Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 400/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 400/2023/DS-PT NGÀY 13/12/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 13 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 314/2023/TLPT-DS, ngày 17/10/2023 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 148/2023/DS-ST, ngày 22/8/2023 của Toà án nhân dân thành phố B, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 343/2023/QĐ-PT, ngày 07/11/2023 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 311/2023/QĐ-PT, ngày 05/12/2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Cụ Hồ Thị K; người đại diện theo ủy quyền của cụ K: Ông Nguyễn Anh V; cùng địa chỉ: Số H4, Buôn P, phường T4, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Ngọc T; địa chỉ: Số A, phường T4, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà T: Luật sư Phạm Thị T1 – Văn phòng L; địa chỉ: A đường A, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Nguyễn Anh T2; địa chỉ: Số F, phường T4, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Bà Nguyễn Thị Ngọc N; địa chỉ: Số F, phường T4, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông T2 và bà N: Ông Phan Minh H; địa chỉ: Số nhà E đường A, thôn A, xã C, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Bà Nguyễn Thị Ngọc N1; địa chỉ: Số H4, buôn P, phường T4, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Bà Nguyễn Thị Ngọc T3; địa chỉ: Số H4, phường T4, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Ông Nguyễn Anh V; địa chỉ: Số H4, Buôn P, phường T4, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

Người kháng cáo: Bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T và người đại diện theo ủy quyền của ông T2 và bà N: Ông Phan Minh H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Anh V trình bày:

Cụ Nguyễn T5, sinh năm 1936 và cụ Tôn Nữ Thị H1, sinh năm 1937, có 04 người con chung là Nguyễn Thị Ngọc T, Nguyễn Thị Ngọc T3, Nguyễn Anh T2, Nguyễn Thị Ngọc N. Cụ Nguyễn T5 có quan hệ với cụ Trần Thị H2, sinh năm 1942, có 01 người con chung là Nguyễn Thị Ngọc N1.

Vào năm 1980 cụ Hồ Thị K và cụ Nguyễn T5 lấy nhau và chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn có 01 con chung là Nguyễn Anh V và sinh sống cùng với các người con của cụ T4 tại số CH, phường T4, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk (nay là thành phố B).

Cụ T4, cụ H1, cụ H2 đều đã chết trong đó cụ H1 chết năm 1975, cụ H2 chết sau năm 1976, cụ 5 chết năm 1993 đều không để lại di chúc. Sau khi cụ 5 chết năm 1993 cụ K tiếp tục sinh sống và thờ cúng cụ T4 tại số CH, phường T4 được 4 năm, tổng cộng cụ K ở số C hùng V được 17 năm, do mâu thuẫn trong gia đình không thể dung hòa, hòa hợp với nhau nên cụ K cùng con là anh V ra ngoài sinh sống.

Quá trình cụ T5 còn sống có thửa đất 51 và 52, thuộc tờ bản đồ số 15, tại phường T4, do nhà nước thu hồi đất nên có bố trí 02 lô đất tái định cư cho cụ T4 và cụ H1, do trong gia đình không thống nhất được việc phân chia tài sản thừa kế của cụ T5, nên cụ K khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn T5 trong thửa đất số 44 (cũ 22), tờ bản đồ 21, diện tích 80m2 và thửa đất số 106 (cũ A13), tờ bản đồ 24, diện tích 77,5m2 và số tiền hỗ trợ bồi thường là 686.773.311 đồng cho hàng thừa kế được hưởng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, không có ý kiến yêu cầu nào thêm.

Bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T trình bày:

Cha bà T là cụ Nguyễn T5, sinh năm 1936, chết năm 1993, mẹ là Tôn Nữ Thị H1, sinh năm 1937, chết năm 1975, cha mẹ bà T sinh được 5 người con là Nguyễn Thị Ngọc T, Nguyễn Thị Ngọc T3, Nguyễn Anh T2, Nguyễn Thị Ngọc N, Nguyễn Thị Ngọc N1.

Năm 1982 cụ T5 có quan hệ trai gái với cụ Hồ Thị K và có một con là Nguyễn Anh V, cụ K với cụ T4 không phải là vợ chồng, sau khi sinh con, cụ K và con trai không có nhà để ở nên có đăng ký hộ khẩu thường trú vào hộ khẩu gia đình bà T nhưng thực tế cụ K không ở chung với gia đình ngày nào vì giữa cụ K và anh chị em bà T luôn xung đột.

