Bản án về tranh chấp đất đai và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 13/2022/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

BẢN ÁN 13/2022/DS-PT NGÀY 15/08/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 15 tháng 8 năm 2022, tại Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 07/2022/TLPT-DS ngày 20 tháng 6 năm 2022, về “Tranh chấp đất đai và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 06/2022/QĐXXPT-DS ngày 13 tháng 7 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 07/2022/QĐ-PT ngày 28-7-2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Anh Vàng A X – sinh năm 1996. (Có mặt);

2. Bà Sùng Thị P – sinh năm 1954. (Vắng mặt); Địa chỉ: Thôn K, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái.

Người đại diện theo ủy quyền của bà P: Anh Vàng A X. Có mặt

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Hoàng Kim C và bà Nguyễn Thị D - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Yên Bái. Có mặt tại phiên tòa.

- Bị đơn:

1. Ông Vàng A S1 – sinh năm 1952. (Vắng mặt);

2. Bà Trang Thị C1 – sinh năm 1953. (Vắng mặt); Địa chỉ: Thôn K, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Vàng A S1 và bà Trang Thị C1: Anh Vàng A T1 – sinh năm 1996; Địa chỉ: Thôn K, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái. Có mặt tại phiên tòa.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Bà Lương Thị Ngọc Q- Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Yên Bái. Có mặt tại phiên tòa.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Vàng A T2, sinh năm 1973; địa chỉ: Thôn L, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái. Có mặt.

2. Chị Giàng Thị K, sinh năm 1978; địa chỉ: Thôn L, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái.

Người đại diện theo uỷ quyền của chị Giàng Thị K: Anh Vàng A P, sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn L, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái. Có mặt.

Những người làm chứng:

1. Bà Mùa Thị K1, sinh năm 1967; Địa chỉ: Thôn 3, xã M, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Có mặt.

2. Ông Vàng A K2, sinh năm 1960. Có mặt;

3. Ông Vàng A R, sinh năm 1966. Có mặt;

4. Ông Mùa A H, sinh năm 1988. Có đơn xét xử vắng mặt;

5. Ông Sùng A H1, sinh năm 1973. Có đơn xét xử vắng mặt;

6. Ông Vàng A X1, sinh năm 1972. Có đơn xét xử vắng mặt; Cùng địa chỉ: Thôn K, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái.

7. Ông Sồng A N1, sinh năm 1966. Vắng mặt;

8. Bà Giàng Thị G, sinh năm 1947; Vắng mặt; Cùng địa chỉ: Thôn B, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái.

9. Ông Giàng A T3, sinh năm 1964. Vắng mặt; Địa chỉ: Thôn PC, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái.

10. Ông Vàng A Đ1, sinh năm 1964. Có đơn xét xử vắng mặt;

11. Ông Vàng A Đ2. Vắng mặt;

12. Ông Sùng A L1, sinh năm 1960. Có mặt;

13. Ông Sùng A G1. Vắng mặt;

14. Ông Sùng A L2, sinh năm 1958. Có mặt Cùng địa chỉ: Thôn K, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái.

Người phiên dịch: Ông Lờ A Z - Đơn vị công tác: Cán bộ Phòng cảnh sát THA và HTTP - Công an tỉnh Yên Bái. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án nguyên đơn ông Vàng A X trình bày:

Năm 2007, bố mẹ anh X là ông Vàng A T4, bà Sùng Thị P trồng chè trên thửa đất bỏ hoang khoảng 1.100 m2 thuộc thôn GC (cũ) nay là thôn K, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái. Sau khi khai phá xong bố mẹ anh X đã trồng chè, tre; năm 2011 anh trai của anh X là anh Vàng A L3 đã trồng thêm 04 cây sưa. Gia đình anh X đã sử dụng ổn định đến năm 2018 thì các con đẻ và con rể ông Vàng A S1, bà Trang Thị C1 khai thác đá làm đá lăn xuống gẫy một số cây bao gồm cây chè, cây sưa, cây tre, cây chanh của gia đình anh. Anh đã yêu cầu gia đình ông S1 và các con không được lăn đá xuống nữa và yêu cầu bồi thường số cây bị chết với số tiền là:

20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) nhưng gia đình ông S1, bà C1 không nhất trí ngược lại còn chặt hết những cây chè và nhổ hết hoa màu của gia đình anh và lấn chiếm luôn của gia đình anh diện tích đất là 704,7 m2 (diện tích tính theo đo đạc của UBND xã S khi hòa giải tại UBND xã). Sự việc đã được UBND xã S hòa giải nhưng không thành.

Nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc gia đình bị đơn ông Vàng A S1 và bà Trang Thị C1 bồi thường thiệt hại về cây cối bị chặt phá là 20.000.000 triệu (hai mươi triệu) đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn đã tự nguyện rút phần yêu cầu bồi thường thiệt hại. Giữ nguyên yêu cầu buộc gia đình bị đơn ông Vàng A S1, bà Trang Thị C1 phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ là: 796,2 m2.

Bị đơn ông Vàng A S1, bà Trang Thị C1 và người đai diện theo ủy quyền anh Vàng A T1 trình bày:

Thửa đất tranh chấp nói trên do ông Vàng A S1 và bà Trang Thị C1 mua của ông Vàng A S2 (đã chết) và bà Mùa Thị K1, hiện trú tại thôn 3, xã M, huyện VYcó diện tích khoảng 6.000 m2 vào năm 1993, khi gia đình ông S2 bà K1 chuyển đi Văn Yên sinh sống; khi chuyển nhượng hai bên không làm giấy tờ, chỉ nói bằng miệng với nhau.

Về quá trình sử dụng đất: Ông Vàng A S1 và bà Trang Thị C1 khẳng định sử dụng thửa đất ổn định từ khi mua đến năm 2016 thì xảy ra tranh chấp đất với gia đình bà P và anh X, khi đó bố anh X là ông T4 xâm chiếm đất, gia đình ông S1 đã đề nghị UBND xã giải quyết sau đó ông T4 không canh tác ở mảnh nương đó nữa, nhưng đến năm 2019 anh X lại tiếp tục lên mảnh nương đó để phát chè và khai thác đá, sau đó ông S1 đã rào mảnh nương đó bằng lưới sắt B40 để bảo vệ đất. Nền nhà mà ông Vàng A S2 bán cho gia đình ông không nằm trong phần đất mà các hộ gia đình ông, ông Vàng A G1 và Vàng A C1 tranh chấp với gia đình ông. Nền của ngôi nhà đó nằm cách khu đất đang tranh chấp 01 con đường dân sinh có chiều rộng khoảng 01 mét. Con đường mới mở và vẫn nằm trong đất của nhà ông.

Ông Vàng A S1, bà Trang Thị C1 không nhất trí với yêu cầu của phía nguyên đơn đưa ra về việc buộc gia đình ông phải trả lại phần diện tích đất có tranh chấp cho gia đình nguyên đơn. Đồng thời bị đơn ông Vàng A S1 có đơn đề nghị Tòa án buộc nguyên đơn ông Vàng A X, bà Sùng Thị P phải bồi thiệt hại cho gia đình ông số tiền là: 189.000.000 đồng (Một trăm tám mươi chín triệu đồng).

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Vàng A T2 và Giàng Thị K khai: Anh Vàng A T2 là con trai, còn chị Giàng Thị K là con dâu của ông Vàng A S1. Con lợn ông Vàng A S1 dùng để trả cho ông Vàng A S2 đổi lấy đất là con lợn do vợ chồng anh T2 nuôi. Anh T2, chị K đề nghị được tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng đề nghị tòa án giải quyết xác định diện tích đất là của bố mẹ là ông S1, bà C1.

Người làm chứng bà Mùa Thị K1 khai:

Trước đây ông S2, bà K1 sinh sống tại thôn GC, xã S nay là thôn K, xã S, huyện VC; vào khoảng năm 1993, ông bà chuyển sang huyện VY 1sinh sống. Quá trình sinh sống tại thôn GC vợ chồng bà nợ gia đình ông S1, bà C1 01 con lợn 50kg, 15 tấm ván gỗ dổi, 3 chỉ thuốc phiện nên khi chuyển đi đã gán mảnh đất đang ở cho gia đình ông S1, bà C1 để trừ nợ, phần đất gán cho gia đình ông S1, bà C1 chính là phần đất hiện tranh chấp giữa vợ chồng gia đình ông S1, bà C1 với 03 hộ gia đình gồm anh X, ông G1 và anh H1. Bà K1 không nhớ diện tích cụ thể là bao nhiêu m2.

