Bản án về tranh chấp chia thừa kế tài sản số 27/2023/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN DU, TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 27/2023/DS-ST NGÀY 18/08/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong ngày 18/8/2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh B; xét xử sơ thẩm công khai vụ thụ lý số: 47/2022/TLST-DS ngày 28/3/2022, về việc ''Tranh chấp yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất'', theo Qết định đưa vụ án ra xét xử số: 30/2023/QĐXX-ST ngày 06/7/2023; theo Qết định hoãn phiên toà số: 35/2023/QĐST-DS ngày 26/7/2023 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Q, sinh năm 1944 (Có mặt);

Địa chỉ: Thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện T, tỉnh B.

Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Vũ Văn X, sinh năm 1979;

Địa chỉ: Số 123, Nguyễn Gia Thiều, phường Suối Hoa, thành phố B, tỉnh B (Có mặt)

Bị đơn: Bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1955 (Vắng mặt);

Người đại diện theo uỷ quyền: Chị Nguyễn Thị V1, sinh năm 1980 (Có mặt);

Cùng địa chỉ: Thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện T, tỉnh B.

*Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1966 (xin vắng mặt);

2. Bà Nguyễn Thị H`, sinh năm 1968 (xin vắng mặt);

3. Bà Nguyễn Thị G, sinh năm 1972 (xin vắng mặt);

4. Ông Nguyễn Văn G1, sinh năm 1973 (xin vắng mặt);

Cùng địa chỉ: Bản Hua Đán, xã Tú Nang, huyện Y, tỉnh S.

5. Anh Nguyễn Hữu Th, sinh năm 1994 (Có mặt);

Địa chỉ: Thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện T, tỉnh B.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn ông Vũ Văn X trình bày:

Bố mẹ bà Q là cụ Nguyễn Hữu M, sinh năm 1912 (mất năm 1964), cụ Phạm Thị K, sinh năm 1913 (mất năm 1952) kết hôn với nhau từ năm 1933, có 05 người con (đã chết 04 người con từ khi còn nhỏ) hiện còn duy nhất bà Q. Ngoài ra, cụ M còn có người con chung với bà vú nuôi (bà Q không nhớ tên tuổi địa chỉ) là bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1935 (tên thường gọi là bà Nguyễn Thị Q) tuy nhiên bà V đi làm con nuôi từ khi còn nhỏ. Bà V đã chết năm 2010 tại thôn Phú Hoà, xã Bình Kiều, huyện K, tỉnh H. Bà V có chồng là ông Đỗ Văn Ca, sinh năm 1938 (đã chết năm 2002), có các con là: Ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị H`, bà Nguyễn Thị G, ông Nguyễn Văn G1. Bà Q không có chồng và nhận anh Nguyễn Hữu Th làm con nuôi hợp pháp từ nhỏ.

Năm 1937, cụ M và cụ K mua 120 m2 đất của cụ Nguyễn Sỹ Lực sau đó bố mẹ của cụ M cho thêm 20 m2 đất thành tổng diện tích 143 m2, hiện nay là thửa số 482, tờ bản đồ 14 tại thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện T, tỉnh B, đến nay chưa được cấp giấy CNQSDĐ (gọi tắt là thửa đất số 482). Thửa đất có tứ cận: Phía Bắc giáp nhà ông Nguyễn Hữu V, phía nam giáp ngõ, phía đông giáp ngõ, phía tây giáp nhà ông Nguyễn Đôn T2.

Năm 1952, cụ K mất không để lại di chúc. Năm 1954, cụ M kết hôn với cụ Nguyễn Thị G2, sinh được 03 người con (đã mất 02 người con), hiện còn duy nhất bà Nguyễn Thị V, cụ M chết năm 1964 không để lại di chúc. Sau khi cụ M chết thì bà G2, bà V, bà Q vẫn sinh sống trên nhà đất của cụ M, bà và cụ G2 là người quản lý và đóng thuế với nhà nước. Bà đi công tác từ năm 1956 nhưng cuối tuần vẫn về lo gia đình và nhà cửa. Năm 1978 bà V kết hôn với ông Hoà cùng thôn, bà về nhà chồng sinh sống, còn cụ G2 ở một mình trên đất của cụ M và cụ K.

Năm 1985, bà đã sang sửa lại nhà do nhà cũ bị hư hỏng, bà là người mua nguyên vật liệu còn cụ G2 ở nhà trông nom. Sau khi làm nhà cụ G2 sống trên đất, có một thời gian cụ G2 lên ở cùng bà trên thành phố B, khi đó đất khoá cửa để không.

