Bản án về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất số 200/2022/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 200/2022/DS-PT NGÀY 27/07/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 14 tháng 6 và ngày 27 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 33/2022/TLPT- DS ngày 24 tháng 02 năm 2022 về việc “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 10/2022/DS-ST ngày 14 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 71/2022/QĐPT-DS ngày 04 tháng 5 năm 2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Tô Minh T1, sinh năm 1964. Địa chỉ: Ấp B, xã B, huyện P, tỉnh K . (Có mặt).

- Bị đơn: Ông Tô Minh N, sinh năm 1972. Địa chỉ: Ấp N, xã K, huyện T, tỉnh C . (Có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Võ Thanh T2 – Luật sư của Văn phòng Luật sư Thanh T2 thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (Có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Tô Ngọc A, sinh năm 1947. Địa chỉ: Ấp 12, xã K, huyện U, tỉnh C . (Vắng mặt).

2. Bà Tô Ngọc H1, sinh năm 1948. Địa chỉ: Ấp Bình Minh II, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (Vắng mặt).

3. Ông Tô Minh T3, sinh năm 1950. Địa chỉ: Ấp 2, xã T, huyện T, tỉnh C . (Vắng mặt).

4. Bà Tô Thị T4, sinh năm 1955. Địa chỉ: Ấp N, xã K, huyện T, tỉnh C . (Có mặt).

5. Bà Tô Minh L, sinh năm 1956. Địa chỉ: Ấp C, xã K, huyện T, tỉnh C . (Vắng mặt).

6. Ông Tô Minh T5, sinh năm 1959. Địa chỉ: Ấp 12, xã K, huyện U, tỉnh C . (Có mặt).

7. Bà Tô Thị H2, sinh năm 1963. Địa chỉ: Ấp Nhà Máy C, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (Có mặt).

8. Bà Tô Trúc D1, sinh năm 1968. Địa chỉ: Ấp N, xã K, huyện T, tỉnh C . (Có mặt).

9. Bà Tô Trúc P, sinh năm 1970. Địa chỉ: Ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (Có mặt).

10. Bà Đỗ Ngọc D2, sinh năm 1977. Địa chỉ: Ấp N, xã K, huyện T, tỉnh C . (Có mặt).

11. Bà Trần Kim D3, sinh năm 1953. Địa chỉ: Ấp 2, xã T, huyện T, tỉnh C . (Có mặt).

- Người kháng cáo: Ông Tô Minh N, là bị đơn; Bà Đỗ Ngọc D2, là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 21 tháng 5 năm 2020 và lời trình bày tại phiên tòa của nguyên đơn thể hiện:

Cha mẹ của ông T1 (cụ Tô Minh Thường, chết năm 1979; cụ Trần Thị Thêu, chết năm 2004). Cụ Thường và cụ Thêu có 12 người con chung gồm: Tô Ngọc A, Tô Ngọc H1, Tô Minh T3, Tô Thị T4, Tô Minh L, Tô Minh T5, Tô Minh T1, Tô Thị H2, Tô Minh Tuấn (Chết), Tô Trúc D1, Tô Trúc P, Tô Minh N.

Lúc sinh thời, cụ Thường và cụ Thêu có tạo được 01 phần đất diện tích khoảng 28 công tầm lớn (1.296m2), tọa lạc ấp Nhà Máy B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau (do cụ Trần Thị Thêu đứng tên Giấy CNQSDĐ). Cụ Thường chết không để lại di chúc, cụ Thêu chết có để lại di chúc lập ngày 14/7/1999 (âm lịch), có nội dung: Phân chia đất cho 03 người con gồm Tô Minh Tuấn, Tô Minh T1, Tô Minh N (những người con còn lại không được cho đất) cụ thể như sau:

Đối với phần đất ruộng: Chia cho Tô Minh Tuấn, Tô Minh T1, Tô Minh N mỗi người 03 công đất ruộng (không chỉ rõ vị trí), phần đất ruộng còn lại ai là người thờ cúng thì được hưởng (hiện tại ông Tô Minh N là người thờ cúng cụ Thường và cụ Thêu).

