TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN SỐ 76/2022/DS-PT NGÀY 12/04 /2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 12 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 56/2021/TLPT- DS ngày 25 tháng 2 năm 2021 về việc “Tranh chấp chi di sản thừa kế và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do có kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2701/2022/QĐ-PT ngày 28 tháng 3 năm 2022, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Dương Cao T, sinh năm 1951.
Địa chỉ: Số D, tổ C, khu E, phường C, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của ông T: - Ông Lường Văn Đ, sinh năm 1997 (văng mặt - có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt);
- Ông Nguyễn Huy K, sinh năm 1997. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T: Bà Lê Thị O – Luật sư công ty L1 và Cộng sự, thuộc Đoàn luật sư Thành phố H. Có mặt.
Ông Đ, ông K và bà O cùng có địa chỉ: P, khu B, tòa M số I N, quận Đ, Thành phố Hà Nội
2. Bị đơn: Ông Dương Văn T1, sinh năm 1954.
Địa chỉ: Khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ). Có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Dương Văn T1: - Bà Vũ Thị H, sinh năm 1974; vắng mặt.
- Bà Nguyễn Thị Thu N, sinh năm 1996; có mặt.
Đều trú tại địa chỉ: Tổ H, khu B, phường V, thành phố V, tỉnh Phú Thọ.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Ủy ban nhân dân thành phố V, tỉnh Phú Thọ.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Văn C - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố V. Vắng mặt.
3.2. Ủy ban nhân dân phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ. Vắng mặt - Có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt.
3.3. Bà Dương Thị T2, sinh năm 1956, địa chỉ: Khu D, xã H, huyện T, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc xã D, huyện T, tỉnh Phú Thọ). Vắng mặt.
3.4. Bà Dương Thị H1, sinh năm 1965, địa chỉ: Thôn S, xã N, thị xã P, tỉnh Vĩnh Phúc. Có mặt.
3.5. Bà Dương Thị T3, sinh năm 1965, địa chỉ: Khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (Nay thuộc phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ). Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà T2, bà H1, bà T3: Ông Dương Cao T, sinh năm 1951; địa chỉ: Số D, tổ C, khu E, phường C, thành phố C tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.
3.6. Bà Dương Thị V, sinh năm 1967, địa chỉ: Tổ A, khu B, phường C, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh. Vắng mặt.
3.7. Ông Dương Văn Đ1, sinh năm 1970 và bà Nguyễn Thị T4, sinh năm 1968. Địa chỉ: Khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ). Người đại diện theo ủy quyền của Bà T4: ông Dương Văn Đ1 tại văn bản ủy quyền ngày 24/6/2019. Ông Đ1 có mặt.
3.8. Ông Dương Cao C1, sinh năm 1953; địa chỉ: Tổ E, khu A, phường C, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.
3.9. Ông Dương Văn T5, sinh năm 1974, địa chỉ: Thôn K, xã Q, huyện H, tỉnh Quảng Ninh, tạm trú: Flamingo Đ, P, tỉnh Vĩnh Phúc. Có mặt.
3.10. Bà Vũ Thị H2, sinh năm 1978, địa chỉ: Khu Đ, phường M, V, Phú Thọ. Vắng mặt.
3.11 Anh Dương Việt H3, sinh năm 1978, địa chỉ: Khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ). Vắng mặt.
3.12. Chị Dương Thị Hồng N1, sinh năm 1996 và anh Dương Ngọc A, sinh năm 2000 con ông Dương Văn Đ1, đều trú tại địa chỉ: Khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ). Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của chị N1, anh A: Ông Dương Văn Đ1 (3.7) tại văn bản ủy quyền ngày 24/6/2019. Có mặt.
3.13. Chị Dương Thị T6, sinh năm 1983. Địa chỉ: Khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (Nay thuộc phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ. Có mặt.
3.14. Anh Dương Việt D, sinh ngày 20/7/1981. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay đang làm việc tại Hàn Quốc. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của chị T6, anh D: Ông Dương Văn T5 (3.9). Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện đề ngày 19/6/2018, các bản tự khai và lời khai và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Dương Cao T trình bày:
Bố mẹ ông T là cụ Dương Cao H4 (chết năm 1979) và cụ Lê Thị C2 (chết năm 2015) sinh được 09 người con gồm: Dương Cao T, Dương Thị T2, Dương Cao C1, Dương Văn T1, Dương Thị H1, Dương Thị T3, Dương Thị V, Dương Văn Đ1, Dương Văn T5. Khi còn sống, hai cụ tạo lập tại địa chỉ: Khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ) 01 thửa đất ở có diện tích 1.656,5m2 và xây dựng 01 ngôi nhà cấp 4 trên đất (hiện bà Dương Thị T3 đang ở).
Năm 1974 ông T1 đi bộ đội, đến năm 1976 xuất ngũ trở về lấy vợ, sinh con, tách khẩu ở riêng và được Ủy ban xã cấp đất ở tại phía Tây Nam trên thửa đất. Sau ngày bố của ông mất 12/7/1979, vợ chồng em trai thứ ba là Dương Cao C1, tiếp sau đó là 02 em trai là Dương Văn Đ1, Dương Văn T5 lấy vợ và cùng ở trên thửa đất này, còn em gái là Dương Thị T3 ở giữa 01 nhà cấp 4 để chăm mẹ do tuổi cao già yếu cho tới nay.
Ngày 10/11/2006, theo giấy mời của địa chính xã T, em trai ông là ông Dương Văn Đ1 đang ở với mẹ lúc đó được mời đại diện ký vào sơ đồ vẽ bằng tay, để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt: GCNQSDĐ). Ông Đ1 thấy trong sơ đồ được vẽ khác và không có sự bàn bạc ủy quyền của anh em trong dòng họ, diện tích không đúng với diện tích đất thực tế đang sử dụng của gia đình, nên không ký và gia đình không làm được GCNQSDĐ.
Năm 2008 xã T thuộc huyện B, Hà Nội được sát nhập về thành phố V, tỉnh Phú Thọ. Trong quá trình ở trên mảnh đất của bố mẹ từ năm 1979 đến năm 2012, ông T1 cứ lấn dần và tự ý làm thủ tục với cán bộ UBND xã, cán bộ UBND thành phố V để được cấp GCNQSDĐ năm 2010 cho hộ Dương Văn T1 và hộ cụ Lê Thị C2 mà không có sự bàn bạc, ủy quyền của cụ C2 và 08 anh em còn lại trong gia đình.