Năm 2008, bà cùng anh Th về ở hẳn trên thừa đất 482, bà là người nộp thuế đất từ năm 2008 đến năm 2016 thì bà được miễn thuế đất không phải nộp nữa. Thời gian này, cụ G2 vẫn sống cùng với bà trên thửa đất, thỉnh thoảng có ra nhà bà V ăn uống. Từ năm 2013, cụ G2 chuyển hẳn ra nhà bà V ở, do cụ G2 khi đó già yếu nên ra ở cùng con gái cho tiện việc chăm sóc, bà đón cụ G2 nhưng cụ không về ở cùng. Đến năm 2017 thì cụ G2 mất và làm ma ở nhà ông V. Việc thờ cúng sau này do bà V lo, không thờ cúng trên đất của cụ M và cụ K.

Quá trình sử dụng thửa đất: năm 2008, bà đã làm đề nghị cấp GCNQSDĐ nhưng UBND xã trả lời do bà V không đồng ý nên chưa được cấp giấy chứng nhận. Năm 2017, bà làm đơn xin xác nhận nguồn gốc thửa đất đồng thời xác nhận là người tôn tạo, sửa chữa quản lý di sản bố mẹ để lại và được UBND xã và hàng xóm láng giềng họ hàng xác nhận. Tuy nhiên, bà V có ý kiến và không đồng ý nên bà không được cấp GCNQSDĐ. Bà cho rằng đến nay đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế đối với thửa đất do đó phần di sản là thửa đất thuộc về bà là người trực tiếp quản lý di sản. Vì vậy, bà làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà gắn liền với thửa đất số 482, tờ bản đồ số 14, diện tích 143 m2 tại thôn Đình Cả.

Đối với Biên bản phân chia tài sản đề ngày 11/6/2019 do bà V cung cấp cho Tòa án. Phần chữ viết “Tôi đồng ý phương án Biên bản này thay thể biên bản ngày 08/6/2019, Hủy bỏ bản ngày 08/6/2019 không có giá trị” là do bà tự viết, lý do là khi đó bà ốm nặng bà V cho người đến tận giường bệnh bảo bà viết nên trong khi chưa biết sống chết như thế nào nên bà đã viết như vậy. Đến nay bà không đồng ý với biên bản này nên giữa bà và bà V không có văn bản thoả thuận về việc tài sản chung.

Ngày 25/8/2022, bà Q có đơn yêu cầu thay đổi yêu cầu khởi kiện đề nghị không áp dụng thời hiệu và đề nghị chia di sản của cụ M, cụ K theo quy định pháp luật và đề nghị xem xét công sức cải tạo, quản lý thửa đất, chia thêm cho bà 1 phần để làm nơi thờ cúng cụ M và chia tài sản trên đất.

Khi chia tài sản do bà và anh Th không có chỗ ở nào khác và thửa đất hẹp, lại ở trong ngõ, bà V đã có gia đình, có đất ở nên đề chia cho bà bằng hiện vật là đất và bà sẽ trích trả cho bà V bằng tiền giá trị đất và tài sản trên đất. Phần tài sản của các con bà V cho bà, bà xin nhận gộp chung vào khối tài sản của bà.

Bà đã được thông báo kết quả đo đạc hiện trạng sử dụng đất của bà có diện tích 141 m2, đối với phần diện tích 0,6 m2 giáp nhà anh M, chị Ng bà sử dụng ngoài ranh giới, đối với phần đất giáp nhà ông T2 gia đình bà chưa xây dựng hết đất vẫn còn diện tích 1,4 m2 bà đề nghị chia theo ranh giới cho bà những phần đất này. Đối với phần diện tích 1,2 m2 giáp nhà ông T2 bà đã xây tường sử dụng ổn định cùng nhà ông T2, hai bên không tranh chấp nên đề nghị theo hiện trạng. Diện tích thực tế cần chia là 141,8 m2.

Ngoài ra ông X không có ý kiến yêu cầu gì khác.

Bà Q không trình bày bổ sung và nhất trí với ý kiến của ông X.

*Tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa người đại diện theo uỷ quyền của bà V là chị V1 trình bày:

Cụ Nguyễn Hữu M là (bố đẻ của bà G2) có 02 người vợ là: Vợ cả là cụ Phạm Thị K. Vợ 2 là cụ Nguyễn Thị G2, sinh năm 1922, chết năm 2017. Giữa cụ M và cụ K có 05 con chung nhưng đã chết 4 người khi còn nhỏ, chỉ còn một mình bà Nguyễn Thị Q; Giữa ông M và bà G2 có 03 người con chung nhưng đã chết 02 người con khi còn nhỏ chỉ còn một mình bà V. Đến nay, ông M chỉ có bà V và bà Q là con đẻ, không còn ai khác. Ông M không có người con riêng nào hết. Việc bà Q trình bày cụ M có người con riêng là bà V (Q) bà chưa nghe, gặp bao giờ.