Ngày 11-9-2019, U ban hành Quyết định số 6361 về việc thu hồi đất của cha mẹ bà T tại số A và 1 Đ, phường T4, Tp . mà anh em bà T là người quản lý, sử dụng. Tại Quyết định số 6370 ngày 11-9-2019 của U đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, U giao cho bà T và em trai là Nguyễn Anh T2, 2 lô đất tái định cư theo quy định của pháp luật. Cụ thể giao lô đất vào mục đích tái định cư cho bà Nguyễn Thị Ngọc T lô số 07, diện tích 80m2, thành tiền 2.288.000.000 đồng và giao đất tái định cư cho ông Nguyễn Anh T2 tại khu đất số D L, số lô A13, diện tích 77,5m2, thành tiền là 2.557.500.000 đồng. Đây là quyền sử dụng đất Nhà nước giao cho người có đất bị thu hồi với mục đích “Tái định cư” và có thu tiền sử dụng đất. Có nghĩa là diện tích đất này Nhà nước bán cho người có đất bị thu hồi, chứ không phải Nhà nước cấp không thu tiền và thực tế, Nhà nước cũng chưa giao đất cho anh, em bà T.

Vì vậy, các lô đất mà cụ K khởi kiện, là những lô đất Nhà nước dự kiến giao tái định cư, có thu tiền sử dụng đất, nên cụ K không có quyền khởi kiện, mặt khác, bà K không kết hôn, không chung sống như vợ chồng với cụ T4, nên cụ K không phải hàng thừa kế thứ nhất của cụ T4.

Do đó, cụ K không có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia thừa kế, việc cụ K có con với cụ T5, chỉ là quan hệ trai gái. Vì tại thời điểm đó, các anh chị em bà T biết được mối quan hệ trai giá, bồ bịch bà T đề nghị Tòa án trả lại đơn cho cụ Hồ Thị K và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định. Ngoài ra, không có ý kiến yêu cầu nào thêm.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phan Minh H trình bày:

Nguyễn Anh T2, Nguyễn Thị Ngọc N là con cụ Nguyễn T5 và cụ Tôn Nữ Thị H1, cha mẹ ông T2 sinh được 5 người con là Nguyễn Thị Ngọc T, Nguyễn Thị Ngọc T3, Nguyễn Anh T2, Nguyễn Thị Ngọc N, Nguyễn Thị Ngọc N1. Năm 1982, cụ T4 có quan hệ bất chính với cụ Hồ Thị K và có một người con là Nguyễn Anh V, cụ K với cha ông T2 không phải là vợ chồng. Sau khi sinh con, cụ K và con trai không có nhà để đăng ký hộ khẩu thường trú, nên cha ông T2 cho cụ K và con trai cụ K đăng ký hộ khẩu vào hộ khẩu gia đình ông T2. Nhưng thực tế cụ K không ở chung với gia đình ông T2 ngày nào.

Ngày 11-9-2019, UBND thành phố B ban hành Quyết định số 6361 về việc thu hồi đất của cha mẹ ông T2 tại số A và 1 Đ, phường T4, Tp . mà chị em ông T2 là người quản lý, sử dụng, tại Quyết định số 6370 ngày 11-9-2019 của U đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Theo đó, U giao cho bà Nguyễn Thị Ngọc T và ông Nguyễn Anh T2 hai lô đất tái định cư gồm: Giao lô đất vào mục đích tái định cư cho bà Nguyễn Thị Ngọc T lô số 07, diện tích 80m2, thành tiền: 2.288.000.000 đồng và giao đất tái định cư cho ông Nguyễn Anh T2 tại khu đất số D L, số lô A13, diện tích 77,5m2 thành tiền 2.557.500.000 đồng.

Đây là quyền sử dụng đất Nhà nước giao cho người có đất bị thu hồi với mục đích “Tái định cư” và có thu tiền sử dụng đất. Có nghĩa là diện tích đất này Nhà nước bán cho người có đất bị thu hồi, chứ không phải Nhà nước cấp không thu tiền. Vì vậy, các lô đất mà cụ K khởi kiện, là những lô đất Nhà nước dự kiến giao tái định cư, có thu tiền sử dụng đất, nhà nước bán đất cho người sống chứ không giao đất cho người chết là cụ T5, nên đây không phải là di sản thừa kế của cụ T5 nên cụ K không có quyền khởi kiện.