Ngày 15/4/2014, khi các em đi vắng, chỉ có mẹ đang ốm nặng nằm trong nhà, ông T1 đã tự ý giăng dây đóng cọc tự phân chia đất theo GCNQSDĐ được cấp. Lúc đó mẹ ông rất yếu nên anh em trong gia đình không muốn nói to hoặc cãi nhau sợ rằng sẽ làm mẹ ông tai biến, tăng huyết áp hoặc đột quỵ. Sau đó, anh em trong gia đình đã nhiều lần họp nhắc nhở yêu cầu ông T1 tự tháo dỡ nhưng ông T1 không thực hiện.
Đến ngày 14/7/2015 mẹ ông mất. Ngày 23/10/2015 anh em ông về cúng 100 ngày, ông T1 giao GCNQSDĐ mang tên cụ Lê Thị C2 cho ông là anh trưởng quản lý. Khi xem xét các GCNQSDĐ và đối chiếu anh em ông nhận thấy cụ C2 chỉ còn được sử dụng diện tích 730,7m2 = 44,2% còn ông T1 được sử dụng diện tích 925,8m2 = 55,8% so với diện tích nguyên trạng trước đó (Hai GCNQSDĐ này làm cách nhau hai tháng mười ngày và đều do Phó Chủ tịch UBND thành phố V là Trương Xuân C3 ký).
Ngày 15/3/2017, ông đại diện cho 08 anh chị em gửi đơn đề nghị đến Chủ tịch UBND xã T về việc làm và cấp GCNQSDĐ của gia đình không đúng. Ngày 29/3/2017 nhận được công văn số: 18/UBND-TP ngày 22/3/2017 của ông Đỗ Xuân N2 - Chủ tịch UBND xã T ký với nội dung trả lời là không vi phạm pháp luật và có lưu một biên bản họp của gia đình tại UBND xã. Tuy nhiên cả gia đình mẹ và 08 anh chị em không biết có bản lưu nào như UBND xã T thông báo. UBND xã cũng không xem xét giải quyết đơn đề nghị của ông và anh chị em trong gia đình.
Ngày 23/6/2017 (tức 29/5/2017 ÂL), buổi chiều sau lễ giỗ năm thứ hai của mẹ ông, gia đình họp và làm đơn đề nghị tới chủ tịch UBND xã T xem xét “V/v không họp gia đình liên quan đến quyền sử dụng đất”. Sau đó gia đình cử các em T2, H1, Đ1 lên UBND xã T hồi 16 giờ cùng ngày xin được xem, tiếp xúc với biên bản của gia đình được lưu thì được biết có biên bản ông Dương Văn T1 tự viết từ trước và tự họp gia đình có mẹ với 06 người (01 chị gái 05 em), vào buổi tối ngày 25/9/2010 và được cán bộ UBND xã đọc nhưng không ghi và ký vào biên bản này, nội dung thì hoàn toàn khác với nội dung tối hôm họp. Khi họp thì vắng 02 người anh trai lớn nhất trong gia đình (ông T, ông C1). Ngày 26/10/2017, 08 anh em ông đã làm đơn đề nghị “V/v xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xin trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” cùng tài liệu liên quan gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh P, Chủ tịch UBND thành phố V. Ngày 08/01/2018, gia đình nhận được công văn số: 3352/UBND-TNMT ngày 29/12/2017 của UBND thành phố V gửi Chủ tịch UBND xã T yêu cầu trả lời trong tháng 01/2018 cho ông (thay thông báo).
Do không được giải quyết nên ngày 29/3/2018, ông T thay mặt 08 anh em tiếp tục làm đơn đề nghị “V/v đề nghị giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bình thường” cùng tài liệu liên quan lần thứ hai gửi tới ông Chủ tịch UBND tỉnh P, ông Chủ tịch UBND thành phố V. Nhưng vẫn không nhận kết quả phúc đáp từ cơ quan có thẩm quyền.
Vì vậy, ngày 19/6/2018 ông T làm đơn khởi kiện và gửi cùng các tài liệu liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ tới Tòa án và yêu cầu giải quyết: Kiểm tra và phán xét việc cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định của pháp luật; Thu hồi và hủy 02 GCNQSDĐ nằm trên diện tích đất 1.656,5m2 gồm: GCNQSDĐ số: BC 746702, thửa số 282, tờ bản đồ số 2, diện tích 925,8m2 do UBND thành phố V cấp cho hộ ông Dương Văn T1 và GCNQSDĐ số: BC 829374, thửa số 283, tờ bản đồ số 2, diện tích 730,7m2 do UBND thành phố V cấp cho cụ Lê Thị C2. Sau khi thu hồi và hủy 02 GCNQSDĐ đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ chia tài sản thừa kế theo quy định.
Ngày 11/7/2018 ông Dương Cao T có đơn sửa chữa, bổ sung đơn khởi kiện: Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ chia di sản thừa kế là 1.656,5m2 đất của bố mẹ để lại theo quy định của pháp luật. Nếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ Lê Thị C2 và hộ ông Dương Văn T1 sai thì đề nghị TAND tỉnh Phú Thọ hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì ông T1 tự ý đi làm giấy chứng nhận không ai biết, chỉ sau hai năm rưỡi anh em mới biết.
Ngày 03/6/2019, ông T bổ sung: Đề nghị chia thừa kế theo quy định của pháp luật, phần đất vào ai thì người đó được hưởng, nếu ông Dương Văn Đ1 có diện tích lớn hơn thì phải có trách nhiệm thanh toán cho người có quyền lợi liền kề.
