Bản án về tranh chấp chia tài sản chung số 01/2023/DS-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN LẠC, TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 01/2023/DS-ST NGÀY 16/01/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG

Ngày 16/01/2023, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 04/2022/TLST - HNGĐ ngày 07/01/2022, về việc: Chia tài sản chung của hộ gia đình, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 33/2022/QĐXXST - HNGĐ ngày 04 tháng 7 năm 2022, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1968; chị Đoàn Thị Thúy A, sinh năm 1990; chị Đoàn Thị V, sinh năm 1992; đều cư trú tại: Số 6/65, khu phố 19, phường Bình Hưng Hòa A, quận B, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của bà H, chị A và chị V: Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1964; nơi cư trú: Khu 3, thị trấn V, huyện V, tỉnh Vĩnh Phúc. (Theo văn bản ủy quyền tham gia tố tụng lập ngày 30/12/2021).

Bị đơn: Ông Đoàn Văn K, sinh năm 1964; nơi cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

(Có mặt bà B, vắng mặt ông K).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 03 tháng 12 năm 2021, trong quá trình xét xử và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn, bà Nguyễn Thị B trình bày:

Bà Nguyễn Thị H và ông Đoàn Văn K kết hôn với nhau từ năm 1988 và sinh được 03 người con gồm chị Đoàn Thị Thúy A, sinh năm 1990; chị Đoàn Thị V, sinh năm 1992 và chị Đoàn Vân T, sinh năm 2003. Quá trình chung sống, bà H và ông K thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên năm 2011, ông K và bà H đã làm thủ tục ly hôn. Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 100/2011/HNGĐ – ST ngày 09/12/2011, Tòa án nhân dân quận B, thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự phúc thẩm số: 760/2012/HNGĐ – PT ngày 02/7/2012, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cho ông K bà H được ly hôn với nhau và giải quyết về chia con chung cùng chia tài sản chung là đất ở. Riêng về đất nông nghiệp của gia đình ông K, do ly hôn ông K bà H không yêu cầu giải quyết nên Tòa án chưa giải quyết.

Sau khi ly hôn, ông K và bà H cùng hai con là chị A và chị V không tự thỏa thuận được với nhau về việc chia đất nông nghiệp nên bà H, chị A và chị V khởi kiện, đề nghị Tòa án chia đất nông nghiệp của gia đình ông K bà H theo quy định pháp luật.

Căn cứ theo tiêu chuẩn chia đất nông nghiệp tại Nghị định số: 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, thời điểm Nhà nước chia đất nông nghiệp cho hộ gia đình ông K thì nhà ông K có 04 khẩu nên cả 04 khẩu được chia tiêu chuẩn đất nông nghiệp như nhau. Các thành viên trong hộ gia đình ông K được chia đất nông nghiệp gồm ông K, bà H, chị A và chị V, còn chị T do sinh năm 2003 nên không có tiêu chuẩn đất nông nghiệp để chia.

Toàn bộ đất nông nghiệp của xã Đ hiện tại không có số ô, số thửa và số tờ bản đồ nên các thửa đất nông nghiệp của toàn dân trong xã chỉ thể hiện đất nông nghiệp tại các xứ đồng.

Hộ gia đình ông K bà H được chia đất nông nghiệp tại 10 xứ đồng như sau:

1/ Xứ đồng Nếp đồng bông có tổng diện tích là 868m2;

2/ Xứ đồng Sâu thấp có tổng diện tích là 198m2;

3/ Xứ đồng Đất binh 1 + Đất binh 2 có tổng diện tích là 243m2;

4/ Xứ đồng Đất binh 3 có tổng diện tích là 122m2;

5/ Xứ đồng Phó thuế có tổng diện tích là 201m2;

6/ Xứ đồng Đầm trong có tổng diện tích là 141m2;

7/ Xứ đồng Đầm múc có tổng diện tích là 162m2;

8/ Xứ đồng Gò dâu có tổng diện tích là 56m2;

9/ Xứ đồng Cỏ gà có tổng diện tích là 67m2;

10/ Xứ đồng Khoai + xứ đồng Vi ruồi có tổng diện tích là 88m2;

Do xã Đ chưa làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân nên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình ông K đến nay cũng chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Xã Đ triển khai thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa đối với đất nông nghiệp của tất cả các hộ dân trong xã để tiện canh tác. Hộ gia đình ông K, bà H đã được xã Đ thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa tại khu vực đất đồng, còn khu vực đất bãi thì đang thực hiện vẫn chưa xong.

