Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 04/2023/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN P, TỈNH H

BẢN ÁN 04/2023/DS-ST NGÀY 15/09/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Ngày 15 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện P, tỉnh H xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 11/2022/TLST-DS ngày 11 tháng 10 năm 2022 về việc “Tranh chấp chia thừa kế tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 04/2023/QĐXXST-DS ngày 31 tháng 8 năm 2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

Ông Nguyễn Hữu T, sinh năm 1965-Có mặt.

Địa chỉ: thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn:

Luật sư Lê Tiến L-Văn phòng Luật sư P-Đoàn Luật sư tỉnh H-Có mặt.

2. Bị đơn:

Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1967-Có mặt.

Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1966.

Cùng địa chỉ: thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H.

Người đại diện cho bị đơn theo ủy quyền:

Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1967-Có mặt.

Địa chỉ: thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H.

(Văn bản ủy quyền ngày 19/12/2022).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn:

Luật sư Phạm H-Văn phòng Luật sư Phạm H-Đoàn Luật sư tỉnh T-Vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Nguyễn Thị Th2, sinh năm 1977.

Địa chỉ: thôn Tr, xã T, huyện P, tỉnh H. Ông Nguyễn Thế H, sinh năm 1979. Địa chỉ: thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H. Bà Nguyễn Thị X, sinh năm 1983.

Địa chỉ: Số 90/44 tổ 49, khu phố Đ, phường T, thành phố D, tỉnh B. Người đại diện cho bà Th2, ông H, bà X theo ủy quyền:

Ông Nguyễn Hữu T, sinh năm 1965-Có mặt.

Địa chỉ: thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H.

(Theo các hợp đồng ủy quyền ngày 10/11/2022, ngày 14/11/2022).

Người tham gia tố tụng khác: Người làm chứng:

Bà Đặng Thị P, sinh năm 1980-Vắng mặt.

Địa chỉ: 90/44 Đ, khu phố Đ, phường T, thành phố D, tỉnh B. Ông Nguyễn Văn H1, sinh năm 1964-Vắng mặt.

Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1966-Vắng mặt. Ông Nguyễn Văn T3, sinh năm 1953-Vắng mặt. Bà Trần Thị H, sinh năm 1946-Vắng mặt.

Ông Nguyễn Văn Ng-Vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H.

Ông Nguyễn Anh M-Vắng mặt.

Địa chỉ: thôn M, xã MP, huyện T, tỉnh H.

Ông Trần Đức Th, công chức tư pháp xã T, huyện P, tỉnh H-Vắng mặt.

Ông Nguyễn Việt S, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã T, huyện P, tỉnh H- Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, lời trình bầy của các đương sự và quá trình điều tra, nội dung vụ án như sau:

Nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bà Th2, ông H, bà X trình bầy:

Cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 sinh được 05 người con là: Ông Nguyễn Hữu T, ông Nguyễn Văn T2, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X. Cụ T4 mất ngày 27/6/2018, cụ V mất ngày 26/02/2016. Cụ T4, cụ V để lại khối di sản là diện tích đất ở và đất trồng cây là 1722,4 m2 và tài sản trên đất tại thửa số 94, tờ bản đồ số 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4. Những tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà cấp IV, 04 gian lợp ngói mũi được xây dựng từ năm 1990, hiên tây đổ mái bê tông cốt thép làm năm 2000, nền lát gạch men; 01 bếp xây lợp Proximang xây dựng từ năm 1992, 01 bể nước có nắp đậy, 01 nhà tắm nhưng chưa lắp bệ bồn cầu, gian chuồng lợn cũ, 02 cây mít to. Ngoài các tài sản này ra thì cụ V, cụ T4 không còn tài sản nào khác. Các tài sản khác trên đất gồm: 01 lán lợp tôn không xây tường, đổ bê tông sân, 01 bộ cánh cổng sắt, 02 trụ cổng xây gạch, lắp bệt bồn cầu nhà vệ sinh là ông T2 xây, sửa trong quá trình ông T2 sử dụng. Số cây cau và các cây khác trên đất là cây do ông T2 trồng.

Cụ V, cụ T4 đã từng lập di chúc vào năm 2012, 2013 để phân chia khối tài sản của các cụ nhưng sau đó đã hủy bỏ các di chúc này, đến khi có tranh chấp thì ông T2 đưa một bản di chúc ông T2 cho rằng đây là bản di chúc cụ V, cụ T4 lập vào ngày 11/02/2015, di chúc có chứng thực của UBND xã T. Theo nội dung di chúc thì cụ V, cụ T4 để lại toàn bộ diện tích đất cho vợ chồng ông T2. Sau khi biết được bản di chúc này, ông T thấy bản di chúc không hợp lệ vì: Trang thứ nhất của di chúc không có chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc, cũng trang thứ nhất của di chúc có sửa chữa sau khi cụ V đã mất. Mặt khác theo di chúc thì ông T2 phải thực hiện một số nghĩa vụ như di chúc nêu nhưng vợ chồng ông T2 đã vi phạm nghĩa vụ trông nom, chăm sóc cụ V, cụ T4. Vì vậy nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bà Th2, ông H, bà X yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc ngày 11/02/2015 của cụ V, cụ T4 vô hiệu. Đồng thời yêu cầu Tòa án chia khối di sản của cụ V, cụ T4 để lại cho 05 người là ông T, ông T2, ông H, bà Th2 và bà X. Phần của ông T, bà Th2, ông H, bà X gộp chung vào một thửa. Do đã chia đều nên không ai phải trả chênh lệch cho ai.

Ông T đã được Tòa án thông báo kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá không thắc mắc gì. Theo sơ đồ hiện trạng do trung tâm đo đạc tài nguyên môi trường đo đạc thẩm định thì diện tích đất ở của cụ V, cụ T4, các đương sự cho rằng theo lịch sử sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất là về phía đường cũ tức là nằm hết về phía Bắc, phần diện tích đất vườn là ở phía Nam.

Ông T đã được Tòa án giải thích về việc tính công sức trông coi, tu tạo di sản nhưng ông T không yêu cầu được tính công sức trông coi, tu tạo di sản và không yêu cầu được chia công sức trông coi, tu tạo di sản của cụ V, cụ T4.

Ngoài ra nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bà Th2, ông H, bà X không còn trình bầy gì khác.

Bị đơn, đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bầy:

Cụ Nguyễn Như V mất ngày 26/02/2016, cụ Nguyễn Thị T4 mất ngày 27/6/2018, cụ V. Cụ V, cụ T4 sinh được 05 người con là: Ông Nguyễn Hữu T, ông Nguyễn Văn T2, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X. Khi cụ V, cụ T4 còn sống, rồi đến khi các cụ mất, vợ chồng ông T2 đều có trách nhiệm lo toan như các anh em ông T2 chứ không như ông T trình bầy. Cụ V, cụ T4 để lại khối di sản là diện tích đất ở 1722,4 m2 và tài sản trên đất tại thửa số 94, tờ bản đồ số 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4. Những tài sản trên đất của các cụ để lại gồm: 01 ngôi nhà cấp IV, 04 gian lợp ngói mũi được xây dựng từ năm 1990, hiên tây đổ mái bê tông cốt thép làm năm 2000, nền lát gạch men; 01 bếp xây lợp Proximang xây dựng từ năm 1992, 01 bể nước có nắp đậy, gian chuồng lợn cũ, 01 cây mít to giáp nhà. Ngoài các tài sản này ra thì cụ V, cụ T4 không còn tài sản nào khác. Các tài sản khác trên đất gồm: 01 lán lợp tôn không xây tường, đổ bê tông sân, 01 bộ cánh cổng sắt, 02 trụ cổng xây gạch, nhà vệ sinh và sân bê tông là do ông T2 xây, sửa trong quá trình sử dụng. Ngoài ra ông T2 còn có công bồi bổ đất và trồng toàn bộ số cây cau, cây mít và các cây khác hiện có trên đất như Tòa án đã thẩm định, định giá. Hiện tại ông T2, bà Th đang quản lý sử dụng toàn bộ khối tài sản này từ năm 2019 cho đến nay.

