Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 68/2021/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 68/2021/DS-PT NGÀY 30/08/2021 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 30 tháng 8 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 07/2021/TLPT-DS ngày 03 tháng 2 năm 2021 về tranh chấp chia di sản thừa kế.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 06/2021/DS-ST ngày 25 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 131/2021/QĐXXPT-DS ngày 11 tháng 8 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Bùi Thị N, sinh năm 1954;

Địa chỉ: Thôn Đ, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T - Luật sư của Công ty luật TNHH MTV B thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng.

2. Bị đơn: Bà Bùi Thị T, sinh năm 1960;

Địa chỉ: Thôn Hậu B, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- NLQ1, sinh năm 1937;

Địa chỉ: Thôn Hậu B, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định.

- NLQ2, sinh năm 1952;

Địa chỉ: Số 23E, Ô 19, phường H, thành phố N, tỉnh Nam Định.

- NLQ3, sinh năm 1961;

Địa chỉ: Tổ 1, khu D, phường P, thành phố U, tỉnh Quảng Ninh;

- NLQ4, sinh năm 1981;

Địa chỉ: Số 47 C, phường L, thành phố N, tỉnh Nam Định;

- NLQ5, sinh năm 1985;

- NLQ6, sinh năm 1988;

Địa chỉ: Thôn Hậu B, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Bùi Thị T, sinh năm 1960; Địa chỉ: Thôn Hậu B, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định là người đại diện theo uỷ quyền của NLQ5; NLQ4; NLQ6 (Văn bản uỷ quyền ngày 25/5/2020).

Tại phiên toà: Bà N, NLQ2, bà T có mặt. Vắng mặt Luật sư T, NLQ3, NLQ1.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, khởi kiện bổ sung cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo và trong quá trình tố tụng tại Toà án, nguyên đơn bà Bùi Thị N trình bày:

Bà có bố là cụ Bùi Đình Cời, mẹ cả là cụ Bùi Thị S sinh được 2 người con là NLQ1, sinh năm 1937; ông Bùi Đình L, sinh năm 1945. Năm 1946 cụ S chết, cụ Cời lấy cụ Đỗ Thị S và sinh được 5 người con gồm các ông bà: Bùi Đình L, sinh năm 1947; Bùi Thị L, sinh năm 1952; Bùi Thị N, sinh năm 1954; Bùi Đình Lê, sinh năm 1957 và Bùi Thị Th, sinh năm 1961. Quá trình chung sống cụ C và cụ S tạo lập được diện tích 2130m2 đất (trong đó đất ở 360m2; đất vườn 915 m2; đất ao 855m2) tại Thôn Hậu B, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định. Năm 1986 cụ S chết, năm 1987 cụ C chết đều không để lại di chúc, diện tích đất được vợ chồng ông Bùi Đình L bà Bùi Thị T quản lý. Năm 2006 ông L bà T tự ý kê khai và được Uỷ ban nhân dân (viết tắt UBND) huyện Mỹ Lộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt GCNQSDĐ) số AK800499 ngày 08/8/2007 đối với diện tích đất này thuộc thửa số 199, tờ bản đồ số 21 xã Mỹ Phúc. Nhận thấy việc ông L bà T được cấp GCNQSDĐ là không đúng nên bà đã khởi kiện và GCNQSDĐ của hộ ông L bà T đối với thửa đất này bị UBND huyện Mỹ Lộc ra quyết định thu hồi số 229/QĐ-UBND ngày 23/4/2015. Năm 2018 bà cùng NLQ2, NLQ3 về xây dựng ngôi từ đường trên diện tích 400m2 của thửa đất để thờ cúng tổ tiên. Sau khi xây dựng từ đường, chị em bà yêu cầu bà T cắt thêm một phần diện tích đất nữa để chuyển quyền sử dụng cho chị em bà nhưng bà T không đồng ý. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu Toà án chia di sản thừa kế của cụ Cời và cụ Sen là diện tích 2130m2 đất nêu trên theo pháp luật. Hiện các anh của bà là ông Lầm, ông Lý đều là liệt sỹ không có vợ con, em bà là ông Lê chết năm 2014. Ông Lê có vợ là Bùi Thị T và 4 người con là Bùi Thị H, sinh năm 1981; Bùi Thị N (đã chết); Bùi Đình Lợi, sinh năm 1985 và Bùi Đình H, sinh năm 1988.