Khu vực đất đồng của hộ gia đình ông K bà H được xã Đ dồn điền đổi thửa từ 02 thửa ruộng ở hai xứ đồng gồm xứ đồng Bông và xứ đồng Sâu thấp. Tổng diện tích sau khi dồn điền đổi thửa ở khu vực đất đồng là 862,9m2 thể hiện tại số phiếu 158, thuộc đất loại 1 thôn T, xã Đ tại xứ đồng Cây xanh. Hiện tại ông K đang trực tiếp sử dụng diện tích trên để trồng sắn dây và nghệ đen.

Khu vực đất bãi của hộ gia đình ông K bà H xã Đ dự kiến thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa gồm các xứ đồng như: Xứ đồng Binh 1 + 2; xứ đồng Binh 3; xứ đồng Phó thuế và xứ đồng Đầm trong. Tổng diện tích dự kiến thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa là 698m2.

Ngoài ra, hộ gia đình ông K bà H còn một số xứ đồng xã Đ không thể thực hiện được chính sách dồn điền đổi thửa bởi các xứ đồng này nằm trong khu vực đất trang trại gồm xứ đồng Múc; xứ đồng Cỏ gà và xứ đồng Gò dâu, tổng diện tích đất trong trang trại không tham gia chính sách dồn điền đổi là 285m2. Đối với thửa đất canh tác tại xứ đồng Khoai + Vỉ ruồi, hộ ông K bà H đã bán cho chủ lò gạch thời gian là 49 năm đến nay chưa hết hạn hợp đồng.

Tại đơn khởi kiện, các nguyên đơn yêu cầu Tòa án chia toàn bộ 10 thửa ruộng trên cho những thành viên trong hộ gia đình ông K bà H theo tiêu chuẩn hạn mức diện tích được hưởng quy định tại Nghị định số: 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà B xin rút một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn. Cụ thể, bà B xin rút yêu cầu chia 08 thửa ruộng tại 08 xứ đồng gồm: Xứ đồng Đất binh 1 + Đất binh 2 diện tích 243m2; xứ đồng Đất binh 3 diện tích 122m2; xứ đồng Phó thuế diện tích 201m2;

xứ đồng Đầm trong diện tích 141m2; xứ đồng Đầm múc diện tích 162m2; xứ đồng Gò dâu diện tích 56m2; xứ đồng Cỏ gà diện tích 67m2 và xứ đồng Khoai + xứ đồng Vỉ ruồi diện tích 88m2.

Bà B giữ nguyên yêu cầu đề nghị Tòa án chia đất nông nghiệp đối với phần đất thuộc khu vực trên đồng đã được xã Đ thực hiện xong chính sách dồn điền đổi thửa tại xứ đồng Cây xanh theo tiêu chuẩn hạn mức của Nghị định 64/CP.

Về chí phí tố tụng: Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn đề nghị, các nguyên đơn tự nguyện xin chịu toàn bộ 8.900.000đ (Tám triệu, chín trăm nghìn đồng) lệ phí thẩm định, định giá tài sản và lệ phí đo đạc kiểm tra hiện trạng đất.

Bị đơn là ông Đoàn Văn K, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Tòa án về gia đình để lấy lời khai thì ông K từ chối gây khó khăn không cho Tòa án lấy lời khai. Vì vậy, Tòa án không thể lấy được lời khai của ông K.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật như sau:

- Về thủ tục tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng mọi trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Đối với các nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn đã chấp hành đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý vụ án cho đến khi đưa vụ án ra xét xử. Bị đơn không có mặt, không chấp hành đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bị đơn đã được tống đạt hợp lệ nên Đại diện Viện kiểm sát không có kiến nghị gì.

Về đường lối giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn đối với bị đơn.