Về việc cụ V, cụ T4 lập di chúc ông T2 trình bày:

Ngày 28/01/ 2012, cụ V, cụ T4 đã lập di chúc để lại toàn bộ khối tài sản của các cụ cho Ông Nguyễn Thế H, di chúc có chứng thực của UBND xã T, nhưng ngày 06/12/2013, cụ V, cụ T4 đã ra UBND xã T xin hủy di chúc ngày 28/01/2012.

Ngày 13/12/2013, cụ V, cụ T4 đã đọc cho ông T2 viết di chúc, nội dung là chia tài sản của cụ V, cụ T4 cho 05 người con, mỗi người 5 mét đất giáp đường đi chạy dài hết thửa đất, phần còn lại khi nào các cụ mất thì giao lại cho ông T để làm nhà thờ, ông T2 là người mang di chúc ra UBND xã T để chứng thực di chúc. Ngày 16/01/2015, cụ V, cụ T4 đưa di chúc cho ông T nhưng ông T đã từ chối không nhận tài sản và có văn bản từ chối nhận tài sản được chia.

Về di chúc cụ V, cụ T4 lập ngày 11/02/2015, ông T2 trình bầy: Ông T2 không biết cụ V, cụ T4 lập di chúc khi nào nhưng vào ngày 11/02/2015, cụ V đã điện thoại cho ông T2 yêu cầu ông T2, bà Th mang chứng minh nhân dân của ông T2, bà Th đến UBND xã T, khi ông T2 lên UBND xã T thì ông T2 mới biết là cụ V lập di chúc để tài sản của cụ V, cụ T4 cho ông T2, bà Th. Còn việc cụ V, cụ T4 lập di chúc cụ thể như thế nào thì ông T2 không biết. Trước khi cụ V mất khoảng ba tháng thì cụ V đã đưa cho ông T2 01 bản di chúc lập ngày 11/02/2015, bản di chúc này đã được ép plastic. Sau khi cụ V mất, ông T2 xem bản di chúc thì mới biết là cụ V, cụ T4 để lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng ông T2, bản di chúc đã có chữ ký, điểm chỉ của cụ V, cụ T4 và xác nhận của UBND xã T, ông T2 phát hiện ra trang thứ nhất bản di chúc ghi sai năm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ V, cụ T4 là ngày 30/6/2004 trong khi đó Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp là ngày 30/6/2014. Ông T2 đến gặp ông Th là cán bộ tư pháp xã Tống Trân, yêu cầu ông Th có một văn bản sửa lại đúng năm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ngày 30/6/2014 để lưu cùng bản di chúc nhưng ông Th đã thu bản di chúc ép plastic và đưa cho ông T2 01 bản di chúc có cùng nội dung, hình thức đang lưu tại UBND xã T đồng thời ông Th đã sửa trực tiếp vào trang thứ nhất bản di chúc này, nội dung sửa là ghi lại ngày 30/6/2004 thành 30/6/2014 rồi đưa cho ông T2 giữ bản di chúc sửa này, ông Th giữ lại bản di chúc ép plastic của ông T2. Ông T2 đã giữ bản chính bản di chúc ông Th sửa đưa cho và phô tô gửi cho Tòa án. Sau khi cụ T4 mất, ông T2 mới thông báo cho ông T, bà Th2, ông H, bà X và bà con trong họ là cụ V, cụ T4 đã có di chúc để lại toàn bộ tài sản cho vợ chồng ông T2, khi ông T2 thông báo thì không ai nói gì cả. Ông T2 đi làm thủ tục sang tên đất, tài sản theo di chúc thì UBND xã T chưa giải quyết, đồng thời bà Th2 tỏ thái độ không đồng ý với di chúc của cụ V, cụ T4 để lại tài sản cho vợ chồng ông T2. Vì vậy ông T2 chưa chuyển được tên sang vợ chồng ông T2 mà vẫn đứng tên cụ V, cụ T4.

Bút tích của cụ V do ông T2 cung cấp tại mặt sau tờ lịch đề ngày 11 tháng 02 năm 2015 tức ngày 23 tháng 12 năm Giáp Ngọ âm lịch, theo ông T2 đây là bút tích của cụ V vào ngày cụ V đi lập di chúc thể hiện: “Lập di chúc tại phòng tư pháp UBND xã T. Cả hai vợ chồng tôi giao cho vợ chồng anh T2 quản lý, trông coi đất ở và tài sản kèm theo trên mảnh đất ở”.

Về yêu cầu khởi kiện của ông T và các yêu cầu của bà Th2, ông H, bà X, ban đầu ông T2 không chấp nhận yêu cầu của ông T, bà Th2, ông H, bà X vì ông T2 cho rằng đã có di chúc của bố mẹ để lại tài sản cho ông T2. Tuy nhiên đến nay ông T2 cho rằng vì đất cát mà anh em tranh chấp với nhau nên ông T2 thay đổi quan điểm như sau:

Trong giai đoạn Tòa án hòa giải, ông T2 đề nghị Tòa án hòa giải cho anh em ông T2 theo quan điểm của ông T2 là ông T2 không yêu cầu thực hiện theo di chúc ngày 11/02/2015 của cụ V, cụ T4 nữa, ông T2 cũng không hưởng hết tài sản theo di chúc nữa, ông T2 đề nghị chia khối di sản này cho tất cả 05 người là ông T2, ông T, ông H, bà Th2, bà X theo như ý nguyện của cụ V, cụ T4 thể hiện tại bản di chúc ngày 13/12/2013. Do ông T2 không có chỗ ở nên ông T2 đề nghị chia cho ông T2 được hưởng phần đất về phía Đông, kéo dài từ phía Bắc xuống phía Nam và toàn bộ nhà, công trình, cây cối trên phần đất về phía Đông này, phần còn lại chia cho ông T, bà Th2, ông H, bà X. Cây cối, công trình trên đất của ai thì người đó hưởng. Không bên nào phải trả chênh lệch tài sản cho bên nào.

Nếu không hòa giải được như trên thì ông T2 cũng nhất trí chia di sản của cụ V, cụ T4 cho ông T2, ông T, ông H, bà Th2, bà X chứ ông T2 không yêu cầu được hưởng như di chúc ngày 11/02/2015 nữa. Ông T2 yêu cầu chia cho ông T2 phần đất về phía Đông kéo dài từ phía Bắc xuống phía Nam và toàn bộ nhà, công trình, cây cối trên phần đất về phía Đông này. Phần còn lại chia cho ông T, bà Th2, ông H, bà X nhưng phải tính toán cho ông T2 công sức vợ chồng ông T2 đã trông nom, tu tạo đất và trồng cây cối trên đất.

Nếu hai phương án trên không được thì ông T2 yêu cầu Tòa án công nhận di chúc ngày 11/02/2015 của bố mẹ ông T2 là hợp pháp và giao toàn bộ tài sản theo di chúc cho ông T2.

Ông T2 đã được Tòa án thông báo kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá, ông T2 nhất trí với việc thẩm định, định giá không thắc mắc gì. Theo sơ đồ hiện trạng do trung tâm đo đạc tài nguyên môi trường đo đạc thẩm định thì diện tích đất ở của cụ V, cụ T4 theo lịch sử sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất là về phía đường cũ tức là nằm hết về phí Bắc. Phần diện tích đất vườn là ở phía Nam.

Ông T2 đã được Tòa án giải thích về việc tính công sức trông coi, tu tạo di sản, quan điểm của ông T2 là nếu anh em hòa giải được thì ông T2 không yêu cầu. Trường hợp phải xét xử thì ông T2 yêu cầu được tính công sức trông coi, tu tạo di sản và cây cối của ông T2 đã trồng trên đất và chia giá trị đó bắng đất và tài tài sản trên đất cho ông T2.

