Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 498/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 498/2023/DS-PT NGÀY 29/09/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Ngày 26, 29 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 624/2022/TLPT-DS ngày 30 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp chia thừa kế”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DS-ST, ngày 26/8/2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 347/2023/QĐ-PT ngày 25 tháng 7 năm 2023, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1974 (có mặt tại phiên tòa).

HKTT: Số 25B, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nơi tạm trú: Số 9, ngõ H, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Bị đơn: Ông Nguyễn Thành Ch, sinh năm 1971 (có mặt tại phiên tòa).

Nơi thường trú: Số 25B, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Nơi tạm trú: Số 15, ngõ Chùa H, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ch: Luật sư Trần Quang S - Công ty Luật TNHH Q thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà CT13B, đường V, phường T, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội; Luật sư Phan Anh T, Luật sư Nguyễn Thị Th, Công ty Luật TNHH Việt P thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (các Luật sư đều có mặt tại phiên tòa).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Phan Thanh V, sinh năm 1976 (vắng mặt tại phiên tòa).

2. Anh Nguyễn Tr Ng, sinh năm 1995 (vắng mặt tại phiên tòa).

3. Ông Nguyễn Thành C, sinh năm 1952 (vắng mặt tại phiên tòa).

Cùng nơi thường trú: Số 25B, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Cùng nơi tạm trú: Số 15, ngõ Chùa H, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo ủy quyền của ông C là ông Nguyễn Thành Ch (Bị đơn trong vụ án) (Theo Giấy ủy quyền số công chứng 402/2021GUQ Quyển số 02/TP/ CC- SCC/HĐGD ngày 15/7/2021 tại Văn phòng công chứng Trần Quang Minh).

4. Ông Nguyễn Văn Ch1, sinh năm 1958 (có mặt tại phiên tòa).

Nơi thường trú: Số 31E, ngõ H 3, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Nơi cư trú hiện tại: Số 9, ngách 12, ngõ H 3, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

5. Bà Cao Thị Th, sinh năm 1944 (vắng mặt tại phiên tòa).

Nơi thường trú: Thôn A, xã T, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Người đại diện theo ủy quyền của bà Th: Bà Cao Thị H1 (tức H1), sinh năm 1952 (Theo Hợp đồng ủy quyền số công chứng 3483 Quyển số 07/2021 TP/CC- SCC/HĐGD ngày 19/7/2021 tại Văn phòng công chứng Trần Văn Thanh, thành phố Hà Nội. Bà H1 có mặt tại phiên tòa).

6. Bà Cao Thị H1 (tức H1), sinh năm 1952 (có mặt tại phiên tòa).

Nơi thường trú: Số 44, A8, phường T, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

7. Chị Phạm Thị H2, sinh năm 1973 (vắng mặt tại phiên tòa).

Nơi thường trú: Xã K, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

8. Anh Phạm Kim C2, sinh năm 1975 (vắng mặt tại phiên tòa).

Nơi thường trú: Xã K, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Người đại diện theo ủy quyền của chị H2, anh C2: Bà Cao Thị H1 (tức H1), sinh năm 1952 (Theo Hợp đồng ủy quyền số công chứng 3303 Quyển số 07/2021 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 07/7/2021 tại Văn phòng công chứng Trần Văn Thanh. Bà H1 có mặt tại phiên tòa).

9. Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng Trụ sở: Số 33, phố D, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Quang Tr - Chủ tịch UBND quận. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Ninh Anh H3 - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng (Theo Văn bản số 853/UBND-VP ngày 16/6/2022 (vắng mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn - bà Nguyễn Thị H trình bày:

Bố đẻ bà là cụ Nguyễn Văn Ti, sinh năm 1909, mất năm 2008. Mẹ đẻ bà là cụ Nguyễn Thị Q, sinh năm 1924, mất năm 2011. Bố mẹ bà mất đi không để lại di chúc. Sinh thời, bố, mẹ bà có quan hệ nhân thân như sau:

Năm 1962, cụ Ti chung sống với cụ Nguyễn Thị Y không có đăng ký kết hôn. Đến năm 1968 cụ Y mất, cụ Ti và cụ Yếng không có con chung. Sau đó, thông qua các văn bản thông báo của UBND phường M, quận Hai Bà Trưng, thì bà được biết, đến tháng 5/2020, thông tin nhân thân các con của cụ Y (do bà Cao Thị H1 tự cung cấp) như sau: Bà Cao Thị Ha, sinh năm 1940, mất năm 2005, có chồng là Phạm Văn Sứ, chết không rõ năm nào. Bà Ha có con trai là Phạm Kim C2, sinh năm 1975, địa chỉ xã K, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Bà Cao Thị Th, sinh năm 1944, địa chỉ thôn Xám Hồng, xã T, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà Cao Thị H1, sinh năm 1952, địa chỉ số 44 A8, phường T, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Trước khi chung sống với cụ Y, cụ Ti đã có người con nuôi hợp pháp là ông Nguyễn Thành C, sinh năm 1952, nhưng thông tin về Giấy khai sinh của ông C đã không còn lưu trữ. Căn cứ vào Sổ hộ khẩu của gia đình lưu trữ tại UBND phường M từ trước năm 1975 đến nay thể hiện ông C là con của cụ Ti và cụ Q. Năm 1969, cụ Ti kết hôn với mẹ đẻ bà là cụ Nguyễn Thị Q, cũng không có đăng ký kết hôn. Trước khi lấy cụ Ti, cụ Q đã có một người con riêng với chồng trước (Cụ Nguyễn Văn Cửu) là ông Nguyễn Văn Ch1, sinh năm 1958. cụ Ti và cụ Qùy sinh được 02 con chung là ông Nguyễn Thành Ch, sinh năm 1971 và bà là Nguyễn Thị H, sinh năm 1974. Khi còn sống, cụ Ti không có quan hệ nuôi dưỡng với ông Ch1.

Di sản của cụ Ti là quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng thửa đất số 94, tờ bản đồ số 5H-II-23, theo Giấy nhượng đất và hoa màu giữa cụ Nguyễn Thế C - Chủ nhiệm HTX Ánh Hồng với cụ Ti và cụ Y ngày 08/10/1966, đã sang tên trước bạ quyển 7, tờ 48, số 479 tại Sở Quản lý nhà đất, địa chỉ số 25B, phố M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Diện tích thửa đất là 95.99m². Di sản thừa kế đã bị thu hồi theo Quyết định số 5743/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 của UBND quận Hai Bà Trưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai II và Quyết định số 5744/-UBND ngày 11/12/2019 của UBND quận Hai Bà Trưng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quyền sử dụng đất của diện tích đất bị thu hồi là 8.606.797.502 đồng và giá trị tài sản trên đất là: 293.166.400 đồng. Ch sách tự lo tái định cư được hỗ trợ 833.136.000 đồng. Nay bà yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của cụ Q theo pháp luật cho bà được hưởng 500.000.000 đồng, trường hợp kỷ phần thừa kế của bà được hưởng nhiều hơn 500.000.000 đồng, thì bà đồng ý cho ông Ch hưởng phần chênh lệch.

Bị đơn - ông Nguyễn Thành Ch trình bày:

Bố ông là cụ Nguyễn Văn Ti, sinh năm 1909, mất năm 2008. Mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Q, sinh năm 1924, mất năm 2011. Cụ Qùy mất đi không để lại di chúc. Sinh thời, cụ Ti, cụ Qùy có quan hệ nhân thân như sau: Năm 1962, cụ Ti chung sống với cụ Nguyễn Thị Y, không có đăng ký kết hôn. Đến năm 1968, cụ Y mất, cụ Ti và cụ Y không có con chung. Sau đó, thông qua các văn bản thông báo của UBND phường M, quận Hai Bà Trưng, ông được biết, đến tháng 5/2020, thông tin nhân thân các con của cụ Y (do bà Cao Thị H1 tự cung cấp) như sau: Bà Cao Thị Ha, sinh năm 1940, mất năm 2005, có chồng là Phạm Văn Sứ, không rõ năm chết. Bà Ha có con trai là Phạm Kim C2, sinh năm 1975, địa chỉ xã K, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Bà Cao Thị Th, sinh năm 1944, địa chỉ thôn Xâm Hồng, xã T, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà Cao Thị H1, sinh năm 1952, địa chỉ số 44, A8, phường T, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Trước khi chung sống với cụ Y, cụ Ti đã có người con nuôi hợp pháp là ông Nguyễn Thành C, sinh năm 1952, nhưng thông tin về Giấy khai sinh của ông C đã không còn lưu trữ. Căn cứ vào sổ hộ khẩu của gia đình lưu trữ tại UBND phường M từ trước năm 1975 đến nay thể hiện ông C là con của cụ Ti và cụ Q. Năm 1969, cụ Ti kết hôn với cụ Q và cũng không có đăng ký kết hôn. Trước đó, cụ Qùy đã có một người con riêng với chồng trước (Cụ Nguyễn Văn Cửu) là ông Nguyễn Văn Ch1, sinh năm 1958. Cụ Ti và cụ Qùy sinh được 02 người con chung là ông - Nguyễn Thành Ch, sinh năm 1971 và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1974. Khi còn sống, cụ Ti không có quan hệ nuôi dưỡng đối với ông Ch1.