Mặt khác, cụ Hồ Thị K không kết hôn, không chung sống như vợ chồng với cha ông T2, nên cụ K không phải hàng thừa kế thứ nhất của cha ông T2. Do đó, cụ K không có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia thừa kế, việc bà K có con với cha ông T2, chỉ là quan hệ bất chính. Vì tại thời điểm đó, các anh chị em ông T2 biết được mối quan hệ trai gái, không phải là vợ chồng.

Từ những lý do trên, ông H đề nghị Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho cụ Hồ Thị K và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định.

Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về chia di sản thừa kế là 2 thửa đất lô số 07, diện tích 80m2 và lô đất số A13, diện tích 77,5m2, giữ nguyên quan điểm như đã trình bày trên.

Đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung chia số tiền 686.773.311 đồng đây là số tiền có nguồn gốc từ tổng số tiền 4.678.573.324 đồng mà nhà nước bồi thường khi thu hồi đất đối với hộ gia đình cụ T5 và cụ H1, cụ T5, cụ H1 đều đã chết, không để lại di chúc, 02 cụ có 05 người con chung nên đề nghị Tòa án xác định số tiền 4.678.573.324 đồng là di sản thừa kế của cụ T5 và cụ H1.

Phần di sản của cụ T5 và cụ H1 để lại sẽ được chia thành 2 phần 4.678.573.324 đồng/2 = 2.339.286.671/7 kỷ phần = 334.183.810 đồng/01 kỷ phần. nghĩa là chia cho 06 người con của cụ T5 gồm: Nguyễn Thị Ngọc T, Nguyễn Thị Ngọc T3, Nguyễn Anh T2, Nguyễn Thị Ngọc N, Nguyễn Thị Ngọc N1 và Nguyễn Anh V, 01 phần còn lại giao cho Nguyễn Anh T2 là người có công trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cụ T4 trước lúc qua đời và giữ gìn tôn tạo di sản thừa kế.

Phần di sản của cụ Tôn Nữ Thị H1 không tranh chấp, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Ngoài ra không có ý kiến nào thêm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Anh V, Nguyễn Thị Ngọc N1, Nguyễn Thị Ngọc T3 trình bày:

Ông V là con cụ K và cụ T5, bà N1 là con cụ T5 và cụ H2, bà T3 là con cụ T5 và cụ H1, về yêu cầu khởi kiện, khởi kiện bổ sung của nguyên đơn cụ K ông V, bà N1, bà T3 đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, chia di sản thừa kế của cụ T5 theo giá mà hội đồng định giá đã định giá. Đối với di sản thừa kế của cụ H1 không tranh chấp, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Ngoài ra không có ý kiến nào thêm.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 148/2023/DS-ST, ngày 22/8/2023 của Toà án nhân dân thành phố B, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

- Căn cứ vào Điều 4, Điều 5, khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 70, Điều 92, Điều 93, Điều 147, Điều 156, Điều 157, Điều 164, Điều 165, Điều 220, Điều 227, Điều 228 và Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự. Căn cứ vào Điều 609, Điều 610, Điều 611, Điều 612, Điều 613, Điều 623, Điều 649, Điều 650, Điều 651, Điều 660 và Điều 688 của Bộ luật dân sự. Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình. Căn cứ Điều 12, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về việc mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cụ Hồ Thị K.

Về di sản thừa kế của cụ Nguyễn T5 là ½ trị giá của thửa đất số 44 (cũ 22), tờ bản đồ 21; thửa đất số 106 (cũ A13), tờ bản đồ 24; số tiền bồi thường hỗ trợ bà T đang giữ là 343.386.655 đồng và 1.167.996.292 đồng kỷ phần được hưởng trong di sản thừa kế của cụ Tôn Nữ Thị H1. Tổng trị giá bằng tiền 8.175.974.045 đồng.

Về hàng thừa kế của cụ T5 gồm 08 người là: Nguyễn Thị Ngọc T, Nguyễn Thị Ngọc T3, Nguyễn Anh T2, Nguyễn Anh C, Nguyễn Thị Ngọc N, Nguyễn Thị Ngọc N1, Nguyễn Anh V và Hồ Thị K.

Được chia bằng tiền cụ thể: 8.175.974.045 đồng/8 = 1.021.996.755 đồng, mỗi người được hưởng 01 kỷ phần bằng nhau thành tiền là 1.021.996.755 đồng.

