TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ H, TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 35/2023/DS-ST NGÀY 22/09/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG VÀ CHIA DI SẢN THỪA KẾ
Ngày 22 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố H, xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 24/2023/TLST-DS ngày 24/02/2023 về việc “tranh chấp chia tài sản chung, chia di sản thừa kế”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 50/2023/QĐXX-ST ngày 29/8/2023 và Quyết định hoãn phiên toà số 87/2023/QĐ-ST ngày 12/9/2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Tăng Văn T, sinh năm 1973; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ A, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang (vắng mặt);
Người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Ngọc T1; sinh năm 1992; Địa chỉ: Số A, đường N, phường C, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt); Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Luân Thị N- Công ty L2; Địa chỉ: Số F đường V, xã X, huyện H, thành phố Hà Nội (có mặt).
- Bị đơn: Ông Tăng Thế L, sinh năm 1955; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Đ, thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
Người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn: Bà Vương Thị P (vợ của bị đơn), sinh năm 1971; Nơi ĐKHKTT: Đ, thôn Đ, xã G, thành phố H; chỗ ở: Số A phố K, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
+ Cụ Phan Thị H, sinh năm 1938; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
+ Ông Tăng Xuân K, sinh năm 1958; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
+ Bà Tăng Thị P1, sinh năm 1965; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
+ Bà Tăng Thị D, sinh năm 1967; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
+ Ông Tăng Văn N1, sinh năm 1971 và bà Phan Thị M, sinh năm 1970; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt ông N1, có mặt bà M).
+ Ông Tăng Văn T2, sinh năm 1975 và bà Tăng Thị C, sinh năm 1978; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (đều có mặt).
Người đại diện theo uỷ quyền của cụ H, ông K, bà P1, bà D, ông N1, ông T2: Ông Nguyễn Ngọc T1, sinh năm 1992; Địa chỉ: Số A, đường N, phường C, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
+ Ông Tăng Văn H1, sinh năm 1963; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (vắng mặt).
Người đại diện theo uỷ quyền của ông H1: Anh Tăng Văn C1 (con trai ông H1), sinh năm 1992; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Đ, thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương (có mặt).
+ Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1991; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở: Tổ A, phường N, thành phố H, tỉnh Hà Giang (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, lời khai của nguyên đơn, người đại diện của nguyên đơn trình bày:
Bố mẹ ông là cụ Tăng Văn K1 và cụ Phan Thị H chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1955, không có đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống hai cụ sinh được 08 người con là ông Tăng Thế L, ông Tăng Xuân K, ông Tăng Văn H1, bà Tăng Thị P1, bà Tăng Thị D, ông Tăng Văn N1 và ông (Tăng Văn T), ông Tăng Văn T2. Ngoài ra các cụ không có con nuôi, con riêng.
Hai cụ có tài sản chung là quyền sử dụng đất 1.188m2 gồm thửa 258, diện tích 334m2 (có 300m2 đất ở và 34 đất vườn kinh tế gia đình); thửa 257, diện tích 544m2 đất ao thừa hợp pháp; thửa 256, diện tích 310m2 (có 100m2 đất vườn kinh tế gia đình và 210m2 đất vườn thừa hợp pháp), đều tờ bản đồ số 05, ở thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương. Thửa đất này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt GCNQSDĐ) mang tên cụ K1 vào năm 1994. Nguồn gốc đất do cha ông để lại, đã có từ trước khi các anh chị em ông sinh ra và lớn lên tại đây. Khi, ông L, ông K, ông H1 lấy vợ và sinh con sau đó dần dọn ra ở riêng trên thửa đất khác, nay đều có nhà riêng. Sau này chỉ có ông T2, ông N1 lấy vợ sinh con và bà D không lấy chồng nhưng có con, vì không có chỗ ở nên được bố mẹ cho làm nhà riêng trên đất nhưng đất vẫn mang tên các cụ. Ngày 31/5/2005, cụ K1 mất, không để lại di chúc.
Năm 2007, ông T bỏ tiền mua nguyên vật liệu cát để san lấp diện tích đất ao 544m2, sâu khoảng 2m, bà D, bà P1 và vợ chồng ông T bỏ công san lấp; trong đó ông K có bỏ tiền và công san lấp một phần tương ứng với vị trí ông K đang xây nhà dở 80m2 trên đất của bố mẹ. Chi phí mua cát thời điểm đó tổng khoảng 40 triệu đồng (43.000đ/m3). Hiện, vợ chồng ông T2, vợ chồng ông N1, bà D xây dựng nhà ở và công trình tài sản khác trên đất. Cụ H đang quản lý, sử dụng phần đất trên có công trình nhà thờ, nhà ở, sân, cổng, tường bao và cây cối là tài sản của vợ chồng ông T bà A xây dựng cho cụ H ở.
Ngoài ra, di sản của cụ K1 để lại trước khi chết là tiêu chuẩn đất ruộng. Diện tích đất ruộng 1.756m2 được cấp GCNQSDĐ mang tên cụ K1 năm 1998 là tiêu chuẩn ruộng của 05 khẩu gồm cụ K1, cụ H, ông T2, ông T và bà D, mỗi người là 351,2m2. Diện tích đất 03 chia đủ tiêu chuẩn ngoài đồng, không bị trừ vào đất vườn, ao cấp mang tên cụ K1. Nay các đồng thừa kế không tranh chấp đối với tài sản này, thống nhất xác định di sản của cụ K1 là thửa đất 21/10, tờ bản đồ số 03, diện tích 348m2 (hiện trạng là 341m2), do bà D đang canh tác trồng dưa lê. Quan điểm của các đồng thừa kế, kỷ phần của mình được hưởng từ di sản này sẽ để lại toàn bộ cho cụ H và không yêu cầu cụ H trả giá trị bằng tiền.
Trước khi chết, cụ K1 không để lại nghĩa vụ tài sản với người khác. Các con cùng chăm sóc lúc già yếu và tổ chức mai táng cho cụ khi chết nên không yêu cầu đối với các chi phí này.
Vì anh chị em trong gia đình không thống nhất được việc chia đất nên nguyên đơn ông T khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung 1.188m2 của cụ K1 và cụ H, mỗi người được hưởng ½ quyền sử dụng đất sau khi trừ đi công sức san lấp đất của ông T, ông K, bà D, bà P1 và vợ chồng ông T bà C. ½ quyền sử dụng đất giao cho cụ H sử dụng. ½ quyền sử dụng đất là di sản thừa kế của cụ K1 chia theo quy định của pháp luật và xem xét cho các đồng thừa kế được sử dụng bằng hiện vật. Các công trình do ông và vợ là Nguyễn Thị A xây dựng giao cho cụ H được sử dụng, ông T và bà A không yêu cầu cụ H trả giá trị bằng tiền.
*Ý kiến của bị đơn ông Tăng Thế L: Ông trình bày hàng thừa kế và thời gian chết của cụ K1 như nguyên đơn trình bày. Cụ K1 chết không để lại di chúc.
Theo hồ sơ 299, ông có kê khai 667m2 đất thổ cư khi sống chung với các cụ nhưng sau đó ông đã dọn ra ở riêng, bố mẹ ông là cụ K1, cụ H là người ở trên đất quản lý, sử dụng. Nay, diện tích đất này được cấp QSCNQSDĐ cho cụ K1 trong tổng diện tích 1.188m2, ông đồng ý. Toàn bộ thửa đất này là tài sản chung của cụ K1 và cụ H. Các công trình xây dựng, tài sản trên đất, ông không có công sức đóng góp và không tranh chấp. Diện tích đất ao, ông và vợ con không có công sức đóng góp.
