Bản án về tranh chấp chia thừa kế theo di chúc, buộc thực hiện nghĩa vụ chậm thi hành án và chia thừa kế theo quy định của pháp luật số 161/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 161/2023/DS-PT NGÀY 24/07/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ THEO DI CHÚC, BUỘC THỰC HIỆN NGHĨA VỤ CHẬM THI HÀNH ÁN VÀ CHIA THỪA KẾ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Ngày 24 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 91/2023/TLPT-DS ngày 15 tháng 6 năm 2023, về việc “Tranh chấp chia thừa kế theo di chúc, buộc thực hiện nghĩa vụ chậm thi hành án và chia thừa kế theo quy định của pháp luật” Do bản án dân sự sơ thẩm số 29/2023/DS-ST ngày 14/02/2023 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 126/2023/QĐ-PT ngày 03 tháng 7 năm 2023, giữa các đương sự:

*Nguyên đơn: Ông Lê Văn Kh, sinh năm: 1960 Nơi cư trú: số 58, khu phố 8, thị trấn Giồng R, huyện Giồng R, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Lê Văn Kh: Ông Đường Minh Q - Là luật sư của văn phòng Luật sư Đường Minh Quang thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang.

*Bị đơn: ông Lê Văn Tr, sinh năm: 1955 và bà Châu Thị Thu Th, sinh năm: 1955 và anh Lê Thanh H, sinh năm: 1980 Nơi cư trú: khu phố N, thị trấn Giồng R, huyện Giồng R, tỉnh Kiên Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn ông Lê Văn Tr, bà Châu Thị Thu Th và ông Lê Thanh H: Ông Nguyễn Văn L – Là luật sư của Văn phòng luật sư Phạm Khắc Ph – Thuộc đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang

*Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Lê Thị H, sinh năm: 1942 Nơi cư trú: khu phố N, thị trấn Giồng R, huyện Giồng R, tỉnh Kiên Giang.

2. Bà Lê Thị T, sinh năm; 1959 Nơi cư trú: khu phố 8, thị trấn Giồng R, huyện Giồng R, tỉnh Kiên Giang.

3. Bà Lê Thị H, sinh năm: 1966 Nơi cư trú: ấp Ngọc Tr, xã Ngọc Th, huyện Giồng R, tỉnh Kiên Giang.

4. Bà Lê Thị H Th, sinh năm: 1968 Nơi cư trú: khu phố N, thị trấn Giồng R, huyện Giồng R, tỉnh Kiên Giang.

5. Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng R, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Phan Thị T – Chức vụ: Chi cục trưởng Chi cục thi hành án huyện Giồng Riềng - Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Văn Kh.

(Ông Lê Văn Kh, ông Lê Văn Tr, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H, bà Lê Thị H Th và các Luật sư Đường Minh Quang, Nguyễn Văn L có mặt tại phiên toà; các ông (bà): bà Châu thị Thu Thuỷ, anh Lê Thanh H, bà Lê Thị H, bà Phan Thị T vắng mặt tại phiên toà nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, đơn sửa chữa bổ sung đơn khởi kiện và tại phiên Tòa sơ thẩm, nguyên đơn ông Lê Văn Kh trình bày:

Ông yêu cầu Tòa án công nhận tờ di chúc do cụ Lê Văn M lập ngày 12/10/2009 là hợp pháp. Buộc ông Tr và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải công nhận quyền thừa kế theo di chúc đối với số tiền mà cụ Lê Văn M được thi hành theo bản án số 332/2008/DSPT ngày 10 tháng 11 năm 2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang với số tiền gốc là 194.573.500 đồng cho ông thừa hưởng. Số tiền này hiện đang do Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng đang quản giữ. Ngoài số tiền gốc ông được thừa hưởng theo di chúc, ông còn yêu cầu ông Tr, bà Th và anh H liên đới giao trả số tiền lãi chậm thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với số tiền gốc chậm thi hành án là 194.573.500 đồng x 20% /năm x 13 năm (thời gian chậm thi hành án) T từ ngày 26/11/2008 đến ngày 26/11/2021 = 505.891.100 đồng. Tổng cộng, tiền gốc và lãi chậm thi hành án, ông được thừa hưởng theo di chúc của cụ M là 700.464.600 đồng. Khấu trừ vào số tiền lãi mà ông H đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng là 225.076.000 đồng theo thông báo của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng. Số còn lại buộc ông Tr, bà Th và ông H tiếp tục trả số tiền lãi chậm thi hành còn lại là 280.815.100 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông rút lại yêu cầu khởi kiện đối với ông Tr và bà Th về việc buộc ông Tr, bà Th trả số tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ thi hành án, ông xác định chỉ buộc ông H phải thực hiện nghĩa vụ này với ông. Ngoài ra, ông yêu cầu được thừa hưởng đối với khoản lợi tức phát sinh từ số tiền phía Chi cục thi hành án dân sự huyện đang thu giữ và gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm theo thông báo của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng. Đối với yêu cầu phản tố của ông Tr và yêu cầu độc lập của bà H, bà T, bà H Th, ông không đồng ý. Bởi lẽ, bản di chúc đã thể hiện rõ ý chí của cụ M là để khoản tiền cụ được thi hành án cho ông thừa hưởng cùng với khoản lãi phát sinh và chữ ký trong tờ di chúc là của cụ M.