Tạm giao cho bà T quản lý, sử dụng thửa đất số 44 (cũ 22), tờ bản đồ 21, diện tích 80m2 tại phường T4, thành phố B và thửa đất số 106 (cũ A13), tờ bản đồ 24, diện tích 77,5m2, tại phường T4, thành phố B và số tiền bồi thường hỗ trợ bà T đang giữ là 343.386.655 đồng. Bà T có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi làm thủ tục theo quy định của pháp luật.

Buộc bà T có trách nhiệm thanh toán lại cho cụ Hồ Thị K, ông Nguyễn Anh V, bà Nguyễn Thị Ngọc N1, bà Nguyễn Thị Ngọc T3, bà Nguyễn Thị Ngọc N, ông Nguyễn Anh T2 mỗi người với số tiền là 1.021.996.755 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Phần di sản thừa kế của cụ H1, của ông Nguyễn Anh C, các đương sự không tranh chấp, không có đơn yêu cầu nên Hội đồng xét xử không đặt ra giải quyết, các đương sự được hưởng di sản thừa kế của cụ H1 và ông C có quyền khởi kiện thành một vụ án độc lập khác.

Về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế: Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, giải quyết.

Về chi phí tố tụng: Nguyên đơn tự nguyện chịu 4.000.000 đồng tiền xem xét thẩm định, định giá tài sản (đã nộp đủ và chi phí xong).

Về án phí: Miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho cụ Hồ Thị K.

Ông Nguyễn Anh V, bà Nguyễn Thị Ngọc N1, bà Nguyễn Thị Ngọc T3, bà Nguyễn Thị Ngọc N, ông Nguyễn Anh T2 và bà Nguyễn Thị Ngọc T mỗi người phải chịu 42.659.902 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 05/9/2023 người đại diện theo ủy quyền của ông T2 và bà N: Ông Phan Minh H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 25/9/2023, bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T kháng cáo với nội dung: Bà không nhận đất, yêu cầu Tòa án giao đất cho hàng thừa kế thứ nhất hoặc chia theo kỷ phần trong giai đoạn thi hành án; kháng cáo về phần công sức quản lý di sản; tiền chi phí di dời tài sản 24.559.283 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; người kháng cáo giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Các đương sự đều thừa nhận, quá trình quản lý di sản của cụ H1 và cụ T5 để lại bà Nguyễn Thị Ngọc T đã di sản của bố mẹ để làm nơi sinh sống và kinh doanh buôn bán sinh lời nên không đồng ý chia phần công sức quản lý di sản cho bà T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Các đương sự trong vụ án và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Qua phân tích đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tranh tụng tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T; bác toàn bộ kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của ông T2 và bà N (Ông Phan Minh H).

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên.

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T và đại diện theo ủy quyền của ông T2 và bà N: Ông Phan Minh H nộp trong thời hạn luật định; người kháng cáo đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo quy định nên vụ án được xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm là phù hợp.

[2] Xét kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của ông T2 và bà N: Ông Phan Minh H cho rằng, cụ Hồ Thị K không có quyền khởi kiện và di sản thừa kế không phải là hai lô đất tái định cư nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm và trả lại đơn khởi kiện cho bà Hồ Thị K, Hội đồng xét xử thấy: Cụ T5 và cụ H1 là vợ chồng có 05 người con chung, ngoài ra Nguyễn Thị Ngọc N1 là con riêng của cụ Nguyễn Tuôi . Sau khi cụ H1 chết năm 1975 đến năm 1980 cụ T5 chung sống như vợ chồng với cụ K và có 01 người con chung là Nguyễn Anh V, sinh năm 1983, có đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà CH, phường T4, thành phố B, do đó quan hệ hôn nhân giữa cụ T5 và cụ K là hôn nhân thực tế hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Nên cụ Hồ Thị K có quyền khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn T5 để lại.

