TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ S, TỈNH Đ
BẢN ÁN 36/2023/DS-ST NGÀY 29/07/2023 VỀ TRANH CHẤP DÂN SỰ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM
Ngày 29 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố S, tỉnh Đ, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 168/2022/TLST-DS ngày 10 tháng 10 năm 2022, về việc “tranh chấp dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 37/2023/QĐXXST-DS ngày 22 tháng 6 năm 2023; Thông báo về việc thay đổi thời gian xét xử số: 56/TB-TA ngày 10 tháng 7 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 39/2023/QĐST-DS ngày 21 tháng 7 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Phan Lý Lệ H, sinh năm 1968.
Địa chỉ: Khóm X, Phường Y, thành phố S, tỉnh Đ.
2. Bị đơn: Bà Phạm Thị Phương Đ, sinh năm 1973.
Địa chỉ: khóm H, Phường Y, thành phố S, tỉnh Đ.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Kim L, sinh năm 1971.
Địa chỉ: khóm T, phường A, thành phố S, tỉnh Đ. Là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 17/10/2022).
Tại phiên tòa: Bà H và bà Loan có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung đơn khởi kiện, quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn - bà Phan Lý Lệ H trình bày:
Vào khoảng 17 giờ ngày 09/11/2020 bà H có dùng xe tải để chở đồ, vật dụng của bà H chạy ngang đường nội bộ trước nhà của bà Đ, bà Đ không đồng ý và cho rằng sẽ làm sụt lún đường vì vậy hai bên có lời qua tiếng lại, ngay sau đó bà Đ cầm khúc cây khô trước nhà đánh vào đầu của bà H gây chấn thương. Ngay chiều ngày 09/11/2020, bà H nhập viện tại bệnh viện đa khoa Sa Đéc để điều trị đến ngày 10/11/2020 thì gia đình bà H xin chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy thành phố H điều trị đến ngày 26/11/2020 thì xuất viện.
Ngày 02/12/2020, công an xã H, huyện L có làm việc nhưng bà H không có yêu cầu xử lý hình sự đối với bà Đ, chỉ yêu cầu giải quyết dân sự và yêu cầu bà Đ bồi thường chi phí điều trị tổng số tiền 24.091.000đ nhưng trong biên bản của Công an cộng nhầm là 23.000.000đ. Khi đó bà Đ chỉ đồng ý trả cho bà H chi phí điều trị tại bệnh viện đa khoa Sa Đéc và hỗ trợ thêm 2.000.000đ nhưng bà H không đồng ý.
Sau đó, bà H có nộp đơn yêu cầu bà Đ bồi thường thiệt hại sức khỏe tại Tòa án nhân dân huyện Lai Vung, Tòa án đã thụ lý, giải quyết nhưng bà Đ không đồng ý với yêu cầu của bà H. Sau đó, nhà của bà H với bà Đ ở huyện L bị giải tỏa nên chuyển về Sa Đéc sống. Do đó, bà H rút đơn khởi kiện và nộp lại đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố S để giải quyết theo thẩm quyền.
Tại phiên tòa, bà H yêu cầu bà Đ bồi thường các khoản, cụ thể:
- Tiền viện phí, tiền thuốc tại bệnh viện S: 2.317.379đ;
- Tiền viện phí, tiền thuốc tại bệnh viện C: 21.774.000đ;
- Tiền thu nhập bị mất của người bệnh: 100.000đ/ngày x 15 ngày = 1.500.000đ;
- Tiền thu nhập bị mất của người nuôi bệnh 200.000đ/ngày x 15 ngày = 3.000.000đ;
- Tiền bù đắp tổn thất tinh thần: 1.800.000đ x 12 tháng = 21.600.000đ.
Như vậy, bà H yêu cầu bà Đ bồi thường thiệt hại sức khỏe các khoản nêu trên tổng số tiền là 50.191.379đ.
Bà H xác định không yêu cầu bồi thường khoản tiền ăn của người bệnh và người nuôi bệnh; khoản tiền thu nhập bị mất của người bệnh và người nuôi bệnh trong 02 ngày điều trị tại bệnh viện đa khoa S.
Ngoài ra, bà H không có yêu cầu gì khác.
Quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Kim L là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - bà Phạm Thị Phương Đ trình bày:
Bà L là đại diện hợp pháp của bà Đ thống nhất với trình bày của bà H về thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc xô xát giữa bà H với bà Đ. Xuất phát từ việc bà Đ không cho bà H chạy xe ngang đường nội bộ trước nhà vì làm sụt lún đường nên hai bên lời qua tiếng lại, trong lúc nóng giận bà Đ có cầm 01 khúc cây gỗ khô đánh vào vùng đầu bên trái của bà H.