Người làm chứng ông Vàng A K2 trình bày nội dung như sau: Từ những năm 1990 đến 1994ông K2 là trưởng thôn GC nay là thôn K. Từ trước năm 1987 thửa đất tranh chấp do ông Vàng A S2 sử dụng, từ năm 1987 ông Vàng A S1 sử dụng trồng cây thuốc phiện; khoảng năm 1993 cấm trồng cây thuốc phiện nên ông S1 bỏ hoang nhiều năm sau đó gia đình anh X mới sử dụng từ năm 2001 đến nay. Theo phong tục, tập quán và thực tế ông Vàng A S1 từ năm 1993 đã không sử dụng, bỏ hoang đến năm 2001, nay anh Vàng A X sử dụng thì ông Vàng A S1 không được đòi nữa. Theo phong tục tập quán nếu bỏ hoang từ 3 năm trở lên mà không sử dụng thì người khác có quyền sử dụng không được đòi.

Người làm chứng bà Giàng Thị G khai: Bà G sinh ra lớn lên tại xã S, trước đây ở tại thôn GC; khoảng 9 năm gần đây mới chuyển về Thôn B sinh sống. Bà G có biết về việc tranh chấp đất giữa hai hộ gia đình anh X và ông S1 do trước đây bà có được UBND xã đến hỏi, vì gia đình bà G ở gần thửa đất tranh chấp. Bà G vẫn còn mảnh nương trồng chè ở gần đó nên vẫn thường xuyên quay lại khu vực đó để hái chè và chăm sóc cây chè phụ giúp các con. Mảnh đất tranh chấp đó trước là do bà G khai phá, sau bà G không làm nữa thì ông T4 là bố anh X làm. Từ khi ông T4 làm bà G chỉ thấy gia đình ông T4 canh tác mà không thấy gia đình ông S1 làm trên đó. Tại phiên tòa sơ thẩm bà G khai thêm mảnh đất tranh chấp giữa anh X và ông S1 trước đây là của gia đình bà khai phá, khi chồng bà G còn sống đã cho ông T4 trồng cấy ở đó.

Người làm chứng Sùng A H1- Trưởng thôn K, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái trình bày nội dung:

Về nguồn gốc đất từ đầu của ai tôi không nắm được, chỉ biết từ năm 2000 trở lại đây anh Vàng A X đã quản lý và trồng trọt đến thời điểm năm 2019 thì mới xảy ra tranh chấp. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp do các con trai của ông Vàng A S1 là Vàng A Sử, Vàng A T1 khai thác đá lăn xuống làm chết cây cối của ông Vàng A X. Gia đình Vàng A X ngăn cản thì gia đình ông Vàng A S1 nói đây là đất của ông S1 nên ông S1 chặt phá toàn bộ cây cối do anh X trồng, rào toàn bộ đất hiện nay đang tranh chấp giữa ba hộ gia đình ông X, ông G1, ông C1 với ông Vàng A S1 bà Trang Thị C1. Trong quá trình sinh sống tại địa phương tôi không thấy gia đình ông Vàng A S1 quản lý, sử dụng đất, chỉ đến năm 2019 sau khi xảy ra tranh chấp với các hộ gia đình, ông S1 mới trồng rau, ngô trên toàn bộ phần đất đang có tranh chấp với các hộ ông Vàng A X, Vàng A C1 và Vàng A G1 Năm 2019, tôi nhận được tin báo về việc ông Vàng A S1 tiến hành chặt phá cây cối trên phần đất đang có tranh chấp giữa ông X, ông C1. Sau đó tôi cùng với ông Mùa A H (công an viên), ông Sùng A L4 (thôn đội trưởng) đến địa điểm tranh chấp lập biên bản về việc tranh chấp giữa các hộ gia đình. Biên bản đã bị thất lạc, tuy nhiên sau khi sự việc xảy ra tổ hoà giải của thôn đã mời ông Vàng A S1 đến thì ông S1 có thừa nhận việc chặt phá cây của ông X và ông C1.

Ông Sùng A H1 xác nhận: Chữ ký tại các bản “Lời tự khai của nhân chứng” Vàng A K2 và Vàng A R đúng là của ông C1 ký. Ông C1 không biết ai viết bản khai đó mà chỉ nhớ chiều 8-4-2022 ông R và anh Tồng mang 2 bản khai đó yêu cầu ông C1 ký tên. Ông C1 ký tên là ký xác nhận người viết Vàng A R và Vàng A K2 là công dân thôn K chứ không phải ký xác nhận nội dung đơn. Ông Vàng A R và Vàng A K2 là anh em họ của ông Vàng A S1.