Tại lời khai bị đơn bà Bùi Thị T xác nhận về con cháu của các cụ Cời, Sâm, Sen và di sản tranh chấp như nguyên đơn trình bày. Bà là vợ ông Bùi Đình L về làm dâu và ở cùng cụ Cời, cụ Sen trên thử đất từ năm 1978. Sau khi 2 cụ qua đời, gia đình bà vẫn ở trên thửa đất cho đến nay. Quá trình quản lý, sử dụng đất gia đình bà đã tạo dựng nhiều tài sản trên đất và làm các nghĩa vụ với Nhà nước. Nay bà N khởi kiện yêu cầu chia thừa kế thửa đất là di sản của cụ C, cụ S bà cũng chấp nhận nhưng phần diện tích vườn, ao trước đây theo chính sách Nhà nước đã được đối trừ vào tiêu chuẩn đất ruộng canh tác của gia đình bà. Ngoài ra bà yêu cầu được thanh toán công sức bảo quản di sản và công sức phụng dưỡng cụ Cời 9 năm, cụ Sen 8 năm được tính bằng một kỷ phần thừa kế.

Lời khai những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: NLQ2, Bùi Thị Thơm cùng thống nhất về quan hệ huyết thống trong gia đình và di sản tranh chấp như nguyên đơn và bị đơn trình bày, đề nghị Toà án chia di sản thừa kế theo pháp luật. NLQ1 có văn bản ghi ý kiến gửi Toà án thể hiện quan điểm xác định về nguồn gốc thửa đất 2130m2 hiện gia đình bà T đang quản lý, sử dụng là di sản của ông cha để lại; việc tranh chấp di sản này đã gây mất đoàn kết nội bộ trong gia đình nhiều năm; bản thân ông hiện tuổi già, bệnh tật nên không thể theo kiện của bà N được, đề nghị Toà án giải quyết thấu tình đạt lý.

Từ nội dung trên, tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 25 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Lộc đã quyết định:

Căn cứ vào các Điều 612, 613, 618, 623, 649, 650, 651, 654 và 658 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

1. Về yêu cầu khởi kiện: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị N về việc chia thừa kế di sản của cụ Bùi Đình Cời và ĐỗThị Sen theo pháp luật.

2. Về xác định di sản thừa kế: Di sản thừa kế của cụ Cời, cụ Sen là một phần thửa đất số 199, tờ bản đồ số 21 thuộc Thôn Hậu B, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định có diện tích 1.158m2 (trong đó đất ở 360m2 x 800.00đ/m2 = 288.000.000đ; đất ao 798m2 x 365.000đ/m2 = 291.270.000đ). Tổng trị giá là 579.270.000đ (năm trăm bảy chín triệu hai trăm bảy mươi nghìn đồng) hiện gia đình bà Bùi Thị T đang quản lý; ngoài ra không còn di sản nào khác.

3. Về chia thừa kế: Chia di sản của cụ Bùi Đình Cời và Đỗ Thị Sen là 360m2 đất ở và 798m2 ao tại thửa đất số 199, tờ bản đồ địa chính số 21 xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định thành 6 phần cho các đồng thừa kế được hưởng và thanh toán công sức bảo quản di sản, phụng dưỡng người để lại di sản, cụ thể:

- Phần đất ở: Chia 360m2 đất ở thành 6 phần, mỗi phần 60m2 trị giá 48.000.000đ cho NLQ1, NLQ2, bà N, ông L, NLQ3 mỗi đồng thừa kế hưởng 1 phần và thanh toán công sức bảo quản di sản, phụng dưỡng người để lại di sản của vợ chồng ông L bà T 1 phần.

- Phần đất ao: Chia 798m2 đất ao thành 3 phần (Thửa phụ) và đánh số thửa phụ theo thứ tự 199/1; 199/2 và 199/3 cho các đương sự được hưởng như sau:

Chia cho các NLQ2, Năm, Thơm hưởng chung phần ao đã san lấp xây dựng từ đường (Thửa phụ 199/1) diện tích 399m2 trị giá 145.635.000đ (một trăm bốn lăm triệu sáu trăm ba lăm nghìn đồng).