Ông T2, bà Th có đơn xin miễn án phí vì ông T2 là người tàn tật nặng, bà Th vợ ông T2 là con liệt sỹ.

Bà Đặng Thị P, vợ ông H trình bầy: Bà P là con dâu cụ V, cụ T4. Từ ngày 20/02/2010, bà P đã chăm sóc cụ T4 và cụ V cho đến tháng 6/2014. Khi cụ V mất ông T2 đã lấy hết tiền phúng điếu, ông T đã phải thanh toán cho ông T2 6.010.000 đồng tiền chi phí đám ma cụ V. Ông T đã bàn bạc với mọi người và đưa cụ T4 vào Bình Dương chăm sóc từ ngày 05/3/2016 cho đến ngày 10/6/2018 thì đưa Cụ T4 về quê.

Ông H1 trình bầy: Vào năm 2015, bà Trần Thị H sang nhờ chở cụ V đi bệnh viện.

Bà Đ trình bầy: bà Đ là cô họ ông T, khi cụ V ốm đau, chết bà Đ đều chứng kiến, khi cụ V qua đời chỉ có cụ T4, ông T. Ông T là người lo ma chay cho cụ V.

Ông T3 trình bầy: Ông T3 là người đọc kinh trước khi cụ V mất, khi ông đến nhà thì chỉ thấy ông T chứ không thấy vợ chồng ông T2.

Cụ Trần Thị H trình bầy: Cụ H là chị dâu họ cụ V, năm 2015, khi cụ V ốm, cụ T4 đã nhờ cụ H gọi xe ôm đưa cụ V đi cấp cứu, cụ H đã gọi ông H1 chở cụ V đi viện. Khi cụ V, cụ T4 mất, ông Ng là người lo hậu cần nên ông Ng biết ai là người lo ma chay cho cụ V, cụ T4.

Ông M trình bầy: Ông M là em trai cụ T4, ngày 12/02/2016, ông M xuống thăm thấy cụ V nằm giường, cụ T4 nằm võng, ông M thấy nồi cơm nhà cụ V đã thiu không ăn được. Sau khi cụ V chết, ông T nói với ông M là đưa cụ T4 vào miền Nam chăm sóc. Ông M là người thuê xe đưa cụ T4 và các cháu lên sân bay để vào Nam. Khoảng hai năm sau, ông T đưa Cụ T4 về, ông M là người thuê xe để đón cụ T4 từ ga tàu Phủ Lý.

Ông Ng trình bầy: Khi cụ V quan đời, ông T nhờ ông Ng lo hậu cần. Ông T2 tạm ứng ra một khoản tiền để mua sắm phục vụ đám, khi đám xong ông T2 đã phá hòm lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ V, cụ T4 đã đòi, Cụ T4 hỏi có ai có giấy tờ liên quan đến đất cát thì mang ra để giải quyết nhưng không ai có. Cụ T4 đã giao cho ông T quản lý, cất giữ để chia làm 5 phần. Sau đó ba ngày, ông T2 thanh toán thu chi, ông T đã trả ông T2 6.050.000 đồng. Vài ngày sau, ông T, ông H đưa cụ T4 vào Nam để nuôi dưỡng, chăm sóc đến năm 2018 thì ông T đưa cụ T4 về quê. Khi cụ T4 mất, ông T đã đứng ra lo liệu cho cụ T4.

UBND xã T, huyện P, tỉnh H cung cấp:

Về nguồn gốc, hiện trạng, diện tích, vị trí tài sản, giấy tờ về tài sản đang tranh chấp, hồ sơ giải quyết tranh chấp: Diện tích đất 1722,4 m2 tại thửa số 94, tờ bản đồ số 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H, theo bản đồ 299 đất mang tên cụ V, diện tích là 1.176 m2, bản đồ và sổ mục kê năm 1998 thể hiện tại thửa số 130 và 166, tờ bản đồ 6, tổng diện tích 1.632 m2, chủ sử dụng Nguyễn Như V. Theo bản đồ và sổ mục kê đo theo dự án Vilap lập năm 2013 thể hiện tại thửa 94, tờ bản đồ 43, diện tích 1.722,4 m2. Đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 30/6/2014 mang tên Cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4. Diện tích tăng lên từ bản đồ 299 cho đến nay là do quá trình sử dụng có sự biến động và sai số đo đạc. Đất không có tranh chấp về quyền sử dụng đất với ai. Chủ sử dụng đất không lấn chiếm đất công. Khi có tranh chấp về thừa kế, các con cụ V có đơn yêu cầu UBND xã giải quyết, UBND xã đã tiến hành hòa giải nhưng không được và sau đó các đương sự khởi kiện ra Tòa án.

Về việc thời điểm chết của cụ V, cụ T4: Sau khi cụ V, cụ T4 mất, UBND xã đã thực hiện việc đăng ký khai tử cho cụ V, cụ T4 nên ngày mất của các cụ đã được ghi trong Giấy chứng tử của cụ V, cụ T4.

Về việc lập, chứng thực di chúc của cụ V, cụ T4:

Cụ V, cụ T4 nhiều lần lập, chứng thực di chúc tại UBND xã, sau đó đã hủy bỏ di chúc rồi lại lập lại di chúc, nội dung các di chúc này đều quyết định đến diện tích đất và tài sản trên đất của cụ V, cụ T4 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H, cụ thể như sau:

Năm 2012, cụ V, cụ T4 đã lập di chúc lần thứ nhất. Sau đó đến ngày 06/12/2013, cụ T4, cụ V đã có tờ khai hủy bỏ toàn bộ di chúc lập năm 2012. Việc cụ V, cụ T4 lập tờ khai hủy bỏ di chúc được UBND xã chứng thực ngày 17/12/2013.

Ngày 13/12/2013, cụ V, cụ T4 lại lập di chúc để phân chia đất và tài sản trên đất của cụ V, cụ T4. Di chúc này được UBND xã chứng thực ngày 18/12/2013.

Về việc chứng thực bản di chúc ngày 11/02/2015 của cụ V, cụ T4, UBND xã cung cấp như sau: Trước ngày 11/02/2015, cụ V, cụ T4 nhiều lần đến UBND xã yêu cầu chứng thực di chúc, tuy nhiên do chưa đủ thủ tục nên UBND xã đã hẹn cụ V, cụ T4 ngày 11/02/2015 đến UBND xã để làm việc. Ngày 11/02/2015, cụ V, cụ T4 mang bản di chúc đã soạn sẵn đến UBND xã để đề nghị chứng thực di chúc cho cụ V, cụ T4. Bản di chúc này đã được cụ V, cụ T4 soạn nội dung từ trước, khi đến UBND xã xin chứng thực di chúc cả cụ V, cụ T4 đều minh mẫn, khỏe mạnh. Theo nội dung di chúc này thì cụ V, cụ T4 để lại toàn bộ diện tích đất 1.722,4 m2 tại thửa đất số 94, tờ bản đồ số 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 cho Ông Nguyễn Văn T2 và Bà Nguyễn Thị Th. Ngoài ra di chúc còn ghi rõ nghĩa vụ của ông T2, bà Th với cụ V, cụ T4. Khi cụ V, cụ T4 mang di chúc ra xã yêu cầu chứng thực di chúc thì đồng chí cán bộ tư pháp xã là Trần Đức Th còn hỏi lại là có đúng nội dung di chúc thể hiện ý chí của cụ V, cụ T4 không, cả hai cụ đều khẳng định nội dung di chúc là đúng ý chí của các cụ. Lúc đó cụ V, cụ T4 mới điểm chỉ, ký vào di chúc trước sự chứng kiến của đồng chí Th. Cụ V, cụ T4 ký, điểm chỉ ở trang thứ hai của di chúc. Sau khi cụ V, cụ T4 điểm chỉ, ký vào di chúc thì đồng chí Th đã đánh máy lời chứng và sau đó thì đồng chí Phó chủ tịch UBND xã đã chứng thực di chúc. Ngày cụ V, cụ T4 mang di chúc đến UBND xã để chứng thực, ngày chứng thực di chúc đúng là ngày 11/02/2015. Di chúc có hai trang và một trang ghi nội dung chứng thực, có đóng dấu giáp lai. Sau khi chứng thực di chúc xong thì đã giao lại cho cụ V giữ bản di chúc của cụ V, cụ T4.

