Bản án về tranh chấp chia tài sản thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 04/2021/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 04/2021/DS-PT NGÀY 13/01/2021 VỀ TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN THỪA KẾ VÀ HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 13 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, công khai, vụ án dân sự thụ lý số 10/2020/TLPT- DS ngày 08 tháng 01 năm 2020, về: “Tranh chấp chia tài sản thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Do có kháng cáo của nguyên đơn, đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2019/DS-ST ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 9575/2020/QĐ-PT ngày 30 tháng 12 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Xuân T, sinh năm 1951; đăng ký HKTT và cư trú: Tổ 6, khu 1, phường C, thành phố H, tỉnh Quảng Ninh.(có mặt)

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1954; đăng ký HKTT và cư trú: Thôn X, xã A, huyện G, tỉnh Hải Dương.(vắng mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Lưu Thị C (vợ ông T1), sinh năm 1954; Ông Nguyễn Văn T2, sinh năm 1942; Anh Nguyễn Văn N, sinh năm 1977; Chị Nguyễn Thị N1, sinh năm 1984. Đều đăng ký HKTT và cư trú: Thôn X, xã A, huyện G, tỉnh Hải Dương.(vắng mặt)

3.2. Anh Lưu Đức V, sinh năm 1959; Chị Lưu Thị M, sinh năm 1969; Chị Lưu Thị D, sinh năm 1977. Đều đăng ký HKTT và cư trú: Thôn A, xã N, huyện L, tỉnh Bắc Giang.(vắng mặt); Người đại diện theo ủy quyền của anh V, chị M, chị D: Ông Nguyễn Xuân T, (Văn bản ủy quyền ngày 21/3/2019).

3.3. Chị Nguyễn Thị P, sinh năm 1981; đăng ký HKTT và cư trú: Khu 5, phường H, thành phố M, tỉnh Quảng Ninh.(vắng mặt)

3.4. Anh Nguyễn Văn L, sinh năm 1976. Nơi công tác: Trường THCS xã Đ, huyện G, tỉnh Hải Dương.(vắng mặt)

3.5. Ủy ban nhân dân huyện G, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đình Tr, chức vụ: Chủ tịch.(vắng mặt)

3.6. Ủy ban nhân dân xã A, huyện G, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn H, chức vụ: Chủ tịch.(vắng mặt)

4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Ngô Thị Xuân T, Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hải Dương.(vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. Nguyên đơn ông Nguyễn Xuân T khởi kiện trình bày nội dung và yêu cầu: Cụ Nguyễn Văn K, chết năm 1975 và cụ Nguyễn Thị G, chết năm 1997. Hai cụ sinh được bốn người con gồm: Bà Nguyễn Thị C, ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Xuân T, ông Nguyễn Văn T1. Hai cụ chết đều không để lại di chúc. Năm 1995, bà C chết không để lại di chúc. Bà C có chồng là ông Lưu Đức X (chết năm 2013, không để lại di chúc, bố mẹ ông X là ông Lưu Đức Kh và bà Nguyễn Thị Đ chết trước ông X) và 3 con là anh Lưu Đức V, chị Lưu Thị M, chị Lưu Thị D. Ông T1 có vợ là bà Lưu Thị C. Khi còn sống, cụ K và cụ G có tài sản 01 ngôi nhà ba gian trên diện tích đất tại thôn X, xã A, huyện G, tỉnh Hải Dương. Nguồn gốc do bố mẹ cụ K để lại và mua của cụ Nguyễn Văn T một phần. Sau khi cụ K chết, vào năm 1978, cụ G và các con đã thỏa thuận thống nhất chia thửa đất thành 3 thửa, cho 3 con trai: Phần đất mua của cụ T4 chia cho ông T2 sử dụng, hiện nay đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Viết tắt: GCNQSDĐ) mang tên ông T2, phần đất còn lại chia cho ông T và ông T1. Việc phân chia đất không lập giấy tờ mà chỉ bằng lời nói, không có ai chứng kiến. Ông T1 đã xây nhà cấp 4 và công trình phụ trên đất, phần đất của ông T vẫn để làm vườn. Sau đó, ông T đi bộ đội và công tác tại Quảng Ninh, nên chưa sử dụng đến thửa đất được chia mà để cho cụ G làm vườn. Sau khi có Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ, năm 1983, ông T1 tự kê khai tách thửa đất đã chia cho ông T và ông T1 thành 02 thửa riêng: 01 thửa đất mang tên ông T1 có số thửa 372, tờ bản đồ số 8, diện tích 160m2; 01 thửa đất mang tên cụ K có số thửa 371, tờ bản đồ số 8, diện tích 120m2 và diện tích lối đi là 52m2. Ngày 15/3/1996, UBND huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng(cũ), cấp GCNQSDĐ, số D0073204, mang tên ông Nguyễn Văn T1 đối với 2 thửa đất trên. Ngày 30/11/2001, UBND huyện G, tỉnh Hải Dương lại cấp GCNQSDĐ, số Q940924, mang tên ông T1 và bà C đối với diện tích 417m2, tại thửa đất số 117, tờ bản đồ số 13. Năm 2010 đến năm 2012, ông T1 muốn đổi vị trí thửa đất nhưng ông T không đồng ý, dẫn đến tranh chấp, không trả thửa đất cho ông T. Năm 2017, ông T khởi kiện, mới biết diện tích đất mà cụ G chia cho ông T, ông T1 tự ý làm thủ tục dồn vào diện tích đất nhà ông T1, tổng là 417m2, mang tên ông T1 và bà C (vợ ông T1). Ông T không có tài liệu chứng M về việc cụ G tách chia đất, nên đề nghị chia di sản thừa kế của cụ K và cụ G là quyền sử dụng 280m2 đất ở thửa đất số 371, 372, tờ bản đồ số 8 (theo hồ sơ đất đai lập theo Chỉ thị 299) theo quy định pháp luật, hưởng bằng hiện vật; đề nghị hủy GCNQSDĐ, số D0073204, do UBND huyện Ninh Thanh, cấp ngày 15/3/1996, mang tên ông Nguyễn Văn T1; GCNQSDĐ số Q940924, do UBND huyện G cấp, ngày 30/11/2001, mang tên ông Nguyễn Văn T1 và bà Lưu Thị C. Ông T nhất trí việc ông T2, anh V, chị M, chị D từ chối hưởng di sản thừa kế. Đối với tài sản của cụ K và cụ G trên đất hiện nay không còn, nên không yêu cầu chia. Đối với diện tích đất đã chia cho ông T, ông T2 và bà Th (vợ ông T2) đã được UBND huyện G cấp GCNQSDĐ, không yêu cầu chia. Việc ông T1 khai năm 1977, ông T đã được cụ G cho thửa đất do ông bà ngoại để lại, ông T làm nhà và sinh sống trên đất, sau đó còn mua thêm 48m2 đất của hộ liền kề là bà Nguyễn Thị Th, năm 1981 ông T bán thửa đất đó cho ông Nguyễn Văn U, những nội dung ông T1 khai như vậy là không đúng. Năm 1977, ông T đi bộ đội về chưa có chỗ ở, cụ G làm tạm gian nhà tranh tre cho ở, được vài tháng thì ra Quảng Ninh. Năm 1980, cụ G bán mảnh đất trên cho ông Nguyễn Văn U, việc bán đất ông T không biết vì thời điểm đó ông không ở nhà. Đối với diện tích đất ruộng gia đình ông T1 đã bị trừ ngoài đồng vào đất vườn thừa, khi thực hiện việc chia ruộng theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Hải Hưng, ông T không biết gia đình ông T1 bị trừ bao nhiêu m2, ông T xác định đất không liên quan gì đến đất ruộng của gia đình ông T1, không đồng ý trừ trả đất cho gia đình ông T1.