Tài sản của cụ Ti là quyền sở hữu ngôi nhà và quyền sử dụng thửa đất số 94, diện tích 95,99m2, tờ bản đồ số 5H-II-23, theo Giấy nhượng đất và hoa màu giữa ông Nguyễn Thế C - Chủ nhiệm HTX Ánh Hồng với cụ Ti, cụ Y ngày 08/10/1966, đã sang tên trước bạ quyển 7, tờ 48, số 479 tại Sở Quản lý nhà đất, địa chỉ số 25B, phố M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Năm 1975, cụ Ti, cụ Q phá nhà lá để xây mới 01 nhà cấp 4 mái ngói ở cuối thửa đất. Năm 1978, cụ Ti, cụ Q xây thêm 01 nhà mái bằng bê tông cốt thép 01 tầng 12m2 làm bếp giữa thửa đất. Năm 1980, cụ Ti, cụ Q xây dựng mới 01 nhà cấp 4 mái ngói giáp mặt phố. Năm 1996, vợ chồng ông sửa chữa lớn nhà cấp 4 giáp mặt phố, tôn nền, phá hết vỉ ruồi, xây tường cao thêm 2,5m, làm thêm gác xép, lát nền, làm cửa xếp, chống nóng, làm trần giả để bán hàng đồng nát. Năm 1997, vợ chồng ông sửa chữa lớn nhà mái bằng để lấy chỗ cho vợ ông và bà H bán hàng (do tiếp giáp với ngõ H). Năm 2007, vợ chồng ông phá toàn bộ nhà cấp 4 cuối thửa đất để xây mới 01 nhà cấp 4 mái tôn. Toàn bộ chi phí xây dựng, sửa chữa do vợ chồng ông bỏ ra, cụ Ti, cụ Q, ông C, ông Ch1 không đóng góp gì.

Ngày 22/12/2007, cụ Ti lập Di chúc bằng văn bản, có 02 người làm chứng. Trong di chúc, cụ Ti quyết định ông được toàn quyền sử dụng 94,9m2 đất tại số 25B, phố M sau khi cụ Ti qua đời. Ông C là con nuôi chỉ được ở cùng ông, không có quyền lợi gì khác. Trường hợp ông chuyển nhượng nhà, đất cho người khác hoặc nhà đất có sự thay đổi tạo ra nguồn tài chính đền bù, thì ông phải cho bà H một số tiền tương đương 20% giá trị đất hoặc 20% tổng số tiền đền bù. Ông C được tiếp tục ở với ông tại nơi ở mới.

Di sản thừa kế đã bị thu hồi theo Quyết định số 5743/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 của UBND quận Hai Bà Trưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai II và Quyết định số 5744/-UBND ngày 11/12/2019 của UBND quận Hai Bà Trưng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di sản thừa kế là giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi là 8.606.797.502 đồng, giá trị tài sản trên đất là 247.222.400 đồng. Ch sách tự lo tái định cư được hỗ trợ là 833.136.000 đồng.

Tại thời điểm vợ chồng ông sửa chữa, phá nhà cũ để xây nhà mới, thì nhà cũ của cụ Ti, cụ Q không còn giá trị, nên ông đề nghị vợ chồng ông được sở hữu số tiền bồi thường, hỗ trợ về tài sản gắn liền với đất thu hồi là 247.222.400 đồng và các khoản bồi thường, hỗ trợ khác là 45.944.000 đồng. Số tiền 833.136.000 đồng tự lo tái định cư là quyền lợi chung của ông C, vợ chồng ông và con trai là anh Nguyễn Tr Ng. Nay ông đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Ti, cụ Q theo di chúc và pháp luật.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan 1. Bà Phan Thanh V trình bày:

Ngày 23/3/1995, bà đăng ký kết hôn với ông Ch và tạo lập cuộc sống chung cùng chồng và gia đình nhà chồng từ đó tới nay. Khi về làm dâu trong gia đình, bà được biết bố chồng bà là cụ Ti chung sống với cụ Y từ năm 1962 (không có đăng ký kết hôn và không có con chung). Trong thời gian chung sống, cụ Ti và cụ Y đã cùng tạo dựng được ngôi nhà mái lá trên thửa đất số 94, tờ bản đồ số 5H-II-23 (theo Giấy nhượng đất và hoa màu giữa ông Nguyễn Thế C - Chủ nhiệm HTX Ánh Hồng với cụ Ti Ti, cụ Y ngày 08/10/1966).

Năm 1968, cụ Y chết. Thời điểm này, quyền sử dụng đất chưa được pháp luật thừa nhận là tài sản, nên di sản thừa kế mà cụ Y để lại chỉ là 1/2 ngôi nhà mái lá trên thửa đất số 94, tờ bản đồ số 5H-II-23 được cụ Ti tiếp tục ở và quản lý. Năm 1970, cụ Ti kết hôn với cụ Q không có đăng ký kết hôn. Trước khi lấy cụ Ti, cụ Q đã có một người con riêng với chồng trước (cụ Nguyễn Văn Cửu) là ông Ch1. Cụ Ti và cụ Q sinh được 02 người con chung, gồm ông Ch (là chồng của bà) và bà H. Khi còn sống, cụ Ti không có quan hệ nuôi dưỡng đối với ông Ch1. Trước khi chung sống với cụ Y, cụ Ti đã có người con nuôi là ông C. Hiện tại, ông C vẫn ăn ở, sinh hoạt chung cùng nhà với vợ chồng bà V, ông Ch.

Cụ Ti, cụ Q và ông C tiếp tục tạo lập cuộc sống ổn định một thời gian dài tại ngôi nhà mái lá đó. Năm 1975, cụ Ti, cụ Q phá nhà lá để xây mới 01 nhà cấp 4 mái ngói ở cuối thửa đất. Năm 1978, cụ Ti, cụ Q xây thêm 01 nhà mái bằng bê tông cốt thép 01 tầng 12m2 làm bếp giữa thửa đất. Năm 1980, cụ Ti, cụ Q xây dựng mới 01 nhà cấp 4 mái ngói giáp mặt phố. Năm 1996, vợ chồng bà sửa chữa lớn nhà cấp 4 giáp mặt phố, tôn nền, phá hết vỉ ruồi, xây tường cao thêm 2,5m, làm thêm gác xép, lát nền, làm cửa xếp, chống nóng, làm trần giả để bán hàng đồng nát. Năm 1997, vợ chồng bà sửa chữa lớn nhà mái bằng để lấy chỗ cho bà và bà H bán hàng (do tiếp giáp với ngõ H). Năm 2007, vợ chồng bà phá toàn bộ nhà cấp 4 cuối thửa đất để xây mới 01 nhà cấp 4 mái tôn. Toàn bộ chi phí xây dựng, sửa chữa do vợ chồng bà bỏ ra, cụ Ti, cụ Q, ông C, ông Ch1 không đóng góp gì. Những tài sản trên tồn tại đến thời điểm UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Quyết định số 5744/QĐ ngày 11/12/2019 về việc phê duyệt phương án bồi thưởng, hỗ trợ và tái định cư.

Cụ Ti mất năm 2008, có để di chúc cho ông Ch được hưởng toàn bộ di sản thừa kế. Cụ Q mất năm 2011 không để lại di chúc. Sau khi cụ Ti, cụ Q mất, vợ chồng bà tiếp tục quản lý toàn bộ nhà cửa và các tài sản khác do vợ chồng bà đã tạo lập được khi bố mẹ còn sống trên mảnh đất 95,99m2 tại số 25B, phố M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Hiện tại, toàn bộ nhà cửa cùng các tài sản khác do vợ chồng bà tạo lập gắn liền với đất đã bị thu hồi theo Quyết định số 5743/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 của UBND quận Hai Bà Trưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai II và Quyết định số 5744/QĐ -UBND ngày 11/12/2019 của UBND quận Hai Bà Trưng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo đó, tiền bồi thường đất ở: 8.606.792.502 đồng (trừ) 20.637.850 đồng (nghĩa vụ tài chính về đất đai phải nộp) = 8.586.154.652 đồng; Tiền bồi thường tài sản trên đất:

245.645.228 đồng; Tiền chênh lệch giá khi tự lo tái định cư: 833.136.000 đồng; Tiền hỗ trợ khác (hỗ trợ vận chuyển, ổn định cuộc sống, thưởng tiến độ...): 45.000.000 đồng. Do có tranh chấp về việc phân chia di sản thừa kế nên toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được chuyển vào Kho bạc quận Hai Bà Trưng, chờ giải ngân theo quyết định của Tòa án. Bà nhất trí với quan điểm của ông Ch.

2. Anh Nguyễn Tr Ng trình bày:

Anh Ng sinh ra và lớn lên tại nhà số 25B, phố M và sinh sống cùng ông, bà, bố, mẹ đến năm 2019, thì nhà đất bị thu hồi. Trong thời gian sinh sống, bố mẹ anh có xây sửa lại nhà để cả gia đình cùng sinh sống, anh còn nhỏ, nên không có đóng góp công sức, tiền của gì. Nay toàn bộ nhà đất đã bị thu hồi để mở đường M, gia đình anh được đền bù một khoản tiền nhất định, anh đề nghị Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh. Anh nhất trí với ý kiến của bố anh là ông Ch tại Biên bản về kiểm tra, giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.