Về việc sửa chữa ngày 30/6/2004 ở trang thứ nhất của di chúc:

Ngày 04/4/2016, ông Nguyễn Văn T2 là con cụ V, cụ T4 mang di chúc của cụ V, cụ T4 đến UBND xã đề nghị sửa năm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ V, cụ T4 do trong di chúc cụ V, cụ T4 lập đã ghi sai năm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ V, cụ T4 là 30/6/2004 nên đồng chí Th cán bộ tư pháp đã sửa lại năm thành 30/6/2014, đồng chí Th đã ghi chú “Tống Trân, ngày 04/4/2016”, ký ghi rõ họ tên Trần Đức Th và đóng dấu UBND xã .

UBND xã có quan điểm đề nghị Tòa án giải quyết theo các quy định của pháp luật. UBND xã không yêu cầu Tòa án giải quyết nội dung gì.

Kết quả thẩm định, định giá tài sản xác định:

Các đương sự xác định theo lịch sử sử dụng đất và hiện trạng đất thì phần diện tích đất ở là giáp đường đi ở phía Bắc.

Hội đồng định giá biểu quyết 3/3 = 100% như sau:

1. Các thành viên Hội đồng định giá thống nhất giá đất tại vị trí định giá là đất ở có giá là 2.160.000 đồng/1 m2.

Giá đất trồng cây hàng năm là 80.000 đồng/1 m2.

2. Diện tích đất ở 1.000 m2 tại thửa số 94, tờ bản đồ 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H có giá trị: 2.160.000 đồng/1m2 x 1.000 m2 = 2.160.000.000 đồng.

Diện tích đất trồng cây hàng năm khác 722,4 m2 cùng thửa số 94, tờ bản đồ 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H có giá trị 80.000 đồng/m2 x 722,4 m2 = 57.792.000 đồng 3. Tài sản trên đất:

01 ngôi nhà cấp IV, tường 220cm, 04 gian lợp ngói mũi được xây dựng từ năm 1990, hiên tây đổ mái bê tông cốt thép làm năm 2000, nền lát gạch men, diện tích là 61,2 m2, giá trị sử dụng còn lại 40% = 61,2 x 2.430.000 đồng/ m2 x 40% = 59.486.400 đồng.

01 bếp xây tường chịu lực, xây gạch 110cm, lợp Proximang xây dựng từ năm 1992, diện tích là 38,2 m2, giá trị sử dụng còn lại 25% = 38,2 x 1.813.000 đồng/ m2 x 25% = 17.314.150 đồng.

01 bể nước có nắp đậy, kích thước (1,2 x 4,1 x 1,5 ) = 7,38 m3, giá trị sử dụng còn lại 30% = 7,38 x 1.769.600/m3 x 30% = 3.917.894 đồng.

01 lán lợp tôn không xây tường, cao 3,25 m, kích thước (5x8,31) m, diện tích là 41,55 m2, giá trị sử dụng còn lại 40% = 41,55 x 588.500 đồng/ m2 x 40% = 9.780.870 đồng.

Nhà tắm, công trình vệ sinh lợp Proximang cao dưới 3 mét, diện tích 6,7 m2, giá trị sử dụng còn lại 30% = 6,7 x 2.080.000 đồng/ m2 x 30% = 4.180.800 đồng.

01 sân đổ bê tông có diện tích là 141,4 m2, giá trị còn lại 85% = 141,4 x 139.800 đồng/m2 x 85% = 16.802.562 đồng.

01 bộ cánh cổng sắt dài 2,9m x 3m = 8,7 m2 được làm bằng ống típ phi 27 kẽm, nặng 80kg , giá trị sử dụng còn lại 25% = 80 x 125.000 đồng/kg x 25% = 2.500.000 đồng.

Bờ tường phía cổng lối vào nhà xây gạch chỉ đỏ cao 1,4m, dài 12,4m x 1,4m = 17,36 m2, giá trị sử dụng còn lại 20% = 17,36 x 616.400 đồng/ m2 x 20% = 2.140.141 đồng.

02 trụ cổng xây gạch kích thước (0,45 x 0,45 x 3) m, giá trị sử dụng còn lại 40% = 1,22 x 2.041.800 đồng/m3 x 40% = 992.315 đồng.

Cây trồng:

230 cây cau ăn quả có đường kính dưới 20cm x 240.000 đồng/cây = 55.200.000 đồng.

48 cây cau ăn quả to có đường kính trên 20cm x 320.000 đồng/cây = 15.360.000 đồng.

23 cây na có đường kính dưới 12 cm x 220.000 đồng/cây = 5.060.000 đồng.

02 cây khế có đường kính 17cm x 120.000 đồng/cây = 240.000 đồng.

16 cây mít ta đường kính trên 20cm x 750.000 đồng/cây = 12.000.000 đồng.

45 cây mít đường kính dưới 20cm x 600.000 đồng/cây = 27.000.000 đồng. Tổng giá trị tài sản tranh chấp là: 2.445.126.991 đồng.

4. Các tài sản các đương sự đều không yêu cầu định giá nên Hội đồng định giá không định giá gồm:

02 Gian chuồng lợn cũ xây dựng từ năm 1988 hiện làm chỗ chứa đồ có diện tích là 13,50 m2.

Bờ tường phía trụ cổng phía đông giáp đường bê tông chính có chiều cao 1,3m, dài 15,18m, xây gạch bavanh; bờ tường phía trụ cổng phía Tây giáp đường bê tông chính có chiều dài 19,95m; cao 1,1m, xây gạch bavanh, tường dậu hoa giáp khu lán tôn, tường dậu giáp ông Nguyễn Thanh Tùng.

Một số cây cây mít bé, cam bé, dừa, vú sữa bé chuối, cây quất...

Nguyên đơn, bị đơn, đại diện cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều nhất trí với kết quả thẩm định, định giá không có ý kiến gì.

Tại phiên tòa: Nguyên đơn đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của bà Th2, ông H, bà X yêu cầu Tòa án tuyên bố di chúc ngày 11/02/2015 của cụ V, cụ T4 vô hiệu. Đồng thời yêu cầu Tòa án chia khối di sản của cụ V, cụ T4 để lại cho 05 người là ông T, ông T2, ông H, bà Th2 và bà X. Phần của ông T, bà Th2, ông H, bà X gộp chung vào một thửa. Do đã chia đều nên không ai phải trả chênh lệch cho ai.

Ông T không yêu cầu ông T2, ông H, bà X, bà Th2 phải hoàn trả ông T tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản.

Ông T2 trình bầy: Ông T2 không nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T2 nữa nên ông T2 từ chối luật sư, đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt luật sư. Ông T2 sẽ tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Tòa án.

