.000đ tiền cho thuê đất ruộng nông nghiệp

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Trương Thị H và anh Trần Long H xác nhận:

Về quan hệ nhân thân, như trình bày của bà L. Di sản hai cụ để lại gồm 2 thửa đất ở, cùng ngôi nhà cấp 4. Năm 1993, cụ Q và cụ T được chia 02 xuất đất nông nghiệp, mỗi xuất được chia 9 miếng, cùng chia trong tiêu chuẩn của hai cụ còn có tiêu chuẩn ruộng của anh Trần Long H. Tổng diện tích đất nông nghiệp là 2,7 sào, vợ chồng bà cho ông Vũ Văn T ở thôn O, xã B thuê từ năm 2014 -2019 được số tiền 18.400.000đ. Số tiền này đã lo công việc, giỗ cho hai cụ hết.

Đối với ngôi nhà cấp 4 ba gian và bếp bố mẹ chồng bà để lại, khi các cụ còn sống bà đã phá đi xây dựng lại hoàn toàn, chỉ tận dụng được móng nhà. Sau đó nóc nhà bị mối ăn, bà lại phá nóc nhà đi để làm lại nóc nhà. Chi phí xây dựng lại nhà và sửa nóc nhà bố mẹ chồng bà đưa cho bà 12 triệu đồng chứ không phải 19 triệu như các bà L, M, N và Trần Thị H trình bày, số ít còn lại là tiền của bà, do thời gian đã lâu và sửa nhà để các cụ ở nên bà không còn nhớ cụ thể là bao nhiêu.

Chi phí ma chay, sang cát cho các cụ, các con có trách nhiệm đóng góp nhưng chủ yếu là vợ chồng bà, bà không yêu cầu gì về việc này.

Năm 1999, cụ Q có lập một bản di chúc, cho anh Trần Long H được thừa kế toàn bộ di sản của hai cụ. Nay gia đình bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà L. Đề nghị giải quyết theo di chúc của cụ Q. Gia đình bà vẫn sẽ giữ lại nhà đất của hai cụ để thờ cúng. Đối với đất nông nghiệp gia đình bà sẽ tiếp tục cho thuê để lấy tiền lo công việc trong gia đình.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Trần Thị M, bà Trần Thị N, bà Trần Thị H xác định:

Đối với quan hệ gia đình và các tài sản, các bà đều nhất trí với phần trình bày của bà L. Đồng thời khẳng định khi còn sống, cụ Q không lập di chúc phân chia tài sản cho các con, việc anh Trần Long H cung cấp bản di chúc là hoàn toàn không đúng. Đề nghị tòa án xem xét, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L. Các bà không yêu cầu giải quyết về chi phí mai táng, sang cát cho cụ Q, cụ T và thống nhất sẽ giao phần tài sản mà mình được hưởng cho bà L quản lý, sử dụng. Trường hợp phát sinh tranh chấp các bà sẽ yêu cầu tòa án giải quyết trong một vụ án khác.

Ông Vũ Văn T trình bày:

Từ tháng 3/2014, ông thuê của bà Trương Thị H, ông Trần Ngọc H thửa đất ruộng nông nghiệp diện tích khoảng 830m2 tại xứ đồng Bãi Dâu tại thôn A, xã B. Thời hạn thuê đến năm 2019 với số tiền thuê 18.400.000đ, ông đã trả tiền đầy đủ cho vợ chồng bà Trương Thị H, ông H. Nếu Tòa án phân chia diện tích đất ông thuê, ông đề nghị được tiếp tục canh tác cho đến khi hết hạn.

Ông Trương Văn T trình bày:

Trước năm 2007, ông có thuê của bà Trương Thị H một thửa đất tại khu Cửa Quán, gọi là đất rau, diện tích khoảng 370m2 để canh tác. Sau năm 2007, do không có điều kiện canh tác nên đã cho anh Nguyễn Chí M thuê thửa đất trên và một phần đất của nhà ông. Theo thỏa thuận ông cho anh M thuê chương 1 từ ngày 01/5/2007 đến 01/5/2013 với tổng số tiền thuê thửa đất là 10.800.000đ. Ông đã trả lại bà Trương Thị H số tiền thuê tương ứng với phần diện tích đất ruộng của bà Trương Thị H. Hết hạn ông cho anh M thuê tiếp đến ngày 18/5/2018 với số tiền là 18.000.000đ, ông cũng đã trả bà Trương Thị H tiền thuê tương đương với diện tích đất của bà Trương Thị H cho thuê. Nếu Tòa án phân chia phần diện tích đất ông cho anh M thuê, thì bà Trương Thị H phải có trách nhiệm trả lại anh M số tiền tương đương với thời gian anh M chưa sử dụng ruộng.