2. Bị đơn ông Nguyễn Văn T1 trình bày và có quan điểm: Thống nhất với ý kiến của nguyên đơn về thời điểm cụ K và cụ G chết, không để lại di chúc và những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Ông T1 không biết chính xác hai cụ để lại tài sản là bao nhiêu m2 đất. Năm 1978, cụ G gọi các con đến để phân chia đất. Cụ G chia cho ông T phần đất mà cụ đã mua của bà ngoại, còn phần đất của cụ K và cụ G chia cho ông T1, ông T2 mỗi người một phần, phần còn lại cụ G để lại làm vườn. Do bà C đã lấy chồng nên không được chia, nhưng bà C cũng biết việc cụ G chia đất và không có ý kiến gì, không yêu cầu về tài sản. Việc cụ G chia đất chỉ bằng lời nói không có văn bản phân chia, không có ai chứng kiến. Sau khi cụ G chia đất xong, ông T1 đã xây tường bao ngăn cách giữa nhà ông T1 và nhà ông T2. Cụ G ở cùng vợ chồng ông T1 đến khi cụ chết vào năm 1997. Sau khi được chia phần đất mà cụ G mua của bà ngoại, ông T làm nhà trên đất, ở được khoảng hơn một năm thì đi công tác thoát ly, không ở địa phương. Vào khoảng năm 1980- 1981, ông T có đất ở Quảng Ninh, nên phần đất được cụ G chia cho đã bán cụ U. Hiện nay, cụ U đã chết, con trai cụ U là ông Nguyễn Văn Ch ở trên đất đó. Năm 1983, UBND xã A đo đạc đất và xác định diện tích đất, chủ sử dụng của từng hộ. Lúc đó, đất của ông T2 là 144m2 (chưa tính ngõ đi), đất của ông T1 là 160m2, ngõ đi 52m2, đất của cụ G là 120m2. Năm 1992, tiến hành đo lại đất để cấp GCNQSDĐ, cán bộ xã, thôn xuống từng hộ gia đình để xác định mốc giới, diện tích, tên chủ sử dụng đất. Cụ G nói với ban đo đạc là dồn phần đất của cụ theo Chỉ thị 299, vào cho ông T1 làm 1 giấy chứng nhận đứng tên ông T1, còn sống thì cụ sử dụng đất, khi nào chết thì giao quyền cho ông T1. Năm 1988, ông T1 đã làm một nhà cấp 4 và công trình phụ trên đất, trồng một số cây ăn quả, tôn tạo, vượt lập đất. Năm 1996, được UBND huyện Ninh Thanh cấp GCNQSDĐ, diện tích 332m2, thửa đất số 196, tờ bản đồ số 6. Năm 2000, UBND xã đo đạc lại đất, UBND huyện cấp đổi GCNQSDĐ nhưng chưa giao. Nay ông T khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ K và cụ G theo pháp luật, ông T1 không chấp nhận chia đối với diện tích đất 160m2 (theo Chỉ thị 299), vì đã được cụ G chia đất, được Nhà nước cấp GCNQSDĐ, từ khi chia đến nay không ai có ý kiến gì. Ông chỉ chấp nhận chia diện tích đất 120m2 (theo Chỉ thị 299) là di sản thừa kế theo pháp luật, nhưng phải trích trả công sức duy trì, tôn tạo đất. Ông T1 nhất trí việc ông T2, anh V, chị M, chị D từ chối hưởng di sản thừa kế. Không đồng ý hủy hai GCNQSDĐ. Ông T1 tự nguyện cho ông T giá trị cây cối, tường bao trên diện tích đất chia cho ông T. Đề nghị nhập chung diện tích 160m2 và diện tích đất được chia thừa kế vào một thửa, bà C đồng sử dụng cùng ông. Ông T1 xác định năm 1993, thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Hải Hưng, gia đình được chia ruộng ngoài đồng, có 7 khẩu được chia 6,5 suất ruộng (mỗi suất là 504m2 đất) gồm: cụ G ½ suất ruộng, vợ chồng và 4 người con: anh N, chị P, chị N1, anh L mỗi người được 1 suất ruộng, tổng diện tích là 3.276m2. Khi đó, UBND xã A cân đối với đất vườn thừa của gia đình và cụ G thừa 80m2 đất, nên trừ diện tích ngoài đồng 80m2, thực tế đất được chia ngoài đồng là 3.196m2. Yêu cầu phải trả lại diện tích đất đã bị trừ ngoài đồng. Tài sản trên đất của cụ K và cụ G không còn. Đối với diện tích đất đã chia cho ông T2, hiện nay ông T2 và bà Th (vợ ông T2) đã được cấp GCNQSDĐ, ông T1 không có tranh chấp.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