Đối với diện tích đất ruộng 1của cụ K1, ông nhất trí như nguyên đơn trình bày và đồng ý giải quyết đất ruộng, kỷ phần của mình được hưởng từ di sản này sẽ để lại toàn bộ cho cụ H và không yêu cầu cụ H trả giá trị bằng tiền.
Trước khi chết, cụ K1 không để lại nghĩa vụ tài sản với người khác. Các con cùng chăm sóc lúc già yếu và tổ chức mai táng cho cụ khi chết nên không yêu cầu đối với các chi phí này.
Về quan điểm về giải quyết vụ án: Nhất trí yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chia tài sản chung của các cụ và chia di sản thừa kế của cụ K1 theo quy định của pháp luật. Ông xin được hưởng kỷ phần bằng tiền để các em ông giữ nguyên hiện trạng để sử dụng. Nếu các em ông không nhất trí, không có tiền trả thì ông xin nhận bằng đất, vị trí nào cũng được. Ông không đồng ý trả công sức cho các em ông, vì các em ông tự san lấp ao và làm nhà, sử dụng đất.
* Ý kiến của ông Tăng Văn H1: Ông trình bày hàng thừa kế và thời gian chết của cụ K1 như nguyên đơn trình bày. Cụ K1 chết không để lại di chúc.
Năm 1991, ông có kê khai 310m2 đất thổ cư khi sống cùng bố mẹ là cụ K1, cụ H nhưng sau đó ông dọn ra ở riêng, các cụ quản lý sử dụng diện tích đất này. Nay diện tích đất này được cấp QSCNQSDĐ cho cụ K1 trong tổng diện tích 1.188m2, ông đồng ý. Các công trình xây dựng, tài sản trên đất, san lấp ao, ông không có công sức đóng góp và không tranh chấp. Nếu các em ông yêu cầu trả công sức mà mọi người trong gia đình nhất trí thì ông đồng ý trả. Đối với diện tích đất ruộng tiêu chuẩn của cụ K1, ông nhất trí như ông T và ông L trình bày và cũng có quan điểm kỷ phần của mình được hưởng từ di sản này sẽ để lại toàn bộ cho cụ H và không yêu cầu cụ H trả giá trị bằng tiền.
Trước khi chết, cụ K1 không để lại nghĩa vụ tài sản với người khác. Các con cùng chăm sóc lúc già yếu và tổ chức mai táng cho cụ khi chết nên không yêu cầu đối với các chi phí này.
Ông đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và ông yêu cầu được hưởng di sản của cụ K1 bằng hiện vật là quyền sử dụng đất.
* Ý kiến của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cụ Phan Thị H, bà Tăng Thị D, bà Tăng Thị P1, vợ chồng ông Tăng Văn T2 bà Tăng Thị C, vợ chồng ông Tăng Văn N1 bà Phan Thị M, ông Tăng Xuân K, bà Nguyễn Thị A và người đại diện họ đều trình bày: Nhất trí với các ý kiến, lời trình bày ở nguyên đơn, đại diện của nguyên đơn. Các ông bà đều có quan điểm đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chia tài sản chung của cụ K1, cụ H là thửa đất 256, 257, 258 và chia di sản thừa kế của cụ K1 đối với thửa đất này theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các đương sự còn có ý kiến riêng:
- Cụ H trình bày: Diện tích đất 1.188m2 là tài sản chung của cụ K1 và cụ H. Cụ và cụ K1 đồng ý cho các con xây dựng công trình trên đất nhưng quyền sử dụng đất vẫn đứng tên cụ K1. Nay cụ để cho ông T toàn quyền quyết định, ý kiến của ông T cũng là ý kiến của cụ.
- Ông K trình bày: Diện tích đất ao 544m2 có nguồn gốc ông mua một nửa của cụ Tăng Văn Đ và Nguyễn Thị T3 từ năm 1983 nhưng sau đó ông đã cho cụ K1 cụ H. Nay diện tích đất này cấp GCNQSD mang tên cụ K1, là tài sản chung của cụ K1 cụ H trong tổng diện tích 1.188m2, ông nhất trí. Đối với diện tích đất thổ cư 372m2 mà ông K đang sử dụng có nguồn gốc cụ K1 cụ H tách cho và đã được cấp GCNQSD đất mang tên ông K năm 1994, ông đã làm nhà và quản lý sử dụng cho đến nay. Thửa đất ao 257, ông có san lấp một phần tương ứng với diện tích ngôi nhà ông đang xây dở dang vào năm 2021, chưa đổ mái, do gia đình xảy ra mâu thuẫn nên ông dừng lại. Hiện ông và vợ con không ở trên đất của các cụ. Ông yêu cầu được nhận kỷ phần bằng quyền sử dụng đất và xem xét công sức tôn tạo của ông đối với thửa đất ao.
- Bà D trình bày: Bà không có chồng nhưng có con sống chung cùng với các cụ trên đất từ nhỏ. Năm 2007, được sự nhất trí của gia đình, bà đã làm nhà ở một tầng mái bằng, công trình phụ ở riêng, vị trí xây dựng trên đất thổ cư. Hiện bà và con đang ở trên một phần thửa đất của các cụ. Bà yêu cầu trả công sức tôn tạo, bảo quản thửa đất của các cụ từ khi ở trên đất cho đến nay theo quy định của pháp luật. Kỷ phần thừa kế, bà xin được nhận bằng hiện vật là quyền sử dụng đất trên có nhà ở, công trình xây dựng mà bà D đang sử dụng và có trách nhiệm trả chênh lệch bằng tiền cho các thừa kế khác.
- Bà M, ông N1 trình bày: Năm 1990, bà M và ông N1 kết hôn. Sau khi kết hôn, vợ chồng sống cùng hai cụ trên thửa đất hiện nay. Đến năm 2010, được sự đồng ý của mọi người trong gia đình, vợ chồng làm nhà cấp 4 để ở. Đến năm 2023, làm thêm nhà tôn như hiện nay. Hiện vợ chồng bà và các con đang ở trên đất của các cụ. Vợ chồng ông N1 đề nghị xem xét công sức của gia đình ông N1 tôn tạo, bảo quản thửa đất của các cụ từ khi gia đình ở trên đất cho đến nay theo quy định của pháp luật. Kỷ phần thừa kế, ông N1 xin được nhận bằng hiện vật là quyền sử dụng đất trên có nhà ở, công trình xây dựng mà gia đình ông N1 đang sử dụng và có trách nhiệm trả chênh lệch bằng tiền cho các thừa kế khác.
- Bà C, ông T2 trình bày: Năm 1996, bà C và ông T2 kết hôn, sau chung sống cùng với hai cụ trên thửa đất hiện nay. Đến năm 2004, được sự đồng ý của gia đình, vợ chồng xây nhà ở 01 tầng mái bằng và công trình phụ. Đến năm 2018 có làm thêm lán tôn để kinh doanh. Hiện vợ chồng và các con đang ở trên đất của các cụ. Vợ chồng ông T2 đề nghị xem xét công sức của gia đình ông T2 tôn tạo, bảo quản thửa đất của các cụ từ khi gia đình ở trên đất cho đến nay theo quy định của pháp luật. Kỷ phần thừa kế, ông T2 xin được nhận bằng hiện vật là quyền sử dụng đất trên có nhà ở, công trình xây dựng mà gia đình ông T2 đang sử dụng và có trách nhiệm trả chênh lệch bằng tiền cho các thừa kế khác.