Chia 862,9m2 đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Đoàn Văn K bà Nguyễn Thị H thể hiện tại số phiếu 158, thuộc đất loại 1 thôn T, xã Đ tại xứ đồng Cây xanh cho 04 thành viên trong hộ gia đình ông K gồm ông K, bà H, chị V và chị A theo tiêu chuẩn hạn mức của Nghị định 64/CP của Chính phủ. Kỷ phần mỗi thành viên trong hộ được chia diện tích đất nông nghiệp như nhau là 215,7m2.

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu xin rút một phần nội dung khởi kiện của các nguyên đơn, về việc không yêu cầu chia 08 thửa ruộng tại 08 xứ đồng như xứ đồng Đất binh 1 + Đất binh 2; xứ đồng Đất binh 3; xứ đồng Phó thuế; xứ đồng Đầm trong; xứ đồng Đầm múc; xứ đồng Gò dâu; xứ đồng Cỏ gà và xứ đồng Khoai + xứ đồng Vi ruồi.

Về chi phí tố tụng: Ghi nhận sự tự nguyện của các nguyên đơn, về việc chịu toàn bộ chi phí thẩm định, định giá tài sản và lệ phí đo đạc, kiểm tra hiện trạng đất. Xác nhận các nguyên đơn đã nộp đủ.

Về án phí: Ông K, bà H, chị V và chị A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Xác định mối quan hệ tranh chấp và thủ tục tố tụng:

[1.1]. Về xác định mối quan hệ tranh chấp:

Ông Đoàn Văn K kết hôn với bà Nguyễn Thị H từ năm 1988 và sinh được 03 người con gồm chị Đoàn Thị Thúy A, chị Đoàn Thị V và chị Đoàn Vân T. Quá trình chung sống, bà H và ông K thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên năm 2011, ông K và bà H đã làm thủ tục ly hôn. Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 100/2011/HNGĐ – ST ngày 09/12/2011, Tòa án nhân dân quận B, thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự phúc thẩm số: 760/2012/HNGĐ – PT ngày 02/7/2012, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã cho ông K bà H được ly hôn với nhau và giải quyết về chia con chung, tài sản chung là đất ở của ông K bà H. Riêng về đất canh tác của hộ gia đình ông K bà H, do thời điểm ông K bà H ly hôn hai bên không yêu cầu Tòa án giải quyết nên Tòa án chưa giải quyết. Sau khi bà H và ông K ly hôn, hộ gia đình ông K bà H không tự thỏa thuận được với nhau về việc chia đất canh tác của hộ gia đình nên bà H, chị A và chị V là các thành viên trong hộ gia đình ông K bà H khởi kiện, yêu cầu Tòa án chia 10 thửa đất nông nghiệp của hộ gia đình ông K bà H có địa chỉ tại 10 xứ đồng đất nông nghiệp của thôn T, xã Đ, huyện Y theo tiêu chuẩn hạn mức được quy định tại Nghị định số: 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ.

Căn cứ vào đơn khởi kiện của các nguyên đơn, Tòa án xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp là chia tài sản chung sau khi ly hôn (vụ án hôn nhân và gia đình). Quá trình giải quyết vụ án, theo quy định tại Điều 207 Bộ luật dân sự, tài sản mà các nguyên đơn khởi kiện được xác định là tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên trong hộ gia đình. Các thành viên trong hộ gia đình ông K, bà H được hưởng quyền tài sản gồm ông K, bà H, chị V và chị A. Căn cứ Điều 212 của Bộ luật dân sự, tư cách của chị A, chị V trong hộ gia đình ông K được xác định là các thành viên gia đình nên quan hệ tranh chấp trong vụ án này được thay đổi sang vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh V ĩnh Phúc đã thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng trình tự tố tụng dân sự.

[1.2]. Về tư cách đương sự:

Mặc dù chị Đoàn Vân T là thành viên trong hộ gia đình ông K, bà H nhưng trong 10 thửa đất nông nghiệp các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia tài sản chung, chị T không có tiêu chuẩn ruộng, quá trình giải quyết vụ án chị T không có yêu cầu gì đối với khối tài sản các nguyên đơn khởi kiện. Vì vậy, Hội đồng xét xử không đưa chị T tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là phù hợp.