3.1. Ông Nguyễn Văn T2, anh Lưu Đức V, chị Lưu Thị M, chị Lưu Thị D: Nhất trí với nội dung trình bày và yêu cầu khởi kiện của ông T; từ chối hưởng di sản thừa kế của cụ K và cụ G.

3.2. Bà Lưu Thị C: Nhất trí với nội dung trình bày của ông T1.

3.3. Anh Nguyễn Văn N, anh Nguyễn Văn L, chị Nguyễn Thị P, chị Nguyễn Thị N1: Xác định vào năm 1993, gia đình được chia ruộng ngoài đồng, bị trừ đất ngoài đồng vào đất vườn thừa. Đề nghị cho ông T1 và bà C được hưởng phần diện tích đất ngoài đồng bị trừ vào đất vườn.

3.4. UBND huyện G: Việc lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn T1, không đầy đủ căn cứ pháp lý theo quy định. UBND xã A xét duyệt chỉ căn cứ vào bản đồ địa chính đo đạc năm 1993, trên cơ sở đã đo đạc hợp 02 thửa đất số 371, tờ bản đồ số 08 là thửa đất của cụ K và thửa đất số 372, tờ bản đồ số 08 là thửa đất của ông T1 thành một thửa đất. Phần diện tích đất của cụ K đứng tên chưa được lập thành văn bản cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất cho ông T1 theo quy định, chỉ căn cứ vào ý kiến của cá nhân mẹ đẻ ông T1, ủy quyền cho ông T1 được hợp thửa đất và sử dụng đất, dẫn đến ngày 15/3/1996, UBND huyện Ninh Thanh cấp GCNQSDĐ cho ông T1 là sai đối tượng, sai vị trí sử dụng đất, không đúng diện tích, nguồn gốc sử dụng đất. Diện tích, vị trí đất cần thực hiện cấp GCNQSDĐ cho ông T1, được xác định theo hồ sơ đăng ký 299, thuộc thửa đất số 372, tờ bản đồ số 08, diện tích 160m2. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị UBND huyện G cấp GCNQSDĐ, UBND xã A đã không kiểm tra, rà soát, đối chiếu kết quả cấp năm 1996. Do vậy, đến năm 2001, UBND huyện lại cấp tiếp 01 GCNQSDĐ trùng với vị trí đất, thửa đất gia đình ông T1 đã được cấp năm 1996. Việc cấp 02 GCNQSDĐ cho 01 vị trí đất, thửa đất là vi phạm khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013. Do vậy, nội dung yêu cầu hủy 02 GCNQSDĐ đã cấp cho hộ ông T1 là đúng theo quy định pháp luật.

