Bản án về tranh chấp chia thừa kế theo pháp luật số 111/2023/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 111/2023/DS-PT NGÀY 19/12/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Ngày 19 tháng 12 năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 85/2023/TLPT-DS ngày 16 tháng 10 năm 2023 về việc “V/v: Tranh chấp về chia thừa kế theo pháp luật”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 12/2023/DS-ST ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 105/2023/QĐ-PT ngày 07 tháng 11 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Đỗ Thị M, sinh năm 1957; trú tại: Thôn V, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt);

2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1951; trú tại: thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (có mặt);

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

+ Bà Đỗ Thị P, sinh năm 1966; trú tại: Thôn G, xã T1, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt);

+ Bà Đỗ Thị Ngọc L1, sinh năm 1968; trú tại: Thôn H, xã I, huyện Y, tỉnh Gia Lai (vắng mặt);

+ Ông Trần Văn H1, sinh năm 1966; trú tại: Thôn V, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt);

+ Anh Trần Văn T1, sinh năm 1992; trú tại: Thôn V, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt);

+ Anh Trần Văn H2, sinh năm 1994; trú tại: Thôn V, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt);

+ Ông Đỗ Duy C, sinh năm 1974; Nơi công tác: Sư đoàn X, Quân khu Z, huyện Đ, tỉnh Phú Thọ (vắng mặt);

+ Chị Đỗ Mai H3, sinh năm 1994; nơi cư trú: Số X1, ngõ Z2, D, V2, H5, thành phố Hà Nội (vắng mặt);

+ Bà Khương Thị H4, sinh năm 1975; trú tại: thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt);

Người đại diện theo ủy quyền của bà P, bà L1, ông H2, anh T1, anh H2, ông C, chị H3, bà H4: Bà Đỗ Thị M, sinh năm 1957; nơi cư trú: Thôn V, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (theo văn bản ủy quyền ngày 15/11/2021; ngày 15/4/2022; ngày 22/7/2022 và ngày 06/8/2022) (có mặt);

+ Anh Đỗ Xuân T2, sinh năm 2001; trú tại: thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (vắng mặt);

Người đại diện theo ủy quyền của anh T2: Bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1951; trú tại: thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (theo văn bản ủy quyền ngày 15/11/2021), (có mặt).

- Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị X, bị đơn

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 16/7/2022; các lời khai tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (bà P, bà L1, ông C, ông H2, anh T1, anh H2) là bà Đỗ Thị M trình bày:

Bố, mẹ đẻ của bà tên là Đỗ Đức Đ1 (sinh năm 1930- mất năm 2006) và Trần Thị N (sinh năm 1936- mất năm 1997). Hai cụ S được 06 người con là: bà Đỗ Thị M, sinh năm 1957; bà Đỗ Thị P, sinh năm 1966; bà Đỗ Thị Ngọc L1, sinh năm 1968; bà Đỗ Thị Minh G, sinh năm 1969 (đã mất năm 2010; có chồng là Trần Văn H1, sinh năm 1968; con trai là Trần Văn T1, sinh năm 1992 và Trần Văn H2, sinh năm 1994); ông Đỗ Thọ T3, sinh năm 1971 (đã mất năm 2002, có vợ là Khương Thị H4, sinh năm 1975; con gái là Đỗ Mai H3, sinh năm 1994); ông Đỗ Duy C, sinh năm 1974.

Sau khi cụ Trần Thị N mất năm 1997 thì đến tháng 3 năm 1999, cụ Đỗ Đức Đ1 lấy vợ hai là bà Nguyễn Thị X (có đăng ký kết hôn) và sinh được 1 người con chung là Đỗ Xuân T2, sinh năm 2001. Đến năm 2006, cụ S chết.

Cụ N và cụ S có khối tài sản chung gồm có: Thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích 330m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 130m2 đất vườn), diện tích thực tế là 344,3m2 tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, được UBND huyện L cấp giấy CNQSD đất năm 1999, mang tên Đỗ Đức Đ1; 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 03 gian nhà bếp lợp ngói, giếng nước, nhà tắm, tường rào, tường bao loan, kho chứa củi, công trình phụ + chăn nuôi, sân lải gạch, cổng và cây cối lâm lộc trên đất.