Đối với phần đất vườn: Chia cho Tô Minh T1 ngang 01 bờ ranh, 02 cái liếp, từ Tây sang Đông, dài từ mặt sông vô hậu vườn.

Năm 2009, ông N tự ý lập thủ tục chuyển tên quyền sử dụng đất từ cụ Thêu sang cho ông N. Khi lập di chúc ông T1 không có mặt, sau đó nghe anh chị em trong nhà nói lại.

Khoảng năm 2015, theo đề nghị của ông T1, ông N có cho bà Tô Trúc D1 canh tác 03 công đất ruộng (là phần đất ruộng của ông T1 được chia); bà D1 canh tác được 02 năm, sau đó cho ông N thuê. Ngoài ra, ông N quản lý, canh tác toàn bộ phần đất ông T1 được chia từ khi cụ Thêu mất đến nay. Lúc ông N giao lại 03 công đất ruộng giao cho bà D1 làm anh em chỉ nói với nhau và bà D1 canh tác, thực tế không có đo đạc cắm móc, ông T1 cũng không biết chính xác vị trí, chỉ nghe nói lại là ở trong hậu đất.

Do giữa ông T1 và ông N không thỏa thuận được việc phân chia theo di chúc, nên ông T1 khởi kiện yêu cầu ông N thực hiện theo di chúc của cụ Thêu yêu cầu:

Giao cho ông T1 phần đất mặt tiền ngang 01 bờ ranh, 02 liếp, dài từ mặt sông dài vô đến hết hậu vườn cũ (do trong quá trình sử dụng, ông N có ban phần đất vườn xuống làm ruộng nên không còn vị trí ban đầu). Đồng thời, đối với 03 công đất ruộng, ông yêu cầu được chia nối liền với phần đất vườn để thuận lợi trong việc canh tác. Tổng diện tích theo đo đạc thực tế đối với 02 phần đất là 7.270,2m2.

Bị đơn là ông Tô Minh N trình bày:

Về nguồn gốc đất và hàng thừa kế của cụ Thường và cụ Thêu như ông T1 trình bày là đúng. Cụ Thêu mất có để lại di chúc lập ngày 14/7/1999 (âm lịch) như ông T1 trình bày. Tuy nhiên, phần đất vườn theo di chúc ông T1 được cho 02 liếp chứ không có bờ ranh. Phần vườn tiếp giáp với đất ông Trần Văn Tiến (Phía Tây) là 01 liếp chứ không phải bờ ranh, vì phần này chỉ kéo dài vô hết hậu vườn, còn nếu là bờ ranh phải kéo dài hết hậu đất. Đối với phần đất ruộng ông có giao cho ông T1 03 công đất ruộng, nhưng chưa đo đạc vị trí cụ thể, ông T1 giao cho bà D1 canh tác 02 năm, cho ông N thuê lại 02 năm, sau đó không ai canh tác. Nay ông thống nhất thực hiện theo di chúc, đồng ý chia cho ông T1 ngang mặt tiền qua 02 liếp, phần đất ruộng đồng ý chia từ mép giáp vườn dài hết hậu đất ngang qua tính đủ diện tích 03 công.

Phần đất là di sản thừa kế của cụ Thường và cụ Thêu ông đã chuyển quyền sử dụng đất, được cấp cho hộ ông Tô Minh N. Tuy nhiên, ông vẫn xác định, nguồn gốc đất là của cha mẹ, lúc làm thủ tục chuyển tên do ông Tô Minh Tuấn đã chết, ông Tô Minh T1 lại ở xa, nên ông đăng ký sang tên ông. Việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ ông Tô Minh N là do lúc làm thủ tục ghi như vậy, nhưng vợ và các con ông hoàn toàn không có ý kiến gì khác liên quan đến phần đất này.

Trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Tô Ngọc H1, ông Tô Minh T5, bà Tô Minh L, bà Tô Thị T4, bà Tô Thị H2, bà Tô Trúc P, bà Tô Trúc D1 cùng thống nhất theo trình bày của ông Tô Minh T1.

Nội dung di chúc của cụ Thêu là có thật, thống nhất đối với đất vườn chia cho Tô Minh T1 ngang 01 bờ ranh, 02 cái liếp, từ Tây sang Đông, dài từ mặt sông vô hậu vườn. Tuy trong nội dung di chúc không ghi cho ông T1 01 bờ ranh, nhưng những người có mặt tại buổi lập di chúc đều xác định ý chí của bà Thêu là cho ông T1 01 bờ ranh và 02 liếp ngang. Đối với đất ruộng chia cho Tô Minh Tuấn, Tô Minh T1, Tô Minh N mỗi người 03 công đất ruộng, nhưng không chỉ rõ vị trí, phần đất ruộng còn lại ai là người thờ cúng thì được hưởng. Yêu cầu ông N thực hiện đúng di chúc, giao đất cho Tô Minh T1 theo yêu cầu của ông Tô Minh T1. Ngoài ra, không có yêu cầu gì khác đối với phần di sản của cụ Thường và cụ Thêu.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Trần Kim D3 trình bày:

Bà là vợ của ông Tô Minh T3. Hiện tại ông T3 bị bệnh tai biến không tự sinh hoạt cá nhân được, không nhận thức được. Khi lập di chúc có mặt vợ chồng bà. Nội dung di chúc của cụ Thêu là có thật, thể hiện thật ý chí của cụ Thêu, đối với đất vườn chia cho Tô Minh T1 ngang 01 bờ ranh, 02 cái liếp, từ Tây sang Đông, dài từ mặt sông vô hậu vườn. Đối với đất ruộng chia cho Tô Minh Tuấn, Tô Minh T1, Tô Minh N mỗi người 03 công đất ruộng nhưng không chỉ rõ vị trí, phần đất ruộng còn lại ai là người thờ cúng thì được hưởng. Yêu cầu ông N thực hiện đúng di chúc, giao đất cho Tô Minh T1 theo yêu cầu của ông Tô Minh T1. Ngoài ra, không có yêu cầu gì khác.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Đỗ Ngọc D2 trình bày: Bà là vợ của ông Tô Minh N. Nguồn gốc đất là của cha mẹ chồng là của cụ Thường và cụ Thêu nên bà không có ý kiến gì. Bà thống nhất theo trình bày của ông N.

Đối với bà Tô Ngọc A, bà Tô Ngọc H1, ông Tô Minh T3, bà Tô Minh L mặc dù đã được Tòa án triệu tập, nhưng đều vắng mặt tại phiên tòa.

Từ nội dung vụ án nêu trên, Bản án sơ thẩm quyết định:

1. Công nhận di chúc của bà Trần Thị Thêu được lập ngày 14/7/1999 là hợp pháp.

2. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Tô Minh T1. Phân chia cho ông Tô Minh T1 phần đất diện tích theo đo đạc thực tế là 7.270,2m2 (Trong đó đất trồng lúa 3888m2, đất trồng cây lâu năm (vườn) 3.382,2m2), đất tọa lạc Ấp N, xã K, huyện T, tỉnh C ., do hộ ông Tô Minh N đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vị trí theo đo đạc thực tế ngang mặt tiền giáp kinh Cơi Nhì vị trí M9M7 cạnh dài 23,63m, ngang mặt hậu vị trí N8N5 cạnh dài 35m, hướng Tây tiếp giáp đất ông Trần Văn Tiến vị trí M9M10M11N9N8 ạnh dài 226,65m, hướng Đông giáp với phần đất còn lại của ông Tô Minh N vị trí M7M15M13N4N5 cạnh dài 244,82m (Có kèm theo Bản vẽ hiện trạng ngày 08/6/2021).