Cụ K chết năm nào thì bà không nhớ. Đến năm 1954 thì cụ M kết hôn với cụ G2. Từ khi bà V sinh ra thì đã sống cùng bố mẹ bà trên thửa đất số 482, tờ bản đồ số 14, diện tích 143 m2 tại xóm Giữa, thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện T, tỉnh B.

Nguồn gốc thửa đất là của các cụ để lại cho cụ M. Đến năm 1964, cụ M chết không để lại di chúc. Khi cụ M chết thì cụ G2 và bà V vẫn sinh sống trên nhà đất của cụ M để lại. Còn bà Q thì đi làm không sinh sống trên thửa đất. Toàn bộ việc đóng thuế với nhà nước đều do cụ G2 đóng.

Năm 1979, bà V kết hôn với ông Nguyễn Đình H2 cùng thôn thì bà về nhà chồng sinh sống, còn cụ G2 vẫn ở một mình sinh sống trên thửa đất của cụ M để thờ cụ M. Chỉ đến dịp giỗ thì bà Q mới về, còn bà Q sống trên thành phố B.

Đến năm 1985, ngôi nhà của cụ M đột nát nên bà V và bà Q thống nhất cùng tu tạo lại. Bà Q có mua nguyên vật liệu gạch, cát, sỏi, gỗ và trả tiền công làm còn cụ G2 ở nhà trông nom và nhờ các cháu làm giúp, còn bà Q thì đi làm, không có nhà. Sau khi tôn tạo nhà thì bà G2 vẫn tiếp tục sinh sống trên nhà đất của cụ M.

Đến khoảng năm 2008 thì bà Q đã có nhà đất được phân trên thành phố B nhưng lại bán và về ở hẳn trên đất của cụ M. Khi bà Q về sống trên đất của cụ M thì bà V cũng không có thắc mắc gì vì bà V và bà Q đều đã có nhà đất riêng nên đất của cụ M các bà xác định là đất của bố mẹ để cùng thờ cúng bố mẹ.

Lúc này bà Q và con nuôi là anh Nguyễn Hữu Th bắt đầu về sinh sống trên đất cho đến nay và nghĩa vụ tài chính là do bà Q nộp vì bà Q sinh sống trên đất. Từ khi bà Q về sống thì lúc đó cụ G2 đã già yếu nên bà V đã đón cụ G2 về nhà bà để tiện chăm sóc.

Đến năm 2017, cụ G2 sức khỏe yếu, sắp chết có đòi về đất của cụ M để chết ở đây thì bà Q không có nhà, đã khóa cổng không cho cụ G2 về. Chính vì vậy, ông Nguyễn Hữu V là cháu trưởng đã phải đón cụ G2 về gia đình ông V và cụ G2 chết tại nhà ông V. Cụ G2 chết không để lại di chúc.

Sau khi cụ M, cụ K, cụ G2 chết hết đều không để lại di chúc, do chỉ còn 2 chị em gái là bà V và bà Q nên bà xác định đây là di sản để lại của bố mẹ nên không tranh chấp gì hết, ai ở thì ở để thờ cúng bố mẹ.

Từ năm 2008, bà Q tự ý đi làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ đất của cụ M để lại mang tên bà Q thì bà V và cụ G2 không đồng ý. Cụ G2 có gửi đơn UBND xã Nội Duệ đề nghị chia đều thửa đất của cụ M cho bà V và bà Q. Do có tranh chấp nên từ đó thửa đất của cụ M đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai.

Hiện nay, bà Q cùng con nuôi (Nguyễn Hữu Th) đang ở tại thửa đất số 482, tờ bản đồ số 14, địa chỉ: xóm Giữa, thôn Đình Cả, huyện T, tỉnh B.

Ban đầu khi khởi kiện bà Q yêu cầu Tòa án Công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền trên đất cho bà Nguyễn Thị Q thì bà V không đồng ý vì bà xác định đây là di sản của bố bà V (cụ M ) để lại nên bà V và bà Q đều có quyền như nhau, không nhất trí để bà Q đứng tên một mình.

Sau này bà V thay đổi yêu cầu khởi kiện đề nghị không áp dụng thời hiệu và đề nghị chia di sản của cụ M, cụ K theo quy định pháp luật. Tại phiên toà chị V1 đại diện theo uỷ quyền của bà V nhất trí không áp dụng thời hiệu, đồng ý chia thừa kế các tài sản của cụ K, cụ M, cụ G2 theo quy định định pháp luật đối với phần của các cụ tại thửa đất số 482, phần của cụ G2, do bà V nhận, gộp với phần của bà V. Bà V xin lấy bằng đất. Đối với tài sản trên đất xác nhận là của bà Q và cụ G2, bà V không có ý kiến yêu cầu gì. Phần của cụ G2 bà V xin nhận.