Cụ Đỗ Đức Đ1 và cụ Trần Thị N chết, đều không để lại di chúc. Toàn bộ tài sản là đất + nhà và các tài sản trên đất của bố mẹ bà để lại như trên đến nay đều do bà X quản lý, sử dụng từ năm 2006 cho đến nay.

Nay bà yêu cầu Tòa án chia toàn bộ di sản của bố mẹ bà để lại là thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích 330m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 130m2 đất vườn), diện tích thực tế là 344,3m2 tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, được UBND huyện L cấp giấy CNQSD đất năm 1999, mang tên Đỗ Đức Đ1 và 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 03 gian nhà bếp lợp ngói, giếng nước, nhà tắm, công trình phụ + chăn nuôi, sân lải gạch, tường rào, tường bao loan, kho chứa củi, cổng và cây cối lâm lộc trên đất chia theo quy định của pháp luật và chia bằng hiện vật. Do ngôi nhà và các tài sản trên đất khi bố mẹ bà làm cũng có phần công sức đóng góp của các anh chị em trong gia đình nên bà đề nghị được sử dụng phần đất có nhà để anh chị em của bà có chỗ để thờ cúng bố mẹ, tổ tiên. Đối với phần của ông C, bà L1, bà P, ông H2, anh T1, anh H2, bà H4, chị H3 được chia thừa kế và cho bà sử dụng toàn bộ, không yêu cầu bà thanh toán tiền, bà đồng ý nhận.

Bị đơn bà Nguyễn Thị X trình bày: Về mối quan hệ gia đình như bà Mtrình bày như trên là đúng. Bà kết hôn cùng cụ S từ năm 1999. Đến năm 2001, bà và cụ S có 01 người con chung là Đỗ Xuân T2.

Bà xác định vợ chồng cụ S (cụ S và người vợ trước là Cụ N) có để lại thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích 330m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 130m2 đất vườn) tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, được UBND huyện L cấp giấy CNQSD đất năm 1999, mang tên Đỗ Đức Đ1 và các tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 03 gian nhà bếp lợp ngói, giếng nước, nhà tắm, công trình phụ + chăn nuôi, sân lải gạch, cổng, tường rào, cây cối lâm lộc trên đất như bà Mtrình bày là đúng. Năm 2006, cụ S chết không để lại di chúc gì. Toàn bộ tài sản trên do bà quản lý từ đó cho đến nay.

Thời gian bà ở cùng cụ S, bà có sửa chữa mái ngói nhà + bếp do mưa dột (dột đâu thay đấy, không phải thay toàn bộ), lát gạch bờ hè nhà, dùng xi măng để vá sân (phần bị thủng), xây bờ tường nhà tắm, co chát + vá những phần bị hỏng của bờ tường giáp đường đi, trồng toàn bộ cây cối trên đất. Giá trị những công trình bà tu sửa không lớn nên bà không xác định được giá trị là bao nhiêu.

