Bản án về tranh chấp di sản dùng vào việc thờ cúng số 237/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 237/2023/DS-PT NGÀY 26/04/2023 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN DÙNG VÀO VIỆC THỜ CÚNG

Ngày 26 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 698/2022/DS-TP ngày 30 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản”.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 772/2023/QĐ-PT ngày 12 tháng 4 năm 2023 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Mai Thị T, sinh năm 1954.

Cư trú tại: số A, đường G, ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh. (Vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Hoàng L, sinh năm 1985.

Cư trú tại: Số F, đường S, ấp P, xã S, huyện D, tỉnh Tây Ninh là người đại diện ủy quyền (theo văn bản ủy quyền ngày 12/6/2020). (Có mặt)

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1966.

Cư trú tại: Số nhà A, đường G, tổ A, ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh. (Vắng mặt) Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Chị Nguyễn Thị Phương T1, sinh năm 1982.

Cư trú tại: số B, ấp T, xã N, huyện T tỉnh - Long An (theo văn bản ủy quyền ngày 22/3/2023). (Có mặt)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Mai Thị T2, sinh năm 1946.

Cư trú tại: số nhà A, đường G, ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh. (Có mặt)

2. Ông Nguyễn Hữu P, sinh năm 1956.

Cư trú tại: số G, ấp T, xã S, huyện D, tỉnh Tây Ninh. (Có mặt)

3. Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1960.

Cư trú tại: số A, đường T, khu phố L, phường L, thị xã H, tỉnh Tây Ninh. (Có mặt)

4. Bà Nguyễn Thị P1, sinh năm 1962.

Cư trú tại; Ấp T, xã S, huyện D, tỉnh Tây Ninh. (Vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt)

5. Anh Nguyễn Đông K, sinh năm 2001.

Cư trú tại: số nhà A, đường G, Tổ A, ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh. (Có mặt) 6. Chị Nguyễn Thị Phương T1, sinh năm 1982.

Cư trú tại: số B, ấp T, xã N, huyện T, tỉnh Long An. (Có mặt)

7. Anh Nguyễn Phước L2, sinh năm 1987.

Cư trú tại: số E R, apt D Houston T, Hoa Kỳ. (Vắng mặt) Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Mai Thị T và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Mai Thị T2, bà Nguyễn Thị P1, bà Nguyễn Thị D và ông Nguyễn Hữu P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 23 tháng 6 năm 2020, và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Mai Thị T trình bày:

Cha mẹ bà T là cụ Nguyễn Văn L3 và cụ Mai Thị B, sinh được 05 người con gồm: Bà Mai Thị T, ông Nguyễn Hữu P, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị P1 và ông Nguyễn Văn L4 (Nguyễn Hữu L5, Nguyễn Văn Đ). Ngoài ra còn có bà Mai Thị T2 (là con riêng của cụ B nhưng sống chung với cụ L3, cụ B từ nhỏ nên cũng được xem như con).

Khi cha mẹ còn sống có tạo lập được nhiều tài sản là đất đai, ruộng vườn, vàng, gia súc và phương tiện. Năm 1990 cha (cụ L3) chết, không để lại di chúc.

Sau khi cha chết, thì ngày 11/7/1993 mẹ (cụ B) đã cùng với anh chị em trong gia đình đã họp lại lập “Tờ tương phân tài sản” trong đó đã chia cho tất cả anh chị em trong gia đình. Mẹ cũng được chia 02 ha ruộng để đảo bảo cuộc sống hàng ngày, tất cả mọi người đều thống nhất để lại diện tích đất có chiều rộng 30m x 60 m chiều dài, tọa lạc tại ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh, trên đất có 01 căn nhà ngói bằng gỗ chữ đinh để làm nơi thờ cúng ông bà cha mẹ và thống nhất giao nhà và đất nêu trên cho em trai là ông Nguyễn Văn L4 (Nguyễn Văn Đ) quản lý. Năm 1997, phong trào ở nhà xây nên mẹ và ông L4 đã bán căn nhà gỗ chữ đinh để xây dựng lại thành căn nhà xây cấp 4 hiện nay để ở và làm nơi thờ tự. Diện tích đất 30m ngang x 60 m dài phần thì bán, phần thì nhà nước lấy làm đường giao thông nên chỉ còn lại khoảng gần 1.000m². Năm 1998 ông L4 kê khai, ngày 06/4/1998 được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00338 QSDĐ với diện tích 948m² (đo đạc thực tế diện tích 981,7m²) thuộc thửa đất số 64, tờ bản đồ số 05.

