Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 01/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ, TỈNH HƯNG YÊN

BẢN ÁN 01/2022/DS-ST NGÀY 25/03/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Ngày 25 tháng 3 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh H xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2021/TLST-DS ngày 05 tháng 01 năm 2021 về việc “Tranh chấp chia thừa kế tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2022/QĐXXST-DS ngày 07 tháng 02 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2022/QĐST-DS ngày 04/3/2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1963. Địa chỉ: thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1956. Địa chỉ: thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1964.

Địa chỉ: Tổ 7, khu phố A, phường C, thành phố CP, tỉnh Q.

Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1969. Địa chỉ: Ấp C, xã N, huyện PT, tỉnh C.

Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1961.

Địa chỉ: thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Ông Nguyễn Quang N, sinh năm 1939- Trưởng họ Nguyễn Quang -Vắng mặt.

Địa chỉ: Thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Người đại diện cho bà Th, ông H theo ủy quyền:

Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1963.

Địa chỉ: thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Ông Đ, ông T, bà M có mặt tại phiên tòa. Những người tham gia tố tụng khác: Người làm chứng:

Ông Nguyễn Văn Nh, sinh năm 1957-Có mặt.

Địa chỉ: thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1958-Vắng mặt.

Địa chỉ: thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, lời trình bầy của các đương sự và quá trình điều tra, nội dung vụ án như sau:

Cụ Nguyễn Văn C và Nguyễn Thị V sinh được 04 người con gồm: Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị Th, ông Nguyễn Văn H và ông Nguyễn Văn Đ.

Cụ V mất ngày 10/3/2008, cụ C mất ngày 28/10/2019. Khi mất hai cụ không có di chúc gì.

Cụ C, Cụ V để lại khối di sản là diện tích đất ở 422,2 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, trên đất còn lại bốn gian nhà cấp 4, mái lợp tôn nhà đã xuống cấp, bếp cũng đã cũ và 2,84 sào đất nông nghiệp nằm chung tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H. Khoảng năm 2018 âm lịch, khi cụ C còn sống, thì ông Đ, ông H, bà Th, ông T và cụ C đã đồng ý hiến, chuyển nhượng đất cho nhà thờ họ Nguyễn Quang do ông Nguyễn Quang N trưởng họ làm đại diện một phần diện tích đất. Theo ông Đ thì chỉ có 5 mét chiều ngang nhưng sau đó ông T tự ý chuyển nhượng thành 7 mét chiều ngang. Hiện tại diện tích đất hiến và chuyển nhượng nhà thờ đang quản lý, sử dụng. Nhà thờ đã xây tường bao đất ngăn giữa đất còn lại của cụ C, Cụ V với đất nhà thờ. Khi nhà thờ xây tường, anh em ông T đều biết nhưng không có ý kiến gì. Nguyên đơn, bị đơn, đại diện cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tranh chấp gì và không yêu cầu Tòa án giải quyết về phần đất đã chuyển nhượng và hiến này cho nhà thờ. Kêt quả thẩm định hiện trạng đất ở của cụ C, Cụ V còn lại là 306 m2.

Về ruộng nông nghiệp: Các đương sự đều khẳng định cụ C, Cụ V có 2,84 sào đất nông nghiệp nằm chung tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H. Hiện nay vợ chồng ông T đang quản lý.

Các đương sự đều xác định 306 m2 đất ở còn lại, tài sản trên đất và 2,84 sào ruộng là di sản của cụ C, Cụ V và yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật các tài sản này cho bốn người thừa kế là ông Đ, ông T, ông H và bà Th.

Nguyên đơn và là người đại đại diện cho ông H, bà Th có quan điểm:

Về đất ở, tài sản trên đất: Nguyên đơn cho rằng ông T đã tự ý chuyển nhượng thêm cho nhà thờ chiều giáp đường đi, hướng Bắc là 02 mét, kéo chạy thẳng hết đất của cụ C về hướng Nam nên ông T đã chuyển nhượng hết phần của ông T rồi thì ông T không được chia phần di sản của cụ C, Cụ V nữa. Phần di sản là đất ở còn lại theo kết quả thẩm định là 306 m2 đất, trên đất có nhà, công trình, cây cối này là phần của ông Đ, bà Th và ông H. Ông Đ, ông H và bà Th yêu cầu được hưởng di sản bằng đất, phần của ông Đ, bà Th, ông H gộp vào chung vào một mảnh.

Về ruộng nông nghiệp: Yêu cầu chia đều cho bốn người là ông T, ông Đ, bà Th, ông H. Phần của ông Đ, bà Th, ông H cũng chia gộp vào một thửa.

Ngoài ra nguyên đơn còn yêu cầu ông T phải trả nguyên đơn số tiền 540.000 đồng nguyên đơn cho rằng ông T cấy 09 miếng ruộng của nguyên đơn trong diện tích 2,84 sào này vì trước đây ông T đã tự chia cho ông Đ cấy nhưng ông Đ không cấy mà ông T đã cấy và thu hoạch ở diện tích 09 miếng ruộng này. Ông Đ không chấp nhận biên bản bán ruộng mà bà M cho rằng cụ C đã bán 2,84 sào ruộng cho bà M nên ông Đ, bà Th, ông H không chấp nhận trả bà M số tiền 56.000.000 đồng như bà M, ông T đã yêu cầu.