Chia cho NLQ1 hưởng phần ao (Thửa phụ 199/2) diện tích 133m2 trị giá 48.545.000đ (bốn tám triệu năm trăm bốn lăm nghìn đồng).

Chia cho ông L bà T hưởng phần diện tích ao 266m2 (trong đó kỷ phần thừa kế của ông Lê 133m2 và phần công sức của ông L bà T 133m2); hiện ông Lê đã chết nên kỷ phần của ông Lê và phần công sức của ông Lê bà T sẽ được gộp chung với 972m2 vườn, ao đối trừ đất ruộng tiêu chuẩn và 360m2 đất ở thành thửa phụ 199/3 có tổng diện tích 1.598m2 và giao cho vợ con ông Lê là bà T, NLQ4, NLQ5, NLQ6 quản lý, sử dụng; nếu sau này có phát sinh tranh chấp thì sẽ được giải quyết bằng vụ kiện khác.

4. Về trách nhiệm thanh toán: Buộc bà T, NLQ4, NLQ5, NLQ6 phải thanh toán giá trị kỷ phần đất ở cho NLQ1, NLQ2, bà N, NLQ3 mỗi người 48.000.000đ (bốn tám triệu đồng); trả cho các NLQ2, Năm, Thơm hưởng chung phần ao đã san lấp xây dựng từ đường (Thửa phụ 199/1) có diện tích 399m2; trả cho NLQ1 phần ao (Thửa phụ 199/2) có diện tích 133m2.

Tất cả các phần (Thửa phụ) đất được chia, kích thước và diện tích cụ thể có sơ đồ phân chia kèm theo.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 07 và ngày 08 tháng 12 năm 2020, bà Bùi Thị N, NLQ2 và NLQ3 có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, với cùng lý do Bản án sơ thẩm áp dụng Quyết định số 115/QĐ ngày 15/02/1992 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh và Quyết định số 990 ngày 28/9/1995 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Hà, để quy đổi và đối trừ đi diện tích 972m2 đất vườn ao có nguồn gốc ông, cha để lại và chia diện tích đất này cho ông L, bà T là không có căn cứ, vi phạm pháp luật. Bản án sơ thẩm xác định NLQ4, NLQ5 và NLQ6 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; tuy nhiên trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện ý kiến, lời khai của NLQ4, NLQ5, NLQ6 đối với đơn khởi kiện là vi phạm pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm NLQ4, NLQ5, NLQ6 vắng mặt, nhưng bản án sơ thẩm lại không ghi nhận là không đúng, việc này dễ dẫn đến hiểu lầm NLQ4, NLQ5, NLQ6 có mặt tại phiên tòa. Vì vậy yêu cầu cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 25 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Lộc, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm, giải quyết lại theo thủ tục tự sơ thẩm.

Ngày 08 tháng 12 năm 2020 bà Bùi Thị T có đơn kháng cáo với nội dung không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm; buộc bà T phải thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế bằng tiền cho Nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vì bà không có tiền, bà đề nghị chia bằng hiện vật.

Tại phiên tòa:

NLQ2, bà Bùi Thị N có quan điểm giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo và đề nghị được nhận toàn bộ kỷ phần thừa kế bằng hiện vật. Không nhất trí việc phân chia của bản án sơ thẩm.

Bà Bùi Thị T vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo như đã nêu trên. Kiểm sát viên - Viện kiểm sát tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến: Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân theo các quy định Bộ luật tố tụng Dân sự. Các đương sự chấp hành đúng các quy định pháp luật tố tụng dân sự, quyền lợi của các đương sự được bảo đảm.

Về đường lối giải quyết vụ án, căn cứ vào các tài liệu thu thập được lưu trong hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng tại phiên tòa. Đề nghị Hội đồng xét xử, căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự. Chấp nhận đơn kháng cáo của bà Bùi Thị N, NLQ2, NLQ3 hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm, giải quyết lại theo thủ tục tự sơ thẩm.

Về án phí giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử (HĐXX) xét kháng cáo của các đương sự thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của NLQ2, bà Bùi Thị N, NLQ3, bà Bùi Thị T được làm trong thời hạn luật định, do vậy được HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật.