Người làm chứng Mùa A H cung cấp nội dung:

Năm 2019, trưởng thôn K là Sùng A H1 thông báo về việc ông Vàng A S1 tiến hành chặt cây cối trên phần đất đang có tranh chấp với ông X, ông C1. Tôi cùng Sùng A H1 trưởng thôn và Sùng A L4 là thôn đội trưởng đến địa điểm tranh chấp lập biên bản về việc tranh chấp giữa các hộ gia đình (Biên bản đã bị thất lạc), tuy nhiên sau khi sự việc xảy ra tổ hoà giải của thôn đã mời ông Vàng A S1 đến thì ông S1 có thừa nhận việc chặt phá cây của ông X và ông C1.

Nguồn gốc đất tranh chấp từ đầu của ai ông Hải không nắm được, chỉ biết từ năm 2000 trở lại đây anh Vàng A C1 quản lý, trồng trọt đến thời điểm năm 2019 thì xảy ra tranh chấp. Nguyên nhân của việc tranh chấp đất là do các con ông S1 là Vàng A S3, Vàng A T1 khai thác đá lăn xuống làm chết cây cối, gia đình anh Vàng A C1 ngăn cản. Ông S1 nói rằng toàn bộ đất của ông S1 nên ông S1 chặt phá toàn bộ cây cối do ông C1 trồng, rào lại toàn bộ diện tích đất hiện nay đang tranh chấp giữa ba gia đình ông X, ông C1, ông G1 với gia đình ông S1. Trong quá trình sinh sống tại địa phương tôi không thấy gia đình ông Vàng A S1 quản lý, sử dụng, đến năm 2019 sau khi xảy ra tranh chấp với các hộ gia đình ông S1 mới trồng rau, ngô trên toàn bộ phần đất đang có tranh chấp với các hộ ông Vàng A X, Vàng A C1 và Vàng A G1. Tại phiên tòa sơ thẩm anh Hải đính chính phần nội dung của biên bản ngày 15/4/2022 “Về nguồn gốc đất thực tế từ đầu của ai anh H không nắm được, chỉ biết từ năm 2000 trở lại đây anh X quản lý trồng trọt, đến năm 2019 mới xảy ra tranh chấp” như sau: Anh H không trực tiếp nhìn thấy gia đình anh X quản lý trồng trọt thửa đất tranh chấp từ năm 2000 trở lại đây, nội dung này là do anh H chỉ nghe từ lời của anh X trình bày lại. Anh Hải trình bày đã được nghe chính ông S1 thừa nhận đã chặt cây trên thửa đất tranh chấp vì ông S1 nói đất đó của ông S1, ông T4 trồng cây vào thì ông S1 được quyền chặt.

Người làm chứng Vàng A X1 tại biên bản lấy lời khai ngày 28-4-2022 đã trình bày: Ông X1 sinh ra lớn lên ở thôn GC cũ. Phần đất tranh chấp giữa anh X với gia đình ông S1 trước đây do ông Vàng A T4 (bố anh X) làm, khi ông T4 chết thì anh X làm tiếp. Khi ông T4 còn sống ông X1 không thấy ai tranh chấp với ông T4. Từ khi anh X làm, ông X1 mới thấy ông S1 đến tranh chấp. Từ trước năm 2000 ông X1 chỉ thấy ông T4 làm trên đất đó, không thấy gia đình ông S1 làm, ông X1 thấy gia đình ông T4 trồng cây chè và trồng cây tre trên đất đó. Ông X1 chưa từng thấy gia đình ông S1 canh tác gì trên đất đó. Tại phiên tòa sơ thẩm ông X1 giữ nguyên ý kiến đã khai và trình bày thêm: Phần nền nhà của gia đình bà K1 và ông S2 trước đây ở là nền nhà của ông Cở bố của ông S2, sau này vợ chồng ông S2, bà K1 chuyển đi Văn Yên sinh sống, giao lại cho ai thì ông X1 không biết nhưng nền nhà đó không nằm trong diện tích đất đang tranh chấp giữa anh X và ông S1. Phần đất tranh chấp đó trước khi ông T4 (là bố anh X) làm thì ông X1 không thấy ai sử dụng.

Người làm chứng ông Vàng A R tại biên bản lấy lời khai ngày 01-3-2022 đã trình bày: Ông R sinh ra và lớn lên tại thôn K nên biết rõ lịch sử thửa đất đang tranh chấp. Ông R không biết rõ diện tích thửa đất đó là bao nhiêu, chỉ biết một mặt giáp bờ đá, một mặt giáp đất đang tranh chấp giữa ông S1, bà C1 với anh X, chị Pàng, một mặt giáp đường dân sinh. Nguồn gốc trước đây do ông Vàng A S2 sử dụng, từ năm 1987 ông S1 sử dụng trồng cây thuốc phiện, ông S1 bỏ hoang nhiều năm thì anh X mới sử dụng. Đến năm 2018 mới phát sinh tranh chấp giữa gia đình anh Vàng A X, bà Sùng Thị P với ông Vàng A S1, bà Trang Thị C1.