3. Ông Nguyễn Thành C và người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Thành Ch trình bày:

Ông Nguyễn Thành C sinh năm 1952, được cụ Nguyễn Văn Ti nhận về nuôi khi mới sinh. Hiện tại thông tin về Giấy khai sinh của ông C đã không còn lưu trữ tại cơ quan Nhà nước. Ông C đã liên hệ với cơ quan chính quyền để được cấp Trích lục khai sinh với thông tin: Nguyễn Thành C là con của cụ Ti và cụ Q, căn cứ vào sổ hộ khẩu của gia đình từ trước năm 1975 đến nay. Ông C vẫn chung sống với cụ Ti, cụ Q, ông Ch, bà H từ nhỏ đến nay tại nhà số 25B, phố M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Năm 2008, trước khi cụ Ti mất, cụ Ti có căn dặn lại và có di chúc viết lại rằng ông C vẫn được chung sống với gia đình ông Ch ở ngôi nhà của cụ Ti, cụ Q để lại, trường hợp ông Ch bán nhà đi nơi khác, thì ông C cũng vẫn được ở cùng gia đình ông Ch. Đến năm 2019, UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Quyết định số 5743/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai II và Quyết định số 5744/-UBND ngày 11/12/2019 phê duyệt phương án bồi thưởng, hỗ trợ và tái định cư.Ông C chỉ có nguyện vọng là được chung sống với gia đình ông Ch, còn lại phần thừa kế mà ông C được hưởng của cụ Ti, sau khi Tòa án phân chia thì ông C tặng cho ông Ch để lo liệu công việc của gia đình và thờ cúng các cụ tổ đường.

4. Ông Nguyễn Văn Ch1 trình bày:

Bố đẻ ông là cụ ông Nguyễn Văn Cửu, không rõ năm sinh, đã mất năm 2000. Mẹ đẻ ông là cụ Nguyễn Thị Q, sinh năm 1924, là vợ hai của cụ Cửu. Khoảng năm 1968 - 1969, cụ Cửu, cụ Q ly hôn. Cuối năm 1969, cụ Q tái hôn với cụ Nguyễn Văn Ti nhưng không có đăng ký kết hôn, ông sống ở quê thôn Gia Tr, xã Quang Minh, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc với bà ngoại. Cụ Q và cụ Ti sinh được 02 người con chung là ông Ch, sinh năm 1971 và bà H, sinh năm 1974. Khi còn sống, cụ Ti không có quan hệ nuôi dưỡng đối với ông. Cụ Q về chung sống với cụ Ti tại số 20, phố M, khoảng 130m2 đất, trên có 01 nhà mái lá giáp mặt phố. Năm 1973, nhà mái lá bị cháy, cụ Q về quê lấy tiền tiết kiệm của mình mang ra cùng với cụ Ti xây dựng mới 01 nhà cấp 4 mái ngói. Khi đó, ông đang nghỉ hè, ra chơi với cụ Q, nên biết việc xây nhà. Năm 1974, cụ Ti, cụ Q xây thêm 01 nhà mái bằng bê tông cốt thép 01 tầng 12m2 làm bếp giữa thửa đất. Năm 1982, cụ Ti, cụ Q xây dựng 01 nhà cấp 4 mái ngói cuối thửa đất. Năm 1996, cụ Ti, cụ Q đứng ra sửa chữa nhà cấp 4 giáp mặt phố, làm thêm gác xép, xây tường cao 2,5m, lát nền để ông Ch, bà H bán quần áo. Năm 1997, vợ chồng ông Ch, bà V sửa chữa nhà mái bằng để lấy chỗ cho bà V và bà H bán hàng (do tiếp giáp với ngõ H). Năm 2007, vợ chồng ông Ch, bà V phá toàn bộ nhà cấp 4 cuối thửa đất để xây mới 01 nhà cấp 4 mái tôn.

Di sản thừa kế hiện đã bị thu hồi, giải phóng mặt bằng theo Quyết định số 5743/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 của UBND quận Hai Bà Trưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai II và Quyết định số 5744/-UBND do ngày 11/12/2019 của UBND quận Hai Bà Trưng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo Phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di sản thừa kế là giá trị quyền sử dụng đất của diện tích đất bị thu hồi là: 8.606.797.502 đồng, giá trị tài sản trên đất là 293.166.400 đồng. Ch sách tự là tái định cư được hỗ trợ 833.136.000 đồng.

Về yêu cầu của ông Ch cho ông Ch, bà V được sở hữu số tiền bồi thường, hỗ trợ về tài sản gắn liền với đất thu hồi là 247.222.400 đồng và các khoản bồi thường, hỗ trợ khác là 45.944.000 đồng và yêu cầu xác định số tiền 833.136.000 đồng tự lo tái định cư là quyền lợi chung của ông C, ông Ch, bà V và anh Ng, ông hoàn toàn đồng ý. Ông yêu cầu chia di sản của cụ Q theo pháp luật cho ông, ông Ch và bà H. Cụ Q và ông C không nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như mẹ kế với con riêng của chồng, nên ông C không được hưởng thừa kế di sản của cụ Q.

5. Bà Cao Thị H1 (tức H1), bà Cao Thị Th, chị Phạm Thị H2, anh Phạm Kim C2 do bà H1 (tức H1) là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Bố mẹ các bà là cụ Cao Văn Nghênh và cụ Nguyễn Thị Y ở thôn Xâm Hồng, xã T, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cụ Nghênh và cụ Y sinh được 04 người con gồm: Bà Cao Thị Ha, sinh năm 1940, bà Cao Thị Th, sinh năm 1944, bà Cao Thị H1 (tức H1), sinh năm 1952 và ông Cao Văn Du (chết lúc còn nhỏ). Ngày 10/6/1953, cụ Nghênh bị giặc bắt đi phu, từ ngày đó không trở về, gia đình lấy ngày 10/6 hàng năm để cúng giỗ. Năm 1962, cụ Y được cụ Nguyễn Văn Ti đón ra Hà Nội làm vợ. Bà còn nhỏ theo mẹ ra Hà Nội, hai chị bà là Cao Thị Ha 22 tuổi và Cao Thị Th 18 tuổi ở lại quê.

Vợ trước của cụ Ti là cụ Nguyễn Thị Nga là chị ruột cụ Y. Cụ Nga chết, cụ Ti lấy cụ Y, nên cụ Ti vừa là bố dượng, vừa là bác rể của bà. Bà ở cùng cụ Ti từ nhỏ, đi học, đi làm đến khi đi lấy chồng. Năm 1964, bà học lớp 4 sơ tán ở trong chùa Hưng Ký. Nhà ở số 147, phố M có 4 người ở cùng nhau gồm: Cụ Ti, cụ Y, ông C (con riêng cụ Ti) và bà. Cụ Y cùng với cụ Ti nuôi dưỡng, chăm sóc ông C và bà. Thời gian đó, cụ Ti và cụ Y cũng làm ở Hợp tác xã cao cấp Liên Thành ở phố M, cụ Ti là Chủ nhiệm Hợp tác xã. Do cụ Ti ký giấy tờ thất thoát tài sản của Hợp tác xã, nên bị bắt giam ở trại Thái Nguyên chờ xét xử. Cụ Y nuôi bà và ông C ăn học, tiếp tế cho cụ Ti. Sau 3 năm tạm giam, cụ Ti được về, làm thất thoát tiền của Hợp tác xã phải đền, nhà số 147, phố M không còn, gia đình chuyển đi. Năm 1967, cụ Y và cụ Ti mua nhà đất ở số 25, phố M của Hợp tác xã Ánh Hồng để ở. Năm 1967, cụ Y ốm yếu, bà xin đi làm Công ty gần nhà để chăm sóc. Bà Ha và bà Th thay nhau ra chăm sóc cụ Y. Năm 1968, cụ Y đã qua đời tại nhà số 25, phố M. Năm 1970, cụ Ti lấy cụ Q từ tỉnh Vĩnh Phúc về làm vợ. Năm 1971, cụ Q sinh ông Nguyễn Thành Ch. Bà vẫn ở cùng nhà số 25, phố M cùng cụ Ti, cụ Q.

Năm 1973, bà đi lấy chồng, dạm ngõ, ăn hỏi xong, gần ngày cưới, cụ Q bảo bà phải để lại đôi vòng tai 02 chỉ vàng bà đang đeo. Bà không đồng ý vì là vật kỷ niệm của mẹ bà để lại. Từ hôm đó bà và cụ Q không được bình yên, cụ Q không cho bà tổ chức đám cưới. Bà nhờ cơ quan, Công đoàn tổ chức cưới tại hội trường số 12, phố Tràng Thi. Ngày cưới của bà, nhà số 25, phố M đóng cửa. Cụ Ti không can thiệp được vì nghe vợ mới. Năm 1974, cụ Q sinh bà Nguyễn Thị H. Bà đi lấy chồng, bận đi làm, con nhỏ, chỉ ngày Tết, giỗ mẹ bà hoặc cụ Ti ốm, vợ chồng bà về thăm cụ Ti.