Tại bản tự khai, đơn yêu cầu phản tố và trình bày tại phiên Tòa sơ thẩm, bị đơn ông Lê Văn Tr trình bày:

Gia đình ông có tất cả 06 anh chị em gồm ông, bà H, bà T, bà Th, bà H và ông Kh. Cha ông tên Lê Văn M mất năm 2019, mẹ ông tên Nguyễn Thị S chết vào năm 2004. Ngoài ra ông còn có một người anh nhưng đã chết khi còn trẻ chưa lập gia đình. Đối với các yêu cầu khởi kiện của ông Kh, ông không đồng ý. Ông Kh cho rằng ông và bà Th là bị đơn trong vụ kiện là không đúng. Theo bản án số 332/DSPT ngày 10/11/2008, phần quyết định của bản án không câu từ nào thể hiện buộc vợ chồng ông bà phải chịu trách nhiệm trả số tiền 194.573.500 đồng cho ông Lê Văn M và khi vụ việc được đưa ra thi hành án, vợ chồng ông cũng không nhận được quyết định thi hành án nào buộc ông và bà Th phải thi hành theo bản án và có nghĩa vụ trả tiền cho cụ M. Nhưng tại phiên Tòa, ông Kh rút lại yêu cầu khởi kiện này nên ông và bà Th không ý kiến. Đối với tờ di chúc lập ngày 12/10/2009, ông không công nhận tính hợp pháp của nó và không đồng ý ông Kh được quyền thừa hưởng theo di chúc đối với số tiền mà cụ M để lại hiện đang do Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng thu giữ, vì tờ di chúc trên được lập không đảm bảo đúng trình tự thủ tục: trưởng ấp không có chức năng chứng thực; di chúc được lập và người làm chứng, chứng thực di chúc không cùng thời điểm, sau đó có đơn xin xác nhận chữ ký đề ngày 16/10/2009, trong khi di chúc lập ngày 12/10/2009 đến ngày 14/10/2009 trưởng ấp ký tên xác nhận và đến ngày 16/10/2009 Ủy ban nhân dân thị trấn Giồng Riềng ký xác nhận chữ ký của ông M nên về hình thức của di chúc là không đúng. Ngoài ra, ông còn cho rằng tờ di chúc ông Kh cung cấp cho Tòa án là giả mạo, chữ ký trong di chúc không phải của cụ M. Tuy nhiên, di chúc đã không đảm bảo về hình thức nên ông không yêu cầu phải giám định chữ ký của cụ M trong tờ di chúc. Ngoài ra, ông có yêu cầu phản tố, yêu cầu hủy tờ di chúc lập ngày 12/10/2009 do ông Kh cung cấp và chia thừa kế theo pháp luật đối với số tiền 194.573.500 đồng, tiền lãi chậm trả phát sinh và khoản lợi tức từ số tiền được thi hành án cho cụ M hiện Chi cục thi hành án dân sự huyện thu và nộp vào tài khoản tiền gửi vì đây được xem là di sản thừa kế do cụ M để lại. Số tiền trên yêu cầu chia làm 06 phần bằng nhau, anh chị em ai cũng được thừa hưởng một phần.

Bị đơn bà Châu Thị Thu Th không giao nộp văn bản thể hiện ý kiến của bà đối với các yêu cầu khởi kiện của ông Kh.

