Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 371/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 371/2023/DS-PT NGÀY 31/07/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Ngày 24, 31 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 174/2023/ TLPT-DS ngày 08 tháng 05 năm 2023 về việc “Tranh chấp thừa kế”, do có kháng cáo của bị đơn đối với bản án dân sự sơ thẩm số 86/2022/DS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 8067/2023/QĐ-PT ngày 7 tháng 7 năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, vụ án có các đương sự sau:

Nguyên đơn: Ông Đặng Hùng M, sinh năm 1961- Có mặt.

HKTT: Phòng 27 + 28, D1 tập thể Nguyễn Công T, phường Phố H, quận H, Thành phố Hà Nội.

Trú tại: phường V, quận H, Thành phố Hà Nội.

Bị đơn: Chị Đặng Thanh V, sinh năm 1977- Có mặt.

HKTT và trú tại: Số nhà 13, ngõ 107 T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Ông Đặng Hùng D, sinh năm 1959-Vắng mặt.

Địa chỉ: C 489, Praha 9, S.

Đại diện theo ủy quyền của ông D là ông Đặng Hùng M, sinh năm 1961. (Văn bản ủy quyền số công chứng 018/LSCC, quyển số: 01/2021 ngày 06/01/2021 tại Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc) - Ngân hàng N.

Trụ sở: Số 2 Đ Láng Hạ, phường T, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Đ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Đại diện theo ủy quyền: Ông Đào Hoàng T, Giám đốc Agribank, chi nhánh Đống Đa. (Quyết định ủy quyền thường xuyên số 2965/QĐ-NHNo-PC ngày 27/12/2019)- Vắng mặt.

- Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1946- Vắng mặt. Trú tại: Tổ 53, Khu T N, C, Hà Nội.

Đại diện theo ủy quyền: Chị Đặng Thanh V (Văn bản ủy quyền ngày 20/12/2021) - Anh Nguyễn Đức T, sinh năm 1976 (chồng chị V)- Có mặt.

Đại diện theo ủy quyền: Chị Đặng Thanh V (Văn bản ủy quyền ngày 20/12/2021).

- Cháu Nguyễn Thanh My, sinh năm 2013 (con chị V)- Vắng mặt.

Cùng HKTT và trú tại: Số nhà 13, ngõ 107 T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội.

(Đại diện theo pháp luật của cháu M là anh Nguyễn Đức T và chị Đặng Thanh V là bố mẹ đẻ)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện đề ngày 20/7/2021, các lời khai và trong quá trình xét xử, nguyên đơn ông Đặng Hùng M trình bày:

Về quan hệ huyết thống:

Bố ông là cụ Đặng Hùng S, mẹ ông là cụ Lê Thanh H. Bố mẹ ông có hai người con chung là ông Đặng Hùng M, sinh năm 1961 và ông Đặng Hùng D, sinh năm 1959. Bố mẹ ông ly hôn từ năm 1979. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu năm 1996, cụ Đặng Hùng S chỉ sống một mình tại căn nhà số13 ngõ 107 T, Phường N, Quận C, TP. Hà Nội.

Sau khi ly hôn năm 1979, khoảng năm 1989, 1990, cụ S nhận chị Hoàng Bích V làm con nuôi. Thực tế chị V không sinh sống và ở cùng với cụ S mà chạy đi chạy lại giữa hai nhà cụ S và bà Đ (bà Đ là mẹ đẻ chị V và là y tá của Bệnh viện E, cũng được phân nhà và ở cách đó một đoạn). Thực tế, bà Đ không ở cùng cụ S cho đến tận khi cụ S chết.

Năm 2003, cụ Đặng Hùng S có nhận cô Hoàng Bích V, sinh năm 1977 là con và đổi tên thành Đặng Thanh V rồi cho nhập hộ khẩu cùng cụ Đặng Hùng S. Như vậy cụ S có ba người con đẻ là Đặng Hùng M, Đặng Hùng D, Đặng Thanh V. Ngoài 3 người con trên, cụ S không có người con đẻ hay con nuôi nào khác.

Về di sản:

Cụ S để lại di sản là căn nhà diện tích 39,52m2 tại số 13 ngõ 107 T, phường N, quận C, TP. Hà Nội. Nhà có nguồn gốc do Bệnh viện E có quyết định phân cho cụ S. Ủy ban nhân dân quận C, Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở số 326/QĐ-UBND.2008/0998 ngày 05/9/2008 cho cụ Đặng Hùng S, theo Quyết định số 326/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân quận C ngày 05/9/2008 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho 23 hộ gia đình mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP tại phường N, quận C.

Khi cụ S được phân nhà tại địa chỉ trên, thì phần diện tích xây dựng là nhà cấp bốn chỉ khoảng 18m2 còn lại là phần sân chưa xây dựng gì.

Khoảng năm 1995, khi cụ S đi chuyên gia về thì cụ sửa sang và xây dựng nhà như hiện trạng bây giờ. Không có việc chị V và bà Đ sửa chữa nhà nhiều lần để có hiện trạng như bây giờ. Ông khẳng định toàn bộ nhà đất này là tài sản riêng của cụ S, không phải là tài sản chung như chị V trình bày.

Sau khi nghỉ hưu 1996, cụ Đặng Hùng S thuê nhà số 225 ngõ C, quận Đống Đa, Hà Nội để làm phòng khám tư, đồng thời cụ cũng ở một mình tại đó cho đến khi chết vào tháng 02 năm 2015. Trước khi cụ S chết, cụ S vẫn sinh sống và làm việc bình thường không cần ai chăm sóc, hàng ngày cụ vẫn khám bệnh tại phòng khám ở số 225 ngõ C, quận Đống Đa, Hà Nội, không có việc chị V cũng như bà Đ sinh sống cùng với cụ tại địa chỉ phòng khám ở K, cũng như việc chị V làm việc cùng với cụ ở phòng khám này. Ông khẳng định, cụ Đặng Hùng S trong suốt thời gian từ năm 1979 cho đến khi mất vào tháng 2/2015, không hề có quan hệ hôn nhân hay hôn nhân thực tế với bất cứ người phụ nữ nào.

Từ năm 1996 đến tháng 02/2015, căn nhà số 13 ngõ 107 T, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội được cụ Đặng Hùng S cho thuê. Thời gian cuối, cụ S yếu mệt, bỏ ăn nhiều ngày nên vợ chồng ông đã đưa cụ vào Bệnh viện 108 điều trị khoảng 07 ngày thì chuyển cụ sang Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tích cực và đến ngày 26/2/2015 thì cụ S chết.