Ngoài ra bà V, chị V1 không có ý kiến yêu cầu gì.

Tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:

*Bà Nguyễn Thị H`, ông Nguyễn Văn H; bà Nguyễn Thị G, ông Nguyễn Văn G1 trình bày: Ông bà là con của bà Nguyễn Thị Q (hay còn gọi là V), bà Q mất năm 2010; bố là ông Ca chết năm 2002. Nay bà Q đề nghị chia di sản theo quy định pháp luật riêng phần thừa kế của ông bà, ông bà đề nghị chia bằng hiện vật và đồng ý giao toàn bộ cho bà Q quản lý, sử dụng và đề nghị giải quyết vắng mặt ông bà.

*Anh Nguyễn Hữu Th trình bày: Anh được bà Q nhận làm con nuôi từ khi mới sinh, anh ở cùng bà từ nhỏ. Thửa đất hiện do bà Q đang quản lý có nguồn gốc là ông bà để lại. Quá trình sinh sống trên thửa đất hai mẹ con đã cùng nhau tôn tạo, phá bỏ mái nhà cũ đã xuống cấp, làm khung mái nhà bằng sắt, nâng mái, lợp tôn lạnh, lắp trần thạch cao, sửa chữa công trình phụ, trên đất để ổn định cuộc sống và thờ cúng ông bà tổ tiên. Anh không có ý kiến yêu cầu gì trong vụ án này với yêu cầu khởi kiện của bà Q. Mẹ con anh mong muốn được phân chia bằng đất để tiếp tục quản lý sử dụng, gia đình xin trích trả bằng tiền. Anh không đề nghị gì về thời hiệu.

Ngoài ra anh không có ý kiến yêu cầu gì.

*Quá trình làm việc ông Nguyễn Hữu Qết cung cấp: Ông là trưởng họ của dòng họ Nguyễn Hữu, thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện T, tỉnh B. Cụ M thuộc chi thứ 2 của dòng họ Nguyễn Hữu. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Hữu mà ông đã cung cấp cho Tòa án thì cụ cụ M có 02 người vợ là Cụ Phạm Thị K (con chung là bà Nguyễn Thị Q); Người vợ 2 là cụ Nguyễn Thị G2 (người con chung là Nguyễn Thị V). Ngoài bà Q và bà V là con đẻ của cụ M thì cụ M còn có người con riêng khác là bà Nguyễn Thị Q. Ông cũng không biết là Q là con của cụ M với người vợ nào chỉ biết có trong gia phả và truyền lại các đời. Ông chưa từng gặp bà Q bao giờ. Ông cũng không biết bà Q có phải là bà V như bà Q trình bày với Tòa án vì ông không biết bà V là ai mà chỉ nghe người khác nói như vậy thôi. Việc cụ M cho bà Q làm con nuôi thì ông cũng không được biết sự việc này, ông không có bất cứ giấy tờ gì chứng minh việc này.

*Ông Nguyễn Hồng V cung cấp: Ông là cháu ruột của cụ Nguyễn Văn Kh, sinh năm 1920, cụ Nguyễn Thị Tr (sinh năm 1920), ở thôn Duệ Khánh, xã Nội Duệ, huyện T, tỉnh B. Ông Kh là người được cụ Nguyễn Hữu M cho bà Nguyễn Thị V là con đẻ làm con nuôi cụ Nguyễn Văn Kh, cụ Nguyễn Thị Tr khi còn nhỏ. Do vợ chồng cụ Kh, cụ Tr không có con, cho thời gian nào thì ông không nhớ. Bà V là con ruột của cụ M với bà vú nuôi. Ông cũng không được chứng kiến việc cụ M cho bà V làm con nuôi vợ chồng cụ Kh, cụ Tr. Ông chỉ nghe cụ Kh nói lại với ông sự việc như vậy vì nhà ông và nhà cụ Kh ở gần nhau.

Bà V sống cùng vợ chồng cụ Kh đến khi bà V bị mắc bệnh phong phải đi điều trị tại Nghệ An. Sau khi điều trị khỏi bệnh thì bà V lấy chồng sống ở H. Đến khi bà V lấy chồng, có con thì hằng năm vẫn về thăm gia đình cụ Kh.