Ngày 01/12/1994 mẹ (cụ B) có lập di chúc để lại tài sản thờ cúng trên cho ông L4 quản lý thờ cúng ông bà cha mẹ. Năm 1999, mẹ (cụ B) chết không có di chúc nào khác.

Năm 2018 ông L4 chết thì bà Nguyễn Thị L1 (là vợ ông L4) đã làm thủ tục khai nhận diện tích đất nêu trên là di sản của ông L4 để lại, thì các anh chị em trong gia đình phản đối, nên xảy ra tranh chấp nên bà L1 không hoàn tất được thủ tục khai nhận thừa kế của ông L4. Bà T khởi kiện yêu cầu công nhận diện tích 948m² (đo đạc thực tế diện tích 981,7m²) thuộc thửa đất số 64, tờ bản đồ số 05, tọa lạc tại ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh là tài sản dùng vào việc thờ cúng, để anh chị em bà T sẽ xây dựng nhà từ đường để thờ cúng ông bà, cha mẹ. Riêng căn nhà cấp 4 hiện nay do anh Nguyễn Đông K đang ở, bà T chưa yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bị đơn bà Nguyễn Thị L1 trình bày:

Thống nhất với lời trình bày của bà T về nguồn gốc phần đất tranh chấp, họ tên cha mẹ chồng, anh chị chồng, họ tên chồng và các con của bà. Sau khi kết hôn với ông L4, vợ chồng bà sống chung với cha mẹ chồng do ông L4 là con út, sau khi cha chồng chết, ngày 11/7/1993 mẹ chồng bà các anh chị chồng họp gia đình thỏa thuận phân chia tài sản của cha mẹ chồng để lại ai cũng có phần, riêng phần đất tranh chấp anh chị em trong nhà và mẹ chồng đã thống nhất giao cho chồng bà (ông L4) và mẹ chồng (cụ B) quản lý nhà, đất để thờ cúng ông bà. Ngày 01/12/1994, mẹ chồng lập Tờ di chúc định đoạt phần đất, nhà này cho ông L4, phần đất có chiều ngang khoảng 30m, dài khoảng 60m, sau đó bà T2 hỏi mua nhưng được cụ B cho bà T2 một phần chiều ngang khoảng 05 m, chiều dài không nhớ bao nhiêu để bà T2 cất nhà ở (hiện bà T2 đã cất nhà và rào đất), một phần nhà nước lấy làm đường giao thông nay còn khoảng hơn chiều ngang 20m dài hơn 50m.

Năm 1997, được sự đồng ý của cụ B, ông L4 tháo dỡ căn nhà ngói xưa của cha mẹ để lại và xây căn nhà cấp 4 ngang 10m, dài 23,8m và tiến hành đăng ký rồi được Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) huyện D cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00338 QSDĐ/450403 ngày 06/4/1998.

Năm 1999, mẹ chồng chết, vợ chồng bà quản lý, sử dụng nhà đất này làm tròn nghĩa vụ cúng ông bà, cha mẹ chồng.

Năm 2018, ông L4 chết không để lại di chúc, do Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông L4 bị cũ, rách nên bà L1 mới lên xã làm thủ tục cấp lại sang qua tên cho con trai thì bà T ngăn cản nên xảy ra tranh chấp. Hiện nay, nhà đất này con trai bà là anh Nguyễn Đông K đang ở và quản lý và cũng để thờ cúng.

Do diện tích đất 948m² (đo đạc thực tế diện tích 981,7m²) ông L4 chồng của bà L1 đã được cụ B lập di chúc để lại cho ông L4 là hoàn toàn hợp pháp, nên bà L1 không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm: Bà Mai Thị T2, bà Nguyễn Thị D, Nguyễn Thị P1, ông Nguyễn Hữu P trình bày:

Thống nhất với yêu cầu khởi kiện của bà T, không trình bày gì thêm.

Anh Nguyễn Đông K trình bày: Thống nhất với lời trình bày của mẹ anh là bà Nguyễn Thị L1, không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhà đất này hiện nay anh đang ở và thờ cúng ông bà.

Chị Nguyễn Thị Phương T1 trình bày: Chị là con nuôi của ông Nguyễn Văn L4, bà Nguyễn Thị L1, hiện nay đã lấy chồng đi sinh sống tại Long An, thống nhất với ý kiến của bà Nguyễn Thị L1 không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Anh Nguyễn Phước L2, là con của ông L4, bà L1 hiện cư trú tại: số E R, apt D Houston T, Hoa Kỳ. Tòa án đã uỷ thác tư pháp nhưng đến nay không có kết quả.