3.5. UBND xã A: Nguồn gốc diện tích đất dôi dư ông Nguyễn Văn T1 đang quản lý, sử dụng là đất ao của địa phương do UBND xã A quản lý. Diện tích đất dôi dư không nằm trong quy hoạch, không vi phạm hành lang giao thông, thủy lợi, lưới điện. Khi giải quyết vụ án, UBND xã A đề nghị tạm giao cho ông T1 quản lý, sử dụng diện tích đất dôi dư, ông T1 phải có trách nhiệm làm việc với các cơ quan chức năng để làm thủ tục hợp thức hóa diện tích đất dôi dư.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2019/DS-ST ngày 26/9/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định: Áp dụng các điều 217, 219, 634, 635, 674, 675, 676, 677, 683, 685 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 357, 468, 623 Bộ luật Dân sự năm 2015; Khoản 1 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai năm 1998 và Luật Đất đai năm 2001; Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990; Điều 34, Điều 147, khoản 1 Điều 227, khoản 1, khoản 2 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;...Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Xuân T.

1. Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D0073204 do UBND huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Hưng cấp ngày 15/3/1996, mang tên ông Nguyễn Văn T1 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q940924 do UBND huyện G, tỉnh Hải Dương, cấp ngày 30/11/2001, mang tên ông Nguyễn Văn T1 và bà Lưu Thị C.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Xuân T về yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn K và cụ Nguyễn Thị G là quyền sử dụng diện tích 160m2 đất tại thửa số 372, tờ bản đồ số 08, địa chỉ: Thôn X, xã A, huyện G, tỉnh Hải Dương (theo hồ sơ 299). Xác định diện tích 160m2 đất tại thửa số 372, tờ bản đồ số 08, địa chỉ: Thôn X, xã A, huyện G, tỉnh Hải Dương (theo hồ sơ 299) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông Nguyễn Văn T1.

3. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Xuân T: Xác định quyền sử dụng 120m2 đất ở tại thửa số 371, tờ bản đồ số 08, địa chỉ: thôn X, xã A, huyện G, tỉnh Hải Dương trị giá 144.000.000 đồng là di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn K và cụ Nguyễn Thị G (trên đất có công trình xây dựng và cây cối thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Nguyễn Văn T1 và bà Lưu Thị C). Không có căn cứ xác định hộ ông Nguyễn Văn T1 (gồm ông T1, bà C, cụ G, anh L, anh N, chị P, chị N1) bị trừ đất ngoài đồng vào diện tích đất 120m2. Xác định những người được hưởng thừa kế của cụ K và cụ G gồm ông Nguyễn Xuân T, ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Văn T1, anh Lưu Đức V, chị Lưu Thị M, chị Lưu Thị D. Chấp nhận sự tự nguyện của ông T2, anh V, chị M, chị D từ chối hưởng di sản thừa kế của K và cụ G. Trích trả ông T1 và bà C tiền quản lý, duy trì di sản thừa kế của cụ K và cụ G là 20.000.000 đồng. Di sản còn lại của cụ K và cụ G chia theo pháp luật, ông T và ông T1 mỗi người được hưởng 62.000.000 đồng. Chia cho ông Nguyễn Xuân T sử dụng 60m2 đất ở trị giá 72.000.000 đồng được giới hạn bởi các điểm mốc C, D, E, E1, E2 (hình thể và kích thước các cạnh theo sơ đồ kèm theo). Trên đất có tường bao, một số cây cối: chuối, mít...Ông T phải trả cho ông T1 và bà C 10.000.000 đồng tiền quản lý, duy trì di sản của cụ K và cụ G. Chấp nhận sự tự nguyện của ông T1 và bà C không yêu cầu ông T trả giá trị tài sản trên đất (tường bao, cây cối). Chấp nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Văn T1 để bà Lưu Thị C sử dụng chung cùng ông diện tích đất được chia là 220m2. Chia cho ông Nguyễn Văn T1 và bà Lưu Thị C sử dụng chung diện tích 220m2 đất ở trị giá 264.000.000 đồng (trong đó có 60m2 đất là phần di sản chia cho ông T1; 160m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông T1) được giới hạn bởi các điểm mốc H, I, K, L, M, N, O, P, Q, Q1, Q2, Q3, Q4 (hình thể và kích thước các cạnh theo sơ đồ kèm theo), trên đất có công trình xây dựng và cây cối thuộc quyền sở hữu của ông T1 và bà C. Tạm giao cho ông Nguyễn Văn T1 và bà Lưu Thị C quản lý 140m2 đất dôi dư được giới hạn bởi các điểm mốc A, B, C, E2, E1, E, G, H, Q4, Q3, Q2, Q1, Q, S, T (hình thể và kích thước các cạnh theo sơ đồ kèm theo). Ông T1 và bà C có trách nhiệm làm thủ tục hợp thức hóa tại cơ quan có thẩm quyền đối với diện tích đất dôi dư. Các đương sự phải có trách nhiệm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, lệ phí xem xét thẩm định, định giá, lãi suất, quyền kháng cáo theo pháp luật.