[2] Xét nội dung kháng cáo của các NLQ2, Bùi Thị N, Bùi Thị Thơm. HĐXX nhận thấy:

2.1. Về nguồn gốc di sản thừa kế: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các đương sự cho thấy:

- Nguồn gốc của thửa đất số 199 thuộc tờ bản đồ số 21 lập năm 2001 với diện tích 2.130m2 xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định là của vợ chồng cụ Bùi Đình Nhĩ để lại. Vợ chồng cụ Nhĩ sinh được 03 người con gồm cụ Bùi Đình Bông (chết năm 26 tuổi, không có vợ con); Cụ Bùi Đình Cời (chết năm 1987) có 02 đời vợ và 07 người con, trong đó có 02 Liệt sỹ; Cụ Bùi Đình Tẽo (chết năm 1990) có 04 người con gồm ông Bùi Đình T, bà Bùi Thị Dung, ông Bùi Đình Tt (đã chết có vợ là Nguyễn Thị Mỳ) và bà Bùi Thị H.

- Sau khi vợ chồng cụ Bùi Đình Nhĩ qua đời. Vào khoảng năm 1950, trước khi cụ Bùi Đình Tẽo (em ruột của cụ Cời) quyết định vào Thanh Hóa lập nghiệp thì giữa anh em cụ Cời đã có sự bàn bạc thống nhất thỏa thuận để lại toàn bộ diện tích 2.130m2 đất và nhà cửa ở thôn Hậu Bồi Đông cho vợ chồng cụ Cời sở hữu, sử dụng; Song, vợ chồng cụ Cời thanh toán cho cụ Tẽo 02 chỉ vàng.

- Hiện nay các ông bà Bùi Đình T, Nguyễn Thị Mỳ (là vợ của ông Tt); Bùi Thị D, Bùi Thị H là các đồng thừa kế của cụ Tẽo có văn bản khẳng định từ trước tới nay các ông bà nói trên không hề có ý kiến gì về việc đòi hỏi quyền lợi trên mảnh đất nói trên.

Như vậy có thể khẳng định, từ sau năm 1950 thì toàn bộ diện tích 2.130m2 có số thửa đất số 199 thuộc tờ bản đồ số 21 tọa lạc tại thôn HBĐ, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của vợ chồng cụ Bùi Đình C, sau khi vợ chồng cụ C chết đi thì số tài sản nêu trên được xác định là di sản thừa kế của vợ chồng cụ C để lại.

- Đối với diện tích đất là 2.130 m2 nêu trên. Sau khi vợ chồng cụ Cời chết đi, thì vợ chồng ông Bùi Đình L là người quản lý, sử dụng, thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với Nhà nước. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ do chính quyền địa phương xã Mỹ Phúc cung cấp cho thấy vào giai đoạn năm 1992 - 1995; khi thực hiện Quyết định số 115 QĐ/UB ngày 15/02/1992 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh về việc ban hành quy định những nội dung đổi mới, tổ chức quản lý HTX nông nghiệp, nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao việc thực hiện Nghị quyết 10/NQTW của Bộ chính trị (Khóa VI) và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII. Theo tinh thần của các văn bản nêu trên, cũng như tại Văn bản số 49/VP3 ngày 06 tháng 11 năm 1992 của UBND tỉnh Nam Hà về việc bổ sung một số điểm quy định tại Quyết định 115 QĐ/UB của UBND tỉnh; trong đó có quy định : “2/ Về diện tích giao …Đất kinh tế gia đình (bao gồm cả đất phần trăm, đất vườn, ao của hộ xã viên) đã giải quyết theo Luật đất đai nay giữ nguyên hiện trạng và tiếp tục giao cho các hộ đó sử dụng ổn định lâu dài, không phải nộp quỹ HTX. Nhưng đưa vào cân đối chung trong tổng diện tích giao ruộng cho hộ xã viên, nếu thừa không rút ra, không điều hộ khác đến”. Để thực hiện quy định nói trên, toàn bộ đất ở, đất vườn, ao và đất ruộng canh tác của các hộ dân cư trên toàn xã Mỹ Phúc đều được thống kê đo đạc, trong đó bình quân mỗi nhân khẩu được giao đất ruộng canh tác là 1,9 sào = 576m2. Thời điểm đó hộ ông Lê bà T có 06 khẩu gồm 2 vợ chồng và 4 người con, theo tiêu chuẩn ruộng canh tác sẽ được cấp là 576m2/khẩu x 6 khẩu = 3456m2 nhưng hộ ông L bà T đang quản lý, sử dụng đất vườn, ao liền với đất ở nên phải đối trừ đất ruộng canh tác theo tỷ lệ: 2 vườn (hoặc ao) = 1 ruộng (2 sào vườn hoặc ao) = 1 sào ruộng. Theo GCNQSDĐ của hộ ông L được cấp năm 2001 thì diện tích đất cấy lúa thực tế được cấp là 2970m2, đối chiếu với diện tích theo tiêu chuẩn là 3456m2 còn thiếu 486m2 tương ứng với diện tích đất vườn, ao đã bị đối trừ là 486m2 x 2 = 972m2 (trong khi vườn có 915m2 do đó còn thiếu 57m2 sẽ là phần ao bị đối trừ). Căn cứ kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản thì hiện trạng thửa đất không có sự biến động về diện tích nhưng trong đó có một phần diện tích ao 351,3m2 phía giáp đường thôn đã được san lấp xây dựng từ đường. Hội đồng định giá tài sản cấp sơ thẩm xác định đất ở có trị giá 800.000đ/1m2; đất vườn, ao trị giá 365.000đ/1m2.