Bị đơn là ông Dương Văn T1 trình bày: Ông Dương Cao T đòi chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của bố mẹ để lại 1.656,5m2 và cho rằng ông tự ý làm GCNQSDĐ tách làm 02 thửa đất cho ông và cụ Lê Thị C2 là không đúng, vì trước thời gian đó mẹ ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, chính tay ông T đã làm biên bản họp gia đình, về việc thống nhất đất đai và cả gia đình ký, có 13 người con (cả con dâu) đã ký. Ông không nhất trí việc ông T đề nghị hủy 02 GCNQSDĐ đứng tên ông và đứng tên cụ Lê Thị C2, vì diện tích đất của gia đình được Nhà nước cấp không phải đất của bố mẹ ông cho. Đề nghị Tòa án giải quyết đúng theo quy định của pháp luật.
Đại diện theo ủy quyền của ông Dương Văn T1 là bà Vũ Thị H, bà Nguyễn Thị Thu N trình bày: Ông Dương Cao T đòi chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại 1.656,5m2 và đề nghị hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Dương Văn T1 là không có căn cứ. Ông T1 là chủ sử dụng thửa đất 351 và 354 với tổng diện tích 840m2 (Trước đây là xã T, huyện B, nay chuyển về thành phố V) nay thể hiện là thửa đất 282, tờ bản đồ 02, diện tích 925,8m2 (Trong đó 300m2 đất ở và 625,8m2 đất vườn), có tên trong sổ mục kê và bản đồ địa chính. Vì vậy, ông T1 và bà T7 đã được UBND thành phố V cấp GCNQSDĐ ngày 23/9/2010 là đúng quy định pháp luật về đất đai. Đề nghị Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của ông Dương Cao T về việc hủy GCNQSDĐ và đòi chia thừa kế 1.656,5m2 đất. Chấp nhận đề nghị chia thừa kế thửa 283 mang tên cụ Lê Thị C2 theo quy định của pháp luật.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
- Bà Dương Thị T2, ông Dương Cao C1, bà Dương Thị H1, bà Dương Thị T3, ông Dương Văn Đ1, ông Dương Văn T5 trình bày: Nhất trí với quan điểm của ông Dương Cao T. Đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế là diện tích 1.656,5m2 đất và hủy 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thành phố V cấp cho hộ ông Dương Văn T1 và cụ Lê Thị C2. - Bà Dương Thị V trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 10/10/2018: Bố mẹ bà là cụ Dương Cao H4 (chết năm 1979) và cụ Lê Thị C2 (chết năm 2015) có 09 người con như ông T trình bày. Bà ra thành phố C, tỉnh Quảng Ninh sinh sống từ năm 1991, không sống cùng với bố mẹ và ít về thăm bố mẹ nên không biết bố mẹ bà sau khi chết có để lại di chúc hay không, nhưng sau khi chết bố mẹ bà để lại 01 mảnh đất và 01 căn nhà cấp 4 gắn liền trên đất mà Dương Thị T3 sinh sống tại đó để trông coi nhà cửa. Bà không biết diện tích đất và nhà ở là bao nhiêu và không biết bố mẹ có những tài sản gì. Bà không có ý kiến gì về yêu cầu khởi kiện của ông Dương Cao T đối với ông Dương Văn T1. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Anh Dương Việt H3 trình bày: Căn nhà cấp 4 mái bằng mới xây năm 2017 do bố anh là ông T1 xây dựng cho anh, do vậy quyền định đoạt về căn nhà này do ông T1 toàn quyền quyết định, anh đề nghị không triệu tập anh tham gia vụ án.
- Bà Nguyễn Thị T4, chị Dương Thị Hồng N1, anh Dương Ngọc A là vợ và con của anh Dương Văn Đ1 trình bày: Gia đình anh Đ1 đã làm nhà và đang sinh sống trên thửa đất 283, tờ bản đồ 02 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: BC 829374 đã cấp cho cụ Lê Thị C2. Ủy quyền toàn bộ cho ông Dương Văn Đ1 tham gia tố tụng và quyết định mọi vấn đề liên quan đến vụ án.
- Đại diện UBND thành phố V trình bày:
+ Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC 829374 cho cụ Lê Thị C2 tại thửa số 283, tờ bản đồ số 2, diện tích 730,7 m2 (Trong đó có 300,0 m2 đất ở; 430,7m2 đất vườn): Hồ sơ gồm có: Đơn xin cấp GCNQSDĐ của cụ Lê Thị C2 (do ông Dương Văn T1 ký thay) kê khai ngày 16/3/2010 đã được UBND xã T xác nhận ngày 14/4/2010: Thửa đất sử dụng ổn định, không tranh chấp, thời điểm sử dụng từ trước năm 1980, phù hợp quy hoạch sử dụng đất, văn bản tường trình nguồn gốc đất thổ cư ngày 31/3/2010 do ông Dương Cao T8 ký được xác nhận của khu hành chính, MTTQ xã, UBND xã; Phiếu lấy ý kiến khu dân cư ngày 05/4/2010 do UBND xã xác nhận ngày 14/4/2010; đơn xin xác nhận ủy quyền cho con trai ký vào đơn và làm các thủ tục liên quan ngày 06/5/2010; Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất theo hiện trạng sử dụng lập ngày 10/01/2010; Hồ sơ kỹ thuật thửa đất, trích lục bản đồ địa chính, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu; Biên bản họp gia đình ngày 25/9/2010, bản cam kết nội dung họp gia đình của cụ Lê Thị C2 ngày 25/9/2010, đơn xác nhận khai tử ngày 10/3/2010. Tất cả các đơn đều được UBND xã T xác nhận. Sau khi thẩm định, đối chiếu theo quy định của pháp luật thấy việc cấp GCNQSDĐ cho cụ Lê Thị C2 là đủ điều kiện. Do đó, ngày 12/11/2010 UBND thành phố V đã phê duyệt kết quả thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ hộ Lê Thị C2 tại thửa đất số 283, tờ bản đồ số 2, diện tích 730,7m2 (Trong đó có 300,0m2 đất ở; 430,7m2 đất vườn) tại khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ. Sau khi chủ hộ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, ngày 12/12/2010 UBND thành phố ban hành quyết định số: 15156/QĐ-UBND về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ hộ theo quy định.