Nay bà M yêu cầu Tòa án chia toàn bộ di sản của cụ S và Cụ N để lại như trên bà nhất trí và đề nghị Tòa án giải quyết chia theo quy định của pháp luật. Nếu được chia phần của mình theo quy định của pháp luật bà đề nghị chia bằng hiện vật để mẹ con bà có đất + nhà để ở và bà đề nghị xem xét công sức của bà trong thời gian bà ở trên đất từ năm 1999 đến nay. Tiêu chuẩn thừa kế của mẹ con bà được bao nhiêu, bà lấy đúng như vậy, không nhận lấy hơn và cũng không phải thanh toán tiền cho ai.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Anh Đỗ Xuân T2 vắng mặt tại phiên tòa, nhưng trong quá trình giải quyết vụ án anh T2 trình bày: Anh xác định bà X trình bày như trên là đúng, anh không có đóng góp gì vào khối di sản trên. Trường hợp được chia anh nhất trí với ý kiến của bà X.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Khương Thị H4 trình bày: Bà xác nhận những nội dung như bà Mtrình bày như trên là đúng. Trường hợp bà được hưởng di sản của cụ S và Cụ N từ chồng bà là ông Đỗ Thọ T3, bà cho bà M sử dụng toàn bộ để bà M làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ và không yêu cầu bà M phải thanh toán chênh lệch gì.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Đỗ Mai H3 trình bày: Chị xác nhận những nội dung như bà M trình bày như trên là đúng. Trường hợp chị được hưởng di sản của cụ S và Cụ N từ bố đẻ của chị là ông Đỗ Thọ T3, chị cho bà M sử dụng toàn bộ, để bà M làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố chị và không yêu cầu bà M phải thanh toán chênh lệch gì.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Đỗ Thị P, bà Đỗ Thị Ngọc L1, ông Trần Văn H1, anh Trần Văn T1, anh Trần Văn H2, ông Đỗ Duy C đã ủy quyền toàn bộ cho bà Đỗ Thị M. Tuy nhiên, tại Bản tự khai các ngày 22/7/2022, 06/11/2022 và ngày 08/11/2022, những người này đều xác nhận: Nội dung như bà M trình bày là đúng. Trường hợp được hưởng di sản của cụ S và Cụ N, những người này đều để lại toàn bộ cho bà M, để bà M thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ và không ai có yêu cầu bà Mphải thanh toán tiền sử dụng tài sản.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2023/DS-ST ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:

Căn cứ vào các Điều 612, 613, 649, 650, 651, 652, 660, 357 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 157, Điều 158, Điều 166 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Xác định cụ Trần Thị N chết năm 1997, cụ Đỗ Đức Đ1 chết năm 2006, không để lại di chúc. Di sản của Cụ N và cụ S để lại là thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích thực tế là 344.3m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 144.3m2 đất vườn), tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, được UBND huyện L cấp giấy CNQSD đất năm 1999, mang tên Đỗ Đức Đ1 và 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 03 gian nhà bếp lợp ngói, giếng nước, nhà tắm, công trình phụ + chăn nuôi, sân lải gạch, tường rào, tường bao loan, kho chứa củi, cổng và cây cối lâm lộc trên đất.

Xác định hàng thừa kế thứ nhất của Cụ N gồm có: cụ Đỗ Đức Đ1, bà Đỗ Thị M, bà Đỗ Thị P, bà Đỗ Thị Ngọc L1, ông Đỗ Duy C, bà Khương Thị H4 và chị Đỗ Mai H3 (hưởng thừa kế từ ông Đỗ Thọ T3), ông Trần Văn H1, anh Trần Văn T1 và anh Trần Văn H2 (hưởng thừa kế từ bà Đỗ Thị Minh G).

Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ S gồm có: Bà Trần Thị X, bà Đỗ Thị M, bà Đỗ Thị P, bà Đỗ Thị Ngọc L1, ông Đỗ Duy C, chị Đỗ Mai H3 (hưởng thừa kế thế vị từ ông Đỗ Thọ T3), ông Trần Văn H1, anh Trần Văn T1 và anh Trần Văn H2 (hưởng thừa kế từ bà Đỗ Thị Minh G), Anh Đỗ Xuân T2.

Công nhận việc tự nguyện của bà Đỗ Thị P, bà Đỗ Thị Ngọc L1, ông Đỗ Duy C, bà Khương Thị H4, chị Đỗ Mai H3, ông Trần Văn H1, anh Trần Văn T1 và anh Trần Văn H2 cho bà Đỗ Thị M toàn bộ phần thừa kế được hưởng.