- Bà P1 trình bày: Bà không ở trên đất của các cụ. Năm 2007, bà và mọi người có san lấp diện tích đất ao như nguyên đơn trình bày. Bà đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và xem xét cho bà được hưởng công sức san lấp diện tích đất ao theo quy định của pháp luật, cho bà được hưởng di sản thừa kế của cụ K1 bằng hiện vật là quyền sử dụng đất.
- Bà A (vợ ông T) trình bày: Các công trình xây dựng trên đất do cụ H đang sử dụng gồm nhà thờ, nhà ở, sân, cổng, tường bao, cây cối…là do vợ chồng bà xây dựng cho cụ H ở từ năm 2010-2011. Nếu các tài sản này giao cho cụ H được sử dụng, bà nhất trí không yêu cầu cụ H trả giá trị bằng tiền. Hiện vợ chồng bà không ở trên đất.
* Tất cả các đương sự trong vụ án nhất trí với kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
* Kết quả xác minh tại UBND xã G: Nguồn gốc thửa đất 256, 257, 258, tờ bản đồ số 05 được cấp GCNQSDĐ năm 1994 mang tên cụ K1 là do cha ông để lại. Theo hồ sơ 299 (năm 1986) gồm 02 thửa, thửa 785,diện tích 522m2 đất ao đứng tên Tăng Văn K1; thửa 786, diện tích 667m2 đất thổ cư đứng tên Tăng Thế L (đều tờ bản đồ số 05); theo hồ sơ năm 1991 gồm 03 thửa, thửa 256 diện tích 310m2 đất thổ cư đứng tên Tăng Văn H1; thửa 257, diện tích 544m2 đất ao đứng tên Tăng Văn K1; thửa 258, diện tích 334m2 đất thổ cư đứng tên Tăng Văn K1 (đều tờ bản đồ số 07); Ngày 13/7/1994 toàn bộ các thửa đất nói trên, tổng diện tích 1.188m2 được cấp GCNQSDĐ mang tên cụ K1. Quyền sử dụng 1.188m2 là tài sản chung hợp pháp của cụ K1 và cụ H. Tổng diện tích đất theo hiện trạng 1303,5m2 tăng so với GCN (1.188m2) là 115,5m2, trong đó có 77,4m2 do lấn chiếm đất công (ở phía Tây, B và Đ1 thửa đất), 38,1m2 do sai số khi đo đạc. Nên diện tích đất hợp pháp của hai cụ theo hiện trạng là 1.226,1m2, trong đó có 569,9m2 đất ao, 310,4m2 đất vườn (đất trồng cây lâu năm) và 345,8m2 đất thổ cư (300m2 đất ở và 45,8m2 đất vườn kinh tế gia đình).
Ngoài các thửa đất nói trên, theo hồ sơ 299 thể hiện thửa đất 787, diện tích 229m2 đất thổ cư và thửa 788 diện tích 83m2 đất ao, tờ bản đồ số 05 đứng tên Tăng Văn K1. Đến hồ sơ năm 1991, hai thửa đất này kê khai đứng tên Tăng Xuân K. Ngày 13/7/1994, hai thửa đất này được cấp GCNQSDĐ mang tên ông Tăng Xuân K. Ngày 30/8/2001 được UBND huyện G đóng dấu trang xác nhận GCNQSDĐ được sử dụng hợp pháp.
Diện tích đất 03 giao cho gia đình cụ K1 được cấp GCNQSD đất mang tên cụ K1 gồm 05 khẩu: cụ K1, cụ H, ông T, ông T2 và bà D, tổng diện tích 1.756m2, mỗi người tiêu chuẩn là 351,2m2. Nay các hàng thừa kế thống nhất tiêu chuẩn đất ruộng của cụ K1 là thửa 21/10 tờ bản đồ 03, diện tích 348m2 thuộc cánh đồng Quán, Đ, G, diện tích đất hiện trạng (341m2) thiếu 7m2 là do sai số khi đo đạc. Không có căn cứ xác định đất ruộng bị trừ vào đất ao, vườn trong tổng diện tích 1.188m2 cấp GCQNSDĐ năm 1994 cho cụ K1.
* Xác minh trưởng thôn Đ: Thời gian cụ thể không nhớ nhưng có thấy vợ chồng ông T và bà D san lấp diện tích đất ao của cụ K1 cụ H bằng cát. Còn ai bỏ tiền mua nguyên vật liệu thì không rõ. Khi xảy ra mâu thuẫn, thấy ông K trình bày có mua nguyên vật liệu và công san lấp một phần đất ao, vì ông K cho rằng trước đấy ông mua một nửa ao của ông Tăng Văn Đ và bà Phan Thị T4. Diện tích đất ao 544m2, sâu khoảng 02m thì san lấp khoảng 1.088m3 cát, theo giá hiện tại trung bình ở địa phương 1m3 cát là 200.000đ, công san lấp là 400.000đ/công/ngày và mất khoảng 70 công để san lấp diện tích đất ao nói trên.
*Lời khai của bà Phan Thị T4: Trước đây bà và ông Tăng Văn Đ chung nhau một cái ao, nay chính là ao của cụ K1 cụ H cho các con sử dụng. Khoảng năm 1983, bà có bán cho ông K một phần thửa đất ao này với giá 30 kg sắn bào, diện tích bán vo không rõ là bao nhiêu. Sau đó, được biết ông Đ cũng chuyển nhượng phần ao còn lại cho cụ K1, cụ H. Hiện ông Đ đã chết.
Tại phiên tòa sơ thẩm:
- Đại diện của nguyên đơn, ông Nguyễn Ngọc T1 trình bày: Yêu cầu Toà án chia diện tích đất hợp pháp của các cụ theo hiện trạng là 1.226,1m2. Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trả công sức cho ông T, bà D, bà P1, vợ chồng ông T2, vợ chồng ông N1 theo quy định của pháp luật. Đề nghị Toà xem xét chia cho cụ H phần đất mà cụ H đang sử dụng trên có các công trình xây dựng mà vợ chồng nguyên đơn đã xây dựng cho cụ H sử dụng. Đối với diện tích đất ruộng của cụ K1, các đồng thừa kế đã thống nhất không chia mà giao cả cho cụ H sử dụng, không yêu cầu cụ H trả chênh lệch bằng tiền. Vị trí đất vườn kinh tế gia đình ở phía Tây Nam thửa đất (phía cuối thửa đất giáp với thửa đất của ông K, bà T5) vì trên đất không có nhà ở.
- Đại diện của bị đơn, bà Vương Thị P trình bày: Bị đơn xác nhận có sự việc san lấp ao như nguyên đơn trình bày; gia đình ông T2, ông N1, bà D ở trên đất của các cụ nhưng không đồng ý trả công sức cho những người này vì mọi người tự san lấp ao và tự sử dụng đất. Nếu bà D, ông T2, ông N1 đang ở trên đất không có tiền trả chệnh lệch kỷ phần thừa kế cho bị đơn thì bị đơn yêu cầu được nhận bằng hiện vật phù hợp với kỷ phần được chia. Nếu chia cho bị đơn vị trí một phần lán tôn của gia đình ông T2 thì yêu cầu gia đình ông T2 tháo dỡ. Nhất trí giải quyết đất ruộng của cụ K1 và xác định vị trí đất vườn kinh tế gia đình như đại diện của nguyên đơn trình bày.