+ Về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: BC 746702 cho chủ hộ Dương Văn T1 tại thửa số 282, tờ bản đồ số 2, diện tích 925,8m2 (Trong đó có 300,0m2 đất ở và 625,8m2 đất vườn). Hồ sơ gồm có: Đơn xin cấp GCNQSDĐ của hộ ông Dương Văn T1 và bà Nguyễn Thị Thanh kê k ngày 16/3/2010 đã được UBND xã T xác nhận ngày 14/4/2010: Thửa đất sử dụng ổn định, không tranh chấp, thời điểm sử dụng từ trước năm 1980, phù hợp quy hoạch sử dụng đất; văn bản tường trình nguồn gốc đất thổ cư ngày 31/3/2010 được xác nhận của khu hành chính, MTTQ xã, UBND xã xác nhận; Phiếu lấy ý kiến khu dân cư ngày 5/4/2010 do UBND xã xác nhận ngày 14/4/2010; Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất theo hiện trạng sử dụng lập ngày 10/01/2010; Hồ sơ kỹ thuật thửa đất, trích lục bản đồ địa chính, Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Sau khi thẩm định, đối chiếu theo quy định của pháp luật thấy việc cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Dương Văn T1 và bà Nguyễn Thị T9 là đủ điều kiện. Do đó, ngày 16/7/2010 UBND thành phố V đã phê duyệt kết quả thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho chủ hộ ông Dương Văn T1 và bà Nguyễn Thị T9 tại thửa đất số: 282, tờ bản đồ số 2, diện tích 925,8m2 (Trong đó có 300,0m2 đất ở và 625,8m2 đất vườn) tại khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ. Sau khi chủ hộ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, ngày 23/9/2010 UBND thành phố ban hành quyết định số 11015/QĐ-UBND về việc cấp GCNQSDĐ cho chủ hộ theo quy định.
Như vậy việc cấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND thành phố V là đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Những người làm chứng trình bày:
Ông Nguyễn Đức V1, bà Hà Thị L trình bày: Năm 1971, 1972 trên địa bàn xã T (thuộc H cũ) thường xuyên xảy ra sạt lở, các hộ dân phải di dời chỗ ở nhiều lần. Năm 1973 theo chủ trương, UBND xã cấp đất cho các hộ dân để ổn định chỗ ở. Gia đình ông V1, gia đình bà L làm nhà và sinh sống tại xã T từ thời điểm đó đến bây giờ. Ông V1, bà L cho biết thời điểm đó gia đình cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 là người dân gốc ở T nên cũng được UBND xã cấp đất để ổn định chỗ ở như các hộ khác từ năm 1973. Chính sách cấp đất của UBND xã T lúc đó cấp đất theo hộ gia đình, đối với hộ đông người (hộ chính) được cấp 02 sào và mỗi người trong hộ được 02 thước rau xanh, ngoài ra vì là địa bàn hay sạt lở nên các hộ ngoài diện tích được cấp trên nên còn được cấp thêm diện tích hố để lấy đất đắp nền. Còn hộ phụ (tách ra từ hộ chính) thì được UBND xã cấp là 01 sào và 03 thước đất rau xanh, ngoài ra nếu còn đất thừa thì vẫn được cấp thêm diện tích hố để đắp nền. Vì các hộ sử dụng thêm cả phần diện tích đất hố nên khi đo đạc thực tế diện tích được hưởng của các hộ thường tăng lên. Ông V1, bà L cho biết năm 1973 cả gia đình cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 được Ủy ban xã cấp đất trên một thửa đất, anh Dương Văn T1 chưa được cấp đất vì lúc đó anh T1 khoảng 19 tuổi, chưa lập gia đình. Hơn nữa chính sách cấp đất của Ủy ban xã T cũ là gia đình nào có 02 con dâu (tức là 02 người con trai trong gia đình lấy vợ và cùng sinh sống trong hộ) thì mới được cho tách thêm một hộ phụ và được cấp đất ngoài phần đất đã cấp cho hộ chính.
Ông Lưu Quang M trình bày: Ông là phó chủ tịch UBND xã T từ năm 1979 đến khoảng năm 1984. Chủ trương xẻ hộ cấp đất cho các hộ dân được bắt đầu từ năm 1979 cho đến khi xã cấp hết đất, theo quy định thì các hộ chính có 02 con dâu (tức là 02 người con trai trong gia đình lấy vợ và cùng sinh sống trong hộ) thì sẽ được xẻ hộ cấp đất cho tách thêm một hộ phụ và được cấp đất ngoài phần đất đã cấp cho hộ chính. Trước khi xẻ hộ, gia đình cụ Dương Cao H4 sinh sống, sử dụng trên toàn bộ diện tích đất được cấp, sau này hai hộ là hộ cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 và hộ ông Dương Văn T1 ở. Tuy nhiên, gia đình cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 lúc đó chỉ được UBND xã cấp theo một diện tích nhất định và phần diện tích hố để lấy đất canh tác, đắp nền. Ngoài phần diện tích trên là phần đất thừa của UBND xã. Sau này hộ anh Dương Văn T1 được xẻ hộ cấp đất trên phần diện tích đất thừa đó và không phải cấp đất nơi khác. Thời điểm xẻ hộ cấp đất cho anh T1 là từ năm 1979 đến năm 1982, lúc đó cụ Dương Cao H4 đã chết, nhưng lúc đó chủ hộ vẫn đứng tên Dương Cao H4 do cụ Lê Thị C2 chưa thay đổi tên chủ hộ. Tại UBND xã T, sau khi được chính quyền địa phương và địa chính xã T cung cấp quyển sổ không ghi đề mục, không ghi ngày tháng năm, có ghi lại việc cấp đất cho các hộ dân. Ông Lưu Quang M khẳng định quyển sổ này là quyển sổ ghi lại việc cấp đất, xẻ hộ cho các hộ dân, được ghi chép từ thời điểm năm 1979 cho đến năm 1982, do điều kiện kinh tế và việc lưu trữ, ghi chép của cán bộ được giao lúc đó ghi chép không có đề mục.