Sau khi cụ S chết, ông có nghe chị V nói lại là chị V đã cho 01 tháng tiền thuê nhà (4.000.000 đồng) để người đang thuê dọn dẹp và chuyển đi trả lại nhà. Khi người thuê nhà chuyển đi thì ông thuê anh Hồng nhà bên cạnh sang sửa chữa, quét vôi giúp, chi phí sửa nhà hết 11.000.000 đồng. Kể từ thời điểm đó các anh em ông chỉ sử dụng căn nhà trên vào việc thờ cúng gia tiên (từ 27/2/2015 đến tháng 10/2020), các thành viên trong gia đình đều có chìa khóa để vào hương khói cho các cụ, không có ai sinh sống tại căn nhà trên.

Đến ngày 15/11/2020 (tức là 01/10 âm lịch) khi vợ chồng ông đến thắp hương cho các cụ thì thấy cửa nhà bị thay bằng cửa sắt khác, thay khóa khác nên vợ chồng không vào thắp hương được. Ông có làm đơn trình báo ra Công an phường N, UBND phường N trình báo sự việc. UBND phường đã tiến hành hòa giải theo đơn yêu cầu của ông nhưng chị V không có mặt nên không hòa giải được. Việc chị V khai sinh sống tại nhà số 13 ngõ 107 T, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội là không đúng.

Hiện ông là người đang giữ GCNQSD đất đối với nhà đất ở T do cụ S đưa cho ông vì nguyện vọng của cụ S là giữ nhà đất này làm nơi thờ cúng.

Ngoài nhà đất trên cụ S còn có 01 sổ tiết kiệm mang tên cụ Đặng Hùng S trị giá 600.000.000 đồng (số tiền cụ gửi ban đầu) gửi tại Ngân hàng N, chi nhánh Đống Đa. Ông khẳng định đây là tài sản riêng của cụ S. Ông biết cụ S có sổ tiết kiệm này là do khi còn sống cụ S nói với ông dùng số tiền tiết kiệm này để chăm lo khi cụ S đau yếu.

Khi còn sống, cụ S là người khỏe mạnh, không có người con nào phải chăm sóc cụ. Cụ S làm việc cho đến những ngày cuối đời. Quá trình chăm sóc cụ S tại bệnh viện đến khi cụ chết là do vợ chồng ông lo. Toàn bộ chi phí nằm viện, thuốc men cũng như việc ma chay của cụ đều do vợ chồng ông thanh toán. Chị V không có đóng góp gì trong việc chăm sóc cụ. Tiền phúng điếu do vợ chồng ông cầm còn phong bì của khu phố, bệnh viện và bạn bè, phía gia đình chị V vợ chồng ông gửi trả hết cho chị V.

Đề nghị Tòa án bác yêu cầu phản tố của chị V. Xác định căn nhà số 13 ngõ 107 T, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội và số tiền gốc và lãi trong sổ tiết kiệm là di sản thừa kế của cụ Đặng Hùng S.

Cụ S chết không để lại di chúc, đề nghị Tòa chia thừa kế di sản của cụ S theo luật.

Ông đề nghị Tòa tính toán thanh toán số tiền ông đã chi trả để lo viện phí cũng như lo ma chay cho cụ S trước khi chia thừa kế. Ông đã có bảng kê chi tiết đối với số tiền ông đã chi phí cụ thể nộp cho Tòa.

Ông và ông Đặng Hùng D có nguyện vọng được nhận di sản bằng hiện vật.

* Bị đơn có yêu cầu phản tố, chị Đặng Thanh V trình bày:

Về quan hệ huyết thống:

Bố chị là cụ Đặng Hùng S. Với người vợ thứ nhất, cụ S có hai người con trai là ông Đặng Hùng M, sinh năm 1961 và ông Đặng Hùng D, sinh năm 1959. Sau khi ly hôn với người vợ thứ nhất vào khoảng năm 1976 thì cụ S sống với mẹ chị là bà Nguyễn Thị Đ tại căn nhà số 13 ngõ 107 T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội và sinh ra chị là Đặng Thanh V năm 1977. Như vậy cụ S có ba người con đẻ như nguyên đơn trình bày là đúng. Cụ S không có thêm người con đẻ hay con nuôi nào khác.

Về di sản:

Căn nhà số 13 ngõ 107 T, Phường N, Quận C, TP. Hà Nội có nguồn gốc là nhà khu T. Khi chị sinh ra chỉ có 3 người sống tại ngôi nhà đó là cụ S, mẹ chị và chị. Thời gian cụ S đi công tác nước ngoài (từ tháng 6/1992 đến tháng 8/1994) thì chỉ có 2 mẹ con chị sống tại ngôi nhà này. Ngày 08/08/1995 khi cụ S nghỉ hưu, để tạo điều kiện cho cuộc sống của 03 người là cụ S, mẹ chị và chị sinh sống thì cụ S được Bệnh viện E cấp Giấy sử dụng nhà tại Quyết định số 129/HC của Bệnh viện E khi đó là nhà cấp 4 với diện tích 18m2 (được ghi rõ trong Quyết định số 129/HC ngày 08/8/1995). Do mẹ chị ở cùng cụ S nhưng không đăng ký kết hôn, chị thì còn nhỏ nên trong quyết định chỉ ghi tên cụ S.

Nhà được cấp là nhà cấp 4 xuống cấp dột nát, cụ S lại đi công tác nước ngoài trong thời gian dài nên mẹ chị và chị đã rất nhiều lần thuê thợ sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mở rộng thêm ngôi nhà phần đất lưu không liền kề với ngôi nhà từ 18m2 thành 39,52m2. Đến tháng 6/1997 thì cụ S và mẹ chị đã sử dụng số tiền của mẹ chị và chị để phá dỡ toàn bộ ngôi nhà cũ và xây mới thành ngôi nhà mái bằng và tum phía trên trên phần diện tích 18m2 nhà cũ và phần diện tích mà mẹ chị và chị xây thêm khi cụ S đi công tác nước ngoài là 21,52m2. Khi đó tổng diện tích khu đất để xây nhà mới là 39,52m2. Đến ngày 05/9/2008 được UBND quận C, Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất số 011303731403878 với diện tích đất 39,52m2. Tiền đóng thuế đất hàng năm là do chị đóng. Trong suốt thời gian cụ S sống tại ngôi nhà số 13 ngõ 107 T, tổ 15, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội chỉ có mẹ con chị sống cùng và chăm sóc cụ S.

