TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
BẢN ÁN 478/2023/DS-PT NGÀY 21/09/2023 VỀ TRANH CHẤP DÂN SỰ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong các ngày 31/5/2023 và ngày 21/9/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 122/2023/TLPT-DS ngày 30 tháng 3 năm 2023, về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”;
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2023/DS-ST ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bị kháng cáo;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 221/2023/QĐ-PT ngày 17 tháng 4 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 274/2023/QĐ-PT ngày 12/5/2023; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 66/2023/QĐ-PT ngày 31/5/2023; Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 394/2023/QĐ-PT ngày 30/8/2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 510/2023/QĐ-PT ngày 14/9/2023 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1967.
Địa chỉ: Số A, M, phường V, thành phố R, tỉnh Kiên Giang.
2. Bị đơn: Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO).
Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Hương G, chức vụ: Tổng Giám Đốc.
Địa chỉ: Tầng B Tòa nhà M, số B T, quận Đ, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Hương G:
2.1. Ông Nguyễn Ngọc T, sinh năm 1975.
2.2. Ông Đinh Xuân Q, sinh năm 1970.
2.3. Ông Nguyễn Hoàng h, sinh năm 1972.
Cùng địa chỉ: Tầng B Tòa nhà M, số B T, quận Đ, Thành phố Hà Nội.
2.4. Ông Phan Mai Vân Thanh T1, sinh năm 1985. Địa chỉ: Ấp H, xã L, huyện L, tỉnh Đồng Tháp.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty B1.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Văn T2, chức vụ: Giám đốc. Địa chỉ: Số B L, Phường B, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp.
4. Người kháng cáo: Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) là bị đơn trong vụ án.
Bà C, ông H, ông Q, ông T, ông T1 có mặt tại phiên tòa. Ông Q, ông T2 vắng mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện nguyên đơn bà Nguyễn Thị C trình bày:
Bà Nguyễn Thị C là chủ sở hữu chiếc tàu cá mang biển số KG: 93280-TS, để bảo hiểm thân tàu nên bà C có ký hợp đồng bảo hiểm tàu cá KG: 93280-TS với Công Ty B1 (trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần B) vào ngày 01/10/2019. Hợp đồng bảo hiểm số P-19/DTH/NV2/2400/000004, giá trị tham gia bảo hiểm thân tàu là 1.000.000.000 đồng và đã đóng phí đầy đủ cho Công Ty B1, số tiền phí đã đóng là 12.300.000 đồng.
Đến ngày 10/10/2019 tàu cá của bà C bị tai nạn và hư hỏng toàn bộ. Sau khi tàu bị tai nạn bà C có đơn yêu cầu Công Ty B1 xem xét bồi thường thân tàu cho bà C. Đồng thời bà C làm mọi thủ tục theo yêu cầu phía Công ty và Công ty đã nhận toàn bộ giấy tờ mà bà C đã cung cấp theo yêu cầu Công Ty.
Sau khi phía Công ty B1 nhận giấy tờ của bà C, Công ty hứa trong vòng một tháng sẽ chi trả tiền bảo hiểm cho tàu của bà C, ngày 23/3/2021 ông Bành Đức C1 giám đốc Công Ty B1 có ký cam kết rằng: “Tôi có bán bảo hiểm cho tàu cá KG:
93280-TS do bà Nguyễn Thị C đứng tên sở hữu, hợp đồng bảo hiểm số 19/DTH/NV2/2400/000004 ngày 30/9/2019. Ngày 10/10/2019 tàu KG: 93280-TS của bà C bị chìm tổn thất hoàn toàn đến nay 17 tháng tôi chưa bồi thường cho bà C, tôi cam đoan trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký cam kết này sẽ bồi thường đầy đủ, toàn bộ số tiền bảo hiểm cho bà C. Nếu tôi làm sai tờ cam kết tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật” nhưng ông C1 không thực hiện cam kết của mình.