Tại phiên tòa ông T2 có quan điểm: Ông T2 không yêu cầu thực hiện theo di chúc ngày 11/02/2015 của cụ V, cụ T4 nữa, ông T2 cũng không hưởng hết tài sản theo di chúc nữa, ông T2 đề nghị Tòa án chia khối di sản này cho tất cả 05 người là ông T2, ông T, ông H, bà Th2, bà X. Hiện nay ông T2 không có chỗ ở nên ông T2 đề nghị chia cho ông T2 được hưởng phần đất về phía Đông, kéo dài từ phía Bắc xuống phía Nam và toàn bộ nhà, công trình, cây cối trên phần đất về phía Đông này để ông T2 có chỗ ở, phần còn lại chia cho ông T, bà Th2, ông H, bà X. Yêu cầu tính tính toán công sức trông coi di sản, tu tạo đất và cây cối trên đất cho ông T2, bà Th bằng đất ở để đối trừ cho ông T2 và chia vào phần của người thừa kế là ông T2.

Ngoài ra các đương sự không còn yêu cầu nào khác.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T nhất trí như quan điểm của ông T. Luật sư cho rằng Di chúc của cụ V, cụ T4 ngày 11/02/2015 đã vi phạm điểm b khoản 1 Điều 650 của Bộ luật dân sự, bị đơn cũng không yêu cầu hưởng tài sản theo di chúc nên yêu cầu tuyên di chúc vô hiệu và chia thừa kế theo pháp luật, chia bằng đất ở và tài sản cho các đương sự để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự: Các đương sự đã chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án.

Bị đơn đã từ chối luật sư do bị đơn mời nên xét xử vắng mặt luật sư của bị đơn là đúng pháp luật.

Về việc giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử:

Di chúc của cụ V, cụ T4 ngày 11/02/2015 là di chúc đánh máy nhưng không đánh số trang, có sửa chữa, vi phạm về hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật dân sự. Bị đơn cũng không yêu cầu chia di sản theo di chúc mà yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.

Căn cứ theo các quy định tại Điều 650, Điều 652, khoản 2 Điều 653, Điều 657, khoản 1 Điều 658, các Điều 622, 663, 664, khoản 5 Điều 667, điểm b, đ khoản 1, 5 Điều 675 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 609, 611, 612, 613, khoản 1 Điều 623, Điều 628, 630, khoản 3 Điều 631, khoản 1 Điều 636, khoản 3 Điều 640, khoản 5 Điều 643, Điều 649, điểm b, d khoản 1 Điều 650, Điều 651, Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 6, điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 26, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì vậy đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tuyên bố di chúc ngày 11/02/2015 của cụ V, cụ T4 vô hiệu.

Chia di sản của cụ V, cụ T4 theo pháp luật. Tính công sức trông coi, giá trị cây cối ông T2, bà Th trồng, đối trừ vào giá trị di sản của cụ V, cụ T4, giá trị di sản còn lại chia cho ông T, ông T2, bà Th2, ông H, bà X. Xem xét về chỗ ở của người thừa kế để đảm bảo về chỗ ở cho người thừa kế.

Công trình xây dựng, trụ cổng, tường xây, cây cối, tài sản khác trên đất của ai thì người đó sử dụng, sở hữu.

Về án phí: Nguyên đơn được chấp nhận yêu cầu khởi kiện; nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn đều được hưởng tài sản thừa kế nên phải chịu án phí đối với giá trị tài sản được hưởng theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Miễn toàn bộ án phí dân sự cho ông T2, bà Th.

Các vấn đề khác không xét.

Ông T2, bà Th2, bà X, ông H không phải hoàn trả tiền chi phí thẩm định, định giá tài sản cho ông T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi Ngên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 sinh được 05 người con là: ông Nguyễn Hữu T, ông Nguyễn Văn T2, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X. Cụ T4 mất ngày 27/6/2018, cụ V mất ngày 26/02/2016. Cụ T4, cụ V để lại khối di sản là diện tích đất ở, đất trồng cây là 1722,4 m2 tại thửa số 94, tờ bản đồ số 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4. Những tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà cấp IV, 04 gian lợp ngói mũi được xây dựng từ năm 1990, hiên tây đổ mái bê tông cốt thép làm năm 2000, nền lát gạch men; 01 bếp xây lợp Proximang xây dựng từ năm 1992, 01 bể nước có nắp đậy, gian chuồng lợn cũ, 01 cây mít to giáp nhà.

Ngoài các tài sản này ra thì cụ V, cụ T4 không còn tài sản nào khác.

Các tài sản khác trên đất gồm: 01 lán lợp tôn không xây tường, đổ bê tông sân, 01 bộ cánh cổng sắt, 02 trụ cổng xây gạch, nhà vệ sinh là ông T2 xây, sửa trong quá trình ông T2 sử dụng. Số cây cau và các cây khác trên đất là cây do ông T2 trồng.

Về việc cụ V, cụ T4 lập di chúc: Ngày 28/01/ 2012, cụ V, cụ T4 đã lập di chúc để lại toàn bộ khối tài sản của các cụ cho ông Nguyễn Thế H, di chúc có chứng thực của UBND xã T, nhưng ngày 06/12/2013, cụ V, cụ T4 đã ra UBND xã T có văn bản xin hủy di chúc ngày 28/01/2012.

Ngày 13/12/2013, cụ V, cụ T4 lại lập di chúc, nội dung là chia tài sản của cụ V, Cụ T4 cho 05 người con, mỗi người 5 mét đất giáp đường đi chạy dài hết thửa đất, phần còn lại khi nào các cụ mất thì giao lại cho ông T để làm nhà thờ, ông T2 là viết di chúc và mang di chúc ra UBND xã T để chứng thực di chúc. Ngày 16/01/2015, cụ V, cụ T4 đưa di chúc cho ông T nhưng ông T đã từ chối không nhận tài sản và có văn bản từ chối nhận tài sản được chia.

Ngày 11/02/2015, cụ V, cụ T4 lại lập di chúc, theo nội dung của bản di chúc này thì cụ V, cụ T4 để lại toàn bộ diện tích đất diện tích 1.722,4 m2 tại thửa đất số 94, tờ bản đồ số 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 cho ông Nguyễn Văn T2 và bà Nguyễn Thị Th. Ngoài ra di chúc còn ghi rõ nghĩa vụ của ông T2, bà Th với cụ V, cụ T4.

Cả ba bản di chúc cụ V, cụ T4 lập đều quyết định về một khối tài sản của cụ V, cụ T4 là diện tích đất 1.722,4 m2 tại thửa đất số 94, tờ bản đồ số 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H. Như vậy theo quy định tại khoản 3 Điều 662, khoản 5 Điều 667 Bộ luật dân sự năm 2005; khoản 3 Điều 640, khoản 5 Điều 643 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì bản di chúc sau cùng của cụ V, cụ T4 là bản di chúc ngày 11/02/2015.

Xét về việc lập, chứng thực bản di chúc ngày 11/02/2015 của cụ V, cụ T4: Căn cứ theo cung cấp của UBND xã T, lời trình bầy của ông T2 là người được cụ V giao di chúc, thì cụ V, cụ T4 mang di chúc ra UBND xã T yêu cầu chứng thực di chúc. Cụ V, cụ T4 điểm chỉ, ký vào di chúc trước sự chứng kiến của cán bộ tư pháp xã là Ông Trần Đức Th. Cụ V, cụ T4 ký, điểm chỉ ở trang thứ hai của di chúc, chứ không ký, điểm chỉ ở trang thứ nhất của di chúc. Sau khi cụ V, cụ T4 điểm chỉ, ký vào di chúc thì ông Th đã đánh máy lời chứng và sau đó Phó chủ tịch UBND xã T tại thời điểm đó đã chứng thực di chúc. Di chúc có hai trang và một trang ghi nội dung chứng thực nhưng không đánh số từng trang, có đóng dấu giáp lai. Sau khi chứng thực di chúc xong thì đã giao lại cho cụ V giữ bản di chúc của cụ V, cụ T4.