Bị đơn, bà M có quan điểm:

Ông T, bà M cũng xác định khối di sản còn lại của cụ C, Cụ V để lại gồm: Diện tích đất ở còn lại là 306 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, trên đất còn lại bốn gian nhà cấp 4, mái lợp tôn nhà đã xuống cấp, bếp cũng đã cũ và diện tích 2,84 sào đất nông nghiệp nằm chung tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H. Hiện nay ông T, bà M đang quản lý diện tích đất nông nghiệp này. Khi cụ C còn sống thì cụ C là người chuyển nhượng đất cho nhà thờ họ Nguyễn Quang chứ không phải ông T, có cả địa chính xã về đo hộ, diện tích đất chuyển nhượng cho nhà thờ hiện trạng như nhà thờ đang sử dụng, việc chuyển nhượng là do cụ C quyết định, khi cụ C chuyển nhượng đất thì anh em ông T đều biết nhưng không có ý kiến gì. Vì vậy việc ông Đ nói ông T đứng ra chuyển nhượng đất, viết giấy tờ và giữ giấy tờ là không đúng. Cho đến nay ông T, bà M cũng không có tranh chấp gì đối với diện tích đất đã chuyển nhượng cho nhà thờ, không yêu cầu Tòa án giải quyết về diện tích đất cụ C đã chuyển nhượng cho nhà thờ.

Về yêu cầu chia thừa kế của ông Đ và bà Th, ông H, ông T, bà M có quan điểm như sau:

Ông T, bà M nhất trí chia thừa kế 306 m2 đất ở, tài sản trên đất cho bốn người con của cụ C, Cụ V là ông T, ông Đ, bà Th, ông H. Ông T yêu cầu được chia thừa kế phần của ông T bằng đất.

Diện tích đất 2,84 sào đất nông nghiệp: Bà M cho rằng cụ C đã chuyển nhượng cho bà M nhưng nay anh em ông T yêu cầu chia thừa kế thì bà M nhất trí trả lại 2,84 sào ruộng này để chia thừa kế cho 4 người là ông Đ, bà Th, ông H và ông T nhưng ông Đ, bà Th, ông H và ông T phải trả cho bà M số tiền bà M đã đưa cho cụ C là 56.000.000 đồng và lãi suất của số tiền này theo mức là 6.000.000 đồng/năm tính từ tháng 5/2018 cho đến nay, mỗi người phải trả ¼ số tiền cho bà M.

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án giải thích về việc tính công sức trông coi, nộp thuế, tu tạo di sản nhưng đều không yêu cầu được chia công sức trông coi, nộp thuế, tu tạo di sản của cụ C, Cụ V.

Tiền chi phí thẩm định, định giá ông Đ đã thanh toán và nhận lại tiền thừa, ông Đ không thắc mắc gì về số tiền này và không yêu cầu bị đơn, người liên quan phải trả tiền này, ông Đ tự chịu các chi phí này.

Ông Nguyễn Quang N, là trưởng họ Nguyễn Quang trình bầy:

Năm 2018, cụ C còn khỏe mạnh, minh mẫn, do khuôn viên nhà thờ Nguyễn Quang chật chội nên cụ C đã hiến tặng cho nhà thờ một phần đất của cụ C. Việc cụ C hiến tặng có Giấy tờ là đơn đề nghị và Hợp đồng chuyển nhượng đất ngày 26/02/2018, cụ C là người trực tiếp hiến tặng cho nhà thờ. Kể từ khi cụ C chuyển nhượng nhà thờ đã sử dụng, xây tường bao từ đó cho đến nay. Khi cụ C chuyển nhượng thì ông Đ, ông T đều biết nhưng không có ý kiến gì. Nhà thờ đã sử dụng đất từ đó cho đến nay không có ai tranh chấp gì về diện tích đất này. Nhà thờ không có tranh chấp với ai, nhà thờ không có yêu cầu gì nên ông N đề nghị Tòa án giải quyết, xét xử vắng mặt.

Ngoài ra nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn không còn yêu cầu nào khác.

Ông Nguyễn Văn Nh trình bầy: Khoảng tháng 5 năm 2018, bà M có hỏi vay tiền ông Nh nói là để trả tiền mua ruộng của cụ C, ông Nh cho bà M vay số tiền là 60 triệu đồng. Khi ông Nh mang tiền đến nhà cụ C, tại đây có bà M, cụ C, ông Nh còn nói chuyện với cụ C, cụ C còn khỏe, minh mẫn, cụ C nói rằng không cấy được ruộng nữa nên định bán ruộng đi, bà M là con dâu bảo sẽ mua lại, cụ C bán cho người ngoài thế nào thì bà M sẽ trả như vậy. Sau đó ông Nh đưa tiền cho bà M vay, còn việc bà M, cụ C mua bán thế nào, tiền nong giữa hai người bao nhiêu ông Nh không biết.

