Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 46/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 46/2022/DS-PT NGÀY 20/01/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 20 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 160/2020/TLPT-DS ngày 28 tháng 02 năm 2020 về “Tranh chấp chia di sản thừa kế”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2019/DS-ST ngày 23/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 2803/2021/QĐPT-DS ngày 20 tháng 12 năm 2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Cụ Huỳnh Kim H, sinh năm 1946 – Vắng mặt;

Địa chỉ: Số 2496, đường số 41 BC Vancouvia Canada;

Người đại diện hợp pháp của cụ Huỳnh Kim H: Ông Ong Xái K, sinh năm 1968; Địa chỉ: Số 146 đường Cách Mạng, Khóm 7, Phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (Văn bản ủy quyền ngày 16/3/2015) – Có mặt.

1.2. Cụ Huỳnh Tiến N, sinh năm 1939 (Chết ngày 14/10/2019);

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Huỳnh Tiến N:

1.2.1. Ông Trương M1, sinh năm 1981 – Vắng mặt;

Địa chỉ: Số 98A Nguyễn Thị Minh Khai, Khóm 1, Phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

1.2.2. Bà Trương M, sinh năm 1973 – Có mặt;

Địa chỉ: Số 40 Lý Thường Kiệt, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

1.2.3. Ông Trương Q, sinh năm 1971 – Vắng mặt;

1.2.4. Ông Trương C, sinh năm 1976 – Vắng mặt;

1.2.5. Ông Trương Hên P, sinh năm 1984 – Vắng mặt;

Cùng địa chỉ: Số 17 Phùng Ngọc Liêm, Khóm 1, Phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

1.2.6. Bà Trương Tú H2, sinh năm 1979 – Vắng mặt;

Địa chỉ: Số 23 Phùng Ngọc Liêm, Khóm 1, Phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Người đại diện hợp pháp của các ông, bà: Trương M1, Trương Q, Trương C, Trương Hên P, Trương Tú H2: Bà Trương M, sinh năm 1973; Địa chỉ: Số 17 Phùng Ngọc Liêm, Khóm 1, Phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (Hợp đồng ủy quyền ngày 25/11/2020) – Có mặt.

1.3. Cụ Huỳnh Văn V (D1), sinh năm 1957 – Vắng mặt;

Địa chỉ: Số 775 47TH Ave, San Francico, CA 94121 USA;

Người đại diện hợp pháp của cụ Huỳnh Văn V (D1): Cụ Huỳnh Xía H3, sinh năm 1946 (Văn bản ủy quyền ngày 15/12/2015) – Có đơn xin vắng mặt.

1.4. Cụ Huỳnh Xía H3, sinh năm 1946 – Có đơn xin vắng mặt;

Địa chỉ: Số 24 Phan Ngọc Hiển, Khóm 2, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Người đại diện hợp pháp của cụ Huỳnh Xía H3: Ông Lư Văn D, sinh năm 1983; Địa chỉ: Số 24 Phan Ngọc Hiển, Khóm 2, Phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu (Văn bản ủy quyền ngày 17/3/2015) – Có mặt.

2. Bị đơn: Ông Huỳnh Kim H1, sinh năm 1975 – Có mặt;

Địa chỉ: Số 11 Đề Thám, Khóm 4, Phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn Huỳnh Kim H1: Ông Lê Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng luật sư Lê Anh Tuấn thuộc Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau (Có mặt);

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Cụ Trương Thị H4, sinh năm 1952 – Vắng mặt;

Địa chỉ: Số 2629, Boren Dr, Sanjose CA 95121, USA.

Địa chỉ hiện tại: 1611 Lucretia Ct, San Jose, California 95122, USA.