Cụ Kh chết năm 1975, cụ Tr chết năm 1995 bà V vẫn về thăm gia đình cụ Kh. Ông thỉnh thoảng vẫn gặp bà V tại ngày giỗ của gia đình cụ Kh. Hiện nay nhà đất của gia đình cụ Kh ở quê thì để lại cho em ruột cụ Kh là ông Nguyễn Văn T1, còn nhà đất ở Từ Sơn để lại cho cháu ruột là ông Nguyễn Văn X. Còn bà V sống tại H, không được hưởng tài sản gì của gia đình cụ Kh.

Qua làm việc với ông Phạm Khắc Đức, cán bộ địa chính xã: Gia đình bà Q đang sử dụng thửa đất số 482, diện tích 143 m2, bà Q cùng các hộ liền kề ông Nguyễn Văn Phấn (nay người sử dụng là anh M, chị Ng) và gia đình ông Nguyễn Đôn T2, bà Nguyễn Thị Phương, sử dụng như hiện trạng, các hộ không có tranh chấp, không có đơn thư giải quyết khiếu nại đất đai.

*Quá trình làm việc đại diện UBND xã cung cấp: Cụ M có 02 người vợ là cụ Phạm Thị K và cụ Nguyễn Thị G2. Ngoài 02 người con của cụ M là bà Q và bà V thì địa phương được biết cụ M không có người con nào khác còn việc bà Q trình bày cụ M có 01 người con riêng là bà V địa phương không nắm được, bà V không phải là người địa phương.

Nguồn gốc thửa đất bà Q đang yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất với bà V mà Tòa án đang giải quyết là của cha ông để lại. Năm 2015-2017 UBND xã đã lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên cho bà Q đang trong quá trình lập hồ sơ thì bà V có đơn không đồng ý việc lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho bà Q, do bà vệ có tranh chấp đất tổ tiên để lại nên UBND xã đã dừng thủ tục hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Q vì xác định thửa đất có tranh chấp, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai.

*Quá trình làm việc ông Nguyễn Đôn T2, bà Nguyến Thị Phương: Vợ chồng ông bà đã được Tòa án cho xem hồ sơ đất ở của nhà bà Q. Đất của bà Q có phần phía tây giáp với phần đất phía đông của gia đình ông bà. Theo bản đồ, hồ sơ đất ở phần đất giáp nhà 3 gian bà Q có phần diện tích 1,4 m2 là phần cống nước, gia đình ông không sử dụng, hai bên gia đình đã làm nhà, gia đình bà Q làm từ năm 1976, sau đó có sửa lại, còn gia đình ông làm nhà từ năm 1985, hai bên cố định giữa hai nhà vẫn có 1 khe nước, cống nước, phần diện tích 1,2 m2 cũng là cống nước hai bên gia đình sử dụng ổn định, ông không có ý kiến yêu cầu cầu gì.

*Quá trình làm việc ông Nguyễn Văn M, bà Nguyến Thị Minh Ng: Vợ chồng ông bà sử dụng thửa đất của bố để lại là ông Nguyễn Văn Phấn, có phần đất phía đông giáp với phần đất phía tây của gia đình bà Q; phần đất 0,6 m2 đất trước kia là cống nước, không phải của gia đình ông. Trong vụ án này gia đình ông không có ý kiến yêu cầu gì.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T phát biểu ý kiến đã đánh giá việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký, việc chấp hành pháp luật của các đương sự là đúng pháp luật.

Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử:

Từ những phân tích trên căn cứ các điều 26, 35, 39 BLTTDS; Điều 612, 613, 614, 650, 651, 652, 654 và điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015:

+ Xác nhận thửa đất số 482, tờ bản đồ 14, diện tích 143 m2 tại thôn Đình Cả, xã Nội Duệ là di sản thừa kế của cụ K và cụ M để lại. Giao cho bà V được quản lý, sử dụng thửa đất nhưng có nghĩa vụ trích trả cho bà V số tiền 372.225.000 đồng tương ứng với phần diện tích đất 53,175 m2 là phần di sản bà V được hưởng.

+ Về phần tài sản trên đất: Xác nhận tài sản trên đất là tài sản chung của cụ G2, bà Q. Do bà Q được giao quản lý sử dụng thửa đất cùng tài sản trên đất do vậy có nghĩa vụ trích trả cho bà V số tiền 91.692.500 đồng.

- Các đương sự phải chịu án phí và chi phí thẩm định và định giá tài sản theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ và các chứng cứ được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thẩm quyền, quan hệ tranh chấp, thủ tục tố tụng:

- Về thẩm quyền, quan hệ tranh chấp: Theo đơn khởi kiện nguyên đơn là bà Q yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ thửa đất số 482, sau đó bà Q xin thay đổi yêu cầu khởi kiện đề nghị không áp dụng thời hiệu và đề nghị chia di sản của cụ M, cụ K theo quy định pháp luật và đề nghị xem xét công sức cải tạo, quản lý thửa đất, chia thêm cho bà 1 phần để làm nơi thờ cúng cụ M và chia tài sản trên đất.