Tại bản tự khai ngày 23/01/2022, bị đơn anh Lê Thanh H trình bày:

Khoản tiền ông Kh yêu cầu được hưởng thừa kế theo bản án dân sự phúc thẩm số 332/2008/DSPT ngày 10/11/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, khoản tiền này anh H đã thi hành án xong bao gồm phần tiền gốc và khoản tiền lãi chậm thi hành án nên ông Kh khởi kiện yêu cầu ông giao trả khoản tiền này là không đúng. Khoản tiền trên thuộc quyền sở hữu của cụ Lê Văn M, cụ M chết nên đây là di sản thừa kế. Vì vậy, những người thừa kế yêu cầu chia thừa kế thì đề nghị Tòa án căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết, anh H không yêu cầu gì. Đối với yêu cầu T lãi của ông Kh, anh xác định đã thanh toán xong nghĩa vụ thi hành án nên việc ông Kh yêu cầu ông phải trả lãi và yêu cầu T lãi với mức lãi suất 20%/năm là không đúng, anh không chấp nhận.

Tại bản trình bày ý kiến và tại phiên Tòa sơ thẩm những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H Th trình bày: Các bà có cùng quan điểm với ông Tr, không công nhận tờ di chúc lập ngày 12/10/2009 mà ông Kh cung cấp cho Tòa án, không đồng ý ông Kh được quyền thừa hưởng theo di chúc đối với số tiền mà ông M được thi hành án hiện do Chi cục thi hành án huyện Giồng Riềng đang thu giữ. Ngoài ra, các bà có yêu cầu độc lập, cùng yêu cầu hủy tờ di chúc lập ngày 12/10/2009 vì tờ di chúc trên không hợp pháp, yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với số tiền cụ M được thi hành theo bản án và khoản tiền lợi tức phát sinh của số tiền trên hiện do Chi cục thi hành án dân sự huyện đang thu giữ. Chia làm 06 phần bằng nhau cho 06 anh em trong gia đình. Các bà xác định không yêu cầu giám định chữ ký của ông M trong tờ di chúc.

Tại bản tự khai và tại phiên Tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H trình bày:

Bà thống nhất với các yêu cầu khởi kiện của ông Kh, đề nghị Tòa án xem xét công nhận quyền thừa hưởng theo di chúc cho ông Kh vì tờ di chúc trên là thể hiện ý chí của cha bà là ông Lê Văn M khi còn sống đã xác định cho ông Kh thừa hưởng số tiền này. Bà xác định không thống nhất với các yêu cầu phản tố của ông Tr, yêu cầu độc lập của bà H, bà T, bà Th. Trường hợp di chúc không được công nhận cho ông Kh, buộc phải chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Bà là người thuộc hàng thừa kế của ông M, bà đồng ý nhận và sẽ chuyển giao phần di sản mà bà được thừa hưởng cho ông Kh được toàn quyền định đoạt.

Tại văn bản thể hiện ý kiến, người đại diện theo pháp luật của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng, bà Phan Thị T trình bày:

Số tiền ông Lê Thanh H trả cho cụ Lê Văn M theo bản án số 332/2008/DSPT ngày 10/11/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang và Quyết định thi hành án số 67/QĐ-CCTHADS ngày 27/11/2008 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng số tiền 195.295.000 đồng gồm tiền phải hoàn trả lại là 194.573.500 đồng và lệ phí định giá là 721.500 đồng. Quá trình thi hành án, cụ M đã ủy quyền cho ông Kh nhận số tiền lệ phí thẩm định giá do anh H giao nộp là 721.500 đồng. Đối với khoản tiền gốc anh H phải trả cho cụ M và khoản lãi phát sinh do chậm trả, anh H đã thi hành án xong và nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng vào ngày 24/9/2021. Số tiền lãi chậm thi hành án ông Lê Thanh H phải trả cho ông M theo Quyết định thi hành án số 063/QĐ-CCTHADS ngày 07/10/2010 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng T từ ngày 27/11/2008 đến ngày 24/9/2021 là 225.142.962 đồng. Số tiền trên ông Lê Thanh H đã nộp xong và Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng đã gửi vào tài khoản tiết kiệm của cơ quan tại Ngân hàng TMCP Công TH Việt Nam, lãi suất phát sinh từ khi gửi ngày 01/10/2021 đến ngày 08/02/2023 là 16.787.828 đồng. Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định, Cơ quan thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng sẽ giao trả số tiền trên khi có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và theo đơn yêu cầu thi hành án của những người được thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng xác định đến thời điểm này phía Cơ quan không có thi hành bản án, quyết định nào về buộc cụ M phải thi hành nghĩa vụ về tài sản.

