TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 187/2023/DS-PT NGÀY 24/04/2023 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ, HỦY GCN QSDĐ, YÊU CẦU TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU VÀ CÔNG NHẬN HỢP ĐỒNG
Ngày 24 tháng 4 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 370/2022/TLPT-DS ngày 05 tháng 11 năm 2022 về việc “Tranh chấp di sản thừa kế, hủy GCNQSD đất, yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và công nhận hợp đồng”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2022/DS-ST ngày 20 tháng 5 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 3996/2023/QĐ-PT ngày 07 tháng 4 năm 2023, giữa các đương sự:
* Nguyên đơn:
1. Ông Thạch Từ H, sinh năm 1953;
Địa chỉ: TDP VTD, phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.
2. Bà Thạch Thị H1, sinh năm 1953;
Địa chỉ: TDP HL, phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn:
1. Chị Chử Thị Mỹ H2, sinh năm 1998;
Địa chỉ: Khu 1, xã TX, huyện LT, tỉnh PT, có đơn xin xét xử vắng mặt.
2. Bà Vũ Thị H4, sinh năm 1974;
Địa chỉ: Tổ 8, khu 2, phường VC, thành phố VT, tỉnh PT, có mặt.
* Bị đơn: Bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1959;
Địa chỉ: TDP VTD, phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bao gồm:
1. Chị Nguyễn Thị Thu N, sinh năm 1996;
Địa chỉ: Tổ 38, khu 5, phường VP, thành phố VT, tỉnh PT, có đơn xin xét xử vắng mặt.
2. Ông Nguyễn Việt S, sinh năm 1973;
Địa chỉ: Đội 8, phường Minh Nông, thành phố VT, tỉnh PT, vắng mặt.
3. Ông Đặng Ngọc S1, sinh năm 1974;
Địa chỉ: Phường VC, thành phố VT, tỉnh PT, vắng mặt.
4. Bà Đỗ Minh N1, sinh năm 1997;
Địa chỉ: Đội 6, khu HP, phường MN, thành phố VT, tỉnh PT, vắng mặt.
5. Bà Nguyễn Thị Thu P, sinh năm 1999;
Địa chỉ: Xã PN, huyện LT, tỉnh PT, vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Ông Cù Tiến A, sinh năm 1963 và bà Nguyễn Thị Xuân H5, sinh năm 1965;
Cùng địa chỉ: Số nhà 28, ngõ 20, đường ML, khu Vinh TT, phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc, đều vắng mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Uỷ ban nhân dân thành phố VY; địa chỉ: Đường LL, phường TS, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.
2. Ủy ban nhân dân phường KQ; địa chỉ: Phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc, vắng mặt.
3. Chị Đỗ Thị Minh T, sinh năm 1982 và anh Trần Đức L, sinh năm 1980; địa chỉ: 7/18 ngõ 432 DC, phường CV, quận BD, Thành phố HN, chị T có mặt, anh L vắng mặt.
4. Chị Thạch Thị Ngọc T1, sinh năm 1983 và anh Vi Quang P, sinh năm 1973 (là con gái, con rể bà K), vắng mặt.
5. Chị Thạch Thị T2, sinh năm 1990 và anh Nguyễn Văn T3, sinh năm 1990 (là con gái, con rể bà K), vắng mặt.
Cùng địa chỉ: Tổ dân phố Vinh TT, phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc.
6. Chị Thạch Thị T6 (là con ông H6, bà K), sinh năm 1986;
Địa chỉ: Thôn NK, xã SN, huyện SD, tỉnh TQ, vắng mặt.