- Đại diện của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Tăng Văn H1, anh Tăng Văn C1 trình bày: Ông H1 không có ý kiến về những người đã có công san lấp ao và trông nom quản lý thửa đất của các cụ. Đề nghị Toà án xem xét công sức của mọi người theo quy định của pháp luật. Ông H1 đề nghị được nhận thừa kế bằng hiện vật. Nếu chia cho ông H1 vị trí một phần lán tôn của gia đình ông T2 thì yêu cầu gia đình ông T2 tháo dỡ lán tôn. Nhất trí giải quyết đất ruộng của cụ K1 và xác định vị trí đất vườn kinh tế gia đình như đại diện của nguyên đơn trình bày.
- Vợ chồng ông Tăng Văn T2, bà Tăng Thị C trình bày: Việc vợ chồng làm nhà trên đất là do các cụ đồng ý cho làm, còn san lấp ao do cụ H yêu cầu vì sợ sạt, cả gia đình nhất trí. Nên yêu cầu Toà án xem xét công sức tôn tạo ao và công sức bảo quản, trông nom đối với phần đất mà gia đình ông T2 ở trên đất từ năm 1996 cho đến nay theo quy định của pháp luật. Nếu sử dụng đất như hiện trạng thì ông bà không có đủ tiền để trả nên yêu cầu được sử dụng phần đất có nhà ở, công trình phụ; phần diện tích đất còn lại có lán tôn đang kinh doanh, ông bà nhất trí trả lại đất để chia cho mọi người và tự nguyện tháo dỡ lán tôn. Nhất trí giải quyết đất ruộng của cụ K1 và xác định vị trí đất vườn kinh tế gia đình như đại diện của nguyên đơn trình bày.
- Bà Phan Thị M trình bày: Chồng bà là ông Tăng Văn N1 đi làm ăn xa nên vắng mặt và đã uỷ quyền cho ông Nguyễn Ngọc T1. Vợ chồng bà không có công san lấp ao, chỉ có công trông nom, bảo quản phần đất mà mình đang sử dụng từ năm 1996 cho đến nay nên yêu cầu trả công sức này cho gia đình ông N1 theo quy định của pháp luật. Nếu sử dụng đất như hiện trạng thì vợ chồng bà không có đủ tiền để trả cho các thừa kế khác, mà các đồng thừa kế khác đều yêu cầu được sử dụng đất nên vợ chồng bà yêu cầu được sử dụng phần đất có nhà ở như hiện nay; phần đất còn lại trên có nhà tôn, vợ chồng bà nhất trí trả lại đất để chia cho các đồng thừa kế khác. Nếu giao phần đất có nhà tôn cho ông L và ông H1 sử dụng, vợ chồng bà yêu cầu trả giá trị nhà tôn bằng tiền; còn giao cho các thừa kế khác thì không yêu cầu trả giá trị nhà tôn bằng tiền. Nhất trí giải quyết đất ruộng của cụ K1 và xác định vị trí đất vườn kinh tế gia đình như đại diện của nguyên đơn trình bày.
- Ông Nguyễn Ngọc T1 đại diện cho ông Tăng Văn N1 nhất trí như quan điểm của bà M trình bày tại phiên toà.
- Bà Tăng Thị D trình bày: Bà đồng ý với ý kiến của ông T2, bà C không phải mọi người tự ý san lấp ao và làm nhà trên đất mà do mọi người trong gia đình đồng ý cho làm. Bà yêu cầu trả công sức tôn tạo ao, công sức bảo quản, trông nom đối với phần đất mà bà đang sử dụng theo quy định của pháp luật. Nếu sử dụng đất như hiện trạng thì bà không có đủ tiền để trả cho các thừa kế khác nên bà yêu cầu được tiếp tục sử dụng phần đất có nhà ở; phần đất còn lại trên có xây dựng một số công trình như bể nước, bể rượu, sân, cổng, tường bao, cây cối, bà nhất trí trả lại đất để chia cho các đồng thừa kế khác. Nếu giao phần đất có các công trình của bà xây dựng cho ông L và ông H1 sử dụng, bà yêu cầu trả giá trị bằng tiền; còn giao cho các thừa kế khác thì không yêu cầu trả giá trị bằng tiền. Nhất trí giải quyết đất ruộng của cụ K1 và xác định vị trí đất vườn kinh tế gia đình như đại diện của nguyên đơn trình bày. Bà không yêu cầu công sức trông nom, bảo quản đối với thửa ruộng của cụ K1.
- Ông Nguyễn Ngọc T1 đại diện cho ông K trình bày: Ông Kính yêu c được nhận kỷ phần thừa kế là quyền sử dụng đất mà hiện nay ông đang xây dựng nhà dở dang trên phần đất của các cụ. Ông đề nghị trả công sức tôn tạo đối với thửa đất ao cho ông theo quy định của pháp luật.
- Bà P1 trình bày: Bà yêu cầu trả công sức tôn tạo ao cho bà theo quy định của pháp luật. Bà yêu cầu được nhận kỷ phần bằng quyền sử dụng đất, vị trí nào cũng được. Nhất trí giải quyết đất ruộng của cụ K1 và xác định vị trí đất vườn kinh tế gia đình như đại diện của nguyên đơn trình bày.
- Bà A trình bày: Năm 2010, bà A và ông T kết hôn nhưng không sống cùng các cụ mà sinh sống và làm việc ở tỉnh Hà Giang. Bà nhất trí với ý kiến, yêu cầu của nguyên đơn.
- Đại diện VKSND TP. Hải Dương phát biểu quan điểm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký và nguyên đơn, bị đơn, người liên quan đều chấp hành tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về hướng giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử (viết tắt HĐXX) áp dụng các quy định của pháp luật xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Xác định tài sản chung của cụ K1, cụ H là 1.226,1m2. Xác định di sản thừa kế của cụ K1 là ½ giá trị quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung với cụ H sau khi trừ đi công sức đóng góp và giá trị thửa đất số 21/10 tờ bản đồ 03 ở cánh đồng Q, thôn Đ có diện tích hiện trạng là 341m2.
Xác định những người thừa kế theo pháp luật của cụ K1 gồm 09 người: cụ H, ông L, ông T, ông K, bà P1, bà D, ông N1, ông T2, ông H1.
Đối với di sản đất 03: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thống nhất kỷ phần của mình được hưởng từ di sản đất 03 của cụ K1 sẽ để lại toàn bộ cho cụ H. Giao cho cụ H toàn quyền sử dụng thửa đất này và không phải trả chênh lệch cho các đồng thừa kế bằng tiền.
Đối với di sản thừa kế là ½ giá trị quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung với cụ H sau khi trừ đi công sức đóng góp. Giá trị di sản này chia làm 9 suất cho 9 người thừa kế. Về giao hiện vật: đề nghị Tòa án giao hiện vật đảm bảo ổn định chỗ ở cho những người có tài sản trên đất, trong đó ưu tiên giao cho cụ H phần đất có nhà thờ mà cụ H đang ở.
Về án phí: Cụ H, ông L, ông K, ông H1 là người cao tuổi nên được miễn án phí.
Các đương sự còn lại phải chịu án phí dân sự có giá ngạch theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Căn cứ đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu chứng cứ do đương sự cung cấp xác định quan hệ tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là tranh chấp chia tài sản chung của cụ K1, cụ H và chia di sản thừa kế của cụ K1. Tài sản đang tranh chấp là bất động sản ở địa chỉ thông Đồng Bào, xã G, thành phố H. Nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố H theo quy định tại khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự (viết tắt BLTTDS).