Ông M giải thích việc ghi chép hộ cụ Dương Cao H4 và hộ ông Dương Văn T1 được giao tổng diện tích là 04 sào (2.12+1.03) nhưng thực đo là 04 sào 13 thước và ghi chú là “hết không thừa” là do: Tại địa bàn xã T lúc đó thường xuyên sạt lở nên ngoài diện tích các hộ được giao, còn được tính thêm diện tích hố để các hộ lấy đất đắp nền, làm rau. Do vậy ngoài diện tích được hưởng là 04 sào thì hộ cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 và hộ ông Dương Văn T1 đã sử dụng hết không thừa là 13 thước đất hố. Theo như quyển sổ ghi chép trên thì hộ cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 được giao 02 sào 12 thước. Hộ ông Dương Văn T1 được giao là 01 sào 03 thước. Còn 13 thước đất hố được hộ cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 và hộ ông Dương Văn T1 sử dụng chung. Theo chủ trương của xã thì hộ ông Dương Văn T1 được tách ra từ hộ chính là hộ cụ Dương Cao H4, được xã cấp đất 01 sào, 03 thước và phần diện tích đất hố đắp nền sử dụng chung với hộ cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2. Việc cấp đất cho hộ ông Dương Văn T1 là riêng rẽ không liên quan đến diện tích đã cấp cho hộ cụ H4, cụ C2. Do hộ cụ H4, cụ C2 trước đó sử dụng thừa đất của xã ngoài diện tích được cấp nên hộ ông Dương Văn T1 được cấp vào phần diện tích thừa đó (01 thước = 24m2; 01 sào = 15 thước x 24m2 = 360m2).
* Tại biên bản xác minh ngày 26/6/2019 tại UBND xã T thể hiện: Theo bản đồ 299 và sổ mục kê ruộng đất đo đạc năm 1987 của xã T, huyện B, tỉnh Hà Tây thể hiện thửa đất số 351 và thửa đất 354 tổng diện tích 840m2 mục đích sử dụng là đất ở, chủ sử dụng đất là ông Dương Văn T1. Theo bản đồ địa chính đo đạc năm 2008 (phê duyệt năm 2011) khi xã T chuyển về thành phố V, tỉnh Phú Thọ, hai thửa đất 351 và 354 là thửa đất số 282, tờ bản đồ số 2, diện tích 925,8m2. Diện tích tăng lên do trong quá trình sử dụng và đo đạc.
* Quá trình giải quyết, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định xem xét thẩm định tại chỗ và ra quyết định định giá tài sản. Căn cứ kết quả xem xét, thẩm định thì hiện trạng sử dụng đất của hộ cụ Lê Thị C2 là 730,6m2; Hộ ông Dương Văn T1 là 924,1m2. Về kết quả định giá, Hội đồng định giá xác định: Giá đất ở là 500.000đ/m2, đất vườn là 69.740đ/m2, ngoài ra các tài sản trên đất được định giá theo biên bản định giá tài sản ngày 17/5/2019.
* Tại biên bản làm việc ngày 10/7/2019 tại UBND xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ: Sau khi xác minh, thu thập chứng cứ liên quan đến nguồn gốc đất cấp cho hộ cụ Lê Thị C2 và hộ ông Dương Văn T1. UBND xã T cung cấp cho Tòa án 01 quyển sổ ghi chép việc cấp đất, xẻ hộ cho các hộ dân không ghi đề mục, không ghi ngày tháng năm. UBND xã T cho biết ngoài sổ trên, UBND xã không còn lưu giữ tài liệu nào khác liên quan đến việc cấp đất cho các hộ dân từ năm 1979 trở về trước. Tại sổ ghi chép trên thì hộ cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 lúc đó được UBND xã cấp 02 sào 12 thước. Còn hộ ông Dương Văn T1 được Ủy ban xã cấp 01 sào 03 thước (việc ghi tại cột “KRx: 1” và cột “Đất 5%: 02” là do ghi sai vì thực tế xẻ hộ cấp đất cho hộ mới lúc đó (hộ phụ) là 01 sào 03 thước, có ghi chú “hết không thừa”. Do vậy được công nhận hộ ông Dương Văn T1 được giao là 01 sào, 03 thước). Tổng diện tích UBND xã cấp cho hộ cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 và hộ ông Dương Văn T1 là 04 sào. Nhưng thực đo hai hộ là 04 sào 13 thước. Diện tích 13 thước là đất hố đắp nền và biến động do quá trình sử dụng.
* Ngày 30/9/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra văn bản số:
883/TA-DS ngày 30/9/2019 về việc đề nghị UBND xã T cử người tham gia tố tụng. Ngày 25/10/2019 UBND xã T có báo cáo số: 38/UBND - ĐC về việc cử người tham gia tố tụng là ông Hà Lê Quý Q, cán bộ địa chính cung cấp nội dung như sau:
Hộ chính (những hộ chưa tách hộ gồm nhiều khẩu) được cấp 02 sào đất ở; ngoài diện tích đất ở mỗi khẩu hiện đang có mặt ở nhà được cấp hai thước đất rau xanh. Hộ tách hộ được cấp đất ở (hộ có từ 02 con dâu trở lên) được cấp 01 sào 3 thước hoặc 01 sào 8 thước tùy thuộc vào diện tích thực tế. Ngoài diện tích đất ở mỗi khẩu hiện đang có mặt ở nhà được cấp 02 thước đất rau xanh. Trên cơ sở chính sách thời điểm đó: Hộ cụ C2 được cấp 02 sào 12 thước, hộ ông T1 được cấp 01 sào 03 thước; tổng diện tích hộ ông T1 và hộ cụ C2 được cấp 3 sào 15 thước (4 sào). Nhưng thực tế đo đạc thì hộ cụ C2 và hộ ông T1 sử dụng 04 sào 13 thước có sự chênh lệch so với diện tích được cấp, tăng 13 thước (312m2) thuộc đất ruột nầm.