Chia cho bà Đỗ Thị M được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích 259,4m2 (trong đó: 166,39m2 đất ở, và 93,01m2 đất vườn) trị giá 65.515.000đ. Thửa đất được giới hạn bởi các điểm 1- 2-3-4-5-6-6A-6B-6C-11-12-13-14-15-1, trên đất có các tài sản: nhà cấp bốn 65m2 trị giá 26.000.000đ, 03 gian công trình phụ 29m2 trị giá 3.000.000đ, 82m2 sân lải gạch trị giá 500.000đ, 01 nhà tắm lợp bờ lô xi măng 17m2 trị giá 600.000đ, 16m tường rào xây ngăn sân và vườn trị giá 500.000đ, giếng nước trị giá 1.500.000đ, 01 trụ cổng + 4,59m tường rào giáp công trình phụ và cổng trị giá 1.000.000đ, tường rào giáp bếp + nhà trị giá 200.000đ, 3 cây bưởi trị giá 1.650.000đ, 01 cây táo trị giá 330.000đ, 2,5m2 kho chứa củi trị giá 100.000đ tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (Có sơ đồ kèm theo) Chia cho bà Nguyễn Thị X được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích 84,9m2 (trong đó: 33,61m2 đất ở, và 51,29m2 đất vườn) trị giá 15.021.000đ. Thửa đất được giới hạn bởi các điểm 6A-7-8-9-10-11-6C-6B-6A, trên đất có 03 gian bếp lợp ngói 28m2 trị giá 4.000.000đ, 01 cây xoài trị giá 1.800.000đ và 01 trụ cổng + 1.41m tường rào phần giáp đình trị giá 200.000đ, 2,5m2 kho chứa củi trị giá 100.000đ tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (Có sơ đồ kèm theo).

Đương sự được liên hệ với cơ quan có thẩm quyền kê khai đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 100 Luật đất đai 2013.

Buộc bà X thanh toán tiền giá trị sử dụng đất và các tài sản trên đất cho anh T2 là 8.200.800đ.

Buộc bà X thanh toán cho bà M tiền chênh lệch giá trị tài sản sử dụng là 615.718đ.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, quyền kháng cáo và thi hành án cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 24 tháng 7 năm 2023, bà Nguyễn Thị X có đơn kháng cáo với nội dung: Không đồng ý bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm chia cho bà phần đất có nhà và tính toán lại công sức cho bà.

Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, các đương sự nộp cho tòa án biên bản thỏa thuận thống nhất việc giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa các bên đương sự thống nhất thỏa thuận như biên bản thỏa thuận ngày 19 tháng 12 năm 2023 và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trình bày quan điểm tại phiên tòa về việc chấp hành pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án. Đối với Thẩm phán chủ toạ phiên Toà, Hội đồng xét xử phúc thẩm và thư ký phiên tòa phúc thẩm đã tuân thủ đầy đủ, đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 147; Điều 148; Điều 157; Điều 300; Khoản 2 Điều 308; Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

1. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2023/DS-ST ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

2.1. Di sản của cụ Trần Thị N và cụ Đỗ Đức Đ1 để lại là thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích theo giấy chứng nhận là 330m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 130m2 đất vườn), diện tích đo thực tế là 344.3m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 144.3m2 đất vườn), tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, được UBND huyện L cấp giấy CNQSD đất năm 1999, mang tên Đỗ Đức Đ1. Trên đất có 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 03 gian nhà bếp lợp ngói, giếng nước, nhà tắm, công trình phụ + chăn nuôi, sân lải gạch, tường rào, tường bao loan, kho chứa củi, cổng và cây cối lâm lộc.

2.2. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Đỗ Thị P, bà Đỗ Thị Ngọc L1, ông Đỗ Duy C, bà Khương Thị H4, chị Đỗ Mai H3, ông Trần Văn H1, anh Trần Văn T1, anh Trần Văn H2, chị Đỗ Mai H3 và bà Khương Thị H4 tặng cho bà Đỗ Thị M toàn bộ phần thừa kế được hưởng của cụ Trần Thị N và cụ Đỗ Đức Đ1.