Trong quá trình sinh sống cụ T5 và cụ H1 có tạo lập được khối tài sản là thửa đất 51, tờ bản đồ số 15, diện tích 116,9m2 và thửa đất số 52, tờ bản đồ số 15, diện tích 114,3m2 tại phường T4, thành phố B, do nhà nước thu hồi đất nên có bố trí 02 lô đất tái định cư cho các đồng thừa kế của cụ Nguyễn T5 và cụ Tôn Nữ Thị H1, cụ thể tại Quyết định số 8676/QĐ-UBND và Quyết định số 8654/QĐ-UBND về việc giao đất cho bà Nguyễn Thị Ngọc T làm đại diện các đồng thừa kế của cụ Nguyễn T5 và cụ H1 đối với thửa đất số 44 (cũ 22), tờ bản đồ 21, diện tích 80m2 và thửa đất số 106 (cũ A13), tờ bản đồ 24, diện tích 77,5m2. Như vậy, nhà nước giao đất tái định cư không phải giao riêng cho bà T mà bà T chỉ đại diện đứng ra để nhận thay cho các đồng thừa kế của cụ T5 và Cụ H1. Vì vậy bản án sơ thẩm xác định hai thửa đất này là di sản thừa kế để đưa ra chia cho các đồng thừa kế là phù hợp.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T kháng cáo với nội dung: Bà không nhận đất, yêu cầu Tòa án giao đất cho hàng thừa kế thứ nhất hoặc chia theo kỷ phần trong giai đoạn thi hành án, Hội đồng xét xử thấy: Bản án sơ thẩm tạm giao cho bà T quản lý, sử dụng thửa đất số 44 và thửa đất số 106. Bà T kháng cáo không đồng ý nhận đất. Tại phiên toà phúc thẩm ông Nguyễn Anh V đề nghị Tòa án giao cho ông thửa đất số 44, bà Nguyễn Thị Ngọc T3 đề nghị giao cho bà thửa đất số 106. Xét thấy, các đồng thừa kế khác không ai có yêu cầu giao đất, ông V và bà T3 là đồng thừa kế của cụ H1 và cụ T5 nên cần giao các thửa đất trên cho họ quản lý và sử dụng buộc họ phải trả lại tiền cho các đồng thừa kế khác là phù hợp.

[4] Di sản của cụ T5 và cụ H1 để lại là 02 thửa đất có giá trị thị trường tại thời điểm định giá là 14.200.000.000 đồng – 870.817.804 đồng (Tiền còn nợ ngĩa vụ tài chính của hai thửa đất) = 13.329.182.196 đồng + 686.773.311 đồng (tiền hỗ trợ sau khi tạm đóng nghĩa vụ tài chính hiện nay bà T đang giữ) = 14.015.955.507 đồng.

Năm 1975, cụ H1 mất không để lại di chúc nên phần của cụ H1 là ½ di sản tương đương với 7.007.977.753 đồng sẽ được chia thành 06 phần cho cụ T5, bà Nguyễn Thị Ngọc T, bà Nguyễn Thị Ngọc T3, ông Nguyễn Anh T2, ông C, bà Nguyễn Thị Ngọc N. Mỗi người được hưởng 1/6 di sản thừa kế của cụ H1 là 1.167.996.192 đồng. Do đó phần di sản của cụ T5 được cộng thêm một kỷ phần di sản của cụ H1.

Năm 1993, cụ T5 mất nên phần của cụ T5 là 8.175.973.945 đồng (gồm phần di sản của cụ T5 và phần di sản cụ T5 được hưởng từ cụ H1 = 7.007.977.753 đồng + 1.167.996.192 đồng) sẽ được chia thành 8 phần cho cụ Hồ Thị K, bà Nguyễn Thị Ngọc T, bà Nguyễn Thị Ngọc T3, ông Nguyễn Anh T2, ông C (sinh năm 1966, mất năm 1994, khi mất ông C không có vợ con), bà Nguyễn Thị Ngọc N, bà Nguyễn Thị Ngọc N1, ông Nguyễn Anh V. Mỗi người được hưởng 1/8 di sản thừa kế của cụ T5 là 1.021.996.743 đồng.

[5] Do bà Nguyễn Thị Ngọc T3 được giao quản lý di sản của cụ H1 và của ông C gồm (Thửa đất số 106 và là đồng thừa kế của ông C và Cụ H1.