Như vậy, phần diện tích 972m2 vườn, ao trước đây bị đối trừ vào tiêu chuẩn ruộng cấy lúa của hộ ông L bà T theo chính sách Nhà nước sẽ là đất canh tác thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ gia đình ông L bà T; diện tích đất này không còn là di sản thừa kế của vợ chồng cụ Cời để lại. Vì vậy, di sản của vợ chồng cụ Cời được xác định chỉ còn lại là một phần của thửa đất số 199, cụ thể: Đất ở 360m2 x 800.00đ/1m2 = 288.000.000đ; đất ao 798m2 x 365.000đ/1m2 = 291.270.000đ; tổng trị giá là 579.270.000đ (năm trăm bảy chín triệu hai trăm bảy mươi nghìn đồng) hiện gia đình bà Bùi Thị T đang quản lý; ngoài ra không còn di sản nào khác.

Từ nhận định nói trên; Hội đông xét xử xét thấy, không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo của các NLQ2, Bùi Thị N, Bùi Thị Thơm cho rằng Bản án sơ thẩm áp dụng Quyết định số 115/QĐ ngày 15/02/1992 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh và Quyết định số 990 ngày 28/9/1995 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Hà, để quy đổi và đối trừ đi diện tích 972m2 đất vườn ao có nguồn gốc ông, cha để lại và chia diện tích đất này cho ông L, bà T là không có căn cứ, vi phạm pháp luật. Đối với nội dung kháng cáo của các NLQ2, Bùi Thị N, Bùi Thị Thơm cho rằng Bản án sơ thẩm xác định NLQ4, NLQ5 và NLQ6 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; tuy nhiên trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện ý kiến, lời khai của NLQ4, NLQ5, NLQ6 đối với đơn khởi kiện là vi phạm pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm NLQ4, NLQ5, NLQ6 là con của bà T đã làm thủ tục ủy quyền cho bà T thay mặt các anh chị giải quyết toàn bộ vụ án; mặt khác xét thấy trong vụ án này quyền lợi của bà T và các anh NLQ4, Lợi, Hiển là thống nhất, không nhất thiết phải có tài liệu thể hiện ý kiến, lời khai của NLQ4, NLQ5, NLQ6 đối với đơn khởi kiện. Vì vậy cũng không có căn cứ để chấp nội dung kháng cáo của các NLQ2, Bùi Thị N, Bùi Thị Thơm như đã nêu trên.