Ngày 08/10/2019, ông Nguyễn Xuân T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Xác định di sản thừa kế bố mẹ để lại là 332m2 đất, không đồng ý cấp sơ thẩm xác định chỉ có 120m2 đất; không chấp nhận trả công sức san lấp cho ông T1 là 10.000.000đồng.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Ông Nguyễn Xuân T giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận đơn khởi kiện, chia di sản thừa kế của cụ K và cụ G theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn T1; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T gửi luận cứ bảo vệ: Đề nghị chấp nhận kháng cáo của ông T, sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định diện tích đất 332m2 (thổ cư 300m2, trồng cây lâu năm 32m2) là di sản thừa kế của cụ Kính và cụ G, chia cho ông T, ông T1 mỗi người được hưởng ½ diện tích đất, xác định ông T1 không có công sức gì.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Về nội dung, do cấp sơ thẩm xác định thiếu di sản thừa kế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Đề nghị hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Về tố tụng: Cấp sơ thẩm cơ bản tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong việc thụ lý, xác M thu thập chứng cứ, công khai chứng cứ, hòa giải, xác định hiện trạng và định giá tài sản tranh chấp, xác định những người tham gia tố tụng…Đơn kháng cáo của ông T gửi trong thời hạn luật định, nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Tại phiên tòa vắng mặt bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Do vậy, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.

[2]. Về nội dung:

[2.1]. Về thẩm quyền, quan hệ pháp luật: Trong vụ án này, ông T xác định sau khi cụ K chết. Năm 1978, cụ G và các con đã chia đất của hai cụ cho ba người con trai. Phần đất mua của cụ T4, chia cho ông T2 sử dụng đến nay, phần còn lại chia cho ông T và ông T1, việc phân chia không lập giấy tờ, không ai chứng kiến, chỉ bằng lời nói, phần đất chia cho ông T1 đã xây nhà cấp 4, phần đất của ông T để làm vườn. Năm 2010-2012, ông T1 muốn đổi vị trí thửa đất, nhưng ông T không đồng ý, ông T1 không trả đất. Năm 2014, ông T khởi kiện mới biết diện tích đất cụ G chia cho, ông T1 tự ý dồn vào để cấp GCNQSDĐ, ông T không có tài liệu việc cụ G chia tách đất. Mặc dù ông T xác định diện tích đất vườn đã được chia năm 1978, nên kiện đòi ông T1, nhưng ông T không có tài liệu chứng M, nên không kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất. Ông T khởi kiện yêu cầu chia di sản của cụ Nguyễn Văn K và cụ Nguyễn Thị G quyền sử dụng 280m2, tại thửa 371 và 372, bản đồ số 8 (Chỉ thị 299); hủy GCNQSDĐ hiện mang tên ông Nguyễn Văn T1 và bà Lưu Thị C. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Khoản 5 Điều 26, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính xác định thẩm quyền, quan hệ pháp luật, thụ lý giải quyết vụ án là đúng quy định của pháp luật.

[2.2]. Về thời hiệu khởi kiện: Cụ Nguyễn Văn K chết năm 1975 và cụ Nguyễn Thị G chết năm 1997, hai cụ sinh được bốn người con gồm: bà Nguyễn Thị C (chết năm 1995), ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Xuân T, ông Nguyễn Văn T1. Năm 2017, ông T khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ K và cụ G là quyền sử dụng đất, theo quy định tại Điều 107, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 là 30 năm đối với bất động sản, tính từ thời điểm cụ K chết năm 1975 đến năm 2017 là 42 năm. Tuy nhiên, do cụ K chết trước ngày 10/9/1990 (ngày công bố Pháp lệnh thừa kế), theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đối với những việc thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Do vậy, tính từ ngày 10/9/1990 đến năm 2017 là 27 năm, nên thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của cụ K còn thời hiệu. Đối với yêu cầu chia thừa kế của cụ G, còn trong thời hiệu theo Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tòa án cấp sơ thẩm xác định còn thời hiệu khởi kiện, chia di sản của cụ Nguyễn Văn K và cụ Nguyễn Thị G là có căn cứ.

[2.3]. Về hàng thừa kế hưởng di sản: Các đương sự đều xác định cụ K và cụ G không có con nuôi, con riêng. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ K và cụ G gồm: bà Nguyễn Thị C, ông Nguyễn Văn T2, ông Nguyễn Xuân T, ông Nguyễn Văn T1 được quy định tại Điều 649, Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do bà C chết năm 1995 (có chồng là ông Lưu Đức X, chết năm 2013 và bà C cũng không có con nuôi, con riêng), nên các con bà C là những người thừa kế thế vị theo Điều 680 Bộ luật Dân sự năm 1995 gồm: anh Lưu Đức V, chị Lưu Thị M, chị Lưu Thị D. Tòa án cấp sơ thẩm xác định hàng thừa kế là có căn cứ.