* Người kháng cáo: Ông Thạch Từ H và bà Thạch Thị H1.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, các bản tự khai và bản án sơ thẩm, phía nguyên đơn trình bày:
Bố mẹ của các nguyên đơn là các cụ Thạch Văn Đ và Trần Thị T5 sinh được ba người con bao gồm: Ông Thạch Văn H6 (hay Thạch Quách H6, Thạch Ngọc H6), Thạch Từ H, Thạch Thị H1; ngoài ba người con chung, hai cụ không có con nuôi, con riêng; cụ Đ chết năm 1996, cụ T5 chết năm 1990. Trước khi chết hai cụ có 01 thửa đất diện tích khoảng 1.273m2 tại tổ dân phố VTD, phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc, hai cụ không để lại di chúc để phân chia di sản. Sau khi cụ Đ và cụ T5 chết thì ông Thạch Văn H6 tự ý kê khai và được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (sau đây gọi tắt là GCNQSD) đất ngày 25/3/2002. Sau khi được cấp GCNQSD đất ông Thạch Văn H6 và vợ là Nguyễn Thị K đã tự ý chuyển nhượng cho chị Đỗ Thị Minh T diện tích 941m2 đất; ngày 18/8/2005 ông Thạch Văn H6 chết. Ngày 25/5/2007 các con chung của bà K với ông H6 là chị Thạch Thị Ngọc T1, chị Thạch Thị T2 và chị Thạch Thị T6 lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản với nội dung bà K được đứng tên, sử dụng diện tích đất còn lại là 332m2. Căn cứ vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản, ngày 17/01/2008 bà Nguyễn Thị K lại chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích 75m2 đất trong số diện tích đất 332m2 cho chị Đỗ Thị Minh T và chồng là Trần Đức L và chuyển nhượng cho vợ chồng ông Cù Tiến A, bà Nguyễn Thị Xuân H5 27m2. Việc ông Thạch Văn H6, bà Nguyễn Thị K tự ý chuyển nhượng diện tích đất là di sản của cụ Đ và cụ T5 cho chị T, ông A đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn. Hiện nay diện tích đất ông H6, bà K đã chuyển nhượng cho chị T đã được nhà nước cấp GCNQSD đất, còn diện tích đất ông H6, bà K chuyển nhượng cho ông A, bà H5 vẫn chưa được nhà nước cấp GCNQSD đất. Vì vậy, ông H, bà H1 khởi kiện đề nghị tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ( sau đây gọi tắt là HĐCNQSDĐ) giữa ông H6, bà K cho vợ chồng chị T, anh L và HĐCNQSDĐ giữa ông H6, bà K cho ông A, bà H5 là vô hiệu; hủy các GCNQSD đất đã cấp cho chị Đỗ Thị Minh T và bà Nguyễn Thị K; sau khi hủy các GCNQSD đất được nhà nước cấp cho chị T, bà K thì chia thừa kế đối với toàn bộ diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
Bị đơn là bà Nguyễn Thị K và người đại diện theo ủy quyền trình bày: Nhất trí với ý kiến của phía nguyên đơn về quan hệ huyết thống, thời gian cụ Đ, cụ T5 chết, về nguồn gốc tài sản; thừa nhận việc bà cùng ông H6 đã chuyển nhượng cho chị Đỗ Thị Minh T và anh L 941m2, chuyển nhượng cho ông A, bà H5 27m2 trong số diện tích đất 1.273m2 do cụ Đ, cụ T5 để lại vào năm 2002 và việc bà K chuyển nhượng diện tích 75m2 đất cho chị Đỗ Thị Minh T và chồng là Trần Đức L vào ngày 17/01/2008. Hiện nay số diện tích đất của cụ Đ, cụ T5 còn lại sau khi chuyển nhượng là 257m2 đang do bà trực tiếp quản lý, sử dụng đã được cấp GCNQSD đất đứng tên Nguyễn Thị K vào ngày 14/7/2008. Trên diện tích đất 257m2 này có ngôi nhà cấp 4 do vợ chồng chị Thạch Thị Ngọc T1, anh Vi Quang P (là con gái, con rể bà) xây dựng năm 2006 hiện đang trực tiếp sử dụng và nhà ba tầng do bà và Thạch Thị T2, anh Nguyễn Văn T3 (là con gái, con rể bà) xây dựng năm 2019 hiện do bà và Chị T2, anh T3 đang trực tiếp sử dụng. Nay ông H, bà H1 khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên bố HĐCNQSDĐ cho chị T vào ngày 26/3/2002; HĐCNQSDĐ cho chị T, anh L vào ngày 17/01/2008 và HĐCNQSDĐ cho ông A, bà H5 vào ngày 20/3/2002 là vô hiệu; yêu cầu hủy GCNQSD đất đứng tên chị T; hủy GCNQSD đất đứng tên bà (Nguyễn Thị K) và yêu cầu phân chia di sản thừa kế cụ Đ, cụ T5 để lại theo quy định của pháp luật thì bà hoàn toàn đồng ý, còn hậu quả thì giải quyết sau.