Bị đơn là bà Nguyễn Thị V đang cư trú tại Đình Cả, xã Nội Duệ, huyện T; tài sản thừa kế tranh chấp toạ lạc tại huyện T; Toà án xác định đây là vụ án dân sự có quan hệ tranh chấp về thừa kế tài sản do đó căn cứ Điều 26, 35, 39 BLTTDS; Toà án nhân dân huyện T đã thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền.

- Thủ tục tố tụng: Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông H, bà H`, bà G, ông G1 vắng mặt đã có lời trình bày, xin vắng mặt, đã được Toà án tống đạt hợp lệ, tại phiên toà hôm nay những người liên quan trên vẫn vắng mặt, việc xét xử vắng mặt không ảnh hưởng tới quyền lợi của các đương sự, vì vậy Toà án tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự trên theo quy định pháp luật.

[2] Về thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại điều 623 BLDS 2015 thì thời hiệu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Cụ K mất năm 1952, cụ M mất năm 1964, cụ G2 mất năm 2017 trong vụ án không có ai đề nghị áp dụng thời hiệu.

Căn cứ vào điều 184 BLDS Toà án không áp dụng thời hiệu chia di sản thừa kế đối với tài sản của cụ K, cụ M, cụ G2.

[3] Về nguồn gốc di sản thừa kế và hiện trạng:

Quá trình biến động thửa đất số 482 như sau: Năm 1978, là thửa 380, tờ bản đồ 01, diện tích 93 m2; năm 1990 là tờ 03, thửa 237, diện tích 144 m2; năm 2004 là thửa 482, tờ bản đồ 14, diện tích 143 m2.

Về nguồn gốc bà Q cho rằng nguồn gốc thửa đất là do năm 1937, cụ M và cụ K mua 120 m2 đất của cụ Nguyễn Sỹ Lực sau đó bố mẹ của cụ M ở kế bên cho thêm 20 m2 đất thành tổng diện tích 143 m2. Khi mua bán với cụ Lực do thời gian quá lâu nên không cung cấp được giấy tờ mua bán. Để chứng minh cho lời khai của mình bà Q cung cấp giấy xác nhận của các con cụ Lực về việc bán diện tích đất, ngoài ra không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì. Bà V trình bày nguồn gốc thửa đất do cha ông để lại cho cụ M, không có việc mua bán đất, tuy nhiên bà V không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì. Tuy nhiên, quá trình xác minh với lãnh đạo UBND xã và cán bộ địa chính xác nhận nguồn gốc thửa đất là của cha ông để lại. Mặc dù có sự mâu thuẫn về quá trình hình thành thửa đất nhưng các bên đương sự đều xác nhận nguồn gốc thửa đất là của các cụ để lại, cụ M và cụ K kết hôn, bố mẹ cụ M đều đã chết, tài sản hình thành trong quá trình hôn nhân của cụ M và cụ K các đương sự đều thừa nhận, sau khi cụ K chết cụ M mới kết hôn với cụ G2 như vậy có thể xác nhận thửa đất số 482, tờ bản đồ 14, là tài sản của cụ M và cụ K. Di sản các cụ để lại của mỗi cụ là ½ diện tích thửa đất.

Thửa đất đo đạc thực tế hiện trạng sử dụng có diện tích 141 m2, tuy nhiên đối với phần diện tích 0,6 m2 giáp nhà anh M, chị Ng; bà Q sử dụng ngoài ranh giới, đối với phần đất giáp nhà ông T2 gia đình bà chưa xây dựng hết đất vẫn còn diện tích 1,4 m2 bà đề nghị chia theo ranh giới cho bà những phần đất này.

Đối với phần diện tích 1,2 m2 giáp nhà ông T2 bà đã xây tường sử dụng ổn định cùng nhà ông T2, hai bên không tranh chấp nên đề nghị theo hiện trạng. Diện tích thực tế là 141,8 m2 Toà án lấy số liệu trên làm căn cứ chia di sản thừa kế cho các đương sự. Di sản của K và cụ M mỗi cụ là ½ diện tích thửa đất =70,9 m2.