UBND xã T không nắm được trong quá trình sử dụng có việc chuyển dịch phần đất 5% và phần đất thừa từ cụ C2 sang cho ông T1 hay không. Đến năm 1987 theo bản đồ 299 đo đạc năm 1987 có sổ mục kê đất kèm theo thể hiện thửa đất 351 + 354 diện tích 840m2 chủ sử dụng đất hộ ông Dương Văn T1; thửa đất số: 352, diện tích 768m2 chủ sử dụng đất là hộ cụ Nguyễn Thị C4. * Nội dung biên bản xác minh ngày 23/10/2019 tại UBND xã T: Thửa đất số 283 do cụ C4 quản lý sử dụng và thửa đất này thuộc đối tượng miễn thuế sử dụng đất; thửa đất số 282 do ông T1 quản lý sử dụng, từ năm 2016 đến nay được miễn thuế theo chính sách Nhà nước, từ năm 2016 trở về trước thuộc đối tượng chịu thuế.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 18/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã căn cứ khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 37, khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 147, Điều 157, Điều 271, Điều 273, khoản 2 Điều 479 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 612, 613, 614, 651, Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990; Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 23/11/200; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Xử:
[1] Bác yêu cầu của ông Dương Cao T và các thừa kế yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC 746702 do UBND thành phố V đã cấp ngày 23/9/2010 cho hộ ông Dương Văn T1 và bà Nguyễn Thị T9 đối với thửa đất số 282, tờ bản đồ số 2, thuộc khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (Nay thuộc khu Đ, phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ). [2] Bác yêu cầu của ông Dương Cao T yêu cầu chia di sản của cụ Lê Thị C2 là 1.656,5m2 đất gồm toàn bộ diện tích đất của thửa 282, 283, tờ bản đồ 02, khu Đ, phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ. [3] Xác nhận di sản của cụ Lê Thị C2 là 730,6m2 đất (đất ở 300m2, đất vườn 430,6m2) thửa đất số 283, tờ bản đồ số 02, tại khu Đ, phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (Bản đồ 299 là thửa 354, tờ bản đồ số 2, khu A, xã T, huyện B, tỉnh Hà Tây) và 01 ngôi nhà cấp bốn, có tổng trị giá là: 180.898.044đ (Một trăm linh tám triệu tám trăm chín mươi tám nghìn không trăm bốn mươi bốn đồng).
[4] Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của ông T. Chia di sản như sau:
Chia cho ông Dương Văn Đ1 188,4m2 (Đất ở 37,5m2, đất vườn 150,9m2) theo sơ đồ chia di sản có ký hiệu là ký hiệu S1, được đánh số thứ tự là 10,11,12,13,14,29,10; có trị giá là: 29.273,766đ (Hai mươi chín triệu hai trăm bảy mươi ba nghìn bảy trăm sáu mươi sáu đồng).
Chia cho bà Dương Thị T3 105,2m2 (đất ở 37,5m2, đất vườn 67,7m2) theo sơ đồ chia di sản có ký hiệu là ký hiệu S2, được đánh số thứ tự là 9,10,29,28,9 và 01 ngôi nhà di sản trên đất 868.000đ (Tám trăm sáu mươi tám nghìn đồng). Có tổng trị giá là: 24.339.398đ (Hai mươi bốn triệu ba trăm ba mươi chín nghìn ba trăm chín mươi tám đồng).
Chia cho ông Dương Văn T5 114,4m2 (đất ở 37,5m2, đất vườn 76,9m2 ) theo sơ đồ chia di sản có ký hiệu S3, được đánh số thứ tự là 7,8,9,28,27,26,30,7 có trị giá là: 24.113.006đ (Hai mươi bốn triệu một trăm mười ba nghìn không trăm linh sáu đồng).
Chia cho ông Dương Cao T 61,3m2 (đất ở 37,5m2, đất vườn 23,8m2) theo sơ đồ chia di sản có ký hiệu S4, được đánh số thứ tự là 14,15,16,27,28,29,14; có trị giá: 20.409.812đ (Hai mươi triệu bốn trăm linh chín nghìn tám trăm mười hai đồng) Chia cho ông Dương Văn C5 69,6m2 (đất ở 37,5m2, đất vườn 32,1m2) theo sơ đồ chia di sản có ký hiệu S5, được đánh số thứ tự là 16,17,25,26,27,16; có trị giá: 20.988.654đ (Hai mươi triệu chín trăm tám mươi tám nghìn sáu trăm năm mươi bốn đồng).
Chia cho bà Dương Thị H1 63,3m2 (đất ở 37,5m2, đất vườn 25,8m2) theo sơ đồ chia di sản có ký hiệu S6, được đánh số thứ tự là 17,18,24,25,17; có trị giá:
20.549.292đ (Hai mươi triệu năm trăm bốn mươi chín nghìn hai trăm chín mươi hai đồng).
Chia cho bà Dương Thị T2 63,9m2 (đất ở 37,5m2, đất vườn 26,4m2) theo sơ đồ chia di sản có ký hiệu S7, được đánh số thứ tự là 18,19,23,24,18; có trị giá:
20.591.136đ (Hai mươi triệu năm trăm chín mươi mốt nghìn một trăm ba mươi sáu đồng) Chia cho bà Dương Thị V 64,5m2 (đất ở 37,5m2, đất vườn 27,0m2) theo sơ đồ chia di sản có ký hiệu S8, được đánh số thứ tự là 19,20,22,23,19; có trị giá:
20.632.980đ (Hai mươi triệu sáu trăm ba mươi hai nghìn chín trăm tám mươi đồng) (Sơ đồ chia di sản bằng hiện vật được kèm theo bản án).
Chia cho ông Dương Văn T1 phần di sản giá trị bằng tiền là 20.099.788đ (Hai mươi triệu không trăm chín mươi chín nghìn bảy trăm tám mươi tám đồng).
* Thanh toán chênh lệch:
Buộc các thừa kế phải thanh toán lại phần thừa so với giá trị di sản được hưởng cho ông T1 (là phần di sản ông T1 được chia bằng giá trị). Cụ thể như sau: Ông Đ1 9.173.984đ, bà T3 4.239.616đ, ông T5 4.013.224đ, ông T 310.030đ, ông C5 888.872đ, bà H1 449.510đ, bà T2 491.354đ, bà V 533.198đ). Tổng là 20.099.788đ (Hai mươi triệu không trăm chín mươi chín nghìn bảy trăm tám mươi tám đồng).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ trong trường hợp chậm thi hành án và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm:
- Ngày 29/9/2020, nguyên đơn là ông Dương Cao T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
- Ngày 01/10/2020, bị đơn là ông Dương Văn T1 kháng cáo, không nhất trí nhận kỷ phần thừa kế bằng tiền, đề nghị được nhận bằng hiện vật (đất).