* Tại bản án dân sự sơ thẩm số 29/2023/DS-ST ngày 14/02/2023 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

1. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Kh về việc buộc anh Lê Thanh H giao trả số tiền lãi chậm thi hành án chênh lệch là 280.815.100 đồng (Hai trăm tám mươi triệu tám trăm mười lăm nghìn một trăm đồng), yêu cầu công nhận tờ di chúc do cụ M lập ngày 12 tháng 10 năm 2009 là hợp pháp và được quyền thừa hưởng di sản thừa kế do cụ M để lại theo di chúc.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Lê Văn Tr và yêu cầu độc lập của bà Lê Thị H, Lê Thị T, Lê Thị H Th.

Tuyên bố tờ di chúc do cụ Lê Văn M lập ngày 12 tháng 10 năm 2009 không hợp pháp.

Chia thừa kế đối với số tiền 436.437.330 đồng được xác định là di sản cụ Lê Văn M để lại cho cho các hàng thừa kế của cụ Lê Văn M gồm ông Lê Văn Tr, ông Lê Văn Kh, bà Lê Thị H, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H và bà Lê Thị H Th làm 06 (sáu) phần bằng nhau. Số tiền này hiện đang được Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang quản lý.

Ông Lê Văn Tr, ông Lê Văn Kh, bà Lê Thị H, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H Th, bà Lê Thị H mỗi người được thừa hưởng số tiền là 72.739.554 đồng (Bảy mươi hai triệu bảy trăm ba mươi chín nghìn năm trăm năm mươi bốn đồng).

Sau khi án có hiệu lực pháp luật, Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng có trách nhiệm chi trả số tiền theo kỷ phần mà các ông bà Lê Văn Tr, Lê Văn Kh, Lê Thị H, Lê Thị T, Lê Thị H Th, Lê Thị H được hưởng thừa kế theo quy định và phân phối chi trả cho các ông bà có tên nêu trên đối với khoản tiền lãi suất gửi tiết kiệm phát sinh sau ngày 08 tháng 02 năm 2023 hiện do cơ quan đang quản lý cho đến khi thi hành xong.

3. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Kh về việc buộc ông Lê Văn Tr và bà Châu Thị Thu Th liên đới giao trả thêm số tiền lãi chậm thi hành án chênh lệch.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và báo quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm:

Ngày 20/02/2023, nguyên đơn ông Lê Văn Kh có đơn kháng cáo với nội dung: Yêu cầu Tòa án phúc thẩm xem xét sửa nội dung bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông về việc công nhận và thi hành bản di chúc của ông Lê Văn M cho ông thừa hưởng số tiền mà ông M được thi hành theo bản án 332 là 194.573.500 đồng và lãi suất từ số tiền ông M được thi hành án tương ứng với thời gian ông Lê Thanh H chậm thi hành bản án với mức lãi suất theo lãi suất ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm thi hành án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn ông Lê Văn Kh giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông.

Bị đơn ông Lê Văn Tr không có kháng cáo và yêu cầu Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 29/2023/DS-ST ngày 14/02/2023 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Luật sự Dường Minh Q đề nghị chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn Kh. Không đồng ý bản án sơ thẩm, bản di chúc không hợp pháp là do đương sự thiếu hiểu biết pháp luật nên làm chưa đúng; tuy nhiên ông Kh có công chăm sóc nuôi dưỡng cụ M. Yêu cầu công nhận di chúc hợp pháp.

Luật sư Nguyễn Văn L cho rằng đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đơn trong quá trình giải quyết vụ án phía bị đơn đã có nộp các chứng cứ và yêu cầu có trong hồ sơ, thể hiện di chúc không có cơ sở chắc chắn đó là ý chí của cụ M. Giấy uỷ quyền và tờ di chúc nội dung gần như trùng khớp, nếu cụ M trình độ hạn chế thì có thể đến Uỷ ban nhân dân hoặc sở tư pháp làm di chúc; theo bản di chúc mà nguyên đơn cho rằng là di chúc thì trình tự thủ tục ký và xác nhận di chúc cũng không hợp pháp. Do di chúc không hợp pháp nên đề nghị chia thừa kế theo pháp luật thành 6 phần bằng nhau.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm:

- Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của các bên đương sự, từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án đã thực hiện và chấp hành đúng theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về hướng giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308; 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; chấp nhận một phần kháng cáo của ông Kh, chấp nhận một phần khởi kiện của ông Kh, ông Kh được hưởng 187.044.570đ, ông Tr, bà T, bà H, bà Th mỗi người được hưởng 62.348.190đ, sửa lại phần án phí dân sự cho phù hợp theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

Đối với phần tiền lãi phát sinh mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phát sinh từ ngày 08/02/2023 cũng được chia làm 07 phần cụ thể: ông Kh 03 phần, ông Tr, bà H, bà T, bà H Th mỗi người 1 phần.