[3] Xét nội dung kháng cáo của bà Bùi Thị T. Hội đồng xét xử nhận thấy:

3.1. Về hàng thừa kế, quyền hưởng di sản: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của các đương sự cho thấy; cụ Bùi Thị Sâm là vợ cả của cụ Bùi Đình Cời, cụ Sâm chết năm vào 1946 trong khi cụ Bùi Thị Nhĩ (Là mẹ chồng) vẫn còn sống, theo quy định của pháp về thừa kế thì con dâu không được quyền hưởng di sản thừa kế của bố, mẹ chồng. Vì vậy vấn đề thừa kế của cụ Sâm không đặt ra xem xét. Đối với quyền hưởng di sản thừa kế của NLQ1, xét thấy NLQ1 là con riêng của cụ Cời với đời vợ trước; vào năm 1946, khi cụ Sâm (là mẹ đẻ NLQ1) chết, lúc đó NLQ1 mới có 09 tuổi, do vậy cụ Sen (là mẹ kế) nuôi dưỡng, chăm sóc NLQ1. Do vậy, ngoài việc NLQ1 được hưởng di sản thừa kế của cụ Cời (Bố đẻ) để lại ra thì ông cũng được hưởng thừa kế di sản của cụ Sen theo quy định của Điều 654 BLDS. Việc xác định hàng thừa kế, quyền hưởng di sản của cấp sơ thẩm là có căn cứ.

3.2. Về thời điểm mở thừa kế: Xét thấy cụ Đỗ Thị Sen chết năm 1986, cụ Bùi Đình Cời chết năm 1987. Lẽ ra cấp sơ thẩm phải chia di sản theo từng thời điểm mở thừa kế được xác định. Nhưng cấp sơ thẩm lại xác định cụ Cời là người chết sau cùng và chỉ chia di sản ở một thời điểm là không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xét thấy trong vụ án này về hàng thừa kế và quyền hưởng di sản của các đồng thừa kế, giữa các thời điểm mở thừa kế không hề thay đổi. Vì vậy việc chia di sản ở hai thời điểm tương ứng với thời gian cụ Sen, cụ Cời chết; hay chia di sản ở một thời điểm, thì quyền lợi của các đồng thừa kế vẫn được đảm bảo. Do vậy không đặt vấn đề sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.

3.3. Về việc phân chia di sản: Hội đồng xét xử nhận thấy về cơ bản thì việc phân chia di sản của cấp sơ thẩm là đúng pháp luật. Tuy nhiên căn cứ vào nội dung trong đơn kháng cáo của bà Bùi Thị T cho thấy, bà không nhất trí thanh toán giá trị kỷ phần thừa kế bằng tiền cho Nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vì bà không có tiền, bà đề nghị chia bằng hiện vật; cũng như nguyện vọng được nhận kỷ phần thừa kế bằng hiện vật của các NLQ2, Năm, Thơm tại phiên tòa hôm nay. Xét thấy cần sửa một phần bản án sơ thẩm về phân chia di sản thừa kế cho các NLQ2, Năm, Thơm theo hướng. Ngoài phần diện tích đất ao mà cấp sơ thẩm đã phân chia cho NLQ1 là 133m2 ra; đối với phần diện tích đất ao còn lại 665m2 sẽ giao toàn bộ cho các NLQ2, Năm, Thơm được quyền sử dụng.

Buộc bà T, NLQ4, NLQ5, NLQ6 phải thanh toán tiền chênh lệch chia di sản cho NLQ1 số tiền là 48.000.000đ (bốn tám triệu đồng); thanh toán cho NLQ2, bà N, NLQ3 mỗi người 15.636.500đ (mười lăm triệu sáu trăm ba mươi sáu nghìn năm trăm đồng).

[4] Từ nhận định trên đây; Hội đồng xét xử nhận thấy; không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo của các NLQ2, Bùi Thị N, Bùi Thị Thơm; cần chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Bùi Thị T. Sửa một phần bản án sơ thẩm về phân chia kỷ phần thừa kế cho các NLQ2, Năm, Thơm.

[5] Về án phí:

Do yêu cầu kháng cáo được chấp nhận cho nên bà Bùi Thị T không phải nộp tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Do các NLQ2, Bùi Thị N, Bùi Thị Thơm hiện nay đều đã cao tuổi, sức khỏe yếu. Do vậy cần miễn toàn bộ tiền án phí dân sự phúc thẩm cho các bà. Hoàn lại cho NLQ3 số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà bà đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

Sửa một phần bản án sơ thẩm Căn cứ vào các Điều 612, 613, 618, 623, 649, 650, 651, 654 và 658 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

1. Về yêu cầu khởi kiện: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị N về việc chia thừa kế di sản của cụ Bùi Đình Cời và ĐỗThị Sen theo pháp luật.