Phần đất này ông Tô Minh N, bà Đỗ Ngọc D2 đang quản lý có nghĩa vụ giao trả cho ông Tô Minh T1.

Các đương sự có liên quan có quyền và nghĩa vụ kê khai, điều chỉnh để được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được phân chia.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 07-02-2022 ông Tô Minh N và bà Đỗ Ngọc D2 kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm, chấp nhận giao 02 liếp hết hậu vườn và 03 công đất ruộng nối tiếp đất vườn ra đến giáp hậu, lý do cho rằng: Bản án sơ thẩm công nhận di chúc ông N và bà D2 đồng ý, nhưng việc phân chia phần đất theo bản án sơ thẩm là không phù hợp theo di chúc: Vì án sơ thẩm chia cho nguyên đơn đến 03 liếp, trong khi di chúc chỉ nêu 02 liếp (bờ) (phần tiếp giáp bên trái ngoài nhìn vào giáp ông Tiến cũng là 01 bờ liếp và qua thêm bên phải 01 liếp nữa là đủ). Chiều dài phần đất vườn từ mặt tiền vào có 72,57m (từ điểm M9-M10), nhưng án sơ thẩm lấy đất ruộng từ điểm M10M11N9N8 cho rằng là đất vườn là không đúng với hiện trạng sử dụng đất.

- Tại phiên tòa phúc thẩm:

+ Ông N, bà D2 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

+ Luật sư Võ Thanh T2: Đề nghị chấp nhận kháng cáo của ông N, bà D2, vì căn cứ vào di chúc chỉ 02 liếp (bờ) (nhưng án sơ thẩm chia 03 liếp); chiều dài đất vườn theo hiện trạng, đo đạc chỉ dài 72,57m, chứ không thể lấy ra đất ruộng cho rằng đất vườn để chia là không phù hợp với di chúc.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phát biểu: Về tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định. Về nội dung, đề nghị căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm nhưng điều chỉnh diện tích loại đất mà ông T1 được nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét kháng cáo của ông N, bà D2. Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Về tố tụng: Tòa sơ thẩm đã thụ lý đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

[2] Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều thống nhất về nguồn gốc đất tranh chấp là cụ Tô Minh Thường (chết năm 1979) và cụ Trần Thị Thêu (Chết năm 2004). Cụ Thường và cụ Thêu có 12 người con chung gồm: Tô Ngọc A, Tô Ngọc H1, Tô Minh T3, Tô Thị T4, Tô Minh L, Tô Minh T5, Tô Minh T1, Tô Thị H2, Tô Minh Tuấn (Chết), Tô Trúc D1, Tô Trúc P, Tô Minh N.

[2.1] Lúc còn sống, cụ Thường và cụ Thêu có tạo dựng được 01 phần đất diện tích khoảng 28 công tầm 03m (nay theo đo đạc thực tế là 36.545,8m2), do cụ Thêu đứng tên Giấy CNQSDĐ, đất tọa lạc ấp Nhà Máy B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đến năm 2009, ông Tô Minh N thực hiện thủ tục đăng ký thừa kế toàn bộ phần đất, tổng diện tích 38.767,7m2 (02 Giấy CNQSDĐ: số AO 988724, thửa 464, tờ bản đồ số 1, diện tích 11.161,7m2; và số AO 988723, thửa số: 410, tờ bản đồ số 1, diện tích 27.606m2 do UBND huyện Trần Văn Thời cấp cùng ngày 17-7-2019). Tất cả những người cùng hàng thừa kế không có ý kiến gì đối với vấn đề này.