Ông C mất năm 1994, khi mất ông C không có vợ con, phần di sản ông C được hưởng từ cụ T5 là 1.021.996.743 đồng và phần di sản cụ H1 (7.007.977.753 đồng phần của cụ H1 được hưởng - 1.167.996.192 đồng đã chia cho cụ T5) 5.839.981.551 đồng tạm giao cho bà T3 quản lý (Tổng cộng 6.861.978.294 đồng). Thửa đất số 44 có giá thị trường 7.000.000.000 đồng còn nợ nghĩa vụ tài chính 514.669.785 đồng mà bà T3 phải có nghĩa vụ nộp, bà T3 được hưởng 1.021.996.743 đồng thừa kế từ cụ T5 và được tạm giao 6.861.978.294 đồng từ ông C và cụ H1 (8.398.644.822 -7.000.000.000 = 1.398.644.822 đồng). Do bà T3 được giao tài sản lớn hơn giá trị thửa đất được giao nên số tiền 1.398.644.822 đồng này bà T3 được nhận từ ông V. (Trong đó 1.021.996.743 đồng là kỷ phần bà T3 được hưởng và quản lý 376.648.067đồng thuộc phần di sản của cụ H1 và ông C).

[6] Bà T được hưởng một phần di sản của cụ T5 là 1.021.996.743 đồng, hiện nay bà T còn giữ 686.773.311 đồng tiền bôi thường nên cần khấu trừ vào kỷ phần mà bà được hưởng. Do ông Nguyễn Anh V nhận thửa đất số 44, có giá thị trường 7.200.000.000 đồng nên buộc ông V phải thanh toán cho bà T số tiền 1.021.996.743 đồng - 686.773.311 đồng = 335.223.432 đồng và thanh toán cho các đồng thừa kế khác cụ Hồ Thị K, ông Nguyễn Anh T2, ông C, bà Nguyễn Thị Ngọc N, bà Nguyễn Thị Ngọc N1 mỗi người được hưởng 1/8 di sản thừa kế của cụ T5 là 1.021.996.743 đồng.

[7] Do các quyết định giao đất của UBND thành phố B là giao đất cho bà Nguyễn Thị Ngọc T làm đại diện các đồng thừa kế của cụ T5 và cụ H1 đối với thửa đất số 44 (cũ 22), tờ bản đồ 21, diện tích 80m2 và thửa đất số 106 (cũ A13), tờ bản đồ 24, diện tích 77m2. Nhưng do Tòa án đã giao hai thửa đất trên cho bà Nguyễn Thị Ngọc T3 nhận thửa đất số 106 và ông Nguyễn Anh V thửa đất số 44 nên bà T3 và ông V có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp số tiền nợ nghĩa vụ tài chính (Đang được nợ) tương ứng với thửa đất được nhận.

[8] Xét kháng cáo của bà T về phần công sức quản lý di sản, Hội đồng xét xử thấy: Tại phiên toà phúc thẩm các đương sự và bà T đều thừa nhận bà Nguyễn Thị Ngọc T đã dùng di sản của bố mẹ để làm nơi sinh sống và kinh doanh buôn bán sinh lời nên bà T yêu cầu chia phần công sức quản lý di sản là không phù hợp và đối với kháng cáo về tiền chi phí di dời tài sản 24.559.283 đồng. Quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm bà T không có đơn yêu cầu phản tố, không cung cấp các tài liệu chứng cứ cho Tòa án nên không có cơ sở để xem xét, giải quyết. Nên Hội đồng xét xử cần bác kháng cáo này của bà T.

[9] Từ những phân tích, nhận định trên, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T; bác toàn bộ kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của ông T2 và bà N (Ông Phan Minh H) sửa bản án sơ thẩm theo hướng như đã phân tích nhận định trên.

[10] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do chấp nhận kháng cáo nên bà Nguyễn Thị Ngọc T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Do không chấp nhận kháng cáo nên ông Nguyễn Anh T2, bà Nguyễn Thị Ngọc N phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự – chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị Ngọc T; bác toàn bộ kháng cáo của đại diện theo ủy quyền của ông T2 và bà N (Ông Phan Minh H) - Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 148/2023/DS-ST, ngày 22/8/2023 của Toà án nhân dân thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

[2] Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cụ Hồ Thị K.

Di sản của cụ T5 và cụ H1 để lại là quyền sử dụng đất thuộc hai thửa đất: thửa đất số 44 (cũ 22), tờ bản đồ 21, diện tích 80m2 tại phường T4, thành phố B và thửa đất số 106 (cũ A13), tờ bản đồ 24, diện tích 77,5m2, tại phường T4, thành phố B có giá trị là 14.200.000.000 đồng – 870.817.804 đồng (Tiền còn nợ ngĩa vụ tài chính của hai thửa đất) = 13.329.182.196 đồng + 686.773.311 đồng (tiền hỗ trợ sau khi tạm đóng nghĩa vụ tài chính hiệ nay bà T đang giữ) = 14.015.955.507 đồng.