Ông Nguyễn Văn S là trưởng thôn Khả Duy trình bầy: Về việc bà M mua ruộng của cụ C cụ thể như thế nào ông S không biết. Ông S chỉ nhớ khoảng tháng 5 năm 2018, bà M có đến nhờ ông S xác nhận vào Giấy mua bán ruộng giữa bà M và cụ C. Giấy này không có ngày tháng gì, khi xác nhận thì Giấy tờ đã viết xong và đã có điểm chỉ của cụ C rồi. Ông S chỉ chứng kiến sự việc như vậy. Sau đó khi anh em ông T tranh chấp thừa kế, bà M có nhờ ông S viết xác nhận lại sự việc ông S đã xác nhận Giấy bán ruộng của cụ C nên ông S đã viết Giấy xác nhận cho bà M ngày 18/01/2021.

Ông S đã được Tòa án cho xem Biên bản bán ruộng không đề ngày và Giấy xác nhận đề ngày 18/01/2021 do bà M cung cấp cho Tòa án, ông S khẳng định chữ ký, chữ viết, chữ ký ở phần xác nhận của chính quyền thôn Khả Duy trong Biên bản bán ruộng và chữ viết, chữ ký trong Giấy xác nhận ngày 18/01/2021 đúng là chữ ký, chữ viết của ông S.

Kết quả thẩm định, định giá tài sản xác định:

1. Diện tích đất ở 422,2 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 ở thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, đo đạc thực tế sau khi trừ đi diện tích đã chuyển nhượng cho nhà tờ Nguyễn Quang còn lại là 306 m2 đất ở, trên đất có 04 gian nhà cấp 4 mái lợp tôn, theo nguyên đơn nhà xây dựng từ năm 1970, theo bị đơn xây năm 1977, năm 2018 lát nền nhà, lợp tôn, đo đạc cụ thể diện tích 60,1 m2, 01 bếp cũ đổ, bể nước, tường bao, cổng, 04 cây nhãn đường kính mỗi cây là 30 cm, 01 cây mít đường kính 10 cm, 01 cây vải đường kính 0,8 cm, 01 cây bưởi đường kính 11 cm.

2. Diện tích 2,84 sào ruộng = 1.022,4 m2 nằm trong thửa số 127, tờ bản đồ 13 ở khu Đồng Ma, thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Tại biên bản định giá ngày 18/10/2021, Hội đồng định giá tài sản đã kết luận:

Giá đất ở tại vị trí tranh chấp có giá là 600.000 đồng/1m2. Giá đất trồng lúa là 80.000 đồng/1m2.

Diện tích đất ở 422,2 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 ở thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H có giá trị: 600.000 đồng/1m2 x 422,2 m2 = 253.320.000 đồng.

(Diện tích còn lại là 306 m2 x 600.000 đồng/m2 = 183.600.000 đồng).

04 gian nhà cấp 4 mái lợp tôn đã trừ khấu hao quá trình sử dụng, chỉ tính giá giá trị còn lại trên cơ sở vật liệu là 76.331.617 đồng gồm: Mái tôn giá trị 5.558.739 đồng + Gạch lát nền giá trị: 4.104.500 đồng + Tường nhà có giá trị:

66.668.378 đồng.

Diện tích 2,84 sào ruộng = 1.022,4 m2 có giá trị theo giá hiện tại là:

1.022,4 x 80.000 đồng/1m2 = 81.792.000 đồng.

Tổng giá trị tài sản tranh chấp là: 411.443.617 đồng.

Các tài sản các đương sự đều không yêu cầu định giá nên Hội đồng định giá không định giá gồm: các tài sản không còn giá trị: 01 bếp cũ đổ, bể nước, tường bao, cổng. 04 cây nhãn đường kính mỗi cây là 30 cm, 01 cây mít đường kính 10 cm, 01 cây vải đường kính 0,8 cm, 01 cây bưởi đường kính 11 cm, diện tích khu lán mái tôn, kho, nhà vệ sinh hiện đang thuộc quản lý của nhà thờ họ Nguyễn Quang.

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều nhất trí với kết quả định giá không có ý kiến gì.

Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện P, tỉnh H cung cấp:

Diện tích đất ở 422,2 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H: Nguồn gốc diện tích đất này mang tên cụ Nguyễn Văn C. Theo bản đồ và sổ mục kê đất lập năm 1998 thể hiện tại thửa 112, tờ bản đồ số 36, diện tích đất là 422,2 m2, đất ở nông thôn mang tên Nguyễn Văn C.

Theo bản đồ và sổ mục kê đất lập năm 2014 thể hiện tại thửa 153, tờ bản đồ số 39, diện tích đất là 422,2 m2, đất ở nông thôn mang tên Nguyễn Văn C.

Đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chủ sử dụng là cụ Nguyễn Văn C số CHO1786 theo Quyết định ngày 28/11/2014 của UBND huyện P. Trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND xã đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không có tranh chấp về quyền sử dụng đất. Hiện tại toàn bộ diện tích đất vẫn mang tên cụ C.