Về việc sửa chữa ngày 30/6/2004 ở trang thứ nhất của di chúc: Ngày 04/4/2016, sau thời điểm cụ V đã chết, thời điểm này cụ T4 vẫn còn sống, ông Nguyễn Văn T2 đã tự mang di chúc được cụ V giao đến UBND xã đề nghị sửa năm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ V, cụ T4 do trong di chúc cụ V, cụ T4 lập đã ghi sai năm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ V, cụ T4 là 30/6/2004. Ông Th là cán bộ tư pháp xã đã sửa lại năm thành 30/6/2014 và đã ghi chú “Tống Trân, ngày 04/4/2016” vào trong trang 01 của di chúc, ký ghi rõ họ tên Trần Đức Th và đóng dấu UBND xã. Căn cứ theo các quy định tại Điều 650, khoản 2 Điều 653, khoản 1 Điều 658, các Điều 622, 663, 664 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 628, khoản 3 Điều 631, khoản 1 Điều 636 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc lập di chúc, chứng thực di chúc đã vi phạm về hình thức di chúc, vi phạm về chứng thực di chúc vì di chúc có nhiều trang nhưng người lập di chúc đã không ký, điểm chỉ vào trang thứ nhất của di chúc, đây là trang có nội dung quan trọng nhất của di chúc vì tại trang này di chúc chỉ định người được hưởng di sản và di sản được hưởng. Bản di chúc hiện lưu giữ tại UBND xã T có nội dung, hình thức tương tự, cũng không đánh số trang, trang đầu tiên của di chúc cũng không có chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc.

Về thủ tục chứng thực di chúc: Theo quy định thì người lập di chúc phải công bố nội dung để người chứng thực ghi chép lại, nhưng như ông Th cung cấp thì bản di chúc của cụ V, cụ T4 đã được đánh máy sẵn và cụ V, cụ T4 mang đến để xin chứng thực, người chứng thực chỉ hỏi lại là có đúng nội dung di chúc thể hiện ý chí của cụ V, cụ T4 không và sau đó viết lời chứng tại trang thứ ba. Cả hai trang di chúc và trang ghi lời chứng đều không đánh số trang. Sau khi cụ V chết, cụ T4 vẫn còn sống, ông T2 là người giữ di chúc đồng thời là người được hưởng di sản theo di chúc mang di chúc đến yêu cầu sửa chữa di chúc thì ông Th đã tự ý sửa vào di chúc chứ không phải là người lập di chúc sửa. Mặt khác tài sản của vụ Vọng, cụ T4 còn có nhà, bếp, cây cố nhưng nội dung di chúc chỉ đề cập đến tài sản là đất ở và đất trồng cây chứ không đề cập đến các tài sản khác có trên đất.

Đến nay, ông T2, bà Th là người được chỉ định là người thừa kế theo di chúc có qua điểm từ chối nhận cả di sản và đề nghị chia thừa kế cho tất cả người thừa kế theo pháp luật của cụ V, cụ T4. Việc từ chối nhận toàn bộ di sản của ông T2, bà Th là tự nguyện, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại điểm b, đ khoản 1 Điều 675 của Bộ luật dân sự năm 2005; điểm b, d khoản 1 Điều 650 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì khối tài sản là di sản của cụ V, cụ T4 sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật.

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều xác nhận ông T, ông T2, ông H, bà Th2 và bà X đều là con cụ V, cụ T4 và là người thừa kế ở hàng thứ nhất của cụ V, cụ T4. Bà Th là vợ ông T2 đã trông coi khối di sản của cụ V, cụ T4 cũng ông T2. Căn cứ yêu cầu của các đương sự thì quan hệ pháp luật cần giải quyết là “Tranh chấp về chia thừa kế”.

Bà Th2, ông H, bà X vắng mặt nhưng ông T là người đại diện theo ủy quyền của bà Th2, ông H, bà X có mặt. Ông T2 không nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T2 nữa nên ông T2 từ chối luật sư của mình, đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt luật sư. Ông T2 sẽ tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Tòa án. Vì vậy Hội đồng xét xử vắng mặt luật sư theo quy định tại Điều 227, 228 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2]. Căn cứ lời trình bầy của các đương sự và các chứng cứ đã thu thập thì có căn cứ xác định khối di sản của cụ V, cụ T4 để lại là:

Diện tích đất ở 1.000 m2 tại thửa số 94, tờ bản đồ 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H có giá trị: 2.160.000 đồng/1m2 x 1.000 m2 = 2.160.000.000 đồng.

Diện tích đất trồng cây hàng năm khác 722,4 m2 cùng thửa số 94, tờ bản đồ 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H có giá trị 80.000 đồng/m2 x 722,4 m2 = 57.792.000 đồng.

01 ngôi nhà cấp IV xây dựng từ năm 1990, hiên tây đổ mái bê tông cốt thép làm năm 2000, nền lát gạch men giá trị sử dụng còn lại là 59.486.400 đồng.

01 bếp xây tường chịu lực, lợp Proximang xây dựng từ năm 1992, giá trị sử dụng còn lại là 17.314.150 đồng.

01 bể nước có nắp đậy, giá trị sử dụng còn lại là 3.917.894 đồng.

01 cây mít ta = 750.000 đồng.

Tổng giá trị khối di sản của cụ V, Cụ T4 để lại là: 2.160.000.000 đồng + 57.792.000 đồng + 59.486.400 đồng + 17.314.150 đồng + 3.917.894 đồng + 750.000 đồng = 2.299.260.444 đồng.

Ngoài ra còn 02 gian chuồng lợn cũ xây dựng từ năm 1988 hiện làm chỗ chứa đồ có diện tích là 13,50 m2, bờ tường phía trụ cổng phía đông giáp đường bê tông chính xây gạch bavanh; bờ tường phía trụ cổng phía Tây giáp đường bê tông chính xây gạch bavanh đã cũ không còn giá trị.

Trong quá trình quản lý, sử dụng di sản, ông T2, bà Th đã tạo lập khối tài sản trên đất gồm:

01 lán lợp tôn không xây tường, giá trị sử dụng còn lại là 9.780.870 đồng. Nhà tắm, công trình vệ sinh lợp Proximang, giá trị sử dụng còn lại là 4.180.800 đồng.

01 sân đổ bê tông có diện tích là 141,4 m2, giá trị còn lại là 16.802.562 đồng.

01 bộ cánh cổng sắt gồm 2 cánh cổng, giá trị sử dụng còn lại là 2.500.000 đồng.

Bờ tường phía cổng lối vào nhà xây gạch chỉ đỏ giá trị sử dụng còn lại là 2.140.141 đồng.

02 trụ cổng xây gạch, giá trị sử dụng còn lại là 992.315 đồng. Cây trồng:

230 cây cau ăn quả có đường kính dưới 20cm x 240.000 đồng/cây = 55.200.000 đồng.

48 cây cau ăn quả to có đường kính trên 20cm x 320.000 đồng/cây = 15.360.000 đồng.

23 cây na có đường kính dưới 12 cm x 220.000 đồng/cây = 5.060.000 đồng.

02 cây khế có đường kính 17cm x 120.000 đồng/cây = 240.000 đồng.

15 cây mít ta đường kính trên 20cm x 750.000 đồng/cây = 11.250.000 đồng.

45 cây mít đường kính dưới 20cm x 600.000 đồng/cây = 27.000.000 đồng.

Ông T2 còn xây dựng tường dậu hoa giáp khu lán tôn và trồng một số cây cây mít bé, cam bé, dừa, vú sữa bé chuối, cây quất... nhưng các đương sự không yêu cầu định giá các tài sản này.

Khối tài sản ông T2, bà Th tạo lập có giá trị là 150.506.688 đồng.