Đến năm 1998 cụ S và chị ra thuê nhà tại Ngõ C mở phòng khám và di chuyển nơi ở nhiều lần, đến năm 2000 mới ổn định thuê căn nhà 225 Ngõ C cho đến khi cụ S mất. Trong thời gian đó, chị là người đứng ra cho thuê ngôi nhà tại T để lấy tiền trả tiền thuê nhà ở ngõ C. Thời gian sống ở đây cũng chỉ có chị sống cùng, lo toan mọi việc và chăm sóc cụ S.

Sổ tiết kiệm số IE8792967 mang tên cụ Đặng Hùng S, số tiền 600.000.000 đồng gửi ngày 05/12/2014. Sổ tiết kiệm này mặc dù mang tên cụ S nhưng thực tế là số tiền của chị tiết kiệm dành dụm nhiều năm đưa cho bố, cứ mỗi lần chị để dành được thêm tiền và đến kỳ hạn rút tiền thì chị đều nhờ cụ S nộp cộng thêm tiền vào sổ tiết kiệm. Chị khẳng định đây là tài sản riêng của chị không phải là di sản của cụ S để lại.

Từ năm 2010 trở đi, cụ S sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nhiều lần phải cấp cứu và chi phí thuốc men rất tốn kém. Lúc đó chỉ có vợ chồng chị là những người trực tiếp chăm sóc cụ. Khi cụ S ốm nặng và qua đời chỉ có vợ chồng chị lo toan mọi việc. Toàn bộ số tiền thanh toán cho cụ S nằm viện, thuốc thang là do chị thanh toán. Chỉ duy nhất lần chị phải ở lại bên cạnh cụ S do cụ S quá yếu nên chị có nhờ ông Đặng Hùng M làm thủ tục thanh toán, nhưng mọi chi phí đều do chị chi trả và tiền thanh toán chị đã đưa cho ông M đi thanh toán. Tài liệu về việc đưa tiền cho ông M đi thanh toán viện phí thì chỉ có chị và ông M biết vì lúc đó tình thế cấp thiết nên chị không thể có giấy tờ chứng minh. Tổng số tiền viện phí nhiều lần chị đưa ông M là 180.000.000đ. Chị đề nghị Tòa tính công sức và thanh toán số tiền trên cho chị. Ngoài ra còn các chi phí khác khi cụ S nằm viện cũng như khi lo ma chay cho cụ S nhưng chị không yêu cầu. Toàn bộ số tiền phúng viếng đám tang của cụ S, chị đã nhờ ông M đứng ra chủ trì tang lễ và nhận toàn bộ số tiền phúng viếng để sử dụng vào việc mộ phần, ma chay, cúng bái cho cụ S. Chị không cầm phong bì phúng viếng nào như ông M trình bày. Đề nghị Tòa án:

- Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế đối với di sản là nhà đất tại căn hộ số 04 nhà B4 KTT Bệnh viện E (nay là nhà số 13, ngõ 107 T, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội) có diện tích 39,52m2 và số tiền trong sổ tiết kiệm đứng tên ông Đặng Hùng S.

- Chấp nhận yêu cầu phản tố của chị: Xác định căn hộ số 04 nhà B4 KTT Bệnh viện E (nay là nhà số 13, ngõ 107 T, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội) có diện tích 39,52m2 là tài sản chung của ba người là cụ Đặng Hùng S, cụ Nguyễn Thị Đ và chị Đặng Thanh V. Xác định và công nhận số tiền trong sổ tiết kiệm đứng tên cụ Đặng Hùng S là tiền của chị Đặng Thanh V.

Nếu yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn được chấp nhận, đề nghị Tòa chỉ chia phần diện tích 9m2 tiêu chuẩn mà cụ Đặng Hùng S được Bệnh viện E phân; chị và bà Đ có nguyện vọng được nhận di sản và trích công sức bằng hiện vật.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Đặng Hùng D do ông Đặng Hùng M là đại diện theo ủy quyền: Thống nhất với ý kiến của nguyên đơn ông Đặng Hùng M.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Nguyễn Thị Đ trình bày:

Về quan hệ huyết thống như nguyên đơn trình bày là đúng.

Vào khoảng năm 1976 ông S ly hôn người vợ thứ nhất, cả hai người con trai của ông S đều theo mẹ và không sống chung với ông S. Bà đã sống chung với ông S không đăng lý kết hôn và có một người con chung là Đặng Thanh V, sinh năm 1977.

Về di sản của ông S:

Nguồn gốc nhà 13 ngõ 107 T, tổ 15, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội là nhà khu T. Sau khi có con chung với nhau thì chỉ có ba người sống cùng nhau tại ngôi nhà đó là ông S cùng với bà và chị V. Toàn bộ cuộc sống, sinh hoạt của ông S và chị V đều do một mình bà chăm lo và sắp xếp.

Vào năm 1984 Bệnh viện E phân cho cán bộ công nhân viên theo chỉ tiêu 9m2/người đối với hộ độc thân. Mỗi căn thuộc dãy nhà tập thể cấp 4 có diện tích 18m2. Nếu là hộ gia đình thì được cấp nguyên một căn 18m2, nếu ở độc thân thì hai người ở chung một căn. Bệnh viện E đã phân căn nhà 18m2 cho hai người ở chung là ông S và ông Phong theo tiêu chuẩn độc thân. Khi đó bà và ông S đã làm đơn xin cho ông S và con gái là Đặng Thanh V cũng là hộ gia đình, đồng thời bà và ông S lên trình bày trực tiếp với ông Thìn - Trưởng phòng hành chính quản trị về việc thực tế ba người sống chung với nhau, việc ông S ở cùng con gái là đủ tiêu chuẩn được phân theo hộ gia đình. Do vậy lãnh đạo Bệnh viện E đã chuyển ông Phong sang khu A- nhà 3 tầng và phân toàn bộ ngôi nhà 18m2 cho ông S và con gái theo tiêu chuẩn hộ gia đình. Bà là người trực tiếp bỏ công sức đi xin, đi trình bày với ban lãnh đạo Bệnh viện E.

Thời gian ông S đi công tác nước ngoài (từ tháng 6/1992 đến tháng 8/1994) thì chỉ có 2 mẹ con bà sống tại ngôi nhà này. Nhà được cấp là nhà cấp 4 xuống cấp dột nát, ông S đi công tác nước ngoài trong thời gian dài bà và con gái đã rất nhiều lần thuê thợ sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mở rộng thêm ngôi nhà phần đất lưu không liền kề với ngôi nhà từ 18m2 thành 39,52m2. Toàn bộ chi phí cải tạo, tu bổ, sửa chữa nhà là tiền của cá nhân bà tự bỏ ra. Việc cải tạo, mở rộng thêm phần đất lưu không phía trước nhà, sau này được cấp sổ đỏ là do bà và con gái trực tiếp làm. Toàn bộ việc sửa chữa, cơi nới trên bà làm trong thời gian ông S đi công tác nước ngoài, chỉ khi về nước ông S mới biết việc này nhưng có nhiều người trong khu tập thể và hàng xóm biết.