Cùng ngày 09/11/2020, bà H nhập viện tại bệnh viện đa khoa S đến ngày 10/11/2020, bà H yêu cầu được chuyển viện lên bệnh viện C, khi bà H chuyển viện không có thông báo cho bà Đ biết, tại bệnh viện C, bà H được điều trị từ ngày 10/11/2020 đến ngày 26/11/2020 thì ra viện. Căn cứ vào giấy ra viện ngày 26/11/2020 của bệnh viện C, tại phần kết luận bệnh viện xác định: bà H bị “Dị tật động - tĩnh mạch của các mạch máu não (dị dạng động tĩnh mạch não trán, thái dương phải)”. Bệnh này không phải do tác động của bà Đ gây ra, qua tìm hiểu được biết bệnh của bà H là do bẩm sinh. Trong trường hợp này, bà H yêu cầu chuyển viện là để điều trị bệnh khác.
Mặt khác, vị trí bà Đ đánh là bên trái trong khi đó kết luận chuẩn đoán xác định dị dạng động tĩnh mạch não trán, thái dương phải.
Tại phiên tòa, bà L xác định: bà Đ chỉ đồng ý hỗ trợ tiền thuốc cho bà H số tiền 5.000.000đ.
Ngoài ra, bà Đ không yêu cầu gì khác.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố S phát biểu ý kiến:
- Về thủ tục tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án đều đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Về nội dung: Đề nghị, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Lý Lệ H: Buộc bà Phạm Thị Phương Đ trả số tiền bồi thường 11.317.979đ cho bà Phan Lý Lệ H. Về án phí dân sự sơ thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật (có văn bản phát biểu kèm theo).
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX nhận định như sau:
[1]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết: Căn cứ nội dung yêu cầu khởi kiện nêu trên của bà Phan Lý Lệ H, HĐXX xác định quan hệ pháp luật là “tranh chấp dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”; vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố S theo quy định tại khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.
[2]. Về nội dung vụ án:
Xét yêu cầu khởi kiện của bà Phan Lý Lệ H về việc yêu cầu bà Phạm Thị Phương Đ bồi thường thiệt hại các khoản gồm tiền viện phí, tiền thuốc điều trị tại bệnh viện đa khoa S và tại bệnh viện C; tiền thu nhập bị mất của người bệnh và của người nuôi bệnh trong thời gian điều trị 15 ngày tại bệnh viện C và tiền bù đắp tổn thất tinh thần với tổng số tiền là 50.191.379đ, HĐXX nhận định:
[2.1]. Các bên đương sự đều thừa nhận: Vào ngày 09/11/2020, giữa bà H và bà Đ có xảy ra vụ việc xô xát, cự cãi với nhau. Vì vậy, bà Đ có cầm khúc cây đánh vào đầu của bà H gây thương tích. Tình tiết, sự kiện này không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự nên HĐXX công nhận.
[2.2]. Cùng ngày, bà H được đưa đến Bệnh viện đa khoa S điều trị đến ngày 10/11/2020 (02 ngày). Ngay sau đó, theo yêu cầu của gia đình, bà H được chuyển đến Bệnh viện C để điều trị cho đến ngày 26/11/2020 (15 ngày) ra viện. Căn cứ vào bệnh án của bà H do Bệnh viện đa khoa S, khi vào viện, bà H bị đa chấn thương vùng đầu và tay phải khai do bị đánh.
Tại khoản 1 Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác...”.
[2.3]. Theo đó, việc bà H yêu cầu bà Đ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm là có căn cứ để chấp nhận.
[2.4] Tuy nhiên, các khoản yêu cầu bồi thường của bà H là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể:
[2.4.1]. Theo nội dung Giấy ra viện của bệnh viện C thể hiện: Bà H bị “dị tật động - tĩnh mạch của các mạch máu não (dị dạng động tĩnh mạch não trán, thái dương phải)” và Công văn số: 2125/BVCR-KHTH ngày 19/7/2023 của bệnh viện Chợ Rẫy xác định: “dị tật động - tĩnh mạch của các mạch máu não (dị dạng động tĩnh mạch não trán, thái dương phải)” của bà H là một tổn thương có từ trước, không do tác động ngoại lực của lần này. Cho nên, bệnh lý bà H điều trị tại bệnh viện C không phải là thương tích do bà Đ gây ra. Vì vậy, việc bà H yêu cầu bà Đ bồi thường các chi phí điều trị phát sinh tại bệnh viện C gồm tiền viện phí, tiền thuốc; tiền thu nhập bị mất của người bệnh và của người nuôi bệnh trong thời gian điều trị 15 ngày là không có căn cứ để chấp nhận.
[2.4.2]. Về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được pháp luật quy định như sau:
Tại Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.” Tại Điều 7 Nghị quyết số: 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối Cao quy định: Về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự:
1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm:
a) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;
b) Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;
c) Chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút là các chi phí cho việc phục hồi, hỗ trợ, thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được xác định như sau:
a) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì được xác định theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút;
b) Trường hợp người bị thiệt hại có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công được xác định căn cứ vào mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra. Trường hợp không xác định được 03 tháng lương liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra thì căn cứ vào thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được bồi thường là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày bị thiệt hại.