[1.3]. Ông Đoàn Văn K là bị đơn trong vụ án đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến phiên tòa nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt ông K theo thủ tục chung.

[2]. Đối với yêu cầu xin rút một phần nội dung khởi kiện của các nguyên đơn thì thấy rằng:

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà B là người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn có đơn xin rút yêu cầu Tòa án chia tài sản chung đối với 08 thửa ruộng tại 08 xứ đồng của hộ gia đình ông K bà H tại các xứ đồng như xứ đồng Đất binh 1 + Đất binh 2; xứ đồng Đất binh 3; xứ đồng Phó thuế; xứ đồng Đầm trong; xứ đồng Đầm múc; xứ đồng Gò dâu; xứ đồng Cỏ gà và xứ đồng Khoai + xứ đồng Vi ruồi. Căn cứ vào phạm vi ủy quyền của các nguyên đơn xét thấy bà B xin rút một phần nội dung khởi kiện của các nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự nên Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu mà các nguyên đơn đã xin rút ở trên. Bà H, chị V và chị A có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu xin rút của mình ở trên theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

[3]. Xét nội dung yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn:

Bà H, chị A và chị V khởi kiện, yêu cầu Tòa án chia 862,9m2 đất nông nghiệp thuộc khu vực đất trên đồng của hộ gia đình ông K bà H tại xứ đồng Cây xanh của thôn T, xã Đ, huyện Y đã được xã Đ thực hiện xong chính sách dồn điền đổi thửa theo tiêu chuẩn hạn mức quy định của Nghị định số: 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ.

Căn cứ vào kết quả xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án tại xã Đ, lời khai của bà B, lời khai của ông Hoàng Văn Hùng là Trưởng thôn T – Phó tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn T, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Vào những năm 2005 và năm 2006, xã Đ triển khai công tác chia lại ruộng đất cho toàn thể các hộ dân trong xã, do xã Đ không có bản đồ giải thửa chi tiết từng thửa ruộng của từng hộ dân trong xã nên xã Đ không có tài liệu thể hiện vị trí chi tiết từng thửa ruộng của từng hộ dân theo bản đồ giải thửa. Vì vậy, vị trí sử dụng các thửa ruộng đất canh tác của từng hộ dân trong xã Đ chỉ thể hiện tại các xứ đồng. Hộ gia đình ông K, bà H thời điểm được Nhà nước chia đất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hạn mức quy định của Nghị định số: 64/CP cho các thành viên trong hộ đúng như lời trình bày của bà B ở trên. Do xã Đ chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ruộng theo quy định của Luật đất đai nên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của các hộ dân trên địa bàn xã trong đó có hộ gia đình ông K đến nay chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù năm 2011, ông K và bà H đã làm thủ tục ly hôn nhưng đất nông nghiệp của hộ gia đình ông K chưa được Tòa án giải quyết. Hiện tại toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình ông K chỉ có một mình ông K là người đang trực tiếp sử dụng.

Căn cứ vào kết quả dồn điền đổi thửa của tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn T, xã Đ thì hộ gia đình ông K, bà H đã thực hiện xong chính sách dồn điền đổi thửa đối với diện tích đất nông nghiệp thuộc khu vực đất đồng, còn đất thuộc khu vực đất bãi, hộ gia đình ông K, bà H vẫn chưa thực hiện xong. Khu vực đất đồng của hộ gia đình ông K bà H sau khi tham gia dồn điền đổi thửa từ 02 thửa ruộng tại xứ đồng Bông diện tích 670m2 và xứ đồng Sâu thấp diện tích 198m2 là 862,9m2 được thể hiện theo số thứ tự 158 trong danh sách dồn điền đổi thửa của thôn T, xã Đ do Hợp tác xã Trung Cẩm quản lý thuộc đất canh tác loại 1. Phần đất này, hiện tại ông K đang sử dụng để trồng nghệ đen và sắn dây. Phần diện tích này là tiêu chuẩn hạn mức đất nông nghiệp của 04 thành viên trong hộ gia đình ông K gồm ông K, bà H, chị A và chị V. Các nguyên đơn yêu cầu Tòa án chia 862,9m2 đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Đoàn Văn K bà Nguyễn Thị H cho 04 thành viên trong hộ gia đình ông K gồm ông K, bà H, chị V và chị A theo tiêu chuẩn hạn mức Nghị định 64 của Chính phủ là có căn cứ phù hợp với quy định nên cần chấp nhận.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 64/1993/CP quy định:

“… Diện tích đất nông nghiệp sau khi đã trừ đất dành cho nhu cầu công ích của xã, tính bình quân theo nhân khẩu nông nghiệp của xã hoặc hợp tác xã để giao cho hộ gia đình, cá nhân ………”.

Sau khi dồn điền đổi thửa, hộ ông K đã được Tiểu ban dồn điền đổi thửa của thôn T thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa tại khu vực đất đồng ở xứ đồng Cây xanh với diện tích là 862,9m2, các thành viên trong hộ gia đình ông K được hưởng số diện tích này gồm có ông K, bà H, chị A và chị V. Căn cứ Điều 212 Bộ luật dân sự và theo tiêu chuẩn hạn mức đất nông nghiệpquy định tại Nghị định 64/CP thì số diện tích 862,9m2 của hộ gia đình ông K được chia đều bình quân cho 04 thành viên trong hộ. Kỷ phần của mỗi người được chia là 862,9m2: 4 = 215,7m2 đã được làm tròn số. Bà H, chị A và chị V sẽ được chia ở vị trí đất gần nhau để tiện sử dụng.

Phần đất đất nông nghiệp sau khi chia, bà H, chị A chị V được sử dụng là 647.1m2 (làm tròn số là 647.2m2 ), ông K được sử dụng là 215,7m2 nằm trong tổng số diện tích 862,9m2 thể hiện tại số phiếu 158, thuộc đất loại 1 thôn T, xã Đ, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc tại xứ đồng Cây xanh (có sơ đồ kèm theo).

Tại phiên tòa, bà B khẳng định tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm trên diện tích 862,9m2 đất nông nghiệp của hộ gia đình ông K tại xứ đồng Cây xanh không có tài sản gì, nghệ đen và sắn dây ông K đã thu hoạch xong. Căn cứ vào kết quả xác minh tại xã Đ thì thời điểm thu hoạch sắn dây và nghệ đen thường vào dịp cuối năm ngày 31/12/2022. Giả sử nghệ đen và sắn dây của ông K tại thời điểm xét xử sơ thẩm vẫn còn chưa thu hoạch thì cần buộc ông K phải thu hoạch nghệ đen và sắn dây của mình để trả lại mặt bằng đất cho bà H, chị V và chị A sử dụng.

Kết quả định giá tài sản ngày 17/5/2022, giá đất nông nghiệp tại thời điểm Hội đồng định giá có giá là 60.000đ/1m2 (Sáu mươi nghìn đồng). Kỷ phần mỗi suất được chia tính thành tiền là 215,7m2 x 60.000/1m2 = 12.942.000đ (Mười hai triệu, chín trăm bốn mươi hai nghìn đồng). Do vậy suất của bà H, chị V, chị A được chia 647.2m2 giá trị bằng tiền là 38.832.000đ, suất của ông K được chia là 215,7m2 giá trị bằng tiền là 12.942.000đ.

Về chi phí tố tụng: Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn đề nghị, các nguyên đơn tự nguyện chịu toàn bộ 8.900.000đ (Tám triệu, chín trăm nghìn đồng) tiền thẩm định định giá tài sản và lệ phí đo đạc kiểm tra hiện trạng đất nên Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện này. Xác nhận các nguyên đơn đã nộp đủ.

[3]. Về án phí: Căn cứ Điều 147; 157 Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Các nguyên đơn, bị đơn mỗi người đều phải chịu án phí dân sự có giá ngạch với mức 5% đối với phần tài sản mình được chia. Do vậy, kỷ phần mỗi người phải chịu án phí là 12.942.000đ x 5% = 647.000đ (Sáu trăm bốn mươi bảy nghìn đồng).