[3]. Do di chúc của cụ V, cụ T4 vi phạm về hình thức di chúc, vi phạm về chứng thực di chúc, ông T2, bà Th là người được chỉ định là người thừa kế theo di chúc từ chối nhận cả di sản và đề nghị chia thừa kế cho tất cả người thừa kế theo pháp luật của cụ V, cụ T4. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại điểm b, đ khoản 1 Điều 675 của Bộ luật dân sự năm 2005, điểm b, d khoản 1 Điều 650 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì khối di sản của cụ V, cụ T4 sẽ được phân chia theo quy định về thừa kế theo pháp luật.

[4]. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận định:

Về người thừa kế: Khối di sản do cụ V, cụ T4 để lại chưa được chia thừa kế. Ông T, ông T2, ông H, bà Th2 và bà X đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của cụ V, cụ T4. Do vậy toàn bộ khối di sản của cụ V, cụ T4 sẽ được chia cho ông T, ông T2, ông H, bà Th2 và bà X.

Giá trị khối tài sản của cụ V, cụ T4 chia thừa kế là: 2.299.260.444 đồng.

Ngoài ra còn 02 gian chuồng lợn cũ xây dựng từ năm 1988 hiện làm chỗ chứa đồ, bờ tường phía trụ cổng phía đông giáp đường bê tông chính xây gạch bavanh; bờ tường phía trụ cổng phía Tây giáp đường bê tông chính xây gạch bavanh đã cũ không còn giá trị.

Ông T, ông H, bà Th2 và bà X đề nghị chia 04 suất thừa kế của ông T, ông H, bà Th2 và bà X gộp chung làm một suất nên chấp nhận sự tự nguyện này, chia gộp chung 04 suất thừa kế của ông T, ông H, bà Th2 và bà X làm một.

Do những người thừa kế đều yêu cầu được chia thừa kế bằng hiện vật, ông T2 là người tàn tật, hiện đang có nhu cầu về chỗ ở và đang quản lý, sử dụng di sản nên sẽ chia thừa kế bằng đất cho những người thừa kế trên cơ sở đảm bảo giá trị sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất và sự ổn định trong quản lý đất đai.

Trong quá trình sử dụng đất, vợ chồng ông T2 đã ở và trông coi khối di sản của cụ V, Cụ T4 từ năm 2019 cho đến nay, ông T2 yêu cầu được tính công sức trông coi, tu tạo di sản và cây cối của vợ chồng ông T2 đã trồng trên đất và chia giá trị đó bắng đất và tài tài sản trên đất cho ông T2. Vì vậy áng trích công sức cho ông T2 trong khối tài sản của cụ V, cụ T4 là 40.000.000 đồng và 100.280.000 đồng giá trị số cây trên đất Tuyền, ông H, bà Th2 và bà X được chia sẽ đối trừ sang di sản, tính bằng đất ở cho ông T2.

Tổng giá trị khối di sản của cụ V, cụ T4 sau khi áng trích công sức và đối trừ tiền giá trị cây cối cho vợ chồng ông T2 còn là: 2.299.260.444 đồng - 140.280.000 đồng = 2.158.980.444 đồng, sẽ chia đều cho ông T, ông T2, ông H, bà Th2 và bà X, mỗi người thừa kế sẽ được khối tài sản có giá trị làm tròn số là: 2.158.980.444 đồng : 5 = 431.796.000 đồng.

Giao cho ông T, ông H, bà Th2 và bà X diện tích đất là 935,6 m2 đất, trong đó có 511,7 m2 đất ở và 423,9 m2 đất trồng cây hàng năm. Giá trị di sản ông T, ông H, bà Th2 và bà X được hưởng là: (511,7 m2 x 2.160.000 đồng/m2) + (423,9 m2 x 80.000 đồng/m2) = 1.105.272.000 đồng + 33.912.000 đồng = 1.139.184.000 đồng.

Tài sản trên đất:

230 cây cau x 240.000 đồng/cây = 55.200.000 đồng.

48 cây cau x 320.000 đồng/cây = 15.360.000 đồng.

11 cây na x 220.000 đồng/cây = 2.420.000 đồng.

10 cây mít x 750.000 đồng/cây = 7.500.000 đồng.

33 cây mít x 600.000 đồng/cây = 19.800.000 đồng. Giá trị cây cối trên đất là: 100.280.000 đồng.

Số cây này do ông T2 trồng nên lẽ ra ông T, ông H, bà Th2 và bà X phải trả số tiền này cho ông T2, bà Th nhưng sẽ đối trừ sang di sản, tính bằng đất ở cho ông T2 nên ông T, ông H, bà Th2 và bà X không phải trả bằng tiền cho ông T2, bà Th.

Trên đất còn 02 gian chuồng lợn cũ và diện tích sân bê tông.

Giao cho ông T2 diện tích đất là 786,8 m2 đất, trong đó có 488,3 m2 đất ở và 298,5 m2 đất trồng cây hàng năm. Giá trị di sản ông T2 được hưởng là: (488,3 m2 x 2.160.000 đồng/m2) + (298,5 m2 x 80.000 đồng/m2) = 1.054.728.000 đồng + 23.880.000 đồng = 1.078.608.000 đồng.

Di sản trên đất:

01 ngôi nhà cấp IV giá trị sử dụng còn lại 59.486.400 đồng.

01 bếp xây tường chịu lực giá trị sử dụng còn lại 17.314.150 đồng.

01 bể nước có nắp đậy giá trị sử dụng còn lại 3.917.894 đồng.

Nhà tắm, công trình vệ sinh giá trị sử dụng còn lại 4.180.800 đồng.

01 cây mít 750.000 đồng.

Giá trị di sản trên đất: 85.649.244 đồng.

Tổng giá trị di sản ông T2 được giao là 1.164.257.000 đồng.

T2:

Các tài sản trên đất do ông T2 tạo lập trên đất ông T2 được giao:

01 lán lợp tôn giá trị sử dụng còn lại 9.780.870 đồng.

01 sân đổ bê tông.

01 bộ cánh cổng sắt giá trị sử dụng còn lại 2.500.000 đồng.

Bờ tường phía cổng lối vào nhà giá trị sử dụng còn lại 2.140.141 đồng.

01 trụ cổng xây gạch.

Cây trồng trên đất được giao của ông T2 do ông T2 trồng nên giao cho ông 12 cây na có đường kính dưới 12 cm x 220.000 đồng/cây = 2.640.000 đồng.

02 cây khế 240.000 đồng.

06 cây mít 4.500.000 đồng.

12 cây mít 7.200.000 đồng.

Số tiền công tu tạo tài sản tính cho ông T2, bà Th và số tiền cây ông T, ông H, bà Th2 và bà X trả cho ông T2, bà Th là 40.000.000 đồng + 100.280.000 đồng = 140.280.000 đồng sẽ được tính bằng đất ở cho ông T2 làm tròn số là:

140.280.000 đồng : 2.160.000 đồng/m2 = 65 m2 đất ở và sẽ được đối trừ vào phần giá trị di sản ông T2 được hưởng.

Giá trị di sản ông T2 được hưởng trừ đi tiền công sức tu tạo di sản của ông T2, bà Th và tiền đối trừ cây cối còn là: 1.164.257.000 đồng - 140.280.000 đồng = 1.023.977.000 đồng.

Giá trị di sản ông T2 được hưởng cao hơn người thừa kế khác là:

1.023.977.000 đồng - 431.796.000 đồng = 592.181.000 đồng.

Số tiền này ông T2 phải thanh toán trả chênh lệch cho ông T, ông H, bà Th2 và bà X (làm tròn số) mỗi người là 592.181.000 đồng : 4 =148.045.000 đồng.

Các tài sản khác, công trình xây dựng, cổng, tường xây, cây cối trên đất của ai thì người đó sử dụng, sở hữu.

Các đương sự tự mởi lối đi trên đất ở được chia.

[5]. Về án phí: Nguyên đơn được chấp nhận yêu cầu khởi kiện; nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn đều được hưởng tài sản thừa kế nên phải chịu án phí đối với giá trị tài sản được hưởng theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án theo giá trị di sản mỗi người được chia là 431.796.000 đồng.