Ngày 14-4-2022, anh Vàng A T1 nộp cho Tòa án 02 bản pho tô Bản tự khai của ông Vàng A R và ông Vàng A K2 với nội dung: Tại các biên bản lấy lời khai của ông R vàông K2 ngày 01-3-2022 đã ghi không đúng lời trình bày của ông R vàông K2.

Ngày 14-4-2022, Tòa án đã lấy lại lời khai của ông R và ông K2 với sự chứng kiến của ông Sổng A N.

Cụ thể ông K2 khai: Bản tự khai do anh Vàng A T1 nộp cho Tòa án là do con traiông K2 viết theo ý kiến củaông K2. Khi viết không có mặt ông Sùng A H1 là trưởng thôn, chỉ khi viết xong mới mang cho ông Sùng A H1 ký. Tại biên bản ngày 01-3-2022 do Tòa án lấy lời khai thì chỉ những thông tin sau ghi đúng lời khai củaông K2: “Ông Khua không có quan hệ họ hàng gì với ông X, bà P và ông S1 bà C1; Từ những năm 1990 đến 1994ông K2 là trưởng thôn GC nay là thôn K; từ trước năm 1987 thửa đất tranh chấp do ông Vàng A S2 sử dụng; từ năm 1987 ông Vàng A S1 sử dụng trồng cây thuốc phiện, khoảng năm 1993 cấm trồng cây thuốc phiện”. Còn các nội dung khác trong biên bản ngày 01-3-2022 đều ghi không đúng lời khai củaông K2.

Ông R khai: Bản tự khai do anh Vàng A T1 nộp cho Tòa án là lời khai của ông R do cháu họ ông R là Vàng A Gia trú tại tổ dân phố Sơn Lềnh, thị trấn Sơn Thịnh viết hộ. Khi viết không có mặt ông Sùng A H1 là trưởng thôn, chỉ khi viết xong mới mang cho ông Sùng A H1 ký. Tại biên bản ngày 01-3-2022 do Tòa án lấy lời khai thì chỉ những thông tin sau ghi đúng lời khai của ông R: “Ông R sinh ra và lớn lên tại thôn K nên biết rõ lịch sử thửa đất đang tranh chấp. Ông R không biết rõ diện tích thửa đất đó là bao nhiêu, chỉ biết một mặt giáp bờ đá, một mặt giáp đất đang tranh chấp giữa ông S1, bà C1 với ông X, bà P, một mặt giáp đường dân sinh.” và nội dung “Đến năm 2018 mới phát sinh tranh chấp giữa gia đình ông Vàng A X, bà Sùng Thị P, với ông Vàng A S1, bà Trang Thị C1 cho đến nay không giải quyết được” còn các nội dung khác ghi không đúng lời khai của ông R. Tại phiên tòa ông R khai: Bản tự khai do cháu của ông R là Vàng A G2 viết. Ông R nói miệng những nội dung như tại bản tự khai để anh G2 chép lại vào tờ giấy, lúc anh G2 chép lại lời của ông R thì chỉ có ông R và anh G2 ở đó.

Tại biên bản xác minh ngày 06-5-2022 anh Vàng A G2 khai: “Lời tự khai của nhân chứng” của ông Vàng A R do anh Vàng A T1 nộp cho Tòa án là do anh G2 viết hộ. Anh G2 không nhớ ngày viết nhưng nhớ vào buổi trưa ông Vàng A R và anh Vàng A T1 liên lạc gọi anh G2 đến nhà anh Tồng, khi đó anh Tồng đưa cho anh G2 một bản tự khai của nhân chứng do ai viết thì anh G2 không biết, sau đó anh Tồng nhờ anh G2 chép lại nội dung giống với bản khai do anh Tồng đưa, viết xong anh G2 đưa lại bản khai đã chép cho ông Vàng A R. Thời điểm anh G2 chép chỉ có mặt anh G2, ông R và anh Tồng, sau đó anh Tồng và ông R mới mang cho trưởng thôn ký. Ông R và ông S1 là anh em họ với nhau.

Người làm chứng Sổng A N - nguyên là Chủ tịch UBND xã S cung cấp nội dung:

Ngày 14-01-2020 anh Vàng A X có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất giữa hộ gia đình anh X và hộ gia đình ông S1 đây là đơn anh X nộp lần đầu.