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Nguyên đơn ông Dương Cao T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo;
- Bị đơn ông Dương Văn T1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T có quan điểm: Thủ tục, trình tự cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ C2 và ông T1 không đúng quy định pháp luật. Do đó nguyên đơn yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có căn cứ. Toàn bộ diện tích đất 1.656,5m2 gồm diện tích cấp cho cụ C2 và ông T1 phải được xác định là di sản thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định di sản thừa kế là diện tích 730,6m2 của cụ C2 là không chính xác, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
- Người đại diện theo ủy quyền của ông T1 có quan điểm: Theo quy định của Bộ luật Dân sự các thừa kế được hưởng quyền lợi ngang nhau. Các thừa kế khác được hưởng quyền lợi bằng đất thì ông T cũng phải được hưởng thừa kế bằng đất. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Có đủ căn cứ xác định diện tích đất 1.656,5m2 trước đây do cụ C2 cụ H4 được chính quyền giao. Tuy nhiên, do ông T1 lấy vợ nên địa phương đã giao một phần diện tích của cụ C2 cụ H4 đang sử dụng cho ông T1 là thực tế. Việc xác lập quyền sử dụng đất của ông T1 được căn cứ vào quá trình sử dụng đất, có tên trong sổ mục kê và bản đồ địa chính các thời kỳ. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố V cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T1 là đúng pháp luật. Bản án sơ thẩm đã xác định di sản thừa kế của cụ C2 là 730,6m2 đất là phù hợp với kết quả xác minh tại địa phương, của người làm chứng và phù hợp với ý chí của cụ C2 và các đồng thừa kế tại 02 biên bản họp gia đình năm 2010 và 2012. Tòa án cấp sơ thẩm đã chia thừa kế là đúng pháp luật, phù hợp với nhu cầu sử dụng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 18/9/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã xét xử đúng thẩm quyền, đúng quan hệ tranh chấp, xác định đúng và đủ những người tham gia tố tụng, đúng thời hiệu khởi kiện, phù hợp với quy định tại khoản 9 Điều 26, khoản 4 Điều 34, Điều 37, Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 3 Điều 155 Bộ luật Dân sự.
[1.2] Đơn kháng cáo của nguyên đơn là ông Dương Cao T8 và bị đơn là ông Dương Văn T10 nằm trong thời hạn kháng cáo, có nội dung và hình thức phù hợp, đúng quy định tại các Điều 271, 272, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
[1.3] Tại phiên tòa phúc thẩm vắng mặt một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Do họ đã được triệu tập hợp lệ hoặc đã có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt nên Hội đồng xét xử căn cứ đề nghị của các đương sự, của kiểm sát viên tại phiên tòa và quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự để tiến hành xét xử vụ án.
[2] Về nội dung: Ông Dương Cao T khởi kiện, đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế 1.656,5m2 đất mà ông cho rằng của cha mẹ là cụ Dương Cao H4 (chết năm 1979) và cụ Lê Thị C2 (chết năm 2015) để lại và yêu cầu hủy 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thành phố V cấp cho hộ ông Dương Văn T1 và cụ Lê Thị C2. Hội đồng xét xử xét thấy:
[2.1] Theo báo cáo của UBND xã T (nay là phường M), theo sổ sách địa chính ghi chép lại, theo lời khai của cụ Lưu Quang M (nguyên là Phó chủ tịch UBND xã T thời điểm này), lời khai của ông Nguyễn Đức V1, bà Hà Thị L là người hàng xóm cùng được giao đất thời điểm 1979 -1982 (đã nêu tại phần nội dung vụ án) thể hiện: Trước những năm 1977 gia đình cụ Dương Cao H4, cụ Lê Thị C2 sinh sống trên cả ba thửa đất gồm: Thửa 351, thửa 352 (nay là thửa 283) và thửa 354 (nay là thửa 282). Năm 1977 ông T1 đi bộ đội về lấy vợ ở chung trên cùng khu đất. Những năm 1979 - 1982 chính quyền xã T tổ chức chia lại đất cho các hộ dân của xã. Khi chia lại đất theo hộ thì hộ cụ H4 (lúc này đã chết nhưng sổ sách ghi chép vẫn tên cụ H4) - cụ C2 được cấp 02 sào 12 thước, hộ ông T1 được cấp 01 sào 03 thước, tổng diện tích là 4 sào (01 thước Bắc bộ = 25m2, 01 sào Bắc bộ = 15 thước) ngay tại khu đất thuộc các thửa 351, 352, 354 mà hộ cụ C2 đang sử dụng. Lý do: Hộ cụ C2 đang sử dụng thừa tiêu chuẩn nên hộ ông T1 (là hộ phụ được tách ra từ hộ chính) được cấp đất tại một phần diện tích cụ C2 và gia đình đang sử dụng. Thực tế ba thửa 351, 352, 354 là 04 sào 13 thước, nhiều hơn 13 thước so với đất hai hộ được cấp, nhưng sổ sách vẫn ghi là “hết không thừa” bởi 13 thước đất này được chia để gia đình lấy đất đắp nền.
[2.2] Tại Sổ mục kê (lập theo QĐ số 499 ngày 27/7/1995 của Tổng cục Địa chính từ khi xã T còn thuộc B, H) đã ghi hộ ông T1 sử dụng 840m2 gồm thửa 351 và thửa 354 (nay là thửa 282) còn hộ cụ C2 sử dụng 768m2, thửa 352 nay là thửa 282 (BL 92, 93), quá trình sử dụng đất không có tranh chấp. Hộ ông Đ1, ông T5 đã làm nhà trên thửa đất của cụ C2 đang sử dụng. Căn cứ biên bản xác minh của Tòa án thì thửa đất 282 chịu thuế đến năm 2016, tức là hộ ông T1 là người đóng thuế hai thửa đất 351, 354 đến năm 2016.
[2.3] Tại biên bản họp gia đình ngày 25/9/2010, tuy ông T, ông C5 không có mặt ký văn bản nhưng cụ C2 và những người con khác của cụ C2 đều ký xác nhận tài sản của cụ C2 là 730,7m2 đất thửa số 283. Tại Biên bản họp gia đình ngày 06/8/2012 do chính tay ông T viết, cụ C2 và tất cả những người con của cụ C2 đều xác định tài sản của cụ C2 là 730,7m2 đất tại thửa đất số 283 và mọi người đều đã thống nhất về việc chia thừa kế tài sản này sau khi cụ C2 chết.