Ông S đi chuyên gia tại Yemen, gặp phải thời điểm đất nước đó bị chiến tranh nên về nước bình an là may mắn rồi. Ngoài tiền lương đảm bảo sinh hoạt hàng ngày ra và quà cấp cho người thân thì ông S hoàn toàn không có khoản tiền tích lũy nào.

Ngày 08/8/1995 gia đình bà gồm 03 người là ông S, bà và con gái đã được Bệnh viện E cấp Giấy sử dụng nhà tại Quyết định số 129/HC của Bệnh viện E khi đó là nhà cấp 4 với diện tích 18m2 (được ghi rõ trong Quyết định số 129/HC ngày 08/8/1995). Do bà ở cùng ông S nhưng không đăng ký kết hôn, con gái còn nhỏ nên trong Quyết định chỉ ghi tên ông S. Tuy nhiên đây là tài sản chung của ba người.

Đến năm 1997 bà và ông S đã bàn bạc để phá dỡ toàn bộ ngôi nhà cũ và xây mới thành ngôi nhà mái bằng và tum phía trên trên phần diện tích 18m2 nhà cũ và phần diện tích mà bà và con gái cơi nới mở rộng xây thêm trong thời gian ông S đi công tác nước ngoài. Khi đó tổng diện tích khu đất để xây nhà mới là 39,52m2. Bà đã dùng toàn bộ số tiền bán ngôi nhà ở quê, tiền tiết kiệm của bà và con gái tích cóp được để tiến hành xây dựng ngôi nhà. Vì ông S ngoài chuyên môn làm bác sỹ thì các công việc khác không thạo nên toàn bộ quá trình xây dựng đều do bà và con gái đứng ra lo toan, giải quyết.

Đến ngày 05/9/2008 được UBND quận C, Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất số 011303731403878 với diện tích đất 39,52m2. Toàn bộ quá trình chuẩn bị và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan và toàn bộ chi phí chuyển phần đất mà mẹ con bà cải tạo mở rộng thành đất ở để gộp vào phần diện tích 18m2 đến việc được cấp giấy chứng nhận QSDĐ của toàn bộ diện tích 39,52m2 đều do một mình bà đứng ra làm. Tiền đóng thuế đất hàng năm đều do con gái bà đóng.

Bà khẳng định ngôi nhà mang tên ông Đặng Hùng S, có địa chỉ tại số nhà 13 ngõ 107 T, tổ 15, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội là tài sản của ông S cùng với bà và con gái bà. Việc nguyên đơn Đặng Hùng M khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu “Chia thừa kế” ngôi nhà như hiện trạng hiện nay là không có cơ sở. Nếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận, bà đề nghị chia 9m2 đất phía bên trong ngôi nhà hiện nay theo đúng vị trí được Bệnh viện E cấp năm 1984 (tiêu chuẩn thực tế của ông S) cho 3 người, tài sản trên diện tích 9m2 là của mẹ con bà nên không ai được phép xâm phạm.

Đến cuối năm 1998 ông S ra thuê nhà tại Ngõ C mở phòng khám. Thời gian sống ở đây, chỉ có mình chị V sống cùng và lo toan chăm sóc cho ông S cho đến khi ông S mất vì bà bận việc ở quê. Trong thời gian đó, ông S ủy quyền cho chị V là người đứng ra cho thuê ngôi nhà này để lấy tiền trả tiền thuê nhà ở ngõ C, và cũng chỉ có chị V sống cùng, lo toan mọi việc và chăm sóc ông S. Chị V đã thuê thêm người giúp việc để hỗ trợ chăm sóc ông S. Ngay cả khi ông S đau bệnh cấp cứu rất nhiều lần cho đến khi qua đời cũng chỉ có một mình vợ chồng chị V đứng ra lo toan mọi việc. Còn con trai ông S là Đặng Hùng M sau này chuyển công tác ra Hà Nội cũng không quan tâm tới bố, chỉ đến để khám bệnh hoặc chỉ đến điểm danh cho có lệ khi chị V báo. Bà không đề nghị trích công sức đối với việc chăm sóc ông S vì đó là tình nghĩa.

Đối với việc lo toan ma chay, cúng bái, mộ phần bà không trực tiếp tham gia và cũng không có đóng góp gì nên không có yêu cầu gì đối với việc này.

Về sổ tiết kiệm của ông S thì bà cũng được biết toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm mang tên ông S là tiền của vợ chồng chị V. Khi về già, ông S luôn đau yếu và tư tưởng luôn buồn bã, ưu phiền lo lắng vì không có tiền lo đau yếu tuổi già. Vợ chồng chị V cũng đã bàn với bà và thống nhất dồn tiền để gửi tiết kiệm mang tên ông S để ông S yên tâm tuổi già. Số tiền chị V gửi tiết kiệm mang tên ông S trong đó thực tế có 5.000USD được con trai bà đi Hàn Quốc về cho em gái (chị V) và tiền bà đưa cho chị V 100 triệu đồng, mẹ con đưa cho nhau nên không có ghi chép gì. Bà cũng biết việc chị V đưa ông S gửi tiền ở ngân hàng, sổ tiết kiệm là do chị V cất giữ.

Đối với yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, bà có ý kiến như sau: Bà xác định nhà T, bà có rất nhiều công sức trong việc để ông S được tiêu chuẩn phân nhà cho hộ gia đình cũng như tôn tạo, sửa chữa qua các thời kỳ. Theo bà di sản của ông S để lại không phải toàn bộ nhà đất như hiện trạng mà phải trừ công sức của bà và các con bà rồi mới chia thừa kế. Bà có nguyện vọng được trích công sức bằng hiện vật, phần công sức này bà đồng ý giao cho chị V quản lý và sử dụng. Đề nghị Tòa án trích công sức tôn tạo cho bà trước khi chia thừa kế. Bà nhất trí với yêu cầu phản tố của chị V.

Vì điều kiện công việc và sức khỏe nên bà xin được vắng mặt trong suốt quá trình Tòa giải quyết vụ kiện tại Tòa án các cấp và ủy quyền cho chị V thay mặt bà tham gia tố tụng giải quyết vụ kiện tại Tòa án các cấp.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, anh Nguyễn Đức T trình bày:

Anh là người đang trực tiếp sinh sống tại nhà số 13 ngõ 107 T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội.