Ông N sinh ra lớn lên và công tác tại xã S. Ông Vàng A K2 và ông Vàng A R là anh em họ với ông Vàng A S1, cụ thể bố của ông S1, ông R, ông K2 là 3 anh em ruột.

Tại biên bản xác minh với UBND xã S, huyện VC xác nhận: Thửa đất tranh chấp giữa anh Vàng A X, bà Sùng Thị P với ông Vàng A S1 và bà Trang Thị C1 thuộc thôn K xã S được quy hoạch để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp cụ thể là đất trồng cây lâu năm, thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thửa đất không thuộc diện quy hoạch thu hồi của bất cứ dự án nào của cấp có thẩm quyền và có đủ điều kiện để giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ trước đến nay thửa đất trên chưa được đăng ký của bất cứ hộ gia đình nào và chưa có hộ gia đình cá nhân nào nộp thuế sử dụng thửa đất nêu trên.

Ngày 02 tháng 03 năm 2022, Tòa án nhân dân huyện VC đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và xác định:

- Diện tích đất tranh chấp: 796,2 m2 .

- Các tài sản trên đất gồm: Trên đất có nhiều hòn đá tảng to nhỏ khác nhau; 01 luống rau cải trên diện tích khoảng 5m2; 01 cây dại mục gốc; 01 hàng rào lưới thép B40 dài khoảng 15m dọc lối đi.

(có sơ đồ kèm theo biên bản thẩm định ngày 02/03/2022).

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện VC đã quyết định:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 157, khoản 1 Điều 158, Điều 147, Điều 244, 271, 273 của BLTTDS; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Điều 91 Nghị định 43.

1. Đình chỉ xét xử phần yêu cầu của các đồng nguyên đơn Vàng A X và Sùng Thị P buộc bị đơn Vàng A S1 và Trang Thị C1 phải bồi thường thiệt hại số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng đối với số chè, sưa, tre bị chặt.

2. Chấp nhận yêu cầu của các đồng nguyên đơn anh Vàng A X và bà Sùng Thị P. Buộc các đồng bị đơn Vàng A S1, Trang Thị C1 và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Vàng A T2, Giàng Thị K phải tháo dỡ toàn bộ hàng rào thép gai để hoàn trả 796,2 m2 đất đã lấn chiếm thuộc khu vực thôn K, xã S huyện VC, tỉnh Yên Bái cho anh Vàng A X bà Sùng Thị P và chị Vàng Thị Dở. (Có bảng tọa độ và sơ đồ kèm theo)

3. Bác yêu cầu của bị đơn Vàng A S1 yêu cầu anh Vàng A X phải bồi thường số tiền 189.000.000 (một trăm tám mươi chín triệu) đồng.

4. Về án phí và chi phí tố tụng:

- Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bị đơn Vàng A S1 và Trang Thị C1.

- Hoàn trả cho anh Vàng A X và bà Sùng Thị P 800.000 (Tám trăm nghìn) đồng tạm ứng án phí DSST đã nộp tại biên lai số AA/2021/0000755 ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện VC, tỉnh Yên Bái.

- Các đồng bị đơn Vàng A S1 và Trang Thị C1 phải liên đới hoàn trả cho anh Vàng A X chi phí thẩm định tại chỗ là 2.557.000 đồng (hai triệu năm trăm năm mươi bảy nghìn) đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu lãi suất chậm thi hành án và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 25-5-2022, bị đơn là ông Vàng A S1 kháng cáo yêu cầu huỷ bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện VC.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo của bị đơn với các lý do: Việc thu thập chứng cứ của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ như lời khai của nguyên đơn về nguồn gốc đất còn mâu thuẫn chưa được đối chất; không đánh giá lời khai của bà Mùa Thị K1; chưa xác minh việc cùng mua đất của ông Sùng Nủ K3; thẩm định tại chỗ chưa đầy đủ, chưa thẩm định phần nền nhà của ông S1 mua lại của ông S2. Đây là những chứng cứ không thể bổ sung tại phiên tòa phúc thẩm; do đó đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và giao hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm giải quyết lại.