2.3. Bà Đỗ Thị M được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 274, tờ bản đồ 13, diện tích 258,8m2 (trong đó: 166 m2 đất ở và 92,8 m2 đất vườn) và các công trình, tài sản, cây cối lâm lộc …có trên diện tích 258,8 m2 đất. Thửa đất được giới hạn bởi các điểm 1A-2-3-4-5-6-7-8-9-10-11-12-13-14- 14A-1C-1B-1A tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (Có sơ đồ kèm theo).

2.4. Bà Nguyễn Thị X được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích 85,5 m2 (trong đó: 34 m2 đất ở và 51,5m2 đất vườn) và các công trình, tài sản, cây cối lâm lộc… có trên diện tích 85,5 m2 đất. Thửa đất được giới hạn bởi các điểm 1-1A-1B-1C-14A-15-1 (Có sơ đồ kèm theo).

Các đương sự được liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kê khai đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 100 Luật đất đai 2013.

2.5. Bà X được sử dụng ngôi nhà 5 gian nằm trong diện tích 85,5m2 đất và có trách nhiệm tự tháo rỡ các công trình, tài sản gắn liền với ngôi nhà 05 gian, nằm ngoài diện tích 85,5m2 đất được giới hạn bởi các điểm 1-1A-1B-1C-14A- 15-1 (Có sơ đồ kèm theo) để trả lại phần đất cho bà Msử dụng trong thời gian từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 đến ngày 19 tháng 01 năm 2024.

Nếu bà X không tự nguyện tháo rỡ trong thời gian trên thì bị cưỡng chế phá rỡ và bà X phải chịu toàn bộ chi phí phá rỡ.

2.6. Bà X mở cổng trên phần diện tích 85,5m2 đất mình được sử dụng trong thời gian từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 đến ngày 19 tháng 01 năm 2024, không được đi cổng trên đất của bà M.

2.7. Bà X không phải thanh toán khoản tiền chênh lệch tài sản cho bà M.

2.8. Bà X tự nguyện thanh toán tiền giá trị sử dụng đất và các tài sản trên đất cho anh T2 là 8.200.800đ.

2.9. Về chi phí thẩm định: Chi phí xem xét thẩm định tại cấp sơ thẩm bà Mtự nguyện chịu toàn bộ. Chi phí xem xét thẩm định lại tại cấp phúc thẩm bà X tự nguyện chịu toàn bộ. Các đương sự không đề nghị Tòa án xem xét giải quyết, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét giải quyết.

2.10.Về án phí dân sự sơ thẩm, án phí phúc thẩm đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Kháng cáo của bà Nguyễn Thị X được làm trong hạn luật định, được chấp nhận xem xét. Tại phiên toà vắng mặt những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng đều có uỷ quyền tham gia tố tụng cho bà Mvà bà X. Căn cứ vào khoản 2 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định.

[2] Về quan hệ tranh chấp: Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, Tòa án nhân dân huyện L xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp chia thừa kế theo pháp luật ” thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại Khoản 5 Điều 26, Điều 35, khoản 1 Điều 36 và khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung vụ án:

Xét kháng cáo của bị đơn (bà X) đề nghị cấp phúc thẩm chia cho bà sử dụng phần đất có nhà và tính toán lại công sức cho bà. Tuy nhiên, trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn, bị đơn nộp cho Tòa án Biên bản thỏa thuận và tại phiên tòa các đương sự tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án theo biên bản thoả thuận mà nguyên đơn, bị đơn đã nộp cho Toà án cấp phúc thẩm, cụ thể như sau:

3.1. Xác định di sản của cụ Trần Thị N và cụ Đỗ Đức Đ1 để lại là thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích theo giấy chứng nhận là 330m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 130m2 đất vườn), diện tích đo thực tế là 344,3m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 144,3m2 đất vườn), tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, được UBND huyện L cấp giấy CNQSD đất năm 1999, mang tên Đỗ Đức Đ1. Trên đất có 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 03 gian nhà bếp lợp ngói, giếng nước, nhà tắm, công trình phụ + chăn nuôi, sân lải gạch, tường rào, tường bao loan, kho chứa củi, cổng và cây cối lâm lộc.