Vào năm 2018, UBND xã không xác định chính xác ngày, tháng cụ thể, khi đó cụ C còn khỏe mạnh, minh mẫn, cụ C đã chuyển nhượng một phần diện tích đất của cụ C cho nhà thờ Nguyễn Quang ở bên cạnh đất cụ C như nhà thờ đã sử dụng và hiện trạng hiện nay. Việc cụ C chuyển nhượng cho nhà thờ thế nào thì UBND xã không biết vì hai bên không làm thủ tục chuyển nhượng thông qua UBND xã mà tự chuyển nhượng với nhau. UBND xã chỉ biết có việc cụ C chuyển nhượng cho nhà thờ vì trực tiếp cụ C, ông Nguyễn Quang N là người quản lý nhà thờ Nguyễn Quang đã ra xã nhờ cán bộ địa chính của xã đến để đo đạc, xác định hiện trạng đất cụ C chuyển nhượng cho nhà thờ. Cán bộ địa chính xã đã đến đo giúp cho hai bên, khi đo cụ C là người trực tiếp chỉ mốc phần đất cụ C chuyển nhượng cho nhà thờ để địa chính xã đo hộ diện tích, hiện trạng chuyển nhượng cho nhà thờ, khi đó ông T và ông Đ đều biết. Do hai bên chỉ nhờ đo hộ để xác định hiện trạng chuyển nhượng nên không có biên bản, giấy tờ gì mà chỉ xác định trên hiện trạng đất. Phần diện tích đất cụ C chuyển nhượng cho nhà thờ, nhà thờ đã sử dụng, xây tường ngăn như hiện nay. Cho đến nay UBND xã không biết cụ thể cụ C và nhà thờ đã chuyển nhượng diện tích là bao nhiêu, cụ thể việc chuyển nhượng như thế nào vì hai bên không bên nào làm thủ tục chuyển nhượng với UBND xã. Hiện tại, toàn bộ diện tích đất này vẫn mang tên cụ C.

Trước đây và kể cả sau khi cụ C chuyển nhượng cho nhà thờ thì diện tích đất này không có tranh chấp với ai. Chỉ sau khi cụ C mất, anh em ông Đ, ông T, bà Th, ông H là con cụ C mới xảy ra tranh chấp chia thừa kế về diện tích đất này. Khi các con cụ C tranh chấp, UBND xã đã tiến hành giải quyết, hòa giải theo thẩm quyền nhưng không được nên các đương sự đã khởi kiện chia thừa kế tại Tòa án.

Diện tích đất nhà thờ Nguyễn Quang và diện tích đất cụ C đã chuyển nhượng cho nhà thờ Nguyễn Quang hiện nay do họ Nguyễn Quang đang sử dụng và không có tranh chấp với ai. Phần diện tích đất nhà thờ được chuyển của cụ C nhà thờ cũng chưa làm thủ tục gì.

Diện tích đất đo đạc hiện trạng dôi ra của cụ C là do quá trình sử dụng đất chủ sử dụng đất đã lấn ra ngõ đi chứ không có tranh chấp với ai.

Về 2,84 sào đất nông nghiệp nằm chung tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H: Đây là diện tích đất nông nghiệp vợ chồng cụ C được giao theo định mức mỗi người là 1,42 sào. Toàn bộ diện tích đất này mang tên cụ C và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 29/6/2015. Theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất mang tên cụ C là 1.533,7 m2 nhưng trong số này có cả phần diện tích đất của ông H là con cụ C. Phần của vợ chồng cụ C là 1.022, 4 m2 như hiện trạng đã thẩm định của Tòa án. Do cụ C đã mất, các con của cụ C đang có tranh chấp nên chưa giao được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp mà hiện tại UBND xã vẫn đang quản lý. Diện tích ruộng của vợ chồng cụ C từ trước đến nay cũng không có tranh chấp với ai. Chỉ đến khi các con cụ C khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của cụ C thì mới có tranh chấp giữa các con của cụ C với nhau. Cho đến nay diện tích đất này vẫn mang tên cụ C, UBND xã cũng chưa nhận được yêu cầu về việc làm thủ tục chuyển nhượng gì với diện tích đất nông nghiệp này còn việc cụ C có chuyển nhượng với ai không thì UBND xã không biết vì không ai làm thủ tục gì qua xã.

Về việc tranh chấp thừa kế giữa các đương sự: UBND xã Đoàn Đào có quan điểm đề nghị Tòa án giải quyết theo các quy định của pháp luật. UBND xã không yêu cầu Tòa án giải quyết nội dung gì.

Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện P, tỉnh H cung cấp: Ngày 28/11/2014, Ủy ban nhân dân huyện P, tỉnh H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất ở 422,2 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ số 39, địa chỉ: thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H cho cụ Nguyễn Văn C. Tuy nhiên cụ C chưa đến lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cụ C đã mất nên hiện tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ C đang được lưu giữ tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện P. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ C được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Kể từ thời điểm cấp Giấy chứng nhận cho đến nay không có ai có khiếu nại gì về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp Tòa án giải quyết chia thừa kế đối với đất cho các đương sự thì sau khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án, các đương sự có quyền làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được chia theo quyết định của Tòa án, cơ quan quản lý đất đai sẽ điều chỉnh biến động về đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được chia đất chứ không phải hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp.

Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện P không liên quan đến việc tranh chấp thừa kế giữ các đương sự, không yêu cầu Tòa án giải quyết nội dung gì nên Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện P từ chối tham gia tố tụng tại Tòa án.