Người đại diện theo ủy quyền của người kháng cáo anh Vàng A T1 có ý kiến: Không chấp nhận lời khai của những người làm chứng Vàng A X vì là anh em họ hàng của nguyên đơn; bà Giàng Thị G là người đang có vụ kiện với ông ông S1;

Nguyên đơn anh Vàng A X đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông Vàng A S1, bà Trang Thị C1 trả lại cho gia đình ông diện tích 796,2 m2 đất hiện đang có tranh chấp tại thôn K, xã S, huyện VC, tỉnh Yên Bái.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị: Về nguồn gốc đất như bị đơn trình bày là không có căn cứ chấp nhận; quá trình sử dụng đất của nguyên đơn đã được những người sống lâu năm tại địa phương xác định; phù hợp với những tài liệu, lời khai của người làm chứng thể hiện ông Vàng A T4 là người sử dụng từ năm 2007, sau khi ông T4 chết thì anh Vàng A X và bà Sùng Thị P tiếp tục sử dụng cho đến khi phát sinh tranh chấp; Đối với những người làm chứng được bị đơn đề nghị triệu tập thêm tại phiên tòa phúc thẩm đều là người có quan hệ họ hàng thân thiết của bị đơn nên không đảm bảo tính khách quan nên đề nghị không được xem xét là chứng cứ; mà cần xem xét lời khai ban đầu của những người làm chứng là chứng xứ để giải quyết. Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người có quyền lợi liên quan anh Vàng A T2 và đại diện theo ủy quyền của chị Giàng Thị K là anh Vàng A P đề nghị Tòa án xem xét giải quyết diện tích đất đang tranh chấp là của ông S1, bà C1.

Những người làm chứng do bị đơn đề nghị triệu tập có mặt phiên tòa phúc thẩm gồm: ông Sùng A L2; ông Sùng A L1; ông Vàng A R; ông Vàng A K2 đều xác định là người có quan hệ anh em họ hàng của ông S1 và đều xác định không được trực tiếp tham gia hay chứng kiến việc mua bán nhà, đất giữa ông S2 và ông S1 mà chỉ nghe nói lại.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái có ý kiến: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm. Thủ tục phiên tòa đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đơn kháng cáo của bị đơn làm trong hạn luật định và hợp lệ. Về nội dung vụ án: Xác định việc thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm đã đầy đủ; Việc Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ pháp luật. Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn; giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện VC.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Toà án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án là: Tranh chấp đất đai và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đồng thời đã xác định đúng, đầy đủ những người tham gia tố tụng trong vụ án và xác định đúng thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định của các Điều 26; 35 và 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Đơn kháng cáo của bị đơn làm trong thời hạn kháng cáo, đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung. Nên việc kháng cáo của bị đơn là hợp lệ được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Tại cấp phúc thẩm, bị đơn có đề nghị triệu tập thêm người làm chứng là ông Sùng A L2; ông Sùng A L1; ông Vàng A Đ1; ông Vàng A Đ2 và ông Sùng A G1. Đây là quyền lơi chính đáng của bị đơn nên được Tòa án chấp nhận và xác định những người này là người làm chứng trong vụ án.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Các bên đương sự tranh chấp diện tích đất mà hiện tại cả hai bên đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có bất kỳ một loại giấy tờ nào theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai; Như vậy, việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất cần được căn cứ vào thực tế quá trình sử dụng đất của các bên và tài sản trên đất.

[2.2] Căn cứ vào kết quả xác minh và giải quyết tranh chấp tại cơ sở của Ủy ban nhân dân xã S đã thể hiện: Ông Vàng A T4 (bố đẻ anh Vàng A X và là chồng bà Sùng Thị P) là người người khai phá được tổng diện tích đất 1.026,5m2 để trồng chè, sưa, tre từ năm 2007; đến năm 2019 thì bị gia đình ông S1 khai thác đá làm chết cây, sau đó chặt cây, rào diện tích đất 704,7 m2 không cho gia đình anh X sử dụng. Còn gia đình ông S1 được sử dụng phần đất có nền nhà và vườn do ông S2 để lại cho ông S1 có diện tích 440,6m2. (Kết luận ngày 08-6-2019 Ủy ban nhân dân xã S; Biên bản làm việc ngày 29-7-2019 của Ủy ban nhân dân xã S; Biên bản Hòa giải ngày 26-7-2021 Ủy ban nhân dân xã S).

[2.3] Xét trình bày của nguyên đơn về nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp là phù hợp với kết qủa xác minh và giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân xã S nêu trên; phù hợp với lời khai của những người làm chứng là ông Sùng A H1- Trưởng thôn K, xã S, huyện VC, anh Mùa A H, ông Mùa A K2, bà Giàng Thị G. Thể hiện diện tích đất đang có tranh chấp từ năm 2007 do gia đình anh Vàng A X, bà Sùng Thị P quản lý và sử dụng liên tục cho đến năm 2019 thì xẩy ra tranh chấp với gia đình ông Vàng A S1, bà Trang Thị C1.