Đối với yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, anh có ý kiến như sau : Anh xác định nhà T, chị V và bà Đ có rất nhiều công sức trong việc để ông S được tiêu chuẩn phân nhà cho hộ gia đình cũng như tôn tạo, sửa chữa qua các thời kỳ. Theo anh di sản của ông S để lại không phải toàn bộ nhà đất như hiện trạng mà phải trừ công sức của bà Đ và chị V rồi mới chia thừa kế. Đề nghị Tòa án trích công sức tôn tạo cho bà Đ và chị V trước khi chia thừa kế. Anh nhất trí với yêu cầu phản tố của chị V.

Vì điều kiện công việc nên anh xin được vắng mặt trong suốt quá trình Tòa giải quyết vụ kiện tại Tòa án các cấp và ủy quyền cho chị V thay mặt anh tham gia tố tụng giải quyết vụ kiện tại Tòa án các cấp.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Ngân hàng N, chi nhánh Đống Đa (A) cung cấp cho Tòa án bản sao kê số tiền gửi của sổ tiết kiệm mang tên cụ Đặng Hùng S, xin vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ kiện và đề nghị Tòa giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 86/2022 DS-ST ngày 07/12/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định căn cứ Điều 26, 35, 147, 203, 227, 235, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 631, 632, 633, 634, 635, 636, 645, 674, 675, 676 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 609, 611, 612, 613, 649, 650, 651, 688 Bộ luật Dân sự 2015; Điểm đ Khoản 1 Điều 12; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đặng Hùng M đối với bị đơn chị Đặng Thanh V về việc chia thừa kế.

- Bác yêu cầu phản tố của chị Đặng Thanh V đối với ông Đặng Hùng M Về diện, hàng thừa kế:

Cụ Đặng Hùng S chết năm 2015, không để lại di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ S là ông Đặng Hùng M, ông Đặng Hùng D, chị Đặng Thanh V.

Về di sản:

Xác nhận di sản của cụ Đặng Hùng S để lại gồm:

- Nhà đất tại số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội có giá trị 1.595.775.652 đồng.

- Sổ tiết kiệm số IE8792967 mang tên cụ Đặng Hùng S, có số tiền gửi ngày 05/12/2014 tại Ngân hàng N, chi nhánh Đống Đa (A) là 600.000.000 đồng. Tính đến ngày xét xử sơ thẩm tổng gốc lãi là 853.717.500 đồng.

- Tổng giá trị di sản là: 2.449.493.152 đồng Về công sức:

- Trích công sức tôn tạo cho chị Đặng Thanh V số tiền là 50.000.000đ - Thanh toán cho ông M tiền viện phí và mai táng phí là 63.711.000đ - Tổng giá trị di sản còn lại là: 2.335.782.152 đồng.

Chia thừa kế bằng giá trị:

Di sản có tổng giá trị 2.335.782.152 đồng. Cụ S chết không để lại di chúc chia thừa kế theo luật cho hàng thừa kế thứ nhất của cụ S là ông Đặng Hùng M, ông Đặng Hùng D, chị Đặng Thanh V. Mỗi kỷ phần thừa kế có giá trị 778.594.050 đồng.

Chị Đặng Thanh V nhận 1 kỷ phần có giá trị 778.594.050 đồng và 50.000.000 đồng tiền công sức = 828.594.050 đồng Ông Đặng Hùng M, ông Đặng Hùng D nhận 2 kỷ phần có giá trị 1.557.188.101 đồng và tiền ông M được thanh toán 63.711.000 đồng. Tổng ông M, ông D nhận 1.620.899.101 đồng.

Chia thừa kế bằng hiện vật:

Giao chị Đặng Thanh V sở hữu sổ tiết kiệm số IE8792967 gửi ngày 05/12/2014 tại Ngân hàng N, chi nhánh Đống Đa (A) mang tên ông Đặng Hùng S có số tiền gốc là 600.000.000đ. Tổng gốc lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 853.717.500 đồng.

Giao ông Đặng Hùng D, ông Đặng Hùng M sở hữu, sử dụng nhà đất tại số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội có giá trị là 1.595.775.652 đồng.

Ông D, ông M có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp GCN đối với nhà đất trên theo quy định.

Thanh toán chênh lệch tài sản Chị V phải thanh toán cho ông M số tiền là 25.123.449 đồng.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, lãi suất chậm trả và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau phiên toà sơ thẩm, ngày 14/12/2022, bị đơn Đặng Thanh V có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên toà phúc thẩm các đương sự không xuất trình thêm chứng cứ mới, giữ nguyên lời trình bày như tại giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu ý kiến:

- Thẩm phán, thư ký phiên tòa khi tiến hành tố tụng, các đương sự khi tham gia tố tụng đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Kháng cáo trong hạn đối với toàn bộ bản án sơ thẩm nên cần được chấp nhận để xem xét. Sau khi phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nghe ý kiến của các đương sự tại phiên tòa, nhận định:

Diện tích đất tranh chấp (di sản thừa kế ông S để lại) có nguồn gốc ban đầu là do bênh viện E phân cho ông Đặng Hùng S theo Quyết định 129/ 28.8.95 với diện tích chỉ có 18m2. Năm 2008, ông S được cấp GCNQSDĐ với diện tích 39,52 m2 (tăng so với diện tích ban đầu được cấp). Suốt khoảng thời gian từ những năm 1995 đến năm 1997, ông S sống cùng bà Đ và con gái V tại đây. Năm 1997 hai người đập nhà cũ xây nhà mới trên tổng diện tích 39,52 m2. Như vậy, bà Đ, ông S có công sức để mở rộng thêm so với diện tích ban đầu được phân. Chị V ở với bố đến khi lấy chồng cũng có công sức trông nom, bảo quan khối tài sản này. Như vậy, phải tình công sức cho mẹ con bà Đ đối với diện tích 21,52m2 dôi dư mới bảo đảm bằng 01 kỷ phần thừa kế.

Về chia thừa kế bằng hiện vật giao cho ông D, ông M nhà để làm nơi thờ cúng là phù hợp, phải thanh toán chênh lệch công sức cho chị V.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 2 điều 308 BLTTDS và 1 Điều 309 BLTTDS, chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Đặng Thanh V, sửa án sơ thẩm theo hướng tính công sức cho chị V.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Về thẩm quyền: Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Đặng Hùng D hiện đang sinh sống tại CH Sec nên Toà án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

[1.2] Xét kháng cáo của chị Đặng Thanh V trong thời hạn luật định, hình thức, nội dung phù hợp với quy định, do vậy được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Chị V kháng cáo toàn bộ bản án, nên Tòa án cấp phúc thẩm xem lại toàn bộ các quyết định của Tòa án sơ thẩm.