[2.4]. Về thời điểm mở thừa kế: Các đương sự đều xác định, trước khi chết cụ K và cụ G đều không để lại di chúc. Di sản của cụ K và cụ G được chia thừa kế theo pháp luật theo Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do cụ K, cụ G chết tại hai thời điểm khác nhau, nên có hai thời điểm mở thừa kế. Thời điểm thứ nhất là khi cụ Nguyễn Văn K chết năm 1975, những người được hưởng di sản thừa kế của cụ K gồm: cụ G, bà C, ông T, ông T1, ông T2. Theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959; Pháp lệnh thừa kế năm 1990, di sản của cụ K là ½ diện tích đất trong khối tài sản chung vợ chồng cụ K và cụ G, được chia đều cho năm kỷ phần nêu trên, nhưng cấp sơ thẩm xác định thời điểm này thiếu cụ G. Thời điểm thứ hai là khi cụ Nguyễn Thị G chết năm 1997, theo quy định Bộ luật Dân sự năm 1995, những người được hưởng di sản thừa kế của cụ G gồm: ông T, ông T1, ông T2, thời điểm này bà C đã chết nên các con là anh V, chị M, chị D được hưởng thừa kế thế vị. Di sản của cụ G gồm ½ diện tích đất trong khối tài sản chung vợ chồng và 1/5 kỷ phần được chia di sản của cụ K, di sản của cụ G được chia làm bốn kỷ phần nêu trên.

[2.5]. Về di sản thừa kế của cụ K và cụ G: Căn cứ lời khai của ông T2, ông T, ông T1 và con bà C, thì di sản của cụ K và cụ G để lại trước khi chết gồm: diện tích đất hiện ông T2, diện tích đất hiện ông T1 đang quản lý, sử dụng. Hồ sơ địa chính thể hiện, thời kỳ đo vẽ theo Chỉ thị 299 tại tờ bản đồ số 8: thửa số 371, diện tích 120m2, loại đất thổ cư, mang tên cụ K; thửa số 372, diện tích 160m2, loại đất thổ cư mang tên ông T1; thửa 388 diện tích 140m2, loại đất thổ cư mang tên ông T2. Hồ sơ địa chính thời kỳ năm 1993, ông T1 kê khai gộp cả hai thửa 371 và 372 vào thành một thửa, được thể hiện tờ bản đồ 06 thửa số 196, diện tích 332m2 (300m2 đất thổ cư, 32m2 đất vườn); thửa đất ông T2 sử dụng thể hiện tại thửa số 218, diện tích 192m2, loại đất thổ cư. Như vậy, di sản của cụ K và cụ G gồm diện tích đất của ông T2, diện tích đất của ông T1 đang sử dụng, năm 1993 đã được cấp GCNQSDĐ. Thời điểm năm 1993, được thể hiện trên hồ sơ địa chính: diện tích 332m2 mang tên ông T1 + 192m2 mang tên ông T2. Tổng diện tích là 524m2, phù hợp lời khai của các đương sự xác định cụ K và cụ G để lại khoảng hơn 500m2 đất.