Phần di sản của cụ T5 để chia cho các đồng thừa kế là 8.175.973.945 đồng, được chia bằng tiền cụ thể: 8.175.974.045 đồng/8 = 1.021.996.755 đồng, mỗi người được hưởng 01 kỷ phần bằng nhau thành tiền là 1.021.996.755 đồng.

Về hàng thừa kế của cụ T5 gồm 08 người là: Nguyễn Thị Ngọc T, Nguyễn Thị Ngọc T3, Nguyễn Anh T2, Nguyễn Anh C, Nguyễn Thị Ngọc N, Nguyễn Thị Ngọc N1, Nguyễn Anh V và Hồ Thị K.

Giao cho ông Nguyễn Anh V thửa đất số 44 (cũ 22), tờ bản đồ 21, diện tích 80m2 tại phường T4, thành phố B, (Hiện đang được nợ thuế theo quy định là 356.148.019 đồng). Buộc ông V phải nộp số tiền nợ nghĩa vụ thuế tương ứng với thửa đất được nhận khi đến hạn.

Giao cho bà Nguyễn Thị Ngọc T3 được đứng tên và quản lý thửa đất số 106 (cũ A13), tờ bản đồ 24, diện tích 77,5m2, tại phường T4, thành phố B, (Hiện đang được nợ thuế theo quy định là 514.669.785 đồng). Buộc bà T3 phải nộp số tiền nợ nghĩa vụ thuế tương ứng với thửa đất được nhận khi đến hạn.

Bà T3 và ông V có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Buộc ông Nguyễn Anh V có trách nhiệm thanh toán lại cho cụ Hồ Thị K, bà Nguyễn Thị Ngọc N1, bà Nguyễn Thị Ngọc N, ông Nguyễn Anh T2 mỗi người với số tiền là 1.021.996.755 đồng.

Buộc ông Nguyễn Anh V có trách nhiệm thanh toán lại cho bà Nguyễn Thị Ngọc T3 số tiền 1.398.644.822 đồng (Trong đó kỷ phần bà T3 được hưởng là 1.021.996.755 đồng và quản lý 376.648.067đồng thuộc phần di sản của cụ H1 và ông C).

Buộc ông Nguyễn Anh V có trách nhiệm thanh toán lại cho bà Nguyễn Thị Ngọc T số tiền 335.223.432 đồng. (Kỷ phần Bà T được hưởng là 1.021.996.755 đồng trong đó bà T đang giữ 686.773.311 đồng tiền hỗ trợ sau khi tạm đóng nghĩa vụ thuế và 335.223.432 đồng do anh V trả).

Phần di sản thừa kế của cụ H1, ông C là thửa đất số 106 (cũ A13), tờ bản đồ 24, diện tích 77,5m2, tại phường T4, thành phố B và số tiền 376.648.067 đồng và số tiền đang được nợ thuế theo quy định là 514.669.785 đồng, các đương sự không tranh chấp, không có đơn yêu cầu nên Hội đồng xét xử tạm giao cho bà Nguyễn Thị Ngọc T3 quản lý, sử dụng, các đương sự được hưởng di sản thừa kế của cụ H1 và ông C có quyền khởi kiện thành một vụ án khác.

Về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế: Không có yêu cầu nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét, giải quyết.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về chi phí tố tụng: Nguyên đơn tự nguyện chịu 4.000.000 đồng tiền xem xét thẩm định, định giá tài sản (đã nộp đủ và chi phí xong).

Về án phí dân sự sơ thẩm:

Miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho cụ Hồ Thị K.

Ông Nguyễn Anh V, bà Nguyễn Thị Ngọc N1, bà Nguyễn Thị Ngọc T3, bà Nguyễn Thị Ngọc N, ông Nguyễn Anh T2 và bà Nguyễn Thị Ngọc T mỗi người phải chịu 42.659.902 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

[3] Về án phí dân sự phúc thẩm:

- Bà Nguyễn Thị Ngọc T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại cho bà T 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004591, ngày 03/10/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.

- Ông Nguyễn Anh T2 phải chịu 3.000.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004524, ngày 22/9/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.

- Bà Nguyễn Thị Ngọc N phải chịu 3.000.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004523, ngày 22/9/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố B.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

[5] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

257
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 400/2023/DS-PT

Số hiệu:400/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:13/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về