Về diện và hàng thừa kế: Cụ M có 2 người vợ hợp pháp là cụ K và cụ G2. Giữa cụ M và cụ K có 05 người con chung nhưng chết 04 người khi còn nhỏ chỉ còn bà Q; giữa cụ M và cụ G2 có 03 người con chung nhưng chết 02 người khi còn nhỏ chỉ còn bà V. Theo bà Q trình bày ngoài ra cụ M còn có 01 người con là bà Nguyễn Thị V là con chung với bà vú nuôi trong gia đình. Để chứng minh cho lời khai của mình bà Q cung cấp giấy khai tử của bà V (tên gọi khác là bà Q), giấy xác nhận của ông Nguyễn Hữu Qết (là trưởng họ Nguyễn Hữu), ông Nguyễn Hồng V (là cháu của bố bà V) xác nhận bà V là con của cụ M được cho đi nhận nuôi, bản sao gia phả thể hiện bà V (Q) là con của cụ M, ngoài ra các con bà V cũng thừa nhận. Do đó có căn cứ xác định bà V là con của cụ M.

Ngoài ra, cụ K chết năm 1952 không để lại di chúc do vậy người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ K gồm có cụ M và bà Q.

Cụ M chết năm 1964 không để lại di chúc, xác định người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ M gồm có cụ G2, bà Q, bà V và bà V. Bà V chết năm 2010 do vậy hàng thừa kế của bà V gồm có bà G, ông G1, ông H, bà H`.

Cụ G2 chết năm 2017 không để lại di chúc hàng thừa kế của cụ G2 có bà V. Trong vụ án không có tài liệu, chứng cứ, chứng minh người thuộc diện thừa kế không được hưởng di sản thừa kế. Các cụ không phải thực hiện nghĩa vụ trước khi chết. Các đương sự đều thống nhất chia toàn bộ các tài sản theo quy định pháp luật.

*Về nội dung:

Xét yêu cầu của nguyên đơn đối với việc chia di sản của các cụ M và cụ K tài sản là thửa đất số 482 và khi chia di sản đề nghị Toà án chia bằng hiện vật, phần của các bà G, ông G1, ông H, bà H` cho bà Q đứng tên, toàn quyền sử dụng; gộp với phần của tài sản của bà, bà xin trích trả bằng tiền giá trị đất và tài sản. Bà V đồng ý chia di sản của cụ M và cụ G2 theo quy định pháp luật.

Hội đồng xét xử xét thấy như trong phần nhận định về nguồn gốc di sản thừa kế và hiện trạng, thửa đất 482 là có ½ tài sản của cụ M và 1/2 của cụ K nên yêu cầu chia di sản thừa kế của bà Q là có căn cứ chấp nhận.

- Cụ K chết không để lại di chúc, di sản của cụ chia theo pháp luật, kỷ phần của: Cụ M, bà Q bằng nhau = 35,45 m2.

- Cụ M chết không để lại di chúc, di sản của cụ M= ½ kỷ phần của cụ K+ ½ thửa đất 482= 35,45 m2+ 70,9 m2= 106,35 m2.

Di sản của cụ M sẽ được chia theo quy định pháp luật. Ngoài ra cụ G2 có công quản lý, ở trên đất từ khi chung sống với cụ M từ năm 1954 đến năm 2008, bà Q quản lý, sử dụng, thờ cúng cụ M, đóng thuế từ năm 2008 đến nay nên chia thêm cho cụ G2 và bà Q thêm mỗi người bằng 1 xuất thừa kế, phần của cụ G2 do bà V nhận.

Kỷ phần của các đương sự như sau: Cụ G2 (do bà V nhận), bà Q, bà V (do bà G, G1, H H` nhận, cho bà Q), bà V, 1 phần công sức bà G2, 1 phần công sức của bà Q= 106,35 m2/6= 17,725 m2.

Tổng tài sản diện tích đất bà V được nhận là: 53,175 m2.

Tổng tài sản diện tích đất bà Q được nhận di sản của cụ M là: 53,175m2. Tổng tài sản diện tích đất bà Q được nhận là 88,625 m2.