Đến ngày 19/5/2021 Công ty B1 ra thông báo từ chối bồi thường số 049/DTH/TB-TCBT,2021 nội dung thông báo có ghi “ Tại thời điểm xảy ra sự cố vào ngày 10/10/2019 trên tàu cá KG: 93280-TS không có người đảm nhiệm chức danh thợ máy, thủy thủ( không có văn bằng, chứng chỉ thợ máy, thủy thủ) theo quy định và ông Nguyễn Hoàng T3 máy trưởng tàu cá hạng nhỏ không đủ điều kiện đảm nhận chức danh máy trưởng trên tàu cá số KG-93280-TS” đó là lý do của Công ty B1 đưa ra để từ chối bồi thường.
Trong hợp đồng ở phần 6.3 trang 5 của hợp đồng bảo hiểm có ghi rõ “Chế tài 10% số tiền bồi thường/vụ tổn thất đối với trường hợp thuyền trưởng, máy trưởng có bằng nhưng nhỏ hơn hạng bằng theo quy định của nhà nước”.
Nay bà C yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần B Người đại diện pháp luật bà Nguyễn Thị Hương G - Chức vụ Tổng Giám Đốc phải bồi thường thiệt hại cho bà C số tiền như sau:
Bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm là 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) nhưng do chế tài 10% theo phần 6.3 trang 5 của hợp đồng bảo hiểm nên bà C yêu cầu số tiền là 900.000.000 đồng. Lãi suất ngân hàng từ ngày 10/10/2019 đến ngày xét xử thành tiền là 240.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền là 1.140.000.000 đồng.
Đối với tài sản tàu cá thế chấp tại ngân hàng bà C đã tất toán với Ngân hàng vào ngày 22/01/2020 xong.
* Theo bị đơn Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) người đại diện theo ủy quyền bà G là anh T và anh T1 trình bày:
- Ngày 30/09/2019 Công ty B1 (“PJICO Đồng Tháp”), do ông Bành Đức C1 là đại diện, ký kết Hợp đồng bảo hiểm số P- 19/ĐTH/NV2/2400/000004. Theo đó, PJICO nhận bảo hiểm thân tàu KG-93280- TS (“Tàu Cá”) với các thông tin chính như sau:
+ Thời hạn bảo hiểm từ ngày 01/10/2019 đến 23h59 ngày 30/04/2020;
+ Số tiền bảo hiểm là 400.000.000 (bốn trăm triệu) đồng;
+ Số phí bảo hiểm là 5.300.000 (năm triệu, ba trăm nghìn) đồng.
- Tiếp đó, ngày 04/10/2019, hai bên ký tiếp Hợp đồng bảo hiểm số P- 19/ĐTH/NV2/2400 000005. Theo đó, PICO nhận bảo hiểm thân tàu KG-93280- TS với các thông tin chính như sau:
+ Thời hạn bảo hiểm từ ngày 01/10/2019 đến 23h59 ngày 30/04/2020;
+ Số tiền bảo hiểm là 600.000.000 (sáu trăm triệu) đồng;
+ số phí bảo hiểm là 6.000.000 (sáu triệu) đồng.
- Ngày 09/10/2019, tàu cá gồm: Thuyền trưởng Vương Hoàng H1 (“Thuyền trưởng"), cùng 04 thuyền viên, trong quá trình điều động vào bờ (cửa Đ, Trà Vinh) để sửa chữa bị mắc cạn cồn cát tại tọa độ 09 26 N-105 27'E thuộc vùng biển Đ, tỉnh Trà Vinh và không thể trục vớt, bị tổn thất toàn bộ.
Nguyên nhân tổn thất được xác định như sau: "do thiếu kinh nghiệm của thuyền viên trong quá trình điều động tàu cả số KG-93280 - TS vào Cảng Đ thuộc huyện T, tỉnh Trà Vinh đã không quan sát đèn báo hiệu phao luồng và định vị trên Tàu dẫn đến tàu cá đi vào cồn cát làm tàu bị mắc cạn và nghiêng, nước từ bên ngoài tràn vào hầm hàng gây chìm tàu".
- Ngày 12/06/2020, bà C yêu cầu PJICO bồi thường số tiền 1.000.000.000 đồng.