3.2. Cụ Huỳnh Tích C1, sinh năm 1957 – Vắng mặt;

Địa chỉ: Số 2629, Boren Dr, SanJose CA 95121, USA;

3.3. Bà Trần Thị Mỹ N1, sinh năm 1975 (Vợ ông Huỳnh Kim H1), có mặt;

Địa chỉ: Số 11 Đề Thám, Khóm 4, Phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

3.4. Anh Huỳnh A, sinh năm 2000 (Con ông H1, bà N1) – Vắng mặt;

3.5. Anh Huỳnh Lâm H5, sinh năm 2006 (Con ông H1, bà N1) – Vắng mặt;

Người đại diện hợp pháp của Huỳnh A, Huỳnh Lâm H5: Ông Huỳnh Kim H1 (bị đơn) – Có mặt;

3.6. Chùa Minh Nguyệt Cư Sỹ Lâm;

Người đại diện hợp pháp Chùa Minh Nguyệt Cư Sỹ Lâm: Trụ trì Hồng Bình, sinh năm 1946 – Vắng mặt;

Địa chỉ: Số 02 Ngô Quyền, Khóm 4, Phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

3.7. Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau – Có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt;

Trụ sở: Số 77 Ngô Quyền, Khóm 1, Phường 9, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

4. Người kháng cáo:

4.1. Ông Ong Xái K là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cụ Huỳnh Kim H 4.2. Bà Trương M là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn (nay là những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng) cụ Huỳnh Tiến N 4.3. Anh Lư Văn D1 là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cụ Huỳnh Xía H3 4.4. Cụ Huỳnh Xía H3 là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn cụ Huỳnh Văn V

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và lời khai của các nguyên đơn là các cụ: Huỳnh Kim H, Huỳnh Tiến N, Huỳnh Văn V, Huỳnh Xía H3 và người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn trình bày:

Cha mẹ các cụ là cố Huỳnh Mộc H6 và cố Trịnh Bích D2 có 05 người con gồm các cụ: Huỳnh Tiến N, Huỳnh Kim H, Huỳnh Xía H3, Huỳnh Văn V và Huỳnh Tích C1.

Tháng 6 năm 1962, cố H6 thuê đất của chính quyền Sài Gòn và có giấy phép xây dựng ngôi nhà cấu trúc nhà phố, một tầng lầu tại số 09 Đề Thám, An Xuyên (nay là nhà số 11 Đề Thám, Phường 2, thành phố Cà Mau – sau đây viết tắt là nhà, đất số 11 Đề Thám) để cố H6, cố D2 cùng các con sinh sống.

Ngày 07/02/1985 cố H6 từ trần, cố D2 tiếp tục chung sống với các con trong căn nhà này cho đến khi các con có gia đình ra ở riêng, chỉ còn cụ Huỳnh Kim H cùng vợ là cụ Trương Thị H4 sống chung với cố D2 tại đây. Đến ngày 05/7/2005 cố D2 từ trần. Cố H6 và cố D2 đều không để lại di chúc.

Năm 1995, cụ Huỳnh Kim H mâu thuẫn với cụ Trương Thị H4 nên sống riêng, sau đó cụ Huỳnh Kim xuất cảnh định cư ở Canada. Cụ H4 cùng các con tiếp tục sống trong căn nhà này. Năm 1997, cụ H4 xuất cảnh định cư tại Hoa Kỳ, giao nhà lại cho con trai là ông Huỳnh Kim H1 quản lý sử dụng cho đến nay.

Do cố H6 từ trần năm 1985 nên ½ nhà đất số 11 Đề Thám là di sản của cố H6 chuyển thành tài sản chung chưa chia. Các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đối với phần của cố H6 và chia thừa kế ½ nhà đất số 11 Đề Thám đối với phần của cố D2 chết để lại.

Bị đơn ông Huỳnh Kim H1 (và cũng là đại diện cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm các anh: Huỳnh A, Huỳnh Lâm H5) trình bày:

Thống nhất lời trình bày của các nguyên đơn về quan hệ gia đình, về nguồn gốc, cấu trúc nhà, đất số 11 Đề Thám là do cố H6 và cố D2 tạo lập năm 1962.

Năm 1972, cha ông là cụ Huỳnh Kim H kết hôn với mẹ ông là cụ Trương Thị H4 sống chung với cố H6 tại căn nhà trên. Đến năm 1977, cụ Huỳnh Kim H bỏ nhà đi, sau này mới được biết là cụ vượt biên định cư ở Canada. Năm 1978, cố H6 về Bạc Liêu sống chung với cố D2. Cụ H4 cùng ba người con tiếp tục sống trong căn nhà 11 Đề Thám đến nay. Năm 1997, cụ H4 xuất cảnh, giao nhà đất số 11 Đề Thám cho vợ chồng ông H1 quản lý sử dụng. Trong thời gian sinh sống tại đây, cụ H4 có đầu tư sửa chữa nhà nhiều lần và lần gần nhất là năm 2001 xây thêm 02 lầu. Từ năm 1975 đến nay, cụ H4 và sau đó là ông H1 thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất đối với Nhà nước. Cho đến nay nhà, đất số 11 Đề Thám vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.