[2]. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
[2.1]. Về thời điểm mở thừa kế, thời hiệu chia thừa kế và hàng thừa kế của cụ Tăng Văn K1:
Căn cứ Điều 611, 623, 651 Bộ luật dân sự, thời điểm mở thừa kế là thời điểm cụ Tăng Văn K2 chết ngày 31/5/2005, còn thời hiệu thừa kế. Cụ K1 chết không để lại di chúc tài sản. Những người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản là vợ và các con cụ K1, gồm 09 người: cụ Phan Thị H, ông Tăng Thế L, ông Tăng Xuân K, ông Tăng Văn H1, bà Tăng Thị P1, bà Tăng Thị D, ông Tăng Văn T, ông Tăng Văn N1 và ông Tăng Văn T2.
[2.2]. Về tài sản chung của cụ K1, cụ H, di sản thừa kế của cụ K1:
Căn cứ kết quả xác minh tại UBND xã G có cơ sở xác định nguồn gốc của diện tích đất 1.188m2 do cha ông để lại cho cụ K1, cụ H. Trong đó có thửa 257 là diện tích đất ao, vợ chồng cụ K1 và ông K mỗi người mua một nửa của ông Tăng Văn Đ (nay đã chết) và bà Phan Thị T4 vào khoảng năm 1983. Sau đó, ông K đã cho ao cụ K1, cụ H. Ông L và ông H1 tự kê khai một phần thửa đất thổ cư của các cụ vào năm 1986 và năm 1991. Nay các ông L, H1, K đều xác nhận toàn bộ thửa đất 1.188m2 đã được cấp GCNQSDĐ mang tên cụ K1 là tài sản chung của các cụ, không tranh chấp về quyền sử dụng đất. Các đồng thừa kế khác cũng xác nhận tài sản chung của hai cụ là toàn bộ thửa đất 1.188m2 đã được cấp GCNQSDĐ mang tên cụ K1.
Cụ K1 và cụ H là vợ chồng, chung sống với nhau từ trước những năm 1955 được pháp luật công nhận là hôn nhân thực tế, vợ chồng hợp pháp. Toàn bộ thửa đất 256, 257, 258, tờ bản đồ số 05, tổng diện tích 1.188m2 được UBND tỉnh H cấp GCNQSDĐ mang tên cụ Tăng Văn K1 vào ngày 13/7/1994, ngày 30/8/2001 UBND huyện G đóng dấu trang 3 xác nhận GCNQSDĐ được sử dụng hợp pháp. Tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên có căn cứ xác định toàn bộ diện tích đất 1.188m2 là tài sản chung hợp pháp của cụ K1 và cụ H.
Các đương sự trong vụ án đều xác nhận có sự việc ông T, bà D, bà P1, vợ chồng ông T2, ông K san lấp diện tích đất ao. Diện tích đất ao 544m2, sâu khoảng 02m, san lấp khoảng 1.088m3 cát, theo giá hiện tại trung bình ở địa phương 1m3 cát là 200.000đ, công san lấp là 400.000đ/công/ngày và cần khoảng 70 công để san lấp diện tích đất ao nói trên là phù hợp. Trong đó, ông K mua nguyên liệu và bỏ công san lấp 80m2 ao; ông T mua nguyên vật liệu, bà D, bà P1 và vợ chồng ông T2 bỏ công san lấp diện tích ao còn lại 464m2. Nay, ông L không đồng ý trích trả công sức với lý do các ông bà trên tự san lấp và tự sử dụng đất. Tuy nhiên, thời điểm san lấp ao năm 2007 cụ K1 đã mất, cụ H vẫn còn sống và ở trên đất. Việc san lấp ao diễn ra công khai, cụ H và các con trong gia đình gồm cả ông L, ông H1 đều biết và đồng ý, không ai phản đối. Việc san lấp ao làm tăng giá trị của thửa đất nên cần trả công sức tôn tạo cho ông T, bà D, bà P1, vợ chồng ông T2, ông K tương ứng với phần công sức mà mình đóng góp thực tế là phù hợp với quy định của pháp luật. Mặt khác, xem xét nguồn gốc đất ao do ông K mua một phần sau cho bố mẹ; công sức cải tạo, trông nom, bảo quản phần diện tích đất của các cụ cho gia đình bà D, gia đình ông T2, gia đình ông N1 là những người ở trên đất trên, dưới 20 năm nay. Căn cứ khoản 3 Điều 658 BLDS, cần trả công sức tôn tạo ao cho ông T 190 triệu đồng, cho ông K 130 triệu đồng, cho bà P1 10 triệu đồng; trả công sức tôn tạo ao và công sức trông nom, bảo quản thửa đất cho gia đình ông T2 130 triệu đồng, cho gia đình bà D 130 triệu đồng; trả công sức trông nom, bảo quản thửa đất cho gia đình ông N1 100 triệu đồng. Tổng giá trị công sức trích trả là 690.000.000đ. Bị đơn không đồng ý trả công sức cho mọi người là không có căn cứ được chấp nhận.
Theo kết quả xem xét thẩm định tại chỗ, tổng diện tích đất theo hiện trạng 1303,5m2 tăng so với GCNQSDĐ (1.188m2) là 115,5m2, trong đó 77,4m2 do lấn chiếm, 38,1m2 do sai số khi đo đạc. Nên có căn cứ xác định diện tích đất hợp pháp của hai cụ theo hiện trạng là 1.226,1m2. Sau khi ốp ranh đất GCNQSDĐ so với hiện trạng, xem xét vị trí các loại đất, vị trí xây dựng nhà ở trên đất cũng như ý kiến của các đương sự xác định vị trí các loại đất, có căn cứ xác định tổng diện tích 1.226,1m2, trong đó có: 569,9m2 đất ao vị trí ở phía Bắc của thửa đất giáp đường đi; 145,8m2 đất vườn kinh tế gia đình nằm ở phía Tây Nam thửa đất, giáp ranh với thửa đất của ông K, bà T5; 210,4m2 đất vườn thừa hợp pháp nằm phía Tây thửa đất, giáp ranh với thửa đất của bà T5; 300m2 đất ở nằm ở phía Đông thửa đất, giáp với ngõ đi.
Theo kết quả định giá tài sản thì: 300m2 đất ở x 7.000.000đ/m2= 2.100.000.000đ; 569,9m2 đất ao x 7.000.000đ/m2= 3.989.300.000đ; đất vườn kinh tế gia đình và đất vườn thừa hợp pháp đều có giá 5.000.000đ/m2 nên tổng đất vườn 356,2m2 x 5.000.000đ/m2= 1.781.000.000đ. Tổng giá trị quyền sử dụng đất 1.226,1m2 là 7.870.300.000đ. Trừ đi phần công sức tôn tạo, bảo quản thửa đất tổng là 690.000.0000đ. Giá trị còn lại xác định là tài sản chung của cụ K1 và cụ H là 7.180.300.000đ.
Chia tài sản chung của cụ K1 và cụ H: Cụ K1 và cụ H mỗi người được hưởng ½ giá trị quyền sử dụng đất (sau khi trừ giá trị công sức tôn tạo, trông nom, bảo quản tài sản) tương ứng với 3.590.150.000đ. Di sản của cụ K1 là quyền sử dụng đất tương ứng với giá trị 3.590.150.000đ.
Đối với diện tích đất ruộng là di sản thừa kế của cụ K1: Nay các đồng thừa kế đều không tranh chấp, xác định di sản là thửa đất 21/10, tờ bản đồ số 03, diện tích 348m2 (hiện trạng là 341m2). Bà D canh tác và nay tự nguyện không yêu cầu trả công sức trông nom, bảo quản di sản này nên được chấp nhận.