Tại Bản án số: 07/2022/DS-ST ngày 05/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Mai Thị T về tranh chấp thừa kế tài sản là diện tích 948m² (đo đạc thực tế diện tích 981,7m²) thuộc thửa đất số 64, tờ bản đồ số 05, tọa lạc tại ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh do ông Nguyễn Văn L4 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00338 QSDĐ, cấp ngày 06/4/1998.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng, quyền kháng cáo.

Ngày 19 tháng 4 năm 2022, bà Mai Thị T, bà Mai Thị T2, bà Nguyễn Thị P1, bà Nguyễn Thị D và ông Nguyễn Hữu P kháng cáo để nghị cấp phúc thẩm xác định diện tích 948m² đất nêu trên là di sản thờ cúng và giao cho các đồng thừa kế quản lý.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Mai Thị T và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bà Mai Thị T2, bà Nguyễn Thị P1, bà Nguyễn Thị D và ông Nguyễn Hữu P. Sửa bản án sơ thẩm theo hướng công nhận diện tích 948m² (đo đạc thực tế diện tích 981,7m²) thuộc thửa đất số 64, tờ bản đồ số 05, tọa lạc tại ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh là tài di sản dùng vào việc thờ cúng, giao cho các đồng thừa kế còn sống quản lý.

Trên cơ sở xem xét tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và ý kiến tranh luận của các bên, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

* Về tố tụng:

 [1] Đơn kháng cáo của của nguyên đơn bà Mai Thị T và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: bà Mai Thị T2, bà Nguyễn Thị P1, bà Nguyễn Thị D và ông Nguyễn Hữu P là trong hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Bà Nguyễn Thị P1 có kháng cáo, vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt, nên yêu cầu kháng cáo của bà P1 vẫn được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về quan hệ tranh chấp: tại Đơn khởi kiện ngày 23/6/2020 (Bút lục 19, 20) nguyên đơn bà Mai Thị T yêu cầu: “Xem xét giải quyết công nhận diện tích 948m² thuộc thửa đất số 64, tờ bản đồ số 05, tọa lạc tại ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh là tài sản chung dùng vào việc thờ cúng”. Như vậy, nguyên đơn không yêu cầu chia thừa kế đối với diện tích đất nêu trên nhưng Tòa án sơ thẩm xác định “Tranh chấp thừa kế tài sản” là chưa đúng với quy định tại Điều 645 của Bộ Luật dân sự năm 2015. Tuy nhiên, sai sót này cấp phúc thẩm có thể khắc phục, xác định lại quan hệ tranh chấp là: “Tranh chấp di sản dùng vào việc thờ cúng” nên không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm, mà chỉ nêu ra để Tòa án sơ thẩm rút kinh nghiệm.

* Về nội dung:

[3] Tại giai đoạn sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đều trình bày thống nhất nội dung sau:

Cụ Nguyễn Văn L3 và cụ Mai Thị B chung sống với nhau như vợ chồng khoảng từ năm 1950 (không đăng ký kết hôn), sinh được 05 người con, gồm: Bà Mai Thị T, ông Nguyễn Hữu P, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị P1 và ông Nguyễn Văn L4 (Nguyễn Hữu L5, Nguyễn Văn Đ). Ngoài ra còn có bà Mai Thị T2 (là con riêng của cụ B, sống chung với cụ L3 từ nhỏ nên được cụ L3 xem như con nuôi).