Anh Nguyễn Chí M trình bày:

Anh có thuê lại của anh Trương Văn T một thửa đất rau. Khi thuê ruộng anh và anh Trương Văn T có lập văn bản thỏa thuận thuê ruộng. Toàn bộ tiền thuê ruộng anh đã giao cho anh Trương Văn T. Nếu Tòa án giải quyết phân chia thửa đất anh đang thuê, anh cũng không có ý kiến, yêu cầu gì. Nếu thu hồi thửa đất trước khi anh hết hạn thuê anh sẽ thỏa thuận với anh Trương Văn T, trường hợp phát sinh mâu thuẫn, anh sẽ yêu cầu sau.

Người làm chứng ông Nguyễn Văn T trình bày: Năm ông 14 tuổi, cụ Trần Khắc Q nhận ông làm con nuôi. Việc nhận làm con nuôi chỉ bằng miệng, không có văn bản, giấy tờ gì. Từ khi được nhận làm con nuôi, ông thường xuyên đi lại gia đình cụ Q, nhưng không chuyển hộ khẩu về cùng hộ với cụ Q, cụ T. Nay bà L khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Q, cụ T để lại, ông tự nguyện không yêu cầu được hưởng thừa kế của hai cụ. Trong thời gian cụ Q còn sống chưa khi nào ông nghe thấy việc cụ Q lập di chúc phân chia di sản cho các con.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 20/2017/DS-ST ngày 06 tháng 12 năm 2017, Toà án nhân dân huyện Văn Giang đã quyết định:

Áp dụng:

- Các Điều 649, 652, 653, 655, 656, 658, 660 Bộ luật dân sự năm 1995.

- Các Điều 623, 627, 628, 630, 631, 649, 650, 651, 688, 357, 468 Bộ luật dân sự năm 2015

- Điều 98 Luật đất đai năm 2013.

- Luật phí và lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội.

- Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trần Khắc Q và cụ Nguyễn Thị T gồm: Ông Trần Ngọc H, bà Trần Thị L, bà Trần Thị M, bà Trần Thị N, bà Trần Thị H và ông Nguyễn Văn T.

- Xác nhận di sản thừa kế của cụ Trần Khắc Q và cụ Nguyễn Thị T để lại gồm: Thửa đất số 222, tờ bản đồ số 07, diện tích 176m2; Thửa đất số 224 tờ bản đồ số 07, diện tích 75m2 đều tại thôn A, xã B, huyện C; 01 ngôi nhà cấp 4 và bếp xây dựng trên thửa đất số 222, tờ bản đồ số 07; Diện tích 686,6m2 đất ruộng nông nghiệp tại thửa số 15/4, tờ bản đồ số 11 tại Đội 14, thôn A; Số tiền 12.200.000đ. Tổng giá trị di sản: 460.494.000đ.

- Tuyên bố “Bản di chúc” lập ngày 20/01/1999, người ký Trần Khắc Q là vô hiệu. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị L về việc chia di sản thừa kế của cụ Trần Khắc Q và cụ Nguyễn Thị T theo pháp luật.

Đình chỉ phần yêu cầu chia thừa kế đối với số tiền 19.000.000đ của bà Trần Thị L.

Chấp nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị M, Trần Thị N và Trần Thị H về việc giao toàn bộ di sản được chia cho bà Trần Thị L quản lý, sử dụng.

Ghi nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Văn T không yêu cầu được hưởng di sản thừa kế của cụ Trần Khắc Q và cụ Nguyễn Thị T.

- Áng trích công sức trông nom tài sản cho ông Trần Ngọc H số tiền 21.000.000đ từ di sản thừa kế của cụ Q, cụ T.

- Giao ông Trần Ngọc H được hưởng và quản lý, sử dụng thửa đất số 224 tờ bản đồ số 07, diện tích 75m2 tại thôn A, xã B, huyện C, có giá trị: 112.500.000đ.