3.2. Bà Đỗ Thị P, bà Đỗ Thị Ngọc L1, ông Đỗ Duy C, bà Khương Thị H4, chị Đỗ Mai H3, ông Trần Văn H1, anh Trần Văn T1, anh Trần Văn H2, chị Đỗ Mai H3 và bà Khương Thị H4 tặng cho bà Đỗ Thị M toàn bộ phần thừa kế được hưởng của cụ Trần Thị N và cụ Đỗ Đức Đ1. Bà Mxin nhận và chịu án phí phần tài sản này theo quy định của pháp luật.

3.3. Bà Đỗ Thị M được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 274, tờ bản đồ 13, diện tích 258,8m2 (trong đó: 166 m2 đất ở và 92,8 m2 đất vườn) và các công trình, tài sản, cây cối lâm lộc …có trên diện tích 258,8 m2 đất. Thửa đất được giới hạn bởi các điểm 1A-2-3-4-5-6-7-8-9-10-11-12-13-14- 14A-1C-1B-1A tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (Có sơ đồ kèm theo) 3.4. Bà Nguyễn Thị X được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích 85,5 m2 (trong đó: 34 m2 đất ở và 51,5m2 đất vườn) và các công trình, tài sản, cây cối lâm lộc… có trên diện tích 85,5 m2 đất. Thửa đất được giới hạn bởi các điểm 1-1A-1B-1C-14A-15-1 tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (Có sơ đồ kèm theo).

3.5. Bà X có trách nhiệm tự tháo rỡ các công trình, tài sản gắn liền với ngôi nhà 05 gian (nằm ngoài diện tích 85,5m2 đất) được giới hạn bởi các điểm 1- 1A-1B-1C-14A-15-1 để trả lại phần diện đất cho bà Msử dụng trong thời gian từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 đến ngày 19 tháng 01 năm 2024. Bà X không tự nguyện tháo rỡ trong thời gian trên thì bị cưỡng chế phá rỡ và bà X phải chịu toàn bộ chi phí phá rỡ.

3.6. Bà X tự mở cổng trên phần diện tích 85,5m2 đất trong thời gian từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 đến ngày 19 tháng 01 năm 2024, không được đi cổng trên đất của bà M.

3.7. Bà X không phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho bà M.

3.8. Bà X tự nguyện thanh toán tiền giá trị sử dụng đất và các tài sản trên đất cho anh T2 là 8.200.800đ.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu Anh Đỗ Xuân T2 có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Nguyễn Thị X không trả được số tiền trên thì còn phải trả lãi suất 10% theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

3.9. Về chi phí thẩm định: Bà M tự nguyện chịu 7.400.000đ (đã nộp đủ) chi phí xem xét thẩm định tại cấp sơ thẩm. Bà X tự nguyện chịu 5.000.000đ (đã nộp đủ) chi phí xem xét thẩm định lại tại cấp phúc thẩm. Các đương sự không đề nghị Tòa án xem xét giải quyết nên Toà án sẽ không xem xét giải quyết.

[4] Về án phí:

+ Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Đỗ Thị M, bà Nguyễn Thị X là người cao tuổi nên được miễn án phí đối với kỷ phần thừa kế mà các bà được chia. Tuy nhiên bà M, bà X phải chịu án phí đối với phần được hưởng từ bà P, bà L1, ông C, ông H2, anh T1, anh H2, bà P, chị Hằng cho. Bà M phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 3.196.623 đồng. Bà X phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 1.033.376 đồng.

Anh T2 phải chịu án dân sự phân chia di sản thừa kế là 410.000đ.