- Ngày 19/05/2021, PJICO ra thông báo số 049/DTH/TB-TCBT.2021 từ chối bồi thường đối với tổn thất của tàu KG-93280-TS vì lý do: “... Căn cứ vào điểm 6 khoản 4 Điều 6 (Loại trừ bảo hiểm) Chương 3 phần I – Quy tắc bảo hiểm tàu cá PJICO 2012 thì sự cố chìm tàu KG-93280-TS không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm do máy trưởng không có bằng theo quy định ...”.
Bà Nguyễn Thị C khởi kiện yêu cầu PJICO bồi thường thiệt hại cho bà C số tiền là 1.000.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 10/10/2020 đến 10/10/2021 (24 tháng) theo mức lãi suất 12%/năm. Tổng cộng yêu cầu PJICO bồi thường thiệt hại là 1.240.000.000 đồng (Một tỷ, hai trăm bốn mươi triệu) đồng cho tổn thất của tàu cá.
Căn cứ bà C đưa ra để chứng minh đó là Hợp đồng bảo hiểm số 19/DTH NV2/2400/000004 ký ngày 01/10/2019 và Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số E- 19/DTH/NV2/000004.
Về phía PJICO không đồng ý bởi vì:
+ Hợp đồng bảo hiểm số P19/DTH/NV2/2400/000004 ký ngày 01/10/2019 và Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số E-19/DTH/NV2/000004 do bà Cúc cung c cho Tòa Á không có giá trị pháp lý đối với PJICO dẫn đến không phát sinh quyền và nghĩa vụ từ Hợp đồng bảo hiểm đó. Do vậy, không phát sinh trách nhiệm bồi thường của PJICO đối với tổn thất tàu cá KG-93280-TS.
+ Lý do hệ thống phần mềm theo dõi quản lý đơn bảo hiểm của PJICO (Phần mềm Premia) ghi nhận 02 Giấy chứng nhận bảo hiểm (đơn bảo hiểm) mà Công ty B1 cấp cho Tàu Cá KG-93280-TS gồm: i) Giấy chứng nhận bảo hiểm số P-19/ĐTH NV2 2400/000004 (kèm theo đó Hợp đồng bảo hiểm số P-19/ĐTH NV2/2400/000004 có thời hạn bảo hiểm từ ngày 01/10/2019 đến 23h59 ngày 30/04/2020; số tiền bảo hiểm là 400.000.000 đồng) và; ii) Giấy chứng nhận bảo hiểm số 19 ĐTH/NV2/2400/000005 kèm theo đó là Hợp đồng bảo hiểm số P- 19 ĐTHNV2/2400/000005 có thời hạn bảo hiểm từ ngày 01/10/2019 đến 23h59 ngày 30/04/2020 với số tiền bảo hiểm là 600.000.000 đồng). Hai hợp đồng bảo hiểm này có cùng thời hạn bảo hiểm với Hợp đồng bảo hiểm số 19/DTH/NV2/2400/000004 mà bà Cúc cung c cho Tòa án. Tuy nhiên, có khác nhau về điều khoản, điều kiện áp dụng. Hợp đồng bảo hiểm số P-19/ĐTH/NV2/2400/000004.
+ Bà Cúc cung c cho Tòa có điều khoản chế tài 10% số tiền bồi thường trong trường hợp máy trưởng, thuyền trưởng đã có bằng nhưng hạng bằng nhỏ hơn hạng bằng theo quy định của Nhà nước trong khi 02 Hợp đồng bảo hiểm mà PJICO có không chứa đựng điều khoản trên. Như vậy, PJICO không được biết sự tồn tại của Hợp đồng bảo hiểm số P-19/ĐTH/NV2/2400/000004 ký ngày 01/10/2019 và Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số E- 19 DTH/NV2 00004 mà bà C2 cung cấp cho Quý Tòa. Do đó, không phát sinh quyền và nghĩa vụ của PJICO.
+ Ông Bành Đức C1 ký Hợp đồng bảo hiểm có điều khoản chế tài 10% số tiền bồi thường trong trường hợp máy trưởng, thuyền trường đã có bằng nhưng hạng bằng nhỏ hơn hạng bằng theo quy định của Nhà nước thuộc trường hợp vượt thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật, ông C1 phải chịu trách nhiệm đối với phần giao dịch vượt quá thẩm quyền. Tổng Công ty không có yêu cầu gì với ông Bành Đức C1.