- Giao các bà Trần Thị L, Trần Thị M, Trần Thị N và Trần Thị H được hưởng và quản lý, sử dụng: Thửa đất số 222, tờ bản đồ số 07, diện tích 176m2 tại thôn A, xã B, huyện C trên đất có 01 ngôi nhà cấp 4; Thửa đất nông nghiệp diện tích 686.6m2 tại thửa số 15/4 tờ bản đồ số 11 tại Đội 14, thôn A; Số tiền 12.200.000đ. Tổng giá trị: 337.994.000đ.

Giao bà L đại diện cho bà M, bà N và bà Trần Thị H quản lý, sử dụng những tài sản trên.

Giao anh Trần Long H được quản lý, sử dụng 180m2 đất nông nghiệp tại thửa số 131/25, Tờ bản đồ số 07 và 163.4m2 tại thửa tại thửa số 15/4 tờ bản đồ số 11 tại Đội 14, thôn A, xã B.

Các thửa đất giao các đương sự quản lý, sử dụng đều có sơ đồ kèm theo.

Bà Trương Thị H có nghĩa vụ giao trả bà Trần Thị L số tiền 12.200.000đ hiện bà Trương Thị H đang quản lý.

Sau khi đối trừ phần di sản các bên được hưởng và công sức trông nom di sản ông H được hưởng, ông H còn phải trả lại các bà L, M, N và bà Trần Thị H mỗi bà số tiền: 900.300đ. Miễn toàn bộ án phí DSST cho bà L, bà M, N. Giảm 50% án phí cho bà Trần Thị H.

Ngoài ra bản án còn quyết định về lãi suất chậm thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 18/12/2017, ông Trần Ngọc H và anh Trần Long H kháng cáo đề nghị công nhận di chúc của cụ Trần Khắc Q, hủy bản án sơ thẩm với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm chưa phân chia phần giá trị ngôi nhà cấp 4 là di sản thừa kế; chưa xem xét công sức xây dựng, tôn tạo, giữ gìn di sản của ông H, bà Trương Thị H; xác định sai đối tượng và phân chia không đúng, không hợp tình, hợp lý.

Tại đơn khiếu nại ngày 06/01/2018 ông H đề nghị Tòa án xem xét ông đã chi xây mồ mả cho bố mẹ và anh chị mất lúc nhỏ hết 47.879.000 đồng trừ 13.800.000 đồng còn 34.079.000 đồng; đơn trình bầy ngày 12/02/2018 của anh Trần Long H đề nghị phần đất nông nghiệp của anh được giao tại 2 thửa gồm 283,3 m2 tại Bãi Dâu và 60m2 đất rau đề nghị Tòa phân chia cho anh đủ ở 2 thửa đất này.

Tại phiên tòa: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bổ sung kháng cáo: đề nghị giao cho Trần Ngọc H phần đất có ngôi nhà cấp 4 để làm nơi thờ cúng; đất nông nghiệp chia theo kỷ phần.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà L, N, M, Trần Thị H nhất trí đề nghị: đối với diện tích đất nông nghiệp đã cho thuê, ông H và bà Trương Thị H có trách nhiệm giao ruộng cho các bà khi hết hợp đồng vào ngày 05/04/2019.

Đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa.

Về nội dung: Áp dụng Điều 308, 309 BLTTDS. Đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của ông H và anh Trần Long H. Sửa bản án sơ thẩm theo hướng tính lại tổng giá trị di sản thừa kế; xác định số tiền cho thuê ruộng là 12.200.000 đồng ông H, bà Trương Thị H đã sử dụng vào việc cúng giỗ, xây mồ mả.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan, đầy đủ các chứng cứ, lời trình bầy của các đương sự, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Về hàng thừa kế: Tòa án cấp sơ thẩm xác định những người được hưởng di sản thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trần Khắc Q và Nguyễn Thị T gồm: Ông Trần Ngọc H, bà Trần Thị L, bà Trần Thị M, Trần Thị N, bà Trần Thị H và ông Nguyễn Văn T. Ông T từ chối nhận di sản, Tòa án cấp sơ thẩm xác định đúng người được hưởng di sản thừa kế và chia khối di sản của cụ Q, cụ T làm 05 kỷ phần là có căn cứ.

Xét kháng cáo Ông Trần Ngọc H và anh Trần Long H, thấy:

[1.]. Về bản di chúc:

Bản di chúc lập ngày 20/01/1999, có nội dung: “Tôi là Trần Khắc Q và vợ là Nguyễn Thị T .. vợ chồng chúng tôi tuổi đã cao có viết bản di chúc để dự phòng sau này: Để lại cho cháu đích tôn là Trần Long H sau này chúng tôi có khuất núi đi thì tài sản, trao quyền nhà cùng tài sản để lại cho cháu Huân bảo quản khi giỗ ngày tết...” được ký tên Trần Khắc Q.