Ông Huỳnh Kim H1 không đồng ý chia nhà, đất số 11 Đề Thám theo yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị Mỹ N1 trình bày: Nhất trí ý kiến của chồng là ông Huỳnh Kim H1.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Trương Thị H4 trình bày: Đất tại số 11 Đề Thám là của cha chồng của cụ là cố Huỳnh Mộc H6 thuê của chính quyền Sài Gòn năm 1962 để cất nhà làm nơi mua bán. Năm 1972, cụ cùng chồng là cụ Huỳnh Kim H sống chung với cố H6 tại đây. Cố H6 giao việc mua bán trong gia đình cho vợ chồng cụ quản lý, còn cố H6 thường xuyên về Bạc Liêu. Năm 1975, cụ Huỳnh Kim H có quan hệ tình cảm với phụ nữ khác nên thường xuyên bỏ nhà đi, cụ H4 và các con sinh sống trong nhà này. Năm 1977, cụ Huỳnh Kim H bỏ đi khỏi Cà Mau, năm 1978 cố H6 thỏa thuận bán căn nhà số 11 Đề Thám cho cụ H4 giá 13 lượng vàng 24K và giao toàn bộ giấy tờ gốc cho cụ H4 quản lý, còn cố H6 về sống ở Bạc Liêu. Riêng phần đất là đất thuê nên không thỏa thuận mua bán. Cũng chính vì là đất của Nhà nước nên cụ kê khai và nộp thuế đầy đủ theo quy định.

Năm 1997, cụ H4 xuất cảnh định cư ở Mỹ, giao nhà cho con trai là ông Huỳnh Kim H1 quản lý sử dụng, sau này ông H1 kết hôn với bà Mỹ N1 cùng quản lý căn nhà này. Từ năm 1982 đến nay, cụ H4 đã sửa chữa nhà nhiều lần, xây thêm 02 tầng lầu để cho vợ chồng ông H1 quản lý. Tính đến thời điểm phát sinh vụ kiện, cụ H4 và các con đã có thời gian quản lý, sử dụng nhà số 11 Đề Thám trên 40 năm.

Cụ H4 yêu cầu xác định nhà, đất số 11 Đề Thám là của cụ H4 và không chấp nhận chia theo yêu cầu của các nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cụ Huỳnh Tích C1 có văn bản (được hợp pháp hóa lãnh sự) trình bày: Vào năm 1978, cố H6 đã bán nhà số 11 Đề Thám cho cụ H4 với giá 13 lượng vàng 24K, rồi cố H6 về Bạc Liêu sống chung với cố D2 cho đến khi qua đời.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Chùa Minh Nguyệt Cư Sỹ Lâm do người đại diện hợp pháp trình bày: Năm 2003, giữa Chùa với ông H1 có tranh chấp 6,7 m2 đất, sau này xác minh là đất công thổ nên Chùa bỏ tiền ra mua quyền sử dụng của Nhà nước, nhưng để giữ hòa khí nên hai bên thỏa thuận để Chùa sử dụng không gian phía trên, khai thác xây mái che Chùa, còn ông H1 sử dụng phần đất bên dưới. Nay Chùa vẫn giữ nguyên thỏa thuận và không có yêu cầu gì trong vụ án này.

Tại văn bản số 1422/UBND-NC ngày 01/7/2019 và số 1554/UBND-NC ngày 12/7/2019 của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau trình bày: Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau không có ý kiến, xin vắng mặt và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử theo quy định.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2019/DS-ST ngày 23/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã quyết định:

Căn cứ vào các điều 26, 34, 37, 38 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 236 Bộ luật dân sự năm 2015; Các điều 100, 203 Luật Đất đai năm 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu của các cụ: Huỳnh Kim Hên, Huỳnh Tiến Ngọc, Huỳnh Văn V (D) và Huỳnh Xía H3 về việc yêu cầu chia tài sản chung và chia thừa kế căn nhà và đất tại số 11 Đề Thám, Phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đối với ông Huỳnh Kim H1.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, thẩm định giá, ủy thác tư pháp; về án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày 06/8/2019, nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn gồm các cụ: Huỳnh Kim H, Huỳnh Tiến N, Huỳnh Văn V và Huỳnh Xía H4 đều có đơn kháng cáo yêu cầu xác định nhà đất số 11 Đề Thám là di sản của cố H6, cố D2 và chia thừa kế bằng hiện vật cho các con của cố H6, cố D2.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:

Các ông bà: Trương M, Ong Xái K và Lư Văn D giữ nguyên kháng cáo yêu cầu xác định nhà đất số 11 Đề Thám là di sản của cố H6, cố D2 và yêu cầu được chia thừa kế bằng hiện vật.