Đối với thửa đất 351, diện tích 312m2 thổ cư và thửa 350, diện tích 60m2 ao mà ông K đang sử dụng có nguồn gốc của cụ K1 cụ H, nay đã được cấp GCNQSDĐ mang tên ông K từ năm 1994, các đương sự đều thống nhất là tài sản hợp pháp của ông K, không tranh chấp nên không xem xét giải quyết.
[2.3]. Chia di sản thừa kế của cụ K1:
Cụ K1 chết không để lại di chúc, không để lại nghĩa vụ tài sản với người khác. Các hàng thừa kế không yêu cầu xem xét công sức chăm sóc cụ lúc già yếu và chi phí mai táng nên không đặt ra xem xét giải quyết và không bị trừ vào giá trị di sản.
Chia di sản thừa kế của cụ K1: Di sản của cụ K1 để lại là quyền sử dụng đất có giá trị 3.590.150.000đ chia đều cho 09 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm cụ Phan Thị H, ông Tăng Thế L, ông Tăng Xuân K, ông Tăng Văn H1, bà Tăng Thị P1, bà Tăng Thị D, ông Tăng Văn T, ông Tăng Văn N1 và ông Tăng Văn T2, mỗi người được kỷ phần bằng nhau có giá trị là 398.905.556đ.
Tổng giá trị cụ H được chia từ tài sản chung và kỷ phần thừa kế là 3.590.150.000đ + 398.905.556đ = 3.989.055.556đ.
Tổng giá trị kỷ phần thừa kế và giá trị công sức của ông T là 588.905.556đ; ông T2 528.905.556đ; bà D là 528.905.556đ; ông K là 528.905.556đ; ông N1 là 498.905.556đ; bà P1 là 408.905.556đ.
Đối với di sản là diện tích đất ruộng của cụ K1, các đồng thừa kế thống nhất thoả thuận không chia mà giao cả cho cụ H sử dụng, không yêu cầu cụ H trả giá trị bằng tiền nên được chấp nhận.
[2.4]. Giao hiện trạng tài sản và trả giá trị chênh lệch bằng tiền:
Xét ý kiến, quan điểm của các đương sự tại phiên toà hôm nay thấy rằng các đồng thừa kế đều có quan điểm được hưởng di sản bằng quyền sử dụng đất. Vợ chồng ông T2 bà C, vợ chồng ông N1 bà M và bà D đang sử dụng diện tích đất nhiều hơn giá trị kỷ phần của mình được hưởng và không có đủ tiền trả cho các đồng thừa kế khác nên có yêu cầu được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà ở, phần diện tích đất còn lại đồng ý trả cho các đồng thừa kế khác để chia theo quy định của pháp luật. Do vậy, căn cứ vị trí các loại đất, hiện trạng các công trình xây dựng trên đất, người đang sửu dụng đất cũng như ý kiến, yêu cầu của các đương sự, HĐXX cần giao hiện vật cho các đồng thừa kế như sau:
- Giao cho cụ H được sử dụng 196,2m2 đất ao thừa hợp pháp, 161,6m2 đất vườn thừa hợp pháp và 87m2 đất vườn kinh tế gia đình, tổng diện tích 444,8m2, có giá trị 2.616.400.000đ; trên đất có 01 nhà thờ, 01 nhà ở cấp 4, sân, cổng, tường bao, bể nước, bể cá cảnh và cây cối của ông T bà A; được giới hạn bởi các điểm B2, B24, A5, A4, A3, A2, A1, A25, A24, B14, A27, A28, A29, B22, B5, B4, A30, A31, B3 đến B2. Tạm giao diện tích đất công lấn chiếm có diện tích 58,9m2 gồm 5,2m2 đất được giới hạn bởi các điểm A10, A11, B5, B4 đến A10 và 53,7m2 đất được giới hạn bởi các điểm A5, A6, A7, A8, B1, A9, B3, B2, B24 đến A5 cho cụ H sử dụng. Cụ H được thanh toán khoản tiền chênh lệch từ các đồng thừa kế khác là 1.372.655.556đ. Chấp nhận sự tự nguyện của vợ chồng ông T bà A không yêu cầu cụ H trả giá trị chệnh lệnh bằng tiền đối với toàn bộ các công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với đất giao cho cụ H sử dụng.
- Giao cho ông N1 được sử dụng diện tích 1,1m2 đất ở, 66,8m2 đất ao thừa hợp pháp, 5,3m2 đất vườn thừa hợp pháp, tổng diện tích 73,2m2, có giá trị 501.800.000đ; trên đất có 01 nhà ở cấp bốn mái tôn của ông N1, bà M; được giới hạn bởi các điểm B5, B22, A29, B17, B18, B19, B6 đến B5. Tạm giao 4,0m2 đất công lấn chiếm được giới hạn bởi các điểm B5, B6, A12, A11 đến B5 cho ông N1 sử dụng. Sau khi trừ giá trị kỷ phần thừa kế và công sức đóng góp, ông N1 trả chênh lệch bằng tiền cho cụ H là 2.894.444đ.
- Giao cho bà P1 được sử dụng diện tích 7,9m2 đất ở, 77,2m2 đất ao thừa hợp pháp, tổng diện tích 85,1m2, có giá trị 595.700.000đ; trên đất có 01 nhà tôn diện tích 82m2 của ông N1, bà M; được giới hạn bởi các điểm B6, B7, A13, B9, B21, A32, B18, B19 đến B6. Tạm giao 2,2m2 đất công lấn chiếm được giới hạn bởi các điểm B6, B7, A12 đến B6 cho bà P1 sử dụng. Sau khi trừ giá trị kỷ phần thừa kế và công sức đóng góp, bà P1 trả chênh lệch bằng tiền cho cụ H là 186.794.444đ. Chấp nhận sự tự nguyện của vợ chồng ông N1 bà M không yêu cầu bà P1 trả giá trị lán tôn bằng tiền.
- Giao cho ông H1 được sử dụng diện tích 63,8m2 đất ao thừa hợp pháp, có giá trị 446.600.000đ, được giới hạn bởi các điểm A13, B9, C2, C1 đến A13. Sau khi trừ giá trị kỷ phần thừa kế, ông H1 trả chênh lệch bằng tiền cho cụ H là 47.694.444đ.
- Giao cho ông L được sử dụng diện tích 63,8m2 đất ao, có giá trị 446.600.000đ, được giới hạn bởi các điểm C1, C2, B8, A15, A14 đến C1. Tạm giao 5,8m2 đất công lấn chiếm được giới hạn bởi các điểm A15, A16, B8 đến A15 cho ông L sử dụng. Sau khi trừ giá trị kỷ phần thừa kế, ông L trả chênh lệch bằng tiền cho cụ H là 47.694.444đ.
Chấp nhận sự tự nguyện của vợ chồng ông T2 bà C tự tháo dỡ 01 lán tôn diện tích 109,7m2 trên phần đất đã giao cho ông L và ông H1 sử dụng.
- Giao cho ông T2 được sử dụng diện tích 170,6m2 đất ở, 24,1m2 đất ao thừa hợp pháp, 29,6m2 đất vườn thừa hợp pháp, tổng diện tích là 224,3m2, có giá trị 1.510.900.000đ; trên đất có 01 nhà ở, công trình phụ, mái tôn, cổng, tường bao của ông T2 bà C; được giới hạn bởi các điểm B8, A17, A18, A19, A27, A28, A29, B17, B18, A32, B21, B9 đến B8. Sau khi trừ giá trị kỷ phần thừa kế và công sức đóng góp, ông T2 có trách nhiệm trả chênh lệch bằng tiền cho cụ H 981.994.444đ.