Về hình thức: Di chúc trên được xác định là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, không có chứng nhận, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định tại điều 658 BLDS năm 1995: .. việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại điều 656 Bộ luật này. Đối chiếu quy định tại điều 656 BLDS năm 1995 với nội dung di chúc thấy: di chúc không ghi rõ di sản để lại gồm những tài sản gì, địa chỉ nơi có di sản. Mặt khác, di sản thừa kế là tài sản chung của của cụ Q, cụ T; thời điểm lập di chúc cụ T vẫn còn sống nhưng di chúc chỉ do một mình cụ Q định đoạt. Hình thức và nội dung của di chúc đã vi phạm quy định tại Điều 637, 655, 656, và Điều 658, 660 BLDS năm 1995. Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Hưng Yên thể hiện: chữ ký, chữ viết họ tên Trần Khắc Q phía dưới bản di chúc lập ngày 20/01/1999 với chữ ký, chữ viết họ tên Trần Khắc Q trong đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/6/1991 dưới phần người làm đơn không phải do cùng một người ký, viết ra.

Từ những căn cứ trên, có cơ sở xác định “Bản di chúc” lập ngày 20/01/1999 là di chúc không hợp pháp. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc của anh Trần Long H, áp dụng quy định của pháp luật để chia thừa kế di sản của cụ Q, cụ T là có cơ sở.

[2]. Đối với kháng cáo xem xét công sức xây dựng, tôn tạo, giữ gìn di sản của ông H, bà Trương Thị H, HĐXX thấy: Cụ T chết năm 2010, vợ chồng ông H là người trông coi khối di sản trên đến thời điểm xét xử sơ thẩm là 7 năm. Tòa án cấp sơ thẩm đã áng trích công sức cho vợ chồng ông H 21.000.000 đồng là có căn cứ.

[3]. Về di sản thừa kế: Theo biên bản thỏa thuận về giá trị di sản thì di sản cụ Q, cụ T để lại gồm: Đất ở có giá trị 376.500.000 đồng + Đất nông nghiệp trị giá 61.794.000đồng + Nhà cấp 4 giá trị sử dụng còn 10.000.000 đồng + Tiền thuê ruộng 12.200.000 đồng. Tổng trị giá: 460.494.000 đồng.

Tại cấp phúc thẩm ông H xuất trình bản kê chi phí cho việc xây mồ mả cho bố mẹ và anh chị mất lúc nhỏ hết 47.879.000 đồng trừ 13.800.000 đồng (tiền cho thuê ruộng) còn 34.079.000 đồng. Các bà L, Trần Thị H, M, N xác định mỗi khi gia đình có việc gì cũng chia đều cho 5 anh em; bà Trương Thị H thì cho rằng vợ chồng bà lo là chính, bốn bà con gái chỉ thêm vào để trả nghĩa. Xét thấy, từ sau khi cụ T mất ông H trực tiếp canh tác thu hoạch và cho thuê ruộng nông nghiệp để dùng vào việc cúng giỗ hàng năm. Các bà L, Trần Thị H, M, N có đóng góp nhưng ông H là con trai trưởng phải chịu trách nhiệm chính trong việc lo ma chay, cúng giỗ và xây mộ cho các cụ. Số tiền cho thuê ruộng ông H, bà Trương Thị H đã sử dụng hết vào việc chung nên có cơ sở chấp nhận kháng cáo của ông H.

Như vậy, di sản của cụ Q, cụ T để lại là: Đất ở trị giá 376.500.000 đồng + Đất nông nghiệp trị giá 61.794.000đồng + Nhà cấp 4 giá trị sử dụng còn 10.000.000 đồng. Tổng trị giá: 448.294.000 đồng. Chia làm 05 kỷ phần bằng nhau cho ông H, bà L, bà N, bà M và bà Trần Thị H; mỗi kỷ phần có giá trị: (448.294.000đ - 21.000.000đ) : 5 = 85.458.800 đồng

Xét về nhu cầu sử dụng đất di sản, thấy: Ông Trần Ngọc H có nhà riêng và thờ cúng bố mẹ, tổ tiên tại nhà riêng ở cùng thôn A; hiện nhà đất của cụ Q, cụ T để xuống cấp không có người quản lý, sử dụng. Tại phiên tòa anh Trần Long H đề nghị giao cho ông H phần đất có ngôi nhà cấp 4 đề làm nơi thờ cúng. Căn cứ sơ đồ hiện trạng thể hiện ngôi nhà cấp 4 và bếp được xây dựng có chiều rộng mặt đường là 7,9m, kéo dài 16,65m. Đất di sản tại thửa 222 có chiều rộng mặt đường 9,9m, chiều dài 19,5 m. Nếu giao cho ông H diện tích đất có ngôi nhà thì diện tích đất còn lại không đảm bảo diện tích mặt đường tối thiểu để giao cho thừa kế khác sử dụng.