[1.3] Về việc vắng mặt của đương sự tại phiên tòa phúc thẩm: Tại phiên tòa các đương sự vắng mặt đều đã có đơn ủy quyền hợp lệ và xin vắng mặt. Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, xét xử theo thủ tục chung.

[2] Về yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn:

[2.1] Về diện, hàng thừa kế:

Cụ Đặng Hùng S và cụ Lê Thanh H có hai người con chung là ông Đặng Hùng M, sinh năm 1961 và ông Đặng Hùng D, sinh năm 1959. Cụ S và cụ H ly hôn năm 1979. Tòa án xác định được cụ S có quan hệ tình cảm và có thời gian sống chung với bà Đ, nhưng bà Đ không phải là vợ cụ S. Cụ S và bà Đ có 1 con chung là chị Đặng Thanh V.

Năm 2003, cụ S làm thủ tục truy nhận con với chị Hoàng Bích V và đổi tên thành Đặng Thanh V và cho nhập hộ khẩu cùng cụ Đặng Hùng S. Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ S có ba người con đẻ: ông Đặng Hùng M, ông Đặng Hùng D, chị Đặng Thanh V, là đúng. Ngoài 3 người con trên, cụ S không có người con đẻ hay con nuôi nào khác.

Cụ S chết năm 2015, không để lại di chúc. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ S là ông Đặng Hùng M, ông Đặng Hùng D, chị Đặng Thanh V. [2.2] Về di sản thừa kế và yêu cầu phản tố của chị V:

Theo nguyên đơn, di sản của cụ S để lại là nhà 13 ngõ 107 T, tổ 15, phường N, quận C, Thành phố Hà Nội và 1 sổ tiết kiệm có số tiền gửi là 600.000.000 đồng đứng tên cụ S.

Chị V có yêu cầu phản tố đề nghị tòa án xác định nhà đất tại địa chỉ trên là tài sản chung của cụ S, bà Đ và chị. Di sản của cụ S để lại là phần diện tích 18m2 tiêu chuẩn mà cụ S được Viện E phân. Sổ tiết kiệm có số tiền gửi là 600.000.000 đồng đứng tên cụ S là của chị nhờ cụ S đứng tên. Bà Đ cũng có bản tự khai trình bày ngôi nhà tranh chấp chia thừa kế được như hiện nay là do bà Đ có công mở rộng, xây dựng. Từ diện tích 9m2 lúc đầu được cấp theo tiêu chuẩn 1 cá nhân, mở rộng thành 39,52 m2. Toàn bộ tiền xây dựng và công sức là của bà Đ và chị V, nhà được xây lúc cụ S đi công tác nước ngoài. Bà Đ cũng nhất trí với yêu cầu phản tố của chị V: đề nghị xác định ngôi nhà tranh chấp là tài sản chung của cụ S, bà Đ, chị V. Sổ tiết kiệm tên cụ S cũng là tiền của chị V.

Bà Đ cho rằng, di sản của cụ S không phải toàn bộ ngôi nhà, mà phải trừ đi công sức của bà và con bà rồi mới chia thừa kế. Đề nghị Tòa án trích công sức tôn tạo cho bà Đ trước khi chia thừa kế. Bà Đ có nguyện vọng trích công sức bằng hiện vật, phần công sức này bà Đ giao chị V quản lý và sử dụng.

- Về nguồn gốc:

Theo Quyết định số 129/HC ngày 28/8/1995 của Giám đốc Bệnh viện E, cụ S được cấp giấy sử dụng gian nhà 18m2, cấp 4 khu B tại khu T.

Ngày 12/9/2006 cụ S có Đơn đề nghị bán nhà ở cho người đang ở thuê và xin cấp GCNQSDĐ gửi Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội; Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất. Đơn có chữ ký của các thành viên trong hợp đồng thuê nhà (từ 18 tuổi trở lên không đứng tên trong GCN) là ông M và chị V. Cụ S là người nộp tiền vào ngân sách.

Ngày 05/9/2009 cụ Đặng Hùng S được UBND quận C, Thành phố Hà Nội cấp GCNQSDĐ số 01130373140387 đối với căn hộ số 04 nhà B4 KTT Bệnh viện E, phường N, quận Cầy Giấy, Thành phố Hà Nội. Diện tích nhà 18m2; diện tích đất sử dụng riêng là 39,52m2.

Chị V, bà Đ cho rằng di sản của cụ S chỉ là 18m2 nhà đất theo Quyết định số 129/HC ngày 28/8/1995 của Giám đốc bệnh viên E, còn toàn bộ công trình xây dựng trên đất và diện tích đất còn lại là do chị và bà Đ cơi nới và xây dựng. Diện tích được rộng ra 39,52 m2 là do bà Đ và chị V cơi nới lúc cụ S đi công tác nước ngoài. Do đó chị V và bà Đ phải được chia diện tích 21,52 m2.

Xét thấy, thời điểm cụ S được phân nhà không có tài liệu xác định nhà đất được phân cho 3 người là cụ S, chị V và bà Đ. Thực tế bà Đ cũng là cán bộ của Bệnh viện E và cũng đã được phân nhà tại tập thể của Bệnh viện. Chị V và bà Đ chỉ xuất trình được bản photo chi mua vật liệu xây dựng ngày 21/6/1997 tổng cộng là 5.213.000đ tại căn hộ số 04 nhà B4 KTT Bệnh viện E nay là nhà số 13, ngõ 107 phố T, tổ quận C, Hà Nội. Năm 2006 khi mua nhà theo Nghị định 61/1994, đơn mua nhà có cả chữ ký của ông M và chị V (những người có tên trong hộ khẩu), mà không có chữ ký bà Đ. Toàn bộ hồ sơ chuyển đổi, mua nhà đóng tiền để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà đều tên riêng của ông Đặng Hùng S.

Do vậy, không đủ cơ sở chấp nhận yêu cầu phản tố của chị V, ý kiến của bà Đ về việc nhà số 13 ngõ 107 phố T, tổ quận C, Hà Nội là tài sản chung (hợp nhất, hoặc theo phần) của cụ S, bà Đ và chị V. Tuy nhiên giấy tờ còn lưu lại về việc chi mua vật liệu xây dựng đã thể hiện mua gạch xây, gạch lát nhà, gạch lát nhà vệ sinh, bệ xí..v..v.. cũng là cơ sở để xem xét đánh giá công sức tôn tạo của chị V và bà Đ trong việc cùng cụ S xây, cơ nới nhà số 13 ngõ 107 T.