[2.6]. Về việc chia đất năm 1978 của cụ G: Ông T2, ông T, ông T1 xác định sau khi cụ K chết, khoảng năm 1978 cụ G có gọi các con về chia đất, nhưng không có mặt bà C. Để xác định có việc cụ G chia đất hay không, chia như thế nào, chia như quan điểm của ông T và ông T2 hay như quan điểm của ông T1, có phù hợp quy định của pháp luật hay không. Hội đồng xét xử, xét thấy: Việc phân chia đất của cụ G cho ba người con trai không được lập thành văn bản, không có người làm chứng, không xác định rõ diện tích, kích thước, mốc giới cụ thể, không thông qua chính quyền địa phương. Theo ông T2, ông T, ông T1 chia đất chỉ bằng lời nói, nhưng về phần đất được phân chia vị trí lại khác nhau. Quan điểm của ông T và ông T2 xác định, cụ G phân chia đất thành ba thửa cho ba người con trai, phần đất mua của cụ T4 chia cho ông T2 sử dụng, phần còn lại chia cho ông T và ông T1, phần của ông T1 đã xây nhà cấp 4, còn phần đất vườn chia cho ông T. Tuy nhiên, quan điểm của ông T1 xác định, cụ G chia cho ông T phần đất mua của bà ngoại, đất của hai cụ K và cụ G chia cho ông T1 và ông T2, phần còn lại cụ G để làm vườn, do bà C đã lấy chồng nên không được chia, nhưng bà C cũng biết việc chia đất, ông T1 đã xây tường bao ngăn cách với nhà ông T2, phần đất của ông T được chia khoảng năm 1980-1981 đã bán cho cụ U (hiện ông C đang ở), việc ông T khởi kiện chỉ chấp nhận 120m2 là di sản thừa kế, còn 160m2 đã được cụ G và anh em thống nhất chia. Như vậy, ông T2, ông T và ông T1 đều có quan điểm cụ G chia đất, thống nhất đối với phần đất của ông T2 và ông T1 đã được chia, nhưng không thống nhất với nhau đối với diện tích đất 120m2. Ông T2, ông T xác định 120m2 chia cho ông T, nhưng ông T1 xác định cụ G để lại làm vườn. Xét thời điểm chia đất năm 1978, xét thấy, sau khi cụ K chết thì cụ G là người quản lý toàn bộ tài sản chung của vợ chồng, khi thực hiện việc kê khai hồ sơ đo đạc, lập bản đồ địa chính thời kỳ theo Chỉ thị 299, di sản của cụ K và cụ G được chia tách làm ba thửa, thể hiện tại tờ bản đồ số 8: thửa số 371, diện tích 120m2, loại đất thổ cư mang tên cụ K; thửa số 372, diện tích 160m2, loại đất thổ cư mang tên ông T1; thửa 388 diện tích 140m2, loại đất thổ cư mang tên ông T2. Thời điểm này, cụ G vẫn sinh sống trên thửa đất mang tên ông T1, nếu không có việc phân chia trước đó, khi địa phương đo đạc lập bản đồ tách làm ba thửa, thì cụ G sẽ phản đối việc tách thửa đất này, thực tế sử dụng đất thì ông T2, ông T1 sử dụng phần đất được chia. Đến năm 1992, địa phương tiến hành đo đạc lại để lập bản đồ địa chính, ông T1 kê khai gộp cả hai thửa 371 và 372 vào thành một thửa, được thể hiện tờ bản đồ 06 thửa số 196, diện tích 332m2 (300m2 đất thổ cư, 32m2 đất vườn); thửa đất ông T2 sử dụng thể hiện tại thửa số 218, diện tích 192m2, loại đất thổ cư. Ông T1 xác định khi đo lại đất, cụ G nói với đoàn đo đạc nhờ đo dồn vào một thửa (thửa diện tích 120m2 mang tên cụ K) đứng tên ông T1, sau này có trách nhiệm đóng thuế, sống ngày nào cụ G sử dụng, khi chết mới giao quyền cho ông T1, phù hợp lời khai ông Lưu Đức Lo là Phó thôn thời điểm đó xác nhận, cụ G nói đo dồn hai thửa vào một thửa cho ông T1; việc chia đất của cụ G cũng được bà Lưu Thị C(vợ ông T1), bà Phạm Thị Th(vợ ông T2) xác nhận. Như vậy, ngoài quan điểm của ông T2, ông T, ông T1, bà Th, bà C xác định đất được chia năm 1978, căn cứ việc đứng tên tại bản đồ địa chính thời kỳ năm 1985 và năm 1993, diện tích đất thực tế ông T2 và ông T1 sử dụng, xác nhận của ông Lo, ý chí của cụ G không có phản đối gì tại các thời điểm đo đạc lập bản đồ, vì vậy, xác định có việc cụ G phân chia đất vào năm 1978, mặc dù việc phân chia này không được lập bằng văn bản cụ thể. Vấn đề cần xác định, cụ G chia làm ba thửa cho ông T2, ông T, ông T1 hay chia cho ông T2, ông T1 và thửa còn lại cụ G để làm vườn, ông T có được chia phần đất sau đó đã bán cho cụ U hay không. Xét quan điểm hai bên đương sự, xét thấy, theo quan điểm của ông T2 và ông T, diện tích đất vườn mà cụ G chia cho ông T, nếu có việc cụ G chia cho ông T trước đó, thì sẽ được đứng tên ông T từ khi thực hiện việc kê khai theo Chỉ thị 299, tuy nhiên, phần đất này lại đứng tên cụ K nhưng thời điểm này đã chết, khi đo đạc lập bản đồ năm 1993 thời điểm này cụ G còn sống, cụ G nhờ đoàn đo đạc đo gộp vào với thửa đất của ông T1, nếu ý chí của cụ G đã cho ông T trước đó, thì sẽ không có việc yêu cầu đo gộp vào với thửa đất của ông T1, cụ G sẽ yêu cầu đo đạc kê khai để đứng tên ông T, việc này diễn ra cùng thời điểm đo phần đất của ông T2 được cho, trong khi đó ông T thỉnh thoảng vẫn về quê thăm cụ G, không kê khai và không có tên trong hồ sơ địa chính của địa phương, ngoài lời khai của ông T2 và ông T, không có bất cứ chứng cứ nào chứng M, chính ông T cũng xác định không có chứng cứ về việc này, quá trình giải quyết vụ án ông T xác định, năm 2012 đã ghi âm giọng nói của ông T1 muốn hoán đổi đất được chia, nhưng không có yêu cầu trưng cầu giám định, nên không có căn cứ xác định ông T đã được cụ G chia cho phần đất vườn. Theo quan điểm của ông T1, thì ông T được chia phần đất của ông bà ngoại để lại, hiện ông C đang sử dụng kê khai từ thời điểm Chỉ thị 299, tuy nhiên, căn cứ lời khai của ông C thì chính cụ U mua lại nhà đất của cụ G, sau đó cho ông C khoảng năm 1985, ông T2 cũng khẳng định cụ G là người bán nhà đất cho cụ U, không cho ông T mảnh đất này, thời điểm cụ G bán đất thì ông T đi công tác không có nhà, ngoài lời khai của ông T1, bà C thì không có căn cứ nào chứng M, vì vậy, các chứng cứ thể hiện cụ G là người bán đất cho cụ U, nên ông T1 cho rằng cụ G chia cho ông T, sau đó ông T đã bán cho cụ U là không có căn cứ. Do vậy, có căn cứ xác định cụ G chia đất cho ông T2 và ông T1, không đủ căn cứ xác định cụ G chia đất cho ông T.