Đối với bảo hiểm tàu cá, từ năm 2015, Tổng Công ty Cổ phần B đã không cho phép các công ty bảo hiểm trực thuộc (trong đó có Công ty B1) giao kết hợp đồng bảo hiểm tàu cá có điều khoản tài 10% số tiền bồi thường trong trường hợp máy trưởng, thuyền trưởng đã có bằng nhưng hạng bằng nhỏ hơn hạng bằng theo quy định của Nhà nước. Ông C1, với tư cách là người đại diện hợp pháp của Công ty B1”, buộc phải biết nội dung này. Tuy nhiên, ông Bành Đức C1 đã cố tình giao kết Hợp đồng bảo hiểm số 19/DTH NV2/2400/000004 có điều khoản chế tài 10%. Như vậy, việc ông Bành Đức C1 giao kết Hợp đồng bảo hiểm có điều khoản chế tài 10% số tiền bồi thưởng trong trường hợp máy trưởng, thuyền trưởng đã có bằng nhưng hạng bằng nhỏ hơn hạng bằng theo quy định của Nhà nước là trường xác lập giao dịch vượt quá thẩm quyền. Do vậy, theo quy định tại khoản 1 điều, Điều 143 Bộ luật dân sự 2015, trường hợp này không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của PJICO (người được đại diện), và theo quy định tại khoản 2 điều, Điều 143 Bộ luật dân sự 2015 ông Bành Đức C1 (người đại diện) phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho bà C đổi với tổn thất Tàu - AG KG – 93280-TS.
- Đại diện của Công ty B1:
Vắng mặt không có ý kiến.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2023/DS-ST ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị C yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) trả số tiền bảo hiểm tàu cá số KG-93280-TS là 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng) và tiền lãi là 240.000.000 đồng (Hai trăm bốn mươi triệu đồng).
2. Buộc Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) trả cho bà Nguyễn Thị C số tiền bảo hiểm tàu cá số KG-93280-TS là 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng) và tiền lãi là 240.000.000 đồng (Hai trăm bốn mươi triệu đồng).
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo và thời hạn kháng cáo của các đương sự theo luật định.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 20 tháng 02 năm 2023, bị đơn Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) có đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị C.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Nguyên đơn bà Nguyễn Thị C vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh, phát biểu việc tuân thủ pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, các đương sự tham gia tố tụng chấp hành tốt quy định của pháp luật và đề xuất hướng giải quyết là không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO), giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa của các đương sự, ý kiến phát biểu của vị Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng:
- Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp, thụ lý giải quyết và xét xử vụ án đúng thẩm quyền và thủ tục theo quy định tại Điều 26, Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự. Tổng Công ty Cổ phần B (Tổng Công ty P) kháng cáo bản án sơ thẩm đúng quy định theo Điều 271, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự.trong thời hạn luật định.
- Ông Q, ông T2 đã được triệu tập hợp lệ lần thứ 2, nhưng vắng mặt Hội đồng xét xử tiến hành xét xử, theo quy định tại Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Xét kháng cáo của Tổng Công ty P, không đồng ý bồi thường thiệt hại cho bà Nguyễn Thị C số tiền 1.140.000.000 đồng (tiền bồi thường thiệt hại và lãi).
[3] Xét thấy, ngày 01/10/2019, bà Nguyễn Thị C có ký hợp đồng bảo hiểm tàu cá với Công ty B1 trực thuộc Tổng Công ty J. Hợp đồng bảo hiểm số P- 19/DTH/NV2/2400/000004, ngày 01/10/2019 có nội dung như sau: Công ty B1 đồng ý nhận bảo hiểm 01 chiếc tàu cá số đăng ký KG: 93280-TS, do bà Nguyễn Thị C làm chủ, số tiền phí bảo hiểm là 12.300.000 đồng, hợp đồng có hiệu lực từ 00 giờ 00 ngày 01/10/2019 đến 24 giờ 00 ngày 30/4/2020. Đồng thời, Công ty B1 đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số E-19/DTH/NV2/00004 ngày 01/10/2019, theo đó mức trách nhiệm bảo hiểm thân tàu là 1.000.000.000 đồng. Ngày 10/10/2019, tàu cá của bà C số đăng ký KG: 93280-TS bị tại nạn và hư hỏng toàn bộ.