Tại phiên tòa: Ông Đ vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, ông Đ không yêu cầu gì với diện tích đất đã chuyển nhượng cho nhà thờ. Ông Đ nhất trí chia diện tích 306 m2 đất ở, tài sản trên đất và đất nông nghiệp của cụ C, Cụ V cho 4 người là ông Đ, ông T, ông H, bà Th nhưng sau đó ông Đ lại thay đổi quan điểm cho rằng ông T đã bán đất và nếu chia cho ông T thì sợ ông T lại bán nốt nên không nhất trí chia đất ở cho ông T nữa. Đối với số tiền 56.000.000 đồng bà M yêu cầu, ông Đ đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bị đơn đề nghị chia đều khối di sản thừa kế còn lại của cụ C, Cụ V cho bốn người là ông Đ, ông T, bà Th và ông H. Phần đất cụ C đã chuyển nhượng cho nhà thờ, bị đơn không yêu cầu gì với phần diện tích này. Ông Đ, ông T, bà Th, ông H mỗi người trả bà M 14.000.000 đồng. Ông T nhất trí trả bà M số tiền 56.000.000 đồng, theo đó mỗi người thừa kế trả 14.000.000 đồng. Ông T không nhất trí trả ông Đ 540.000 đồng như ông Đ yêu cầu.

Bà M không yêu cầu được chia thừa kế của cụ C, Cụ V, về số tiền bà M yêu cầu là 56.000.000 đồng, bà M trình bầy thực tế do sợ cụ C bán ruộng cho người ngoài thì mất ruộng nên bà đã vay tiền để đưa cụ C ăn tiêu và mục đích giữ lại ruộng của cụ C, nay số ruộng này còn là do công lao của bà nên chia thừa kế thì những người thừa kế phải trả bà 56.000.000 đồng này.

Ngoài ra các đương sự không còn yêu cầu nào khác.

Ông Nh vẫn giữ nguyên lời khai như đã khai trong giai đoạn điều tra.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Thư ký Tòa án, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự: Các đương sụ đã chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án.

Về việc giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử:

Căn cứ vào các Điều: 613, 634, 635, 636, 645, 674, 675 và 676 của Bộ luật dân sự 2005; các Điều 609, 611, 612, 613, khoản 1 Điều 623, 649, 650, 651 và 688 của Bộ luật dân sự 2015; Điều 147, 227 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVBQ14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án, - Về yêu cầu chia thừa kế: Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn chia di sản thừa kế diện tích đất còn lại là 306 m2 đất ở và 2,84 sào đất nông nghiệp cho các đồng thừa kế thành 04 phần, trong đó phần thừa kế của ông Đ, bà Th, ông H chung một mảnh, cụ thể:

Về đất ở: chia đều diện tích đất 306 m2 thành 04 phần bằng nhau, trong đó 03 phần của ông Đ, bà Th, ông H được chia gộp thành một suất giáp hộ bà Đồng Thị Xuân; 01 phần của ông T giáp Nhà thờ họ Nguyễn Quang.

Các tài sản khác gồm: mái tôn trị giá 5.558.739 đồng; gạch lát nền trị giá 4.101.500 đồng, tường nhà trị giá 66.668.378 đồng. Tổng giá trị là 76.331.617 đồng/ 4 người = 19.082.904 đồng. Do ông Đ, bà Th, ông H được chia gộp thành một suất, phần đất được chia này có ngôi nhà nằm trên đất. Do vậy giao những tài sản trên cho ông Đ, bà Th, ông H quản lý, đồng thời ông Đ, bà Th, ông H phải có nghĩa vụ trả ông T ¼ giá trí tài sản của ngôi nhà.

Về đất ruộng: chia đều diện tích đất 1002,4 m2/ cho 04 người thừa kế, mỗi phần là 255,6 m2 , trong đó 03 phần của ông Đ, bà Th, ông H được chia gộp thành một suất là 766,8 m2 giáp ruộng canh tác của ông Nguyễn Văn H, phần của ông T là 255,6 m2 còn lại.

Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn Đ yêu cầu ông Nguyễn Văn T phải trả số tiền 540.000 đồng.

Về yêu cầu của bà M: Những người được hưởng di sản thừa kế phải trả cho bà M số tiền 56.000.000 đồng, nên ông Đ, ông T, bà Th, ông H mỗi người phải chịu một phần trong số tiền 56.000.000 đồng để trả lại cho bà M.

Công trình xây dựng, trụ cổng, tường xây, cây cối, tài sản khác trên đất của ai thì người đó sử dụng, sở hữu.

Về án phí: Nguyên đơn được chấp nhận yêu cầu khởi kiện; nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn đều được hưởng tài sản thừa kế nên phải chịu án phí đối với giá trị tài sản được hưởng theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Các vấn đề khác không xét.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Cụ Nguyễn Văn C và cụ Nguyễn Thị V sinh được 04 người con gồm: Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị Th, ông Nguyễn Văn H và ông Nguyễn Văn Đ.

Cụ V mất ngày 10/3/2008, cụ C mất ngày 28/10/2019. Khi mất hai cụ không có di chúc gì.

Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều xác nhận ông T, ông Đ, bà Th, ông H đều là con cụ C, Cụ V và là người thừa kế ở hàng thứ nhất của cụ C, Cụ V. Căn cứ yêu cầu của các đương sự thì quan hệ pháp luật cần giải quyết là “Tranh chấp về chia thừa kế”.

Bà Th, ông H vắng mặt nhưng ông Đ là người đại diện theo ủy quyền của bà Th, ông H có mặt. Ông N là trưởng họ Nguyễn Quang không có yêu cầu gì và đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt nên Tòa án xét xử vắng mặt ông N theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2]. Các đương sự đều xác định khối di sản của cụ C, Cụ V để lại là diện tích đất ở còn lại 306 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, trên đất có bốn gian nhà cấp 4, mái lợp tôn nhà đã xuống cấp, bếp đã cũ và 2,84 sào đất nông nghiệp nằm chung tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H. Đất ở và tài sản trên đất do ông Đ đang quản lý, ruộng nông nghiệp vợ chồng ông T đang quản lý.

Về khối di sản là diện tích đất ở tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H và các tài sản trên đất: Căn cứ lời khai của các đương sự, cung cấp của UBND xã Đoàn Đào và các chứng cứ thu thập được thì có căn cứ xác định khi cụ C còn sống, thì cụ C và anh em ông Đ, ông T đã chuyển nhượng cho nhà thờ một phần diện tích đất. Tại thời điểm chuyển nhượng cụ C vẫn còn khỏe mạnh minh mẫn, anh em ông Đ đều biết, nhà thờ đã xây ngay tường bao và sử dụng từ đó cho đến nay nhưng anh em ông Đ cũng không có ý kiến gì. Kể từ khi chuyển nhượng cho đến nay nhà thờ đã sử dụng đất, xây khuôn viên riêng, giữa nhà thờ và anh em ông Đ cũng không có tranh chấp gì. Đến nay các bên đương sự đều không tranh chấp gì và không yêu cầu Tòa án giải quyết phần diện tích đất đã chuyển nhượng và hiến này cho nhà thờ này. Vì vậy xác định diện tích đất ở còn lại là 306 m2 và tài sản trên đất là di sản của cụ C, Cụ V.

Về khối di sản là 2,84 sào đất nông nghiệp nằm chung tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H: Các bên đương sự đều xác định đây là khối di sản của cụ C, Cụ V và nhất trí chia thừa kế khối di sản này. Vì vậy xác định 2,84 sào đất nông nghiệp của cụ C, Cụ V là di sản thừa kế.

Theo kết quả thẩm định, định giá thì giá đất ở tại vị trí tranh chấp có giá là 600.000 đồng/1m2. Diện tích đất ở là 306 m2 x 600.000 đồng/m2 = 183.600.000 đồng.

Giá đất trồng lúa là 80.000 đồng/1m2. 2,84 sào ruộng = 1.022,4 m2 có giá trị theo giá hiện tại là: 1.022,4 x 80.000 đồng/1m2 = 81.792.000 đồng.

04 gian nhà cấp 4 mái lợp tôn diện tích 60,1 m2 đã trừ khấu hao quá trình sử dụng, chỉ tính giá giá trị còn lại trên cơ sở vật liệu là 76.331.617 đồng.

Tổng giá trị khối di sản cụ C, Cụ V là: 183.600.000 đồng + 76.331.617 đồng + 81.792.000 đồng = 341.723.617 đồng.

Các tài sản các đương sự đều không yêu cầu định giá nên Hội đồng định giá không định giá gồm: các tài sản không còn giá trị: 01 bếp cũ đổ, bể nước, tường bao, cổng. 04 cây nhãn đường kính mỗi cây là 30 cm, 01 cây mít đường kính 10 cm, 01 cây vải đường kính 0,8 cm, 01 cây bưởi đường kính 11 cm, diện tích khu lán mái tôn, kho, nhà vệ sinh hiện đang thuộc quản lý của nhà thờ họ Nguyễn Quang.

[3]. Do cụ C, Cụ V không có di chúc, khối di sản của cụ C, Cụ V để lại vẫn chưa chia, các đương sự đều nhất trí chia thừa kế theo pháp luật nên khối di sản này sẽ được chia theo quy định về thừa kế theo pháp luật.

[4]. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận định:

Về người thừa kế: Cụ C, Cụ V khi mất đều không có di chúc. Khối di sản do cụ C, Cụ V để lại đều chưa được chia thừa kế. Ông T, ông Đ, bà Th, ông H đều là người thừa kế ở hàng thứ nhất của cụ C, Cụ V. Do vậy toàn bộ khối di sản của cụ C, Cụ V sẽ được chia đều cho ông T, ông Đ, bà Th và ông H.