[2.7]. Về xác định phần di sản thừa kế của cụ G: Xét việc định đoạt phân chia đất của cụ G, xét thấy: Di sản của cụ K và cụ G gồm diện tích đất của ông T2, diện tích đất của ông T1 đang quản lý và sử dụng, năm 1993 được cấp GCNQSDĐ. Thời điểm năm 1993, được thể hiện trên hồ sơ địa chính: diện tích 332m2 mang tên ông T1 + 192m2 mang tên ông T2. Tổng diện tích là 524m2. Theo quy định tại Điều 15, Điều 16 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới; Khi một bên chết trước, nếu tài sản của vợ chồng cần chia, thì chia như quy định ở Điều 29. Vợ và chồng đều có quyền thừa kế tài sản của nhau”. Như vậy, cụ G có quyền định đoạt 1/2 giá trị trong khối tài sản chung vợ chồng và 1/5 kỷ phần là di sản thừa kế của cụ K. Căn cứ hồ sơ địa chính năm 1993, thể hiện diện tích đất cụ G chia cho ông T2 tại thửa số 218, diện tích 192m2; chia cho ông T1 diện tích 160m2 (sau đó ông T1 gộp cả hai thửa 371, 372 và diện tích ngõ đi, thể hiện tờ bản đồ 06 thửa số 196, diện tích 332m2). Tổng diện tích cụ G chia cho ông T2 và ông T1 là 352m2, theo quy định của pháp luật thì cụ G chỉ có quyền định đoạt 314,4m2, tuy nhiên, khi cụ G chia đất cho ông T2, ông T1 đã định đoạt hết phần quyền tài sản của mình trong khối tài sản chung, đồng thời còn định đoạt sang một phần di sản của cụ K, vì vậy, di sản thừa kế của cụ G không còn để chia thừa kế theo pháp luật.

[2.8]. Về xác định di sản thừa kế của cụ K: Di sản thừa kế của cụ K để lại là 1/2 giá trị trong khối tài sản chung vợ chồng với cụ G, những kỷ phần được hưởng gồm cụ G, bà C, ông T2, ông T1, ông T được hưởng. Đến thời điểm này, không có bất cứ chứng cứ nào thể hiện ý chí của bà C đồng ý việc chia đất năm 1978, việc ông T, ông T1, ông T2 cho rằng bà C biết và nhất trí là không có căn cứ. Trong khi đó, quan điểm của anh V, chị M, chị D (con bà C) thì cụ K và cụ G không để lại di chúc theo pháp luật, bà C được chia một phần thuộc hàng thừa kế thứ nhất, nhưng đều nhất trí không nhận phần giá trị đất mà bà C được hưởng, nhất trí để lại chia cho ba cậu (Trường, Trung, T2), ông T khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật, vì vậy, di sản của cụ K được chia theo pháp luật. Do năm 1978 cụ G định đoạt sang cả phần di sản của cụ K, người được hưởng và đang sử dụng phần di sản này là ông T2 và ông T1, do vậy, phải xem xét phần di sản mà cụ G đã định đoạt vượt quá phần quyền hiện ông T2, ông T1 đang quản lý để làm căn cứ giải quyết. Trong vụ án này, cấp sơ thẩm xác định cụ G đã chia đất cho ông T, nhưng không xem xét việc cụ G chia đất cho ông T2, dẫn đến xác định cụ G còn di sản để chia, đồng thời xác định phần di sản của cụ K chỉ còn lại ½ diện tích 120m2 là thiếu căn cứ. Do xác định không đúng và thiếu phần di sản thừa kế của cụ K, cũng như xác định không chính xác phần di sản của cụ G, dẫn đến việc chia thừa kế chưa đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Những vấn đền nêu trên không thể khắc phục được, xét thấy, cần giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.

[2.9]. Về yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về đất dôi dư, về công sức tôn tạo đất..: Do vụ án cần phải được giải quyết lại, vì vậy, những yêu cầu này của các đương sự sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án.

[3]. Xét kháng cáo của ông Nguyễn Xuân T và quan điểm của trợ giúp viên pháp lý: Do xác định không đúng và thiếu di sản thừa kế để chia theo pháp luật như nhận định trên, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Xét thấy, cần hủy bản án sơ thẩm và giao về cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật. Vì vậy, kháng cáo của ông T và quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý đề nghị sửa bản án sơ thẩm, cấp phúc thẩm không xét.

[4]. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Xét thấy, các căn cứ và lập luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có cơ sở, được chấp nhận.

[5]. Về án phí: Ông Nguyễn Xuân T không phải chịu án phí phúc thẩm dân sự; Án phí sơ thẩm dân sự được xem xét khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.

Bởi các lẽ trên, Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án,

QUYẾT ĐỊNH

1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2019/DS-ST ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương.

2. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

3. Về án phí: Ông Nguyễn Xuân T không phải nộp án phí dân sự phúc thẩm. Án phí dân sự sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

209
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia tài sản thừa kế và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 04/2021/DS-PT

Số hiệu:04/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về