Vậy quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát trong vụ án này là có căn cứ nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên./.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 207; 212 Bộ luật dân sự; Điều 147; 157 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị định số: 64/1993/NĐ – CP ngày 29/9/1993 của Chính phủ và Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1/ Chấp nhận yêu toàn bộ cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H, chị Đoàn Thị Thúy A và chị Đoàn Thị V đối với bị đơn ông Đoàn Văn K, về việc chia tài sản chung là quyền sử dụng 862,9m2 đất nông nghiệp tại khu vực đất trên đồng thể hiện tại số phiếu 158, thuộc đất loại 1 thôn T, xã Đ huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc của hộ gia đình ông K, (có sơ đồ kèm theo) cụ thể:

- Chia cho bà H, chị A chị V được quyền sử dụng 647.1m2 đất nông nghiệp (được làm tròn số là 647.2m2) nằm trong diện tích 862,9m2 thể hiện tại số phiếu 158, thuộc đất loại 1 thôn T, xã Đ Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc tại xứ đồng Cây xanh được xác định bởi các chỉ giới: F, C, D, E, F (Lô 2).

- Chia cho ông K được quyền sử dụng 215,7m2 đất nông nghiệp nằm trong diện tích 862,9m2 thể hiện tại số phiếu 158, thuộc đất loại 1 thôn T, xã Đ Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc tại xứ đồng Cây xanh được xác định bởi các chỉ giới: A, B, C, F, A (Lô 1).

Tổng giá trị tài sản sau khi chia tài sản chung theo kỷ phần của bà H, chị A, chị V và ông K mỗi người được hưởng quyền sử dụng 215,7m2 đất nông nghiệp tính thành tiền là 12.942.000đ (Mười hai triệu, chín trăm bốn mươi hai nghìn đồng).

Buộc ông Đoàn Văn K phải thu hoạch toàn bộ các loại cây cối đang trồng trên phần diện tích đất nông nghiệp chia cho bà H, chị A và chị V để trả lại mặt bằng cho bà H, chị A và chị V sử dụng.

2/ Căn cứ khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H, chị Đoàn Thị Thúy A và chị Đoàn Thị V, về việc xin rút yêu cầu chia đất nông nghiệp của hộ gia đình ông K bà H tại các xứ đồng Đất binh 1 + Đất binh 2 + Đất binh 3; xứ đồng Phó thuế; xứ đồng Đầm trong; xứ đồng Đầm múc; xứ đồng Gò dâu; xứ đồng Cỏ gà và xứ đồng Khoai + xứ đồng Vi ruồi.

Bà Nguyễn Thị H, chị Đoàn Thị Thúy A và chị Đoàn Thị V có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu xin rút của mình ở trên theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

3/ Về chi phí tố tụng: Ghi nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị H, chị Đoàn Thị Thúy A và chị Đoàn Thị V tự nguyện chịu toàn bộ 8.900.000đ (Tám triệu, chín trăm nghìn đồng) chi phí thẩm định, định giá tài sản và lệ phí đo đạc kiểm tra hiện trạng đất. Xác nhận các nguyên đơn đã nộp đủ.

4/ Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị H, chị Đoàn Thị Thúy A và chị Đoàn Thị V mỗi người phải chịu 647.000đ (Sáu trăm bốn mươi bảy nghìn đồng) tiền án phí. Tổng cộng bà H, chị A và chị V phải chịu tiền án phí là 1.941.600đ (Một triệu, chín trăm bốn mươi mốt nghìn, sáu trăm đồng) nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: 0001138 ngày 06/01/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Lạc. Bà H, chị A và chị V được hoàn lại số tiền chênh lệch tạm ứng án phí đã nộp là 233.000đ (Hai trăm ba mươi nghìn đồng) đã được làm tròn số. Ông Đoàn Văn K phải chịu 647.000đ (Sáu trăm bốn mươi bảy nghìn đồng) tiền án phí.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự có mặt có quyền kháng cáo bản án để yêu cầu xét xử phúc thẩm; đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b, 7c và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

211
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia tài sản chung số 01/2023/DS-ST

Số hiệu:01/2023/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Yên Lạc - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/01/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về