Căn cứ các chứng cứ đã thu thập thì có căn cứ xác định, khi còn sống cụ C đã có giấy chuyển nhượng 2,84 sào ruộng của cụ C, Cụ V cho bà M với số tiền là 56.000.000 đồng. Việc chuyển nhượng hai bên chỉ có giấy viết tay, chưa hoàn thiện thủ tục. Thực tế việc bà M đưa tiền cho cụ C là nhằm giữ lại ruộng, bà M cũng nhất trí giao lại toàn bộ diện tích ruộng này cho những người thừa kế để chia thừa kế. Vì vậy sẽ áng trích giá trị tài sản thừa kế để trả lại cho bà M, theo đó mỗi người thừa kế phải trả bà M số tiền là 14.000.000 đồng để đảm bảo quyền lợi cho bà M. Việc bà M yêu cầu tính lãi số tiền này không được chấp nhận vì đây không phải là tài sản cho vay nên không tính lãi số tiền này.

Ông Đ yêu cầu ông T phải trả ông Đ 540.000 đồng tiền ông T cấy phần ruộng của ông Đ nhưng thực tế đây là di sản của cụ C, Cụ V chưa chia, ông Đ không sử dụng nên ông T, bà M sử dụng để cấy thì ông T, bà M được thu hoạch hoa màu trên đất nên không chấp nhận yêu cầu này của ông Đ.

Như vậy giá trị khối tài sản của cụ C, Cụ V còn lại chia thừa kế là:

341.723.617 đồng – 56.000.000 đồng = 285.723.617 đồng, chia đều cho ông Đông, ông T, bà Th và ông H, mỗi người thừa kế sẽ được giá trị tài sản là:

285.723.617 đồng : 4 = 71.430.904 đồng.

Ông Đ, bà Th, ông H có quan điểm đề nghị chia 03 suất thừa kế của ông Đ, bà Th, ông H gộp chung làm một suất nên chấp nhận sự tự nguyện này, chia gộp chung 03 suất thừa kế của ông Đ, ông H, bà Th làm một.

Do những người thừa kế đều yêu cầu được chia thừa kế cả đất ở và ruộng nông nghiệp nên sẽ chia thừa kế bằng đất ở và đất nông nghiệp cho những người thừa kế trên cơ sở đảm bảo giá trị sử dụng đất và sự ổn định trong quản lý đất đai.

Giao cho ông T được sử dụng 74,1 m2 đất ở tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H và 255,6 m2 đất nông nghiệp tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, tổng giá trị tài sản ông T được chia là: (600.000 đồng/m2 x 74,1 m2) + (255,6 m2 x 80.000 đồng/m2) = 64.908.000 đồng. Ông T phải trả bà M số tiền là 14.000.000 đồng, trị giá di sản thừa kế bằng hiện vật ông T được hưởng là 64.908.000 đồng- 14.000.000 đồng = 50.908.000 đồng.

Giao cho ông Đ, bà Th, ông H được sử dụng, sở hữu diện tích đất ở 231,9 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, trên đất có 04 gian nhà cấp 4 mái lợp tôn diện tích 60,1 m2, 01 bếp cũ đổ, bể nước và 766,8 m2 đất nông nghiệp tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, tổng giá trị tài sản ông Đ, bà Th, ông H được chia là: (600.000 đồng/m2 x 231,9m2) + (766,8 m2 x 80.000 đồng/m2) + 76.331.617 đồng = 276.815.617 đồng. Ông Đ, bà Th, ông H mỗi người phải trả bà M 14.000.000 đồng, trị giá di sản thừa kế ông Đ, ông H, bà Th được hưởng là 276.815.617 đồng-42.000.000 đồng = 234.815.617 đồng, ông Đ, ông H, bà Th mỗi người được số tài sản có giá trị là: 234.815.617 đồng : 3 = 78.271.872 đồng. Như vậy phần di sản ông Đ, bà Th, ông H được hưởng có giá trị cao hơn nên mỗi người phải trả chênh lệch về tài sản cho ông T là: 78.271.872 đồng- 71.430.904 đồng = 6.840.968 đồng.

Các tài sản khác, công trình xây dựng, cổng, tường xây, cây cối trên đất của ai thì người đó sử dụng, sở hữu.

Các đương sự tự mởi lối đi trên đất ở được chia.

[5]. Về án phí: Nguyên đơn được chấp nhận yêu cầu khởi kiện; nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đứng về phía nguyên đơn đều được hưởng tài sản thừa kế nên phải chịu án phí đối với giá trị tài sản được hưởng theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Về chi phí thẩm định, định giá tài sản: Ông Đ không thắc mắc gì về tiền chi phí thẩm định, định giá và đã thanh toán xong, ông Đ không yêu cầu bị đơn, người liên quan phải trả ông Đ số tiền này mà tự nguyện chịu các chi phí này, đây là sự tự nguyện của ông Đ nên không xem xét giải quyết.

[6]. Các vấn đề khác Hội đồng xét xử không xét.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 631, 634, 635, 636, 645, 674, 675 và 676 của Bộ luật dân sự năm 2005. Các Điều 609, 611, 612, 613, khoản 1 Điều 623, 649, 650, 651 và Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015 ; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Điều 6, 26, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1.Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ về yêu cầu chia thừa kế.

Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn Đ yêu cầu ông Nguyễn Văn T phải trả số tiền 540.000 đồng.