* Người liên quan có yêu cầu độc lập là ông Cù Tiến A, bà Nguyễn Thị Xuân H5 trình bày: Gia đình ông, bà là hàng xóm liền kề với gia đình ông H6, bà K, do có nhu cầu sử dụng đất nên gia đình đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 26m2 (đo đạc thực tế là 27,7m2) của gia đình ông H6, bà K vào ngày 20/3/2002. Khi nhận chuyển nhượng hai bên không lập HĐCNQSDĐ mà chỉ lập giấy chuyển nhượng viết tay, có đầy đủ chữ ký của bên chuyển nhượng là ông H6, bà K và bên nhận chuyển nhượng là vợ chồng ông bà; giấy viết tay chuyển nhượng không có xác nhận của địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến ngày 16/01/2006 gia đình ông bà đã lập lại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có xác nhận của UBND phường KQ. Tuy nhiên, lúc này ông H6 đã chết nên hợp đồng chỉ có chữ ký của bà K, không có chữ ký của ông H6. Nay ông H, bà H1 có đơn khởi kiện bà K đề nghị phân chia di sản thừa kế của cụ Đ, cụ T5 ông, bà không có ý kiến gì, nhưng do gia đình ông đã nhận chuyển nhượng của ông H6, bà K diện tích đất 27m2 ngày 20/3/2002 (đến nay đã 20 năm), sau khi nhận chuyển nhượng gia đình ông đã quản lý, sử dụng có ngăn cách với diện tích đất còn lại của gia đình ông H6, bà K từ lâu, không tranh chấp gì với ai; việc chuyển nhượng ông H, bà H1 và mọi người trong gia đình ông H6, bà K đều biết rõ nhưng không ai có ý kiến. Quá trình giải quyết thì ông H, bà H1 và bà K nói với ông là vẫn đồng ý chuyển nhượng cho gia đình ông diện tích 27m2 đất trên, không có tranh chấp gì với gia đình ông; ông H, bà H1 chỉ kiện đề nghị chia di sản thừa kế với phần đất ông H6, bà K đã chuyển nhượng cho chị T vào năm 2002 và năm 2008. Nay gia đình ông bà có yêu cầu độc lập là đề nghị Tòa án công nhận HĐCNQSDĐ ngày 20/3/2002 giữa ông Thạch Văn H6, bà Nguyễn Thị K với gia đình ông.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Đỗ Thị Minh T, anh Trần Đức L và người đại diện theo ủy quyền là anh Đỗ Hải H7 trình bày: Ngày 28/3/2002 vợ chồng ông Thạch Quách H6, bà Nguyễn Thị K đã ký HĐCNQSDĐ cho chị Đỗ Thị Minh T diện tích 941m2 đất trong tổng số 1273m2 đất của gia đình ông H6, bà K tại TDP VTD, phường KQ, thành phố VY. Sau khi nhận chuyển nhượng chị T đã làm thủ tục và được nhà nước cấp GCN vào ngày 01/4/2002. Sau khi ông H6 chết ngày 18/8/2005 thì bà Nguyễn Thị K đã thay mặt gia đình chuyển nhượng tiếp diện tích 75m2 đất cho chị Đỗ Thị Minh T và chồng là Trần Đức L vào ngày 17/01/2008. Cũng trong tháng 01/2008 vợ chồng chị Đỗ Thị Minh T, anh Trần Đức L đã nhận chuyển nhượng 174m2 đất của gia đình ông Nguyễn Văn M, bà Nguyễn Thị Đ1 (tiếp giáp với diện tích đất nhận chuyển nhượng của ông H6, bà K). Chị Đỗ Thị Minh T đã làm thủ tục đề nghị và đã được nhà nước cấp GCNQSD đất mang tên Đỗ Thị Minh T vào ngày 14/7/2008 với tổng diện tích là 1.190m2. Nay ông H, bà H1 khởi kiện đề nghị tuyên bố HĐCNQSDĐ do ông H6, bà K chuyển nhượng cho chị T năm 2002; HĐCNQSDĐ do bà K thay mặt gia đình chuyển nhượng cho chị T năm 2008 và hủy GCNQSD đất mang tên chị Đỗ Thị Minh T, anh, chị không đồng ý với lý do: Toàn bộ diện tích đất gia đình ông Thạch Quách H6, bà Nguyễn Thị K chuyển nhượng cho chị T vào năm 2002 và năm 2008 là hợp pháp, đất đã được nhà nước cấp GCNQSD đất; sau khi chị T nhận chuyển nhượng đã xây dựng tường rào ngăn cách với diện tích còn lại của gia đình ông H6, bà K; gia