- Giao cho bà D được sử dụng diện tích 73,6m2 đất ở, 13,9m2 đất vườn thừa hợp pháp, tổng diện tích là 87,5m2, có giá trị 584.700.000đ; trên đất có 01 nhà ở, công trình phụ, mái tôn của bà D; được giới hạn bởi các điểm A19, A20, B13, B14, A27, B16 đến A19. Sau khi trừ giá trị kỷ phần thừa kế và công sức đóng góp, bà D có trách nhiệm trả chênh lệch bằng tiền cho cụ H 55.794.444đ.
- Giao cho ông T được sử dụng diện tích 46,8m2 đất ở, 58,8m2 đất vườn kinh tế gia đình, tổng diện tích là 105,6m2, có giá trị 621.600.000đ; trên đất 02 bể rượu, 01 bể nước, sân, cổng và toàn bộ cây cối của bà D; được giới hạn bởi các điểm B11, A21, A22, A23, B12, A24, B14, B13 đến B11. Sau khi trừ giá trị kỷ phần thừa kế và công sức đóng góp, ông T có trách nhiệm trả chênh lệch bằng tiền cho cụ H 32.694.444đ. Chấp nhận sự tự nguyện của bà D không yêu cầu ông T trả giá trị bằng tiền công trình xây dựng và cây cối trên đất.
- Giao cho ông K được sử dụng diện tích 78m2 đất ao thừa hợp pháp, có giá trị 546.000.000đ; trên đất có ngôi nhà ông K đang xây dang dở; được giới hạn bởi các điểm B3, B4, A30, A31 đến B3. Tạm giao 6,5m2 đất công lấn chiếm được giới hạn bởi các điểm A9, A10, B4, B3 đến A9 cho ông K sử dụng. Sau khi trừ giá trị kỷ phần thừa kế và công sức đóng góp, ông K phải trả giá trị chênh lệch bằng tiền cho cụ H là 17.094.444đ.
[3]. Về án phí, chi phí tố tụng:
Cụ H, ông L, ông H1 và ông K là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm. Ông T, ông N1, ông T2, bà D và bà P1 mỗi người phải chịu án phí dân sự có giá ngạch trên phần giá trị mình được hưởng.
Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tổng 8.100.000đ là tiền của ông T. Nay số tiền này chia đều cho 09 người thuộc hàng thừa kế, mỗi người trả cho ông T 900.000đ.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 611, 612, 623, 649, 650, 651, 658, 375, 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 Điều 33, Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình; Điều 147, 157 Bộ luật tố tụng dân sự; Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Tăng Văn T chia tài sản chung của cụ Tăng Văn K1 và cụ Phan Thị H; chia di sản thừa kế của cụ Tăng Văn K1 theo quy định của pháp luật.
- Chấp nhận sự tự nguyện vợ chồng ông Nguyễn Văn T6 và bà Nguyễn Thị A cho cụ Phan Thị H được quyền sử dụng 01 nhà thờ, 01 nhà ở cấp bốn, sân, cổng, tường bao, cây cối trên diện tích đất giao cho cụ H sử dụng, không yêu cầu cụ H trả giá trị chênh lệch bằng tiền.
- Chấp nhận sự tự nguyện của vợ chồng ông Tăng Văn N1, bà Phan Thị M và bà Tăng Thị D không yêu cầu người được sử dụng phần đất trên có công trình, tài sản khác của mình xây dựng trả giá trị bằng tiền.
- Chấp nhận sự tự nguyện của vợ chồng ông Tăng Văn T2, bà Phan Thị C2 tự tháo dỡ 01 lán tôn diện tích 109,7m2 trên đất.
- Chấp nhận sự tự nguyện của các đương sự thống nhất di sản của cụ Tăng Văn K1 là diện tích đất ruộng thuộc thửa đất 21/10, tờ bản đồ số 03, diện tích 348m2 (hiện trạng là 341m2) ở thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương giao cho cụ Phan Thị H toàn quyền sử dụng thửa đất này và không phải trả chênh lệch cho các đồng thừa kế bằng tiền.
- Chấp nhận sự tự nguyện của bà Tăng Thị D không yêu cầu trả công sức trông nom, quản lý di sản là đất 03 (đất ruộng) của cụ Tăng Văn K1.
- Chấp nhận sự tự nguyện của các đương sự không yêu cầu xem xét công chăm sóc và chi phí mai táng cụ K1.
1. Về hàng thừa kế:
Xác định hàng thừa kế thứ nhất được hưởng thừa kế di sản của cụ Tăng Văn K1 theo quy định của pháp luật gồm: Cụ Phan Thị H, ông Tăng Thế L, ông Tăng Xuân K, ông Tăng Văn H1, bà Tăng Thị P1, bà Tăng Thị D ông Tăng Văn T và ông Tăng Văn T2.
2. Về chia tài sản chung, chia di sản thừa kế và trích trả công sức:
- Xác định tài sản chung của cụ Tăng Văn K1 và cụ Phan Thị H là quyền sử dụng đất là 1.226,1m2, trong đó thửa 258 có 345,8m2 đất thổ cư (300m2 đất ở và 45,8m2 đất vườn kinh tế gia đình), thửa 257 có 569,9m2 đất ao thừa hợp pháp, thửa 256 có 210,4m2 đất vườn thừa hợp pháp và 100m2 đất vườn kinh tế gia đình, đều tờ bản đồ số 05, ở thôn Đ, xã G, thành phố H, tỉnh Hải Dương, có tổng giá trị 7.870.300.000đ.
- Trích trả công sức cho những người sau: Ông Tăng Văn T 190.000.000đ; gia đình ông Tăng Văn T2 130.000.000đ; bà Tăng Thị D 130.000.000đ; ông Tăng Xuân K 130.000.000đ; gia đình ông Tăng Văn N1 100.000.000đ; bà Tăng Thị P1 10.000.000đ. Tổng giá trị công sức trích trả là 690.000.000đ.
- Tài sản chung của cụ Tăng Văn K1, cụ Phan Thị H là giá trị quyền sử dụng đất còn lại (sau khi trích trả công sức) là 7.180.300.000đ. Chia tài sản chung cụ Tăng Văn K1 và cụ Phan Thị H, mỗi người được ½ giá trị là 3.590.150.000đ.
- Xác định di sản của cụ Tăng Văn K1 là quyền sử dụng đất (sau khi trích trả công sức) có giá trị 3.590.150.000đ.
- Chia di sản thừa kế của cụ Tăng Văn K1: Kỷ phần thừa kế của cụ Phan Thị H, ông Tăng Thế L, ông Tăng Xuân K, ông Tăng Văn H1, bà Tăng Thị P1, bà Tăng Thị D, ông Tăng Văn N1, ông Tăng Văn T và ông Tăng Văn T2, mỗi người được hưởng là quyền sử dụng có giá trị là 398.905.556đ.
Tổng giá trị cụ H được chia từ tài sản chung và kỷ phần thừa kế là 3.989.055.556đ.
Tổng giá trị kỷ phần thừa kế và công sức trả cho ông T là 588.905.556đ, cho ông T2 528.905.556đ, cho bà D là 528.905.556đ, cho ông K là 528.905.556đ, cho ông N1 là 498.905.556đ, cho bà P1 là 408.905.556đ. Giá trị kỷ phần thừa kế của ông Tăng Văn L1 và ông Tăng Văn H1, mỗi người là 398.905.556đ.