Ông Huỳnh Kim H1 và bà Trần Thị Mỹ N1 không đồng ý kháng cáo của của nguyên đơn và đề nghị giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông H1 đề nghị xem xét đất là của cố H6 thuê của chính quyền Sài Gòn. Cho đến khi chết, cố H6 và cố D2 đều không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Vì đây là đất công thổ quốc gia nên vào năm 1997 ông H1 đã kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, ông H1 và cụ H4 đã đóng thuế đất nên đất này đã là của ông H1; Cụ H4 đã mua của cố H6 nhà 11 Đề Thám giá 13 lượng vàng 24 K nên nhà là của cụ H4. Vì vậy, nhà đất số 11 Đề Thám không còn là di sản của cố H6, cố D2 nên đề nghị bác kháng cáo của các nguyên đơn và giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Kiểm sát viên có ý kiến người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đều thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Các đơn kháng cáo đều hợp lệ; Về nội dung: Nhà nước không xác lập quyền sử dụng của Nhà nước đối với đất của cố H6 thuê của chế độ cũ, nên nhà và đất tranh chấp là di sản của cố H6, cố D2. Đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo, hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đơn kháng cáo của các nguyên đơn gồm các cụ: Huỳnh Kim H, Huỳnh Tiến N, Huỳnh Văn V và Huỳnh Xía H3 đảm bảo hình thức, thời hạn, đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Sau khi xét xử sơ thẩm, cụ Huỳnh Tiến N chết nên theo quy định tại Điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự thì các thừa kế của cụ N kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng.

[2] Các bên đương sự đều khai nhận cố Huỳnh Mộc H6 và cố Trịnh Bích D2 có 05 người con chung gồm các cụ: Huỳnh Kim H, Huỳnh Xía H3, Huỳnh Văn V, Huỳnh Tích C1 và Huỳnh Tiến N (chết ngày 14/10/2019, chồng là Trương H7 đã chết ngày 09/7/1995 và có các con là các ông, bà: Trương M, Trương M1, Trương Q, Trương C, Trương Hên P, Trương Tú H2). Bị đơn ông Huỳnh Kim H1 là con chung của nguyên đơn cụ Huỳnh Kim H với cụ Trương Thị H4.

Cố Huỳnh Mộc H6 chết ngày 07/02/1985, cố Trịnh Bích D2 chết ngày 05/7/2005. Cố H6 và cố D2 đều không có di chúc.

Tuy vụ án được thụ lý sơ thẩm vào ngày 03/6/2015, nhưng được xét xử sơ thẩm vào ngày 23/7/2019 (là sau ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực - ngày 01/7/2017). Do đó, phải áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết, nên theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại mục 1 phần III Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016, phần 1 Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế đối với di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất của cố Huỳnh Mộc H6 và cố Trịnh Bích D2 vẫn còn.

[3] Tất cả các bên đương sự đều khai nhận nguồn gốc căn nhà đang tranh chấp số 11 Đề Thám là của vợ chồng cố Huỳnh Mộc H6, Trịnh Bích D2 thuê đất của chính quyền Sài Gòn vào tháng 6 năm 1962 rồi xây dựng nhà phố một tầng lầu, sinh sống cùng các con là các cụ: Huỳnh Kim H, Huỳnh Xía H3, Huỳnh Tiến N, Huỳnh Văn V (D) và Huỳnh Tích C1 cho đến khi các con lần lượt lập gia đình ra ở riêng, năm 1985 thì cố H6 chết, cụ Huỳnh Kim H cùng vợ là cụ Trương Thị H4 và các con, trong đó có ông Huỳnh Kim H1 vẫn ở trong nhà số 11 Đề Thám. Năm 1995 cụ H và cụ H4 mâu thuẫn, sống riêng, sau đó cụ H xuất cảnh sang Canada, năm 1997, cụ H4 cũng xuất cảnh sang Mỹ, giao nhà lại cho ông H1 quản lý, sinh sống cùng vợ con ông H1. Riêng cố D2 sống tại tỉnh Bạc Liêu từ khoảng năm 1975 cho đến khi chết (năm 2005).