Khi còn sống cụ L3 và cụ B có tạo lập được nhiều tài sản là đất đai, ruộng vườn, vàng, gia súc và phương tiện. Năm 1990 cụ L3 chết không để lại di chúc. Sau khi cụ L3 chết, ngày 11/7/1993 cụ B đã họp gia đình có các con là T, ông P, bà D, bà P1 và ông L5 (tên gọi khác là Đ) đều có mặt đã cùng nhau lập “Tờ tương phân tài sản” để phân chia tài sản, trong đó cụ B đã chia cho bà T, ông P, bà D, bà P1 và ông L5 mỗi người một phần. Riêng bà T2 là con nuôi tuy vắng mặt nhưng vẫn được chia phần, cụ B cũng được chia 02ha đất ruộng. Còn lại phần đất có chiều rộng 30m x 60m chiều dài, tọa lạc tại ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh, trên đất có 01 căn nhà ngói bằng gỗ chữ đinh thì cụ B và các con thỏa thuận để lại làm nơi thờ cúng ông bà, cha mẹ và thống nhất giao cho ông Nguyễn Văn L4 (Nguyễn Văn Đ) quản Lý. Năm 1997, cụ B và ông L4 đã bán căn nhà gỗ chữ đinh để xây dựng lại thành căn nhà xây cấp 4 hiện nay để ở và làm nơi thờ tự. Diện tích đất 30m x 60 m nêu trên theo kết quả đo đạc thực tế hiện nay chỉ còn lại 981,7m². Năm 1998, ông L4 kê khai, ngày 06/4/1998 UBND huyện D cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: M 020483 cho ông Nguyễn Văn L4. [4] Căn cứ vào khoản 2 Điều 192 của Bộ luật dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử công nhận các tình tiết trên là sự thật không phải chứng minh.

[5] Bà L1, bà T, bà T2, bà P1, bà D và ông P cho rằng ngày 01/12/1994 cụ B lập di chúc để lại diện tích đất đang tranh chấp cho ông L4 là để thờ cúng ông bà, cha mẹ. Còn bà L1 và anh K cho rằng ngày 01/12/1994 cụ B lập di chúc để lại diện tích đất đang tranh chấp cho ông L4 là cho hẳn, không phải để thờ cúng ông bà, cha mẹ.

[6] Xét kháng cáo của bà T, bà T2, bà P1, bà D và ông P đề nghị công nhận diện tích đo đạc thực tế diện tích 981,7m² là di sản dùng vào việc thờ cúng, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Sau khi cụ L3 (là chồng của cụ B) chết không để lại di chúc, vào ngày 11/7/1993 cụ B đã cùng các con lập “Tờ tương phân tài sản” để phân chia tài sản, trong đó có nội dung: “Một ngôi nhà ngói chữ đinh và 01 nhà dưới nền gạch tàu, lợp ngói, vách ván, cột bằng cây tọa lạc trên đất thổ cư ngang 30 m x 60 m. Giao cho con út quản lý thờ cúng ông bà, cha mẹ…” (Bút lục 50, 51). Đây là sự thỏa thuận để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định: “Nếu người lập di chúc có để di sản dùng vào việc thờ cúng thì di sản đó được coi như di sản chưa chia” ; Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế…”. Mặc dù tài sản nêu trên đã được cụ B và các con thỏa thuận để lại dùng vào việc thờ cúng, không chia nhưng sau đó vào ngày 01 tháng 12 năm 1994 cụ B lại lập di chúc để di sản thờ cúng nêu trên cho ông L4 mà không có ý kiến của các con là những người đồng thừa kế là trái với các quy định của pháp luật đã viện dẫn trên. Tuy nhiên, xét nội dung của Di chúc của cụ B có ghi: “Tôi lập tờ di chúc nầy cho con trai út tôi là Nguyễn Hữu L5 (Đặng) được trọn quyền sử dụng tài sản nêu trên cúng kiếng ông bà cha mẹ…” (Bút lục 49). Như vậy, ý chí của cụ B nêu trong Di chúc là vẫn để cho ông L5 quản lý, sử dụng căn nhà làm di sản thờ cúng ông bà, cha mẹ, điều này cũng phù hợp với ý chí của cụ B và các con ghi trong “Tờ tương phân tài sản” lập ngày 11/7/1993 (Bút lục 50, 51).

[7] Việc Tòa án sơ thẩm xác định: “Quyền sử dụng đất diện tích 948m² thuộc thửa đất số 64, tờ bản đồ số 05 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00338 QSDĐ, cấp ngày 06/4/1998 do ông Nguyễn Văn L4 đứng tên không còn là di sản thừa kế của cụ L3 và cụ B mà đã chuyển thành quyền sử dụng đất hợp pháp của ông Nguyễn Văn L4; ông L4 chết vợ và các con ông L4 có toàn quyền sử dụng phần đất này” để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không phù hợp với ý chí của cụ B và ý chí của các đồng thừa kế khác, không phù hợp với các tài liệu chứng cứ khách quan trong hồ sơ vụ án. Do đó kháng cáo của bà T, bà T2, bà P1, bà D và ông P đề nghị công nhận diện tích đo đạc thực tế diện tích 981,7m² thuộc thửa đất số 64, tờ bản đồ số 05, tọa lạc tại ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh là di sản của cụ L3 và cụ B để lại dùng vào việc thờ cúng được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[8] Trong “Tờ tương phân tài sản” ngày 11/7/1993 cụ B và các đồng thừa kế đều thống nhất giao cho ông L4 là người trong hàng thừa kế thứ nhất quản lý diện tích đất dùng vào việc thờ cúng, nhưng năm 2018 ông L4 đã chết nên cần giao diện tích đất nêu trên các đồng thừa kế còn sống, gồm: bà T, ông P, bà D, bà P1 và bà T2 quản lý và được quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai.