[2.4] Xét ý kiến phản đối của bị đơn ông Vàng A S1: Diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc do năm 1993 ông đã đổi của ông Vàng A S2 03 chỉ thuốc phiện; 15 tấm gỗ dổi rộng khoảng 50 phân, 01 con lợn khoảng 50 kg để được sử dụng phần đất khoảng hơn 6.000 m2 đất đồi tại thôn K, xã S. Lời khai này của ông Vàng A S1 cơ bản phù hợp với lời khai của ông Vàng A R và bà Mùa Thị K1 là vợ ông Vàng A S2 có nội dung năm 1993, gia đình bà chuyển đi nơi khác sinh sống nên đã đổi cho ông Vàng A S1 (là anh họ). Tuy nhiên, do các đương sự chuyển nhượng đất không được lập thành văn bản. Nên không có căn cứ, cơ sở để xác định diện tích, ranh giới và vị trí đất đã chuyển nhượng. Nên chỉ có căn cứ để xác định việc ông Vàng A S2, bà Mùa Thị K1 đã để lại cho ông Vàng A S1 một căn nhà gỗ và diện tích đất vườn là 440,6m2 như kết quả giải quyết của Ủy ban nhân dân xã S.

[2.5] Kết quả thẩm định tại chỗ của Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định diện tích đất tranh chấp là 796,2m2 và không nằm trong phần đất có nền nhà hiện gia đình ông Vàng A S1 đang quản lý, sử dụng.

[2.6] Từ những nhận định nêu trên, việc ông Vàng A S1 cho rằng diện tích đất có tranh chấp là của gia đình ông sử dụng từ năm 1993 trên cơ sở nhận chuyển nhượng từ gia đình ông Vàng A S2 là không có căn cứ. Ông Vàng A S1 cũng không phải là người thực tế sử dụng đất trước khi xảy ra tranh chấp. Nên việc gia đình ông Vàng A S1 tự ý rào và sử dụng 796,2 m2 đất tại thôn K, xã S huyện VC, tỉnh Yên Bái đang do gia đình ông Vàng A X, bà Sùng Thị P quản lý sử dụng là hành vi lấn chiếm đất đang do người khác quản lý.

[2.4] Đối với yêu cầu của bị đơn ông Vàng A S1 về việc buộc gia đình nguyên đơn anh Vàng A X, bà Sùng Thị P phải bồi thường thiệt hại số tiền: 189.000.000 đồng (Một trăm tám mươi chín triệu đồng). Do không có căn cứ để công nhận gia đình ông Vàng A S1 là người sử dụng đất hợp pháp của thửa đất đang tranh chấp. Nên yêu cầu này của bị đơn là không có căn cứ để chấp nhận.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn Hội đồng xét xử thấy rằng:

[3.1] Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, lời khai của những người làm chứng do các bên đưa ra; kết quả giải quyết tranh chấp từ cơ sở và đã thẩm định tại chỗ nên kháng cáo của bị đơn về nôi dung này là không có căn cứ để chấp nhận.

[3.2] Việc Toà án cấp sơ thẩm nhận định diện tích đất đang có tranh chấp hiện chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình nào, nhưng anh Vàng A X và bà Sùng Thị P là người sử dụng đất thực tế từ năm 2007 cho đến năm 2019 thì bị gia đình ông Vàng A S1 tranh chấp lấn chiếm và sử dụng đất. Nên việc Toà án cấp sơ thẩm quyết định buộc gia đình ông Vàng A S1 có nghĩa vụ trả lại cho gia đình ông Vàng A X diện tích 796,2 m2 đất tại thôn K, xã S huyện VC, đồng thời không chấp nhận yêu cầu bồi thường do phía bị đơn đưa ra là có căn cứ.

[3.3] Tại toà án cấp phúc thẩm, bị đơn không cung cấp bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ gì mới. Nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị đơn; cần giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 12-5-2022 của Toà án nhân dân huyện VC.

[4] Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp và có căn cứ pháp luật nên cần được chấp nhận.

[5] Về án phí: Do người kháng cáo là dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, xin được miễn án phí. Nên Hội đồng xét xử miễn án phí dân sự phúc thẩm cho bị đơn.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Vàng A S1. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2022/DS-ST ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện VC, tỉnh Yên Bái.

2. Về án phí phúc thẩm: Ông Vàng A S1 và Trang Thị C1 được miễn án phí dân sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7a, ,7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

335
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp đất đai và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 13/2022/DS-PT

Số hiệu:13/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Yên Bái
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:15/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về