[4] Về xác định chủ sở hữu nhà, chủ sử dụng đất tranh chấp: [4.1] Về phần nhà:

Bị đơn ông Huỳnh Kim H1 trình bày nhà số 11 Đề Thám là của mẹ ông (cụ Trương Thị H4) đã mua của ông nội (cố H6) và giao cho ông quản lý sử dụng.

Cụ Trương Thị H4 trình bày vào năm 1978, cố H6 thỏa thuận bán nhà số 11 Đề Thám cho cụ H4 với giá 13 lượng vàng 24K và giao toàn bộ giấy tờ gốc cho cụ H4 quản lý. Riêng phần đất là đất thuê nên không thỏa thuận mua bán. Do đó, nhà số 11 Đề Thám đã là của cụ H4 nên không còn là di sản của cố H6, cố D2.

Cụ Huỳnh Tích C1 có ý kiến bằng văn bản trình bày vào năm 1978, cố H6 đã bán nhà số 11 Đề Thám cho cụ H4 giá 13 lượng vàng 24K, rồi cố H6 về Bạc Liêu sống chung với cố D2 cho đến khi qua đời.

Tuy nhiên, ngoài lời trình bày bằng lời nói đơn phương không được các nguyên đơn thừa nhận, cụ H4 và cụ C1 đều không cung cấp được chứng cứ để chứng minh cho lời trình bày của cụ H4, cụ C1 là đúng, không xuất trình được bằng chứng chứng minh cụ H4 đã mua nhà số 11 Đề Thám và thanh toán vàng cho cố H6, cố D2. Do đó, chưa có căn cứ để chứng minh cố H6, cố D2 đã bán nhà số 11 Đề Thám cho cụ H4.

[4.2] Về phần đất:

Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 1023/2020/DSPT ngày 02/6/2020 đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau cho biết:“Từ ngày 30/4/1975 đến nay, Nhà nước có xác lập quyền sử dụng đất của Nhà nước đối với thửa đất số 129, diện tích 69,8 m2 (tư liệu 1997) hay không?..Trường hợp chưa thực hiện việc xác lập quyền sử dụng đất của Nhà nước đối với thửa đất trên thì Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau có xác lập quyền sử dụng của Nhà nước đối với thửa đất trên hay không?”. Tại Công văn số 1588/UBND-ĐĐ ngày 14/7/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau xác định như sau:“Qua kiểm tra, rà soát hồ sơ lưu trữ không có thông tin về việc xác lập quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 129, diện tích 69,80 m2... Theo bản đồ, mục kê năm 1997 thì tại thửa số 129, tờ bản đồ 07 thể hiện tên ông Huỳnh Kim Hải; theo bản đồ, mục kê năm 2009 thì vị trí là thửa 56, tờ bản đồ 06 thể hiện tên ông Huỳnh Kim Hải. Hiện nay tại vị trí thửa đất nêu trên chưa chỉnh lý biến động quyền sử dụng đất”. Như vậy, Nhà nước chưa xác lập quyền sử dụng của Nhà nước đối với thửa đất trên.