[9] Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Tây Ninh thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M 020483; số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: 00338 QSDĐ/450403 do UBND huyện D cấp ngày 06/4/1998 cho ông Nguyễn Văn L4, để cấp lại cho bà T, bà T2, bà P1, bà D và ông P theo quy định của Luật đất đai.

[10] Riêng đối với căn nhà cấp 4 xây dựng trên diện tích đất tranh chấp, các đương sự đều thừa nhận hiện nay căn nhà này vẫn đang thờ cúng ông bà cha mẹ, do anh Nguyễn Đông K (con của ông L4, bà L1) đang quản lý. Nhưng chưa yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét. Sau này sẽ được giải quyết bằng vụ án dân sự khác khi có yêu cầu.

[11] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà T, bà T2, bà P1, bà D và ông P, sửa bản án sơ thẩm theo hướng công nhận diện tích 948m² (đo đạc thực tế diện tích 981,7m²) là di sản dùng vào việc thờ cúng là có căn cứ nên được chấp nhận.

[12] Án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn bà Nguyễn Thị L1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng.

[13] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên bà T, bà T2, bà P1, bà D và ông P không phải chịu.

[14] Chi phí tố tụng khác:

- Về chi phí đo đạc, thẩm định, định giá tài sản: Bà Nguyễn Thị L1 phải chịu số tiền 20.000.000 đồng. Do bà Mai Thị T đã nộp tạm ứng chi phí này nên bà L1 có nghĩa vụ hoàn trả cho bà T. - Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài: Bà Nguyễn Thị L1 phải chịu số tiền 1.890.000 đồng về khoản dịch thuật và phí Bưu chính gửi tài liệu ủy thác tư pháp ra nước ngoài. Do bà Mai Thị T đã nộp tạm ứng chi phí này nên bà L1 có nghĩa vụ hoàn trả cho bà T. Tổng cộng bà L1 phải hoàn trả cho bà T số tiền 21.890.000 đồng chi phí tố tụng khác.

[15] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ nêu trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Mai Thị T, bà Mai Thị T2, bà Nguyễn Thị P1, bà Nguyễn Thị D và ông Nguyễn Hữu P. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 07/2022/DS-ST ngày 05/4/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Căn cứ Điều 21 Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Điều 645 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Mai Thị T về “Tranh chấp di sản dùng vào việc thờ cúng”.

2. Công nhận diện tích 948m² đất (đo đạc thực tế diện tích 981,7m²) thuộc thửa đất số 64, tờ bản đồ số 05, tọa lạc tại ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh là di sản của cụ Nguyễn Văn L3 và cụ Mai Thị B để lại dùng vào việc thờ cúng (Kèm theo Sơ đồ hiện trạng sử dụng đất ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Công ty TNHH MTV T3).

3. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Tây Ninh thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: M 020483; Số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: 00338. QSDĐ/450403 ngày 06/4/1998 của UBND huyện D cấp cho ông Nguyễn Văn L4, để cấp lại cho các đồng thừa kế (của cụ Nguyễn Văn L3 và cụ Mai Thị B) còn sống, gồm: bà Mai Thị T, bà Mai Thị T2, bà Nguyễn Thị P1, bà Nguyễn Thị D và ông Nguyễn Hữu P. 4. Án phí dân sự sơ thẩm: bà Nguyễn Thị L1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng.

5. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Mai Thị T, bà Mai Thị T2, ông Nguyễn Hữu P, bà Nguyễn Thị D, bà Nguyễn Thị P1 không phải chịu.

6. Chi phí tố tụng khác: Bà Nguyễn Thị L1 có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Mai Thị T số tiền 21.890.000 (Hai mươi mốt triệu tám trăm chín mười nghìn) đồng chi phí tố tụng khác, gồm chi phí đo đạc, thẩm định, định giá tài sản và chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

7. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

14
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp di sản dùng vào việc thờ cúng số 237/2023/DS-PT

Số hiệu:237/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:26/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về