- Đối với sổ tiết kiệm mang tên cụ Đặng Hùng S.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Ngân hàng N cung cấp: Ông Đặng Hùng S (mã khách hàng 1504-189213847) mở 01 sổ tiết kiệm số IE2208792967 vào ngày 05/12/2014 tại Agribank Chi nhành Đống Đa, số dư đầu kỳ: 600.000.000đ.... Tổng gốc và lãi đến ngày 31/7/2023 có số dư là 853.717.500 đồng.

Chị V cho rằng số tiền gửi tiết kiệm này là của chị, chị nhờ cụ S đứng tên gửi hộ nhưng không xuất trình được tài liệu chứng cứ nên đủ cơ sở xác định số tiền gốc 600.000.000 đồng và số tiền lãi phát sinh là di sản của cụ S.

Nên Tòa án cấp sơ thẩm có căn cứ khi không chấp nhận yêu cầu phản tố của chị V về việc: xác nhận số tiền gốc, lãi gửi tiết kiệm đứng tên cụ S là của chị V.

Như vậy, di sản của cụ S để lại gồm:

Nhà số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội và sổ tiết kiệm với số tiền gốc là 600.000.000 đồng. Tính đến ngày 31/7/2023, tổng gốc, lãi là 877.263.000 đồng.

Theo Biên bản định giá ngày 19/01/2022: Giá trị quyền sử dụng đất đối với nhà số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội là 34.600.000đ/m2 x 39,52m2 = 1.367.392.000đ. Giá trị các tài sản trên đất: 228.383.652đ. Tổng giá trị nhà, đất là: 1.595.775.652đ.

Tổng giá trị di sản là 2.473.038.652đ [2.3] Về công sức:

* Công sức chăm sóc cụ S:

- Chị V khai chị có nhiều công sức trong việc chăm lo sức khỏe cho cụ S nhưng chị chỉ yêu cầu thanh toán số tiền đưa cho ông M chi phí tiền thuốc men khi cụ S nằm viện là 180.000.000 đồng.

Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của chị V do xác định chị V không cung cấp được chứng cứ đưa cho ông M 180.000.000 đồng lo chữa bệnh và ma chay cho cụ S là có cơ sở.

Trước khi nhập viện và chết năm 2015, cụ S đã phải đi viện nhiều lần, cấp cứu vào các khoảng thời gian như: 06/5/2010; 14/6/2010; 10/6/2011; 19/3/2013. Xét các tài liệu do chị V cung cấp, Hội đồng xét xử nhận thấy, có căn cứ để xác định, chị V có công chăm sóc cụ S trong khoảng thời gian trước khi cụ qua đời. Tuy nhiên, chị V không yêu cầu với công chăm sóc này nên Tòa án không xét.

Bà Đ cũng có bản tự khai trình bày có công chăm sóc cụ S, nhưng đây là tình nghĩa nên không yêu cầu giải quyết.

* Về công tôn tạo nhà, đất:

- Sau khi cụ S chết năm 2015, nhà tại T để làm nơi thờ cúng cụ. Cuối năm 2020 chị V chuyển đến nhà số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội để ở. Chị V khai có sửa chữa, cải tạo lại nhà nhưng không xuất trình được tài liệu về các hạng mục sửa chữa. Đồng thời, chị V ở nhà đó nên sửa chữa để ở cũng là phù hợp. Nên về số tiền sửa chữa này Hội đồng xét xử không chấp nhận.

- Ông D đi Séc từ năm 1979, định cư tại Séc cho tới nay. Ông M tại phiên tòa cũng thừa nhận khi xây sửa nhà 13 ngõ 107 T; ông M và ông D không có đóng góp gì. Ông M khai thuê thợ S sửa lại nhà sau khi cụ S chết hết 11.000.000đ (có hóa đơn kèm theo), nên cần trả lại số tiền này cho ông M.

- Bà Đ và chị V khai có nhiều công sức trong việc cải tạo, cơi nới đối với nhà đất tại T. Tổng chi phí qua nhiều lần tôn tạo là 2.262.000.000 đồng. Tại phiên tòa, chị V xuất trình tài liệu là bản pho to tiền thanh toán nguyên vật liệu theo chị V tài liệu này chứng minh việc bà Đ thanh toán tiền nguyên vật liệu sửa nhà T tuy nhiên số tiền xây sửa nhà là 5.213.000đ. Tài liệu có ghi là xây nhà cô Đ, tuy nhiên không rõ ai là người bỏ số tiền đó ra thanh toán vật liệu, không rõ người nhận là ai. Nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận số tiền tôn tạo là 2.262.000.000đ, là có cơ sở.

Hội đồng xét xử nhận định: Việc bà Đ và cụ S có quan hệ tình cảm và có thời gian chung sống với nhau là thật, chị V là con của cụ S và bà Đ, chị V ở cùng cụ S từ năm 1987, bà Đ ở cùng khu tập thể. Do đó năm 1994 đến năm 1997 khi cụ S xây nhà đã hơn 60 tuổi, lúc đó chị V cũng đã trưởng thành. Bà Đ và chị V cũng có công đóng góp trong việc xây, sửa nhà của cụ S. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời trình bày của chị V, bà Đ và phù hợp với bức thư cụ S gửi về cho bà Đ khi cụ S công tác ở nước ngoài, phù hợp với xác nhận của hàng xóm sinh sống tại ngõ 107 nơi chị V ở với cụ S. Bà Đ và chị V có nhiều công sức trong việc cùng cụ S khi xây nhà cũng như cơi nới thêm diện tích để mở rộng diện tích ngôi nhà như hiện nay. Vì thực tế bà Đ có quan hệ tình cảm với cụ S; đồng thời vì chị V là con chung nên bà Đ cũng chăm lo vun vén trong việc xây sửa nhà, cơi nới đất là phù hợp. Tài liệu trong hồ sơ còn thể hiện ngoài bức thư cụ S gửi về nói về việc sửa sang nhà nếu bị dột, thì còn bản ảnh bà Đ lau dọn nhà, khánh thành nhà. Chị V chụp cùng các bạn trước nhà số 13 ngõ 107 T. Do đó gốc tài sản (nhà, đất) là của cụ S, tuy không tính rạch ròi được diện tích 21,54 m2 là tài sản chung của cụ S, bà Đ và chị V, nhưng phải tính công sức cho bà Đ và chị V trong việc xây dựng tôn tạo nhà, cơi nới nhà để có nhà đất như hiện nay.