[3] Đối với cụ Thường chết không để lại di chúc, cụ Thêu chết có để lại di chúc lập ngày 14/7/1999 (âm lịch). Tất cả những người cùng hàng thừa kế thống nhất với nội dung di chúc; xác định nội dung và việc lập di chúc là có thật. Di chúc có nội dung chỉ phân chia đất cho 03 người con gồm Tô Minh Tuấn, Tô Minh T1, Tô Minh N cụ thể: Đối với phần đất ruộng, chia cho Tô Minh Tuấn, Tô Minh T1, Tô Minh N mỗi người 03 công đất ruộng (nhưng không chỉ rõ vị trí ở đâu); phần đất ruộng còn lại ai là người thờ cúng thì được hưởng (Hiện tại ông Tô Minh N là người thờ cúng cụ Thường, cụ Thêu và chăm sóc ông Tuấn đến khi qua đời). Đối với phần đất vườn, chia cho Tô Minh T1 ngang 02 cái liếp, từ Tây sang Đông, dài từ mặt sông vô tới hết hậu vườn (không có số đo cụ thể).

[3.1] Sau khi cụ Thêu chết, mặc dù có để lại di chúc, nhưng do ông T1 bận công tác và sống ở Kiên Giang, nên ông Tô Minh T1 không yêu cầu chia phần đất theo di chúc, mà để lại phần đất cho vợ chồng ông N canh tác. Khoảng năm 2015, theo đề nghị của ông T1, ông N có cho bà Tô Trúc D1 canh tác 03 công đất ruộng ở phía hậu đất. Bà D1 canh tác được 02 năm, sau đó giao lại cho ông N canh tác. Nay ông T1 có nhu cầu sử dụng đất, nên về yêu cầu chia thừa kế, ông N cũng thống nhất chia theo di chúc đã lập vào ngày 14-7-1999 âm lịch. Về diện tích đất chia ông T1 không thống nhất, ông cho rằng phần đất vườn phải chia là 03 liếp (bờ) (trong đó có 01 liếp làm ranh giáp với ông Tiến bỏ ra không tính), tiếp theo cộng 02 liếp nữa ông được hưởng và chiều dài phần đất vườn dài từ M9, M10, M11 là 115,1m chứ không phải dài 72,57m theo hiện trạng đất thực tế. Theo hiện trạng thực tế, tại số đo thứ 72,57m từ mặt tiền vào có 01 bờ ngang (từ điểm M10 qua điểm N1, M14, M15, M4), ông N xác định đây là ranh đất vườn đúng theo hiện trạng, nhưng ông T1 thì cho rằng đất vườn phải ra đến mét 115,1 (từ M9, M10, M11), hiện trạng từ mét 72,57m trở ra đến hết hậu đất, phần đất này thuộc phạm vi đất đang trồng lúa. Ngoài việc ông T1 yêu cầu chia 03 liếp vườn ra đến mét 115,1m, phải chia cho ông tiếp tục 03 công đất ruộng tầm lớn tiếp giáp theo.

[4] Quá trình giải quyết ông N xác định di chúc để lại chia 02 liếp thì tính 02 liếp, và đất vườn thực tế dài 72,57m là có 01 bờ ngang rồi đến đất ruộng, ông N đồng ý chia phần đất ruộng tiếp giáp mí đất vườn ra 03 công tầm lớn ở mốc 72,57m tiếp theo, nhưng chia ngang 9,3m kéo dài đến hết hậu đất. Xét thấy, việc Bản án sơ thẩm công nhận di chúc là phù hợp. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm xác định phần đất vườn chia cho ông T1 là chưa đúng theo hiện trạng, dẫn đến phần tiếp giáp phần đất ruộng cũng được chia cũng chưa phù hơp, cụ thể như sau:

[4.1] Theo nội dung di chúc chia phần đất vườn cho ông T1 02 liếp từ Tây, sang Đông (tiếp giáp đất ông Tiến). Qua khảo sát hiện trạng, phần đất từ Tây sang Đông (mặt tiền), Bản án sơ thẩm chia là đến 03 liếp (thể hiện tại các điểm: M7, M8, M9), tại điểm M9 có 01 liếp rồi đến con mương (giáp phía ông Tiến, có bản ảnh kèm theo). Như vậy, ranh đất giáp với ông Tiến không phải nằm ngay cái liếp mà giữa mương nước (tức đến liếp, rồi mới đến mương), nên việc nguyên đơn cho rằng phải tính cho ông 03 liếp (tức bỏ liếp hướng giáp ông Tiến) đều này là không phù hợp với di chúc và hiện trạng phần đất. Vì vậy, về đất vườn cần chia cho ông T1 02 liếp (từ điểm M9 đến M8, mặt tiền dài 16.96m). Đối với ranh đất vườn thực tế dài 72,57m (chỗ vị trí này có 01 bờ ngang), nhưng ông T1 cho rằng đất vườn dài ra đến 115,1m, lý do là ông N đã ban phần đất vườn, nên phần đất vườn ngắn lại. Tuy nhiên, theo các bên việc cải tạo ban đất đã xảy ra hơn 20 năm; ông N thì cho rằng cải tạo ban đất từ khi mẹ ông còn sống kêu ông cải tạo. Như vậy, từ khi cải tạo ban đất đến nay đã hơn 20 năm các anh em Nhơn và ông T1 không phản đối gì; hằng năm ông T1 cũng có về thăm mộ cha mẹ, nhưng cũng không thắc mắc gì. Nay, vị trí phần đất vườn trên thực tế (có bờ ngang) được xác định ở mét thứ 72,57m, nên cần lấy mốc điểm này để tính chiều dài phần đất vườn và chia tiếp 03 công đất ruộng đã đo vẽ tiếp giáp cho ông T1, để ông thuận lợi canh tác (chứ không thể chấp nhận theo yêu cầu ông N chia phần đất ruộng chỉ ngang 9,3m cặp ranh đất ông Tiến chạy dài đến hết hậu). Theo đó, phần đất vườn ông T1 được chia từ điểm M9, M8, M10, N1, M14 tổng diện tích 1.109,8m2. Đối với phần đất ruộng, chia cho ông T1 phần đất ruộng 03 công tầm lớn tiếp nối phần đất vườn diện tích 3.888m2 (có các điểm M10, N1, M15, M11,N2, M13, N9, N3, N4) là phù hợp.

[4.2] Đối với tài sản trên đất: Trên phần đất vườn có tranh chấp có trồng các loại cây dừa, chuối, cau nhưng ông N không yêu cầu đối với tài sản trên đất, thống nhất cây trồng trên phần đất của người nào thì người đó quản lý, sử dụng.

[5] Từ các cơ sở trên, có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Tô Minh N và bà Đỗ Ngọc D2, chấp nhận lời đề nghị của Luật sư Võ Thanh T2. Sửa một phần Bản án sơ thẩm số: 10/2022/DS-ST ngày 14-01-2022 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời là phù hợp.

[6] Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm nhưng điều chỉnh diện tích loại đất mà ông T1 được nhận.

[7] Về chi phí tố tụng: Ông N chấp nhận chia theo nội dung di chúc, ông T1 yêu cầu vượt hơn diện tích di chúc, và Bản án chấp nhận chia theo diện tích của di chúc, nên ông T1 phải chịu chi phí tố tụng tổng cộng 24.243.000 đồng (đã nộp xong). Chi phí tố tụng phúc thẩm 400.000 đồng, ông T1 phải hoàn trả cho ông N, do yêu cầu kháng cáo của ông N, bà D2 được chấp nhận.

[8] Về án phí:

- Về án phí sơ thẩm: Ông T1 phải chịu án phí có giá ngạch trên giá trị tài sản được chia. Đối với phần thừa kế của ông N không có tranh chấp, không có xem xét nên ông N không phải chịu án phí là phù hợp. Giá đất được áp dụng để tính án phí là: Đất trồng lúa 3.888m2 x 30.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm (vườn) 1.109,8m2 x 40.000 đồng/m2. Theo đó, ông T1 phải chịu án phí sơ thẩm 8.051.600 đồng, ông Tô Minh T1 có nộp tạm ứng án phí sơ thẩm 5.646.000 đồng tại biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003713 ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được đối trừ, còn phải nộp tiếp 2.405.600 đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Tô Minh N và bà Đỗ Ngọc D2 không phải chịu, đã dự nộp 600.000 đồng được hoàn lại.