Năm 2007, cụ Ti ốm, bà ra thăm, cụ Ti đưa cho bà tờ giấy viết tay, nhà số 25B, phố M do cụ Ti và cụ Y cùng mua. Bà có quyền lợi ở đó, ông Ch không đồng ý. Khi cụ Ti chết, ông Ch không báo cho bà, mà tổ trưởng dân phố báo cho bà biết. Các chị bà ở quê cùng các con bà đến bệnh viện Thanh Nhàn nhận khăn tang, phúng viếng cụ Ti lần cuối. Cụ Ti chết được 50 ngày, bà đến thắp hương, ông Ch bảo bà từ nay không được đến. Bất bình trước thái độ của ông Ch, bà làm đơn kiện lên Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng. Tòa án đã thụ lý hồ sơ, đến phường xác minh, nhà 25B, phố M có kiện tụng, nên chưa làm sổ đỏ.

Năm 2019, khi biết giải tỏa phố M, nhà số 25B, phố M sẽ không còn. Bà ra thắp hương tổ tiên lần cuối, ông Ch không cho bà vào nhà và nói gặp nhau ở phường giải quyết. Cụ Y mua nhà số 25, phố M, chết cũng ở nhà số 25B, phố M, bà đã xây mộ, 3 người con gái 3 nơi thờ cúng cụ Y. Bà Cao Thị Ha lấy chồng, sinh được 5 người con gồm: Anh Phạm Mạnh Tường, sinh năm 1967 (chết chưa có vợ), anh Phạm Mạnh Khương, sinh năm 1968 (chết chưa có vợ), chị Phạm Thị Nhường, sinh năm 1971 (chết còn bé), chị Phạm Thị H2, sinh năm 1973 và anh Phạm Kim C2, sinh năm 1975.

Năm 2020, UBND quận Hai Bà Trưng có quyết định đền bù đối với tài sản cụ Y. Do cụ Y đã chết, nên các con, cháu của cụ Y được thừa kế tài sản. Bà đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật di sản của cụ Y là ½ số tiền bồi thường về đất là 8.606.797.502 đồng : 2 = 4.303.398.751 đồng cho những người thừa kế gồm cụ Ti, bà, bà Th và bà Ha (đã chết, có 02 con là chị H2 và anh C2), mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế là 4.303.398.751 đồng : 4 = 1.075.849.699 đồng.

6. Uỷ ban nhân dân quận Hai Bà Trưng do người đại diện theo ủy quyền trình bày: Căn cứ Quyết định số 5744/QĐ-UBND ngày 11/12/2019 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với ông Nguyễn Thành Ch và các thừa kế của cụ Nguyễn Văn Ti (đã chết), cụ Nguyễn Thị Q (đã chết) và cụ Nguyễn Thị Y (đã chết) tại địa chỉ 25B, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng kèm theo phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ và tái định cư, toàn bộ số tiền bồi thường về đất, bồi thường, hỗ trợ về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi và tiền hỗ trợ chính sách tự lo tái định cư được bồi thường và hỗ trợ chủ sử dụng đất và sở hữu tài sản bị thu hồi là ông Nguyễn Thành Ch và các thừa kế của cụ Nguyễn Văn Ti (đã chết), cụ Nguyễn Thị Q (đã chết) và cụ Nguyễn Thị Y (đã chết). Số tiền theo mục 3.3 tại Phương án chi tiết là tiền hỗ trợ ổn định đời sống là hỗ trợ cho những người đang thực tế ăn ở tại địa chỉ thu hồi đất. Uỷ ban nhân dân quận Hai Bà Trưng đã gửi số tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo vào Kho bạc Nhà nước quận Hai Bà Trưng và sẽ chi trả số tiền đó theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DS - ST, ngày 26/8/2022, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã xét xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị H về áp dụng thời hiệu chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y. Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị H về việc chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Văn Ti theo di chúc và chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị Qùy theo pháp luật.

2. Chấp nhận yêu cầu của bà Cao Thị H1 (tức H1) về áp dụng thời hiệu chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y đối với quyền hưởng thừa kế của cụ Nguyễn Văn Ti. Xác định cụ Ti không được hưởng thừa kế di sản của cụ Y do hết thời hiệu. Chấp nhận yêu cầu của bà Cao Thị Th, bà Cao Thị H1 (tức H1), chị Phạm Thị H2, anh Phạm Kim C2 về việc chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y theo pháp luật.

3. Xác định tài sản chung vợ chồng của cụ Nguyễn Văn Ti và cụ Nguyễn Thị Y là quyền sử dụng thửa đất số 94, tờ bản đồ số 5H-II-23, diện tích 95,99m2, tại số 25B, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đã bị Nhà nước thu hồi và được bồi thường 9.419.295.652 đồng. Chia tài sản chung vợ chồng cho cụ Ti, cụ Y, mỗi người được sở hữu 4.709.647.826 đồng (Bốn tỷ, bảy trăm linh chín triệu, sáu trăm bốn mươi bảy nghìn, tám trăm hai mươi sáu đồng).

4. Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị Y là ngày 12/6/1968. Xác định người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Y gồm: Cụ Nguyễn Văn Ti, bà Cao Thị Ha (đã chết, có người thừa kế là chị Phạm Thị H2, anh Phạm Kim C2), bà Cao Thị Th và bà Cao Thị H1 (tức H1). Chia di sản của cụ Y là 4.709.647.826 đồng theo pháp luật cho bà Th, bà H1 (tức H1), mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế là 1.569.882.609 đồng (Một tỷ, năm trăm sáu mươi chín triệu, tám trăm tám mươi hai nghìn, sáu trăm linh chín đồng), chia cho chị H2, anh C2, mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế là 784.941.304 đồng (Bảy trăm tám mươi tư triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn, ba trăm linh tư đồng).

5. Xác định tài sản chung vợ chồng của cụ Nguyễn Văn Ti và cụ Nguyễn Thị Q là một phần quyền sử dụng thửa đất số 94, tờ bản đồ số 5H-II-23, diện tích 95,99m2, tại số 25B, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đã bị Nhà nước thu hồi và được bồi thường 4.709.647.826 đồng. Chia tài sản chung vợ chồng cho cụ Ti, cụ Qùy, mỗi người được sở hữu 2.354.823.913 đồng (Hai tỷ, ba trăm năm mươi bốn triệu, tám trăm hai mươi ba nghìn, chín trăm mười ba đồng).

6. Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Văn Ti là ngày 04/02/2008. Xác định người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Ti gồm: Cụ Nguyễn Thị Q, ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Thành Ch, bà Nguyễn Thị H. Chia cho cụ Q được hưởng thừa kế di sản của cụ Ti không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là 392.470.652 đồng. Công nhận Di chúc ngày 22/12/2007 của cụ Ti là hợp pháp và có hiệu lực một phần. Chia phần di sản còn lại của cụ Ti là 1.962.353.261 đồng theo di chúc cho ông Ch hưởng 1.569.882.609 đồng (Một tỷ, năm trăm sáu mươi chín triệu, tám trăm tám mươi hai nghìn, sáu trăm linh chín đồng), cho bà H hưởng 392.470.652 đồng (Ba trăm chín mươi hai triệu, bốn trăm bảy mươi nghìn, sáu trăm năm mươi hai đồng).

7. Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị Q là ngày 16/12/2011. Xác định người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Q gồm: Ông Nguyễn Văn Ch1, ông Nguyễn Thành Ch, bà Nguyễn Thị H. Chia di sản của cụ Q là 2.747.294.565 đồng theo pháp luật cho ông Ch1, ông Ch, bà H, mỗi người được hưởng 915.764.855 đồng (Chín trăm mười lăm triệu, bảy trăm sáu mươi tư nghìn, tám trăm năm mươi lăm đồng).

8. Ông Nguyễn Thành Ch và bà Phan Thanh V được chia số tiền bồi thường giá trị tài sản gắn liền đất là 247.222.400 đồng (Hai trăm bốn mươi bảy triệu, hai trăm hai mươi hai nghìn, bốn trăm đồng.

9. Ông Nguyễn Thành Ch, bà Phan Thanh V, anh Nguyễn Tr Ng, ông Nguyễn Thành C, mỗi người được chia số tiền bồi thường hỗ trợ khác là 11.486.000 đồng (Mười một triệu, bốn trăm tám mươi sáu nghìn đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các bên đương sự.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 8, 9/9/2022, Tòa án cấp sơ thẩm nhận được Đơn kháng cáo của ông Ch và ông C, nội dung kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng không đúng quy định của pháp luật. Xác định quyền thừa kế, người được hưởng thừa kế và chia di sản thừa kế không đúng, ảnh hưởng đến quyền lơi ích hợp pháp của ông Ch và các thành viên gia đình ông Ch.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn - ông Ch đồng thời cũng là người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông C vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Ch và ông C.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác có mặt tại phiên tòa là bà Cao Thị H1, giữ nguyên quan điểm yêu cầu chia thừa kế đối với phần giá trị quyền sử dụng đất, còn lại các khoản tiền khác không yêu cầu chia và để cho ông Ch được hưởng. Đối với ông Nguyễn Văn Ch1 đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm vì kháng cáo của ông Ch và ông C là không có cơ sở. Khoản tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đều là di sản thừa kế và phải chia đều cho các đồng thừa kế.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Ch phát biểu và đề nghị Chấp nhận kháng cáo của ông Ch, sửa bản án sơ thẩm theo hướng:

- Xác định cụ Ti được hưởng kỷ phần thừa kế của cụ Y như các bà Ha, bà H1 và bà Th vì cùng hàng thừa kế.