đình chị T xây dựng tường rào ngăn cách với đường dân sinh, xây dựng tường rào ngăn cách với các hộ liền kề và xây nhà ở ổn định lâu dài được nhà nước công nhận quyền sử dụng, mọi người trong gia đình ông H6, bà K không ai có ý kiến gì; ông H, bà H1 (là con của cụ Đ, cụ T5) biết rất rõ không có ý kiến gì về việc chuyển nhượng đất của ông H6, bà K cho gia đình chị T cũng như việc xây nhà của gia đình chị T cũng không có ý kiến gì. Việc ông H, bà H1 tranh chấp với bà K không liên quan đến gia đình chị T.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Thạch Thị Ngọc T1 và anh Vi Quang P (là con gái, con rể của bà K, ông H6) trình bày: Hiện nay vợ chồng anh chị đang sống tại ngôi nhà cấp 4 do vợ chồng xây dựng năm 2006 trên diện tích đất 257m2 đã được nhà nước cấp GCNQSD đất đứng tên bà Nguyễn Thị K. Việc ông H6, bà K chuyển nhượng đất cho những ai thì anh chị không được biết; nay ông H, bà H1 khởi kiện bà Nguyễn Thị K đề nghị tuyên bố các HĐCNQSDĐ vô hiệu; hủy GCN đứng tên chị T, bà K và phân chia di sản thừa kế của cụ Đ, cụ T5 thì vợ chồng không có ý kiến gì. Chị T1, anh P đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Thạch Thị T2 và anh Nguyễn Văn T3 (là con gái, con rể của bà K, ông H6) trình bày: Hiện nay vợ chồng anh chị đang sống cùng bà K tại ngôi nhà ba tầng xây dựng năm 2019 trên diện tích đất 257m2 đã được nhà nước cấp GCNQSD đất đứng tên bà Nguyễn Thị K. Việc ông H6, bà K chuyển nhượng đất cho ai thì anh chị không được biết, nay ông H, bà H1 khởi kiện bà Nguyễn Thị K đề nghị tuyên bố các HĐCNQSDĐ vô hiệu, Hủy GCNQSD đất đứng tên chị T, bà K và phân chia di sản thừa kế của cụ Đ, cụ T5 thì vợ chồng anh chị không có ý kiến gì. Chị T2, anh T3 đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị Thạch Thị T6 và anh Đỗ Văn Q (là con gái, con rể của bà K, ông H6) trình bày: Bố, mẹ anh chị là ông Thạch Văn H6, bà Nguyễn Thị K chuyển nhượng đất cho ai thì anh, chị không biết. Diện tích đất 257m2 đã được nhà nước cấp GCNQSD đất đứng tên bà Nguyễn Thị K hiện nay có 2 ngôi nhà bao gồm: 01 ngôi nhà cấp 4 xây dựng năm 2006 do vợ chồng anh Vi Quang P, chị Thạch Thị Ngọc T1 (là chị gái, anh rể) đang trực tiếp quản lý, sử dụng; 01 ngôi nhà 3 tầng xây dựng năm 2019 thì bà K sống cùng chị Thạch Thị T2, anh Nguyễn Văn T3 (là em gái, em rể) đang quản lý, sử dụng. Việc ông H, bà H1 khởi kiện bà Nguyễn Thị K đề nghị tuyên bố các HĐCNQSDĐ vô hiệu, hủy GCNQSD đất đứng tên chị T, bà K và phân chia di sản thừa kế của cụ Đ, cụ T5 thì vợ chồng anh, chị không có ý kiến gì. Chị T4, anh Q không có ý kiến khiếu nại hay thắc mắc gì, anh chị đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND phường KQ và UBND thành phố VY trình bày: Việc cấp các GCNQSD đất cho gia đình ông Thạch Văn H6, cho bà Nguyễn Thị K và chị Đỗ Thị Minh T thì UBND thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật về đất đai. Hiện nay ông H, bà H1 khởi kiện có yêu cầu hủy các GCNQSD đất đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Với nội dung trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2022/DS-ST ngày 20/5/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định;