[4] Theo Báo cáo Giám định của Công ty Cổ phần T4 thì nguyên nhân chìm tàu cá số KG:93280-TS là do thiếu kinh nghiệm của đội ngũ thuyền viên tàu cá trong quá trình điều hành tàu cá KG: 93280-TS vào cảng Đ thuộc huyện T, tỉnh Trà Vinh đã không quan sát đèn báo hiệu phao luồng và định vị trên tàu cá dẫn đến tàu cá đi vào khu vực C làm tàu bị mặc cạn và nghiêng, nước từ bên ngoài tràn vào hầm gây chìm tàu ….
[5] Bà C khởi kiện yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần P, bồi thường thiệt hại số tiền 900.000.000 đồng và tính lãi từ ngày 10/10/2019 đến ngày xét xử thành tiền là 240.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền là 1.140.000.000 đồng.
[6] Tổng Công ty P, cho rằng Hợp đồng bảo hiểm số P19/DTH/NV2/2400/000004 ký ngày 01/10/2019 và Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số E-19/DTH/NV2/000004, không tồn tại, không thể hiện trên hệ thống quản lý của Tổng Công ty P và do ông Bành Đức C1-Giám đốc Công ty B1 ký vượt thẩm quyền, nên không đồng ý bồi thường. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31/5/2023, người đại diện hợp pháp của Tổng Công ty P đề nghị Hội đồng xét xử trưng cầu giám định con dấu, chữ ký của ông C1, bà C tại Hợp đồng bảo hiểm số P19/ĐTH/NV2/2400/000004 ký ngày 01/10/2019 có phải con dấu, chữ ký của ông C1, bà C không và được ký vào thời gian nào. Tại kết luận Giám định số 227/KL- KTHS ngày 31/8/2023 của V - Bộ C3 kết luận:
- Chữ ký đứng tên Bành Đức C1 dưới mục “Đại diện bên B” trên mẫu cần giám định ký hiệu A so với chữ ký của Bành Đức C1 trên các mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M10 do cùng một người ký ra.
- Hình dấu tròn có nội dung “Công ty B1, Tổng Công ty Cổ phần B” trên mẫu cần giám định ký hiệu A so với hình dấu tròn có cùng nội dung trên các mẫu so sánh ký hiệu từ M1 đến M10 do cùng một con dấu đóng ra.
Đối với việc yêu cầu Giám định thời điểm ký và đóng dấu của Chữ ký đứng tên Nguyễn Thị C, chữ ký đứng tên Bành Đức C1 và hình dấu tròn có nội dung “ Công ty B1, Tổng Công ty Cổ phần B” được ký tên và đóng dấu tài liệu, thì V từ chối giám định.
[7] Như vậy, qua kết luận giám định đủ cơ sở xác định Công ty B1 có ký Hợp đồng bảo hiểm số P19/ĐTH/NV2/2400/000004 ngày 01/10/2019 với bà Nguyễn Thị C bảo hiểm tàu cá số đăng ký KG 93280-TS là có thật.
[8] Việc Tổng Công ty P cho rằng, ông Bành Đức C1- Giám đốc Công ty B1 ký hợp đồng bảo hiểm với bà C vượt thẩm quyền cụ thể: Ông C1 không có thẩm quyền ký kết hợp đồng bảo hiểm có Điều khoản chế tài 10%, nhưng tại điểm 6.3, Điều 6 của Hợp đồng bảo hiểm số P19/ĐTH/NV2/2400/000004 có Điều khoản chế tài là không đúng.