- Xác định khoản tiền tái định cư không phải di sản thừa kế mà là dành cho người đang sinh sống trên đất chính là gia đình ông Ch và ông C.

- Đề nghị tính công sức cho cụ Ti và gia đình ông Ch trong việc bảo quản, gìn giữ và duy trì làm tăng giá trị di sản.

Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho ông C phát biểu và đề nghị :

Ngoài các nội dung như Luật sư của ông Ch đã phát biểu, đề nghị xác định ông C cũng được hưởng một kỷ phần thừa kế của cụ Y vì ông C được cụ Ti và cụ Nga nhận làm con nuôi trước khi cụ Ti lấy cụ Y, sau đó ông C sống cùng với cụ Y, sau khi cụ Y chết thì ông C tiếp tục sống cùng cụ Ti và cụ Q.

Các Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét việc vận dụng cũng như áp dụng các quy định pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa đúng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Về nội dung: Sau khi phân tích tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị:

- Xác định phạm vi di sản để chia là tiền bồi thường quyền sử dụng đất 8.606.797.502đồng, trừ tiền nghĩa vụ tài chính phải nộp khi thu hồi đất 20.637.850đồng là 8.586.159.652 đồng.

- Xác định thời hiệu chia thừa kế di sản do cụ Y để lại vẫn còn. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Y gồm cụ Ti, bà H1, bà Th, bà Ha (do anh C2, chị H2 nhận). Trích công sức quản lý di sản thừa kế của cụ Y cho cụ Ti bằng 1/3 di sản thừa kế, trích công sức cho ông Ch bằng ½ kỷ phần thừa kế (trích trước khi chia thừa kế). Giá trị di sản còn lại của cụ Y chia cho 04 thừa kế của cụ Y.

- Không phân chia số tiền bồi thường tài sản trên đất, tiền hỗ trợ khác cho các thành viên trong gia đình ông Ch; tiền tự lo tái định cư.

- Chia di sản của cụ Q để lại làm 04 kỉ phần (03 kỉ phần cho 03 người con là ông Ch1, bà H, ông Ch và 01 kỉ phần công sức cho ông Ch).

Đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DSST ngày 26/8/2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng như nội dung phân tích nêu trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về tố tụng: Bị đơn - ông Ch và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông C có đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, ông Ch đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, ông C là người cao tuổi không phải nộp tiền tạm ứng án phí nên xác định kháng cáo là hợp lệ.

2. Về nội dung: Xét nội dung kháng cáo của ông Ch và ông C:

2.1 Đi với nội dung kháng cáo cho rằng cụ Nguyễn Thị Y - mẹ của bà H1, bà Ha, bà Th không phải là cụ Nguyễn Thị Y - vợ thứ hai của cụ Ti Hội đồng xét xử xét thấy:

- Căn cứ Bản sao giấy khai sinh đăng ký ngày 08/5/1962 của bà H1 được Ủy ban hành chính khu Hai Bà nhận thực ngày 16/9/1967 thể hiện họ, tên, tuổi của người đứng khai là Nguyễn Thị Y, 42 tuổi, 147 phố M, khu Hai Bà, Hà Nội (BL 383). Địa chỉ này của cụ Y trùng với địa chỉ của cụ Ti, cụ Y tại Giấy nhượng nhà và đất hoa màu giữa HTX Ánh Hồng và cụ Ti, cụ Y ngày 08/10/1966 (BL 385).

- Tại Sơ yếu lý lịch của bà H1 lập ngày 10/8/1967, được Ủy ban hành chính khu Hai Bà xác nhận ngày 01/9/1967, Giấy giới thiệu ngày 07/10/1967 của Phòng Lao động khu phố Hai Bà - Hà Nội giới thiệu bà H1 đến Công ty Tiểu Ngũ Kim công tác đều thể hiện chỗ ở của bà H1 là 25B phố M (BL 384, 230).

- Tại Văn bản số 389/TP ngày 23/8/2022 của Phòng tư pháp quận Hai Bà Trưng cấp thể hiện, cụ Nguyễn Thị Y, chết ngày 12/6/1968 tại nhà riêng, đăng ký khai tử tại Ủy ban hành chính khu Hai Bà Trưng, số 274, ngày 17/6/1968. Thông tin về ngày mất của cụ Y trùng khớp với thông tin ghi trên bia mộ của cụ Y do bà H1 cung cấp tại Tòa án cấp sơ thẩm (BL 440, 229).

- Tại các tài liệu do bà H1 cung cấp như Bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa do Sở giáo dục Hà nội cấp ngày 19/8/1972, tờ khai chứng minh nhân dân của bà H1 ngày 29/5/1978, Sơ lược lý lịch ngày 22/11/1990 được Tổng Công ty điện máy và xe đạp, xe máy xác nhận ngày 25/11/1990 đều thể hiện bà H1 quê ở Xâm Hồng, xã T, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, có cha là Cao Văn Nghênh, mẹ là Nguyễn Thị Y. Trước khi đi lấy chồng ở 25B M.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Ch1 (con riêng cụ Q) trình bày, cụ Q và cụ Ti chung sống với nhau từ khoảng năm 1969, khi đó ông 10 tuổi. Quá trình hai cụ chung sống, ông thường ra nhà số 25B M vào dịp nghỉ hè hoặc Tết ở chơi khoảng 01 tháng hoặc hơn 01 tháng. Ông có gặp bà H1 nhưng khi đó bà H1 trẻ, khác với bây giờ. Khi ông ra nhà số 25B phố M, cụ Y đã chết nên ông không biết bà H1 có quan hệ như thế nào với cụ Y. Ở nhà cụ Ti, bà H1 xưng hô là bố - con. Sau đó, có vài lần ông gặp bà H1 ở đầu ngõ H (khi đó ông làm xe ôm, bà H1 đi qua, hai chị em có gật đầu chào nhau). Sau khi xem bản sao tờ khai Chứng minh nhân dân ngày 29/5/1978 của bà H1 (tức H1) và bản sao Giấy chứng minh nhân dân của bà H1 (tức H1) do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 29/5/2010, ông xác định ảnh trong giấy chứng minh nhân dân này là ảnh của bà H1.

Tại các tài liệu trong quá trình giải quyết đơn đề nghị của bà H1 liên quan đến nhà đất tại 25B M do UBND phường M cung cấp như Biên bản xác minh ngày 14/01/2008, Biên bản hòa giải ngày 25/01/2008, cụ Ti đều có lời khai khẳng định cụ có nuôi 01 người con riêng của cụ Y là Cao Thị H1 từ lâu không nhớ. Nay bà H1 đòi quyền sử dụng đất tại 25 M, cụ Ti thừa nhận một phần vì bà H1 là con riêng của cụ Y sống ở đây với vợ chồng cụ nên cũng có phần được hưởng tài sản... (BL 407). Cụ có viết giấy chia một phần tài sản chung chưa chia cho bà H1. Cụ Ti có đưa ra phương án xin cấp GCN QSDĐ, QSH nhà đứng tên cụ Ti, cụ Y hoặc đứng tên đồng sở hữu là cụ Ti, ông Ch, bà H1 (tức H1) hoặc giải quyết theo quy định của pháp luật (BL 412 - 413).

Tại Biên bản hòa giải ngày 17/01/2008 tại UBND phường M; báo cáo ngày 24/12/2007, ông Phạm Ngọc Thiều - Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 khẳng định cụ Y - vợ hai của cụ Ti có con riêng là bà H1. Cụ Y và bà H1 sống cùng cụ Ti ở 25B M, đến khi cụ Y chết, bà H1 đi lấy chồng năm 1973 (BL 404).

Như vậy, lời khai của bà H1 thể hiện bà và bà Th, bà Ha là con riêng của cụ Nguyễn Thị Y - vợ cụ Ti phù hợp với các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án được nêu ở trên. Cụ Ti khi còn sống cũng có lời khai xác nhận cụ Y - vợ cụ Ti có con riêng là bà H1 (tức H1) sống cùng hai cụ tại 25B M. Mặc dù năm sinh của cụ Y tại một số tài liệu như Giấy khai sinh của bà H1, trích lục khai tử.. có sự khác nhau (1920, 1922...) nhưng các thông tin khác về nhân thân như ngày mất, nơi thường trú... đều thống nhất. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ Nguyễn Thị Y - mất năm 1968, vợ thứ hai của cụ Ti là mẹ bà Th, bà Ha, bà H1 là có cơ sở.