Áp dụng: Khoản 3 Điều 42 Luật Tố tụng hành chính; khoản 3, khoản 5, khoản 9 Điều 26; Điều 34; Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 117; Điều 118; Điều 119; Điều 122; Điều 609; Điều 611; Điều 612; Điều 613; Điều 616; Điều 618; Điều 623; Điều 649; Điều 650; Điều 651; Điều 660; Điều 500; Điều 501; Điều 502 Bộ luật Dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thạch Từ H, bà Thạch Thị H1 và đề nghị của bà Nguyễn Thị K về việc tuyên bố HĐCNQSDĐ giữa ông Thạch Văn H6, bà Nguyễn Thị K với chị Đỗ Thị Minh T ngày 28/3/2002; HĐCNQSDĐ giữa ông Thạch Văn H6, bà Nguyễn Thị K với ông Cù Đức A, bà Nguyễn Thị Xuân H5 ngày 20/3/2002 và HĐCNQSDĐ giữa bà Nguyễn Thị K với chị Đỗ Thị Minh T, anh Trần Đức L ngày 17/01/2008 là vô hiệu.
2. Không chấp nhận yêu cầu đề nghị hủy GCNQSD đất đứng tên Đỗ Thị Minh T và GCNQSD đất đứng tên Nguyễn Thị K.
3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của ông Thạch Từ H, bà Thạch Thị H1 và bà Nguyễn Thị K.
- Giao cho bà Nguyễn Thị K được quản lý, sử dụng toàn bộ di sản do cụ Thạch Văn Đại, cụ Trần Thị T5 là 332m2 đất tại TDP VTD, phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc. Xác nhận bà Nguyễn Thị K đã chuyển nhượng diện tích đất 75m2 cho chị Đỗ Thị Minh T, anh Trần Đức L ngày 17/01/2008, do vậy diện tích đất còn lại bà K được sử dụng là 257m2 hiện đã được nhà nước cấp GCNQSD đất đứng tên bà Nguyễn Thị K.
- Buộc bà Nguyễn Thị K phải thanh toán cho ông Thạch Từ H số tiền 1.300.000.000đ. (Một tỷ ba trăm triệu đồng chẵn) - Buộc bà Nguyễn Thị K phải thanh toán cho bà Thạch Thị H1 số tiền 1.300.000.000đ. (Một tỷ ba trăm triệu đồng chẵn) 4. Chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Cù Tiến A, bà Nguyễn Thị Xuân H5 về yêu cầu công nhận HĐCNQSDĐ giữa ông Thạch Văn H6, bà Nguyễn Thị K với ông Cù Tiến A, bà Nguyễn Thị Xuân H5 ngày 20/3/2002 có hiệu lực pháp luật. Ông Cù Tiến A, bà Nguyễn Thị Xuân H5 có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đề nghị cấp GCN đối với diện tích 27m2 đã nhận chuyển nhượng của ông Thạch Văn H6, bà Nguyễn Thị K ngày 20/3/2002.
Ngoài ra Bản án còn quyết định về án phí và tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 01/6/2022 Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhận được đơn kháng cáo của chị Chử Thị Mỹ H2 là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Thạch Từ H và bà Thạch Thị H1, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm những người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo, nhưng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Các đương sự trình bày:
- Phía nguyên đơn trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng khi phía nguyên đơn đã có đơn đề nghị giám định chữ ký của bà Nguyễn Thị K trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không được chấp nhận; di sản thừa kế của cụ T5 để lại là thửa đất số 431, tờ bản đồ số 36 diện tích 1.273m2, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định diện tích còn lại là 332m2 là xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của phía nguyên đơn. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Đỗ Thị Minh T trình bày: Giữ nguyên ý kiến như đã trình bày tại cấp sơ thẩm; việc gia đình chị nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ vợ chồng bà K là ngay tình, hồ sơ chuyển nhượng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và chị đã được cấp GCNQSD đất hợp pháp; bản án sơ thẩm đã giải quyết đúng quy định của pháp luật nên chị đã không kháng cáo; đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.