3. Về giao tài sản:
3.1. Giao cho cụ Tăng Thị H2 được sử dụng 196,2m2 đất ao thừa hợp pháp, 161,6m2 đất vườn thừa hợp pháp và 87m2 đất vườn kinh tế gia đình, tổng diện tích 444,8m2, có giá trị 2.616.400.000đ; trên đất có 01 nhà thờ, 01 nhà ở cấp 4, sân, cổng, tường bao, bể nước, bể cá cảnh và cây cối của ông Tăng Văn T, bà Nguyễn Thị A; được giới hạn bởi các điểm B2, B24, A5, A4, A3, A2, A1, A25, A24, B14, A27, A28, A29, B22, B5, B4, A30, A31, B3 đến B2. Cụ H2 không phải trả giá trị các tài sản, công trình xây dựng nói trên bằng tiền cho ông T, bà A.
Tạm giao diện tích đất công lấn chiếm có diện tích 58,9m2 gồm 5,2m2 đất được giới hạn bởi các điểm A10, A11, B5, B4 đến A10 và 53,7m2 đất được giới hạn bởi các điểm A5, A6, A7, A8, B1, A9, B3, B2, B24 đến A5 cho cụ Phan Thị H sử dụng cho đến khi Nhà nước có chính sách xử lý đối với phần đất này.
3.2. Giao cho ông Tăng Văn N1 được sử dụng diện tích 1,1m2 đất ở, 66,8m2 đất ao thừa hợp pháp, 5,3m2 đất vườn thừa hợp pháp, tổng diện tích 73,2m2, có giá trị 501.800.000đ; trên đất có 01 nhà ở cấp bốn mái tôn của ông Tăng Văn N1, bà Phan Thị M; được giới hạn bởi các điểm B5, B22, A29, B17, B18, B19, B6 đến B5.
Tạm giao 4,0m2 đất công lấn chiếm được giới hạn bởi các điểm B5, B6, A12, A11 đến B5 cho ông Tăng Văn N1 sử dụng cho đến khi Nhà nước có chính sách xử lý đối với phần đất này.
3.3. Giao cho bà Tăng Thị P1 được sử dụng diện tích 7,9m2 đất ở, 77,2m2 đất ao thừa hợp pháp, tổng diện tích 85,1m2, có giá trị 595.700.000đ; trên đất có 01 nhà tôn diện tích 82m2 của ông Tăng Văn N1, bà Phan Thị M; được giới hạn bởi các điểm B6, B7, A13, B9, B21, A32, B18, B19 đến B6. Bà P1 không phải trả giá trị nhà tôn bằng tiền cho ông N1, bà M.
Tạm giao 2,2m2 đất công lấn chiếm được giới hạn bởi các điểm B6, B7, A12 đến B6 cho bà Tăng Thị P1 sử dụng cho đến khi Nhà nước có chính sách xử lý đối với phần đất này.
3.4. Giao cho ông Tăng Văn H1 được sử dụng diện tích 63,8m2 đất ao thừa hợp pháp, có giá trị 446.600.000đ được giới hạn bởi các điểm A13, B9, C2, C1 đến A13.
3.5. Giao cho ông Tăng Thế L được sử dụng diện tích 63,8m2 đất ao thừa hợp pháp, có giá trị 446.600.000đ được giới hạn bởi các điểm C1, C2, B8, A15, A14 đến C1.
Tạm giao 5,8m2 đất công lấn chiếm được giới hạn bởi các điểm A15, A16, B8 đến A15 cho ông Tăng Thế L sử dụng cho đến khi Nhà nước có chính sách xử lý đối với phần đất này.
3.6. Giao cho ông Tăng Văn T2 được sử dụng diện tích 170,6m2 đất ở, 24,1m2 ao thừa hợp pháp, 29,6m2 đất vườn thừa hợp pháp, tổng diện tích là 224,3m2, có giá trị 1.510.900.000đ; trên đất có 01 nhà ở, công trình phụ, mái tôn, cổng, tường bao của ông Tăng Văn T2, bà Tăng Thị C; được giới hạn bởi các điểm B8, A17, A18, A19, A27, A28, A29, B17, B18, A32, B21, B9 đến B8.
3.7. Giao cho bà Tăng Thị D được sử dụng diện tích 73,6m2 đất ở, 13,9m2 đất vườn thừa hợp pháp, tổng diện tích là 87,5m2, có giá trị 584.700.000đ; trên đất có 01 nhà ở, công trình phụ, mái tôn của bà Tăng Thị D; được giới hạn bởi các điểm A19, A20, B13, B14, A27, B16 đến A19.
3.8. Giao cho ông Tăng Văn T được sử dụng diện tích 46,8m2 đất ở, 58,8m2 đất vườn kinh tế gia đình, tổng diện tích là 105,6m2, có giá trị 621.600.000đ. Trên đất 02 bể rượu, 01 bể nước, sân, cổng và toàn bộ cây cối của bà Tăng Thị D được giới hạn bởi các điểm B11, A21, A22, A23, B12, A24, B14, B13 đến B11. Ông T không phải trả giá trị các tài sản, công trình xây dựng nói trên bằng tiền cho bà D.
3.9. Giao cho ông Tăng Xuân K được sử dụng diện tích 78m2 đất ao thừa hợp pháp, có giá trị 546.000.000đ; trên đất có ngôi nhà ông K đang xây chưa hoàn thiện; được giới hạn bởi các điểm B3, B4, A30, A31 đến B3.
Tạm giao 6,5m2 đất công lấn chiếm được giới hạn bởi các điểm A9, A10, B4, B3 đến A9 cho ông K sử dụng cho đến khi Nhà nước có chính sách xử lý đối với phần đất này.
(Phần hiện trạng giao đất và các công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với đất có sơ đồ chi tiết kèm theo bản án).
4. Về trách nhiệm thanh toán:
Các ông bà sau có trách nhiệm trả cho cụ Phan Thị H số tiền như sau: Ông Tăng Văn N1 là 2.894.444đ, bà Tăng Thị P1 là 186.794.444đ, ông Tăng Văn H1 là 47.694.444đ, ông Tăng Thế L là 47.694.444đ, ông Tăng Văn T2 là 981.994.444đ, bà Tăng Thị D là 55.794.444đ, ông Tăng Văn T là 32.694.444đ, ông Tăng Xuân K là 17.094.444đ. Tổng số tiền cụ Phan Thị H được nhận là 1.372.655.556đ.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án không thi hành số tiền trên thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
5. Về án phí, chi phí tố tụng:
- Cụ H, ông L, ông H1 và ông K được miễn án phí dân sự sơ thẩm.
- Ông T phải chịu 27.556.222đ án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền 12.000.000đ tạm ứng án phí ông T đã nộp (do ông Nguyễn Ngọc T1 nộp thay) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Toà án số AA/2021/0002595 ngày 23/02/2023, ông T còn phải nộp 15.556.222đ.
- Ông N1 phải chịu 23.956.222đ, ông T2 phải chịu 25.156.222đ, bà D phải chịu 25.156.222đ, bà P1 phải chịu 20.356.222đ án phí dân sự sơ thẩm.
- Cụ H, ông L, ông H1, ông K, bà P1, ông N1, ông T2, bà D và bà P1, mỗi người trả cho ông T 900.000đ.
6. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7A và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án về tranh chấp chia tài sản chung và chia di sản thừa kế số 35/2023/DS-ST
Số hiệu: | 35/2023/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Hải Dương - Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 22/09/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về