Tài liệu do ông Ch cung cấp như bia mộ cụ Y chỉ thể hiện cụ Nguyễn Thị Y sinh năm 1921, không rõ ngày mất (BL 355). Tại Đơn đề nghị đăng ký lại việc tử ghi ngày 25/11/2019, ông Ch kê khai cụ Y mất ngày 24/6/1968 tại thôn Liên Đông, (Đông La cũ), xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, tỉnh H3 Dương. Khi cụ Y chết có ông Vũ Kim Thắng biết. Phần mộ của cụ Y được chính quyền và nhân dân thôn Liên Đông mai táng đặt tại nghĩa trang thôn Liên Đông (thôn Đông La cũ), xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, H3 Dương và được gia đình ông Thắng thờ cúng... Tại đơn này, ông Thắng (SN 1966) chỉ xác nhận ông đang thờ cúng ngôi mộ của cụ Nguyễn Thị Y quê gốc tại Hà Nội theo di nguyện của bố ông là đúng. Ông Vũ Kim Trận (SN 1971) xác nhận gia đình ông đang coi sóc mộ phần của cụ Y quê gốc Hà Nội. UBND xã Hồng Quang xác nhận thực tế tại nghĩa trang Đống Lim, thôn Liên Đông có mộ phần của cụ Nguyễn Thị Y di tản từ Hà Nội về địa phương. Như vậy, các phần xác nhận tại Đơn đề nghị của ông Ch chỉ thể hiện tại nghĩa trang thôn Đống Lim có mộ phần cụ Nguyễn Thị Y, hiện gia đình ông Vũ Kim Thắng đang trông nom thờ cúng, cụ Y quê gốc Hà Nội mà không đưa ra được căn cứ xác định cụ Y này với cụ Y - vợ cụ Ti là không phải một người.

2.2. Về việc xác định di sản:

Tại thời điểm cụ Y mất (năm 1968), mặc dù đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng diện tích đất cụ Y, cụ Ti mua của HTX Ánh Hồng năm 1966 đến năm 2020, Nhà nước mới thu hồi đất và thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ. Tại thời điểm thu hồi đất, quyền sử dụng đất trên vẫn là tài sản chung chưa chia của cụ Y, cụ Ti và cụ Q. Nay các bên đương sự chỉ có tranh chấp về số tiền bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất; không tranh chấp quyền sử dụng đất nêu trên. Do đó, việc ông C, ông Ch kháng cáo cho rằng phần quyền sử dụng đất của cụ Y tại 25B Hai Bà Trưng (khi cụ Y mất) không được coi là di sản thừa kế của cụ Y là không có cơ sở chấp nhận.

2.3 Về việc áp dụng thời hiệu chia thừa kế:

Cụ Y chết năm 1968. Ngày 30/3/2021, bà H khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà H1, bà Th, bà Ha (người thừa kế là anh C2, chị H2) do bà H1 là đại diện theo ủy quyền yêu cầu chia phần di sản của cụ Y trong khối tài sản có tranh chấp.

Nguyên đơn đề nghị áp dụng thời hiệu yêu cầu chia thừa kế di sản do cụ Y để lại. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà H1 đề nghị áp dụng thời hiệu yêu cầu chia di sản của cụ Y đối với cụ Ti và các con của cụ Ti. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu áp dụng thời hiệu của bà H vì cho rằng bà H không phải là người thừa kế của cụ Y nên không có quyền yêu cầu chia thừa kế và yêu cầu áp dụng thời hiệu chia di sản thừa kế của cụ Y là đúng.

Đối với yêu cầu chia di sản của bà H1, quá trình giải quyết vụ án các đương sự đều trình bày, tại thời điểm cụ Ti, cụ Y nhận chuyển nhượng nhà, đất của HTX Ánh Hồng, trên đất có ngôi nhà cấp 4 cụ Ti, cụ Y đã sống trên ngôi nhà đó đến năm 1968 thì cụ Y chết, ngôi nhà đó vẫn còn, sau đó cụ Ti lấy cụ Q và tiếp tục sống trên ngôi nhà đó. Căn cứ theo quy định tại mục I.2.2.a Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao: “ Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 1/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 1/7/1996 đến ngày 1/1/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện”.

Căn cứ quy định trên thì thời hiệu khởi kiện đối với di sản thừa kế là nhà (gắn liền với quyền sử dụng đất) được xác định đến ngày 10/3/2023. Do vậy yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của cụ Y vẫn còn trong thời hiệu. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu áp dụng thời hiệu của bà H1, xác định thời hiệu yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Y đã hết nên cụ Ti không được hưởng thừa kế di sản của cụ Y là không phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ch, bà H là các đồng thừa kế của cụ Ti. Nếu xác định thời hiệu chia thừa kế đối với di sản của cụ Y đã hết thì không chia thừa kế, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chia thừa kế cho các con cụ Y là bà H1, bà Ha và bà Th mà truất quyền thừa kế của cụ Ti (do hết thời hiệu) là không đúng quy định của pháp luật.

Do vậy xác định kháng cáo của ông Ch, ông C về nội dung này là có cơ sở nên được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

2.4. Về việc ông Nguyễn Thành C đề nghị được hưởng thừa kế của cụ Nguyễn Thị Y, xét thấy:

Ông Nguyễn Thành C, sinh năm 1952, được cụ Nga là vợ thứ nhất của cụ Ti và cụ Ti nhận nuôi từ khi còn nhỏ. Sau khi cụ Nga chết, năm 1962, cụ Ti lấy cụ Y, thời điểm này ông C được 10 tuổi, đến năm 1968 cụ Y chết, thời gian ông C sống cùng với cụ Y là 06 năm. Thực tế có việc ông C sống cùng với cụ Y và cụ Ti nhưng cụ Y không nhận nuôi ông C. Các đương sự trong vụ án không cung cấp được tài liệu, chứng cứ thể hiện giữa ông C và cụ Y có quan hệ mẹ nuôi, con nuôi (hoặc có quan hệ nuôi dưỡng). Do đó, việc ông C, ông Ch kháng cáo cho rằng vì ông C được cụ Y chăm sóc, nuôi dưỡng kể từ khi cụ Y và cụ Ti về sống chung cho đến khi cụ Y chết nên ông C cũng được hưởng di sản thừa kế của cụ Y là không có căn cứ.

2.5. Về việc nhập tài sản có trước khi kết hôn của cụ Ti vào khối tài sản chung của cụ Ti và cụ Q để chia:

Căn cứ lời khai của các đương sự và cung cấp của Phòng tư pháp quận Hai Bà Trưng xác định, cụ Ti và cụ Q kết hôn ngày 18/6/1970. Tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới. Do đó, mặc dù nhà đất tại 25B Hai Bà Trưng được cụ Ti và cụ Y mua từ năm 1966, trước khi kết hôn với cụ Q, nhưng căn cứ vào quy định trên thì phần tài sản của cụ Ti tại số 25B Hai Bà Trưng cũng là tài sản chung vợ chồng của cụ Ti và cụ Q sau khi hai cụ kết hôn. Tuy nhiên cần xem xét công sức đóng góp tạo lập nên khối tài sản chung đó.

2.6 Về việc xác định phạm vi di sản để chia thừa kế:

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (bà H1) đều xác định chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với tiền bồi thường quyền sử dụng đất (Biên bản phiên tòa trang 33, 34), còn các khoản bồi thường, hỗ trợ khác là của gia đình ông Ch, bà V, anh Ng, ông C. Tại phiên tòa phúc thẩm bà H1 giữ nguyên quan điểm chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với phần bồi thường giá trị quyền sử dụng đất.

Quá trình giải quyết vụ án, ông Ch1 đồng ý với quan điểm của bà H1. Tại phiên tòa sơ thẩm, cũng như phiên tòa phúc thẩm, ông Ch1 lại có yêu cầu chia thừa kế đối với cả phần bồi thường tài sản trên đất, phần tiền hỗ trợ tái định cư ông không đề cập đến. Tuy nhiên sau khi xét xử sơ thẩm ông Ch1 không kháng cáo.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Ch phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì khi xác định số tiền hỗ trợ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào số nhân khẩu của hộ gia đình và điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xác định, khoản tiền này không thuộc di sản thừa kế của các cụ để lại. Tòa án cấp sơ thẩm xác định khoản tiền tự lo tái định cư 833.136.000 đồng thuộc di sản thừa kế và chia cho các đồng thừa kế là không đúng và vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự.

Như vậy, xác định phạm vi di sản thừa kế để chia là toàn bộ tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi là 8.606.797.502 đồng.

Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, tính công sức cho cụ Ti, cụ Q và ông Ch đã có công gìn giữ, tôn tạo, bảo quản duy trì làm tăng giá trị di sản là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Thửa đất cụ Ti, cụ Y nhận chuyển nhượng từ năm 1966 đến năm 1968 (sau 2 năm) thì cụ Y chết. Năm 1970 cụ Ti lấy cụ Q, hai cụ tiếp tục quản lý, sử dụng, tôn tạo, bảo quản gìn giữ di sản đến năm 2008 thì cụ Ti chết và năm 2011 cụ Q chết.

Đối với ông Ch là người sống cùng cụ Q, có công sức trong việc chăm lo, phụng dưỡng hai cụ lúc tuổi già, là người đứng ra lo toan việc ma chay (mặc dù cũng có sự phối hợp của các thành viên khác trong gia đình nhưng các đương sự trong vụ án đều khẳng định ông Ch là người chủ động và là người chủ yếu lo các việc trọng đại này. Từ sau khi cụ Q chết (năm 2011) đến khi nhà đất bị thu hồi (năm 2020), gia đình ông Ch là người trực tiếp quản lý, sử dụng và bảo quản di sản, do vậy cần tính công sức hợp lý cho người quản lý, bảo quản di sản.