[2.4] Với những chứng cứ nêu trên, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định: Trước năm 1977 thì hộ cụ C2 sử dụng cả ba thửa đất 351, 352 và 354. Nhưng đến những năm 1979 - 1982 xã T đã chia lại đất cho các hộ dân của xã. Khi chia lại đất hộ cụ C2 được chia 02 sào 12 thước, hộ ông T1 được chia 01 sào 3 thước; thực tế thì sau khi được chia đất hộ ông T1 là người sử dụng hai thửa 351, 354 (nay là thửa 282), hộ cụ C2 chỉ sử dụng thửa 352 (nay là thửa 283). Việc sử dụng đất của hộ ông T1 liên tục không có tranh chấp, được ghi nhận tại sổ mục kê đất, hàng năm đóng thuế với Nhà nước, có đơn đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, trong khi đó cụ C2, những người con của cụ C2 hiện đang sinh sống, làm nhà trên thửa đất này là ông Đ1, ông T5 không có ý kiến phản đối. Tại các Biên bản họp gia đình ngày 25/9/2010 và ngày 06/8/2012 đều có chữ ký, điểm chỉ của cụ C2. Đây chính là các văn bản thể hiện ý chí của cụ C2 xác định cụ chỉ có 730,7m2 đất và được những người thừa kế ký thừa nhận. Tại Biên bản họp gia đình ngày 06/8/2012 do chính ông T là người viết, có chữ ký của của 09 thành viên gồm: Bà T2, ông C5, ông T1, ông Đ1, bà T3, bà H1, bà V, ông T11, cụ C2 điểm chỉ khi minh mẫn, tỉnh táo đã thể hiện: Xác định tài sản của cụ C2 có 730,7m2 đất thửa 283 và các thừa kế đã có ý kiến chia cụ thể đối với tài sản này khi cụ C2 chết. Cụ C2 đã có khẩu riêng từ những năm 1979-1982 khi chia lại đất, nên lời trình bày của ông T cho rằng biên bản ngày 06/8/2012 lập chỉ với mục đích tách khẩu cho cụ C2 không có cơ sở chấp nhận.
[2.5] Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T và ý kiến của những người có liên quan đứng về phía ông T về việc yêu cầu Tòa án hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC 746702 do UBND thành phố V đã cấp ngày 23/9/2010 cho hộ ông Dương Văn T1 và bà Nguyễn Thị T9 đối với thửa đất số 282, tờ bản đồ số 2, thuộc khu A, xã T, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (nay thuộc khu Đ, phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ); Bác yêu cầu của ông Dương Cao T yêu cầu chia di sản của cụ Lê Thị C2 là 1.656,5m2 đất gồm toàn bộ diện tích đất của thửa 282, 283, tờ bản đồ 02, khu Đ, phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ và xác định di sản của cụ Lê Thị C2 là 730,6m2 đất (đất ở 300m2, đất vườn 430,6m2) tại thửa đất số 283, tờ bản đồ số 02, tại khu Đ, phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ (bản đồ 299 là thửa 354, tờ bản đồ số 2, khu A, xã T, huyện B, tỉnh Hà Tây) và 01 ngôi nhà cấp bốn, có tổng trị giá là: 180.898.044đ (một trăm linh tám triệu tám trăm chín mươi tám nghìn không trăm bốn mươi bốn đồng) đồng thời quyết định chia thừa kế cho 09 người con của hai cụ gồm: Ông Dương Cao T và các ông bà: Dương Thị T2, Dương Cao C1, Dương Thị H1, Dương Thị T3, Dương Văn Đ1, Dương Văn T5, Nguyễn Thị V2, Dương Văn T1 là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của từng thừa kế.
[2.6] Với những phân tích, nhận định nêu trên, kháng cáo của ông Dương Cao T về việc xác định toàn bộ diện tích 1.656,5m2 đất của thửa 282, 283, tờ bản đồ 02, khu Đ, phường M, thành phố V, tỉnh Phú Thọ là di sản thừa kế để chia theo pháp luật và yêu cầu hủy 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thành phố V cấp cho hộ ông Dương Văn T1 và cụ Lê Thị C2 không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[2.7] Xét kháng cáo của ông Dương Văn T1. Căn cứ kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản: Trị giá 300m2 đất ở x 500.000đ/m2 thành tiền là 150.000.000đ; 430,6m2 đất vườn x 69.740đ/m2 thành tiền là 30.030.044đ. Tổng trị giá đất là 180.030.044đ; ngôi nhà cấp bốn trị giá 868.000đ. Như vậy, di sản có trị giá là: 180.898.044đ, mỗi thừa kế được hưởng phần di sản thừa kế có giá trị bằng 20.099.782đ Căn cứ nhu cầu của các thừa kế, thực tế sử dụng và hình thể, kích thước thửa đất là di sản thừa kế, Tòa án cấp sơ thẩm đã phân chia cho 08 thừa kế được nhận kỷ phần thừa kế bằng hiện vật là quyền sử dụng đất là phù hợp, riêng ông T1 hiện đang sử dụng thửa đất liền kề với thửa đất là di sản thừa kế có diện tích đất lớn (925,8m2) nên nhu cầu sử dụng đất thừa kế là không cấp thiết nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc các thừa kế khác thanh toán cho ông bằng giá trị tương đương với kỷ phần thừa kế mà ông được hưởng (20.099.782đ) là phù hợp. Kháng cáo của ông T1 đề nghị được hưởng di sản thừa kế bằng hiện vật là quyền sử dụng đất không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận.
[3] Án phí dân sự phúc thẩm: Do ông T, ông T1 là người cao tuổi và có đề nghị miễn án phí, do đó Hội đồng xét xử căn cứ Điều 2 Luật Người cao tuổi và quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu , nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án và danh mục án phí, lệ phí Tòa án kèm theo để miễn án phí cho hai ông.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự.
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Dương Cao T và bị đơn ông Dương Văn T1. 2. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ.
3. Các đương sự có kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 76/2022/DS-PT
Số hiệu: | 76/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về