Về nội dung: Cấp sơ thẩm đã xác định thửa đất số 136 có nguồn gốc của cụ Đ, cụ T5 là có căn cứ, nhưng căn cứ biên bản lập năm 2002 thì các đương sự đã đồng ý cho ông H6 chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nên ông H6, bà K đã chuyển nhượng cho chị T, anh L và ông A, bà H5 là hợp pháp, Tòa án cấp sơ thẩm đã công nhận các hợp đồng này là đã xem xét đầy đủ, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo được quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Tuy nhiên, đối với nội dung chia di sản thừa kế thì do xác định di sản thừa kế không đúng dẫn đến chia di sản thừa kế không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự, nên có căn cứ sửa bản án sơ thẩm về cách chia.
Vì vậy, đề nghị căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử thấy:
* Về tố tụng:
[1] Về thẩm quyền: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp là yêu cầu chia di sản thừa kế, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy GCNQSD đất; đây đều là những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật. Cụ Trần Thị T5 chết năm 1990, cụ Thạch Văn Đ năm 1996; căn cứ Điều 688, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với bất động sản là 30 năm; theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 19/10/1990 thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 19/10/1990. Ngày 17/5/2019 ông Thạch Từ H và bà Thạch Thị H1 có đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, đây là vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đang trong thời hiệu khởi kiện. Do ngoài yêu cầu chia di sản thừa kế, đương sự còn có yêu cầu xem xét hủy GCNQSD đất là quyết định hành chính cá biệt của cơ quan hành chính cấp huyện trong lĩnh vực quản lý đất đai nên thuộc thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã thụ lý, giải quyết theo trình tự sơ thẩm là đúng quy định tại Điều 32 Luật Tố tụng hành chính và khoản 3, khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 37, Điều 38, Điều 41 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về xác định tư cách đương sự tham gia tố tụng: Cấp sơ thẩm đã xác định nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đúng quy định của pháp luật; tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm một số đương sự vắng mặt nhưng đã có người đại diện theo ủy quyền, hoặc đã có đơn xin xét xử vắng mặt, hoặc đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai vẫn vắng mặt. Do đó, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ là đúng quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự.
* Về nội dung:
[3] Căn cứ các tài liệu có trong hồ sợ vụ án và các đương sự thừa nhận thì cụ Thạch Văn Đ và cụ Trần Thị T5 là vợ chồng có ba người con chung là ông Thạch Từ H, Bà Thạch Thị H1 và ông Thạch Văn H6 (Thạch Quách H6, Thạch Ngọc H6). Theo phía nguyên đơn cũng như hồ sơ quản lý đất đai thể hiện; thửa đất số 20, tờ bản đồ số 05 có diện tích 556m2 thuộc tổ dân phố VTT, phường KQ, thành phố VY, tỉnh Vĩnh Phúc đứng tên chủ sử dụng là ông Thạch Văn H6 có nguồn gốc của cụ Thạch Văn Đ và Trần Thị T5 để lại; sau khi cụ Đ, cụ T5 chết thì ông H6 cùng vợ là bà Nguyễn Thị K quản lý, sử dụng. Ngoài ra, tiếp giáp với thửa đất này còn có thửa đất số 19, tờ bản đồ số 05 có diện tích 679m2 hồ sơ không thể hiện chủ sử dụng đất, nhưng gia đình ông H6 là người trực tiếp sử dụng; đến năm 2002 gia đình ông H6 được cấp GCNQSD đất gộp cả hai thửa thành thửa số 431, tờ bản đồ số 36 có tổng diện tích 1.273m2. Như vậy, xét nguồn gốc đất của cụ Đ, cụ T5 chỉ có thửa đất số 20, tờ bản đồ số 05 diện tích 556m2; mặc dù thửa đất số 19, tờ bản đồ số 05 không ghi chủ sử dụng đất, nhưng gia đình ông H6 sử dụng ổn định từ trước đến nay, không có tranh chấp, đến năm 2002 được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSD đất; Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ nguồn gốc thửa đất số 19, tờ bản đồ số 05 nhưng đã khẳng định thửa đất này cũng là di sản của cụ Đ, cụ T5 để lại để làm căn cứ chia di sản thửa kế là chưa đủ căn cứ vững chắc.