2.7 Đối với việc đánh giá tính hợp pháp của Di chúc:

Quá trình giải quyết vụ án, ông Ch đề nghị chia di sản của bố ông theo Di chúc; các tài sản khác nếu có tranh chấp, ông đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Xem xét về hình thức và nội dung của di chúc nhận thấy :

Ngày 22/12/2007, tại nhà số 25B, phố M, cụ Ti tuổi cao, sức yếu, không thể tự tay viết di chúc, nên tuyên bố nội dung với bà Lê Thị Bích Nga để bà Nga ghi chép và chế bản bằng máy vi tính. Sau đó, cụ Ti đã nghe đọc lại và ký vào bản di chúc trước mặt 02 người làm chứng là ông Phạm Thi và ông Khúc Văn Quân.

Ông Thi, ông Quân viết lời chứng, xác nhận cụ Ti minh mẫn, tỉnh táo, bà Nga ghi đúng lời trình bày của cụ Ti, cụ Ti đã được nghe đọc lại di chúc và ký vào bản di chúc dưới sự chứng kiến của người làm chứng. Trong di chúc, cụ Ti xác định tài sản của mình là diện tích 94,9m2 đất tại số 25B, phố M. Toàn bộ nhà cấp 4, nhà bán kiên cố tại số 25B, phố M thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Ch, bà V. Cụ Ti quyết định cho ông Ch được toàn quyền sử dụng 94,9m2 đất tại số 25B, phố M sau khi cụ Ti qua đời. Ông Ch có trách nhiệm tiếp tục phụng dưỡng, báo hiếu mẹ già, chăm lo cuộc sống cho ông C, lo việc thờ cúng và chịu toàn bộ chi phí ma chay cho bố mẹ mà không được yêu cầu anh, em đóng góp. Ông C là con nuôi chỉ được ở cùng ông Ch, không có quyền lợi gì khác. Trường hợp ông Ch chuyển nhượng nhà, đất cho người khác hoặc nhà đất có sự thay đổi tạo ra nguồn tài chính đền bù, thì ông Ch phải cho bà H một số tiền tương đương 20% giá trị đất hoặc 20% tổng số tiền đền bù. Ông C được tiếp tục ở với ông Ch tại nơi ở mới. Xét thấy, 02 người làm chứng đều xác nhận cụ Ti minh mẫn, tỉnh táo trong khi lập di chúc, không bị ai lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép, nên có căn cứ chấp nhận việc lập di chúc thể hiện đúng ý chí của cụ Ti. Di chúc được lập thành văn bản gồm 03 trang, không đánh số thứ tự, cụ Ti và 02 người làm chứng ký tên vào từng trang của di chúc. Di chúc có đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản. Đến nay, di sản của cụ Ti đã bị thu hồi toàn bộ, căn cứ Án lệ số 34/2020/AL về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường, cụ Ti có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên. Tuy nhiên, quyền sử dụng 95,99m2 đất tại số 25B, phố M là tài sản chung của cụ Ti, cụ Y, cụ Q, việc cụ Ti định đoạt toàn bộ là vượt quá phần quyền tài sản của mình. Cụ Q là vợ cụ Ti nhưng không được cụ Ti cho hưởng di sản theo di chúc. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế của cụ Ti, cụ Q không từ chối nhận di sản. Theo Điều 644 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; b) Con thành niên mà không có khả năng lao động. 2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”. Căn cứ vào các Điều 630, 631, 632, 634, 643, 644, điểm b khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015, Tòa án xác định Di chúc ngày 22/12/2007 hợp pháp và có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế của cụ Ti, cụ Ti có quyền định đoạt phần quyền tài sản của cụ trong khối tài sản chung là quyền sử dụng 95,99m2 đất tại số 25B, phố M. Chia cho cụ Q được hưởng thừa kế di sản của cụ Ti bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của ông C, ông Ch, sửa bản án sơ thẩm về phần chia thừa kế 2.8. Việc chia thừa kế thực hiện như sau - Xác định phạm vi di sản thừa kế để chia là tiền bồi thường quyền sử dụng đất 8.606.797.502đồng, trừ khoản tiền nghĩa vụ tài chính phải nộp khi thu hồi đất 20.637.850đồng nên số tiền còn lại là 8.586.159.652 đồng.

- Xác định thời hiệu chia thừa kế di sản do cụ Nguyễn Thị Y để lại vẫn còn. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ Y gồm cụ Nguyễn Văn Ti, bà Cao Thị H1, bà Cao Thị Th, bà Cao Thị Ha (do bà Ha đã chết nên anh Phạm Kim C2, chị Phạm Thị H2 là người thừa kế chuyển tiếp).

- Không phân chia số tiền bồi thường, hỗ trợ về tài sản gắn liền với đất thu hồi; tiền chính sách tự lo tái định cư và tiền các khoản bồi thường hỗ trợ khác.

2.8.1. Trích công sức quản lý di sản của cụ Nguyễn Thị Y cho cụ Nguyễn Văn Ti bằng một kỷ phần thừa kế, cụ thể:

8.586.159.652 đồng : 3 = 2.862.053.217 đồng/1 kỷ phần.

Chia tài sản chung vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ti, cụ Nguyễn Thị Y Xác định kỷ phần của cụ Ti là 2.862.053.217 đồng cộng với một kỷ phần được tính công sức. Như vậy cụ Nguyễn Văn Ti được chia 5.724.106.434 đồng.

2.8.2 Chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y:

Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị Y là ngày 12/6/1968. Xác định người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Thị Y gồm: cụ Nguyễn Văn Ti, bà Cao Thị Ha (đã chết, có người thừa kế là chị Phạm Thị H2, anh Phạm Kim C2), bà Cao Thị Th và bà Cao Thị H1 (tức H1).

Chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế có tên trên, mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế là:

2.862.053.217 đồng : 4 = 715.513.304 đồng/ 1 kỷ phần.

2.8.3. Phn chia tài sản chung của cụ Nguyễn Văn Ti, cụ Nguyễn Thị Q Xác định tài sản chung của cụ Nguyễn Văn Ti và cụ Nguyễn Thị Q là 5.724.106.434 đồng, cộng với kỷ phần thừa kế của cụ Ti được hưởng của cụ Y 715.513.304 đồng nhập chung vào tài sản chung của vợ chồng, tổng cộng là 6.439.619.738 đồng.

Chia tài sản chung của vợ chồng cụ Ti, cụ Q, mỗi người được kỷ phần là:

6.439.619.738 đồng : 2 = 3.219.809.869 đồng/kỷ phần 2.8.4. Phần chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Văn Ti:

Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Văn Ti là ngày 04/02/2008. Xác định người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Ti gồm cụ Nguyễn Thị Q, ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Thành Ch, bà Nguyễn Thị H. Nếu di sản của cụ Ti được chia theo pháp luật thì mỗi người thừa kế được hưởng là :

3.219.809.869 đồng : 4 = 804.952.467 đồng.

Do xác định Di chúc của cụ Ti là hợp pháp nên cụ Q được hưởng thừa kế di sản của cụ Ti không phụ thuộc vào di chúc bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật (như nội dung và căn cứ trích dẫn nêu trên). Kỷ phần của cụ Q được chia là:

804.952.467 đồng x 2/3 = 536.634.978 đồng. Phần di sản còn lại của cụ Ti là :

3.219.809.869 đồng - 536.634.978 đồng = 2.683.174.891 đồng.

Theo nội dung Di chúc thì ông C không được cụ Ti chia thừa kế nên di sản còn lại của cụ Ti được chia cho ông Ch hưởng 80% là = 2.146.539.912 đồng; chia cho bà H hưởng 20% = 536.634.978đồng.

2.8.5. Phần chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Q:

Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị Q là ngày 16/12/2011. Giá trị di sản của cụ Q là:

3.219.809.869 đồng + 536.634.978 đồng = 3.756.444.847 đồng.

Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Q gồm ông Nguyễn Văn Ch1, ông Nguyễn Thanh Ch và bà Nguyễn Thị H. Trích công sức cho ông Ch bằng 1 kỷ phần thừa kế của cụ Q.

Di sản của cụ Q được chia như sau :

3.756.444.847 đồng : 4 = 939.111.212 đồng.

Ông Ch1, bà H, mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế của cụ Q là 939.111.212 đồng.

Ông Ch được hưởng kỷ phần thừa kế của cụ Q và trích công sức bằng 1 kỷ phần thừa kế, tổng cộng là 1.878.222.424 đồng.

2.8.6 Quyền lợi của các đương sự được hưởng sau các lần chia thừa kế là:

Bà Nguyễn Thị H được hưởng:

536.634.978đồng + 939.111.212 đồng = 1.475.746.190đồng. Ông Nguyễn Thành Ch được hưởng:

2.146.539.912 đồng + 1.878.222.424 đồng = 4.024.762.336 đồng. Ông Nguyễn Văn Ch1 được hưởng 939.111.212 đồng.