Ông T2 là người tàn tật, bà Th là thân nhân liệt sỹ và có đơn xin miễn án phí nên căn cứ theo điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14 của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, miễn toàn bộ án phí chia tài sản cho ông T2, bà Th.

Về chi phí thẩm định, định giá tài sản: Số tiền chi phí định giá, thẩm định tài sản ông T đã chi phí là 7.440.886 đồng , ông T không thắc mắc gì về tiền chi phí thẩm định, định giá và đã thanh toán xong, ông T không yêu cầu những người được hưởng di sản thừa kế phải hoàn trả cho ông T tiền chi phí định giá, thẩm định nên không buộc ông H, ông T2, bà Th2, bà X phải hoàn trả số tiền này cho ông T.

[6]. Các vấn đề khác Hội đồng xét xử không xét. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ theo các quy định tại Điều 622, Điều 650, Điều 652, khoản 2 Điều 653, Điều 657, khoản 1 Điều 658, các Điều 622, 663, 664, khoản 5 Điều 667, điểm b, đ khoản 1, 5 Điều 675 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 609, 611, 612, 613, khoản 1 Điều 623, Điều 628, 630, khoản 3 Điều 631, khoản 1 Điều 636, khoản 3 Điều 640, khoản 5 Điều 643, Điều 649, điểm b, d khoản 1 Điều 650, Điều 651, Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 6, điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 26, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Hữu T về yêu cầu chia thừa kế.

Tuyên bố bản di chúc ngày 11/02/2015 của cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 vô hiệu toàn bộ.

Chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 theo pháp luật.

2. Xác định di sản của cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 để lại gồm:

Diện tích đất ở 1.000 m2, diện tích đất trồng cây hàng 722,4 m2 tại thửa số 94, tờ bản đồ 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H và các tài sản trên đất gồm: 01 ngôi nhà cấp IV xây dựng từ năm 1990, hiên tây đổ mái bê tông cốt thép, 01 bếp xây, 01 bể nước có nắp đậy, 01 cây mít.

Tổng giá trị khối di sản của cụ V, cụ T4 để lại là: 2.299.260.444 đồng. Ngoài ra còn 02 gian chuồng lợn cũ, bờ tường phía trụ cổng phía đông giáp đường bê tông chính xây gạch bavanh; bờ tường phía trụ cổng phía Tây giáp đường bê tông chính xây gạch bavanh đã cũ không còn giá trị.

3. Áng trích công sức trông nom, bảo quản, công sức tu tạo đất cho vợ chồng ông Nguyễn Văn T2 và Bà Nguyễn Thị Th trong khối di sản của cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 là 40.000.000 đồng và đối trừ giá trị cây cối ở phần di sản ông T, bà Th2, ông H và bà X được chia là 100.280.000 đồng, tổng số là 140.280.000 đồng.

4. Giá trị di sản của cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 còn lại để chia thừa kế là 2.299.260.444 đồng - 140.280.000 đồng = 2.158.980.444 đồng.

5. Chia thừa kế theo pháp luật di sản của cụ Nguyễn Như V và cụ Nguyễn Thị T4 cho ông Nguyễn Hữu T, ông Nguyễn Văn T2, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X, mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế có giá trị làm tròn số là: 2.158.980.444 đồng : 5 = 431.796.000 đồng.

6. Chấp nhận sự thỏa thuận của ông Nguyễn Hữu T, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X chia gộp chung làm một.

7. Giao cho ông Nguyễn Hữu T, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X diện tích đất 935,6 m2 đất tại thửa số 94, tờ bản đồ 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H trong đó có 511,7 m2 đất ở và 423,9 m2 đất trồng cây hàng năm. Diện tích đất giao cho ông Nguyễn Hữu T, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X thể hiện hình nối các điểm 1,2,9, 6,7,8 trên sơ đồ. Giá trị đất di sản ông T, ông H, bà Th2 và bà X được hưởng là: 1.139.184.000 đồng.

Các tài sản trên đất: 278 cây cau, 11 cây na, 43 cây mít.

Giá trị cây cối trên đất là: 100.280.000 đồng.

Trên đất còn 02 gian chuồng lợn cũ và diện tích sân bê tông.

8. Giao cho ông Nguyễn Văn T2 diện tích đất là 786,8 m2 đất tại thửa số 94, tờ bản đồ 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H, trong đó có 488,3 m2 đất ở và 298,5 m2 đất trồng cây hàng năm. Diện tích đất giao cho ông Nguyễn Văn T2 thể hiện hình nối các điểm 2, 3, 4,5,6,9 trên sơ đồ. Giá trị đất di sản ông T2 được hưởng là 1.078.608.000 đồng.

Di sản là tài sản trên đất: 01 ngôi nhà cấp IV, 01 bếp xây tường chịu lực, 01 bể nước có nắp đậy, nhà tắm, công trình vệ sinh, 01 cây mít, giá trị di sản là tài sản trên đất: 85.649.244 đồng.

Tổng giá trị di sản ông T2 được giao là 1.164.257.000 đồng - 140.280.000 đồng = 1.023.977.000 đồng.

Giao cho ông T2 các tài sản trên đất do ông T2 tạo lập trên đất ông T2 được giao: 01 lán lợp tôn, 01 sân đổ bê tông sau khi đã trừ đi phần sân nằm trên đất của ông T, bà Th2, ông H, bà X, 01 bộ cánh cổng sắt, bờ tường phía cổng lối vào nhà, 01 trụ cổng xây gạch, 12 cây na, 02 cây khế, 18 cây mít.

9. Buộc ông Nguyễn Văn T2 phải trả tiền chênh lệch về giá trị tài sản cho ông Nguyễn Hữu T, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X mỗi người là 148.045.000 đồng.

Buộc ông Nguyễn Văn T2 phải giao diện tích đất 935,6 m2 tại thửa số 94, tờ bản đồ 43 ở thôn A, xã T, huyện P, tỉnh H trong đó có 511,7 m2 đất ở và 423,9 m2 đất trồng cây hàng năm. Diện tích đất giao cho ông Nguyễn Hữu T, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X thể hiện hình nối các điểm 1,2,9, 6,7,8 trên sơ đồ. Các tài sản trên đất: 278 cây cau, 11 cây na, 43 cây mít, 02 gian chuồng lợn cũ và diện tích sân bê tông trên đất cho ông Nguyễn Hữu T, bà Nguyễn Thị Th2, ông Nguyễn Thế H và bà Nguyễn Thị X Các công trình xây dựng, trụ cổng, tường xây, cây cối, tài sản khác trên đất của ai thì người đó sử dụng, sở hữu.

(Có sơ đồ kèm theo).

Các đương sự phải tự mở lối đi trên phần diện tích đất được chia.

10. Về án phí:

Miễn toàn bộ án phí dân sự cho ông Nguyễn Văn T2 và bà Nguyễn Thị Th.

Ông Nguyễn Hữu T phải chịu 21.271.840 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, đối trừ vào số tiền ông T đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm là 15.779.200 đồng theo biên lai thu số 0006173 ngày 17/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, ông T còn phải nộp 5.492.640 đồng tiền án phí dân sự.

Ông Nguyễn Thế H, bà Nguyễn Thị Th2, bà Nguyễn Thị X mỗi người phải nộp 21.271.840 đồng tiền án phí dân sự.

11. Về chi phí thẩm định, định giá tài sản:

Ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Thế H, bà Nguyễn Thị Th2, bà Nguyễn Thị X không phải hoàn trả tiền thẩm định, định giá tài sản cho ông Nguyễn Hữu T.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

12. Các vấn đề khác Hội đồng xét xử không xét.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

167
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 04/2023/DS-ST

Số hiệu:04/2023/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bình Lục - Hà Nam
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:15/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về