Từ những nhận định trên, HĐXX nhận thấy cần chấp nhận một phần đề nghị của Vị đại diện Viện kiểm sát, kháng cáo của chị V: tính công tôn tạo di sản cho bà Đ, chị V. Ghi nhận yêu cầu của bà Đ giao chị V quản lý, sử dụng. Hội đồng xét xử tính công tôn tạo nhà đất bằng 01 suất thừa kế để đảm bảo quyền lợi của chị V (trong đó có bà Đ).

[2.5] Chia thừa kế bằng giá trị:

Tổng giá trị di sản là 2.473.038.652 đồng. Thanh toán cho ông S 63.711.000 đồng tiền ma chay, 11.000.000đ tiền S sửa, cộng là 74.711.000 Tổng giá trị di sản còn lại là: 2.398.327.652 đồng.

Cụ S chết không để lại di chúc nên chia thừa kế theo luật cho hàng thừa kế thứ nhất của cụ gồm ông D, ông M và chị V. Chị V có công chăm sóc cụ S và tôn tạo nhà đất (bao gồm cả công sức bà Đ chuyển cho vị V) nên được hưởng thêm 01 suất thừa kế.

Mỗi kỷ phần thừa kế có giá trị 2.398.327.652đ: 4= 599.581.913đ Chị V nhận 02 kỷ phần thừa kế = 1.199.163.826đ Ông M nhận 01 kỷ phần thừa kế và 63.711.000đ + 11.000.000 đ. Tổng = 674.292.913đ Ông D nhận 01 kỷ phần thừa kế = 599.581.913đ. [2.6] Chia bằng hiện vật:

Nhà đất tại số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, thành phố Hà Nội cụ S giao cho chị V cho thuê. Cụ đi ở thuê nơi khác để mở phòng mạch. Sau khi cụ S chết năm 2015 nhà để không, không ai ở, chỉ làm nơi thờ cúng cụ S. Chị V không có nơi ở nào khác nên năm 2020 đã dọn về ở và thờ cúng bố.

Xét thấy, cả hai bên đương sự đều muốn được chia di sản bằng hiện vật là nhà. Tuy nhiên căn nhà có diện tích chỉ 39,52 m2 không đủ để chia thành 2 phần mà đảm bảo công năng sử dụng nhà cũng như đảm bảo diện tích tối theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định 20/2017 của UBND thành phố Hà Nội. Ông M được chia 1 suất thừa kế, hiện đã có chỗ ở ổn định. Ông D được chia 1 suất thừa kế hiện đang sinh sống tại CH Sec. Trong khi đó chị V chưa có chỗ ở ổn định, được chia 2 suất thừa kế. Về quyền và nghĩa vụ con trai hay con gái đều như nhau. Chị V có nguyện vọng được ở tại căn nhà chị đã lớn lên ở đó, và cũng là để thường xuyên có thể thờ cúng bố. Trước khi chị V về ở, căn nhà khóa cửa một tháng chỉ 2 lần các con về thắp hương cho cụ S. Do đó, HĐXX nhận thấy, chia di sản bằng hiện vật, giao nhà cho chị V là hợp lý.

Giao cho ông M sở hữu sổ tiết kiệm mang tên cụ Đặng Hùng S tại ngân hàng Nông nghiệp có số tiền gốc lãi tính đến ngày 31/7/2023 là 877.263.000 đồng.

Chia thừa kế cho ông D bằng giá trị.

Ông M có nghĩa vụ phải giao lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất của nhà đất tại số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội cho chị V. Chị V có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp GCN đối với nhà đất được giao theo quy định.

- Thanh toán chênh lệch tài sản:

Chị V được giao nhà đất có giá trị là 1.595.775.652 đồng. Kỷ phần chị V được hưởng là 1.199.163.826 đồng, chênh lệch 396.611.826 đ.

Ông M được giao số tiền 877.263.000 đồng tại sổ tiết kiệm. Tổng số tiền (kỷ phần, tiền ma chay, tiền sửa nhà) mà ông M được thực nhận là 674.292.913 đồng. Chênh lệch 202.970.087 đồng.

Chị V phải thanh toán cho ông D 396.611.826 đồng và ông M phải thanh toán cho ông D 202.970.087 đồng. Ông D được ông M, chị V thanh toán Tổng cộng là 599.581.913đ.

Như vậy, chấp nhận một phần kháng cáo của chị V, sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 86/2022/DS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

[3] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận một phần nên chị V không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Do Bản án phúc thẩm sửa một phần Bản án sơ thẩm nên án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại như sau:

Do ông D, ông M là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên miễn án phí cho D, ông M.

Chị V phải chịu 36.000.000 + 11.974.914,78 = 47.974.914,78đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Về án phí đối với yêu cầu phản tố: Do yêu cầu không được chấp nhận, chị V phải chịu 300.000đ án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của chị Đặng Thanh V, sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 86/2022/DS-ST ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, cụ thể:

- Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn- ông Đặng Hùng M:

Giao chị Đặng Thanh V sở hữu, sử dụng nhà đất tại số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội có giá trị là 1.595.775.652 đồng.

Ông M có nghĩa vụ phải giao lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất của nhà đất tại số 13, ngõ 107 phố T, tổ 15 phường N, quận C, Thành phố Hà Nội cho chị V. Chị V có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xin cấp GCN đối với nhà đất được giao theo quy định.

- Giao ông Đặng Hùng M sở hữu sổ tiết kiệm số IE8792967 gửi ngày 05/12/2014 tại Ngân hàng N, chi nhánh Đống Đa (A) mang tên ông Đặng Hùng S có số tiền gốc là 600.000.000 đồng. Tổng gốc lãi tính đến ngày 31/7/2023 là 877.263.000 đồng.

- Chia thừa kế cho ông D bằng giá trị.

Thanh toán chênh lệch tài sản:

Chị V phải thanh toán cho ông D 396.611.826 đồng và ông M phải thanh toán cho ông D 202.970.087 đồng. Ông D được ông M, chị V thanh toán số tiền tổng cộng là 599.581.913đ.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

2. Bác yêu cầu phản tố của chị Đặng Thanh V.

3. Về án phí: Chị V không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Miễn án phí cho ông D và ông M.

Chị V phải chịu 47.974.914 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, theo kỷ phần thừa kế được nhận.

Chị V phải chịu 300.000đ án phí phản tố, ghi nhận chị V đã nộp đủ tại Biên lai số 00507 ngày 23/12/2021 tại Cục thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

412
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 371/2023/DS-PT

Số hiệu:371/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về