Bà Cao Thị Th, bà bà Cao Thị H1 (tức H1), mỗi người được hưởng 715.513.304 đồng.

Chị Phạm Thị H2, anh Phạm Kim C2 được hưởng chung 1 kỷ phần thừa kế của bà Ha là 715.513.304 đồng..

2.8.7. Đối với các khoản tiền Nhà nước bồi thường, hỗ trợ không thuộc di sản thừa kế được chia - Ông Nguyễn Thành Ch và bà Phan Thanh V được nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi là 247.222.400 đồng.

- Ông Nguyễn Thành Ch, bà Phan Thanh V, anh Nguyễn Tr Ng, ông Nguyễn Thành C (4 người) được nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ khác là 45.944.000đồng và tiền chính sách tự lo tái định cư là 833.136.000 đồng, tổng cộng là 879.080.000 đồng, kỷ phần của mỗi người là 219.770.000 đồng.

Những phân tích nêu trên cũng là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn - ông Nguyễn Thành Ch và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thành C.

Phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

3. Về án phí:

Các đương sự được chia thừa kế phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Đối với các khoản tiền bồi thường giá trị tài sản gắn liền với đất; tiền bồi thường, hỗ trợ khác và tiền chính sách tự lo tái định cư không được xác định là di sản, ông Nguyễn Văn Ch1 có yêu cầu chia đối với các khoản tiền này nhưng không được chấp nhận nên phải chịu án phí. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Ch1, bà Cao Thị Th, bà Cao Thị H1 (tức H1) được xác định là người cao tuổi nên được miễn án phí và không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Do chấp nhận một phần kháng cáo nên người có đơn kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ vào các Điều 15, 16, 29 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959; Điều 27 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;

Căn cứ vào các Điều 610, 611, 612, 613, 614, 623, 630, 631, 632, 634, 643, 644, 649, 650, 651, 660 và 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản; Án lệ số 34/2020/AL về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ vào Quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội).

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 90/2022/DS-ST, ngày 26/8/2022 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị H về áp dụng thời hiệu chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y. Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nguyễn Thị H về việc chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Văn Ti theo di chúc và chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị Qùy theo pháp luật.

2. Không chấp nhận yêu cầu của bà Cao Thị H1 (tức H1) về áp dụng thời hiệu chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y đối với quyền hưởng thừa kế của cụ Nguyễn Văn Ti. Xác định cụ Nguyễn Văn Ti được hưởng thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y do còn thời hiệu khởi kiện. Chấp nhận yêu cầu của bà Cao Thị Th, bà Cao Thị H1 (tức H1), chị Phạm Thị H2, anh Phạm Kim C2 về việc chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y theo pháp luật.

3. Xác định tài sản chung vợ chồng của cụ Nguyễn Văn Ti và cụ Nguyễn Thị Y là quyền sử dụng thửa đất số 94, tờ bản đồ số 5H-II-23, diện tích 95,99m2, tại số 25B, phố M, phường M, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, đã bị Nhà nước thu hồi và được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi là 8.606.797.502 đồng.

4. Xác định phạm vi di sản thừa kế để chia là toàn bộ tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi 8.606.797.502 đồng, trừ khoản tiền nghĩa vụ tài chính phải nộp khi thu hồi đất 20.637.850đồng nên số tiền còn lại là 8.586.159.652 đồng.

5. Phần chia thừa kế như sau:

5.1. Trích công sức quản lý di sản của cụ Nguyễn Thị Y cho cụ Nguyễn Văn Ti bằng một kỷ phần thừa kế là 2.862.053.217 đồng/1 kỷ phần.

Chia tài sản chung của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ti, cụ Nguyễn Thị Y: Xác định kỷ phần của cụ Nguyễn Văn Ti được chia 5.724.106.434 đồng. Kỷ phần của cụ Nguyễn Thị Y được chia là 2.862.053.217 đồng.

5.2 Chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y:

Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị Y là ngày 12/6/1968. Xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Thị Y gồm cụ Nguyễn Văn Ti, bà Cao Thị Ha (bà Ha đã chết nên người thừa kế của bà Ha là chị Phạm Thị H2 và anh Phạm Kim C2), bà Cao Thị H1 và bà Cao Thị Th.

Chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Y cho cụ Nguyễn Văn Ti, bà Cao Thị H1, bà Cao Thị Th và bà Cao Thị Ha (bà Ha đã chết nên người thừa kế của bà Ha là chị Phạm Thị H2 và anh Phạm Kim C2 được hưởng phần thừa kế của bà Ha), mỗi người được hưởng 715.513.304 đồng/1 kỷ phần.

5.3. Phần chia tài sản chung của cụ Nguyễn Văn Ti, cụ Nguyễn Thị Q Xác định tài sản chung của cụ Nguyễn Văn Ti và cụ Nguyễn Thị Q tổng cộng là 6.439.619.738 đồng.

Chia tài sản chung của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Ti, cụ Nguyễn Thị Q, mỗi người được chia là 3.219.809.869 đồng.

5.4. Phần chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Văn Ti:

Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Văn Ti là ngày 04/02/2008. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Văn Ti gồm cụ Nguyễn Thị Q, ông Nguyễn Thành C, ông Nguyễn Thành Ch và bà Nguyễn Thị H.

Xác định cụ Nguyễn Thị Q được hưởng thừa kế di sản của cụ Nguyễn Văn Ti không phụ thuộc vào di chúc là 536.634.978 đồng.

Công nhận Di chúc lập ngày 22/12/2007 của cụ Nguyễn Văn Ti là hợp pháp và có hiệu lực một phần. Chia phần di sản còn lại của cụ Nguyễn Văn Ti là 2.683.174.891 đồng theo di chúc cho ông Nguyễn Thành Ch được hưởng 2.146.539.912 đồng; chia cho bà Nguyễn Thị H được hưởng 536.634.978 đồng.

5.5. Phần chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị Q:

Xác định thời điểm mở thừa kế của cụ Nguyễn Thị Q là ngày 16/12/2011. Xác định người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nguyễn Thị Q gồm ông Nguyễn Văn Ch1, ông Nguyễn Thành Ch, bà Nguyễn Thị H.

Trích công sức cho ông Nguyễn Thành Ch bằng 1 kỷ phần thừa kế của cụ Nguyễn Thị Q.

Chia di sản của cụ Nguyễn Thị Q 3.756.444.847 đồng theo pháp luật cho ông Nguyễn Văn Ch1, bà Nguyễn Thị H, mỗi người được hưởng 939.111.212 đồng. Ông Nguyễn Thành Ch được hưởng 1.878.222.424 đồng.

Quyền lợi của các đương sự được hưởng sau khi chia thừa kế là:

Bà Nguyễn Thị H được hưởng 1.475.746.190đồng.

Ông Nguyễn Thành Ch được hưởng 4.024.762.336 đồng. Ông Nguyễn Văn Ch1 được hưởng 939.111.212 đồng.

Bà Cao Thị Th, bà Cao Thị H1 (tức H1), mỗi người được hưởng 715.513.304 đồng. Chị Phạm Thị H2, anh Phạm Kim C2 được hưởng chung một kỷ phần thừa kế của bà Cao Thị Ha là 715.513.304 đồng (kỷ phần của chị H2 và anh C2 mỗi người là 357.756.652 đồng).

6. Quyền lợi đối với các khoản tiền ngoài phần di sản thừa kế được chia 6.1. Ông Nguyễn Thành Ch và bà Phan Thanh V được nhận số tiền bồi thường giá trị tài sản gắn liền với đất là 247.222.400 đồng.

6.2. Ông Nguyễn Thành Ch, bà Phan Thanh V, anh Nguyễn Tr Ng, ông Nguyễn Thành C, được nhận số tiền bồi thường, hỗ trợ khác 45.944.000đồng và tiền chính sách tự lo tái định cư (45.944.000đồng + 833.136.000 đồng), tổng cộng là 879.080.000 đồng. Kỷ phần của mỗi người là 219.770.000 đồng.

7. Về án phí:

7.1. Bà Nguyễn Thị H phải chịu 56.272.385 đồng án phí dân sự sơ thẩm, trừ vào số tiền 12.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0011755 ngày 01/7/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Số tiền án phí còn phải nộp 44.272.385 đồng.

7.2. Ông Nguyễn Thành Ch phải chịu 72.495.246 đồng án phí dân sự sơ thẩm, đối trừ với số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm ông Nguyễn Thành Ch đã nộp theo Biên lai thu số AA/2020/0012797, ngày 06/10/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng. Số tiền án phí ông Ch còn phải nộp là 72.195.246 đồng.

7.3. Ông Nguyễn Văn Ch1, bà Cao Thị Th, bà Cao Thị H1 (tức H1), ông Nguyễn Thành C được miễn án phí và không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

7.4. Chị Phạm Thị H2, anh Phạm Kim C2 mỗi người phải chịu 32.620.532đồng án phí dân sự sơ thẩm.

8. Sau khi nộp tiền án phí xong, các đương sự có quyền đến Uỷ ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội để nhận số tiền trên theo quyết định của bản án.

9. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

10. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai phúc thẩm, có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

64
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 498/2023/DS-PT

Số hiệu:498/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về