Do thửa đất số 482 diện tích không rộng, nằm sâu trong ngõ, bà Q không có chỗ ở nào khác, có nhu cầu chia bằng hiện vật, phần của bà Q được nhiều hơn bà V, hiện bà V có gia đình, có chỗ ở khác nên HĐXX xét thấy yêu cầu xin chia bằng hiện vật của bà Q là có căn cứ, bà Q phải có nghĩa vụ trích trả cho bà V số tiền giá trị của 53,175 m2 đất theo giá mà HĐĐG đã định giá 7.000.000/1 m2 thành tiền là 372.225.000 đồng. Thửa đất trên là đất ở, phù hợp với quy hoạch nên bà Q được quyền liên hệ với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Về tài sản trên đất: Các đương sự đều trình bày do tài sản trên đất cụ K và cụ M để lại đã xuống cấp nên năm 1985, bà Q, bà V cùng cụ G2 đã tân tạo, sửa sang lại tài sản trên đất. Bà Q chưa về ở nhưng đi công tác đã mua gạch, ngói, nguyên vật liệu và sau này kể từ năm 2008 ở trên đất có sửa sang lại như hiện nay, còn cụ G2 đứng ra trông nom, thuê người làm, bà V góp công,…, Sau này anh Thắn ở trên đất có cùng bà Q sang sửa nhưng anh không có yêu cầu gì. Do vậy, xác định tài sản trên đất là tài sản chung của bà Q, bà V cùng cụ G2. Tuy nhiên tại phiên toà, người đại diện theo uỷ quyền của bà V không yêu cầu chia cho bà V phần công sức của bà trong khối tài sản này, bà chỉ yêu cầu chia cho cụ G2, phần của cụ G2 bà V xin nhận, vì vậy HĐXX xác định tài sản trên đất là tài sản chung để chia cho cụ G2 và bà Q. Tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà 3 gian, 01 bếp, khu vệ sinh; 01 bể nước; Tường bao xây gạch, 01 lán lợp proximang, 01 sân gạch đất nung, 01 cây cối, tổng giá trị là: 183.385.000 đồng. Bà Q được sử dụng tài sản trên đất phải trích trả cho cụ G2 (do bà V nhận) số tiền là 91.692.500 đồng.

Tổng số tiền bà Q phải trích trả cho bà V là 463.917.500 đồng.

Tại phiên toà đại diện VKS phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: đầy đủ, phù hợp nên HĐXX chấp nhận.

[4] Về án phí: Bà Q và bà V là người cao tuổi nên miễn toàn án phí DSST cho các bà; bà Q phải chịu án phí DSST đối với phần của bà G, ông G1, ông H, bà H` cho bà.

[5] Về chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản: Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên phải chịu ½ chi phí nêu trên số tiền là 5.000.000 đồng. Xác nhận bà Q đã nộp số tiền 10.000.000 đồng, bà V phải trả cho bà Q số tiền là 5.000.000 đồng.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 144, 147, 157, 158, 165, 166, 184, 227, 228, 235, 262, 264, 266, 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ điều 33, 131 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Căn cứ điều 11, 36, 42, 52, 73, 74, 76 Luật Đất đai năm 1993. Căn cứ Điều 10, 97, 106, 143, 167, 203 Luật đất đai 2013.

Căn cứ các điều 212, 468, 609, 611, 612, 613, 623, 649, 650, 651, 652, 660 Bộ luật dân sự năm 2015.

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Q đối với yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của cụ Nguyễn Hữu M và cụ Phạm Thị K theo pháp luật. Xác định khối di sản của cụ M để lại có giá trị là phần diện tích là 106,35 m2, của cụ K là 70,9 m2, của cụ G2 35,45 m2, tại thửa đất số 482, tờ bản đồ số 14, diện tích 143 m2 tại thôn Đình Cả, xã Nội Duệ, đo đạc thực tế là 141 m2, diện tích làm căn cứ chia là 141,8 m2.

2. Chia cho bà Nguyễn Thị Q được toàn quyền quản lý, sử dụng thửa đất số 482, tờ bản đồ số 14, diện tích 141,8 m2 toạ lạc tại thôn Đình Cả, xã Nội Duệ huyện T, tỉnh B {được giới hạn bởi các điểm (1), 2, 3, 4, 5, 6 ,(7), (8), 8, 9, 10, (1)}; có tứ cận như sau:

Bắc giáp đất ông Nguyễn Hữu V, Nam giáp ngõ đi, Đông giáp ngõ đi, Tây giáp đất ông Nguyễn Đôn T2.

Bà Q được quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản trên thửa đất.

(Có sơ đồ thửa đất và các tài sản trên đất kèm theo bản án)

Bà Q có quyền liên hệ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Bà Q phải có trách nhiệm trích trả cho bà V số tiền 463.917.500 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn đề nghị thi hành án, người phải người thi hành án không tự nguyện thi hành thì phải chịu lãi suất tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả theo quy định tại điều 468 Bộ luật dân sự.

4. Về án phí: M toàn bộ án phí DSST cho bà Q và bà V đối với phần tài sản các bà được nhận. Bà Q phải chịu tổng số 6.203.750 đồng tiền án phí DSST đối với phần tài sản các ông H, bà H`, bà G, ông G1 cho bà.

5. Về chi phí thẩm định và định giá tài sản: Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên phải chịu ½ chi phí nêu trên số tiền là 5.000.000 đồng. Xác nhận bà Q đã nộp số tiền 10.000.000 đồng, bà V phải trả cho bà Q số tiền là 5.000.000 đồng.

6. Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án niêm yết hợp lệ theo quy định pháp luật.

Qết định này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

21
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế tài sản số 27/2023/DS-ST

Số hiệu:27/2023/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tiên Du - Bắc Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 18/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về