Tòa án cấp sơ thẩm giao cho ông H quản lý, sử dụng toàn bộ thửa đất 224 diện tích 75m2 trị giá 112.500.000 đồng. Giao cho các bà L, M, N, Trần Thị H: 686,6 m2 đất nông nghiệp trị giá 61.794.000đồng + 176m2 đất ở trị giá 264.000.000 đ + Ngôi nhà cấp 4 giá trị sử dụng còn 10.000.000. Tổng cộng: 335.794.000đ là đảm bảo các thừa kế đều được chia di sản bằng hiện vật và thuận lợi trong việc thi hành án. Do Tòa án cấp sơ thẩm tính tổng giá trị của di sản bằng 337.994.000 đồng là chưa chính xác, cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại.

Kỷ phần 4 bà được hưởng trị giá 341.835.200đồng. Đối trừ phần giá trị tài sản được chia, tiền công sức trông nom khối di sản, ông H có nghĩa vụ trả lại các bà L, M, N, Trần Thị H số tiền 6.014.200 đồng. Mỗi bà 1.510.300 đồng.

Đối với đất ruộng nông nghiệp tại xứ đồng Bãi Dâu thôn A gia đình ông H cho ông Vũ Văn T thuê theo giao ước cho thuê ruộng đến 1/3/2019 (Âm lịch) tức ngày 05/04/2019 mới hết hạn thuê. Các bà L, M, N, Trần Thị H đều nhất trí đề nghị diện tích đất nông nghiệp, ông H và bà Trương Thị H có trách nhiệm giao cho các bà vào thời điểm hết thời hạn cho thuê ruộng 05/04/2019.

Xét kháng cáo của ông H đối với việc cấp sơ thẩm chưa xem xét tới việc ông nhiều lần tu bổ nhà cấp 4, thấy: Tại cấp sơ thẩm Tòa án đã nhiều lần triệu tập nhưng ông H từ chối tham gia tố tụng và có giấy ủy cho bà Trương Thị H, anh Trần Long H tham gia tố tụng. Tại BL 51 và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bà Trương Thị H đều xác định khi còn sống cụ T có cho bà 12.000.000 đồng và bà đã dùng số tiền này vào hai lần sửa nhà cấp 4 nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Đối với tiêu chuẩn đất nông nghiệp: Cụ Q, cụ T và anh Trần Long H được chia chung tổng số 1030 m2 đất nông nghiệp, anh Trần Long H được 1/3 diện tích đất trên bằng 343.3 m2. Tòa án cấp sơ thẩm đã giao cho anh Trần Long H quản lý, sử dụng 180m2 đất nông nghiệp tại thửa số 131/25, tờ bản đồ số 07 và 163.4m2 tại thửa tại thửa số 15/4 tờ bản đồ số 11 tại Đội 14, thôn A, xã B là phù hợp đảm bảo diện tích để canh tác và sự công bằng về giá trị quyền sử dụng đất.

Từ những phân tích trên có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Ngọc H và anh Trần Long H. Ông H, anh Trần Long H không phải chịu án phí phúc thẩm.

Ngày 15/12/2017, ông Trần Ngọc H có đơn xin miễn giảm án phí vì tuổi cao, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn có xác nhận của chính quyền địa phương nên xem xét miễn toàn bộ án phí DSST cho ông H.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trần Ngọc H và anh Trần Long H. Sửa bản án dân sự sơ thẩm.

Áp dụng: Điều 637, 649, 652, 653, 655, 656, 658, 660 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 623, 649, 650, 651, 658 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 98 Luật đất đai năm 2013.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị L

1. Tuyên bố “Bản di chúc” lập ngày 20/01/1999, người ký Trần Khắc Q là vô hiệu. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị L về việc chia di sản thừa kế của cụ Trần Khắc Q và cụ Nguyễn Thị T theo pháp luật.

2. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trần Khắc Q và cụ Nguyễn Thị T gồm: Ông Trần Ngọc H, bà Trần Thị L, bà Trần Thị M, bà Trần Thị N, bà Trần Thị H.

3. Xác định di sản thừa kế của cụ Trần Khắc Q và cụ Nguyễn Thị T để lại gồm: Thửa đất số 222, tờ bản đồ số 07, diện tích 176m2; Thửa đất số 224 tờ bản đồ số 07, diện tích 75m2 đều tại thôn A, xã B, huyện C; 01 ngôi nhà cấp 4 và bếp xây dựng trên thửa đất số 222, tờ bản đồ số 07; Diện tích 686,6m2 đất ruộng nông nghiệp tại thửa số 15/4, tờ bản đồ số 11 tại Đội 14, thôn A. Tổng giá trị di sản: 448.294.000 đồng.

Chấp nhận sự tự nguyện của bà Trần Thị M, Trần Thị N và Trần Thị H về việc giao toàn bộ di sản được chia cho bà Trần Thị L quản lý, sử dụng.

4. Áng trích công sức trông nom di sản cho Ông Trần Ngọc H số tiền 21.000.000đ từ di sản thừa kế của cụ Q, cụ T. Ông H, bà Trương Thị H được hưởng số tiền cho thuê ruộng là 12.200.000đ

- Giao Ông Trần Ngọc H quản lý, sử dụng thửa đất số 224 tờ bản đồ số 07, diện tích 75m2 tại thôn A, xã B, huyện C, có giá trị: 112.500.000đồng.

- Giao các bà Trần Thị L, Trần Thị M, Trần Thị N và Trần Thị H được sở hữu và quản lý, sử dụng: Thửa đất số 222, tờ bản đồ số 07, diện tích 176m2 tại thôn A, xã B, huyện C trên đất có 01 ngôi nhà cấp 4; Thửa đất nông nghiệp diện tích 686.6m2 tại thửa số 15/4 tờ bản đồ số 11 tại Đội 14, thôn A. Tổng giá trị: 335.794.000đồng. Giao bà L đại diện cho bà M, bà N và bà Trần Thị H sở hữu và quản lý, sử dụng những tài sản trên.

Ông H và bà Trương Thị H có trách nhiệm giao đất nông nghiệp diện tích 686,6m2 tại thửa số 15/4, tờ bản đồ số 11 tại Đội 14, thôn A cho bà L sau khi hết hợp đồng thuê ruộng với ông Vũ Văn T vào ngày 05/04/2019.

Giao anh Trần Long H được quản lý, sử dụng 180m2 đất nông nghiệp tại thửa số 131/25, Tờ bản đồ số 07 và 163.4m2 tại thửa tại thửa số 15/4 tờ bản đồ số 11 tại Đội 14, thôn A, xã B. (Các thửa đất giao các đương sự quản lý, sử dụng đều có sơ đồ kèm theo)

Sau khi đối trừ phần di sản các bên được hưởng và công sức trông nom di sản. Ông H còn phải trả lại các bà L, M, N và Trần Thị H mỗi bà số tiền: 1.510.300 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn đề nghị THA hợp pháp, nếu bên phải thi hành chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì phải chịu lãi suất chậm trả tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

5. Về án phí:

- Án phí sơ thẩm: Ông Trần Ngọc H, bà Trần Thị L, bà Trần Thị M, bà Trần Thị N, bà Trần Thị H mỗi người phải chịu 4.272.940 đồng án phí DSST. Miễn toàn bộ án phí DSST cho ông H, bà L, bà M, bà N. Giảm cho bà Trần Thị H 2.172.940 đồng. Bà Trần Thị H còn phải chịu 2.100.000 đ án phí DSST. Ghi nhận bà L tự nguyện chịu toàn bộ án phí thay bà Trần Thị H. Đối trừ 11.000.000 đồng tiền  tạm ứng án phí bà L đã nộp theo biên lai thu số 015246 ngày 10/01/2017 của Chi cục THA dân sự huyện C. Bà L đã nộp dủ án phí DSST. Hoàn trả bà L số tiền 8.900.000 đồng.

+ Án phí phúc thẩm: Hoàn trả anh Trần Long H 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 015602 ngày 18/12/2017 của Chi cục THADS huyện C.

Những quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị hội đồng xét xử phúc thẩm không giải quyết, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1967
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 11/2018/DS-PT

Số hiệu:11/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về