Ngày lương tối thiểu vùng được xác định là 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định chia cho 26 ngày.
3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 590 của Bộ luật Dân sự được xác định như sau:
a) Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại điều trị (nếu có);
b) Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này;
c) Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.”.
[2.4.2.1]. Sau khi bị bà Đ gây thương tích, bà H được điều trị tại bệnh viện đa khoa S 02 ngày (từ ngày 09/11 đến ngày 10/11/2020). Căn cứ vào các biên lai mà bà H cung cấp thì tổng số tiền mà bà H điều trị tại Bệnh viện đa khoa S là 2.317.979đ. Do đó, bà H yêu cầu bà Đ bồi thường chi phí điều trị số tiền 2.317.979đ là có căn cứ nên HĐXX chấp nhận.
[2.4.2.2]. Đối với khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần, nhận thấy: Thương tích bà H điều trị tại bệnh viện đa khoa S là do bà Đ trực tiếp gây ra. Điều này đã gây tổn hại về sức khỏe thân thể cũng như tinh thần của bà H. Thế nhưng, việc bà H yêu cầu bồi thường tiền bù đắp tổn thất tinh thần với mức: 1.800.000đ/tháng x 12 tháng = 21.600.000đ là chưa phù hợp, bởi lẽ: Khi vào viện, bà H khai đa chấn thương do bị đánh nhưng kết quả chụp X quang chưa phát hiện dấu hiệu bất thường. Đồng thời, tình trạng khi ra viện của bà H là “bệnh tỉnh, sinh hiệu ổn, không yếu liệt chi, than chóng mặt, tim đều, phổi trong, bụng mềm” và việc bà H được chuyển đến bệnh viện C điều trị là theo yêu của của gia đình. Ngoài ra, như đã nhận định ở phần trên, tại bệnh viện C, bà H điều trị tổn thương và bệnh lý khác. Đồng thời, bà H cũng thừa nhận khi đến bệnh viện C thì bà mới biết mình bị dị tật bẩm sinh động tĩnh mạch não trán, thái dương phải. Từ ra viện đến nay, sức khỏe của bà H đã hồi phục lại bình thường. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bà H, căn cứ vào tình trạng thương tích cũng như sức khỏe hiện tại của bà H nên buộc bà Đ bồi thường tổn thất tinh thần cho bà H bằng 05 lần mức lương cơ sở (1.800.000đ/tháng), thành tiền 9.000.000đ là thỏa đáng.
[2.4.3]. Như vậy, bà Đ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho bà H các khoản gồm chi phí điều trị 02 ngày tại bệnh viện đa khoa S và tiền bù đắp tổn thất tinh thần tổng cộng là 2.317.979đ + 9.000.000đ = 11.318.000đ (tính tròn).
[2.5]. Đối với khoản bồi thường tiền ăn của người bệnh và người nuôi bệnh; khoản tiền thu nhập bị mất của người bệnh và người nuôi bệnh 02 ngày tại bệnh viện đa khoa S, bà H không yêu cầu nên HĐXX không xem xét, giải quyết.
[2.6]. Từ những nhận định nêu trên, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà H: Buộc bà Đ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho bà H tổng số tiền 11.318.000đ.
[2.7]. Đối với ý kiến của bà Đ chỉ đồng ý hỗ trợ tiền thuốc cho bà H số tiền 5.000.000đ là chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên HĐXX không chấp nhận.
[2.8]. Qua ý kiến của đại diện Viện kiểm sát: Về nội dung vụ án, đề nghị HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn là phù hợp với quy định của pháp luật; đúng tình tiết, nội dung vụ án nên HĐXX chấp nhận một phần.
[3]. Về án phí dân sự sơ thẩm:
[3.1]. Bà Đ chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu khởi kiện của bà H được chấp nhận.
[3.2]. Bà H thuộc trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí theo quy định của pháp luât.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 6 Điều 26; khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; các điều 92 và 147 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Áp dụng Điều 584 và Điều 590 của Bộ luật dân sự năm 2015;
Áp dụng Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự;
Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phan Lý Lệ H.
Buộc bà Phạm Thị Phương Đ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho bà Phan Lý Lệ H tổng số tiền 11.318.000đ đ (Bằng chữ: Mười một triệu ba trăm mười tám nghìn đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm:
Bà Phạm Thị Phương Đ chịu 566.000đ án phí dân sự sơ thẩm.
Hoàn trả lại cho bà Phan Lý Lệ H số tiền tạm ứng án phí 1.304.000đ đã nộp theo biên lai số 0001050 ngày 05/10/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố S.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Đi ều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Đương sự được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm số 36/2023/DS-ST
Số hiệu: | 36/2023/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Sa Đéc - Đồng Tháp |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 29/07/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về