- Ngoài ra Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng ban hành Bản án chính ghi quan hệ tranh chấp “Tranh chấp chia di sản thừa kế”, Bản án phát hành ghi quan hệ tranh chấp “Tranh chấp chia thừa kế theo di chúc, buộc thực hiện nghĩa vụ chậm thi hành án và chia thừa kế theo quy định của pháp luật”, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang cần xác định lại quan hệ tranh chấp “Tranh chấp chia thừa kế theo di chúc, buộc thực hiện nghĩa vụ chậm thi hành án và chia thừa kế theo quy định của pháp luật”, Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng cần rút kinh nghiệm.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 29/2023/DS-ST ngày 14/02/2023 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và công bố công kH tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ của nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn Kh về nội dung, quyền kháng cáo, thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo đã đúng quy định tại Điều 271, 272, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

[1.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, Ông Lê Văn Kh, ông Lê Văn Tr, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H, bà Lê Thị H Th và các Luật sư Đường Minh Q, Nguyễn Văn L có mặt tại phiên toà; các ông (bà): bà Châu thị Thu Th, anh Lê Thanh H, bà Lê Thị H, bà Phan Thị T vắng mặt tại phiên toà nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt nên áp dụng khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.

[1.2] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng ban hành Bản án chính ghi quan hệ tranh chấp “Tranh chấp chia di sản thừa kế”, Bản án phát hành ghi quan hệ tranh chấp “Tranh chấp chia thừa kế theo di chúc, buộc thực hiện nghĩa vụ chậm thi hành án và chia thừa kế theo quy định của pháp luật”, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang cần xác định lại quan hệ tranh chấp “Tranh chấp chia thừa kế theo di chúc, buộc thực hiện nghĩa vụ chậm thi hành án và chia thừa kế theo quy định của pháp luật”, Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[2] Về nội dung kháng cáo của bản án sơ thẩm: Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn Kh: Yêu cầu Tòa án phúc thẩm xem xét sửa nội dung bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông về việc công nhận và thi hành bản di chúc của ông Lê Văn M cho ông thừa hưởng số tiền mà ông M được thi hành theo bản án 332/2008/DSPT ngày 10/11/2008 của toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang, với số tiền là 194.573.500 đồng và lãi suất từ số tiền ông M được thi hành án tương ứng với thời gian ông Lê Thanh H chậm thi hành bản án với mức lãi suất theo lãi suất ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm thi hành án.

Hội đồng xét xử xét thấy: Tờ di chúc lập ngày 12/10/2009 là di chúc bằng văn bản được đánh máy, không phải do chính cụ M tự viết nên đây là di chúc viết hộ. Theo quy định tại Điều 656 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc” nhưng thực tế tờ di chúc lập ngày 12/10/2009, chưa đảm bảo đủ thành phần người làm chứng theo quy định. Mặc khác, ông Kh là người thừa kế theo di chúc lại ký tên vào tờ di chúc với tư cách người nhận tờ di chúc là chưa đảm bảo về tính hợp pháp của di chúc được quy định tại Điều 652 của Bộ luật dân sự năm 2005. Bởi lẻ, tờ di chúc do cụ M lập ngày 12/10/2009 nhưng đến ngày 14/10/2009 ông Mã Hoàng Gi mới xác nhận nhưng nội dung xác nhận thể hiện “Ông có giáp mặt vi chúc cho ông Kh là đúng” mà không phải xác nhận chữ ký trong tờ di chúc của cụ M ký là đúng và cụ M ký tên vào tờ di chúc này trước mặt ông. Tờ di chúc cụ M đã ký trước 02 ngày, sau đó đến nhà ông Giang để ông Giang xác nhận, tại thời điểm cụ M yêu cầu xác nhận di chúc thì có mặt ông Kh là người được cụ M chỉ định thừa hưởng trong di chúc. Và việc ông Gi xác nhận vào tờ di chúc với tư cách là người làm chứng hay chứng thực nội dung di chúc cũng không được thể hiện rõ. Trong khi ông Giang là trưởng khu phố không có thẩm quyền chứng thực di chúc. Ngoài ra, tờ di chúc do cụ M lập ngày 12/10/2009 nhưng đến ngày 16/10/2009, cụ mới có đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân thị trấn Giồng Riềng xác nhận chữ ký của cụ trong tờ di chúc ngày 12/10/2009 mà không phải là yêu cầu chứng thực nội dung bản di chúc do cụ M lập nên việc cụ M có đơn xin xác nhận chữ ký trong tờ di chúc là chưa đảm bảo về thủ tục lập di chúc tại Ủy ban nhân dân xã, thị trấn theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật dân sự năm 2005. Vì vậy, đối với việc ông Kh yêu cầu công nhận tờ di chúc lập ngày 12/10/2009 do cụ M để lại là hợp pháp, công nhận và cho thi hành bản di chúc trên cho ông Kh được thừa hưởng di sản của cụ M để lại theo di chúc là không có căn cứ để chấp nhận.