[4] Trên diện tích đất còn lại là 257m2 (sau khi ông H6 và bà K đã chuyển nhượng) còn có các tài sản là nhà 03 tầng các đương sự đều thừa nhận do bà K và vợ chồng chị Thạch Thị T2, anh Nguyễn Văn T3 xây dựng và hiện tại đang cùng sử dụng; nhà cấp 04 do vợ chồng chị Thạch Thị T1 và anh Vi Văn P xây dựng, hiện vợ chồng anh chị đang sử dụng; nhưng Tòa án cấp sơ thẩm phân chia giao toàn bộ diện tích đất 257m2 cho bà K được quyền sử dụng, nhưng không xem xét đến quyền sở hữu các tài sản trên đất, cũng như xem xét đến quyền lợi của Chị T2, anh T3 và Chị T1, anh P là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự. Bởi vì, hiện tại những anh chị này vẫn đang sinh sống trên nhà đất này. Hơn nữa, Tòa án cấp sơ thẩm giao cho bà K được quyền sử dụng đất nhưng không có kích thước, hình thể, tứ cận, sơ đồ kèm theo sẽ khó khăn cho công tác thi hành án.
[5] Ông Thạch Văn H6 là con của cụ Đ, cụ T5; ông H6 chết năm 2005 là chết sau cụ Đ, cụ T5 nên ông H6 thuộc hàng thừa kế thứ nhất của hai cụ, nên theo quy định của pháp luật ông H6 được hưởng thừa kế của hai cụ. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm thì ông H6 đã chết nên những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông H6 là bà K, các con của ông H6 bà K là Chị T2, Chị T1 và Chị T4 cùng được hưởng, nhưng bản án sơ thẩm chưa xem xét đến quyền lợi của những người con của ông H6, mà chỉ xem xét đến quyền lợi của bà K, để giao toàn bộ phần thừa kế ông H6 được hưởng cho bà K được hưởng là trái quy định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của Chị T2, Chị T1, Chị T4. Mặc dù Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã có Công văn số 2299/CV-TA, ngày 06/3/2023 yêu cầu Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm điều tra bổ sung, thu thập chứng cứ nhưng hết thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm không thực hiện được, tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự này vắng mặt nên không có căn cứ xem xét đến yêu cầu của họ. Hơn nữa nếu xem xét luôn tại cấp phúc thẩm sẽ ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của các đương sự.
[6] Sau khi cụ Đ, cụ T5 chết thì ông H6, bà K đã chuyển nhượng phần lớn diện tích đất (hơn ¾) và hưởng toàn bộ giá trị chuyển nhượng này, nên đã đảm bảo được quyền lợi, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn xem xét để trích công sức cho bà K bằng 10% giá trị di sản là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự khác trong vụ án.
[7] Ngoài ra, bản án sơ thẩm tuy có nhận định về phần chi phí tố tụng, nhưng không quyết định người phải chịu chi phí tố tụng là thiếu sót.
Tổng hợp các phân tích trên thấy rằng, quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết vụ án chưa đúng quy định của pháp luật, chưa thu thập đầy đủ các chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án, chưa xem xét để giải quyết triệt để vụ án; những vi phạm này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, nên Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, hoặc nếu khắc phục sẽ ảnh hưởng đến quyền kháng cáo của các đương sự. Do đó, cần phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật. Khi thụ lý, giải quyết lại vụ án nếu có đương sự đề nghị trưng cầu giám định và cung cấp đầy đủ chứng cứ để phục vụ cho việc giám định thì cấp sơ thẩm cũng nên xem xét đến yêu cầu của đương sự.
[8] Án phí: Do bản án sơ thẩm bị hủy nên người kháng cáo không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm. Tóa án cấp sơ thẩm sẽ quyết định về án phí dân sự sơ thẩm, chi phí tố tụng khi giải quyết lại vụ án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự; hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2022/ST-DS ngày 20/5/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Về án phí: Ông Thạch Từ H và bà Thạch Thị H1 không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm; tiền án phí và tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, chi phí tố tụng sẽ được quyết định khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp di sản thừa kế, hủy GCN QSDĐ, yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu và công nhận hợp đồng số 187/2023/DS-PT
Số hiệu: | 187/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/04/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về