[9] Xét thấy, việc Tổng Công ty P cho rằng ông Đ ký hợp đồng bảo hiểm vượt quá thẩm quyền, nên từ chối bồi thường là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và về phía bà C hoàn toàn không có lỗi trong việc ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Tại điểm a, khoản 2, Điều 17 Luật Kinh Doanh Bảo hiểm quy định:
… 2. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ:
a. Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm… Khoản 1, Điều 19 Luật Kinh Doanh Bảo hiểm quy định: Trách nhiệm cung cấp thông tin:
1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp B2 có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng Bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản cho bên mua bảo hiểm… Khoản 2 , Điều 19 Luật Kinh Doanh Bảo hiểm quy định: Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:… 2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
Tổng Công ty P, cũng như Công ty B1, không có văn bản thể hiện đã giải thích đầy đủ các điều kiện, quyền và nghĩa vụ cho bên mua bảo hiểm. Đồng thời, theo Hợp đồng bảo hiểm số P19/ĐTH/NV2/2400/000004 cũng không có Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
[10] Về phía Tổng Công ty P, có cung cấp Văn bản Quy tắc bảo hiểm tàu cá của Tổng Công ty P do Tổng Công ty B3, nhưng Văn bản Quy tắc bảo hiểm không có chữ ký của người có thẩm quyền ban hành và không có nội dung quy định thẩm quyền của ký các hợp đồng bảo hiểm của các cơ quan trực thuộc Tổng Công ty P.
[11] Đối với việc Tổng Công ty P cho rằng, ông C1 ký hợp đồng bảo hiểm vượt quá phạm vi đại diện, thì ông C1 phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 2, Điều 143 Bộ Luật Dân sự. Xét thấy, cũng như phân tích trên Tổng Công ty P không có chứng cứ chứng minh ông C1 ký hợp đồng vượt quá thẩm quyền đại diện. Trong trường hợp ông C1 ký hợp đồng bảo hiểm với bà C vượt quá thẩm quyền thì ông C1 phải chịu trách nhiệm với Tổng Công ty P.
[12] Mặt khác, bà C chỉ yêu cầu bồi thường 900.000.000 đồng, không có yêu cầu Tổng Công ty P bồi thường phần chế tài 10% là phù hợp.
[13] Án sơ thẩm xử buộc Tổng Công ty P bồi thường thiệt hại cho bà C là 900.000.000 đồng và tính lãi từ ngày 10/10/2019 đến ngày 13/02/2023 là 240.000.000 đồng là có cơ sở.
[14] Tại phiên tòa phúc thẩm, Tổng Công ty P tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử Trưng cầu giám định về mặt thời gian chữ ký của bà C, ông C1 và con dấu được đóng trên hợp đồng bảo hiểm. Xét thấy, đề nghị giám định của Tổng Công ty P là không cần thiết, bởi vì Kết luận giám định số 227/KL-KTHS đã xác định dấu hình tròn được đóng trên hợp đồng bảo hiểm là của Công ty B1, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[15] Bà C khởi kiện yêu cẩu Tổng Công ty P bồi thường thiệt hại. Trong quá trình giải quyết vụ án Tổng Công ty P cũng không có yêu cầu gì đối với ông Bành Đức C1. Trường hợp Tổng Công ty P có tranh chấp với ông C1 sẽ được giải quyết bằng vụ án dân sự khác.
[16] Xét, đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp là không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty P là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[17] Từ những cơ sở trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty P, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[18] Do giữ nguyên bản án sơ thẩm, nên Tổng Công ty P phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm theo khoản 1, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự.
[19] Các phần khác tại phần quyết định của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 26, khoản 1, Điều 148 và khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
1. Không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO).
2. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2023/DS-ST ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
3. Chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị C yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) trả số tiền bảo hiểm tàu cá số KG-93280-TS là 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng) và tiền lãi là 240.000.000 đồng (Hai trăm bốn mươi triệu đồng).
4. Buộc Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) trả cho bà Nguyễn Thị C số tiền bảo hiểm tàu cá số KG-93280-TS là 900.000.000 đồng (Chín trăm triệu đồng) và tiền lãi là 240.000.000 đồng (Hai trăm bốn mươi triệu đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất pháp luật quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân năm 2015.
5. Về án phí:
5.1 Tổng Công ty Cổ phần B (PJICO) phải chịu 46.200.000 đồng dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm.
5.2 Hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí cho bà C số tiền là 24.600.000 đồng theo biên lại thu số 0005699 ngày 26/05/2022, tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp.
6. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự, có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
7. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp dân sự hợp đồng bảo hiểm số 478/2023/DS-PT
Số hiệu: | 478/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Tháp |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về