[3] Xét yêu cầu phản tố của ông Lê Văn Tr và yêu cầu khởi kiện độc lập của bà Lê Thị H, Lê Thị T, Lê Thị H Th; Hội đồng xét xử xét thấy: Do tờ di chúc lập ngày 12/10/2009 cụ M để lại không được xem là di chúc hợp pháp nên phần di sản do cụ M chết để lại được xem là di sản thừa kế được chia theo quy định của pháp luật khi các đương sự có yêu cầu. Do đó ông ông Lê Văn Tr có đơn phản tố và bà Lê Thị H, Lê Thị T, Lê Thị H Th có yêu cầu khởi kiện độc lập chia di sản thừa kế là phù hợp với quy định của pháp luật. Xét thấy số tiền gốc được thi hành án là 194.573.500 đồng theo bản án 332/2008/DSPT + tiền lãi chậm thi hành án mà anh Lê Thanh H phải thi hành án cho cụ Lê Văn M là 225.076.000 đồng + lãi suất gửi tiết kiệm 16.787.828 (T từ ngày 10/11/2021 đến ngày 08/02/2023) và khoản lãi phát sinh sau ngày 08/02/2023 (nếu có). Số tiền này được xác định là di sản thừa kế do cụ M để lại khi cụ qua đời. Tại Điều 676 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì người thừa kế theo pháp luật của cụ M gồm ông Tr, ông Kh, bà H, bà T, bà Th, bà H. Các ông bà là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ M và không thuộc trường hợp người không được quyền hưởng di sản. Ngoài ra, tính đến thời điểm xét xử những người thuộc hàng thừa kế của cụ M và Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng là cơ quan đang quản lý di sản của người chết (cụ M) cùng xác định, cụ M không phải thực hiện nghĩa vụ gì về tài sản đối với người khác khi còn sống nên phần di sản cụ M được xác định là số tiền cụ M được thi hành án theo bản án số 332/2008/DSPT ngày 10/11/2008 bao gồm tiền gốc, tiền lãi chậm thi hành án và tiền lãi gửi tiết kiệm (Tạm T đến ngày 08/02/2023) theo ý kiến của Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng tại công văn số 344/CV-CCTHA ngày 07/02/2023 (Tại bút lục 248). Do đó, yêu cầu phản tố của ông Tr và các yêu cầu độc lập của bà H, bà T, bà Th về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ M theo quy định của pháp luật là có căn cứ, phù hợp với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 675 của Bộ luật dân sự năm 2005.

[4] Về di sản thừa kế: Đó là số tiền mà ông M được thi hành theo bản án 332/2008/DSPT ngày 10/11/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang, Theo Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng xác nhận tại công văn số 344/CV-CCTHA ngày 07/02/2023 (Tại bút lục 248) được các đương sự xác nhận số tiền gồm: gốc là 194.573.500đ, tiền lãi là 225.076.000đ và 16.787.820đ (Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng đã gửi số tiền gốc và lãi suất vào ngân hàng kể từ ngày 01/10/2021 đến ngày 08/02/2023). Tổng cộng 436.437.330đ là di sản của cụ M để lại. Đồng thời đối với phần tiền lãi phát sinh mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phát sinh từ ngày 08/02/2023 cũng được coi là di sản thừa kế.