+ Án phí dân sự phúc thẩm: Bà X không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 147; Điều 148; Điều 157; Điều 300; Khoản 2 Điều 308; Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ vào các Điều 612, Điều 613, Điều 623, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 652, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 1. Chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa Bản án sơ thẩm số 12/2023/DS- ST ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau:

2.1. Di sản của cụ Trần Thị N và cụ Đỗ Đức Đ1 để lại là thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích theo giấy chứng nhận là 330m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 130m2 đất vườn), diện tích đo thực tế là 344,3m2 (trong đó có 200m2 đất ở, 144.3m2 đất vườn), tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc, được UBND huyện L cấp giấy CNQSD đất năm 1999, mang tên Đỗ Đức Đ1. Trên đất có 01 ngôi nhà 5 gian lợp ngói, 03 gian nhà bếp lợp ngói, giếng nước, nhà tắm, công trình phụ + chăn nuôi, sân lải gạch, tường rào, tường bao loan, kho chứa củi, cổng và cây cối lâm lộc.

2.2. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Đỗ Thị P, bà Đỗ Thị Ngọc L1, ông Đỗ Duy C, bà Khương Thị H4, chị Đỗ Mai H3, ông Trần Văn H1, anh Trần Văn T1, anh Trần Văn H2, chị Đỗ Mai H3 và bà Khương Thị H4 tặng cho bà Đỗ Thị M toàn bộ phần thừa kế được hưởng của cụ Trần Thị N và cụ Đỗ Đức Đ1.

2.3. Bà Đỗ Thị M được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 274, tờ bản đồ 13, diện tích 258,8m2 (trong đó: 166 m2 đất ở và 92,8 m2 đất vườn) và các công trình, tài sản, cây cối lâm lộc …có trên diện tích 258,8 m2 đất. Thửa đất được giới hạn bởi các điểm 1A-2-3-4-5-6-7-8-9-10-11-12-13-14- 14A-1C-1B-1A tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (Có sơ đồ kèm theo).

2.4. Bà Nguyễn Thị X được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất thuộc thửa đất số 274, tờ bản đồ số 13, diện tích 85,5 m2 (trong đó: 34 m2 đất ở và 51,5 m2 đất vườn) và các công trình, tài sản, cây cối lâm lộc… có trên diện tích 85,5m2 đất. Thửa đất được giới hạn bởi các điểm 1-1A-1B-1C-14A-15-1 tại thôn M1, xã T, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc (Có sơ đồ kèm theo).

2.5. Bà X có trách nhiệm tự tháo rỡ các công trình, tài sản gắn liền với ngôi nhà 05 gian (nằm ngoài diện tích 85,5m2 đất) được giới hạn bởi các điểm 1- 1A-1B-1C-14A-15-1 để trả lại phần diện đất cho bà Msử dụng trong thời gian từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 đến ngày 19 tháng 01 năm 2024. Bà X không tự nguyện tháo rỡ trong thời gian trên thì bị cưỡng chế phá rỡ và bà X phải chịu toàn bộ chi phí phá rỡ.

2.6. Bà X tự mở cổng trên phần diện tích 85,5m2 đất trong thời gian từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 đến ngày 19 tháng 01 năm 2024, không được đi cổng trên đất của bà M.

2.7. Bà X không phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho bà M.

2.8. Bà X tự nguyện thanh toán tiền giá trị sử dụng đất và các tài sản trên đất cho anh T2 là 8.200.800đ.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu Anh Đỗ Xuân T2 có đơn yêu cầu thi hành án mà bà Nguyễn Thị X không trả được số tiền trên thì còn phải trả lãi suất 10% theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

2.9. Các đương sự được liên hệ với cơ quan có thẩm quyền kê khai đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 100 Luật đất đai 2013.

3. Về chi phí tố tụng và án phí:

3.1. Về chi phí xem xét thẩm định: Bà M tự nguyện chịu 7.400.000 đồng (đã nộp đủ). Bà X tự nguyện chịu 5.000.000 đồng (đã nộp đủ).

3.2. Về án phí:

Bà M phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 3.196.623 đồng. Bà X phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là: 1.033.376 đồng.

Anh T2 phải chịu án dân sự phân chia di sản thừa kế là 410.000đ. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà X không phải chịu án phí phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

7
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế theo pháp luật số 111/2023/DS-PT

Số hiệu:111/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về