Hồ sơ thể hiện và các bên đương sự đều thừa nhận cố H6 thuê đất của chế độ cũ để cất nhà 11 Đề Thám từ năm 1962 và cố H6 quản lý sử dụng nhà, đất cho đến khi cố H6 chết (năm 1985). Cho đến nay, Nhà nước vẫn chưa xác lập quyền sử dụng đất đối với thửa đất cố H6 đã thuê của chính quyền cũ. Do đó, có căn cứ xác định nguồn gốc đất là của cố H6, cố D2. Tuy nhiên, lúc sinh thời cố H6 và cố D2 không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, mà ông Huỳnh Kim H1 lại là người kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất theo Bản đồ, mục kê năm 1997 và năm 2009, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ làm rõ vì sao đất có nguồn gốc của cố H6, cố D2 nhưng ông H1 đứng tên kê khai? Việc ông H1 kê khai đăng ký quyền sử dụng đất trên cơ sở nào? Có được cố H6, cố D2 đồng ý hay tặng cho hoặc chuyển nhượng hay lý do gì khác không? Ông H1 không phải là người ngoài thân tộc, mà ông H1 là cháu nội của cố H6, cố D2 và cũng là con của cụ H (nguyên đơn). Việc ông H1 cùng sống trong căn nhà số 11 Đề Thám cùng với cha mẹ ông là cụ H, cụ H4 và ông bà nội là cố H6, cố D2 từ khi ông H1 lọt lòng cho đến nay là lẽ thường, không phải là chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật, không phải là nhà vô chủ. Do đó, Bản án sơ thẩm nhận định mặc dù nhà số 11 Đề Thám có nguồn gốc của cố H6, cố D2 nhưng cụ H4 và các con đã chiếm hữu ngay tình, liên tục trên 30 năm để từ đó xác lập quyền sở hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

[5] Căn nhà số 11 Đề Thám do cố H6 xây dựng, cụ H4 có sửa chữa nhiều lần. Mặc dù đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau đã có yêu cầu thu thập chứng cứ để xác định phần nhà của cố H6 còn lại là bao nhiêu? xác định phần nhà của cụ H4 sửa chữa thêm là bao nhiêu? thì mới có căn cứ để giải quyết vụ án, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thực hiện, mà chỉ định giá chung toàn thể căn nhà, nên không có căn cứ để xác định đối với căn nhà 11 Đề Thám thì phần của cụ H4 là bao nhiêu? phần di sản của cố H6, cố D2 là bao nhiêu? Tòa án cấp phúc thẩm đã ủy thác cho Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện nhưng ông H1 không hợp tác, nên việc ủy thác cũng không có kết quả.

[6] Các nguyên đơn là người thừa kế hàng thứ nhất của cố H6, cố D2, còn bị đơn ông H1 là người thừa kế thuộc hàng thứ hai. Trong trường hợp có căn cứ để xác định nhà, đất số 11 Đề Thám là di sản của cố H6, cố D2 thì chỉ khi người thừa kế hàng thứ nhất không còn ai thì quyền được hưởng thừa kế và quản lý, sử dụng di sản mới đến người thừa kế hàng thứ hai, nhưng do ông H1 đã sinh sống trong nhà 11 Đề Thám từ nhỏ cho đến nay, nên cũng cần phải xem xét đến điều kiện về chỗ ở của ông H1, nhưng cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ để làm rõ để việc giải quyết vụ án vừa đúng pháp luật nhưng cũng phải tính đến điều kiện thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. [7] Do việc thu thập chứng cứ chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được, nên chấp nhận một phần kháng cáo của các đương sự gồm các cụ: Huỳnh Kim H, Huỳnh Văn V, Huỳnh Xía H3, Huỳnh Tiến N (người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng gồm các ông, bà: Trương M, Trương Q, Trương C, Trương M1, Trương Tú H2, Trương Hên P), hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp.

[8] Các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng khoản 3 Điều 308 và Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

2. Chấp nhận một phần kháng cáo của các đương sự gồm các cụ: Huỳnh Kim H, Huỳnh Văn V (D), Huỳnh Xía H3, Huỳnh Tiến N (người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng gồm các ông, bà: Trương M, Trương Q, Trương C, Trương M1, Trương Tú H2, Trương Hên P).

Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2019/DS-ST ngày 23/7/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

3. Các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

3.1. Hoàn trả cho cụ Huỳnh Kim H tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo Biên lai thu số 00371 ngày 06/8/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau.

3.2. Hoàn trả cho cụ Huỳnh Xía H3 tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo Biên lai thu số 00372 ngày 06/8/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau.

3.3. Hoàn trả cho cụ Huỳnh Văn V tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo Biên lai thu số 00373 ngày 06/8/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau.

3.4. Hoàn trả cho cụ Huỳnh Tiến N (người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng gồm các ông, bà: Trương M, Trương Q, Trương C, Trương M1, Trương Tú H2, Trương Hên P) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo Biên lai thu số 00370 ngày 06/8/2019 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau.

4. Bản án này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

251
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 46/2022/DS-PT

Số hiệu:46/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 20/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về