[5] Xét về diện thừa kế và kỷ phần: Sinh thời; cụ Lê Văn M (chết ngày 02/6/2019) và cụ Nguyễn Thị S (chết năm 2004), cha mẹ cụ S và cụ M đã chết trước 2 cụ. Cụ S và cụ M sinh được 6 người con gồm: Lê Văn Kh, Lê Thị H, Lê Thị T, Lê Thị H, Lê Thị H Th, Lê Văn Tr. Tại Điều 676 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì người thừa kế theo pháp luật của cụ M gồm ông Tr, ông Kh, bà H, bà T, bà Th, bà H. Các ông bà là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ M và không thuộc trường hợp người không được quyền hưởng di sản. Do vậy, căn cứ vào qui định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, thì đây là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm 6 kỷ phần. Tuy nhiên để đảm bảo về mặt đạo đức xã hội cũng như phù hợp với quy định của pháp luật; căn cứ theo tinh thần của Án lệ số 05/2016/AL được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì ông Lê Văn Kh có công nôi dưỡng chăm sóc cụ M và bản thân ông Kh cũng phải bỏ công sức thời gian đi yêu cầu thi hành án theo bản án 332/2008/DSPT ngày 10/11/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang trong một thời gian cùng với cụ M là có thật. Nên hội đồng xét xử xét thấy nên cho ông Kh được hưởng thêm tương đương với 1 kỷ phần là phù hợp với đạo đức và pháp luật. Như vậy di sản được chia làm 7 kỷ phần. Tại phiên tòa phía người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Lê Thị H cho rằng khi bà được chia thì kỷ phần của bà được hưởng bà tự nguyện cho lại ông Lê Văn Kh. Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu này của bà là Lê Thị H là phù hợp với đạo đức xã hội và pháp luật. Nên hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện này của bà H, ông Kh và chuyển kỷ phần khi chi được hưởng của bà Lê Thị H sang cho ông Lê Văn Kh là nguyên đơn trong vụ kiện được nhận. Như vậy ông Kh được hưởng tương đương với 3 kỷ phần, và những người thừa kế khác được hưởng 1 kỷ phần.

Như vậy di sản tổng cộng 436.437.330đ là di sản và được chia như sau:

436.437.330đ: 7 kỷ phần = 62.348.190đ / kỷ phần. Như vậy:

- Chia cho ông Lê Văn Kh được hưởng số tiền tương đương bằng 3 kỷ phần (Trong đó: Gồm một kỷ phần của ông Kh được hưởng theo pháp luật, một kỷ phần bà Lê Thị H cho lại ông Kh, 1 kỷ phần ông Kh được hưởng theo công sức nuôi cha… như đã nói ở trên) với số tiền là 62.348.190đ x 3 = 187.044.570đ - Chia cho ông Lê Văn Tr, bà Lê Thị H, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H Th mỗi người được hưởng 62.348.190đ.

Đồng thời đối với phần tiền lãi phát sinh mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phát sinh từ ngày 08/02/2023 cho đến khi rút về (Nếu có) cũng được coi là di sản thừa kế và cũng chia ra làm 7 phần; Trong đó: Chia cho ông Kh đương hưởng 3 phần tiền lãi; chia cho ông Lê Văn Tr, bà Lê Thị H, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H Th mỗi người được hưởng một phần lãi Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng là cơ quan đang quản lý di sản thừa kế của cụ M, chịu trách nhiệm phân phối chi trả cho ông Tr, ông Kh, bà H, bà T, bà H, bà Th, mỗi người được thừa như trên khi các đương sự có yêu cầu.

[6] Từ những phân tích trên. Hội đồng xét xử xét thấy các Quyết định khác của bản án sơ thẩm đã tuyên là không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Kh về việc buộc anh Lê Thanh H trả số tiền lãi chậm thi hành án chênh lệch so với số tiền lãi ông H đã thi hành án; công nhận tờ di chúc lập ngày 12/10/2009 do cụ M để lại là hợp pháp và cho thi hành bản di chúc cho ông thừa hưởng di sản thừa kế của cụ M theo di chúc. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Lê Văn Tr và yêu cầu độc lập của bà Lê Thị H, Lê Thị T, Lê Thị H Th. Tuyên bố tờ di chúc lập ngày 12/10/2009 là không hợp pháp. Chia di sản thừa kế do cụ Lê Văn M là số tiền gốc, lãi chậm thi hành án được thu hành theo bản án số 332/2008/DS-PT và số tiền lãi tiết kiệm gửi Ngân hàng phát sinh do cụ M để lại theo quy định của pháp luật, là có căn cứ phù hợp quy định của pháp luật.

Qua những phân tích và nhận định nêu trên, trong thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát, chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của ông Lê Văn Kh, sửa bản án sơ thẩm số 29/2023/DS-ST ngày 14 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

[7] Về án phí dân sự.

[7.1] Về án phí dân sự sơ thẩm.

- Ông Lê Văn Tr, ông Lê Văn Kh, bà Lê Thị H và bà Lê Thị T là người cao tuổi nên không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.