2. Về xác định di sản thừa kế: Di sản thừa kế của cụ Cời, cụ Sen là một phần thửa đất số 199, tờ bản đồ số 21 thuộc Thôn Hậu B, xã M, huyện M, tỉnh Nam Định có diện tích 1.158m2 (trong đó đất ở 360m2 x 800.00đ/m2 = 288.000.000đ; đất ao 798m2 x 365.000đ/m2 = 291.270.000đ). Tổng trị giá là 579.270.000đ (năm trăm bảy chín triệu hai trăm bảy mươi nghìn đồng) hiện gia đình bà Bùi Thị T đang quản lý; ngoài ra không còn di sản nào khác.

3. Về chia thừa kế: Chia di sản của cụ Bùi Đình Cời và Đỗ Thị Sen là 360m2 đất ở và 798m2 ao tại thửa đất số 199, tờ bản đồ địa chính số 21 xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định thành 6 phần cho các đồng thừa kế được hưởng và thanh toán công sức bảo quản di sản, phụng dưỡng người để lại di sản, cụ thể:

- Phần đất ở: Chia cho bà Bùi Thị T cùng với các con là NLQ4, NLQ5, NLQ6 được quyền quản lý sử dụng 360m2 đất ở có trị giá là 288.000.000đ (hai trăm tám mươi tám triệu đồng), cùng với diện tích đất vườn 972m2 đã được quy đổi trừ đất ruộng tiêu chuẩn theo Quyết định 115/QĐUB ngày 15 tháng 02 năm 1992 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh. Tổng diện tích mà bà Bùi Thị T và các con được quyền quản lý sử là 1.332m2 (có thửa phụ 199/3) và được quyền sở hữu các công trình xây dựng trên đất; có phía Đông giáp phần đất ao của các NLQ2, Năm, Thơm; phía Tây giáp thửa đất số 197; phía Nam giáp các thửa đất số 200, 204; phía Bắc giáp đường, (có sơ đồ phân chia kèm theo).

- Phần đất ao:

Chia cho các NLQ2, Bùi Thị N, Bùi Thị Thơm hưởng chung phần ao đã san lấp xây dựng từ đường có diện tích 665m2 (có thửa phụ 199/1 và 199/4); trị giá 242.725.000đ (hai trăm bốn mươi hai triệu bẩy trăm hai mươi lăm nghìn đồng). Có phía Đông giáp đường mương; phía Tây giáp đất nhà bà T (thửa phụ 199/3); phía Nam giáp đất của NLQ1 (thửa phụ 199/2) ; phía Bắc giáp đường, (có sơ đồ phân chia kèm theo).

Chia cho NLQ1 hưởng phần ao có diện tích 133m2 (có thửa phụ 199/2) trị giá 48.545.000đ (bốn tám triệu năm trăm bốn lăm nghìn đồng). Có phía Đông giáp đường mương; phía Tây giáp đất ao của các NLQ2, Năm, Thơm - Thửa phụ 199/4; phía Nam giáp đất cấy lúa; phía Bắc giáp đất của các NLQ2, Năm, Thơm - Thửa phụ 199/1, (có sơ đồ phân chia kèm theo).

4. Về trách nhiệm thanh toán:

Buộc bà Bùi Thị T, NLQ4, NLQ5, NLQ6 phải thanh toán chênh lệch giá trị kỷ di sản thừa kế cho NLQ1 số tiền là 48.000.000đ (bốn tám triệu đồng); thanh toán cho các NLQ2, Bùi Thị N, Bùi Thị Thơm mỗi người 15.636.500đ (mười lăm triệu sáu trăm ba mươi sáu nghìn lăm trăm đồng).

5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn lại cho NLQ3 số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà bà đã nộp là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tại Biên lai thu tiền số AA/2017/0001572 ngày 17 tháng 12 năm 2020 của Chi cục thi hành án Dân sự huyện Mỹ Lộc.

6. Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

660
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 68/2021/DS-PT

Số hiệu:68/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:30/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về