2. Xác định di sản của cụ Nguyễn Văn C và cụ Nguyễn Thị V để lại là tích đất ở 306 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, trên đất có bốn gian nhà cấp 4, mái lợp tôn nhà đã xuống cấp, bếp cũng đã cũ, bể nước, tường bao, trụ cổng, 04 cây nhãn, 01 cây mít, 01 cây vải, 01 cây bưởi và 2,84 sào ruộng = 1.022,4 m2 nằm trong thửa số 127, tờ bản đồ 13 ở khu Đồng Ma, thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H. Khối di sản cụ C, Cụ V có giá trị là:

341.723.617 đồng.

3. Trích giá trị khối di sản để trả cho bà Nguyễn Thị M là 56.000.000 đồng.

Buộc ông Nguyễn Văn Đ phải trả bà Nguyễn Thị M 14.000.000 đồng. Buộc ông Nguyễn Văn T phải trả bà Nguyễn Thị M 14.000.000 đồng. Buộc ông Nguyễn Văn H phải trả bà Nguyễn Thị M 14.000.000 đồng. Buộc bà Nguyễn Thị Th phải trả bà Nguyễn Thị M 14.000.000 đồng.

4. Giá trị di sản của cụ Nguyễn Văn C và cụ Nguyễn Thị V còn lại để chia thừa kế là 285.723.617 đồng.

5. Chia thừa kế theo pháp luật toàn bộ di sản của cụ Nguyễn Văn C và cụ Nguyễn Thị V cho ông Nguyễn Văn Đ, ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị Th và ông Nguyễn Văn H, mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế có giá trị là 71.430.904 đồng.

Chấp nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Văn Đ, bà Nguyễn Thị Th và ông Nguyễn Văn H chia gộp chung phần thừa kế của ông Đ, bà Th, ông H làm một.

Giao cho ông Nguyễn Văn Đ, bà Nguyễn Thị Th và ông Nguyễn Văn H được sử dụng, sở hữu diện tích đất ở 231,9 m2 tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H, trên đất có 04 gian nhà cấp 4 mái lợp tôn diện tích 60,1 m2, 01 bếp cũ đổ, bể nước. Diện tích đất này thể hiện tại hình nối giữa các điểm A, B, E, F, G, H trên sơ đồ hiện trạng thửa đất số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Giao cho ông Nguyễn Văn Đ, bà Nguyễn Thị Th và ông Nguyễn Văn H được sử dụng 766,8 m2 đất nông nghiệp tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H. Diện tích đất này thể hiện tại hình nối giữa các điểm B, C, D, E trên sơ đồ hiện trạng thửa đất số 127, tờ bản đồ 39 khu Đồng Ma, thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Giao cho ông Nguyễn Văn T được sử dụng, sở hữu 74,1 m2 đất ở tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H. Diện tích đất này thể hiện tại hình nối giữa các điểm B, C, D, E trên sơ đồ hiện trạng thửa đất số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Giao cho ông Nguyễn Văn T được sử dụng và 255,6 m2 đất nông nghiệp tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H. Diện tích đất này thể hiện tại hình nối giữa các điểm A, B, E, F trên sơ đồ hiện trạng thửa đất số 127, tờ bản đồ 39 khu Đồng Ma, thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H.

Công trình xây dựng, trụ cổng, tường xây, cây cối, tài sản khác trên đất của ai thì người đó sử dụng, sở hữu.

(Có sơ đồ kèm theo).

Các đương sự phải tự mở lối đi trên phần diện tích đất ở được chia.

6. Buộc ông Nguyễn Văn Đ phải trả chênh lệch về giá trị tài sản cho ông Nguyễn Văn T số tiền là 6.840.968 đồng.

Buộc bà Nguyễn Thị Th phải trả chênh lệch về giá trị tài sản cho ông Nguyễn Văn T số tiền là 6.840.968 đồng.

Buộc ông Nguyễn Văn H phải trả chênh lệch về giá trị tài sản cho ông Nguyễn Văn T số tiền là 6.840.968 đồng.

7. Ông Nguyễn Văn Đ phải giao diện tích đất 74,1m2 đất ở tại thửa số 153, tờ bản đồ 39 thuộc thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H và tài sản, công trình, cây cối trên diện tích đất này cho ông Nguyễn Văn T.

Ông Nguyễn Văn T, bà Nguyễn Thị M phải giao diện tích đất 766,8 m2 đất nông nghiệp tại thửa số 127, tờ bản đồ số 13 ở khu Đồng Ma thôn K, xã Đ, huyện P, tỉnh H cho ông Nguyễn Văn Đ, bà Nguyễn Thị Th và ông Nguyễn Văn H.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

8. Về án phí:

Ông Nguyễn Văn T phải nộp 3.571.545 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Nguyễn Văn Đ phải chịu 3.571.545 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, đối trừ vào số tiền ông Đ đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm là 4.123.800 đồng theo biên lai thu số 0003829 ngày 05/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh H, ông Đ đã nộp đủ án phí sơ thẩm. Hoàn trả ông Đ 552.255 đồng.

Ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị Th mỗi người phải nộp 3.571.545 đồng tiền án phí dân sự.

Các vấn đề khác Hội đồng xét xử không xét.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án sơ thẩm hoặc kể từ ngày Tòa án niêm yết bản án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

515
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế số 01/2022/DS-ST

Số hiệu:01/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phù Cừ - Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:25/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về