- Buộc bà Lê Thị H Th phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch số tiền là 62.348.190đ x 5% = 3.117.490đ làm tròn số là 3.117.000đ (Ba triệu một trăm mười bảy nghìn đồng ). Nhưng khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí mà bà Th đã nộp là 1.750.000 đồng (một triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0005961 ngày 06 tháng 4 năm 2022. Buộc bà Th phải nộp thêm số tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 1.367.000 đồng (Một triệu ba trăm sáu mươi bảy nghìn đồng).

- Bà Lê Thị H phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch số tiền là 1.367.000 đồng (Một triệu ba trăm sáu mươi bảy nghìn đồng).

[7.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Văn Kh là người cao tuổi nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn Kh.

- Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 29/2023/DS-ST ngày 14 tháng 02 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

Căn cứ các điều 609; 612; 613; 617; 618; 649; 650; 651; 660; Bộ luật dân sự 2015; Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009; điểm đ, khoản 1, Điều 12 và khoản 1, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

- Áp dụng án lệ số 05/2016/AL được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Kh về việc buộc anh Lê Thanh H giao trả số tiền lãi chậm thi hành án chênh lệch là 280.815.100 đồng (Hai trăm tám mươi triệu tám trăm mười lăm nghìn một trăm đồng), yêu cầu công nhận tờ di chúc do cụ M lập ngày 12 tháng 10 năm 2009 là hợp pháp và được quyền thừa hưởng di sản thừa kế do cụ M để lại theo di chúc.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Lê Văn Tr và yêu cầu độc lập của bà Lê Thị H, Lê Thị T, Lê Thị H Th.

Tuyên bố tờ di chúc do cụ Lê Văn M lập ngày 12 tháng 10 năm 2009 không hợp pháp.

- Chia cho ông Lê Văn Kh được hưởng số tiền 187.044.570 đồng (Một trăm tám mươi bảy nghìn không trăm bốn mươi bốn nghìn năm trăm bảy mươi đồng).

- Chia cho các ông (bà): ông Lê Văn Tr, bà Lê Thị H, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H Th mỗi người được hưởng số tiền là 62.348.190 đồng (Sáu mươi hai triệu ba trăm bốn mươi tám nghìn một trăm chín mươi đồng).

Đối với số tiền lãi phát sinh (nếu có) mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam phát sinh từ ngày 08/02/2023 cho đến khi rút về (Nếu có) cũng được coi là di sản thừa kế và cũng được chia ra làm 7 phần; Trong đó: Chia cho ông Kh đương hưởng 3 phần tiền lãi; chia cho ông Lê Văn Tr, bà Lê Thị H, bà Lê Thị T, bà Lê Thị H Th mỗi người được hưởng một phần lãi. Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng có trách nhiệm phân phối và chi trả (nếu có).

Sau khi án có hiệu lực pháp luật; Chi cục thi hành án dân sự huyện Giồng Riềng là cơ quan đang quản lý di sản thừa kế là số tiền như trên, chịu trách nhiệm phân phối chi trả cho những người được nhận theo quyết định như trên của bản án này khi các đương sự có yêu cầu.

3. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Kh về việc buộc ông Lê Văn Tr và bà Châu Thị Thu Th liên đới giao trả thêm số tiền lãi chậm thi hành án chênh lệch.

4. Về án phí dân sự.

4.1. Về án phí dân sự sơ thẩm.

- Ông Lê Văn Tr, ông Lê Văn Kh, bà Lê Thị H và bà Lê Thị T là người cao tuổi nên không phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.

- Buộc bà Lê Thị H Th phải nộp án phí là 3.117.000đ (Ba triệu một trăm mười bảy nghìn đồng). Nhưng khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí mà bà Th đã nộp là 1.750.000 đồng (một triệu bảy trăm năm mươi nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0005961 ngày 06 tháng 4 năm 2022. Buộc bà Lê Thị H Th phải nộp thêm số tiền là 1.367.000 đồng (Một triệu ba trăm sáu mươi bảy nghìn đồng).

- Bà Lê Thị H phải nộp án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch số tiền là 1.367.000 đồng (Một triệu ba trăm sáu mươi bảy nghìn đồng).

4.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Văn Kh là người cao tuổi nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

37
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế theo di chúc, buộc thực hiện nghĩa vụ chậm thi hành án và chia thừa kế theo quy định của pháp luật số 161/2023/DS-PT

Số hiệu:161/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:24/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về