Các Quyết định khác không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo ông Tô Minh N và bà Đỗ Ngọc D2.

Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số: 10/2022/DS-ST ngày 14 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tuyên xử:

1. Công nhận di chúc của bà Trần Thị Thêu được lập ngày 14/7/1999 là hợp pháp.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tô Minh T1. Phân chia cho ông Tô Minh T1 phần đất diện tích theo đo đạc thực tế là 4.997,8m2 (Trong đó đất trồng lúa: 3.888m2; đất trồng cây lâu năm (vườn): 1.109,8m2, đất tọa lạc Ấp N, xã K, huyện T, tỉnh C ., do hộ ông Tô Minh N đứng tên tổng diện tích 38.767,7m2 (02 Giấy CNQSDĐ: số AO 988724, thửa 464, tờ bản đồ số 1, diện tích 11.161,7m2; và số AO 988723, thửa số: 410, tờ bản đồ số 1, diện tích 27.606m2 do UBND huyện Trần Văn Thời cấp cùng ngày 17-7-2019).

- Vị trí phần đất vườn: Ngang mặt tiền điểm M8, M9: dài 16.96m; cạnh bên phải điểm M8, M14: dài 82,23m; cạnh bên phải điểm M9, M10: dài 72,57m, diện tích: 1.109,8m2.

- Vị trí phần đất ruộng: Điểm M10,N1,M14,M15: dài 29,21m; Điểm M15, M13: dài 47,82m; Điểm M10, M11: dài 42,53m; Điểm M11, N2, M13: dài 35m. Diện tích: 3.888m2.

(Có kèm theo bản vẽ hiện trạng ngày 08/6/2021).

Phần đất này ông Tô Minh N, bà Đỗ Ngọc D2 đang sử dụng theo 02 Giấy CNQSDĐ (số AO 988724, thửa 464, tờ bản đồ số 1, diện tích 11.161,7m2; và số AO 988723, thửa số: 410, tờ bản đồ số 1, diện tích 27.606m2 do UBND huyện Trần Văn Thời cấp cùng ngày 17-7-2019) có nghĩa vụ giao trả cho ông Tô Minh T1 sử dụng.

Các đương sự có liên quan có quyền và nghĩa vụ kê khai, điều chỉnh để được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất đã được phân chia.

3. Ông T1 phải chịu chi phí tố tụng tổng cộng 24.243.000 đồng (đã nộp xong). Buộc ông Tô Minh T1 phải hoàn trả lại cho ông Tô Minh N chi phí thẩm định tại chỗ 400.000 đồng.

Kể từ ngày ông Tô Minh N có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Tô Minh T1 không tự nguyện thi hành xong khoản tiền phải thanh toán thì còn phải chịu thêm khoản lãi phát sinh theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành.

4. Về án phí:

- Án phí sơ thẩm: Ông Tô Minh T1 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 8.051.600 đồng, ông Tô Minh T1 có nộp tạm ứng án phí sơ thẩm 5.646.000 đồng tại biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003713 ngày 21 tháng 5 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được đối trừ, còn phải nộp tiếp 2.405.600 đồng.

- Án phí phúc thẩm: Ông Tô Minh N và Đỗ Ngọc D2 không phải chịu, đã dự nộp 600.000 đồng theo 02 biên lai số: 0004351 ngày 07-02-2022 và số 0004352 ngày 07-02-2022 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Trần Văn Thời được hoàn lại.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các Quyết định khác không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

366
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất số 200/2022/DS-PT

Số hiệu:200/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:27/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về